Monday, September 14, 2015

Ác mộng Mỹ

John W. Whitehead bình luận về ác mộng Mỹ, không phải hình mẫu công lý trong mơ như truyền thông và chính quyền Mỹ vẫn tô vẽ. Một hệ thống đã sụp đổ, không còn bảo vệ con người mà chỉ còn bảo vệ lợi ích của chính quyền và lợi nhuận của doanh nghiệp. Dưới đây là bản dịch bài đăng trên tạp chí ColdType số 102, tháng 8 năm 2015.

American nightmare

Làm sao cuộc đời của một con người 
lại nằm trong tay của kẻ ngốc? 
Thấy anh ta bị mưu hại rõ ràng 
chẳng có ích gì ngoài việc khiến tôi thấy xấu hổ 
khi sống ở một đất nước 
mà công lý chỉ là trò chơi.
– Bob Dylan, “Hurricane”

Tổng thống đầu tiên viếng thăm nhà tù liên bang
Viên cảnh sát gọi điện: Nam giới da đen, trong bộ veston đen vừa vặn bóng bẩy, thái độ kiêu ngạo, đi với biệt danh "Ngài Tổng Thống", phòng giam nào thiếu phạm nhân?
Nguồn: Otherwords
Công lý ở Hoa Kỳ không phải là thứ vẫn được tán dương ầm ĩ. Chỉ cần hỏi Jeffrey Deskovic, người đã phải ngồi tù 16 năm về tội hiếp dâm và sát nhân mà ông ấy không gây ra. Bất chấp sự thật là DNA của Deskovic không khớp với DNA tìm thấy ở hiện trường, ông bị cảnh sát chọn là nghi phạm bởi vì đã khóc ở lễ tang của nạn nhân (khi đó ông mới 16 tuổi), sau đó bị quấy nhiễu suốt hai tháng để phải nhận tội. Ông ấy mới nhận được 6,5 triệu dollar tiền bồi thường.

James Bain ngồi tù 35 năm vì tội bắt cóc và cưỡng hiếp một bé trai 9 tuổi, nhưng ông ấy thực sự vô tội. Bất chấp sự thật là bằng chứng của công tố viên rất thiếu sức thuyết phục – dựa vào sự tương đồng giữa tên của Bain và tên của kẻ cưỡng hiếp, Bain có một chiếc mô tô màu đỏ và Bain bị một cậu bé 9 tuổi mắc chứng tăng động nhận dạng nhầm – Bain bị kết án tù chung thân. Cuối cùng, ông được trả tự do và nhận được 1,7 triệu dollar tiền bồi thường sau khi kiểm tra DNA chứng minh ông vô tội.

Mark Weiner thoát án tương đối đơn giản so với trải nghiệm của hàng ngàn người đang ngồi tù chung thân vì những tội ác mà họ không gây ra. Weiner bị bắt hoàn toàn trái luật, bị kết án và ngồi tù hơn hai năm vì tội ác mà ông không gây ra. Trong vụ án của ông, một phụ nữ trẻ cáo buộc Weiner đã ngược đãi cô, đánh ngã cô và sau đó gửi tin nhắn chế nhạo bạn trai cô là sẽ cưỡng hiếp cô. Bất chấp bằng chứng là tín hiệu điện thoại di động, lời kể của nhân chứng và lời chứng của chuyên gia cho thấy cô gái trẻ đã bịa ra toàn bộ vụ việc, công tố viên và quan tòa đã liên tục phủ nhận mọi bằng chứng chống lại lời khai gian của cô gái, kết án Weiner 8 năm tù. Weiner chỉ được trả tự do sau khi người cáo buộc ông bị bắt vì bán cocaine cho cảnh sát chìm.

Cùng thời gian đó, Weiner mất việc, mất nhà, mất khoản tiết kiệm, mất thời gian được sống với vợ và con trai nhỏ. Như phóng viên nhà báo Dahlia Lithwick của tờ Slate cảnh báo, “Nếu bất cứ ai cho rằng việc Mark Weiner được phóng thích tuần này có nghĩa là “hệ thống hiệu quả” thì tôi sợ rằng sẽ phải đấm vào gáy hắn. Bởi vì tại từng vòng xét xử, cái hệ thống phải hoạt động để khẳng định bằng chứng vô tội của Weiner đã thất bại.” Hệ thống cần phải hoạt động đã không hoạt động, bởi vì hệ thống đã đổ vỡ, hầu như không thể sửa chữa được nữa. 

Ở phòng xử án giật gân như phim 12 Người Đàn Ông Giận Dữ và Giết Con Chim Nhại, cuối cùng công lý cũng được thực thi bởi vì ai đó – cho dù là bồi thẩm viên số 8 hay Atticus Finch – chọn cách đứng về phía nguyên tắc và chống lại sự sai trái, cuối cùng sự thật chiến thắng.

Bất hạnh thay, trong thế giới thực, công lý khó có thể thực thi, sự vô tư hầu như không được biết đến và sự thật thì hiếm khi chiến thắng.

Trên giấy tờ, anh có thể vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, nhưng trên thực tế, anh đã bị cảnh sát, công tố viên và quan tòa xét xử, chứng minh có tội và kết án từ rất lâu trước khi anh xuất hiện ở tòa án. Sự bất công kinh niên đã biến giấc mơ Mỹ thành ác mộng.

Trong từng bước của quá trình, cho dù là đụng độ với cảnh sát, thỏa thuận với công tố viên, thẩm vấn ở tòa án với các quan tòa và bồi thẩm đoàn, hay án tù tại một trong hàng sa số các nhà tù quốc gia, hệ thống bị sàng lọc với sự tham nhũng, lạm dụng và xâm phạm nghiêm trọng mọi quyền công dân.

Các quyền mà bị cáo có trong quá trình truy tố - quyền giữ im lặng, quyền được thông tin về những cáo buộc chống lại bản thân, quyền được có luật sư đại diện, quyền được xét xử không thiên vị, quyền có một phiên tòa nhanh chóng, quyền chứng minh sự vô tội với nhân chứng và vật chứng, quyền được bảo lãnh hợp lý, quyền không bị héo mòn trong nhà giam trước khi được xét xử, quyền được đối mặt với nguyên đơn, vv – chẳng có nghĩa gì hết khi mà chính quyền được phép lách luật bất cứ khi nào thấy việc đó tiện lợi.

Cần phải nói rằng trong khi tổng thống Obama phát biểu những điều hoàn toàn đúng đắn về tình trạng đổ nát của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ - rằng chúng ta bỏ tù quá nhiều người Mỹ vì những tội phi bạo lực (chúng ta chiếm 5% dân số thế giới nhưng số lượng tù nhân chiếm gần 25% số tù nhân của cả thế giới), rằng chúng ta chi nhiều tiền cho nhà tù hơn bất cứ quốc gia nào khác (80 tỷ dollar mỗi năm), rằng chúng ta kết án tù dài hơn mức độ tội phạm của người dân, rằng hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta mù màu, rằng đường ống trường dẫn từ trường học-tới-nhà tù của quốc gia đang đóng góp vào sự quá tải của các nhà tù, rằng chúng ta cần tập trung vào cải tạo tội phạm hơn là trừng phạt – thì ông ấy đã không chỉ ra vai trò chủ chốt của chính quyền trong sự bất công ở Hoa Kỳ. 

Thật sự là khi mà Obama đặt trách nhiệm cải cách vào tay của các công tố viên, quan tòa và cảnh sát, ông ấy đã không thừa nhận rằng chúng ta phải trả giá cho hệ thống tư pháp thất bại, cùng với các cơ quan lập pháp và doanh nghiệp đang cộng tác với họ để tạo ra môi trường chống lại quyền của bị cáo. Trong môi trường đó, tất cả chúng ta đều là kẻ bị truy tố, kẻ có tội và kẻ bị tình nghi.

Như tôi đã trình bày trong cuốn sách “Chiến trường Hoa Kỳ: Cuộc chiến chống lại nhân dân Mỹ”, chúng ta đang triển khai một mô hình mới, trong đó công dân được giả định là có tội và bị đối xử như với nghi phạm, sự đi lại của chúng ta bị theo dõi, thông tin liên lạc của chúng ta bị giám sát, tài sản của chúng ta bị bắt giữ và khám xét, sự toàn vẹn thân thể của chúng ta bị xâm phạm, quyền được “sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc” không thể bác bỏ của chúng ta bị phớt lờ khi trái với các ưu tiên của chính quyền. 

Mọi người Mỹ hiện nay đều có nguy cơ trở thành mục tiêu và bị trừng phạt bởi một tội ác mà họ không hề gây ra, nhờ vào sự thừa thãi của những đạo luật bí mật. Làm cho mọi sự tồi tệ hơn, bằng cách cho phép các nhân viên chính quyền được đứng trên luật pháp, sai phạm được miễn tố, chúng ta đã tạo ra tình hình là luật lệ được áp đặt một phía và từ trên xuống, được sử dụng để đàn áp dân chúng, trong khi không thể giúp chúng ta chống lại sự lạm dụng của chính quyền. 

Thêm vào sự hỗn độn là hệ thống nhà tù vì lợi nhuận, chính quyền bang và liên bang đồng ý giữ cho các nhà tù đầy để các doanh nghiệp tư nhân vận hành nhà tù, anh sẽ chỉ thấy có một từ duy nhất để mô tả tình trạng tha hóa đê tiện này là “độc ác”. 

Anh có thể giải thích ra sao về hệ thống cho phép viên chức cảnh sát bắn trước và hỏi sau, không có bất cứ hậu quả nào cho hành động xấu xa của họ? Bất chấp sự phẫn nộ ban đầu về vụ bắn hạ các cá nhân không vũ trang ở Ferguson và Baltimore, tốc độ bắn giết của cảnh sát không hề giảm đi. Sự thật là gần 400 người đã bị cảnh sát bắn hạ trên cả nước trong nửa đầu năm 2015, khoảng hai vụ mỗi ngày. Đây chỉ là những vụ bắn giết theo dõi được. Hầu hết những người bị giết, khoảng 1/6 không có vũ trang hoặc mang súng đồ chơi.

Những người sống sót trong vụ đụng độ với cảnh sát sẽ kết thúc phía sau tường giam nhà tù, chờ đợi một “phiên tòa vô tư và nhanh chóng,” nhưng sẽ phải chờ lâu. 60% số người đang ngồi tù vẫn chưa bị kết án. Có 2,3 triệu người đang ngồi tù ở Hoa Kỳ. Những người không thể đóng nổi tiền bảo lãnh, “một số vô tội, đa số họ không bạo lực và đại đa số nghèo khổ”, sẽ phải ngồi tù 4 tháng trước khi được xét xử.

Thậm chí, “ngày xét xử” như đã hứa hẹn cũng không đảm bảo công lý sẽ được thực thi. Như quan tòa Alex Kozinski của Tòa Phúc Thẩm khu vực số 9 đã chỉ ra, hàng sa số các yếu tố có thể khiến một người đàn ông hay đàn bà vô tội phải ngồi tù suốt đời: nhân chứng không đáng tin cậy, chứng cứ pháp lý sai, nhớ nhầm, cưỡng ép tự thú, các chiến thuật hỏi cung tàn nhẫn, quan tòa thiếu thông tin, vi phạm tố tụng, bằng chứng giả, các bản án tàn nhẫn, đó mới chỉ là một số cái tên.

Vào đầu năm 2015, Bộ Tư Pháp và FBI “đã chính thức thừa nhận rằng mọi bác sĩ pháp y ở đơn vị pháp lý cao cấp của FBI đều đã khai gian trong hầu hết các phiên toàn mà họ đưa ra bằng chứng chống lại các bị cáo hình sự trong suốt hơn hai thập kỷ…. Sự thừa nhận đã tạo ra một bước ngoặt trong xì căng đan pháp lý lớn nhất nước, đánh dấu sự thất bại của tòa án quốc gia trong nhiều thập kỷ sử dụng các thông tin khoa học giả từ hội thẩm viên, các nhà phân tích pháp lý nói.”

“Những nhà khoa học đểu giả và cảnh sát xấu đã phá hỏng hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta ra sao?” quan toàn Kozinski hỏi. “Câu trả lời đơn giản là một số công tố viên đã nhắm mắt làm ngơ trước sự sai trái bởi vì họ quan tâm đến việc truy tố hơn là đạt được kết quả công bằng.”

Quyền lực của công tố viên cũng không thể đánh giá thấp. Khi chúng ta nói về những người vô tội bị bỏ tù vì những tội họ không gây ra thì công tố viên đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra sự bất công. Như tờ Washington Post đưa tin, “Các công tố viên thắng 95% các vụ án, 90% trong số họ không cần phải đến tòa án …. Công tố viên Mỹ liệu có thực sự tốt như vậy không? Không … bởi vì thỏa thuận nhận tội, một hệ thống bắt nạt và hăm dọa của các công tố viên, với điều đó họ “sẽ bị khai trừ ở hầu hết các quốc gia nghiêm túc khác….”

Hiện tượng những người vô tội nhận tội đã chế nhạo tất cả những thứ mà hệ thống tư pháp hình sự được cho là sẽ bảo vệ: sự vô tư, bình đẳng và công lý. Như quan tòa Jed S. Rakoff kết luận, “hệ thống tư pháp hình sự là một hệ thống thỏa thuận nhận tội đặc biệt, đàm phán sau những cánh cửa đóng kín và không có sự giám sát pháp lý. Kết quả hầu hết chỉ do các công tố viên quyết định.”

Có khoảng từ 2 đến 8% các nghi phạm trọng tội đồng ý nhận tội với công tố viên (hãy nhớ là có 2,3 triệu tù nhân ở Hoa Kỳ) đang ở trong tù vì các tội mà họ không gây ra.

Rõ ràng, Liên Minh An Toàn Công Cộng đã đúng khi kết luận, “Anh không cần phải trở thành tội phạm để cuộc đời bị hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ phá hủy.”

Mọi việc không phải lúc nào cũng theo cách đó. Như quan tòa Rakoff nhắc lại, các cha lập quốc đã mường tượng một hệ thống tư pháp hình sự có thành phần trọng yếu “là xét xử tư pháp, không chỉ đóng vai trò như là cơ chế tìm kiếm sự thật và là công cụ để đạt được sự vô tư, những đồng thời cũng là lá chắn chống lại sự bạo ngược.”

Lá chắn chống lại sự bạo ngược đã bị xé nát từ lâu, khiến cho người Mỹ dễ bị tổn thương trước sự tàn bạo, sự phù phiếm, sai lầm, tham vọng và sự tham lam của chính quyền cũng như những đối tác của họ trong tội ác. 

Tất cả tiền trên thế giới cũng không đủ để bồi thường cho những người có cuộc sống bị gián đoạn bởi những bản án sai lầm. Trong suốt một phần tư thế kỷ qua, hơn 1.500 người Mỹ đã được phóng thích khỏi nhà tù sau khi được minh oan. Đó là những người may mắn.

Về khả năng minh oan cho những can phạm có thể chứng minh sự vô tội sau khi đã ngồi tù 10, 20 hay 30 năm, thẩm phán Kozinski ước tính rằng có thể có nhiều người vô tội nhưng không thể chứng minh được điều đó, không tiếp cận được luật sư, bằng chứng, tiền và phương thức kháng án. 

Đối với những người vẫn chưa hoàn toàn có kinh nghiệm về sự bất công của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đã từ lâu, Hoa Kỳ không còn vận hành theo hệ thống tư pháp đặc trưng bằng xét xử, một giả định về sự vô tội, nguyên nhân chắc chắn và sự ngăn cấm rõ ràng đối với việc lạm quyền của chính quyền và lạm dụng của cảnh sát. Thay vào đó, tòa án tư pháp của chúng ta đã biến thành tòa trật tự, bảo vệ cho lợi ích của chính quyền, hơn là bảo vệ quyền của công dân, như đã được quy định trong Hiến Pháp.

Không có bất cứ tòa án nào sẵn sàng ủng hộ các điều khoản của Hiến Pháp khi quan chức chính quyền lảng tránh chúng, không có một công dân đủ hiểu biết để phẫn nộ khi các điều khoản này bị xếp xó, Hiến Pháp không giúp gì cho việc chống lại nhà nước cảnh sát.

Hay nói cách khác, trong thời đại của công lý trống rỗng, tòa trật tự, sự bạo ngược của chính quyền, Hiến Pháp không còn là biện pháp bảo vệ chống lại hành động sai trái của chính quyền như đột kích của đội SWAT, giám sát nội địa, cảnh sát bắn công dân không vũ trang, giam giữ vô thời hạn, tịch thu tài sản, vi phạm thủ tục tố tụng và những thứ tương tự.

3 comments:

  1. George Junius Stinney là thằng bé ít tuổi nhất nước Mỹ bị xử tử năm 1944, khi ấy nó mới 14 tuổi.

    Khôi hài là khi đưa Stinney lên ghế điện, thằng bé quá thấp để bị điện giật chết. Đám thi hành án lúng túng không biết làm sao. Cuối cùng, 1 bổn tòa nảy ra sáng kiến kê vào đít nó 1 quyển kinh thánh dày, thứ cha cố vẫn dùng để đưa tiễn con chiên sang thế giới bên kia.

    Khôi hài hơn, 70 năm sau khi nó bị xử chết, người ta mới phát hiện ra, thằng bé hoàn toàn vô tội.

    ReplyDelete
  2. Pháp luật của Hoa Kỳ thế này bảo sao dân chả sợ mà thi hành răm rắp. Nhiều người khen sự kỷ cương của các nước phát triển, tuy nhiên có vẻ là vì dân sợ nhiều hơn, đụng vào đâu là tốn kém.

    ReplyDelete
  3. Văn hóa phạt ở HK là phạt vào túi tiền @_@

    ReplyDelete