Tuesday, August 4, 2015

Ăn trộm rau ở xưởng xứ Tây

Hồi còn ở xứ Tây, vào mùa hè tôi thường đi làm ở một xưởng chế biến rau củ. Chủ xưởng là một ông bác sĩ già, lúc nào cũng đạo mạo lịch sự, mặc nguyên bộ veston và xưng hô luôn bằng ngôi "Ngài" với công nhân. Xưởng này thuê toàn nhân công nước ngoài nhập cư với đồng lương rẻ mạt, chỉ có hai người Việt Nam làm ở đó, còn lại là đủ các thành phần từ Châu Phi cho tới  các nước Đông Âu.

Công việc rất nặng nhọc, thời gian làm việc dài, thông thường là 10 tiếng một ngày, những hôm nào nhiều việc hoặc máy móc bị hỏng thì có thể phải làm việc đến 14 tiếng. Luật pháp dường như không bao giờ được áp dụng ở đây vì toàn bộ công nhân chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, không có bất cứ phúc lợi nào. Lương lại thấp mà lúc nào cũng bị đốc công và chủ xưởng thúc ép nên công nhân ở đây hay cáu kỉnh và tỏ vẻ mệt mỏi.

Bộ phận cắt rau có khoảng mười người làm bên một cái băng chuyền và họ phải sơ chế một số lượng khổng lồ rau củ mỗi ngày, công nhân luôn làm nhanh hết mức có thể vì đằng sau lưng họ có một đốc công dùng đồng hồ bấm giờ để theo dõi tốc độ làm việc của từng người. Mỗi khi công nhân chế biến một loại rau nhập khẩu từ Italia về, thế nào ông bác sĩ cũng xuống xưởng ra chỗ cửa chứa rác ở đằng sau cái băng chuyền, nhặt vài lá rau ấy lên và nói: "Rau này giá 6,5 Euro/kg (bằng tiền công 1 giờ của công nhân), xin các ngài tiết kiệm cho. Hãy xem lá rau này, phần dập của nó rất ít ở bên mép, các ngài chỉ cần cắt bỏ một chút là vẫn dùng được." Sau đó một công nhân ở gần đó sẽ phải bốc toàn bộ đống rau ấy lên để sơ chế lại. Gã trưởng nhóm cắt rau luôn nhại lại hành động của ông bác sĩ mỗi khi có dịp thuận lợi, nhưng gã không bắt công nhân nhặt rau lên mà dùng chân dẫm nát hết.

Một lần con dao cắt rau của tôi bị sút cán. Người quản lý trực tiếp ở xưởng là con trai út của chủ xưởng dẫn tôi vào kho chứa dụng cụ, cũng là văn phòng của xưởng, để lấy dao mới. Lúc ấy, ông bác sĩ đang ngồi làm việc ở đó. Anh con trai cố tình nói rất to với tôi: "Ngài biết không, dao phải có chất lượng tốt, những con dao tồi như thế này rất nguy hiểm. Ngài hãy tưởng tượng con dao chặt bắp cải to đùng như cây đao kia mà bị sút cán khi người ta vung nó lên xem. Tai nạn chết người ngay!" Ông bố liền quát anh con trai: "Đưa ngay con dao mới để anh ấy đi làm." Suốt nhiều mùa hè sau tôi làm việc ở đó, xưởng vẫn chỉ sử dụng một loại dao ấy.

Cuối buổi làm việc, công nhân có thú vui gọi là "đi chợ", tức là lẻn vào kho lạnh chứa rau, trộm lấy ít rau củ rồi giấu vào túi xách mang về nhà. Chủ xưởng biết nhưng thường làm ngơ vì tổn thất không đáng bao nhiêu.

Sau đó một thời gian thì chuyện trộm vặt ấy trở thành vấn đề lớn khi công nhân bắt đầu lấy quá nhiều rau củ, có người lấy nguyên cả bao hành tây giấu vào cốp xe ô tô để mang về. Đám công nhân đã xì xào với nhau là nhiều người lấy rau về để bán lấy tiền chứ không phải để ăn. Chủ xưởng thông báo là sẽ đuổi việc những người lấy trộm rau, lắp camera theo dõi trong xưởng và cử người kiểm tra túi xách của công nhân khi hết giờ làm việc.

Song nạn mất trộm rau vẫn không giảm đi, chủ xưởng theo dõi và kiểm tra rất kỹ nhưng không phát hiện được ai trộm rau. Mọi chuyện cứ như là có ma làm vậy.

Một hôm, cái thùng xe tải chứa rác quá đầy ở giữa, tôi phải trèo lên thùng xe để san rác bớt ra các góc. Nhờ thế tôi phát hiện được là rau mất trộm đi đâu, trên thùng xe chứa rác có rất nhiều rau củ bị ném bỏ, nằm dưới một lớp rác. Công nhân không lấy trộm rau mang về nhà nữa mà họ ném chúng vào xe rác mỗi khi có thể. 

Một thời gian sau, thấy việc kiểm soát không có hiệu quả, chủ xưởng lặng lẽ tắt camera, bỏ người lục soát túi xách của công nhân, tờ thông báo đuổi việc người trộm rau cũng biến đâu mất. Phong trào đi chợ lại rôm rả trở lại, công nhân cuối mỗi buổi làm việc lại lẻn vào kho, trộm lấy ít rau mang về nhà. Tất nhiên giờ thì họ không lấy nhiều như trước nữa. 

4 comments:

  1. Ăn cắp vặt thì quốc gia nào cũng có thôi chứ chẳng riêng quốc gia nào, trừ nền văn minh nào. Biện pháp thì mỗi nơi có một biện pháp khác nhau. Và quan trọng hơn cả là làm sao để nạn đó được cải thiện hơn

    ReplyDelete
  2. Trải nghiệm rất thú vị. Anh làm em nhớ tới thời phong trào vô sản hóa mà Nguyễn Ái Quốc đã dặn các học trò thời ngay trước sự thành lập ĐCS.

    ReplyDelete
    Replies
    1. So sánh vậy hơi quá, mình chỉ gặp may khi được sống cuộc sống của một người lao động bình thường ở nước tư bản phát triển thôi.

      Delete
    2. Dạ vâng, em sẽ rút kinh nghiệm :D

      Delete