Tuesday, July 21, 2015

Merkel và cô bé tị nạn Palestine

Vài năm trước báo chí Việt Nam đã từng đăng bài kể về chuyện một cộng đồng người Đức ở địa phương đấu tranh để bảo vệ một gia đình tị nạn người Việt Nam khỏi bị trục xuất. Câu chuyện đó đã được coi là bằng chứng rực rỡ về giá trị nhân đạo và dân chủ của phương tây. Cách đây vài ngày, thủ tướng Đức đã xổ toẹt câu chuyện cổ tích ấy bằng cách thẳng thừng từ chối lời khẩn cầu của một bé gái tị nạn Palestine trên truyền hình. Tất nhiên báo chí Việt Nam cũng tường thuật câu chuyện đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới này, song điều khôi hài là họ không đặt dấu hỏi về giá trị nhân đạo hay dân chủ của phương tây mà lảng tránh bằng cách coi câu chuyện là sự vụng về của một chính khách.

Sau một tuần, đã có nhiều báo chí trên thế giới khai thác câu chuyện trên nhiều góc độ, nhưng chưa có ai đề cập đến vai trò của phương tây, mà đứng đầu là nước Đức, trong việc tạo ra một Trung Đông hỗn loạn, khiến những người dân ở đó phải rời khỏi tổ quốc của họ để tị nạn ở châu Âu. Dưới đây là bản dịch bài viết "Merkel and the Palestinian Refugee Girl: Why Everyone missed the point" của tác giả Susan Abulhawa.

Merkel và cô bé tị nạn Palestine: Tại sao tất cả mọi người đều quên điểm quan trọng nhất

Vào ngày thứ ba, 14 tháng 7, thủ tướng Đức Angela Merkel xuất hiện trên chương trình truyền hình có tên là “Cuộc sống tốt đẹp ở Đức”, trong chương trình đó bà nói chuyện với các thiếu niên địa phương. Trong số các khán giả có Reem, một bé gái tị nạn người Palestine 14 tuổi, chạy trốn khỏi trại tị nạn ở Lebanon 4 năm trước đây.

Với giọng nói run rẩy nhưng tiếng Đức trôi chảy, Reem nói, “Tôi cũng có mục đích như những người khác … Tôi muốn đến trường đại học.” Nhưng, cô giải thích, cô và gia đình đang phải đối mặt với sự trục xuất. “Thật là không dễ chịu khi thấy những người khác có thể tận hưởng cuộc sống còn mình thì không,” cô nói, “Tôi cũng muốn đi học như họ.”

Thủ tướng Đức trả lời với nỗi sợ hãi điển hình phương tây về người nhập cư. Bà nói rằng nếu nước Đức cho phép cô ở lại thì sẽ có hàng ngàn người Palestine, sau đó là hàng ngàn người từ “Châu Phi” [một quốc gia lớn ở số ít] tràn vào nước Đức. “Chúng tôi không thể đối phó với tình hình đó,” bà nói. Reem thất vọng và bật khó. Đoạn phim đối thoại giữa cô và thủ tướng Merkel đã được phát tán.

Các tít báo và phân tích chính trị khắp châu Âu và Hoa Kỳ nói về câu trả lời lạnh lùng của Merkel với cô bé dũng cảm, đang vô vọng về học tập, về cuộc sống ổn định, về thứ gì đó khác với nỗi sợ hãi dai dẳng và bất trắc đang bao phủ cuộc đời cô. Tôi đọc ít nhất là 15 ý kiến về chủ đề này và hầu hết chúng diễn tả sự kiện này trong phạm vi “cuộc khủng hoảng nhập cư” đang được tranh cãi khắp Tây Âu. Các nhà phê bình cánh tả lên án thủ tướng là vô tâm, yêu cầu châu Âu có trách nhiệm nhân đạo đối với những người bất hạnh trên trái đất. Các học giả cánh hữu ủng hộ quan điểm của Merkel rằng Châu Âu đã có quá đủ thứ để lo lắng và không nên gánh vác những vấn đề của thế giới. Những người khác chỉ đơn giản là thực dụng, hưởng ứng phát ngôn của Eva Lohse, chủ tịch hiệp hội các thành phố Đức, cảnh báo rằng, “năng lực của chúng ta đã chạm đến mức giới hạn.” 

Tất cả những phân tích này đều thiếu điểm quan trọng nhất.

Không có bất cứ phân tích nào đề cập đến sự thật rằng nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của người tị nạn như Reem là hành động của nước Đức. Reem và “hàng ngàn trong số hàng ngàn người tị nạn Palestine, như Merkel đã nói, không có tổ quốc bởi vì Đức, cùng với các quốc gia phương tây khác, đang tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa thuộc địa phục quốc Do Thái, họ đã trục xuất và sẽ tiếp tục trục xuất người Palestine bản địa ra khỏi quê hương do ông bà tổ tiên để lại.

Reem sẽ không cần đến “sự thương hại” của nước Đức khi nước Đức yêu cầu các khoản viện trợ quân sự và tài chính khổng lồ mà họ cấp cho Israel được ràng buộc bằng những nguyên lý đạo đức và luật pháp quốc tế để đảm bảo quyền được sống ở quê hương của Reem. Reem có thể không thất bại trên thế giới nếu nước Đức sử dụng lợi ích kinh tế và thương mại của Châu Âu đối với Israel để vô hiệu hóa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Do Thái vốn coi Reem không phải là người cũng như di sản, quê hương và lịch sử của cô là vô giá trị.

Rất nhiều tài liệu cho thấy Đức ủng hộ Israel tiếp tục củng cố sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống và thể chế để cấp đặc quyền nhà nước và quyền công dân theo khu vực của họ. Đó là bởi vì sự che chở chính trị mà Đức tạo ra cho Israel để phá hủy đời sống, xã hội và văn hóa của người Palestine mà không bị trừng phạt đã khiến Reem trở thành người tị nạn. Ví dụ, vào mùa hè năm ngoái, sau khi Israel tấn công người Palestine ở dải Gaza trên bộ, trên không và trên biển, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc “khẩn cấp thành lập một ủy ban quốc tế độc lập để điều tra về những vi phạm [luật pháp quốc tế] trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem, đặc biệt là phần bị chiếm đóng của dải Gaza, trong phạm vi các chiến dịch quân sự được triển khai từ ngày 13 tháng 6 năm 2014.” Bất chấp sự kinh hoàng mà người Palestine phải chịu đựng trong suốt 51 ngày đêm, nước Đức đã không thể cho thấy sự ủng hộ tối thiểu với người Palestine bằng cách bỏ phiếu ủng hộ cuộc điều tra.

Khi xem đoạn phim, nhiều người hiểu biết về lịch sử đã giận dữ về chủ nghĩa gia trưởng phương tây. Merkel trả lời Reem đã thể hiện hoàn hảo sự từ chối đầy ý chí của chính quyền phương tây, mà họ chính là những kẻ đã tạo ra người tị nạn. Sự thật là một phần thế giới của chúng ta nằm trong đổ nát, sợ hãi và tàn phá hầu hết là do các “hoạt động” của đế quốc phương tây, những hoạt động này tìm kiếm sự thống trị hoàn toàn bất chấp và không tôn trọng cuộc sống của chúng ta. Từ Iraq cho đến Palestine hay Lybia, Đức đã đóng vai trò quan trọng trong việc tước đoạt mọi thứ của chúng ta. Cùng với các đồng minh phương tây, Đức đã tạo ra những kẻ ăn xin từ những bà mẹ, bác sĩ, giáo viên và tạo ra nhiều thế hệ bị tổn thương, thất học từ những dân tộc có trình độ phát triển cao. Họ phá hủy xã hội của chúng ta tới tận gốc rễ, phá vỡ những cơ chế xã hội kiểm soát những thành phần cực đoan nhất, khiến mọi thứ hỗn loạn, gia tăng nghèo khổ, những điều này tới lượt chúng lại khiến cho các tổ chức cực đoan của những kẻ cuồng tín trở nên hùng mạnh. 

Thế nên những học giả cánh tả, cánh hữu và thực dụng, làm ơn hay để chúng tôi yên, những ba hoa rỗng tuếch của các vị về việc các vị nên hay không nên “giúp đỡ” người khác chả có nghĩa gì. Việc cần thiết là chấm dứt những tổn hại do phương tây gây ra và duy trì. Ít nhất thì các vị cũng nên tỏ ra trung thực một chút trong việc thảo luận về nhập cư. Hãy đánh giá vai trò của các vị trong việc tạo ra khủng hoảng khắp trái đất, chính điều này đưa những người vô vọng đến biên giới của các vị. Hãy hỏi tại sao Reem là người tị nạn, dĩ nhiên là thế hệ thứ ba hoặc thứ tư, và đâu là vai trò của nước Đức trong thảm kịch vô tận vẫn đang tiếp tục bao phủ Palestine. 

Susan Abulhawa is a bestselling novelist and essayist. Her new novel, The Blue Between Sky and Water, was released this year and simultaneously published in multiple languages, including German.

2 comments:

  1. à, ra là đụng vào quốc gia khởi nghiệp thần thánh của nhiều người.

    ReplyDelete
  2. Nó sẽ chỉ là một câu chuyện bình thường nếu như không được chú ý. Nhưng cũng thật may mắn là câu chuyện này được nhiều người biết đến. Hình ảnh cô bé tị nạn là nhân vật cụ thể cho nhiều người tị nạn khác

    ReplyDelete