Friday, June 26, 2015

Sách giáo khoa lịch sử của Hoa Kỳ lảng tránh chủ đề chiến tranh xâm lược Việt Nam

Mỗi khi bàn đến chuyện học và dạy môn lịch sử là báo chí lại đua nhau đăng bài ca ngợi cách dạy và học môn lịch sử của Mỹ để làm gương cho Việt Nam. Họ đăng hình ảnh của một buổi học và thực hành có phụ huynh tham dự để thấy sự sinh động, hay phê phán:...ở Việt Nam vẫn chưa vượt qua những bài giảng mang nặng tính ý thức hệ và duy ý chí. Nhưng James W. Loewen, trong cuốn sách "Lies My Teacher Told Me" do nhà xuất bản Touchstone phát hành năm 2007, lại tiết lộ những bí mật kinh khủng khác trong việc dạy và học lịch sử ở Mỹ như lảng tránh sự thật, cắt xén lịch sử, áp đặt quan điểm chính thống... đặc biệt là người Mỹ lẩn tránh chủ đề chiến tranh Việt Nam, không có báo chí hay sách vở nào ở Việt Nam nói về điều này. 

Dưới đây là bản dịch chương 9 "Down the Memory Hole: The Disappearance of Recent Past" của cuốn sách.

Nếu chúng ta không nói về chúng, những người khác chắn sẽ viết lại đề cương. Mỗi túi xác, mỗi ngôi mộ tập thể sẽ được mở ra và nội dung của chúng sẽ được phù phép thành nguyên nhân cao quý.
George Swiers, Cựu chiến binh Việt Nam1

Khi thông tin có vẻ như thuộc về công chúng bị những người có quyền lực kiểm soát một cách có hệ thống, người dân sớm trở thành ngu ngốc về công việc của họ, thiếu tin tưởng những người cai quản họ và – thậm chí – không có khả năng quyết định vận mệnh của họ.
Richard M. Nixon2

Mục tiêu của nhà sử học là biết những thành phần của hiện tại thông qua việc hiểu biết những gì đi từ quá khứ đến hiện tại, do hiện tại chỉ là quá khứ phát triển lên…. Mục tiêu của nhà sử học là hiện tại sống động.
Frederick Jackson Turner3

Chúng ta nhìn mọi thứ không phải như chúng tồn tại mà như chúng ta tồn tại.
—Anai's Nin

Chìm trong quên lãng: Sự biến mất của quá khứ gần

Nhiều xã hội Châu Phi phân chia con người thành ba loại: những người còn sống trên trái đất, sasha và zamani. Những người mới chết có thời gian trên trái đất chồng lên thời gian của những người còn sống là sasha, xác sống. Họ chưa chết hoàn toàn, họ vẫn còn tồn tại trong ký ức của người sống, những người có thể nhắc tới họ trong ý nghĩ, tạo ra hình ảnh của họ trong nghệ thuật và mang họ trở lại đời sống bằng giai thoại. Loại còn lại là tổ tiên đã chết, đã rời bỏ sasha để trở thành zamani, người chết. Khi tổ tiên được khái quát hóa, zamani không bị quên lãng mà được tôn kính. Nhiều người như George Washington hay Clara Barton có thể được nhắc tên. Nhưng họ không phải là xác sống. Đây là sự khác biệt. 4

Do chúng ta thiếu những khái niệm Kiswahili nên chúng ta hiếm khi nghĩ về sự khác biệt này một cách có hệ thống, nhưng chúng ta cũng vẫn làm điều đó. Xét xét cách thức chúng ta đọc mô tả về một sự kiện đã trải qua, đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào đó, bất kể là sự kiện thể thao hay Chiến Tranh Vùng Vịnh, chúng ta đọc với tinh thần phê phán, đánh giá sai lầm hay đồng ý hoặc học những điều đúng đắn của tác giả. Khi chúng ta nghiên cứu quá khứ xa hơn, chúng ta có thể cũng đọc một cách phê phán, nhưng chúng ta chỉ có ít cơ sở về nó và để phê phán những gì chúng ta đọc.

Các tác giả của sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ dường như quá rõ về sasha – sự thật là giáo viên, cha mẹ và các thành viên của ủy ban chấp nhận sách giáo khoa đều đã từng trải qua quá khứ gần đây. Họ dường như không cảm thấy dễ chịu với điều đó. Tôn kính zamani  - tổ tiên chung – hợp với phong cách của họ hơn. Theo định nghĩa, thế giới của sasha là mâu thuẫn, bởi vì độc giả đưa vào đó kiến thức và hiểu biết của bản thân, có thể không đồng thuận với những gì được viết, do đó, càng nói ít về quá khứ gần thì càng tốt. Tôi đã nghiên cứu cách thức mà mười bài tường thuật lịch sử Hoa Kỳ trong mẫu trình bày về lịch sử trong năm thập kỷ cho tới những năm 1980. (Tôi loại trừ những năm 1980 bởi vì một số sách giáo khoa xuất hiện vào thập kỷ này, nên chúng không thể tường thuật đầy đủ được.) Tính trung bình sách giáo khoa dùng 47 trang cho những năm 1930, 43,6 trang cho những năm 1940 và dưới 35 trang cho mỗi thập kỷ tiếp theo. Ngay cả thập kỷ 1960 đầy xáo trộn – trong đó có phong trào dân quyền, phần lớn cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ sát hại Martin Luther King, Jr., Medgar Evers, Malcom X, John và Robert Kennedy – cũng có ít hơn 35 trang.   
Tôi sử dụng khái niệm tường thuật giới hạn trong những đoạn trước bởi vì nghiên cứu cho thấy một sự khác biệt rõ ràng giữa sách giáo khoa tìm hiểu và sách giáo khoa tường thuật. Hai cuốn sách Khám Phá Lịch Sử Hoa Kỳ và Cuộc Phiêu Lưu Hoa Kỳ, có rất nhiều bản đồ, hình ảnh minh họa và trích dẫn từ các nguồn sơ cấp, không thể hiện sasha. Sự chú ý của họ đối với quá khứ gần chỉ cho thấy ý đồ làm cho lịch sử phù hợp với các sự kiện và chủ đề hiện tại của tác giả. Thậm chí những chương đầu của hai cuốn sách giáo khoa này còn kêu gọi học sinh áp dụng những điều học được cho hiện tại. Do đó, bất chấp việc cả hai cuốn sách đã được xuất bản trước khi những năm 1970 kết thúc, chúng giành nhiều không gian hơn cho những năm 1960 và 1970 so với mười cuốn sách giáo khoa tường thuật còn lại, không có cuốn sách giáo khoa tìm hiểu nào trên thị trường. Việc chúng thiếu sức sống trên thị trường có thể đoán rằng trong quá khứ gần đây các nhà xuất bản sách giáo khoa tường thuật đã đáp ứng được nhu cầu. Có vẻ như là nhu cầu tránh sự xung đột.

Lảng tránh sasha chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Tác giả sách giáo khoa có thể làm việc dựa theo giả định rằng tường thuật về các sự kiện mới qua là không cần thiết vì sinh viên đã biết về chúng. Mặc dù vậy, khi tác giả sách giáo khoa có khuynh hướng lớn tuổi, sasha của họ là zamani của học sinh.
  
Khi giáo sư đại học chúng ta trở nên già hơn, chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn về những điều mà sinh viên không biết trong quá khứ gần. Tôi nhận ra hiện tượng này lần đầu tiên khi những năm 1970 biến thành những năm 1980. Khi giảng dạy về chiến tranh Việt Nam, tôi nhận được nhiều hơn những cái nhìn ngơ ngác. Một phần tư, sau đó là một nửa và vào những năm 1990, 4/5 số sinh viên năm thứ nhất không biết gì về ý nghĩa của từ có bốn chữ cái hawk (diều hâu) và dove (bồ câu). Vào ngày đầu tiên của khóa học năm 1989, tôi đưa ra cho sinh viên một câu đố từ có câu hỏi mở, “Ai đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam?” Gần một phần tư sinh viên của tôi trả lời là binh lính Bắc và Nam Triều Tiên! Tôi đã sững sờ - đối với tôi điều này tương tự như câu trả lời  “1957” cho câu hỏi “Cuộc chiến tranh 1812 diễn ra vào năm nào?” Trên thực tế, nhiều học sinh mới tốt nghiệp trung học biết về chiến tranh 1812 hơn chiến tranh Việt Nam.5 Điều đó chẳng có nghĩa gì nhiều và không đáng để lên án học sinh. Đó khó có thể là lỗi của chúng. Nếu hồi ức công dân của chúng ta bắt đầu khi chúng ta mười tuổi thì sinh viên cuối cùng có chút hồi ức về chiến tranh Việt Nam đã tốt nghiệp trung học vào năm 1983. Chiến tranh là lĩnh vực bỏ trống đối với sinh viên hiện nay, họ chưa ra đời khi nó kết thúc. Phong trào phụ nữ, vụ Watergate, và nhiệm kỳ của tổng thống Carter cũng tương tự như vậy. Phim ảnh, tiểu thuyết, ca khúc và các phương tiện văn hóa đại chúng khác cũng đề cập quá khứ gần, nhưng trộn lẫn giữa sự thật và hư cấu, nhưng mọi người hâm mộ phim Rambo có thể làm chứng.6 Sinh viên cần thông tin về quá khứ gần từ các khóa học lịch sử ở trường trung học. Trên hết, quá khứ gần là lịch sử có tác động hầu như tức thì đối với đời sống hàng ngày của chúng ta.

Quan niệm rằng khóa học lịch sử nên hạ thấp sasha so với zamani ở xa thật là ngoan cố. So sánh tường thuật của sách giáo khoa về chiến tranh Việt Nam và chiến tranh 1812 sẽ minh họa cho sự ngoan cố này. Cuộc chiến tranh 1812 diễn ra gần hai thế kỷ trước đã giết chết khoảng 2 ngàn người Mỹ. Tuy nhiên, sách giáo khoa lịch sử trung học Hoa Kỳ giành cho nó số trang tương tự với cuộc chiến tranh Việt Nam – 9 trang. Người ta có thể lập luận, tôi nghĩ vậy, rằng chiến tranh 1812 quan trọng hơn chiến tranh Việt Nam và cần phải có nhiều không gian. Sách giáo khoa lịch sử của chúng ta không khẳng định như vậy: hầu hết tác giả sách giáo khoa lịch sử không biết gì về chiến tranh 1812 và không khẳng định gì về sự quan trọng của nó.

Mặc dù cuộc chiến tranh 1812 chỉ dài bằng nửa chiến tranh Việt Nam, nhưng các tác giả xem xét nó chi tiết hơn. Họ kể một cách xa hoa về các trận đánh đơn lẻ và anh hùng trong 1812. Ví dụ cuốn Miền Đất Hứa giành ba đoạn cho trận hải chiến ven đảo Put-in-Bay trên hồ Erie, tức là mỗi đoạn cho một giờ của trận đánh! Việt Nam không được chi tiết như vậy! Không gian hà tiện chỉ là một phần của vấn đề. Chín trang phân tích thú vị về chiến tranh Việt Nam có thể chứng minh hơn cả đầy đủ. 7 Chúng ta phải hỏi về loại tường thuật của sách giáo khoa, với hình ảnh mà chúng đưa ra. Các bức ảnh là một phẩn của tư liệu chiến tranh ở Hoa Kỳ kể từ khi có những bức ảnh nổi tiếng của Matthew Brady về Nội Chiến. Ở Việt Nam, hình ảnh truyền hình đã xuất hiện nhưng những bức ảnh vẫn ấn tượng đối với nhận thức và cảm xúc của người dân Mỹ. Hơn bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử của chúng ta, chiến tranh Việt Nam được đặc trưng bằng hàng loạt hình ảnh đóng dấu vào ý thức của công chúng. Tôi hỏi hàng tá người trưởng thành đủ lớn tuổi để sống qua thời chiến tranh về hình ảnh sống động mà họ còn nhớ; danh sách mà họ đưa ra cho thấy sự trùng khớp đáng chú ý. Một danh sách ngắn bao gồm 5 bức ảnh:

Một nhà sư ngồi ở khu vực công cộng của Sài Gòn, tự thiêu để phản đối chính quyền Nam Việt Nam;

Một bé gái trần truồng chạy trên đường quốc lộ, trốn khỏi trận bom na-pam;

Giám đốc cảnh sát quốc gia xử tử một người đàn ông đang sợ hãi, bị tình nghi là Việt Cộng, với một phát súng lục vào thái dương;

Những xác chết nằm trong mương sau vụ thảm sát Mỹ Lai;

Những người Mỹ di tản từ mái nhà ở Sài Gòn bằng trực thăng, trong khi những người Việt Nam hốt hoảng tìm cách trèo lên khoang.

Danh sách này cũng có thể bao gồm hai hình ảnh chung khác: Máy bay B-52 đang thả bom trên phần lãnh thổ thủng lỗ chỗ như bệnh đậu mùa của Việt Nam, một thành phố hoang tàn như Huế, chẳng còn gì ngoài gạch vụn, khi quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam tiến vào giành lại quyền kiểm soát sau đợt tấn công Tết.

Chỉ cần đọc phần mô tả ngắn là những người Mỹ già nhất nhớ lại chi tiết của hình ảnh. Cảm xúc đã đưa họ quay trở lại quá khứ một cách sống động. Dĩ nhiên, kể từ khi Hoa Kỳ can dự sâu vào cuộc chiến từ năm 1965 đến 1973, người Mỹ phải ít nhất là 30 tuổi vào năm 1993 để có hình ảnh này trong sasha của họ. Ngày nay, thanh niên hiếm có cơ hội nhìn thấy hay gợi nhắc đến những hình ảnh này trừ khi sách giáo khoa lịch sử cho họ biết. Chúng không làm vậy. Những bức ảnh này đã bì vùi sâu vào lãng quên, rơi tuột vào lò nung, nơi các sự thật khó chịu bị thiêu thành tro bụi trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Cuốn sách duy nhất, Đám Rước Hoa Kỳ, có một trong những bức ảnh đã nêu; giám đốc cảnh sát bắn người đàn ông đang sợ hãi.10 Không có cuốn sách nào khác đăng bất cứ bức ảnh nào trong số những bức ảnh nêu trên. Cuộc Phiêu Lưu Mỹ có một bức ảnh chúng ta ném bom Việt Nam nhưng bức ảnh cho thấy máy bay B-52 và bom ở dưới không đem lai cảm giác về sự tàn phá đối với mặt đất.

Bảy bức ảnh được trích dẫn là các ví dụ quan trọng của tài liệu sơ cấp về chiến tranh Việt Nam. Phe diều hâu có thể tuyên bố rằng những bức ảnh này đã thổi phồng các khía cạnh chiến tranh mà chúng phản ánh. Mặc dù vậy, những bức ảnh này cũng có những khẳng định bổ sung đối với ý nghĩa lịch sử: chúng tạo ra lịch sử, do chúng tác động tới cách người Mỹ nghĩ về cuộc chiến. Một số trong những bức ảnh này tiếp tục “là những bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới từng được biết cho đến nay [1991],” theo Patrick Hagopian. Việc loại chúng khỏi sách giáo khoa lịch sử đã làm thay đổi độc giả hiện nay. Khi sinh viên của tôi viết, “Việc đưa ra bức ảnh một bé gái trần truồng kêu khóc sau khi bị bỏng na-pam đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của cuộc chiến tranh này đối với học sinh trung học.” Ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã ném số lượng bom gấp 3 lần số lượng bom được ném xuống tất cả các mặt trận trong chiến tranh Thế Giới thứ II, ngay cả khi cộng thêm bom nguyên tử mà chúng ta đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki, thế nên tác giả sách giáo khoa có nhiều bức ảnh về sự tàn phá của bom để lựa chọn. Trên mặt đất, sau đợt tấn công Tết, Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã chiếm giữ nhiều thành phố và thị trấn ở miền Nam Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam đã nã pháo Huế, Bến Tre, Quảng Trị và các thành phố khác trước khi chiếm lại chúng. Tuy vậy, không có sách giáo khoa nào tường thuật về những thiệt hại mà phe chúng ta gây ra.

Dĩ nhiên, tác giả và biên tập viên sách giáo khoa phải lựa chọn từ hàng ngàn bức ảnh về chiến tranh Việt Nam. Họ có thể lựa chọn khác đi và vẫn biện minh cho chiến tranh. Nhưng ít nhất họ cũng phải tường thuật sự tàn bạo đối với thường dân Việt Nam, những người này thường xuyên và bắt buộc phải đối mặt với chiến tranh mà không có giới tuyến, mà ở đó quân đội của chúng ta chỉ có khái niệm cực kỳ mơ hồ như đồng minh và đối thủ. Tấn công thường dân là chính sách của Hoa Kỳ, như tướng William C. Westmoreland đã mô tả về thiệt hại dân sự: “Đó có phải là tiêu diệt kẻ thù của dân chúng không?” Chúng ta đánh giá sự tiến bộ bằng cách đếm xác và vạch ra các khu vực bắn tự do, ở đó toàn bộ thường dân bị coi là kẻ thù. Chiến lược này không thể không dẫn đến các tội phạm chiến tranh. Do đó, Mỹ Lai không phải là sự kiện cá biệt, không đáng để đề cập trong lịch sử quốc gia mà thực sự quan trọng bởi vì sự đại diện cho những gì diễn ra trong toàn bộ chiến tranh ở Việt Nam. Mỹ Lai là ví dụ nổi tiếng nhất mà John Kerry, một Cựu Chiến Binh Việt Nam Chống Chiến Tranh, hiện giờ là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cho rằng “không phải là sự kiện đơn lẻ mà là tội ác thường ngày với sự nhận biết của sĩ quan và tất cả các cấp chỉ huy.” Xuất hiện trước Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế Thượng Viện vào tháng 4 năm 1971, Kerry nói, “Hơn 150 người xuất ngũ trong danh dự và nhiều cựu chiến binh được gắn huân chương cấp cao nhất đã làm chứng về tội ác chiến tranh ở Đông Nam Á.” Ông tiếp tục kể về cách quân đội Hoa Kỳ “đích thân cưỡng hiếp, cắt tai, cắt đầu, buộc dây điện từ máy điện đài vào bộ phận sinh dục và bật điện, cắt chân tay, nổ tung xác, bắn ngẫu nhiên vào thường dân, san bằng các ngôi làng theo kiểu Thành Cát Tư Hãn, bắn chết gia súc và chó cho vui, đầu độc thực phẩm dự trữ và tàn phá hoàn toàn miền nam Việt Nam. Tất cả những điều này là “thêm vào sự tàn phá thông thường của chiến tranh.”15 Những bức ảnh về việc lính Mỹ châm lửa đốt nhà của người Việt Nam, một hình ảnh thường thấy trong chiến tranh, sẽ nhấn mạnh điều này, nhưng không có bất cứ sách giáo khoa nào sử dụng bất cứ hình ảnh tội lỗi nào của người Mỹ. Không có sách giáo khoa nào có bất cứ bức ảnh nào về sự phá hủy, thậm chí các mục tiêu hợp lệ, mà phía chúng ta gây ra. Chỉ có cuốn sách Khám Phá Lịch Sử Hoa Kỳ, một cuốn sách giáo khoa tìm hiểu, mô tả vụ thảm sát Mỹ Lai là sự kiện đơn lẻ. Thêm vào đó, để cho học sinh dốt nát về lịch sử chiến tranh, sự im lặng của các cuốn sách giáo khoa khác về chủ đề này cũng làm cho phong trào phản chiến khó hiểu.

Hai tác giả sách giáo khoa, James West Daividson và Mark H. Lytle, thể hiện ở đâu đó là biết về tầm quan trọng của vụ thảm sát Mỹ Lai. “Chiến lược của Hoa Kỳ hàm chứa sự tàn bạo,” Lytle nói với tôi. Davidson và Lytle dùng gần hết một chương trong cuốn sách After the Fart để mô tả vụ thảm sát Mỹ Lai. Ở đó họ cho biết tin tức về vụ thảm sát đã làm Hoa Kỳ sửng sốt ra sao. “Một điều chắc chắn là sự đụng độ trở thành thời điểm xác định trong nhận thức của công chúng về chiến tranh,”16 họ viết. Mặc dù vậy, họ không cho rằng học sinh trung học cần biết về điều đó trong sách giáo khoa lịch sử của họ, Hoa Kỳ - Lịch Sử Nước Cộng Hòa, giống như bảy cuốn sách khác trong mẫu của tôi, không bao giờ đề cập tới Mỹ Lai.

Nếu sách giáo khoa che giấu tất cả những bức ảnh quan trọng về chiến tranh Việt Nam thì những bức ảnh nào họ sẽ đăng? Hầu như là những bức ảnh không gây tranh cãi – lính đi tuần, đi qua đầm lầy, hay nhảy xuống từ trực thăng. Bảy cuốn sách giáo khoa có ảnh người tị nạn hay thiệt hại do phe bên kia gây ra, nhưng những thiệt hại đó thường có quy mô rất nhỏ so với những gì bom đạn của chúng ta gây ra, những bức ảnh không thật sự ấn tượng.

Văn của họ thì sao? Đáng buồn, tác giả sách giáo khoa cũng loại bỏ tất cả những trích dẫn đáng nhớ của thời kỳ đó. Martin Luther King, Jr., lãnh đạo chủ chốt đầu tiên chống chiến tranh, phản đối nó bằng ngữ điệu riêng của ông: “Chúng ta phá hủy hai thể chế quan trọng nhất của họ: gia đình và làng. Chúng ta phá hủy đất đai và mùa màng của họ …. Chúng ta làm hư hỏng phụ nữ và trẻ em của họ, giết đàn ông của họ.”17 Không có sách giáo khoa nào trích dẫn King. Thậm chí về người bất đồng chính kiến nổi tiếng Muhammad Ali, sau này là nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới cũng vậy. Ali từ chối tham gia quân ngũ, vì thế mà ông đã bị tước danh hiệu, và nói, “Không có Việt Cộng nào từng gọi tôi là “mọi đen”.” Tất cả mười hai cuốn sách giáo khoa đều không trích dẫn. Sau đợt tấn công Tết, một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ tham gia vào việc tái chiếm Bến Tre nói, “Cần thiết phải phá hủy thành phố để bảo vệ nó.” Đối với bốn triệu người Mỹ, tuyên bố này đã tóm tắt tác động của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Không sách giáo khoa nào trích dẫn điều này.18 Cũng không có sách giáo khoa nào trích dẫn lời khẩn cầu rút quân ngay lập tức của John Kerry: “Làm sao anh có thể yêu cầu ai đó sẽ là người cuối cùng chết cho sai lầm?” 19 Toàn bộ phong trào phản chiến trở thành không thể hiểu được bởi vì sách giáo khoa không cho phép nó thể hiện bản thân. Chúng loại bỏ các bài ca phản chiến, các biểu ngữ - “Khủng khiếp, Không; Chúng tôi không đi!” và “Này, LBJ, hôm nay ông sẽ giết bao nhiêu trẻ con?” – và trên hết là cảm xúc.20 Dường như chỉ có tổng thống Johnson và Nixon là được trích dẫn. Trong một đoạn đặc trưng của Đám Rước Hoa Kỳ, Nixon nói, “Nước Mỹ không thể - và sẽ không – phác thảo mọi kế hoạch, thiết kế mọi chương trình, thực hiện mọi quyết định và bảo vệ cho các quốc gia tự do trên thế giới.” Đoạn này không làm rõ chiến tranh hay phản đối nó. Thậm chí phần trích dẫn độc giả bổ sung của Đám Rước Hoa Kỳ chỉ trích dẫn Johnson và Nixon như là nguồn sơ cấp về chiến tranh Việt Nam – không một từ nào của những người tham chiến hay phản đối nó.    

Khi loại bỏ quan điểm, tiếng nói và cảm giác về thời kỳ Việt Nam, tác giả sách giáo khoa đã loại bỏ cả chủ đề. Frances FitzGerald trong phần bổ sung cho cuốn Sử Chữa Hoa Kỳ, viết cuốn Lửa Trong Hồ, một cuốn sách hay về Việt Nam, gọi các sách giáo khoa mà bà đánh giá vào năm 1979 là “chẳng phải diều hâu hay hay bồ câu về chiến tranh – họ chỉ lẩn tránh.” Bà tiếp tục nói, “Khi chúng thảo luận về chiến tranh một cách thực sự khó khăn và lảng tránh những vấn đề chủ chốt thì phần Việt Nam rất đáng đọc.”21 Ở một cấp độ nào đó, xác định chủ đề là vấn đề diễn giải và tôi sẽ không muốn chê trách sách giáo khoa về việc có sự diễn giải khác với tôi. Dĩ nhiên chúng ta có thể đồng ý rằng sự đối xử hợp lý về chiến tranh Việt Nam sẽ được thảo luận ít nhất là với sáu câu hỏi như sau:

Tại sao Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam?

Cuộc chiến tranh trước khi Hoa Kỳ tham chiến là gì? Chúng ta thay đổi điều đó ra sao?

Tại sao phong trào phản chiến lại mạnh như vậy ở Hoa Kỳ?

Những phê phán về chiến tranh ở Việt Nam là gì? Chúng có đúng không?

Tại sao Hoa Kỳ thua trận?

Bài học mà chúng ta rút ra từ kinh nghiệm này là gì?

Cách đơn giản để đặt ra những câu hỏi này là thừa nhận rằng mỗi câu đều vẫn đang mâu thuẫn. Lấy câu thứ nhất. Một số người vẫn lập luận rằng Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam để đảm bảo sự tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá của đất nước này. Một số khác tuyên bố rằng chúng ta tham chiến để mang đến dân chủ cho người Việt Nam. Dĩ nhiên, phổ biến hơn là các phân tích về chính sách đối nội của chúng ta: tổng thống Dân Chủ Kennedy và Johnson, đã chứng kiến phe Cộng Hòa khiển trách Truman về việc “mất” Trung Quốc, không muốn bị coi là “mất” Việt Nam. Một sự diễn giải khác đưa ra học thuyết domino: giờ đây chúng ta biết rằng cộng sản Việt Nam thù địch với Trung Quốc, trước đây chúng ta chưa biết, một số lãnh đạo tin rằng nếu Việt Nam “rơi” vào tay cộng sản thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippine sẽ cũng như vậy. Mặc dù vậy, quan điểm khác cho rằng Hoa Kỳ cảm thấy có thanh danh và không muốn bị đánh bại ở Việt Nam, vì sợ rằng hòa bình kiểu Mỹ sẽ bị đe dọa ở Châu Phi, Nam Mỹ và bất cứ đâu trên thế giới. Một số người theo thuyết âm mưu đi xa hơn, khẳng định rằng các doanh nghiệp lớn kích động cuộc chiến để hỗ trợ nền kinh tế. Một số nhà sử học có quan điểm rộng hơn, cho rằng sự can thiệp của chúng ta ở Việt Nam xuất phát từ hình mẫu văn hóa phát xít và đế quốc được bắt đầu từ cuộc chiến tranh da đỏ đầu tiên ở Virginia vào năm 1622, tiếp diễn trong thế kỷ 19 với “Tuyên Ngôn Định Mệnh”, và giờ là theo ngọn gió “Thế Kỷ Hoa Kỳ”. Họ chỉ ra rằng lính Mỹ ở Việt Nam thu thập và trưng bày tai của người Việt Nam giống như thực dân Anh ở Bắc Mỹ thu thập và trưng bày chỏm da đầu của người da đỏ.23 Quan điểm chung cuộc có thể là không có lý do rõ ràng và mục đích rõ ràng, rằng chúng ta bị lôi cuốn vào cuộc chiến bởi vì không có chính quyền kế tiếp nào đủ can đảm để vô hiệu hóa sai lầm chống lại các phong trào độc lập dân tộc của chúng ta vào năm 1946. Ngoại trưởng John Foster Dulles viết,  “Sai lầm căn bản liên quan đến Đông Dương được tạo ra sau năm 1945, khi chính quyền của chúng ta đồng ý cho Pháp và Anh khôi phục lại vị thế thực dân của Pháp ở Đông Dương.”24

Dĩ nhiên, mầm mống sự can thiệp bi kịch của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã được ấp ủ ở Versailles vào năm 1918, khi đó Woodrow Wilson đã không nghe lời yêu cầu độc lập cho đất nước này của Hồ Chí Minh. Chúng nảy mầm khi chính sách của FDR không giúp Pháp tái thuộc đại hóa Đông Nam Á sau khi thế chiến thứ II kết thúc cùng với cái chết của ông ta. Kể từ đó sách giáo khoa hiếm khi đề xuất rằng những sự kiện của một thời kỳ này sẽ dẫn đến những sự kiện của thời kỳ tiếp theo, không mấy ngạc nhiên, không có cuốn sách giáo khoa nào mà tôi nghiên cứu quay trở lại trước những năm 1950 để giải thích chiến tranh Việt Nam.

Trong khoảng những năm 1950 và 1960, các bằng chứng lịch sử về những diễn giải mâu thuẫn yếu hơn thời kỳ khác, mặc dù vậy tôi không chọn phe ở đây.23 Tác giả sách giáo khoa cũng không cần phải chọn phe phái. Họ có thể trình bày một số diễn giải, cùng với một quan điểm ủng hộ về mặt lịch sử cho từng diễn giải và yêu cầu học sinh đưa kết luận của bản thân. Tuy vậy, những yêu cầu này không phải là phong cách của tác giả sách giáo khoa. Họ dường như bị bắt buộc trình bày câu trả lời “đúng” cho mọi câu hỏi, thậm chí cho cả các cuộc tranh luận không thể kết thúc.

Họ chọn cách diễn giải nào? Chẳng cách nào hết! Hầu hết sách giáo khoa lảng tránh chủ đề. Đây là phân tích đặc trưng, trong cuốn Cuộc Phiêu Lưu Hoa Kỳ: “Vào cuối những năm 1950, chiến tranh nổ ra ở miền Nam Việt Nam. Vào lúc này, Hoa Kỳ viện trợ cho người miền Nam Việt Nam.” “Chiến tranh nổ ra” – thật đơn giản làm sao! Cuốn Cuộc Phiêu Lưu Hoa Kỳ dùng 4 trang để trình bày lý do chúng ta tham gia vào cuộc chiến 1812, nhưng chỉ cần hai câu để trình bày lý do chúng ta tham chiến ở Việt Nam. Một trong những lý do khiến tác giả sách giáo khoa rón rén đi qua quá khứ gần đây, lảng tránh mọi chủ đề chính, có thể là họ cảm thấy không đủ chuyên môn để xử lý chúng. Không có ai trong số 45 tác giả của 12 cuốn sách giáo khoa trong mẫu của tôi là chuyên gia về quá khứ gần, như tôi có thể nói. Dĩ nhiên, sách giáo khoa được nhiều tác giả viết nên sẽ có nhiều chủ đề do các tác giả không phải là chuyên gia viết. Mặc dù vậy về các chủ đề trong zamani, tác giả sách giáo khoa có thể sử dụng quan điểm lịch sử làm lá chắn. Bằng cách viết theo giọng trí thức tẻ nhạt về những sự kiện trong zamani, các tác giả giả định rằng một sự thật lịch sử đơn lẻ tồn tại, các nhà sử học đã đồng ý về chúng và đó là thứ họ đang dạy cũng như học sinh cần phải ghi nhớ. Lối viết đó giả định rằng quan điểm lịch sử phát triển sẽ ngày càng đúng đắn hơn với một giai đoạn thời gian, che chở cho các tác giả sách giáo khoa ngày nay với sự tích lũy hiểu biết về lịch sử. Mặc dù vậy, họ không thể sử dụng quan điểm lịch sử để bảo vệ cho cách họ xử lý các sự kiện trong sasha. Khi không có quan điểm lịch sử, tác giả sách giáo khoa dường như trần trụi; không có phẩm chất đặc biệt nào cho phép họ có quyền tường thuật về các sự kiện mới qua với sự vô tư Olympia mà họ diễn thuyết hùng hồn về những sự kiện trong zamani.

Quan điểm lịch sử hoàn toàn biện minh cho sự thờ ơ đối với sasha. Các nhà sử học nói với chúng ta về việc họ gần gũi với bất kỳ sự kiện nào mới đây mà chúng ta cho rằng có thể quay trở lại và nhìn nó trong bối cảnh. Khi tài liệu mới xuất hiện trong tàng thư, họ tuyên bố, hoặc khi kết quả của hành động trở nên rõ ràng theo thời gian, chúng ta có thể đạt tới sự đánh giá “khách quan” hơn. Tuy vậy, khoảng thời gian không tự mình tạo ra quan điểm. Thông tin mất đi cũng như thu được cùng với thời gian.

Tại điểm này, chúng ta có thể nhắc lại một số thay đổi trong quan điểm được ghi nhận ở những chương trước. Hiện nay, Woodrow Wilson được xếp hạng tích cực hơn rất nhiều so với năm 1920. Sự cải thiện không xuất phát từ khám phá thông tin mới về chính quyền của ông ta mà là từ nhu cầu hệ tư tưởng của những năm 1940 và đầu những năm 1950. Trong những năm đó, các nhà sử học da trắng thường buộc tội Wilson về việc phân biệt chủng tộc ở chính quyền liên bang, bởi vì không có sự đồng thuận về việc coi sự phân biệt chủng tộc là sai. Vấn đề công cộng hàng đầu của thời hậu chiến không phải là quan hệ chủng tộc mà là bao vây chủ nghĩa cộng sản. Trong Chiến Tranh Lạnh, chính quyền của chúng ta hoạt động giống như dưới thời Wilson, với các cuộc chiến tranh bán công khai, lừa dối quốc hội và đàn áp phong trào tự do dân sự dưới danh nghĩa chống chủ nghĩa cộng sản. Chính sách của Wilson, mâu thuẫn và không được ủng hộ vào những năm 1920, trở thành bình thường vào những năm 1950. Quan chức và các nhà sử học vào những năm 1950 phủ nhận và tầm thường hóa chủ nghĩa biệt lập. Vụ lợi trong việc thúc ép Liên Hiệp Quốc, sau đó thông qua sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ, họ thừa nhận nỗ lực của Wilson theo mệnh lệnh của Liên Hiệp Quốc. N. Gordon Levin, Jr., thể hiện gọn gàng: “Cuối cùng, trong thời kỳ hậu chiến tranh Thế Giới thứ II, các giá trị của Wilson đã chiến thắng hoàn toàn trong sự đồng thuận lưỡng đảng của thời Chiến Tranh Lạnh.” Do vậy, sự đánh giá Wilson thay đổi trong sách giáo khoa hiện nay có thể cho thấy sự thật là nhu cầu hệ tư tưởng của những năm 1950, khi Wilson đã là zamani, khác với những năm 1920, khi ông ta mới là sasha.

Việc Tây Ban Nha ngược đãi và bắt cư dân da đỏ vùng Caribbe làm nô lệ được Bartolome de las Casas và nhiều người khác ghi nhận trong khi Columbus vẫn còn là sasha. Mặc dù vậy, sau đó Columbus được đề cao thành người can đảm của khoa học, bác bỏ khái niệm trái đất phẳng và mở ra chân trời mới cho sự tiến bộ. Columbus của thế kỷ 19 hấp dẫn một dân tộc đã tóm lược kết quả của 300 năm chiến tranh đánh bại các dân tộc da đỏ. Nhưng vào năm 1992, kẻ cướp bóc Columbus đã được chấp nhận ngang bằng với nhà thám hiểm Columbus, và nhiều cuộc kỷ niệm Columbus đã kéo theo phản đối, thường xuyên được người Mỹ bản địa tổ chức. Columbus “mới”, gần với Columbus của sasha, hấp dẫn một dân tộc khởi đầu với vài tá cựu thực dân, giờ là những dân tộc mới. Sự tương phản giữa kỷ niệm hành trình đầu tiên của Columbus vào năm 1892 và năm 1992 một lần nữa cho thấy tác động của những vị trí thuận lợi.

Huyền thoại của phe ly khai về Cải Cách lần đầu tiên xuất hiện tràn lan trong sách lịch sử vào lúc quan hệ chủng tộc tồi tệ nhất, từ năm 1890 đến năm 1920, và bám vào sách giáo khoa cho đến những năm 1960. Chính quyền Cải Cách được trình bày như là ví dụ về sự bất hợp pháp và tha hóa của “sự thống trị của người da đen”. Hiện nay, các nhà sử học quay lại quan điểm Cải Cách xuất hiện trong lịch sử cận đại, được viết khi các chính quyền cộng hòa vẫn cai trị các bang miền Nam. Eric Foner ca ngợi sự thay đổi là nhờ vào “học thuật khách quan và kinh nghiệm hiện đại,” một sự đổi pha gắn liền với hai nguyên nhân chủ chốt. Học thuật khách quan không tồn tại trong lịch sử, đó là lý do tại sao tôi mạo hiểm những từ ngữ như đúng và sai. Khoảng cách lịch sử không thúc đẩy sự mô tả chính xác hơn về Cải Cách. Bởi vì sự thật về Cải Cách không phù hợp với “kinh nghiệm hiện đại” về thời kỳ tăm tối, chúng nằm yên trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, bị hầu hết các nhà sử học nhìn lướt qua. Cho tới khi phong trào dân quyền thay đổi “kinh nghiệm hiện đại” thì sự thật mới nói với chúng ta.

Quan điểm lịch sử không phải là thành phẩm của một giai đoạn thời gian. Quan điểm chính xác hơn được rút ra từ lý thuyết mâu thuẫn về nhận thức của Leon Festinger, giả định rằng thực tiễn xã hội của một giai đoạn mà lịch sử được viết sẽ quết định quan điểm lịch sử về quá khứ.29 Học thuật khách quan phải kết nối với kinh nghiệm hiện đại cho phép chúng thắng thế. Tuyên bố quan điểm lịch sử không thích hợp với xã hội không phải là sự biện minh cho việc lảng tránh sasha. Các nhà sử học không có lý do nào ngoài sự hèn nhát để lảng tránh việc phơi bày hoàn toàn quá khứ gần đây của chúng ta.

Tác giả sách giáo khoa không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc bỏ qua quá khứ gần trong các khóa học lịch sử trung học. Ngay cả khi sách giáo khoa giành không gian xứng đáng cho sasha, hầu hết học sinh sẽ phải tự đọc chúng, bởi vì hầu hết giáo viên không bao giờ đọc hết sách giáo khoa. Trong khóa học lịch sử Hoa Kỳ dài 1 năm, giáo viên lớp 5 Chris Zajac, đối tượng của Tracy Kidder trong cuốn sách Về Học Sinh, không bao giờ vượt qua Cải Cách! Thời gian không phải là vấn đề duy nhất. Giống như các nhà xuất bản, giáo viên không muốn có nguy cơ xúc phạm cha mẹ học sinh. Hơn nữa, theo Linda McNeil, hầu hết giáo viên đặc biệt không muốn dạy về Việt Nam. “Hồi ức của họ về thời kỳ chiến tranh Việt Nam khiến họ mong muốn lảng tránh chủ đề mà học sinh sẽ bất đồng với quan điểm của họ hoặc điều đó khiến học sinh “hoài nghi” các thể chế của Hoa Kỳ.” Do đó, trung bình giáo viên giành cho Chiến Tranh Việt Nam từ 0 đến 4,5 phút trong toàn bộ một năm học!29

Chiến Tranh Việt Nam gần như không gây bất đồng như một số chủ đề khác trong quá khứ gần; hiện nay hơn 2/3 người Mỹ trưởng thành coi chiến tranh là sai lầm về đạo đức cũng như vớ vẩn về mặt chiến thuật.30 Mâu thuẫn hơn là phong trào phụ nữ. Mọi trường học quận đều có các bậc cha mẹ ủng hộ mạnh mẽ vai trò giới tính truyền thống và các bậc cha mẹ khác không ủng hộ. Đồng tính là vấn đề cấm kỵ hơn trong thảo luận hay học tập. Đưa ra chủ đề về hành động khẳng định dẫn đến các tranh luận giận dữ. Một sự đánh giá tiêu cực về chính quyền Carter hay Reagan chắc chắn sẽ xúc phạm một số cha mẹ thuộc phe Dân Chủ hay Cộng Hòa, đáng chú ý là Mel và Norma Gabler, người tổ chức các thành viên cánh hữu để gây sức ép với nhà xuất bản, tìm cách thành lập công đoàn và Hội Đồng Nhà Thờ Quốc Gia cũng là những vấn đề quá xung đột để các tác giả và nhà xuất bản đề cập. Do các bậc cha mẹ có quan điểm về những sự kiện mà họ đã trải qua, giáo viên và tác giả có thể cảm thấy cần phải tiếp cận hầu hết các chủ đề trong sasha dưới điều kiện khắc nghiệt. Kết quả là lịch sử của quá khứ gần cũng giống như mẹ của Thumper khuyên bảo: “Nếu như mày không thể nói điều gì hay ho thì đừng nói gì hết.” Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ có 2 đến 4% sinh viên đại học nói rằng chúng có được những thứ cần thiết về Chiến Tranh Việt Nam ở trường trung học.31

Mặc dù vậy, khi sách giáo khoa trình bày về sasha, chúng gây khó khăn để học sinh không thể tạo dựng mối liên hệ giữa việc nghiên cứu quá khứ, cuộc sống của chúng hiện nay và những vấn đề mà chúng phải đối mặt trong tương lai. Các chính khách của các phe phái chính trị cầu khẩn “bài học Việt Nam” khi họ tranh luận về can thiệp ở Angolo, Lebanon, Kuwait, Somalia và Bosnia. Biểu ngữ của Bumper là “El Salvador là tên Tây Ban Nha của Việt Nam” để ngăn cản Hoa Kỳ đưa quân tới quốc gia này.32 “Bài học Việt Nam” cũng thường được sử dụng để thông tin hay tranh luận sai lầm về tình báo, báo chí, cách chính quyền liên bang điều hành và thậm chí là việc quân đội có tiếp nhận đồng tính nam hay không. Các vấn đề mà phong trào phụ nữ dấy lên vào những năm 1970 tiếp tục tác động đến xã hội Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các thể chế từ gia đình đơn lẻ đến truyền thông. Học sinh tốt nghiệp trung học có quyền có đủ kiến thức về quá khứ gần để tham gia một cách thông minh vào những tranh luận này.

Quá khứ không bao giờ chết,” William Faulkner viết. “Nó thậm chí chưa qua đi.” Sasha là quá khứ quan trọng nhất của chúng ta, bởi vì nó đã chết nhưng là xác sống. Việc sách giáo khoa và giáo viên đánh cắp nó là tội ác học đường đáng nguyền rủa đối với học sinh trung học, lấy đi của chúng quan điểm về những vấn đề có tác động quan trọng đến chúng. Học sinh nửa nhớ nửa quên về trận chiến Put-in-Bay hay Silent Cal Coolidge chẳng mấy có ích cho việc hiểu thế giới mà chúng sẽ tham gia sau khi tốt nghiệp. Thế giới vẫn đặt ra vai trò của giới tính. Thế giới vẫn đầy những nước thuộc Thế Giới Thứ Ba có khả năng trở thành “Việt Nam mới”. Thế giới được đánh dấu bằng sự bất bình đẳng xã hội. Việc bỏ qua quá khứ gần đảm bảo rằng học sinh sẽ không học hỏi được nhiều để áp dụng vào thế giới từ các khóa học lịch sử

Công viên Thế Giới Disney ở Florida tổ chức buổi triển lãm có tên “Cuộc Phiêu Lưu Hoa Kỳ”, 29 phút về lịch sử Hoa Kỳ. Buổi triển lãm hoàn toàn bỏ qua Chiến Tranh Việt Nam, các vụ nổi loạn ghetto của những năm 1960 và 1990, mọi thứ gây rắc rối khác về quá khứ gần. Một mô tả cô đọng và nhạt nhẽo về quá khứ gần trong sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ cho thấy sự suy sụp thần kinh tương tự của tác giả, nhà xuất bản và nhiều giáo viên. Học sinh trung học đáng được nhận những thứ tốt hơn lịch sử của Thế Giới Disney, nhất là khi sách giáo khoa của chúng không phải là phương tiện mua vui như công viên giải trí.

Chú thích:

Bản scan của cuốn sách mà tôi có bị lược bỏ phần chú thích nên tạm thời chưa thể dịch, khi tìm được phần chú thích thì tôi sẽ dịch và bổ sung sau.

2 comments:

  1. Mỹ vẫn còn xấu hổ về chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ tránh nhắc tới những thất bại e chề trong quá khứ. Vậy nên Mỹ cố tình viết sai lịch sử trong giao đoạn này.

    ReplyDelete
  2. Mình thì nghĩ xấu hổ chỉ là vấn đề bề ngoài, còn việc lảng tránh về chủ đề VN có lẽ liên quan tới bản chất chế độ ở Hoa Kỳ. Nếu người dân Mỹ biết nhiều hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, họ sẽ đặt vấn đề là vì sao một dân tộc yêu chuộng hòa bình như VN lại bị Hoa Kỳ xâm lược; hai là họ tìm được niềm tin lật đổ chính quyền hiện tại ở Hoa Kỳ.

    Có lẽ chiến tranh VN thực sự là cú sốc với CNTB, CNTB đã thất bại ngay trên thuộc địa nghèo đói.

    ReplyDelete