Sunday, June 14, 2015

Một quốc gia bị giám sát

Chính quyền Hoa Kỳ luôn rao giảng cho nước khác về dân chủ và nhân quyền, nhưng chúng ta biết rằng đó chỉ là chiêu bài để họ áp đặt chính sách đế quốc lên các nước khác. Chính sách đế quốc của Hoa Kỳ phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp Hoa Kỳ chứ không phục vụ cho lợi ích của người dân lao động Mỹ, trái lại họ luôn tìm cách kiểm soát người dân Mỹ ở mọi lúc mọi nơi bất chấp mọi nguyên tắc về dân chủ và nhân quyền. John Whitehead cảnh báo người dân Mỹ về sự gia tăng của nhà nước giám sát toàn diện thông qua công nghệ cao trong bài viết "One nation under surveillance" đăng trên tạp chí ColdType số 99, tháng 6 năm 2015.

Một quốc gia dưới sự giám sát

“Mục tiêu tối cao của NSA là kiểm soát toàn bộ dân chúng.” – William Binney, người tiết lộ của NSA

Hoa Kỳ giờ đã có nhánh thứ tư của chính quyền. Như tôi đã viết trong cuốn sách mới “Chiến Trường Hoa Kỳ: Cuộc chiến đối với người dân Mỹ,” nhánh thứ tư xuất hiện mà không có bất cứ nghĩa vụ bầu cử hay trưng cầu dân ý hợp hiến nào, mặc dù vậy nó sở hữu siêu quyền lực, ở trên và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chính quyền cũng như cho quân sự. Nó biết hết, thấy hết và cực kỳ quyền lực. Nó vận hành ngoài tầm kiểm soát của tổng thống, quốc hội và tòa án, nó theo sát gót tầng lớp tinh hoa doanh nghiệp, những kẻ thực sự lãnh đạo ở Washington, DC.

Anh có thể gọi nhánh chính quyền này là Giám Sát, nhưng tôi đề nghị gọi là “sự chuyên chế công nghệ”, một khái niệm được nhà báo điều tra James Bamford tạo ra để đề cập tới sự chuyên chế mang tính công nghệ mà những bí mật, dối trá, do thám và sự ràng buộc với doanh nghiệp của chính quyền tạo ra.

Hãy cẩn thận với những gì anh nói, anh đọc, anh viết, nơi mà anh đi, người mà anh nói chuyện, bởi vì tất cả đều được ghi lại, lưu trữ và cuối cùng sử dụng để chống lại anh vào thời điểm và địa điểm mà chính quyền chọn lựa. Sự riêng tư đã chết, như chúng ta đã biết.

Nhà nước cảnh sát đã trao cây dùi cui cho nhà nước giám sát. 

Sau khi biến cảnh sát địa phương thành cánh tay nối dài của quân đội, Bộ An Ninh Nội Địa, Bộ Tư Pháp và FBI chuẩn bị biến cảnh sát vũ trang quốc gia thành chiến binh có tính công nghệ, hoàn chỉnh với máy quét tròng mắt, máy quét toàn thân, thiết bị radar cảm biến nhiệt Doppler, chương trình nhận dạng khuôn mặt, máy đọc bằng lái xe, thiết bị theo dõi điện thoại di động Stingray và nhiều thứ khác. 

Đó là bộ mặt mới của công việc cảnh sát ở Hoa Kỳ

Cục An Ninh Quốc Gia (NSA) đã hoàn toàn đánh lạc hướng, dẫn dụ chúng ta ra khỏi chiến dịch công nghệ quy mô lớn của chính quyền, khiến chúng ta vô vọng khi phải đối mặt với đôi mắt tọc mạch của họ. Trên thực tế, từ rất lâu trước khi NSA trở thành cơ quan bị chúng ta căm ghét, Bộ Tư Pháp, FBI và Cục Bài Trừ Ma Túy đã thực hiện việc giám sát quy mô lớn đối với dân chúng không bị tình nghi.

Mọi nhánh của chính quyền – từ dịch vụ bưu chính cho tới kho bạc nhà nước và tất cả các cơ quan khác trong đó – giờ đây có bộ phận giám sát riêng, được quyền theo dõi người dân Mỹ. Sau đó, trung tâm tổng hợp và chống khủng bố sẽ thu thập tất cả dữ liệu từ các cấp do thám nhỏ hơn của chính quyền – cảnh sát, y tế, vận tải, vân vân. – để tạo cho những người có quyền lực khả năng truy cập dữ liệu ấy. Dĩ nhiên là đều đó không thể bắt đầu mà thiếu sự đồng lõa của khu vực doanh nghiệp, họ mua và bán chúng ta từ trong nôi tới trong mộ, cho đến khi chúng ta không còn dữ liệu để khai thác nữa. 

Hàng sa số các cuộc tranh luận về số phận của chương trình giám sát nội địa bất hợp pháp, hoàn toàn vi hiến của NSA chỉ là sự ồn ào, như Shakespeare gọi là “âm thanh và cuồng nộ, nhưng vô nghĩa.” Điều đó chả có nghĩa gì: lập pháp, tiết lộ, lực lượng thi hành và những kẻ ngáng đường.

Chính quyền không từ bỏ, hay nhượng bộ. Họ không nghe lời chúng ta. Từ lâu, họ đã không còn nhận lệnh từ “nhân dân chúng ta”.

Nếu anh vẫn chưa nhận ra điều này, không có bất cứ thứ gì - thủ tục quân sự, giám sát, cảnh sát vũ trang, khám xét quần áo, lục soát bằng tay bất ngờ, chặn và lục soát, thậm chí là camera gắn theo người cảnh sát – là chống khủng bố. Đó là sự kiểm soát dân chúng. Bất chấp sự thực là việc thu gom dữ liệu đã cho thấy không có hiệu quả trong việc phát hiện, chưa nói đến ngăn chặn, các vụ tấn công khủng bố, NSA vẫn tiếp tục hoạt động hầu như là bí mật, giám sát điện thoại, email, tin nhắn và các thứ tương tự của hàng trăm triệu người Mỹ mà không có lệnh của tòa án, nằm ngoài sự kiểm soát của đa số quốc hội và người đóng thuế, những người bị buộc phải tài trợ hàng tỷ dollar cho ngân sách của các chiến dịch bí mật đen tối. 

Luật pháp như Luật Yêu Nước Hoa Kỳ chỉ nhằm hợp pháp hóa hành động của cơ quan bí mật dưới sự điều hành của chính quyền bóng tối. Ngay cả Luật Yêu Nước Hoa Kỳ được đề xuất và bị đánh bại, hướng tới mục tiêu giới hạn phạm vi chương trình giám sát điện thoại của NSA - ít nhất là trên giấy tờ - bằng cách buộc cơ quan này phải xin lệnh của tòa trước khi thực hiện giám sát công dân Hoa Kỳ và cấm cơ quan này lưu trữ các dữ liệu thu thập được về người Mỹ, cũng không hơn gì một con hổ giấy: đe dọa khi xuất hiện, nhưng không biết cắn.

Câu hỏi về cách xử lý NSA – một cơ quan hoạt động bên ngoài hệ thống kiểm soát và điều chỉnh do hiến pháp tạo ra – là chủ đề bất hòa đã chia rẽ ngay cả những người phản đối việc giám sát không cần lệnh tòa án của NSA, buộc tất cả chúng ta – kẻ hoài nghi, kẻ lý tưởng, chính khách và kẻ thực tế - vật lộn với sự bất mãn sâu sắc và một “giải pháp” chính trị mơ hồ cho vấn đề đang được vận hành bên ngoài tầm kiểm soát của cử tri và chính khác: Làm sao anh có thể tin cậy một chính quyền nói dối, lừa đảo, trộm cắp, lách luật và sau đó coi tất cả mọi sai lầm của bản thân là sự tuân thủ pháp luật?

Từ khi chính thức được bắt đầu vào năm 1952, khi tổng thống Harry S. Truman ban hành một quyết định bí mật, thiết lập NSA làm trung tâm cho các hoạt động tình báo nước ngoài của chính quyền, cơ quan – có biệt danh “Không Cơ Quan Nào Hết” – đã hoạt động bí mật, không báo cáo quốc hội bất cứ điều gì trong khi vẫn sử dụng tiền thuế để tài trợ cho các chiến dịch bí mật. Chỉ cho tới khi mà cơ quan này phình ra quá nhanh với 90.000 nhân viên và trở thành cơ quan tình báo lớn nhất thế giới với dấu vết rõ ràng bên ngoài Washington, DC, thì người ta không còn có thể phủ nhận sự tồn tại của nó nữa. Sau vụ Watergate vào năm 1975, thượng viện tổ chức một hội nghị với ủy ban của Church để xác định chính xác xem cơ quan tình báo dưới sự chỉ đạo của tổng thống Nixon đã tham gia vào các hoạt động trái phép nào và làm sao để chấm dứt các sự vi phạm pháp luật trong tương lai. Đó là lần đầu tiên NSA chịu sự giám sát của công chúng kể từ khi nó được tạo ra.

Cuộc điều tra cho thấy một chiến dịch tinh vi có chương trình giám sát không thèm chú ý chút nào tới những thứ như hiến pháp. Ví dụ, trong dự án SHAMROCK, NSA do thám điện tín đi và đến của Hoa Kỳ, cũng như thư tín của công dân Hoa Kỳ. Hơn nữa, theo bản tin của Bưu Điện Tối Thứ Bảy, “Trong dự án MIRANET, NSA theo dõi liên lạc của các lãnh đạo phong trào dân quyền và những người phản đối chiến tranh Việt Nam, trong đó có những mục tiêu như Martin Luther King, Jr., Mohamed Ali, Jane Fonda và hai thượng nghị sĩ tích cực. NSA tiến hành chương trình này vào năm 1967 để theo dõi các nghi phạm khủng bố và buôn lậu ma túy, nhưng tổng thống kế nhiệm đã sử dụng nó để theo dõi tất cả các đối thủ chính trị.”

Thượng nghị sĩ Frank Church (D-Ida.), là chủ tịch của ủy ban tình báo đã điều tra NSA, hiểu quá rõ về mối nguy hiểm tiềm ẩn khi cho phép chính quyền vượt quá thẩm quyền nhân danh an ninh quốc gia. Church thừa nhận rằng quyền lực giám sát “vào bất cứ khi nào cũng có thể bao vây người Mỹ, mọi người Mỹ đều không còn sự riêng tư nào hết, đó là khả năng theo dõi mọi thứ: điện thoại, điện tín, bất kể thứ gì. Không có nơi nào để lẩn trốn.”

Ghi nhận rằng NSA có thể trở thành nhà độc tài “áp đặt sự chuyên chế hoàn toàn” lên toàn bộ công chúng Hoa Kỳ không có khả năng phòng vệ, Church tuyên bố rằng ông không “muốn thấy đất nước này vượt qua giới hạn” của sự bảo vệ hợp hiến, giám sát của quốc hội và yêu cầu của công chúng về sự riêng tư. Ông thừa nhận “chúng ta,” bao gồm cả hai viện và các cử tri trong nhiệm vụ này, “phải nhìn nhận về việc cơ quan này cũng như mọi cơ quan khác có hoạt động công nghệ trong khuôn khổ pháp luật và dưới sự giám sát thích hợp, để chúng ta không bao giờ vượt qua giới hạn. Đó là giới hạn mà khi đã vượt qua thì không thể quay lại.”

Kết quả là sự thông qua Luật Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài (FISA), tòa án FISA được thành lập nhằm mục đích giám sát và điều chỉnh cách thức thu thập và kiểm tra thông tin tình báo. Luật yêu cầu NSA phải xin phép tòa án FISA, một toàn án giám sát bí mật, trước khi thực hiện việc giám sát công dân Hoa Kỳ. Cho đến ngày nay, cái được gọi là giải pháp cho vấn đề cơ quan chính quyền tham gia vào việc giám sát bất công và bất hợp pháp – tòa án FISA – đã trở thành kẻ hợp pháp hóa những hoạt động đó, đóng dấu chấp nhận lên hầu hết các yêu cầu mà họ nhận được.

Vụ tấn công ngày 11 tháng 9 giống như giọt nước tràn ly trong lịch sử quốc gia của chúng ta, mở ra một thời đại mà các hoạt động bất hợp pháp hoặc phi đạo đức của chính quyền như giám sát, tra tấn, khám xét quần áo, đột kích của đội SWAT, được áp dụng để trả lời cho yêu cầu bảo vệ chúng ta “an toàn.”

Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, George W. Bush đã bí mật cho phép NSA thực hiện giám sát không cần lệnh tòa án đối với điện thoại và e-mail của người Mỹ. Một chương trình nghe lén không dây được đưa tin là kết thúc vào năm 2007 sau khi tờ New York Time đưa tin, gây ra sự phẫn nộ ghê ghớm.

Không có thay đổi nào dưới thời Barack Obama. Trên thực tế, sự vi phạm còn tồi tệ hơn, với việc NSA được phép bí mật thu thập dữ liệu internet và điện thoại của hàng triệu người Mỹ cũng như của các chính quyền nước ngoài.

Chỉ sau những tiết lộ của Edward Snowden vào năm 2013 thì người dân Mỹ mới hoàn toàn hiểu rõ mức độ của việc họ bị lừa dối một lần nữa. Tóm tắt lịch sử của NSA cho thấy rõ ràng rằng anh không thể cải tổ NSA. Chừng nào mà chính quyền còn được phép nhạo báng luật pháp – bất kể là hiến pháp, luật FISA hay bất cứ luật nào khác nhằm hạn chế phạm vi và cắt giảm các hoạt động của họ - và được phép hoạt động sau những cánh cửa đóng kín, dựa vào những tòa án bí mật, ngân sách bí mật và giải thích bí mật các đạo luật của đất nước, thì sẽ không có cải tổ.

Tổng thống, chính khách, tòa án đã chứng kiến sự tiến triển của NSA trong 60 năm lịch sử, nhưng không có bất cứ ai làm gì để chấm dứt “chế độ chuyên chế công nghệ” của NSA.

Con quái vật đã phá vỡ xiềng xích. Nó sẽ không thể bị kiềm chế.

Sự căng thẳng gia tăng đã được nhìn nhận và cảm thấy khắp đất nước là sự căng thẳng giữa những người nắm giữ quyền lực theo lệnh của chính quyền – tổng thống, quốc hội, tòa án, quân đội, cảnh sát vũ trang, giới kỹ trị, các quan chức hành chính không được bầu cử tuân thủ mù quáng và thực hiện mệnh lệnh của chính quyền, bất kể là chúng có phi đạo đức hay bất công đến đâu, và doanh nghiệp – với những người cuối cùng cũng phải vùng dậy chống lại sự bất công, tha hóa và chuyên chế vô tận đã biến quốc gia của chúng ta thành nhà nước cảnh sát công nghệ.

Bất cứ khi nào, chúng ta bị cản trở trong yêu cầu về sự minh bạch, giải trình và dân chủ đại diện thông qua việc thiết lập văn hóa của bí mật: cơ quan bí mật, thí nghiệm bí mật, căn cứ quân sự bí mật, giám sát bí mật, ngân sách bí mật, tòa án bí mật, tất cả những thứ đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vận hành bên ngoài sự hiểu biết của chúng ta và không trả lời “nhân dân chúng ta”.

Điều mà chúng ta thực sự không nhận thấy là NSA chỉ là một phần nhỏ của chính quyền bóng tối thường trực được tạo thành từ các quan chức không được bầu cử, họ đang theo sát các doanh nghiệp vì lợi nhuận, những kẻ thực sự lãnh đạo Washington, DC, và làm mọi cách để giám sát chúng ta, do vậy là giữ chúng ta trong tầm kiểm soát. Ví dụ, Google công khai hợp tác với NSA, Amazon đã xây dựng một cơ sở dữ liệu tình báo trị giá 600 triệu dollar cho CIA, ngành công nghiệp viễn thông kiếm bộn tiền nhờ việc theo dõi chúng ta cho chính quyền.

Hay nói cách khách, nước Mỹ doanh nghiệp kiếm bộn tiền bằng cách trợ cấp và tiếp tay cho chính quyền trong các hoạt động theo dõi nội địa của họ. Như Intercept mới đây cho biết, những kẻ bảo vệ to tiếng nhất của NSA đều có quan hệ tài chính với các nhà thầu của NSA. Do vậy, nếu chính phủ bí mật này không chỉ tồn tại mà còn thịnh vượng thì đó là bởi vì chúng ta cho phép họ bằng sự hờ hững, sự lãnh đạm, sự tin tưởng ngây thơ vào chính khách của chúng ta, chính khách vốn nhận mệnh lệnh từ nước Mỹ doanh nghiệp hơn là từ hiến pháp.

Nếu chính quyền bóng tối này vẫn ngang ngược thì đó là bởi vì chúng ta chưa đủ phẫn nộ để chống lại quyền lực của họ và chấm dứt chiến thuật độc đoán của họ. Nếu giới quan chức không được bầu cử này thành công trong việc chà đạp lên sự riêng tư và tự do của cuối cùng của chúng ta thì đó là bởi vì chúng ta tự lừa đối bản thân bằng niềm tin vào các vấn đề chính trị, như bỏ phiếu tạo ra sự khác biệt, hay chính khách thực sự đại diện cho dân chúng, hay tòa án quan tâm tới công lý và tất cả mọi thứ đều phục vụ cho lợi ích tối cao của chúng ta.

Như nhà khoa học chính trị Michael J. Glennon cảnh báo, anh có thể bỏ phiếu mọi thứ anh muốn nhưng những người mà anh lựa chọn không phải là những người lãnh đạo. “Người dân Mỹ đang bị đánh lừa … rằng các cơ quan nhân danh công chúng để thiết lập chính sách an ninh quốc gia,” Glennon khẳng định. “Họ tin rằng khi họ bỏ phiếu bầu tổng thống hay nghị sĩ quốc hội hoặc đưa một vụ án ra tòa thì chính sách đang thay đổi. Nhưng … hầu hết chính sách trong lĩnh vực an ninh quốc gia được tạo ra bởi các cơ quan bí mật.”

Hay nói cách khác, ai ngồi ở Nhà Trắng không quan trọng: chính quyền bí mật với các cơ quan bí mật, ngân sách bí mật và các chương trình bí mật sẽ không bị thay đổi. Họ tiếp tục hoạt động trong bí mật cho tới khi một vài người tiết lộ xuất hiện trong giây lát để kéo màn che lên và chúng ta nhanh chóng có trách nhiệm đóng vai công chúng phẫn nộ, yêu cầu giải trình và rung lắc cái cũi của mình, tất cả mọi thứ trừ việc thực sự cải cách.

Do vậy, bài học của NSA và mạng lưới đối tác do thám nội địa khổng lồ của họ là: nếu anh cho phép chính quyền phá vỡ luật lệ, bất kể là với lý do hợp lý nào, anh cũng từ bỏ khế ước giữa anh và chính quyền, cái khế ước được thiết lập để đảm bảo chính quyền hoạt động vì anh và tuân lệnh anh, công dân – người chủ lao động – người chủ. 

Một khi chính quyền bắt đầu hoạt động bên ngoài pháp luật, không trả lời ai ngoài chính bản thân, thì sẽ không có cách nào vãn hồi trật tự, chỉ có cách mạng. Với cách mạng, tôi muốn nói tới việc phá bỏ toàn bộ hệ thống, bởi vì sự tha hóa và vô chính phủ đã phổ biến khắp nơi.

No comments:

Post a Comment