Thursday, June 11, 2015

Chuyện cổ tích về thanh niên phương Tây bị Hồi Giáo tẩy não

Chúng ta thường nghe thấy trên truyền thông quốc tế chuyện về những thanh niên phương Tây từ bỏ thế giới văn minh và hòa bình để tham gia vào phe của những kẻ chặt đầu người công khai ISIS, nhưng William Blum lại hé mở cho chúng ta thấy một khía cạnh khác trong "Their precious young minds and our precious young minds", hóa ra không phải họ nổi loạn, họ chỉ theo đuổi những gì thuộc về bản chất, nhưng đôi khi họ đi theo con đường phi chính thống.

Tâm hồn thanh niên quý giá của họ và tâm hồn thanh niên quý giá của chúng ta

Cô ấy là kẻ nổi loạn cứng đầu cứng cổ, ca sĩ của gia đình, nói tục, một cô nàng xăm mình chìm đắm trong giấc mơ hip-hop là sẽ trở thành ca sĩ Eminem của Hà Lan. Rồi Besty tìm thấy Allah. Sau cuộc đối thoại bất ngờ với người Hồi giáo vào mùa hè năm ngoái, Besty mặc áo choàng của người Hồi giáo. Vào tháng giêng, một phụ nữ Hà Lan từng theo thuyết bất khả tri, lớn lên trong một căn nhà mà dấu hiệu duy nhất về tôn giáo là quyển kinh thánh đầy bụi trên giá sách, đã bảo vệ những kẻ khủng bố trưởng thành ở tổ quốc … Denis Cuspert, một nghệ sĩ hip-hop với biệt danh Deso Dogg, đã cải đạo vào năm 2010 và sau đó tham gia vào Nhà Nước Hồi Giáo [ISIS], phát hành một bản thánh ca theo kiểu nhạc rap mô tả con đường đi tới thánh chiến như là cơ hội để tạo động lực, củng cố tinh thần, trả thù và phiêu lưu … “Cánh cửa dẫn đến thánh chiến đang chờ đợi bạn,” một người Thụy Điển cải sang đạo Hồi nói trong một đoạn phim. “Đó là con đường nhanh nhất để tới thiên đường.”(1)

Những câu chuyện cổ tích được kể đi kể lại suốt những năm gần đây ở khắp Châu Âu và ở Hoa Kỳ. Cha mẹ và nhà cầm quyền đều đau khổ và bối rối. Tại sao những thanh niên trưởng thành ở phương Tây – xứ sở tự do, dân chủ, yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, đầy vui tươi – lại tham gia vào Nhà Nước Hồi Giáo và ủng hộ việc công khai chặt đầu người sống? Mỗi người trong chúng ta theo một cách nào đó đều đánh mất linh hồn khi tìm kiếm câu trả lời cho sự bí ẩn nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng chuyện này thì sao? Đâu là câu hỏi cuộc đời mà Nhà Nước Hồi Giáo sẽ đáp ứng nhưng phương Tây đáng yêu của chúng ta không thể đáp ứng? ISIS là thứ độc nhất trên thế giới khiến cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trông có vẻ tốt đẹp. Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao đã đặc biệt nỗ lực nghiên cứu kẻ thù mới; Bộ Ngoại Giao thường xuyên đăng tải các đoạn phim phản đối các đoạn phim của Nhà Nước Hồi Giáo.

Tôi hy vọng rằng việc nghiên cứu câu hỏi sẽ đi sâu hơn nữa cũng như là đối với ISIS. Tại sao những thanh niên lớn lên ở phương Tây – cũng chính là phương Tây mà chúng ta biết và yêu mến – lạnh lùng xả súng máy bắn chết hàng tá người Iraq, đàn ông, phụ nữ, trẻ em, phóng viên, hoàn toàn là máu lạnh, trong các đoạn phim mà Chelsea Manning đã tung ra; nhưng dĩ nhiên chẳng chuyện gì có thể so sánh đươc với Fallujah, ở đó có những đứa trẻ sơ sinh hai đầu, thậm chí là ba đầu, một mắt ở giữa trán. Nhà Nước Hồi Giáo chẳng thể nào so sánh được với những chuyện Hoa Kỳ đã gây ra cho người dân của Fallujah. Có ai biết câu chuyện nào khủng khiếp hơn trong lịch sử không? Có đấy, nhưng không nhiều; và hầu hết người dân Fallujah bị trực tiếp xử tử bởi những thanh niên Hoa Kỳ sáng sủa, tự do, dân chủ, yêu chuộng hòa bình, nhân đạo.

Đây là thiếu tướng Ricardo Sanchez của Hoa Kỳ, trong hồi ký của ông ta, ngày 6 tháng 4 năm 2004, thời gian ở Fallujah, trong đoạn đàm thoại video với tổng thống Bush, ngoại trưởng Colin Powell và bộ trưởng bộ ngoại giao Donald Rumsfeld. “Chúng ta cần nhanh chóng phải đá đít một vài kẻ,” Powell nói. “Chiến thắng toàn diện phải ở đâu đó. Chúng ta cần phải có sự thể hiện quyền lực hung bạo.” Sau đó Bush nói: “Vào lúc kết thúc chiến dịch này thì al-Sadr phải tiêu. Ít nhất thì ông ta cũng phải bị bắt. Việc xóa sổ ông ta thực sự cần thiết. Đá đít hắn! Nếu ai đó cố gắng ngăn chặn hành trình đến dân chủ, chúng ta sẽ tìm ra hắn và giết hắn! Chúng ta phải khủng khiếp hơn cả địa ngục! Chuyện này không giống ở Việt Nam. Đó là tư duy. Chúng ta không thể gửi thông điệp ấy. Đó là một sự biện minh để chuẩn bị cho việc rút lui. … Có một chuỗi các cơ hội và đây là một trong số đó. Ý chí của chúng ta đã bị thách thức, nhưng chúng ta phải giải quyết. Chúng ta có cách tốt hơn. Hãy mạnh mẽ! Hãy thẳng tiến! Giết chúng đi! Hãy tin tưởng! Chiến thắng! Chúng ta sẽ xóa sổ tất cả bọn chúng! Chúng ta không nháy mắt!” (2)

“Nhiều năm tới, người Mỹ tìm kiếm một Trung Đông dân chủ, phát triển trong hòa bình và thịnh vượng, người Mỹ sẽ nói về những trận đánh như ở Fallujah đầy sợ hãi và kính nể cũng giống như những trận đánh khác của chúng ta ở Guadalcanal và Iwo Jima” trong Thế Chiến thứ II. – George W. Bush, 2006 (3)

Tốt thôi, George, chuyện đó cũng như Fallujah chẳng phải là lý do chính cho sự trỗi dậy của ISIS.

Quan điểm của tôi ở đây không phải là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cũng dã man và suy đồi như Nhà Nước Hồi Giáo. Không phải vậy. Bất cứ khi nào. Tôi chỉ đơn giản hy vọng làm cho việc thấu hiểu kẻ thù đơn giản hơn bằng cách nhìn bản thân chúng ta mà không có ánh hào quang trong mắt. Tôi cũng chưa nói đến cái chuyện mà Hoa Kỳ đứng đầu thế giới trong hơn một thế kỷ - tra tấn. 

Chủ đề hấp dẫn và mới được tiết lộ về hệ tư tưởng

Jeb Bush đã tự gây rắc rối cho bản thân bởi vì, giống như mọi chính khách tranh cử khác, ông ta không thể đưa ra các câu trả lời trung thực đơn giản cho các câu hỏi thẳng thừng, sợ phải trái ý một số bộ phận này hay một số bộ phận khác của dân chúng. Thật dễ chịu khi có một chính khách chỉ nói những gì ông/bà ta thực sự tin tưởng, ngay cả khi điều đó là ngớ ngẩn.

Em trai của tổng thống trước đây đã thường xuyên bị hỏi: “Nếu ông biết điều mà chúng tôi biết hiện nay thì ông có ra lệnh xâm lược Iraq không?” Đầu tiên câu trả lời của ông ta là “có”, sau đó nhiều lúc là “Tôi không biết” hay thậm chí là “không”, hoặc ông ta từ chối trả lời. Rõ ràng là ông ta tìm kiếm cách trả lời có thể giành được điểm với đại đa số người dân, hoặc chỉ làm ông ta mất điểm một cách tối thiểu.

Điều này tạo ra một sự phản ứng nho nhỏ, ngay cả ở những người bảo thủ. Nhà đài cánh hữu Laura Ingraham đã có một bình luận hợp lý hiếm hoi: “Hiện giờ, một người có đầu óc lành mạnh không thể tiếp tục cho rằng việc đưa quân vào Iraq là đúng đắn. Nếu anh làm ngược lại thì anh sai lầm.”

Những tranh luận này luôn bỏ qua điểm mấu chốt. Tại sao hàng triệu người Mỹ và thậm chí là hàng triệu người nước ngoài, tuần hành phản đối cuộc chiến tranh vào mùa thu năm 2002 và đầu năm 2003, trước khi nó bắt đầu? Tại sao họ biết rằng anh em nhà Bush và hàng sa số các chính khách khác sẽ không biết? Đối với người biểu tình thì rõ ràng George W. Bush và Dick Cheney là những kẻ nói dối quen miệng, những kẻ không bao giờ quan tâm đến người dân Iraq, những người dân vô tội của một nền văn minh cổ xưa đã bị ném bom đưa về thời đồ đá; đại đa số người biểu tình đã biết những chuyện về ném bom ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Panama, Nam Tư, hay Afghanistan; họ biết về bom na-pam, bom chùm, bom chứa uranium nghèo, vân vân. Những người tuần hành biết rằng chiến tranh là điều mà một người có đạo đức không thể ủng hộ; cuộc chiến tranh đó hoàn toàn là bất hợp pháp, một trường hợp điển hình của “chiến tranh xâm lược” trong sách giáo khoa; người ta không cần phải là chuyên gia về luật pháp quốc tế để biết điều đó.

Anh em nhà Bush, Hillary Clinton (người bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh ở thượng viện), và băng đảng có biết về những điều nay? Dĩ nhiên là họ biết. Họ chỉ không thèm quan tâm; ủng hộ sự thống trị và mở rộng của đế chế là tiền đề, và cần phải tiếp tục; không có chính khách Hoa Kỳ nào đi xa đến mức – chắc chắn không phải là Nhà Trắng – đặt câu hỏi về quyền của chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ trong việc đặt bản thân lên trên nhân loại (dĩ nhiên là để phục vụ lợi ích của nhân loại).

Theo dõi các du jour đáng yêu của cánh tả Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sander, thì thấy họ chỉ miễn cưỡng phê phán chính sách đối ngoại Hoa Kỳ hay ngân sách quân sự. Bộ phận chống chiến tranh/chống đế quốc của cánh tả Hoa Kỳ cần phải gây sức ép lên hai thượng nghị sĩ này. 

Ngài Sanders cần phải được hỏi tại sao ông ta thường xuyên nhận bản thân là “người xã hội chủ nghĩa dân chủ”. Tại sao không là “xã hội chủ nghĩa”? Điều này có vẻ như là di sản của Chiến Tranh Lạnh. Tôi cho rằng ông ta và các chính khách khác sử dụng khái niệm này, vô tình hay hữu ý, để phân biệt họ với chủ nghĩa cộng sản, Liên Bang Soviet, chủ nghĩa Marx, vân vân, tất cả những điều không tốt đối với bạn. (Từ “xã hội chủ nghĩa” từng để chỉ những người đàn ông bí mật nói giọng Châu Âu, râu ria hung ác và mang bom.)

Sẽ rất thú vị khi nghe thấy ông Sanders công khai tuyên bố rằng ông ấy đơn giản là một “người xã hội chủ nghĩa”. Chủ nghĩa xã hội có thể dân dủ; thực sự là dân chủ hơn chủ nghĩa tư bản rất nhiều, nhất là khi liên quan đến phân phối của cải và mọi sự phân chia trong đó. Đây là vài tư tưởng thích hợp về chủ đề này, của tôi và những người khác:

Chỉ duy nhất những người xã hội chủ nghĩa theo đuổi nguyên lý nền tảng: Nhân Dân cao hơn Lợi Nhuận, điều đó có thể coi là định nghĩa chính xác về chủ nghĩa xã hội, sự nguyền rủa lý tưởng đối với Cánh hữu và đám tự do, những kẻ luôn tin tưởng bất chấp mọi bằng chứng ở sự hợp lý của thị trường tự do. Tôi ủng hộ ý tưởng về nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. (Chúa ơi, gã cộng sản đáng nguyền rủa!) Xã hội hiện đại quá phức tạp và kỹ thuật để đặt sự vận hành nó vào tay của những gã tự do, công xã, hay vô chính phủ để quay trở lại cấp độ “cộng đồng” hay “làng”.

“Washington luôn coi chủ nghĩa xã hội dân chủ là mối đe dọa lớn hơn chủ nghĩa cộng sản toàn trị, vốn dễ bị nói xấu và là kẻ thù dễ chơi. Vào những năm 1960 và 1970, chiến thuật ưa thích để xử lý các vấn đề khó chịu của kinh tế và chính trị quốc gia là đánh đồng chúng với chủ nghĩa Stalin, cố ý xóa nhòa sự khác biệt giữa các thế giới quan.” – Naomi Klein

“Nếu đúng như thường nói, hầu hết các chính quyền xã hội chủ nghĩa biến thành chế độc chuyên chế, thì chủ yếu là bởi vì chế độ chuyên chế khó lật đổ hay phá hoại hơn dân chủ.” – Jean Bricmont, nhà văn người Bỉ của cuốn “Humanitarian Imperialism” (2006).

Không có tiền đề về viễn cảnh chủ nghĩa xã hội, sự thay đổi cực đoan trở thành quá nhiều thứ đối với quá nhiều cá nhân và nhóm.

“Cho dù gọi điều đó là dân chủ, hay gọi điều đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ, thì cũng cần phải có sự phân phối của cải tốt hơn trong phạm vi đất nước này cho tất cả những đứa con của chúa.” – Martin Luther King

Hoa Kỳ sợ từ “chủ nghĩa xã hội” đến nỗi họ biến “khoa học xã hội” thành “khoa học hành vi”. 

Nếu không có lý do nào khác ngoài lý do bảo vệ môi trường, thế giới cần loại bỏ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Mỗi ngày, mỗi nơi trên trái đất, theo hàng sa số cách khách nhau, các doanh nghiệp đối mặt với sự lựa chọn: tối đa hóa lợi nhuận hay làm điều tốt nhất cho hành tinh.

Đại đa số người dân trong các xã hội làm việc để lĩnh lương. Họ không cần phải thúc đẩy bằng động cơ lợi nhuận. Điều đó không nằm trong gien của bất cứ ai. Bất cứ ai nếu được lựa chọn cũng sẽ muốn làm những công việc xuất phát từ động cơ giúp đỡ người khác, cải thiện chất lượng cuộc sống của xã hội, cung cấp cho bản thân một công việc có ý nghĩa và đáng hài lòng. Thật là phi tự nhiên khi được thúc đẩy bằng cách giành lấy hay đánh cắp “khách hàng” của người khác, không khoan nhượng, những kẻ sống sót là những kẻ thích hợp nhất hoặc ít trung thực nhất. 

Cái được gọi là “dân chủ” hay “sự cai trị của đa số” là gì? Hàng triệu người tuần hành chống xâm lược Iraq trước khi cuộc chiến nổ ra. Tôi không biết từng người trong số đó, nhưng tôi chắc chắn có ai đó ở đâu đó. Thật tuyệt nếu họ nghe được điều này.

Cuối cùng, câu hỏi cho Jeb Bush và những người khác không phải là câu hỏi tốt nhất. Họ được hỏi: “Nếu biết điều mà chúng tôi biết hiện giờ thì ông có cho phép xâm lược Iraq không?” Câu hỏi quan trọng hơn là: “Nếu biết điều mà chúng tôi biết sau đó thì ông có cho phép xâm lược Iraq không?” Câu trả lời phải là “không”, bởi vì chúng ta biết rằng Saddam Hussein đã phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này được ghi nhận, từ nhiều nguồn khác nhau, cả quốc tế và Iraq, trong đó có Saddam và các sĩ quan chỉ huy của ông ta. (4)


Truyền thông chính thống Hoa Kỳ - Huyền thoại cổ điển về tuyên truyền

“Khi chiến đấu cơ Hoa Kỳ vô tình ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999 trong chiến dịch Kosovo …”

Những từ này xuất hiện trên tờ Washington Post vào ngày 24 tháng 4 năm 2015, một phần của câu chuyện về vũ khí không người lái của Hoa Kỳ và cách máy bay không người lái Hoa Kỳ tấn công ở Afghanistan vào tháng giêng đã vô tình giết hại hai nhân viên cứu trợ phương Tây. Tờ Post cảm thấy cần phải nhắc lại sự kiện Belgrade, hoặc giải thích tiếp chuyện đó. Hầu như bất cứ người nào theo dõi tin tức quốc tế chỉ nghiêm túc một nửa thôi cũng biết về “sự cố” nổi tiếng ngày 7 tháng 5 năm 1999. Vấn đề duy nhất: Câu chuyện đó thuần túy là tuyên truyền.

Ba người ở trong đại sứ quán Trung Quốc đã bị giết hại và Washington xin lỗi Bắc Kinh rối rít, đổ lỗi cho các bản đồ lạc hậu. Mặc dù vậy, hai báo cáo điều tra rất thuyết phục khác trên tờ The Observer của London vào tháng 10 và tháng 11 cùng năm, dựa trên nguồn tin tình báo và quân sự của NATO cũng như Hoa Kỳ, đã cho biết tòa đại sứ Trung Quốc nằm trong mục tiêu tấn công sau khi NATO khám phá ra rằng nó được dùng để phát sóng truyền thông của quân đội Nam Tư. Người Trung Quốc làm điều này sau khi máy bay NATO đã bịt miệng được đài phát thanh của chính quyền Nam Tư (5). Cách truyền thông chính thống Hoa Kỳ che đậy câu chuyện thực tế đằng sau vụ ném bom tòa đại sứ là rất đáng ngạc nhiên (6).

Cao hơn các nhu cầu quân sự là các mục đích chính trị. Trung Quốc, sau đó và hiện giờ, rõ ràng là một rào cản chiến lược đối với sự thống trị của Hoa Kỳ ở Châu Á, nếu không nói là ở mọi nơi. Ném bom tòa đại sứ là cách nói quyến rũ của Washington với Bắc Kinh: Đây mới chỉ là ví dụ nhỏ cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu anh có ý tưởng chống lại hay cạnh tranh với đám âm binh Hoa Kỳ. Kể từ khi chiến dịch ném bom Belgrade của Hoa Kỳ được triển khai, Washington đã có thể có lý do tốt hơn “sự phủ nhận hợp lý” cho vụ ném bom đại sứ quán. Cơ hội có thể là không thể cưỡng lại đối với các lãnh đạo Hoa Kỳ. Một cơ hội không bao giờ đến lần thứ hai.

Tất cả vụ ném bom “nhầm lẫn” khác của Hoa Kỳ/NATO ở Nam Tư đều có chung một đặc trưng, theo sau nó là người phát ngôn nói với thế giới: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về thiệt hại sinh mạng.” Những lời tương tự cũng được IRA ở Bắc Ai Len sử dụng trong nhiều sự kiện trong nhiều năm sau khi các vụ đánh bom của họ có vẻ như là nhầm mục tiêu. Nhưng hành vi của họ bị gọi thẳng là “khủng bố”.

Không có gì hoài nghi, truyền thông Hoa Kỳ sẽ còn viết về “sự cố” Hoa Kỳ ném bom đại sứ quán Trung Quốc đến chừng nào đế chế còn tồn tại và Trung Quốc chưa trở thành thành viên của NATO.

Notes

1. Washington Post, May 7, 2015

2. Ricardo Sanchez, Wiser in Battle: A Soldier’s Story (2008), pages 349-350

3. Associated Press, November 11, 2006

4. William Blum, America’s Deadliest Export: Democracy, pp. 61-2

5. The Observer (London), October 17, 1999 (“Nato bombed Chinese deliberately”), and November 28, 1999 (“Truth behind America’s raid on Belgrade”)

6. Extra! Update (magazine of Fairness and Accuracy in Reporting [FAIR], New York), December 1999; appeared first as solitary article October 22, 1999 (“U.S. Media Overlook Expose on Chinese Embassy Bombing”)

4 comments:

  1. - Nội dung bài viết khá thú vị, nhưng có vẻ chưa giải thích được tiêu đề, có lẽ vì tiêu đề không phải là tiêu đề gốc. Tóm lại, ý tác giả đơn giản là: có ngu mà tin tuyên truyền của Hoa Kỳ đúng không ạ?

    - trong bản dịch có từ darlings du jour: du jour là từ tiếng Pháp, nghĩa là "of the day", xu hướng gần đây, mốt. Cho nên ở đây em đoán nghĩa là những người được yêu mến hoặc nổi tiếng hoặc ưa chuộng của cánh tả. Khó dịch sát nghĩa, nhưng chắc là nhấn mạnh cái ý nổi tiếng, có tính thời thượng v.v.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tiêu đề là mình giật lại cho câu view, tiêu đề gốc vẫn để trong bài dịch. Thực ra ý của tác giả không phải là ở chỗ tuyên truyền mà gần với cái kiểu như homo economicus, tức là bản chất con người phương tây là mâu thuẫn.
      Mình cũng định dịch là thời thượng, nhưng theo truyền thống văn chương thì để nguyên gốc tiếng Pháp sẽ thi vị hơn.

      Delete
    2. vâng ạ, thực ra đọc những văn bản này thường không dễ hiểu nên em hay hỏi :D

      Tuy nhiên, em hơi thắc mắc là những người phương Tây tham gia đội quân IS có phải toàn những kiểu người như trong bài viết đã nêu không? Kiểu rỗi việc, không thuộc vào giai cấp cần lao? :))

      Delete
    3. Chuyện này cũng giống như thời thập tự chinh vậy, những người tham gia thường là con thứ trong gia đình, đã hết hy vọng thừa kế lãnh địa, họ đi để tìm kiếm cho bản thân một tương lai không thể có được ở xã hội cũ. Người vô sản thì luôn hiểu rất rõ rằng họ chỉ có đấu tranh giành lấy tương lai ở ngay chính mảnh đất họ đang đứng.

      Delete