Monday, March 30, 2015

Giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản

Muốn giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản thì điều trước hết phải được làm rõ là cách thức mà nông dân sản xuất ra nông sản. Phổ biến nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay là các hộ nông dân cá thể sản xuất hàng hóa dựa trên mảnh ruộng được chia và sức lao động của gia đình họ.

Giả sử một hộ nông dân có vốn ban đầu là 100 đồng và sức lao động bỏ ra là 50 đồng, do vậy giá trị hàng hóa mà hộ này sản xuất ra là 150 đồng. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi nếu thu nhập thực chỉ có 50 đồng ngang với sức lao động bỏ ra thì nông dân sẽ giàu lên bằng cách nào? Câu trả lời là nhờ vào năng suất lao động. Giả sử với chi phí sản xuất đã nêu một hộ nông dân trung bình sản xuất được 50kg thóc, tức là giá thóc là 3 đồng/kg, khi đó hộ nông dân nào khéo léo và tiết kiệm hơn thu được sản lượng gấp đôi là 100 kg, với giá thóc 3 đồng/kg họ sẽ thu được 300 đồng, trừ đi chi phí sẽ lãi 200 đồng. Đó là quá trình diễn ra trong nền kinh tế tự nhiên hoặc nền sản xuất hàng hóa nhỏ.

Khi chuyển dịch sang nền sản xuất hàng hóa lớn, tức là sản lượng của hộ nông dân đã tăng lên rất cao, hộ nông dân không còn có thể tự tiêu thụ nông sản của mình nữa, thương nhân xuất hiện để thực hiện việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để tiêu thụ số nông sản của hộ nông dân thì thương nhân sẽ phải bỏ ra một số vốn nhất định. Khoản vốn này chia làm hai phần, thứ nhất là vốn đầu tư cho cơ sở vật chất như kho bãi và phương tiện vận chuyển, thứ hai là tiền để thu mua nông sản. Trường hợp được dùng để minh họa sẽ là hộ nông dân sản xuất được 100 kg gạo với giá trị 150 đồng.

Giả sử ban đầu vốn đầu tư cho cơ sở vật chất là 0, chỉ có vốn để mua nông sản. Để thương nhân tồn tại thì nông dân phải chia một phần thu nhập cho thương nhân, và phương thức sản xuất tư bản đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận của nông dân phải ngang bằng với tỷ suất lợi nhuận của thương nhân. Từ hai yếu tố đã nêu thì có thể tính được kết quả như sau.

Nông dân: 100c + 22,47v = 122,47 đồng
Thương nhân: 122,47c + 27,53v=150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 22,47%

Nếu như trước kia nông dân bán 100kg thóc với giá 1,5 đồng/kg thì khi thương nhân xuất hiện họ sẽ bán cho thương nhân với giá 1,2247 đồng/kg, sau đó thương nhân sẽ bán ra thị trường với giá 1,5 đồng/kg. Điều này là cần thiết vì thương nhân giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí cho việc bán hàng và không có thương nhân thì nông dân cũng không thể tự mình tiêu thụ nông sản được. Giá nông sản mà nông dân bán được và giá thị trường tách biệt nhau là điều tất yếu của nền sản xuất hàng hóa.

Song vấn đề là khi năng suất lao động của hộ nông dân càng cao, sản lượng nông sản càng lớn thì tình hình đó đòi hỏi thương nhân không chỉ có vốn để mua nông sản mà còn phải có kho bãi và phương tiện vận chuyển, tức là họ phải đầu tư cho cơ sở vật chất. Giả sử thương nhân cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất là 30 đồng thì tình hình sẽ như sau.

Nông dân: 100c + 8,83v=108,83 đồng
Thương nhân: [30+108,83]c + 11,17v = 150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 8,83%

Khi xuất hiện phần tư bản cố định cần thiết của thương nhân thì phần thu nhập của nông dân sẽ giảm mạnh, giá bán nông sản của họ do vậy cũng sụt giảm từ 1,2247 đồng/kg xuống 1,0883 đồng/ kg.

Thực tế cho thấy số vốn đầu tư cho cơ sở vật chất phụ thuộc vào sản lượng nông sản của nông dân hơn là giá trị của nông sản đó. 100kg thóc cho dù có giá trị bao nhiêu thì cũng chỉ cần đến một diện tích kho bãi và số lượng phương tiện vận chuyển ít hơn nhiều so với 1000kg thóc có tổng giá trị tương ứng. Mặt khác xu hướng phát triển của nền kinh tế tư bản là tăng tích lũy tư bản khiến cho tư bản cố định của thương nhân sẽ càng ngày càng lớn, trong khi hộ nông dân không thể tăng quy mô vốn vượt quá mức độ sử dụng của hộ gia đình. Tức là giá trị thu nhập mà họ phải nhường cho thương nhân ngày càng lớn, bất kể năng suất lao động của họ tăng ra sao.

Quá trình này biểu hiện ra trên thị trường thành sự sụt giá ngày càng tăng của nông sản, nông dân chỉ nhìn thấy hiện tượng bề ngoài và gọi đó là hiện tượng thương lái ép giá. Khi được mùa, sản lượng tăng lên đột ngột thì rõ ràng là nhu cầu về kho bãi và phương tiện vận chuyển để thu mua hết sản lượng đó tăng lên. Nếu thương nhân không có vốn để đầu tư vào đó thì sẽ xảy ra tình hình nông sản bị ùn ứ và hư hỏng đi, nông dân sẽ mất một phần thu nhập của mình do nông sản không được chuyển hóa thành tiền. Hệ quả là nông dân phải giảm giá hơn nữa để thu hút tư bản đầu tư vào thương mại. Ngược lại khi mất mùa thì sản lượng nông sản thấp khiến cho một phần tư bản cố định của thương nhân trở thành thừa, thương nhân sẽ bị thua lỗ, họ phải buộc phải rút bớt vốn khỏi việc buôn bán nông sản. 

Tình hình kinh tế của nông dân trở nên bi kịch ở chỗ năng suất lao động của họ càng tăng thì họ càng phụ thuộc vào thương nhân và thu nhập càng thấp đi. Người ta có thể phản đối bằng cách lên án thương nhân gian lận, nhưng thương nhân sinh ra từ nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa mà nông dân tham gia, sự gian lận chỉ là biểu hiện bề ngoài của những quy luật chi phối nền sản xuất đó. Trong phân tích trên đã chỉ ra ngay trong những điều kiện bình đẳng nhất với thương nhân thì nông dân cũng không thể tránh khỏi sự sụt giá của nông sản.

Dần dần quá trình tích tũy tư bản sẽ khiến nông dân phụ thuộc vào thương nhân, phụ thuộc vào vốn ứng trước của thương nhân và cuối cùng là trở thành người làm thuê cho thương nhân. Muốn thoát khỏi tình trạng đó trong điều kiện của nền sản xuất hàng hóa thì họ chỉ có một cách duy nhất là tư bản hóa phương thức sản xuất, tự biến bản thân thành nhà tư bản nông nghiệp, sử dụng lao động làm thuê, nhưng ở đâu ra lao động tự do trong một xã hội toàn những hộ nông dân nhỏ? Sự tích lũy trong xã hội đó vốn rất chậm chạp, chính tư bản thương nghiệp đã thúc đẩy nhanh quá trình phá sản của một số hộ nông dân, biến họ thành lao động tự do.

Không có cách nào bảo vệ nền sản xuất nhỏ của nông dân trước chính thứ mà nền sản xuất đó tạo ra, hay nói cách khác nông dân không thể mãi phồn vinh trên mảnh ruộng được chia của họ, nền sản xuất nhỏ bé phân tán ấy tất yếu đi đến phương thức sản xuất tư bản với sự phá sản của đa số nông dân và một số ít trở thành nhà tư bản nông nghiệp. Việc nông dân bị thương lái ép giá nông sản chỉ là hiện tượng bề ngoài, vốn xuất phát từ quan điểm của người nông dân sản xuất nhỏ, không hiểu được những quy luật chi phối bên trong của nền sản xuất nên họ chỉ có thể bám lấy hiện tượng bề mặt. Sự phát triển thể hiện ra đối với họ bao giờ cũng là những trò lừa gạt, vô đạo đức. Để chống lại sự tan rã không cách nào tránh khỏi ấy thì họ tìm cách lên án sự vô đạo đức của tầng lớp tư bản giàu có, hay đòi hỏi những chính sách vô vọng để cứu vãn nền sản xuất của họ.

17 comments:

  1. Vậy có cách nào để giải quyết không ạ? Em đoán là nhà nước, nhà doanh nghiệp, và nông dân cùng hợp tác giải quyết ạ? :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không có cách nào giải quyết tận gốc được, từ Marx cho đến Lenin đều khẳng định rằng chỉ có một cách duy nhất là xã hội hóa tư liệu sản xuất, nông dân phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, còn không thì sẽ tiếp tục đi theo con đường tư bản và phá sản. Trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa sẽ có những biện pháp thích hợp, song đó là một chủ đề khác và tương đối phức tạp.

      Delete
  2. Có cách đấy: XHCN!

    Ông Stalin xây cái kho bảo quản bằng tiền nhà nước, nhân công trại tù. Cái kho đó là miễn phí nên giá bánh mỳ rất rẻ.

    ReplyDelete
  3. Cuộc chơi tư bản, kẻ thắng là giá trị hữu cơ cao phải không ạ.
    Tuy nhiên, giá trị hữu cơ là 1 khái niệm khá trừu tượng. Ta lấy ví dụ rau Đà Lạt.

    Nông dân Đà Lạt bán rau tại ruộng khoảng 1.000đ/kg. Thương lái mua, chở về SG bán chợ đầu mối. Bà bán lẻ bán lại cho người dùng 8.000đ/kg. Chênh lệch là 8 lần.

    Thương lái dĩ nhiên vẫn phải chi tiền bảo quản, ví dụ kho lạnh như bài viết này. Ngoài ra, họ cõng các chi phí vô-hữu hình khác.

    1. Chi phí giao thông, bao gồm cả tiền mãi lộ.
    2. Chi phí mặt bằng (bất động sản).
    3. Chi phí quan hệ (phường xã).
    4. Chế biến, sơ chế nếu có (đơn giản nhất là cho vào túi ny-lon) mỗi túi 1kg.
    5. Bảo hiểm rủi ro (hư thối).

    Xem ra họ cõng cũng kha khá chi phí =>tương ứng với lợi nhuận của họ.

    Nông dân XHCN nước ta thực ra đang bị bỏ mặc cho bọn xã hội đen xâu xé. Con gà con lợn cây lúa đang bị đủ các loại khâu khớp đớp mất miếng ăn của họ. Thức ăn, phòng dịch, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kiểm dịch... Thậm chí bọn cấp giấy chứng nhận xuất khẩu cho con tôm con cá cũng xơi vào đấy kha khá.

    Tóm lại là qui trình sản xuất càng phức tạp, nông dân càng thua thiệt. Họ đang bị biến thành làm thuê ngay lúc này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có rất nhiều nhầm lẫn về chi phí và phân chia thu nhập, ví dụ mãi lộ là khoản trừ vào lợi nhuận của thương nhân, không phải là chi phí sản xuất hay lưu thông.

      Mọi vấn đề đã nêu đều có thể hiểu bằng logic trong bài, phân tích từ góc độ kinh tế chính trị sẽ không chỉ hiểu được chính trị mà còn hiểu được cả đạo đức hay văn hóa nữa.

      Delete
  4. Một ví dụ khác, cho thấy các "nhà kinh tế" của ta cực kỳ ngu xuẩn. Nói thẳng như thế luôn.

    Gần đây, rộ lên việc đòi sx công nghiệp phụ trợ! Ví dụ sạc điện thoại Samsung.

    http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/hay-san-xuat-cai-sac-pin-va-con-oc-vit-239666.bld

    Thật đáng mừng, bởi vì có được một đơn hàng từ Samsung, các doanh nghiệp Việt nam có cơ hội làm ra sản phẩm cung cấp cho một thị trường rất màu mở. Chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc. Tính lãi sơ sơ mỗi cái sạc pin là 0,5 USD, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam đút túi 200 triệu USD.
    -------------------------
    Làm thế nào để tính sơ sơ lãi 0,5 đô? Chắc chắn bác ta ra chợ giời, hỏi giá linh kiện, từ đó tính toán giá thành sx, lấy giá bán cho Samsung trừ đi và ra 0,5 đô.

    Bài toán đó không sai. Nhưng chưa đủ làm bài toán sx vì bác ta ấu trĩ chứ không phải bác Hiệp Sĩ.

    Bài toán sản xuất sẽ gồm 1 cái nhà máy to đùng, chuẩn ISO và Samsung. Đó là cả 1 khoản tiền to đùng đi vào cấu trúc giá rất nhỏ bé của cái sạc, nó đè bẹp mấy con diot trong cái sạc.

    Không có xưởng, dĩ nhiên thằng Samsung sẽ không giao việc. Chưa hết, lại còn phải ứng tiền bảo lãnh HĐ. Số tiền đó Samsung nắm, chậm giao hàng, sản phẩm lỗi sẽ bị phạt và trừ ngay tiền.

    Nó phức tạp như vậy, nhưng các nhà kinh tài của ta, đám lều báo đâu biết. Tưởng ngon ăn gào lên chửi bới văng mạng.

    Giá họ hiểu được tý chút những gì bác Hiệp Sĩ nói!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vấn đề căn bản đúng như vậy, nhưng không hiểu biết là một chuyện thôi, nhiều khi họ có những toan tính khác, đó cũng có thể chỉ là một cái bánh vẽ để PR cho Samsung.

      Delete
    2. DBS dạo này giã từ FB rồi à?

      Delete
  5. Câu chuyện ép giá nông sản của thương nhân đối với nông dân đã không còn xa lạ đối với chúng ta. Mà lạ thay là không chỉ có thương nhân nước ngoài mà cả thương nhân Việt Nam cũng thế. Đó chính là hệ quả của việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không bàn kỹ của nông dân.

    ReplyDelete
  6. Thuyết của bác Hiệp Lừa có gì đó không ổn!
    Tại sao lại là chia đôi ở đây, rõ ràng vòng quay vốn của người nông dân rất lâu (em đoán khoảng 3 tháng) so với con buôn. Tất nhiên con buôn phải bỏ vốn nhiều hơn chút xíu nếu nông dân tính lãi.
    Điểm nữa: không tính giá nhân công trong quá trình sản xuất, mà lừa đảo rằng đó là lợi nhuận do chênh lệch giá mua vật tư với giá bán thành phẩm.
    Điểm nữa: nông dân không kiểm soát được kế toán của con buôn, chỉ vài thủ thuật đơn giản sẽ đội chi phí lên rất cao. Mà thực tế con buôn chén phần này.
    Vân vân và vân vân.
    Rõ ràng cách tính này đặt ra chỉ vì muốn chiếm đoạt giá trị lao động của nông dân, không còn mục tiêu gì khác! Ai đó nói rằng vì nông dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ nên phải chịu thiệt thòi, vậy ra nông dân nộp thuế để nhà nước tạo ra đám con buôn cướp công sức của mình à, đem tiền thuế tiêu xài riêng chứ không hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất à? Phản động thế cũng dám nói à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đã là sản xuất theo hộ gia đình thì tính giá nhân công gì vậy ? Tại sao con buôn phải tìm đến những người nông dân tính lãi mà không hỏi tới người sẵn sàng chịu thiệt với giá thấp hơn ? Rõ ràng là đọc không kỹ.

      Delete
  7. Có một kịch bản chung lặp đi lặp lại trong mỗi mùa nông sản đó là ban đầu thương nhân tung giá giá ảo để thu hút nông sản của bà con. Khi nông sản đã được tập trung lại 1 chỗ họ sử dụng chiêu thức ép giá. Vì ngay từ khi sản xuất bà con đã không sử dụng đến hợp đồng cẩn thân nên khi tiêu thụ bị ép giá và phải bán với một giá rất bèo.

    ReplyDelete
  8. Nếu các vị không thích mô hình kinh tế XHCN Stalin, thì hãy học nông dân Nhật và Âu. Một số sản phẩm, thí dụ bơ sữa, phó mát, xúc xích lạp sườn họ làm từ đầu đến cuối và bán ra thị trường. Chẳng có thương lái nào chen vào nổi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khó quá, chọn được 1 trong 2 thì quá ngon!

      Delete
  9. Hiệp sĩ cưỡi lừa sử dụng thuật ngữ "lợi nhuận" cho nông dân là không chính xác. Đúng ra phải là "thu nhập", tức là vật ngang giá với lao động mà người nông dân đã bỏ ra và chuyển vào sản phẩm mới - nói theo kiểu của Marx. Nó tương tự với thu nhập của tất cả những người lao động tự do, sản xuất nhỏ khác: thợ đóng giày, thợ may, thợ xây, thợ cắt tóc v.v...
    "Lợi nhuận" cũng là thu nhập, nhưng chỉ áp dụng cho khoản thu nhập do tư bản mang lại chứ không do lao động mang lại: thu nhập của thương nhân, nhà tư bản, ngân hàng v.v... Dĩ nhiên những người này cũng phải làm việc, nhưng thu nhập của họ là do tư bản mang lại, tỷ lệ thuận với tư bản bỏ ra, chứ không phải là vật ngang giá với lao động của họ kết tinh trong sản phẩm mới.
    Vì thế luận điểm của Hiệp sĩ về việc tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương lái phải ngang nhau là hoàn toàn không chính xác, vì thu nhập của nông dân và lợi nhuận của thương lái là hai cái khác hẳn nhau, tuân theo những quy luật khác nhau.
    Thu nhập của nông dân là do lao động mang lại, do đó chỉ nên so sánh thu nhập của nông dân với nhau. Thu nhập này chịu sự chi phối của quy luật san bằng như sau: 1h lao động của một người nông dân bình thường, làm việc với cường độ bình thường trong những điều kiện bình thường thì phải tạo ra một giá trị như nhau dù trồng cây gì, nuôi con gì, sản xuất cái gì. Lý do là nếu như thợ giày kiếm nhiều tiền hơn người trồng lúa mì thì số người làm thợ giày sẽ tăng lên, khiến cho thu nhập giảm xuống. Cơ chế điều chỉnh, san bằng thu nhập này cũng diễn ra đối với tư bản mà Marx đã phân tích.
    Với câu hỏi, thu nhập như thế thì nông dân có làm giàu được không, câu trả lời về lý thuyết là có, dựa trên tăng năng suất lao động, tuy nhiên không phải như Hiệp sĩ giải thích. Cách giải thích của Hiệp sĩ là giải thích cho những trường hợp cá biệt, phần thu nhập vượt trội đó là phần giá trị siêu ngạch có được nhờ năng suất cá biệt (hoặc chi phí SX cá biệt) cao hơn năng suất trung bình (hoặc thấp hơn chi phí lao động xã hội trung bỉnh). Khi tất cả mọi người đều đạt được năng suất đó thì theo quy luật giá trị lao động (LTV) giá trị của hàng hóa sẽ giảm xuống tương ứng, và phần thu nhập siêu ngạch đó sẽ mất đi.
    Cách lý giải như sau mới đúng. Khi năng suất lao động tăng lên một cách phổ biến và giá trị hàng hóa giảm đi tương ứng thì thu nhập của nông dân vẫn y như cũ. Tuy nhiên lúc này lượng sản phẩm còn lại sau khi trừ đi phần dành cho tiêu dùng của gia đình nông dân đã tăng lên đáng kể, hay nói cách khác là chi phí cho tiêu dùng đã giảm đi, do đó phần tích lũy tăng lên.
    Ví dụ, khi trước sản xuất ra 1 tấn thóc, xơi hết 8 tạ, còn 2 tạ đem bán. Giờ làm ra 2 tấn thóc, vẫn xơi hết 8 tạ, còn những 1,2 tấn đem bán.
    Khi số người làm nông nghiệp ngày càng ít đi, sản xuất tập trung hơn, quy mô lớn hơn, thì thu nhập tính trên đầu người càng tăng lên, như ta thấy ở các nước phát triển. Đó là con đường thứ hai. Tuy nhiên ngay cả khi đó thu nhập do lao động mang lại cũng chỉ gọi là cao vừa phải thôi, chứ không thể so với thu nhập do tư bản mang lại được (giả định là nông dân vẫn tiếp tục tự canh tác, sản xuất, hãn hữu mới thuê nhân công bên ngoài, chứ không biến thành chủ tư bản hoàn toàn dựa trên lao động làm thuê).
    Trao đổi tí cho vui nhỉ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh bạn giả định rằng dù khi năng suất tăng lên thì phần sử dụng tiêu dùng trên chính sản phẩm do nông dân tạo ra vẫn không đổi. Điều này thực tế là không đúng. Để tạo ra 2 tấn thì sức lao động anh bỏ ra cũng phải tăng lên tương ứng, và điều đó khiến anh ta phải sử dụng phần sản phẩm tự tạo ra nhiều hơn, nên giữ y nguyên 8 tạ là không chính xác. Thêm nữa, để từ sản xuất 1 tấn lên thành 2 tấn thì nó đòi hỏi anh ta phải có quy mô sản xuất lớn hơn trước, tức là anh ta cũng phải ứng ra một khoản lớn, điều đó khiến cho phần tích lũy không tăng cao như anh bạn nói. Và không biết tại sao phải tách rời thu nhập của nông dân và thương lái trong khi chúng luôn là 2 mặt của cùng vấn đề, khi thương lái là người đưa hàng hóa của nông dân ra thị trường lớn ?

      Delete
    2. Quan trọng hơn nữa, anh bạn cũng cho rằng nó có yếu tố phi thời gian, tức là sản phẩm tích lũy có thể để bao lâu cũng được rồi tùy ý mà bán ra, nhưng khi để càng lâu thì gạo của anh ta cũng sẽ nhanh hư, nếu không bán được thì đống tích lũy cũng sẽ vô dụng và thu nhập cũng không tăng lên bao nhiêu, và khi tống phần tích lũy đó đi thì hiện tượng ép giá như anh Hiệp Sĩ đã đề cập lại xuất hiện, khiến cho giá cả của sản phẩm giảm mạnh và lại một lần nữa người nông dân trở nên nghèo khó.

      Delete