Monday, January 26, 2015

Ngành dệt may Việt Nam và ảo vọng TPP

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu mỗi năm khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu là sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó tại thị trường Mỹ và Châu Âu hàng dệt may Việt Nam phải chịu thuế suất rất cao.

Việc gia nhập TPP đang được ngành dệt may kỳ vọng là một cơ hội lớn giúp ngành này tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm. 

nếu thuế nhập khẩu được giảm về 0% thì các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ được “chia” một phần trong giá trị tiền thuế được giảm. Giá trị tăng thêm đó, không những góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, nâng cao đời sống của người lao động mà còn là cơ hội để thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các nước này tăng thêm, tạo thêm hàng triệu việc làm cho người lao động trong tương lai. Cũng bởi vậy mà chúng ta đều mong TPP sớm được ký kết.
Đó là luận điểm được nêu ra trong bài báo "TPP và bài toán năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may". Thứ nhất, đây là một cái bánh vẽ đối với doanh nghiệp dệt may. Thị trường dệt may là thị trường cạnh tranh nên nếu tất cả doanh nghiệp dệt may đều đạt được yêu cầu để giảm thuế thì tất cả các doanh nghiệp này đều sẽ giảm giá hàng của mình đúng bằng chừng đó. Lý do là để giành thêm thị phần, còn trên thực tế là để tăng thêm sức cạnh tranh bằng giá thấp hơn. Tức là doanh nghiệp dệt may Việt Nam chẳng được hưởng lợi đồng nào từ việc hạ giá nhập khẩu vào các nước TPP một cách đồng loạt như vậy. Thứ hai, khi doanh nghiệp không được hưởng đồng nào từ việc giảm thuế thì cũng chẳng có phần nào dôi ra để đầu tư cho công nghệ hay nâng cao đời sống công nhân hết. Mà ngay cả khi doanh nghiệp có lãi hơn thì điều đó cũng không có nghĩa là họ sẽ tăng lương và cải thiện cho đời sống công nhân, vì điều đó có nghĩa là hy sinh một phần lợi nhuận của họ. Mấu chốt trong chuyện này là các doanh nghiệp dệt may hy vọng TPP sẽ giúp họ giảm giá sản phẩm tại các thị trường lớn và gia tăng thị phần của họ. Nhưng để giành được thị phần đó thì chỉ giá thấp hơn là chưa đủ, mà cần phải có sản lượng lớn hơn.

Sản lượng lớn hơn là câu chuyện của sản xuất. Thông thường để có sản lượng lớn hơn thì có hai cách, thứ nhất là áp dụng công nghệ mới gia tăng năng suất lao động, thứ hai là tăng cường độ lao động và kéo dài thời gian lao động. 
Chẳng hạn, hiện nay vấn đề năng suất lao động của Việt Nam đang bị xem là thấp, trong khi tiền lương tối thiểu liên tục tăng, thời gian cho phép làm thêm giờ quá ít đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ đóng cửa nhà máy.
Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế ILO thì năng suất lao động bình quân chung tại Việt Nam rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30% của Malaisia, 40% của Thái Lan. Thực tế ở ngành dệt may Việt Nam, năng suất lao động bình quân (tính trên giá gia công) tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng cũng mới chỉ đạt 1,5 USD/ giờ (bằng 50% năng suất bình quân ngành may Thái Lan và Indonesia). Người lao động làm ra 312 USD/ tháng, nếu trừ các chi phí trong sản xuất, quản lý, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, phí lưu thông… thì chỉ còn khoảng 52% để trả lương cho người lao động, tương đương khoảng 3,4 triệu đồng/tháng
Vẫn bài báo đã nêu, ở đây năng suất lao động thực tế của ngành dệt may đã bị nhập nhèm với thang đo năng suất bằng giá trị sản phẩm/trên đầu nhân công mà ngay cả Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cũng khuyến cáo là chỉ để tham khảo, không thể dùng để so sánh năng suất lao động giữa các ngành hay giữa các nước với nhau.

Nhiều người sẽ cho rằng đây chỉ là sai lầm không đáng kể. Song đó không phải là sai lầm, mà là chủ ý của người viết. Họ dùng lập luận năng suất thấp để bảo vệ cho điều này:
Trong nhiều hội nghị hội nghị bàn về năng suất lao động, về mức tăng lương tối thiểu hàng năm do VCCI tổ chức, nhiều hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giầy…đều kiến nghị cần sửa đổi Bộ luật lao động về thời gian làm thêm giờ được phép tăng lên là 60 giờ/tháng như Nhật Bản để thời gian làm thêm giờ có thể bù cho năng suất lao động đang còn quá thấp, bù cho những chi phí liên tục tăng và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Như vậy là ở trên thì hứa hẹn người lao động sẽ được tăng thu nhập, nhưng ở dưới thì buộc họ làm thêm giờ theo kiểu Nhật Bản (cho hội nhập TPP!). Đến đây thì câu chuyện đã rõ, ngành dệt may ủng hộ việc gia nhập TPP với kỳ vọng sẽ hạ giá sản phẩm thông qua việc dỡ bỏ thuế quan, nhờ đó gia tăng thị phần. Gánh nặng còn lại thì đổ lên lưng của công nhân với việc gia tăng sản lượng thông qua tăng ca làm thêm giờ kiểu Nhật Bản. Nói ngắn gọn, ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục gia công và bán sản phẩm giá bèo dựa trên nhân công giá rẻ.

Quay trở lại câu chuyện năng suất lao động. Việt Nam đang ở một tình huống phân tích kinh điển của Marx trong bộ "Tư Bản". Chủ doanh nghiệp luôn chỉ đánh giá năng suất lao động dựa trên giá trị hàng hóa mà họ bán được, nhưng Marx đã chỉ ra rằng giá trị hàng hóa mà họ bán được không phải là cái giá trị mà họ sản xuất ra. Bí mật nằm ở chỗ giá trị hàng hóa mà họ bán được thì bằng chi phí đầu tư cộng với lợi nhuận sinh ra từ tỷ suất lợi nhuận bình quân. 

Ngành dệt may ở Việt Nam vốn là ngành có cấu tạo hữu cơ thấp, thế nên ngay cả khi năng suất lao động của công nhân ngành này rất cao thì một phần lớn giá trị thặng dư sẽ chảy sang túi của chủ doanh nghiệp ở những khu vực có cấu tạo hữu cơ cao hơn (chủ yếu là nước ngoài). Chính vì vậy chủ doanh nghiệp dệt may khi thấy giá trị sản phẩm trên đầu công nhân của mình thấp thì cho là năng suất thấp, chứ thực sự không biết nó cao đến mức nào.

Chủ doanh nghiệp dệt may bị giới hạn trong cái tầm nhìn hạn hẹp ấy thì cách duy nhất mà họ chống chọi lại với thị trường là gia tăng bóc lột công nhân, tăng ca, tăng giờ làm là khẩu hiệu sau một thế kỷ mà người công nhân đã đòi được quyền ngày làm 8 tiếng (nhiều nước Châu Âu hiện giờ chỉ làm 35 tiếng/tuần trong khi Việt Nam đòi tăng thêm 15h/tuần).

Người công nhân khi phải tăng giờ làm thì không chỉ bản thân họ bị hủy hoại nhanh chóng mà họ sẽ phải hy sinh đời sống cá nhân, hy sinh gia đình, hy sinh thời gian chăm sóc con cái, hy sinh thời gian để sống một cuộc sống tử tế, hy sinh các cơ hội để phát triển bản thân. Ngày lao động kéo dài là ngày lao động nô lệ! Lợi nhuận của chủ doanh nghiệp dệt may sẽ được đảm bảo bằng sự khốn cùng của người công nhân dệt may.

Nhiều người đọc bài này sẽ hoài nghi, thậm chí cho rằng có gì đó quá khích trong phân tích này, hoặc hỏi tại sao tôi không ủng hộ doanh nghiệp dệt may Việt Nam lớn mạnh. Câu trả lời như sau: Nếu doanh nghiệp dệt may tiếp tục làm ăn theo cái lối bóc lột lao động giá rẻ đó thì họ sẽ không bao giờ lớn mạnh, ngược lại họ sẽ chỉ làm giàu thêm cho tư bản ngoại quốc. Hiện giờ lợi nhuận của họ thấp là bởi vì một phần lớn chảy vào túi tư bản nước ngoại quốc, thay vì tìm cách đoạt lại cái phần đó từ tay tư bản ngoại quốc thì họ tìm cách chất thêm gánh nặng lên vai người lao động trong nước để bảo vệ chỗ đứng của họ. Sau nữa, khi họ gia tăng sự áp bức quá mức với giai cấp lao động thì người lao động sẽ phản kháng trên quy mô lớn, lúc đó họ dựa vào đâu để duy trì trật tự. Câu trả lời trước hết sẽ là các thế lực đế quốc nước ngoài. Tư bản không có tổ quốc! Đó là khẩu hiệu mà bất cứ nhà tư bản nào cũng thuộc lòng.

10 comments:

  1. Vậy ở Nhật Bản, công nhân phải làm tất cả bao nhiêu tiếng một tuần anh nhỉ? Ngoài ra anh có thể giải thích hoặc minh họa thêm chút cụm từ "cấu tạo hữu cơ" được không ạ?

    Cuối cùng thì sau khi đọc bài này, em phải công nhận khâm phục cái gọi là "trí tuệ của nhà tư bản" của vài rận sĩ vẫn hay cho rằng giá trị thặng dư là tiền công cao cho trí tuệ của nhà tư bản :3

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhật Bản cũng quy định ngày làm 8 tiếng, 40 giờ/tuần, nhưng luật làm thêm giờ lại cho phép kéo dài thời gian lao động 60 giờ/tháng, tức là 15 giờ/ tuần. Một người lao động có thể phải làm việc tới 11 giờ mỗi ngày.

      Cấu tạo hữu cơ chính là c/v trong bộ Tư Bản, vấn đề giá trị và giá cả sản xuất được phân tích ở quyển 3. Nó như sau:

      Nhà tư bản 1: 100 c +50 v + 50 m
      Nhà tư bản 2: 100 c +10 v + 10 m
      Cấu tạo hữu cơ của hai nhà tư bản là khác nhau 100/50 so với 100/10.
      Ở quyển 1 thì nhà tư bản 1 bán được 200 còn nhà tư bản 2 bán được 120.

      Song đây chính là vấn đề khiến khoa kinh tế chính trị cổ điển sụp đổ, do không giải thích được sự khác nhau giữa giá trị và giá cả sản xuất. Marx lý giải như sau:

      Tỷ suất lợi nhuận bình quân là 50+10/150+110=23.07%

      Giá cả sản xuất của nhà tư bản 1 là 150+ 150x23.07%=184.605
      Giá cả sản xuất của nhà tư bản 2 là 110+110x23.07%= 135.395

      Tức là nhà tư bản có cấu tạo hữu cơ thấp hơn phải nhường một phần giá trị thặng dư cho nhà tư bản có cấu tạo hữu cơ cao hơn.

      Nếu bạn đang đọc quyển 1 thì tạm gác vấn đề này lại, bởi nếu không sẽ rơi vào tình trạng tẩu hỏa nhập ma mà các nhà kinh tế học nặng về toán tìm cách thoát suốt một thế kỷ nay vẫn không nổi. Ngay cả giới học giả về kinh tế chính trị ở Việt Nam cũng rất ít người thạo về vấn đề này, nên khó có người giải thích cho bạn được.

      Delete
    2. Em cám ơn anh nhiều, đúng là em đang đọc quyển 1 thật và chưa ngó gì tới quyển 3. Nhưng mà nghe thấy mùi tính toán là em thấy thú vị hơn hẳn, bởi em là người làm Toán :D

      Delete
    3. Điều tồi tệ ở Nhật Bản là việc làm thêm giờ nhiều khi là một sự cưỡng bức hữu hình hoặc vô hình mà hoàn toàn không được trả lương.

      Ở Nhật Bản đám học giả ủng hộ làm thêm giờ kiểu Nhật Bản rất đông ở đại học waseda, tình cờ là trường này lại cấp rất nhiều học bổng đào tạo sau đại học cho ngành kinh tế ở Việt Nam. Rất nhiều sinh viên ngành kinh tế chính trị Việt Nam theo học cao học ở Nhật Bản theo các học bổng đó.

      Delete
    4. Kể ra blog của anh có thêm vài bài về Nhật Bản thì cũng hay. Trong mắt nhiều người trẻ, Nhật Bản & Hàn Quốc vẫn là cái gì đó thần kỳ. Nhưng mà em nghĩ: mọi cái đều có giá của nó.

      Chuyện cấp học bổng chắc không phải là tình cờ :)) chắc là họ muốn tuyên truyền ý muốn nào đó để có lợi hơn cho doanh nghiệp Nhật khi tấn công vào thị trường VN?

      Delete
    5. Lợi thì có đấy, doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam khét tiếng bắt làm thêm giờ mà không trả thêm lương.

      Delete
  2. Trong các lĩnh vực như văn hóa, toán, vật lý, lịch sử...v, v. Thì lĩnh vực kinh tế là SỐ 1 về việc các ráo sư tiên sĩ sủa tầm bậy.

    Ngay trong cái TPP này, đám học giả khoe khoang dệt may tỷ này tỷ kia tăng trưởng, nhưng thậm chí dốt nát hơn học sinh lớp 1 vì không làm nổi phép trừ số nhiều tỷ Mỹ thu lại từ tiền bản quyền âm nhạc, phim ảnh, phát minh sáng chế, cho đến tên viên thuốc của bệnh nhân.

    Đó là nhiều nhiều tỷ vì tất cả đã đăng ký độc quyền ở Mỹ. Bớ các nhà kinh tài tiên sĩ, giỏi như thằng bé lớp 1.

    Rất mong bác Hiệp sĩ vả cho tay ráo sư Herb Cochran nói láo này 1 phát hộ em.

    http://www.fpts.com.vn/VN/Tin-tuc/Trong-nuoc/Kinh-te-vi-mo/2014/10/3BA0C9CD_gia-nhap-tpp-gdp-viet-nam-tang-357/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái bài đó là về dự đoán định lượng, không có mô hình thống kê của ông giáo sư thì không phân tích được. Mặt khác ông giáo sư đó là chủ tịch AmCham, tất nhiên là cò mồi cho TPP, chém ông ta vô ích.

      Delete
  3. Ra nhập TPP có thể nói đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng, nhưng cũng chính là khó khăn cho toàn nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cần phải đổi mới, thay đổi tư duy và nâng cao tính cạnh tranh may ra có thể tồn tại và canh tranh công bằng được.

    ReplyDelete
  4. hàng dệt may Việt Nam dù có cơ hội lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong nước

    ReplyDelete