Friday, October 31, 2014

Hành quyết dân thường theo kiểu cảnh sát Mỹ



Vào thứ hai, Liên Minh Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU) công bố một đoạn băng video do camera của cảnh sát thu được về vụ giết hại Milton Hall, một người đàn ông vô gia cư 49 tuổi bị bệnh tâm thần vào tháng 7 năm 2012, do các sĩ quan cảnh sát ở Saginaw, Michigan gây ra. Mark Fancher, một luật sư của ACLU Michigan đã gọi vụ giết hại Hall là sản phẩm của "đội hành quyết".

ACLU công bố đoạn video trong lời khai làm chứng tại buổi giải trình về bạo lực của cảnh sát ở Hoa Kỳ của Ủy Ban Liên Mỹ về Nhân Quyền trực thuộc Tổ Chức Các Nhà Nước Châu Mỹ.

Đoạn video cho thấy 8 sĩ quan cảnh sát với vũ khí vây xung quanh Hall tại một bãi đậu xe ở ngoại ô. Một sĩ quan liên tục đe dọa Hall với con chó nghiệp vụ gầm gừ, khiến Hall phải chìa con dao bỏ túi nhỏ ra để phòng vệ. Hall cho thấy trạng thái phòng vệ rõ ràng và không hề tiến lại gần bất cứ sĩ quan cảnh sát nào trong phạm vi ba mét [chú thích của người dịch: Luật Mỹ quy định đó là khoảng cách an toàn để bảo vệ sĩ quan cảnh sát].

Đoạn video cho thấy cảnh sát khai hỏa theo kiểu đội hành quyết, họ bắn hơn 45 phát đạn trong khoảng thời gian vài giây, Hall bị trúng 14 phát đạn, và họ tiếp tục bắn ngay cả khi Hall đã ngã xuống mặt đất. Sau đó, một sĩ quan lật người Hall, còng tay lại, dùng giày dẫm vào lưng Hall.

Bất chấp sự thật mà đoạn băng video đã cung cấp cũng như sự làm chứng của một số người đi ngang qua, không có bất cứ sĩ quan nào bị kết án. Vào tháng một, Bộ Tư Pháp đã thông báo rằng họ không để đưa ra cáo buộc đối với những người giết hại Hall, tuyên bố rằng "sự kiện bi kịch không cho thấy bằng chứng đầy đủ về sự sai phạm có chủ ý đến mức phải truy tố hình sự liên bang".


Trung Mỹ đói khát

Nạn đói do hạn hán đang hoành hành ở Trung Mỹ, bạn đọc hẳn đã biết, nhưng con người tạo ra nó như thế nào? Xin mời hãy tham khảo bản dịch bài viết "Starving Central America" của tác giả người Mỹ Nick Alexandrov.

Trung Mỹ đói khát

“Hạn hán đã giết chúng tôi”, một người Honduras trẻ, Olman Funez nói về mùa hè năm ngoái. Anh ta đề cập tới cái mà Ngân Hàng thế giới gọi là “một trong những đợt hạn hán dài nhất suốt nửa thế kỷ qua”. Một nông dân Guatemala 60 tuổi khẳng định rằng ông chưa từng thấy “thảm họa nào như vậy”. Carlos Rosman, một nông dân Guatemala nói với phóng viên rằng “Chả có gì ở đây hết. Chúng tôi ăn những gì có thể tìm thấy.”

Đó là những người trong só 2,8 triệu Trung Mỹ “đang đấu tranh để nuôi sống bản thân” trong khu vực “hàng lang khô hạn” – “một khu vực khô hạn nằm giữa Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua”, theo thông tin từ tổ chức Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Nicaragua mô tả đợt hạn hán là tồi tệ nhất trong 32 năm qua. Vào tuần trước tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và Trăng Lưỡi Liềm Quốc Tế “nói khoảng 571,710 người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Honduras”, và “các hộ gia đình buộc phải bán tài sản và gia súc để mua thực phẩm cần thiết cho sống sót, trong khi những người khác đi tị nạn để tránh tác động của hạn hán”. Nhưng khủng hoảng lương thực ở Honduras và Nicaragua không phải là hiện tượng mới. Ở cả hai quốc gia này, chính sách của Hoa Kỳ đã gây ra nạn đói Trung Mỹ.

Những người Honduras khẳng định rằng khu vực Choluteca là một phần của “hành lang khô hạn”. Lãnh sự Hoa Kỳ ở Tegucigalpa đã viết vào năm 1904 về “sự đa dạng thực vật” của Choluteca, “từ các loại thông và sồi của thượng du cho đến cọ và dừa dọc theo bờ biển”. Vùng rừng giàu có đã bị tàn phá trong 70 năm sau đó, giảm từ 29% xuống 11% trong khu vực được thống kê vào những năm 1960 và 1970. Bãi chăn thả tăng diện tích bao phủ từ 47% lên 64% trong cùng kỳ. “Gia súc đang ăn hết rừng”, Billie R. DeWalt tường thuật trên Bản Tin Các Nhà Khoa Học Nguyên Tử ba thập kỷ trước đây. Nhà nhân loại học Jefferson Boyer đồng tình, cho biết là các trại chăn nuôi Choluteca “đơn giản chỉ thuê lao động để đốn và đốt cây cũng như bụi rậm, phát quang đất cho cỏ mọc”. 

Honduras “bị biến thành bãi chăn thả gia súc khổng lồ nhằm mục đích xuất khẩu”, DeWalt nói thêm – một sự phát triển phục vụ các mục đích của Washington. Robert G. Williams cho biết một ví dụ, “Liên Minh Tiến Bộ thúc đẩy xuất khẩu thịt bò Trung Mỹ” của Kennedy, và “Ngân Hàng Thế Giới, AID, và IADB” đều coi thịt bò “là con đường thực dụng và nhanh chóng dẫn đến tăng trưởng nhờ xuất khẩu”. DeWalt tiếp tục, thịt bò “không quan tâm tới khoảng 58% trẻ em Honduras dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng dễ thấy”, nhưng không khi nào không quan tâm hơn đến Hoa Kỳ - nguồn “nhu cầu nhập khẩu vô tận các sản phẩm từ gia súc” và “nhà nhập khẩu lớn nhất” “của xuất khẩu thịt bò Trung Mỹ”. Khi các công dân Mỹ nhồi nhét steaks và hamburger, “nguồn cung cấp thực phẩm ở các nước nghèo trở nên thiếu hụt, thất nghiệp gia tăng, và đất đai cũng như các tài nguyên khác bị suy giảm mạnh”. Người Honduras nghèo khổ do đó buộc “phải cạnh tranh với động vật để giành các tài nguyên có sẵn ở địa phương”.

Nhưng nhiều nông dân, vì lý do nào đó, không thể chấp nhận rằng họ bị đối xử như con vật nuôi để giết thịt. Họ đã phản ứng lại sự phá hủy có hệ thống đối với sinh kế của họ bằng cách thành lập các tổ chức tự bảo vệ. Các chủ đất đáp trả theo cách có thể tiên lượng. “Bị chủ bãi chăn thả giết hại là chuyện phổ biến trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, và một số vụ thảm sát đã được công khai”, David Nibert kể. “Ví dụ, vào năm 1975, tại một bãi chăn thả lớn có tên là Los Horcones” - ở khu vực Olancho, một địa điểm mở rộng bãi chăn thả khác – “5 người đã bị thiêu chết trong một lò bánh mỳ, hai tu sĩ bị thiến và băm vằm, và hai phụ nữ bị ném xuống giếng rồi cái giếng bị cho nổ sập. Tất cả các nạn nhân đều có liên hệ với phong trào do nông dân tổ chức.

Lịch sử nông nghiệp Nicaragua cũng tương tự, theo nghĩa rộng. Khu vực León, giờ là một phần của “hành lang khô hạn” rất ấn tượng với thương nhân Anh Orlando W. Roberts, ông mô tả vào năm 1827 là “miền đất rừng đẹp như trong tranh”. Phó lãnh sự Hoa Kỳ Peter F. Stout viết vào băm 1859 rằng “khu vực màu mỡ của Leon” được “bao phủ bởi rừng rậm”, các chợ tràn ngập “dưa, cam, chanh cam, chanh, đu đủ”, nhiều “loại ăn được” đều sẵn có. Nhưng sau thế chiến thứ II “khu vực bao quanh León bị biến thành đám bụi khủng khiếp khi những chủ nông trại đốn hạ rừng và trục xuất các gia đình tá điền cũng như các cộng đồng thổ dân ra khỏi đất đai của họ”, Matilde Zimmerman kể lại, đánh dấu bước phát triển của cây bông. “Trong kỳ khô hạn mùa xuân, gió nóng thổi bụi đi khắp các ngóc ngách thành phố, và không khí ở León bốc mùi thuốc trừ sâu”.

Thuốc trừ sâu đã phá hủy nông nghiệp truyền thống ở Nicaragua, giỏ bánh mỳ của khu vực. “Sản lượng lương thực cho nhu cầu nội địa giảm xuống liên tục ở Nicaragua từ năm 1948 tới năm 1978 khi ngày càng nhiều đất hơn được chuyển sang canh tác để xuất khẩu các loại sản phẩm như bong, gia súc hay thịt bò”, Clifford L. Staten viết về thời kỳ Somoza. “Vào cuối những năm 1970, chỉ có 13% dân số làm nông nghiệp có mảnh đất đủ đáp ứng các nhu cầu căn bản hay tối thiểu về lương thực.” ông ta tiếp tục. Joseph Collins chỉ ra rằng các nhà sản xuất bong Nicaragua, biến đổi đất để phục vụ cho lợi ích của họ, “đã thành công trong việc biến đất nước của họ thành thủ đô thuốc trừ sâu của thế giới. Sữa mẹ ở Nicaragua chứa lượng DDT cao hơn 45 lần so với mức cho phép của bộ y tế”.

Douglas L. Murray cho biết rằng phần lớn viện trợ nông nghiệp của Washington được dùng để mua thuốc trừ sâu. “Ví dụ vào giữa những năm 1960, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) cho Nicaragua vay 9 tỷ dollar thông qua Chương Trình Lương Thực Cơ Bản để mua thuốc trừ sâu cho các nhà sản xuất ngũ cốc cơ bản”, kể từ khi tiền phục vụ cho “sản xuất bông Nicaragua thuần túy, cũng như tạo ra doanh thu bổ sung cho các công ty hóa chất Hoa Kỳ”. Vận may doanh nghiệp đó là một phần của sự bùng nổ về bông. Những thứ khác là “sự khó khăn và đau khổ của hàng trăm ngàn người” cũng như “sự suy giảm mức độ tiêu thụ caloric của trẻ em”, khi sự bành trướng của bông “thay thế không chỉ sản xuất các ngũ cốc cơ bản và sản phẩm nông nghiệp cần thiết mà còn trục xuất nhiều người đã có đời sống lịch sử trên vùng đất này”, Murray kết luận.

Sự chuyển đổi nông nghiệp mà Honduras và Nicaragua đã trải qua – và đặc biệt là sự tàn phá rừng mà họ kế thừa – có thể liên quan đến sự thiếu nước hiện nay tại khu vực. Nick Nuttall, môt quan chức tham gia Hiệp Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu, cho biết “mối liên hệ giữa nạn phá rừng và hạn hán là rất rõ ràng”, trong khi các nhà nghiên cứu khác tin rằng “hạn hán, được khuyếch đại bởi nạn phá rừng, là yếu tố chủ yếu trong sự sụp đổ nhanh chóng của đế chế Maya vào khoảng năm 950 trước Công Nguyên”.

“Con người và hệ thống sinh thái” khắp thế giới hiện nay có thể chung số phận với người Maya, Tổ Chức Liên Chính Phủ của Liên Hiệp Quốc (IPCC) về biến đổi khí hậu đã lo sợ. Trong một bản dự thảo báo cáo bị lộ sẽ được công bố vào chủ nhật này, ngày 2 tháng 11, IPCC lập luận rằng “ngay cả khi thích nghi, sự ấm lên vào cuối thế kỷ 21 sẽ dẫn đến nguy cơ cao đến rất cao các tác động khốc liệt, rộng rãi, và không thể đảo ngược toàn cầu”. Do đó chúng ta phải quyết định: Hoặc là mùa hè khốc liệt ở Trung Mỹ cho chúng ta thấy trước tương lai hành tinh của chúng ta, hoặc là nó cho thấy một ác mộng mà chúng ta sẽ thoát khỏi trong tích tắc.

Lầu Năm góc cáo buộc "Nga xâm lược" NATO và trò lố của báo chí Việt Nam

Bạn đọc muốn biết về việc máy bay Nga đã làm gì hay Lầu Năm Góc cáo buộc Nga xâm lược ra sao, xin mời đọc bản dịch bài viết "Pentagon claims “Russian aggression” against NATO" của tác giả Patrick Martin.

Lầu Năm Góc cáo buộc "Nga xâm lược" NATO

Chính quyền Obama và Lầu Năm Góc đang nạp nhiên liệu cho căng thẳng quân sự với Nga sau cuộc bầu cử nghị viện Ukraina ngày 26 tháng 10, họ tuyên bố rằng các chuyến bay của một số lượng nhỏ chiến đấu cơ quan vùng biển quốc tế vào thứ tư đã tạo thành “khua gươm chính trị” và thậm chí là “xâm lược của Nga”.

Sự mô tả tiếp theo được tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Hoa Kỳ, tổng tham mưu trưởng Raymond Odierno, đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày thứ tư của CNN. Được biết là các chuyến bay chưa bao giờ xâm phạm không phận của bất cứ quốc gia nào, khẳng định của Odierno là sự kích động có chủ ý. Theo điều 5 của Hiến Chương NATO, “Sự xâm lược của Nga” đã tạo ra lý do hợp pháp cho một cuộc phản kích của quân đội Hoa Kỳ đối với nước sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Theo các thông cáo báo chí được trụ sở NATO ở Bỉ cung cấp, có tổng cộng 4 chuyến bay của chiến đấu cơ Nga trên vùng biển Châu Âu trong ngày thứ ba và thứ tư. “Các chuyến bay có số lượng đáng kể của Nga phản ánh mức độ bất thường của hoạt động không lực trên bầu trời Châu Âu”, tuyên bố của NATO nêu rõ, mặc dù họ thừa nhận rằng các chuyến bay đó là trên vùng biển quốc tế và không xâm phạm không phận của bất cứ quốc gia nào.

Vào thứ ba, 7 chiến đấu cơ Nga rời căn cứ của họ ở Kaliningrad, một khu vực của Nga nằm xen kẹt giữa Ba Lan và Lít-va (trước đây là Konigsberg, thủ đô của Đông Phổ cho đến kết thúc thế chiến thứ II). Họ bay dọc theo bờ biển Lít-va, Latvia và Estonia vào vịnh Phần Lan, hạ cánh tại căn cứ ở Nga. Các chiến đấu cơ của Đức, Đan Mạch và Phần Lan đã theo dõi chuyến bay của Nga ở nhiều chặng. 

Phần Lan và Thụy Điển không phải là thành viên NATO, nhưng họ hợp tác chặt chẽ với NATO từ khi có cuộc đảo chính do Hoa Kỳ và Đức hậu thuẫn ở Ukraina đầu năm nay. Tháng trước Thụy Điển đã khẳng định hai máy bay Nga xâm phạm không phận của họ, và đầu tháng này hải quân Thụy Điển đã tìm kiếm suốt một tuần tàu ngầm Nga trong lãnh hải của họ trên vùng biển Baltic nhưng không thành công.

Vào thứ tư, 7 chiến đấu cơ Nga, tất nhiên là vẫn 7 chiếc đó, rời căn cứ ở miền bắc Nga và bay trở lại dọc theo bờ biển Baltic đến Kalinigrad. Họ bị chiến đấu cơ Bồ Đào Nha của NATO ở căn cứ tại Estonia và Lít-va theo dõi

Cũng vào thứ tư, 4 chiến đấu cơ Nga, hai máy bay ném bom và hay tiêm kích, bay từ miền nam Nga vào Biển Đen theo hướng Thổ Nhĩ Kỳ, ở đó họ bị hai chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi cho đến khi họ quay trở lại.

Một lần nữa vào thứ tư, 8 chiến đấu cơ Nga, bốn máy bay ném bom và bốn máy bay tiếp nhiên liệu, bay từ miền bắc Nga vào biển Na-uy, dọc theo bở biển Na-uy vào Biển Bắc và sau đó là Đại Tây Dương. Hai máy bay ném bom tiếp tục bay về phía tây và nam, vòng qua quần đảo Anh xa về phía bắc Bồ Đào Nha, trước khi trở lại Nga theo đường cũ. Chiến đấu cơ NATO từ Na-uy, Anh và Bồ Đào Nha đã theo dõi chiến đấu cơ Nga nhiều chặng.

Sự kiện được tường thuật tiếp theo biến thành một trường hợp nhận dạng lầm, khi chiến đấu cơ của Không Lực Hoàng Gia Anh hộ tống một máy bay do Nga sản xuất tới sân bay Stansted ở ngoại ô London vào thứ tư. Đó là một máy bay phản lực dân sự từ Latvia, hoàn toàn không có liên hệ với các cuộc tập trận của quân đội Nga.

Tờ Wall Street Journal, một trong những người phát ngôn hàng đầu của chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ, đăng tin rất sốt sắng về các hoạt động của Nga, trích dẫn bình luận của “một quan chức cấp cao chính quyền Obama”, để tăng ấn tượng, “Khuynh hướng gây rối với các sự kiện ngoài lãnh thổ được Nga gia tăng sử dụng cùng với đường ống của họ nhằm khua gươm chính trị, những cuộc xâm nhập thử nghiệm bằng đường không và đường biển của quân đội Nga đã trở nên đáng kể và trắng trợn”.

Tờ Journal cũng trích dẫn sự lưu ý của Odierno về “xâm lược của Nga”, và thực hiện một cuộc phỏng vấn với tổng thư ký mới được bầu của NATO, cựu thủ tướng Na-uy Jens Stoltenberg, người đã thúc giục tiếp tục gia tăng lực lượng quân sự của NATO ở Đông Âu, sát với biên giới Nga. 

Stoltenberg thảo luận về sự gia tăng quy mô lớn của NATO, bao gồm cả việc thành lập Lực Lượng Xung Kích, đơn vị NATO mang tên khiêu khích được thiết lập để đối phó căng thẳng đang bùng nổ với Nga sau cuộc đảo chính ở Ukraina.

Quan chức NATO nói, “Kế hoạch mà chúng tôi đồng ý là sự tăng viện lớn nhất trong phòng thủ tập thể của chúng tôi kể từ kết thúc Chiến Tranh Lạnh. Chúng ta có nhiều chiến đấu cơ hơn trên bầu trời – gấp 5 lần chúng ta có một năm trước đây. Chúng ta có nhiều chiến hạm hơn trên biển Baltic và Biển Đen, và chúng ta có một sự gia tăng quan trọng trong các khởi sự trên đất liền, tập trận và quân đội đóng quân luân chuyển ở các nước đồng minh phía đông”.

Stoltenberg giải thích thêm về đội quân phản ứng nhanh, Lực Lượng Xung Kích là “một phần của các yếu tố chỉ huy và kiểm soát sẽ có ở các đồng minh phía đông: các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, Rumania và Bulgaria. Những hạt nhân chỉ huy và kiểm soát này đóng vai trò quan trọng vì chúng sẽ gia tăng khả năng tăng viện của chúng ta. Và thêm vào đó, tập kết trước các trang thiết bị và quân nhu sẽ gia tăng khả năng tăng viện nhiều hơn”.

Trong khi chính quyền Obama, NATO và truyền thông nô lệ của Hoa Kỳ mô tả Nga là kẻ xâm lược, các chuyến bay quân sự như được mô tả vào thứ hai và thứ ba không hề khiêu khích cũng hay bất hợp pháp chiếu theo các luật lệ quốc tế. Chiến đấu cơ Nga không có bất cứ nỗ lực nào thách thức phòng thủ của NATO hay gây ra báo động. 

Đây là sự tương phản sắc nét trong thực tiễn Hoa Kỳ suốt Chiến Tranh Lạnh, khi Lầu Năm Góc thường xuyên can dự vào cái được gọi là các chiến dịch DE SOTO, mật hiệu được áp dụng cho các thử nghiệm xâm nhập không phận của Liên Bang Soviet, các nước khối Hiệp Ước Warsaw ở đông Âu, Trung Quốc, Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên.

Các chiến dịch DE SOTO thường có sự tham gia của máy bay ném bom Hoa Kỳ giả định một cuộc tấn công vào các quốc gia mục tiêu, khiêu khích sự đáp trả của lực lượng phòng không, trong khi các máy bay tác chiến điện tử theo dõi và vẽ bản đồ vị trí của hệ thống radar cũng như các cơ sở khác phục vụ cho việc xác định mục tiêu trong tương lai. Hành động xấu xa nhất là cuộc tấn công giả định đối với hệ thống phòng thủ Viễn Đông của Soviet vào tháng 9 năm 1983, dẫn đến vụ chiến đấu cơ phòng không của Soviet bắn hạ máy bay KAL007 do nhầm máy bay dân dụng lạc đường là chiến đấu cơ Hoa Kỳ.

Các cáo buộc về những chuyến bay bất thường của quân đội Nga là một phần trong tuần Hoa Kỳ gia tăng sức ép đối với Nga. Vào thứ hai, bộ trưởng bộ quốc phòng Chuck Hagel nói chuyện qua điện thoại với bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm của Ukraina, tướng Stepan Poltorak.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, “Bộ trưởng Hagel thảo luận với bộ trưởng Poltorak về những kiểu viện trợ an ninh mà Hoa Kỳ đang cung cấp nhằm xác định các yêu cầu của Ukraina”. Một Ủy Ban Hỗn Hợp Hoa Kỳ-Ukraina mới đây tổ chức buổi họp đầu tiên ở Kiev dựa vào các mối liên hệ giữa quân đội với quân đội, quan chức này cho biết. 

Vào thứ ba có các bản tin trên truyền thông Hoa Kỳ về việc các hackers ở Nga đã đột nhập vào mạng máy tính của Nhà Trắng đầu tháng này, dẫn đến một cuộc điều tra của FBI, Ủy Ban An Ninh Quốc Gia và Mật Vụ. Không có quan chức nào của chính quyền Obama xuất hiện trong các bản tin về sự cố đó, các bình luận nặc danh bài Nga được ưu tiên xuất hiện trên tờ Washington Post và nhiều tờ báo khác. 

Tờ Post cho biết vụ đột nhập nghi là của Nga gần đây vào năm 2008 “đã khuyến khích các nỗ lực thành lập Tư Lệnh Không Gian Mạng Hoa Kỳ, một tổ chức quân đội đảm nhiệm việc bảo vệ các hệ thống máy tính trọng yếu của quốc gia”, họ bổ sung thêm là “Khi được tổng thống hay bộ trưởng bộ quốc phòng chỉ đạo, Tư Lệnh Không Gian Mạng có thể thực hiện các chiến dịch tấn công”.

Vào thứ tư, Hagel mô tả Liên Hoan Ý Tưởng Washington, được tạp chí Atlantic tài trợ, phác thảo viễn cảnh mà tờ tạp chí mô tả là “ được sử dụng cho cuộc chiến bất tận”.

Hagel nói với phóng viên James Fallows, “Tôi nghĩ chúng ta đang sống ở một trong những thời điểm có tính chất ranh giới và lịch sử. Chúng ta đang nhìn thấy trật tự thế giới mới – hậu thế chiến thứ II, hậu sụp đổ của Liên Bang Soviet – đang được hình thành”. 

Khi Fallows hỏi Hagel, “Khi nào Hoa Kỳ sẽ thấy kết thúc của các cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến đã kéo dài 13 năm ở Iraq và Afghanistan?” Câu trả lời của Hagel là rất ấn tượng, bạn đừng nín thở. 

“Điều mà chúng ta thấy ở Trung Đông với ISIS-ISIL đang đòi hỏi một nỗ lực ổn định, dài hạn”, ông ta nói. “Thật không may, tôi thấy những điều này tiếp tục ở ngoài đó, Jim. Tôi nghĩ chúng ta ở trong một thách thức dài hạn hơn bất cứ ai trong chúng ta có thể hy vọng. Nhưng đó là thế giới mà chúng ta đang sống, và chúng ta cần phải trung thực về điều đó”.

Sau đó ông ta liệt kê danh sách “tất cả các khuynh hướng khác – sự trỗi dậy của Trung Quốc, những gì Nga đã làm trong sáu tháng qua; thảm họa bệnh dich, Ebola là một ví dụ”, để minh họa cho những vấn đề sẽ đòi hỏi một số dạng vận động của quân đội Hoa Kỳ.

P/s: Nhân tiện mời bà con đọc bài viết trên xong thì xem hình ảnh dưới đây để thấy căn bệnh nặng của báo chí Việt Nam. NATO theo dõi máy bay Nga nhưng báo Việt Nam đầu độc người dân bằng cách đưa tin NATO chặn máy bay Nga. Chặn máy bay của nhau có nghĩa là đánh nhau to rồi!



Thursday, October 30, 2014

Cuộc khủng hoảng Ukraina tiếp tục trầm trọng

Xin giới thiệu với bạn đọc bog bản dịch bài viết "Ukraine’s recession continues to deepen" của tác giả David Levine. Bài viết cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình kinh tế trên bờ vực phá sản của Ukraina.

Cuộc khủng hoảng Ukraina tiếp tục trầm trọng

Cuộc bẩu cử quốc gia được tổ chức ở Ukraina vào chủ nhật đóng vai trò là điều kiện xã hội tại đất nước đang tiếp tục bị tàn phá bởi chính sách thắt lưng buộc bụng tân tự do được hàng loạt các chính quyền hậu Soviet áp đặt, và mới đây được tăng tốc theo các thỏa thuận với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và các nhà tài trợ khác của nhà nước gần phá sản. Cuộc khủng hoảng đã bị làm trầm trọng thêm bởi cuộc chiến giữa chính quyền và lực lượng nổi dậy ở miền đông đất nước.

Sản lượng công nghiệp ở Ukraina vào tháng 8 đã giảm 21,4% so với tháng 8 năm 2013, và 16,6% vào tháng 9 so với tháng 9 năm 2013. Tại tỉnh Donetsk, sự sụt giảm khi so sánh giữa tháng 9 năm 2013 và tháng 9 năm 2014 lên đến 59,5%, ở tỉnh Luhansk là 85%.

Nhập khẩu giảm 23,5% trong 9 tháng đầu tiên của năm 2014 khi so sánh với cùng kỳ năm trước, còn xuất khẩu thì giảm 6,8% - bất chấp các điều khoản thương mại cởi mở tạm thời mà Liên Minh Châu Âu (EU) đang áp dụng cho Ukraina. 

Sản xuất than ở Ukraina giảm 60% giữa tháng 8 năm 2013 và tháng 8 năm 2014. Hơn nửa số mỏ than của quốc gia nằm trong khu vực do những người nổi dậy kiểm soát tại tỉnh Donetsk và Luhansk. Nhiều trong số chúng bị ngập nước và cần nhiều tháng để khôi phục.

Các quan chức Ukraina, Nga và EU đang tham gia vào cuộc đàm phán ba bên ở Brussels để giải quyết cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt. Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine vào tháng 6 vì khoản nợ quá hạn trị giá 5,3 tỷ USD cho lượng khí đốt đã được công ty năng lượng Nga Gazprom cung cấp. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu José Manuel Barroso tuyên bố vào thứ năm tuần trước rằng Hội Đồng Châu Âu sẽ cung cấp tới 1 tỷ USD cho Ukraina để mua khí đốt của Nga, nhưng không hơn. 

Khoảng 70% nguồn điện của Ukraina được sản xuất từ than và khí đốt. Do đó, đất nước này cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cung cấp điện. Rất nhiều thành phố Ukraina, trong đó có cả thủ đo Kiev, đã bị cắt điện ít nhất hai tiếng mỗi ngày.

Đối với sưởi ấm, nhiệt kế tại các tòa nhà dân cư ở Kiev được đặt ở 16-17° C (61-63° F) trong mùa đông năm nay do thiếu hụt. Cung cấp nước nóng ở Kiev đã bị ngừng trong phần lớn mùa hè, và được mở lại chỉ trong vài tuần gần đây. Vào ngày 24 tháng 10, 3% cư dân của Kiev vẫn chưa có nước nóng. Tình hình ở phần còn lại của đất nước thậm chí tồi tệ hơn.

Ngân Hàng Thế Giới trước đó đã dự báo rằng kinh tế Ukraina sẽ suy giảm 5% năm nay, hiện giờ điều chỉnh lên mức 8%. Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu đã dự doán suy giảm ở mức 9%. Vitaly Vavrishchuk, chuyên gia trưởng về phân tích của trung tâm tư vấn đầu tư SP Ukraina viết trên liga.net rằng công ty của ông ta dự báo mức suy giảm 9,5% vào năm 2014 và tiếp theo là mức suy giảm 4,3% vào năm 2015. Ông ta cũng dự đoán mức suy giảm 30-35 đầu tư ở Ukraina vào năm 2014.

Từ tháng một năm nay, nợ lương của chủ doanh nghiệp đối với người lao động đã tăng lên 53%, lên mức 1,4 tỷ hryvnia (110 triệu USD). Con số này có vẻ bị ước lượng thấp bởi vì theo trung tâm Dịch Vụ Tài Khóa của nhà nước thì 70-80% chủ doanh nghiệp Ukraina trả lương cho người lao động không theo luật. Khoảng một nửa lực lượng lao động Ukraina đang làm việc bất hợp pháp, theo thông tin của Yury Ruban, lãnh đạo Cục Quản Lý Chính Sách Nhân Đạo của Tổng Thống.

Theo các cơ quan thống kê nhà nước của Ukraina, tỷ lệ người thất nghiệp có đăng ký hiện chỉ là 1,6%. Mặc dù vậy, theo Serhiy Marchenko, giám đốc phát triển của trang web môi giới việc làm nổi tiếng work.ua, thị trường lao động đã giảm xuống 20-25% trong năm qua. Số lượng việc làm được đăng lên trang web đã giảm xuống từ đầu năm 2013, trong khi số lượng lý lịch được đăng lên tăng khoảng 20-30% mỗi tháng. Số lượng công việc ở các tỉnh Donetsk và Luhansk được đăng đã giảm khoảng 90 và 96% trong năm qua. 

Theo nhà kinh tế học Ukraina Oleh Bohomolov, số lượng người thất nghiệp không được báo cáo ít nhất gấp mười lần con số chính thức. Bohomolov cũng ghi nhận rằng người thất nghiệp ở Ukraina thường được gọi tham gia vào chương trình lao động với mức lương 1000 hryvia (77 USD) mỗi tháng. Ông ta nói: “Với chừng đó tiền thì ở nhà còn hơn.”

Lương thực tế bình quân trong 8 tháng của năm 2014 là 3399 hryvnia, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số có vẻ không đúng, bởi lý do đã nêu ở trên và tỷ lệ lạm phát chính thức không phản ánh chính xác mức độ gia tăng thực tế của chi phí cho đời sống.

Theo Cục Thống Kê Quốc Gia Ukraina, lạm phát giữa tháng 9 năm 2013 và tháng 9 năm 2014 lên đến 17,5%, trong khi IMF và World Bank dự đoán tổng lạm phát của năm 2012 sẽ là 19%.

Để đáp ứng các điều kiện của IMF, chính quyền đã tăng giá các dịch vụ thiết yếu. Vào năm mùa đông năm 2013-2014, khí đốt cho sưởi ấm được bán ở giá 2,91-3,1hryvnia mỗi mét khối, trong khi vào mùa đông năm 2014-2015 mức giá sẽ là 10-11hryvnia mỗi mét khối. Volodymyr Demchyshyn, lãnh đạo của cơ quan nhà nước về dịch vụ thiết yếu cho nhà ở, đã ghi nhận rằng chi phí một căn hộ trung bình hai phòng sẽ lên đến 500 hyvnia mỗi tháng – gần một phần ba của khoản chi phí thuê nhà trung bình hàng tháng 1670 hryvnia. Khoản tăng giá lên tới 40% đã được lập kế hoạch cho năm 2015.

Chỉ số lạm phát tiền thuê nhà đã bị đóng băng vào năm ngoái. Trái ngược với mức tăng danh nghĩa mới nhất, tiền thuê nhà do đó đã co loại. Trong khi đó giá thuốc men đã tăng hai tới ba lần.

Giá xăng dầu bán lẻ đã tăng khoảng 35% so với đầu năm ngoái – trái ngược với việc giá dầu giảm khoảng 20%. Sự tăng giá phần lớn là do sự mất giá của đồng nội tệ hryvnia. Đồng dollar đã tăng 85% so với đồng hryvnia trong năm qua, từ 8,17 lên 12,95 hryvnia ăn một dollar. 

Chính quyền đang cân nhắc xóa bỏ kiểm soát giá cả đối với những hàng hóa “có ý nghĩa xã hội” như thịt, cá, sữa, đường, và các hàng tạp phẩm cơ bản khác.

Theo phó thủ tương Ukraina Volodymyr Hroysman, cần khoảng 11,8 tỷ hryvnia (911 triệu USD) để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi chiến trận ở các tỉnh miền đông.

Trong cuộc họp báo được hãng thông tấn Nga RIA Novosty tổ chức, Oleg Ustenko của think tank cánh hữu Quỹ Bleyzey ghi nhận rằng thâm hụt ngân sách của Ukraina được dự đoán là khoảng 11,5%, không xa so với mức 13% mà Hy Lạp đã trải qua ngay trước khi chính quyền phá sản. “Một quốc gia với thâm hụt ngân sách 11% mà vẫn đảm nhận các chiến dịch quân sự thì không thể hoạt động. Điều này được hiểu rất rõ ở Washington”, ông ta nói.

Bổ sung cho Ustenko, các nhà bình luận khác từ cả hai phía trong cuộc xung đột ở Ukraina đã khẳng định rằng khả năng thanh toán của Ukraina hiện nay phụ thuộc vào viện trợ của IMF. Theo tính toán của IMF thì Ukraina cần 35 tỷ USD viện trợ nước ngoài vào tháng 5, nhưng điều chỉnh lại thành 55 tỷ USD vào tháng 9. Theo như Dennis Lachtman của Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ đưa ra trong một bình luận cho tờ The Hill, “nếu như dựa theo tiền lệ về nhu cầu tài chính của IMF-EU trong chương trình cứu trợ Hy Lạp trước đây thì không ai ngạc nhiên khi tổng chi phí chính thức giải cứu Ukraina có thể lên đến 100 tỷ dollar, thay vì 55 tỷ dollar như IMF dự đoán hiện nay”.

Tổ chức xếp hạng Moody đã dự đoán vào cuối năm nay Nga sẽ yêu cầu thanh toán khoản nợ 3 tỷ dollar của năm ngoái (khoảng nợ này tách riêng và bổ sung vào khoản nợ khí đốt của Ukraina với Gazprom đã được đề cập phía trên). Moody tuyên bố: “Theo quan điểm của chúng tôi, gia tốc cho khoản thanh toán này bằng trái phiếu Châu Âu có thể châm ngòi cho sự vỡ nợ chéo đối với tất cả các trái phiếu Châu Âu khác”. Hay nói cách khác, nếu Ukraina thất bại trong việc trả nợ Nga, họ sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, các chủ nợ sẽ đòi Ukraina thanh toán nợ, dẫn đến phá sản. 

Những cân nhắc này soi tỏ sự thật là trái với khuynh hướng bài Nga của chính phủ Ukraina hiện nay, Moscow, một chủ nợ chính và là nguồn cung cấp khí đốt, vẫn tiếp tục nắm giữ các ảnh hưởng chính trị lớn tiềm tàng. Khi ác mộng tài chính của Kiev gia tăng, họ sẽ phụ thuộc vào tất cả các chủ nợ, trong đó có Nga. Dựa án bài Nga khởi đầu vào tháng 11 năm ngoái ở Ukraina với sự xúi giục của các chính quyền phương tây đã được thực hiện dựa trên giải định rằng IMF, EU và các thiết chế phương tây khác có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga của Ukraina. Giả định đó sẽ được chứng minh là sai khi Ukraina vỡ nợ.

Tác động của một vụ phá sản không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Ukraina. Khi chính quyền tay sai của tổng thống Petro Poroshenko bị ném vào cuộc khủng hoảng, họ sẽ thúc đẩy một cuộc leo thang xung đột giữa Nga và các quyền lực phương Tây dưới sự dẫn dắt của Hoa Kỳ và Đức.

Tony Buổi Sáng và trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc

Trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc trước đây có công ty cafe Trung Nguyên, với câu khẩu hiệu rất oách "Uống cafe Trung Nguyên là yêu nước", nhưng Trung Nguyên không quảng cáo cafe Trung Nguyên bằng hình ảnh người trồng cafe Việt Nam mà bằng mấy ông nhạc sĩ cổ điển Châu Âu từ xưa lắc. Người Việt Nam yêu nước thì phải uống cafe Trung Nguyên, còn công ty cafe Trung Nguyên yêu nước thì quảng cáo bằng người nước ngoài.

Giờ lại có trang Tony Buổi Sáng, với bài viết "Cô bán hàng mỹ phẩm ở Seoul", nói chuyện Hàn Quốc để ám chỉ chuyện Việt Nam, cũng trò tống tiền tinh thần dân tộc, nhưng trang Tony Buổi Sáng nguy hiểm hơn công ty Cafe Trung Nguyên ở chỗ trắng trợn bịa đặt và xuyên tạc lịch sử.

Về góc độ lịch sử văn hóa

Bài viết của trang Tony Buổi Sáng được mở đầu bằng một đoạn như sau:

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định mang sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn khoảng cách, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người đã thành công, thời gian thay vì mày mò tìm hiểu, mình dùng để lo việc khác, hay hơn. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đọc những dòng được rất nhiều độc giả trẻ Việt Nam tung hô nhiệt liệt này, điều mà tôi thốt lên là: Ôi, giọng điệu của một gã phát xít Nhật! Họ viết như thể Triều Tiên là một dân tộc mông muội, ăn lông ở lỗ nhờ có ánh sáng văn minh Nhật Bản mới vươn lên được. 

Vào năm 1875, chính quyền Nhật Bản gửi một chiến hạm tới đảo Ganghwa của Triều Tiên và gây sự. Sau đó Nhật Bản buộc Triều Tiên phải ký Hiệp Ước Nhật-Triều 1876. Sau Hiệp Ước 1876, Nhật Bản buộc Triều Tiên phải mở cửa ba cảng là Wonsan, Busan và Incheon cho thương mại. Khi cảng Wonsan được mở cửa vào năm 1879, người Triều Tiên đã cải cách trường học truyền thống để lập ra trường học kiểu phương Tây đầu tiên theo mô hình của Nhật. Cũng kể từ sau năm Hiệp Ước 1876, Triều Tiên đã ký kết các hiệp ước khác với Hoa Kỳ vào năm 1882, với Anh và Đức năm 1883. Vào những năm 1880, Triều Tiên đã tích cực trao đổi kiến thức với phương tây. Tức là từ sau năm 1876, Triều Tiên đã bắt đầu mở cửa, học tập các kiến thức khoa học của nước ngoài cũng như tổ chức trường học theo kiểu phương tây.

Triều Tiên đã sử dụng sách giáo khoa của Nhật Bản từ rất sớm chứ không phải đến tận năm 1968 mới dùng. Vào đầu những năm 1900, các nhà toán học Triều Tiên đã biên tập lại các sách giáo khoa toán học của Nhật Bản và sử dụng cho trường tiểu học và trung học cơ sở của Triều Tiên. Ngoài ra họ cũng viết các sách giáo khoa về toán học khác dựa trên sách của các nước phương tây. Các sách giáo khoa về toán học của Nhật Bản đã được sử dụng trong một thời gian dài cho tận tới khi Triều Tiên giành được độc lập.

Vào năm 1910, Nhật Bản chính thức sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ Nhật Bản. Kể từ đó Nhật Bản kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục của Triều Tiên. Tất cả mọi thứ ở Triều Tiên đều phải theo làm mô hình Nhật Bản. Hệ thống trường Nhật dạy bằng sách giáo khoa Nhật rất phát triển, các gia đình thượng lưu và giàu có Triều Tiên thường theo học trường Nhật. Ngôn ngữ và văn hóa Nhật được phổ biến rộng rãi ở Triều Tiên. Cho đến năm 1945 có tới 16% người Triều Tiên nói được tiếng Nhật. Sau khi giành được độc lập, chính quyền Hàn Quốc đã phải ra lệnh cấm sử dụng các sách giáo khoa bằng tiếng Nhật ở Hàn Quốc.

Vào cuối những năm 1950, sau khi đã chán ngấy những món hàng nhái Châu Á, chính quyền Hàn Quốc cải cách hệ thống giáo dục sang kiểu Mỹ, xây dựng các trường học theo tinh thần của nhà triết học John Dewey. Hệ thống trường thực nghiệm ở Việt Nam sau này mà giáo sư Ngô Bảo Châu từng học cũng được xây dựng theo tinh thần đó. Song thời gian tồn tại của chính sách mới rất ngắn ngủi, một cuộc đảo chính đã phá hủy tất cả mọi thứ.

Vào năm 1961, Park Chung-hee, một sĩ quan quân đội tốt nghiệp trường quân sự Nhật Bản và từng làm việc cho Nhật đã đảo chính và thiết lập chế độ độc tài quân sự, ông này chính là bố của đương kim tổng thống Hàn Quốc. Đến tận năm 1965 Hàn Quốc mới ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền Park Chung-hee đã ban lệnh thiết quân luật, vô hiệu hóa Quốc Hội, xóa bỏ Hiến Pháp và phổ thông đầu phiếu. Sinh viên các trường đại học biểu tình chống chế độ độc tài liên miên. Do Park Chung-hee và các thành viên chính phủ hầu hết xuất thân là cựu quan chức của chính quyền phát xít Nhật, đường lối chính trị lại theo xu hướng thân Nhật, nên bài Nhật trở thành một trong những vũ khí chính trị của người dân Hàn Quốc để chống lại chế độ độc tài. Park Chung-hee đã đàn áp rất khốc liệt các phong trào đối lập đặc biệt là trong vấn đề lên án tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Sau khi Park Chung-hee bị ám sát vào năm 1979, chính quyền Hàn Quốc đã nới lỏng sự đàn áp đối với các phong trào đối lập, tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc lập tức bùng phát. Kể từ đó đến nay, hầu như không năm nào mà người Hàn Quốc không lên án chính quyền Nhật Bản chỉnh sửa sách giáo khoa về lịch sử để che đậy các tội lỗi ở Hàn Quốc thời kỳ 1910-1945, họ còn lên án cả chính quyền Hàn Quốc tìm cách sửa sách giáo khoa lịch sử để bào chữa cho những người đã hợp tác với người Nhật thời thuộc địa.

Trang Tony Buổi Sáng cho rằng nhờ dùng sách giáo khoa Nhật Bản, được đúc kết từ hàng trăm năm văn minh nhân loại nên người Hàn Quốc đã thoát khỏi nghèo khổ, nhưng không giải thích tại sao suốt gần một thế kỷ trước đó người Hàn Quốc cũng dùng những sách giáo khoa Nhật Bản mà đến những năm 1960 vẫn nghèo nhất Châu Á. Thậm chí trong một thời gian dài, suốt 35 năm Triều Tiên được tổ chức y hệt như Nhật Bản, học trực tiếp từ người Nhật, được người Nhật quản lý, vậy tại sao sau này họ còn phải thành bản sao của Nhật Bản?

Trang Tony Buổi Sáng cũng quên không giải thích tại sao Hàn Quốc không dùng các sách giáo khoa về địa lý, lịch sử và văn học. Lý do rất đơn giản, sách giáo khoa của Nhật Bản thường xuyên tạc lịch sử và địa lý Triều Tiên. Ví dụ một cuốn sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản dùng cho học sinh trung học trước năm 1945 viết là vua Triều Tiên đã bán nước cho đế quốc Nhật Bản. Còn gì sỉ nhục người Hàn Quốc hơn thế nữa? Trang Tony Buổi Sáng có thể chọn nhiều thứ khác để nói về điều thần kỳ Hàn Quốc, song nếu lựa chọn sách giáo khoa và giáo dục thì đã đụng đến một vấn đề mà ngay cả người Hàn cũng cảm thấy rất khó nói.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có rất nhiều loại trường, sách giáo khoa của họ cũng có nhiều bộ chứ không phải là một bộ duy nhất. Bộ sách giáo khoa của Nhật được dịch ra tiếng Hàn cũng chỉ được giảng dạy ở một số trường nhất định, kiến thức khoa học của Nhật không thể phổ biến rộng rãi như dưới thời Triều Tiên bị Nhật cai trị. Mặt khác những sách giáo khoa Nhật không ngừng bị những người theo phong trào bài Nhật nhất là giới trẻ đả kích và tẩy chay. Do vậy, gán cho bộ sách giáo khoa Nhật Bản có tác dụng thần kỳ thì quả thật là nực cười.

Tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc rất cao. Mặc dù bình thường hóa quan hệ từ năm 1965, nhưng đến tận năm 2003 các bài hát Nhật Bản vẫn bị cấm phát trên truyền hình Hàn Quốc. Trên báo chí ở Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện các tranh châm biếm về sự sa đọa của văn hóa Nhật Bản. Người Hàn Quốc luôn cho rằng tất cả những gì tinh hoa nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản, như Judo, Karate, kiếm đạo, cắm hoa, Chanoyu hay trà đạo đều có nguồn gốc từ Triều Tiên. Vào năm 2005, một nhà hàng ở Seoul còn treo biển "Cấm chó và người Nhật Bản", một sân golf nổi tiếng trương biển "Không phục vụ người Nhật". Không hiểu với sự thù ghét như vậy có người Hàn Quốc nào dám tuyên bố học theo tinh thần Nhật Bản không?

Về góc độ kinh tế

Những cái loa của giai cấp tư sản thường gán cho giai cấp tư sản sứ mệnh dẫn dắt một quốc gia về kinh tế. Mô tả mọi thành công về kinh tế của một quốc gia như là sự phát triển của giai cấp tư sản. Thật nực cười khi tuôn ra hàng tràng giang đại hải những thứ kiểu như nước ngoài có gì hay gì mới, giai cấp tư sản chỉ cần cho người sang đó học rồi về làm với sự ủng hộ của người trong nước, thế là hóa rồng hóa hổ ngay.

Khi đọc được những dòng mà trang Tony Buổi Sáng viết như: "Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào", thì đương kim tổng thống Hàn Quốc sẽ khóc hết nước mắt, tặng ngay cho trang Tony Buổi Sáng một huân chương hữu nghị Việt-Hàn to oạch trong một buổi lễ có các ụ pa đẹp giai hát hò và vỗ mông đành đạch để góp vui. Cho tới năm 1973, có 300.000 lính Hàn Quốc bận đi đánh Việt Cộng thuê cho Mỹ ở chiến trường Việt Nam nên đâu có nắm tay được. Việc đầu tiên khi Park Chung-hee lên nắm quyền là bắt giam 24 chủ nhân của các công ty lớn nhất Hàn Quốc để ép họ phải cam kết ủng hộ chính sách kinh tế của ông ta, chỉ có chủ tịch của công ty Samsung thoát nạn vì đang ở nước ngoài, nhưng khi quay về nước cũng bị bắt luôn. Thế nên cái sự "nắm tay chặt tay với quyết tâm" ấy đối với nhiều người là sự cưỡng bức. Park Chung hee cũng đã ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản bất chấp ý muốn của người Hàn Quốc, thay vì đòi bồi thường chiến tranh thì chấp nhận các khoản viện trợ và cho vay lãi suất thấp, đồng thời từ bỏ quyền được kiện chính quyền Nhật Bản về tội ác chiến tranh của người dân Hàn Quốc. Chính điều đó đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Sinh viên và thanh niên biểu tình chống chế độ độc tài liên miên, họ không nắm tay với chế độ độc tài như trang Tony Buổi Sáng viết. Nhà độc tài Park Chung-hee bị giám đốc cơ quan tình báo bắn chết trong một cuộc họp được cho là Park đã ra lệnh đàn áp một cuộc biểu tình ngay cả khi phải gây nguy hiểm cho tính mạng của 30.000 người Hàn Quốc. Cái câu mà trang Tony Buổi Sáng viết thì người Hàn thường xuyên hiểu ngược lại, tức là họ bị cưỡng bức phải làm theo những gì chính quyền muốn.

Một chi tiết nhỏ mà trang Tony Buổi Sáng không chú ý khi ca ngợi sự mẫn cán của tập đoàn Lotte. Tập đoàn đó mặc dù do người Hàn Quốc làm chủ nhưng là công ty Nhật Bản, được thành lập và phát triển ở Nhật. Ban đầu họ chỉ là một xưởng sản xuất bánh gạo nhỏ và phất lên nhờ trúng thầu cung cấp hàng hóa cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Sau này, dưới chế độ Park thân Nhật Lotte mới mở rộng việc kinh doanh ở Hàn Quốc.

Một điều cần lưu ý là Hàn Quốc, một trong các con hổ Châu Á, thường được đưa vào chương trình giảng dạy kinh tế như là một hình mẫu của chính sách phát triển kinh tế nhờ khuyến khích xuất khẩu, tức là bán hàng cho nước ngoài. Hình mẫu Hàn Quốc đã nhiều năm được dùng để phê phán mô hình phát triển nhờ thay thế hàng nhập khẩu mà Việt Nam từng theo đuổi, tức là tự sản xuất lấy mọi thứ, trong các trường đại học ở Việt Nam hơn một thập kỷ trước đây. Hàn Quốc phát triển thần kỳ trong những năm 60-80 của thế kỷ trước là nhờ hàng rào thuế quan khốc liệt ngăn chặn hàng nhập khẩu và tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tức là họ giàu lên nhờ xuất khẩu chứ không phải dựa vào thị trường nội địa nhỏ bé. Hoàn cảnh kinh tế Hàn Quốc lúc đó cũng rất thuận lợi khi nhận được nguồn vốn đầu tư và viện trợ dồi dào từ Nhật và Hoa Kỳ đổ vào. Triết lý kinh tế chế độ Park Chung-hee lúc đó là bản sao của triết lý Nhật Bản, khẩu hiệu của họ rất ngắn gọn: "dân nghèo, quốc gia mạnh" tức là người dân phải hy sinh vì quốc gia. Chính quyền Park Chung-hee đã đứng ra vay tiền nước ngoài rồi cho các doanh nghiệp thân hữu vay lại với lãi suất bằng không, đó là nguyên nhân họ lập lên các cheabol và có tới 9/20 cheabol của Hàn Quốc có nguồn gốc từ tỉnh quê hương của nhà độc tài Park Chung-hee. Gánh nặng chi phí đổ lên đầu người dân, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, thanh niên Hàn phải bán mạng ở chiến trường Việt Nam, phụ nữ Hàn phải làm lụng cực nhọc ở Đức, để kiếm tiền bù đắp chi phí của chính sách kinh tế mà chính quyền Park Chung-hee áp dụng. Một nhóm nhỏ các tài phiệt đã "nắm chặt tay" nhau để kiếm lãi to trên sự hy sinh (bị ép buộc) của cả dân tộc Hàn Quốc.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Châu Á năm 1997, câu chuyện cổ tích hiện đại đã trở thành ác mộng, Hàn Quốc rơi vào nợ nần và trì trệ, bắt kịp Nhật Bản, Châu Âu hay Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc giờ là chuyện không tưởng. Thậm chí họ còn bị Trung Quốc vượt qua rất xa, mặc dù Trung Quốc đến tận năm 1979 mới mở cửa. Các giáo sư kinh tế ở Việt Nam đã từng ca ngợi mô hình kinh tế Hàn Quốc nhiệt thành cách đây hơn chục năm thì giờ thậm chí không còn nhớ tới. Lý do là thời thế đã đổi thay, các hiệp định tự do thương mại không cho phép bảo hộ thương mại nữa, nguồn vốn nước ngoài không còn dồi dào và các chính phủ cũng không thể đứng ra vay tiền nước ngoài để cho các công ty lớn vay lại một cách phổ biến.

Người Hàn Quốc phải dùng những đồ xấu xí chất lượng tồi là do chính sách bảo hộ thương mại khốc liệt hồi đó, và cũng chính là cách Park ưu đãi cho các tập đoàn thân hữu với ông ta, chứ chả phải họ có tinh thần dân tộc gì. Nhưng tầng lớp giàu có thì chưa bao giờ chịu ảnh hưởng. Dưới thời Park Chung-hee, viện trợ của Hoa Kỳ chiếm tới 50% ngân sách dân sự và 75% ngân sách quân sự, phần lớn số tiền đó bị các quan chức chính quyền và tướng lĩnh quân đội biển thủ và dùng để mua hàng tiêu dùng ngoại nhập.Tầng lớp giàu có ở Hàn Quốc coi đồ ngoại nhập giá cao là thứ thể hiện đẳng cấp của họ. Sau khi lệnh cấm đi nước ngoài bị dỡ bỏ năm 1988, các gia đình Hàn Quốc giàu có đã gửi con cái ra đi học tập ở nước ngoài ngày càng nhiều, nói theo kiểu hiện đại là họ đã mua dịch vụ giáo dục của nước ngoài.

Trang Tony Buổi Sáng viết:

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ. Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Đây chính là trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc mà tôi muốn nói tới. 

Nếu ai đó nói với bạn về việc ủng hộ hàng nội địa xấu xí giá cao nhân danh tinh thần dân tộc thì hãy trả lời như sau: Việc ủng hộ hoàn toàn đúng, song tại sao doanh nghiệp không bày tỏ lòng yêu nước bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tốt giá rẻ, có thiệt lợi nhuận một chút thì vấn đề gì đâu?

Nếu họ vẫn chưa hài lòng, thì bạn hãy viện dẫn đến lý trí của các nhà khoa học kinh tế như sau: Một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng tồi, giá cao, ế không bán được cho ai thì có nghĩa là họ đang sử dụng lãng phí tài nguyên của quốc gia. Ủng hộ họ tức là bao che cho sự lãng phí tài nguyên quốc gia. Yêu nước như thế bằng mười hại nước.

Nếu bạn là người lao động mà nghe được câu khẩu hiệu trên thì hãy nhớ rằng: Tiêu dùng hàng hóa chính là để tái tạo ra sức lao động của bạn. Nếu bạn vì tinh thần dân tộc mà dùng những hàng hóa kém chất lượng thì không chỉ túi tiền của bạn vơi và mà sức lao động của bạn cũng bị suy giảm. Hậu quả là bạn sẽ không đủ sức lực nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình hay phục vụ đất nước. Bạn sẽ nghèo đói khố rách áo ôm, lúc đó bạn sẽ được nghe giai cấp tư sản nói rằng những kẻ nghèo đói là những kẻ ngu dốt.

Cái trò mị dân ấy của giai cấp tư sản đã tố cáo sự tham lam của họ. Giai cấp tư sản mong muốn trở nên giàu có bằng cách bóc lột người lao động hai lần, lần thứ nhất trong nhà xưởng, lần thứ hai bằng cách bán cho họ những đồ kém chất lượng. Nếu như thế kỷ 19 ở Anh thịnh hành những cái tommy-shop [cửa hàng của chủ xưởng, công nhân làm thuê cho chủ xưởng bị bắt buộc phải mua hàng hóa tại cửa hàng này] thì giờ đây giai cấp tư sản muốn biến cả quốc gia thành một cái tommy-shop.

Tài liệu tham khảo:







Wednesday, October 29, 2014

Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương: Có muốn vội cũng không được

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "US-Japan conflicts stall Obama’s Trans-Pacific economic pact" của tác giả Mike Head, bình luận những tin tức mới nhất về Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. Tiêu đề do người dịch đặt

Xung đột Hoa Kỳ-Nhật Bản trì hoãn hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương của Obama

Những cuộc đàm phán kéo dài cả tuần ở Canberra, tiếp sau ba ngày hội nghị cấp bộ trưởng ở Sydney cuối tuần trước, đã thất bại trong việc khơi thông bế tắc giữa chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản về dự thảo Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TPP là hiệp định được chính quyền Obama thúc đẩy mạnh mẽ để thiết lập sự thống trị kinh tế không thể thách thức ở Châu Á-Thái Bình Dương. Sự thất bại của hội nghị trong việc tạo ra một bước tiến để hoàn tất hiệp định, bất chấp sức ép gia tăng của Hoa Kỳ, là một biện pháp gây ra căng thẳng kinh tế và địa chiến lược toàn cầu, không chỉ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, mà còn là giữa Hoa Kỳ và các đế quốc kình địch chủ chốt, đáng chú ý là Nhật Bản.

Bốn năm sau khi cựu chính phủ của Đảng Dân Chủ Nhật Bản lần đầu tiên cho thấy sự sẵn sàng tham gia vào TPP, và 18 tháng sau khi chính phủ của Đảng Dân Chủ Tự Do đương nhiệm tuyên bố họ sẽ ký kết hiệp định, vẫn chưa có thỏa thuận nào xuất hiện. Xung đột gay gắt tiếp tục nổ ra giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản về cách tiếp cận đối với thị trường nông nghiệp và ô tô của mỗi nước, đó là một phần trong nghị trình rộng hơn để xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ.

“Không có triển vọng nào cho một thỏa thuận về tiếp cận thị trường vào thời điểm này”, bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Akira Amari phát biểu trong cuộc họp báo ở Sydney. Sau cuộc gặp với đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman vào thứ sáng thứ hai bên lề cuộc họp toàn thể, Amari tuyên bố: “Những vấn đề còn lại cực kỳ phức tạp và chúng tôi không thể giải quyết chúng một cách đơn giản.”

Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng ông ta muốn kết thúc đàm phán trong năm nay, ngay trong chuyến công du Châu Á tháng tới. Nhưng khi được hỏi về khả năng hội nghị thượng đỉnh TPP sẽ diễn ra ở Bắc Kinh, bên lề diễn đàn Hợp Tác Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11, Amari đã trả lời rằng không có bất cứ điều gì như vậy được thảo luận.

Tuyên bố của Amari đã trở thành sự nhạo báng đối với những tuyên bố của chủ nhà vòng đàm phán vừa qua, bộ trưởng bộ thương mại Australia Andrew Robb đã tuyên bố rằng thỏa thuận TPP có thể hoàn tất vào cuối năm 2014. “Có một cảm nhận rằng chúng ta đang ở trong tầm của vạch đích”, Robb tuyên bố. Cùng với Froman, bộ trưởng của Australia thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc hội đàm để tránh bị lỡ kỳ hạn mà Obama đã đặt ra, trong ba năm liên tiếp.

Thông báo chính thức được đại diện của 12 quốc gia TPP nhấn mạnh rằng “chúng tôi đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét” và một hiệp định đã được “cố kết”. Mặc dù vậy, những tuyên bố đó được đưa ra trong thông cáo lần trước của TPP.

Ngay cả Robb cũng thừa nhận là “những quyết định phức tạp” vẫn chưa đạt được. Ông ta đề cập tới quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và “các lĩnh vực khác”, là những vấn đề hàng đầu trong xung đột về tiếp cận thị trường giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. 

Không có thỏa thuận giữa Washington và Tokyo thì TPP sẽ là một thất bại thảm hại. Cùng với hai quốc gia tạo thành 90% tổng sản phẩm quốc gia của các nước tham gia đàm phán, hội đàm TPP cũng thu hút Australia, Canada, Brunei, Singapore, Malaysia, Vietnam, New Zealand, Mexico, Chile và Peru.

TPP được Singapore, New Zealand và Chile phác thảo lần đầu tiên vào năm 2003, đã được chuyển giao cho chính quyền Obama vào năm 2009. TPP trở thành cốt lõi quan trọng của “chuyển trục” chiến lược và quân sự sang Châu Á để đối đầu với Trung Quốc, nước đã hoàn toàn bị loại khỏi TPP.

Sâu xa hơn nữa, TPP đang tìm cách vẽ lại toàn bộ “kiến trúc kinh tế” của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo lợi ích của tư bản tài chính phố Wall và các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ. Theo lời của cựu cố vấn an ninh quốc gia chính quyền Obama Tom Donilon, TPP cùng với các hiệp định tương tự ở Châu Âu là để “viết ra các quy tắc sẽ quản trị kinh tế toàn cầu trong thế kỷ tới”. 

Trong khi được giới thiệu như một hiệp định “tự do thương mại”, 29 chương của TPP đi xa hơn những vấn đề thương mại truyền thống. Tách biệt với thuế quan và rào cản thương mại, TPP được hướng tới dỡ bỏ các luật lệ, quy tắc và trở ngại của chính quyền đối với đầu tư của Hoa Kỳ tại khu vực, qua đó mọi phương diện của kinh tế và xã hội được cấu trúc lại cho phù hợp với đòi hỏi về lợi nhuận của thị trường tài chính Hoa Kỳ cũng như đa quốc gia. 

Trong trường hợp của Nhật Bản, điều đó có nghĩa không chỉ là xóa bỏ thuế quan quốc gia đối với các nông sản quan trọng – gạo, lúa mỳ, thịt bò và thịt lợn, sữa và đường – mà còn là mở cửa các lĩnh vực sinh lợi khác của nền kinh tế Nhật Bản.

Một tài liệu của đại diện thương mại Hoa Kỳ trong năm nay đã kiệt kê “các rào cản” mà Hoa Kỳ muốn dỡ bỏ trong một danh sách dài các lĩnh vực trọng yếu, trong đó có Bưu Chính Nhật Bản, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ pháp lý, giáo dục, hợp đồng quân sự, hàng không, cảng biển, hợp đồng xây dựng công trình công cộng, thiết bị y tế, thuốc men và mỹ phẩm.

Trong bốn tháng, Obama và đoàn đàm phán của ông ta đã công khai ve vãn thủ tướng Nhật Shinzo Abe và chính phủ để họ chấp thuận. Tháng trước, đại diện thương mại Hoa Kỳ Froman viết một bài báo cho tờ Financial Time ở London, trong đó cáo buộc Nhật Bản hủy hoại TPP. Điều đó diễn ra sau khi cuộc hội đàm ở Washington kết thúc trong sự gay gắt, với việc Amari, người đồng cấp Nhật Bản rời đi.

Froman tuyên bố rằng phần cược là “cao” đối với Nhật Bản, nói rằng họ không giữ lời hứa theo đuổi một “tầm nhìn táo bạo” coi TPP là yếu tố cốt lõi trong “mũi tên thứ ba” của Abe về cải cách cấu trúc kinh tế. Froman thúc giục Abe đứng lên chống lại “những lợi ích bất di bất dịch” vô danh ở Nhật Bản.

Obam sau đó đã tự mình gọi điện cho Abe, thúc giục ông này phải “táo bạo” trong các đàm phán TPP, lưu ý rằng quan hệ đối tác của họ là hòn đá tảng trong sự can dự của Hoa Kỳ tại khu vực. Sau đó là chuyến viếng thăm của bộ trưởng bộ thương mại Penny Pritzker, gặp Abe để lặp lại thông điệp ấy. 

Những cảnh báo được che phủ sơ sài về sự tổn hại đối với quan hệ Hoa Kỳ-Nhật Bản đã thất bại trong việc tạo ra bất cứ thỏa thuận nào. Điều này cho thấy sự quyết đoán đang lớn dần lên của chính phủ Abe, không chỉ là sự kháng cự nội bộ của “những lợi ích bất di bất dịch” trong nghị trình “mũi tên thứ ba” của ông ta.

Cương lĩnh thứ ba của “kinh tế kiểu Abe”, được công bố vào tháng bảy, dựa trên một chương trình dài hạn có hơn 200 biện pháp tái cấu trúc thân thiện với thị trường, sẽ cắt giảm một số lĩnh vực kinh doanh được bảo hộ và cũng sẽ khoét sâu tình trạng xã hội của giai cấp lao động Nhật Bản

Abe đưa ra quyết định vào tháng 3 năm 2013, sẽ gia nhập TPP, bất chấp thỏa thuận sẽ không dỡ bỏ thuế quan về nông nghiệp để tránh làm tan vỡ cơ sở nông thôn của đảng cầm quyền Dân Chủ Tự Do, nhằm theo đuổi cuộc tấn công mạnh mẽ ủng hộ thị trường để chấm dứt hai thập kỷ kinh tế đình trệ. 

Kể từ khi nhậm chức gần hai năm trước, Abe đã tự ràng buộc chặt chẽ bản thân với “chuyển trục” của Obama, nhưng ông ta cũng khai thác sự căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc để thúc đẩy Nhật Bản tái vũ trang, bao gồm cả việc “diễn dịch lại” cái được gọi là hiến pháp hòa bình mà Hoa Kỳ áp đặt cho Nhật Bản sau thế chiến thứ II. 

Trong khi Abe tiếp tục công khai cam kết với TPP, điểm bế tắc cho thấy xung đột cơ bản khó khắc phục giữa lợi ích của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ và các đồng minh hiện tại như Nhật Bản, bị sụp đổ kinh tế toàn cầu làm trầm trọng thêm.

Tuesday, October 28, 2014

Đế quốc tán thưởng màn kịch bầu cử của chính phủ cực hữu ở Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "US, EU hail election staged by ultra-right regime in Ukraine" của tác giả Niles Williamson, cập nhật các thông tin mới về tình hình cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Tiêu đề do người dịch đặt.

Hoa Kỳ và Châu Âu tán thưởng màn kịch bầu cử của chính quyền cực hữu ở Ukraina

Vào thứ hai, Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu hoan nghênh các cuộc bầu cử nghị viện của Ukraina, được tổ chức vào chủ nhật, như là “thắng lợi” của dân chủ. Người phát ngôn cho chính quyền Washington và Châu Âu đã lảng tránh cuộc tấn công đẫm máu của chính quyền Kiev vào các thành phố và thị trấn thân Nga ở miền đông Ukraina cũng như không khí khiêu khích và sự đàn áp chống lại các phê phán chính quyền và đồng minh phát xí của họ ở phần còn lại của đất nước.

Số cử tri đi bỏ phiếu khoảng 52%, thấp hơn so với 58% vào năm 2012 và dưới 60% của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Với 125 ghế, khối Petro Poroshenko, được dẫn dắt bởi Vitali Klitschko, lãnh đạo của đảng cánh hữu quốc gia UDAR và đương kim thị trưởng Kiev, sẽ tạo thành khối nghị sĩ lớn nhất trong Quốc Hội (Rada). Mặt Trận Nhân Dân của Đương kim thủ tướng Arseniy Yatsenyuk sẽ là khối lớn thứ hai với 82 ghế.

Ủy Ban Bầu Cử Trung Ương Ukraina không nỗ lực tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của người ly khai thân Nga hay Crimea, nơi được sáp nhập vào Nga hồi tháng ba. Do đó, 27 trong số 450 ghế tại Rada vẫn bỏ trống.

Khối Poroschenko, được đặt tên theo nhà tài phiệt tỷ phú và đang là tổng thống Ukraina, đã có cuộc thảo luận khởi đầu với Mặt Trận Nhân Dân về thành lập chính phủ liên hiệp. Nếu hai khối này đạt được thỏa thuận, họ vẫn phải duy trì hợp tác ít nhất với một đảng khác ở Rada để giành được đa số ở nghị viện.

Các cuộc bầu cử diễn ra 8 tháng sau cuộc đảo chính cánh hữu, được dẫn dắt bởi lực lượng phát xít của Right Sector và đảng Svoboda, dựa trên sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Đức, lật đổ tổng thống được bầu cử dân chủ Victor Yanukovych. Washington và Berlin dàn xếp cuộc đảo chính sau khi Yanukovych quyết định từ chối ký vào Thỏa Thuận Gia Nhập với Liên Minh Châu Âu, ràng buộc với kế hoạch kinh tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế mà đặc trưng là các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ và “cải cách” thân thiện với thị trường, thay vào đó lựa chọn hướng sang Nga.

Cuộc bầu cử nghị viện vào chủ nhật diễn ra giữa các cuộc tấn công tiếp diễn của quân đội chính phủ và đồng minh tân phát xít vào người ly khai thân nga ở miền đông, họ là những người phản đối cuộc đảo chính. Cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của chính phủ đã khiến hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 3.700 người chết.

Trong một tuyên bố chung công bố vào thứ hai, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử như là “một thắng lợi của nhân dân Ukraina và của dân chủ”. Rompuy và Barroso kêu gọi chính phủ sắp tới tăng tốc “cách cải cách chính trị và kinh tế cấp thiết”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraina Geoffrey Pyatt ca ngợi cuộc bầu cử là “một bước tiến khác trong hành trình dân chủ của Ukraina”. Đó là những từ ngữ thật đáng tởm của Pyatt. Đại sứ Hoa Kỳ đã đóng vài trò chủ chốt, cùng với trợ lý ngoại trưởng Victoria Nuland, trong việc giám sát cuộc đảo chính lật đổ Yanukovych và thiết lập chế độ tay sai hiện nay.

Hai tuần trước cuộc đảo chính ngày 22 tháng 3 lật đổ Yanukovych, một cuộc đối thoại bị lộ giữa hai người đó bàn về việc đưa các nhà lãnh đạo đối lập được Hoa Kỳ hậu thuẫn lên nắm quyền đã được tung lên mạng Internet. Sựa lựa chọn của họ, Arseniy Yatsenyuk, xuất hiện hai tuần sau đó trong vai trò người đứng đầu mới của chính phủ.

Tổng thống Obama công khai một tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng ủng hộ sự lựa chọn của người dân Ukraina và chính phủ Ukraina mới trong việc ban hành và triển khai các cải tiến cần thiết để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của dân chủ, củng cố luật lệ, và tăng cường ổn định kinh tế và tăng trưởng ở Ukraina”.

Những tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ và EU hoàn toàn đạo đức giả và thiếu trung thực. Một báo cáo được công bố vào tuần trước của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền ở New York đã cho thấy chính quyền Ukraina đã sử dụng các đầu đạn chùm bị cấm để tấn công thường dân ở miền đông. Cũng chính cái chính quyền bị tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền tuyên bố là tội phạm chiến tranh chống lại nhân dân của họ, đã được Washington và EU chào đón như là một hình mẫu của dân chủ.

Ukraina tiếp tục bị thống trị bởi các tài phiệt triệu và tỷ phú tha hóa, trong đó có Poroshenko. Chính phủ mới là sản phẩm của việc lật đổ chế độ do Washington và Berlin tạo ra với hai mục đích: thứ nhất, kích động một cuộc xung đột với Nga cũng như tạo cớ để gửi quân đội NATO và Hoa Kỳ tới Ukraina và Đông Âu, biến khu vực này thành bàn đạp cho các cuộc tấn công kinh tế, ngoại giao, và quân sự nhằm đưa Nga trở về tình trạng bán thuộc địa; và thứ hai, thiết lập một chính phủ sẽ đàn áp dã man giai cấp lao động Ukraina đồng thời xóa bỏ mọi hạn chế đối với sự bóc lột tài nguyên quốc gia của đế quốc.

Cuộc bầu cử vào chủ nhật là công cụ để cung cấp một lá bài dân chủ giả hiệu cho sự tăng tốc các chính sách phản động. Trong khi đó các lữ đoàn phát xít được chính quyền Kiev hậu thuẫn, như tiểu đoàn Azov, tiếp tục hoạt động ở khu vực Donbass, khủng bố và giết hại những người nói tiếng Nga đối đầu với chính quyền.

Phát biểu của Obama về việc ủng hộ “sự lựa chọn của nhân dân Ukraina” là cực kỳ ghê tởm. Poroshenko và băng đảng hoàn toàn dựa trên sự tài trợ của chính quyền Hoa Kỳ cũng như tuân theo những chỉ đạo của họ. Các điệp viên CIA cùng với Lực Lượng Đặc Nhiệm Hoa Kỳ đang ở Kiev chỉ đạo cuộc tấn công miền đông Ukraina. Lính đánh thuê của các hãng Academi Hoa Kỳ, trước đây được biết đến dưới tên Blackwater, đang có mặt trên chiến trường miền đông, can dự vào các tội ác chiến tranh ở đó.

Các đảng phái thân Nga đã bị loại khỏi Rada. Đảng Các Khu Vực của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã hoàn toàn bị giải tán. Vitaly Zhuravsky, một cựu thành viên của Đảng Các Khu Vực, đã bị tấn công ngay bên ngoài Quốc Hội Ukraina và tháng 9 bởi một đám đông, họ ném ông ta vào thùng rác và đánh ông ta với lốp xe.

Các thành viên của Đảng Cộng Sản Ukraina (KPU) được đưa tin là bị tấn công và khiêu khích bởi các côn đồ bóng đá và những người mang mặt nạ mặc quân phục khi họ định cắm trại ở miền đông Ukraina. Poroshenko đã ban hành một đạo luật vào ngày 9 tháng 10 để trục xuất các thành viên của Đảng Các Khu Vực và KPU khỏi các vị trí trong bộ máy hành chính và dịch vụ công ích. Chính quyền Ukraina đang chuẩn bị chính thức đặt KPU ra ngoài vòng pháp luật.

Phản ứng có thể tiên lượng của Washington và EU đối với trò hề dân chủ một lần nữa nhấn mạnh bản chất lừa dối của các nước đế quốc trong việc theo đuổi dân chủ và nhân quyền ở Ukraina và các nước khác. Các chính quyền chuyên chế và áp bức là đồng minh của Hoa Kỳ, như Arabia và Ai Cập, nằm trong cái được gọi là “trại dân chủ”, trong khi các chính phủ có vẻ như gây trở ngại cho khát vọng đế quốc toàn cầu của Hoa Kỳ, như Iran và Nga, bị lên án vi phạm dân chủ và nhân quyền.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đụng độ về ngân hàng cơ sở hạ tầng

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "US and China clash over infrastructure bank" của tác giả Nick Beams về xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay xoay quanh vấn đề thành lập ngân hàng tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Châu Á.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đụng độ về ngân hàng cơ sở hạ tầng

Trong sự căng thẳng đang gia tăng giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, Hoa Kỳ đã thể hiện rõ sự đối đầu với ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á có giá trị 50 tỷ USD do Trung Quốc thiết lập.

Theo bản tin của tờ Australian Financial Review vào thứ sau, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry đã đích thân yêu cầu thủ tướng Australian Tony Abbott không tham gia vào ngân hàng này trong cuộc họp ở Jakarta vào thứ hai tuần trước tiếp sau lễ nhậm chức của tổng thống Indonesia Joko Widodo. Tổng thống Hoa Kỳ Obama có thể đã đề cập vấn đề đó trong cuộc trao đổi điện thoại với Abbott vào thứ tư. Tờ AFR nói vẫn chưa “rõ” điều đó có xảy ra hay không.

Vào thứ sáu tuần trước, Trung Quốc và 20 quốc gia khác ký kết một bản ghi nhớ ở Bắc Kinh để thành lập Ngân Hàng Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB). Bên cạnh Australia, những sự vắng mặt đáng chú ý khác trong lễ ký kết là Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Trong số những nước tham gia có Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Philippine.

Lập trường chính thức của Hoa Kỳ là không đối đầu trên nguyên tắc với ý tưởng thành lập ngân hàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á nhưng “quan ngại về bản chất các đề xuất của AIIB theo như trạng thái hiện tại của nó”.

Sự bảo lưu chính thức đó được đưa ra nửa tin nửa ngờ. Cần phải thừa nhận rộng rãi rằng lý do thực sự của Hoa Kỳ là ngân hàng mới có thể cắt ngang các hoạt động của Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, những ngân hàng mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đang kiểm soát hoàn toàn.

Hoa Kỳ và Nhật Bản sợ rằng AIIB có thể nâng cao sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực. Ở Trung Quốc, sáng kiến ngân hàng của chủ tịch Tập Cận Bình được coi là đối trọng với các thiết chế tài chính mà Trung Quốc không thành công trong việc tạo ra ảnh hưởng lớn hơn.

Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin trên các trang bìa nổi bật về lễ ký kết nhưng cũng ghi nhận sự vắng mặt của Australia và các quyền lực khu vực khác. Lập trường chính thức là khi họ còn chưa ký kết thành lập thì họ vẫn có thể tự do tham gia vào các giai đoạn tiếp theo.

Bản tin hàng đầu trên tờ China Daily tuyên bố rằng “sự vắng mặt của một số nền kinh tế chủ chốt nhấn mạnh sự khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt trong vai trò một thế lực đang trỗi dậy với các sáng kiến quản trị toàn cầu”.

Tờ New York Times đưa tin Trung Quốc coi ngân hàng mới là “phương thức gia tăng ảnh hưởng của họ tại khu vực sau nhiều năm vận động hành lang không hiệu quả tại các tổ chức quốc tế đa phương khác”

Nhà cầm quyền Trung Quốc đang hy vọng rằng các quốc gia thiết tha với việc giành lợi thế trong các cơ hội kinh tế được nhờ vào dự án của AIIB sẽ phản ứng trái với mong muốn của Hoa Kỳ.

Dường như có ý kiến khác nhau trong nội bộ chính quyền Australia với trưởng ngân khố Joe Hockey và bộ trưởng thương mại Andrew Robb ủng hộ việc tham gia. Vào tuần trước, khi ở Bắc Kinh, Hockey tuyên bố rằng Australia “vẫn chưa quyết định” về vấn đề này.

Bộ trưởng bộ ngoại giao Julie Bishop lại gần quan điểm của Hoa Kỳ hơn khi nói rằng có “một số các nguyên tắc nền tảng” cần phải được đáp ứng và tuyên bố chính thức sẽ do thủ tướng đưa ra.

Chính quyền Hàn Quốc, cùng với Australia, là một trong những đồng minh quân sự thân thiết của Hoa Kỳ trong khu vực, dường như xung đột về vấn đề đã nêu. Ban đầu họ đã định ký bản ghi nhớ nhưng sau đó lại không ký.

Theo một nguồn ngoại giao Hàn Quốc được trích dẫn trên tờ báo Joong Ang Daily ở Seoul: “Trong khi Hàn Quốc rời khỏi danh sách các thành viên của AIIB vào lúc này, vẫn có một tình thế lưỡng nan trong lựa chọn chiến lược giúp Trung Quốc thách thức trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo”.

Những bình luận này cho thấy rõ rằng còn quá sớm để coi các hiệp định liên quan đến các khoản cho vay đầu tư đang lâm nguy và Hoa Kỳ coi sáng kiến của Trung Quốc là một sự thách thức đối với sự thống trị tài chính của họ. Đây không phải là lập trường mới. Vào năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, Hoa Kỳ đã ngăn cản đề xuất của Nhật Bản về việc thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD , bên ngoài khuôn khổ của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, để giúp các quốc gia này đối mặt với các vấn đề tài chính. Đề xuất đó bị coi là thách thức các lợi ích của Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, sự đối đầu của Hoa Kỳ đối với ngân hàng mới được Trung Quốc hậu thuẫn đã được châm ngòi từ nhiều quý. Trong bài viết trên AFR vào ngày 22 tháng 9, Peter Drysdale, nhà bình luận lâu năm về chủ đề kinh tế ở Australia và hiện đang là giáo sư kinh tế học ở Trường Crawford về Chính Sách Công tại Đại Học Quốc Gia Australia, đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể thực hiện tài trợ cơ sơ sở hạ tầng đơn phương nhưng đã chọn cách “đề xuất quan hệ đối tác đa phương trong sáng kiến này”.

Ông ta đánh giá tuyên bố ngân hàng mới sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn quốc tế là vô nghĩa và nói: “Không cần hơn một chớp mắt để kết luận rằng các quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ tham gia phi vụ này” 

Quan điểm tương tự được thể hiện trong bài xã luận được xuất bản trên tờ Guardian hôm nay.

“Có thể là phóng đại khi nói về tác động cải cách tại Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đối với họ điều này hầu như là không, cái được gọi là “các thiết chế Washington”, cùng với Ngân Khố Hoa Kỳ, đã cùng nhau duy trì và chế ngự kinh tế thế giới từ năm 1945. Phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực kinh tế đã được tranh luận không ngớt nhưng hiếm khi được áp dụng”.

Bài xã luận ghi nhận rằng “về mặt chiến lược” thì Hoa Kỳ không thể tiếp tục chống đỡ một trật tự kinh tế đã lỗi thời ở Châu Á. Không giống như một số triển vọng khác trong chính sách của Trung Quốc, đề xuất AIIB được nhìn nhận trong bối cảnh “sự trỗi dậy hòa bình” Trung Quốc. “Đây là trường hợp thỏa hiệp, không phải đối đầu”, bài báo kết luận. 

Mặc dù vậy, những quan điểm đó, vốn dựa trên khái niệm về lý trí kinh tế, đã lảnh tránh sự cân nhắc địa chiến lược. Hoa Kỳ, với chiến lực chống Trung Quốc “chuyển trục tới Châu Á”, coi bất cứ đề xuất nào có thể dẫn tới sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc là thù địch với mục tiêu của họ, mục tiêu tập trung vào việc duy trì sự thống trị tại khu vực.

Bênh anh Thắm vài câu

Ở đời, tôi ghét nhất thể loại thấy người sa cơ lỡ vận thì nhảy vào đánh hôi để kiếm số. Anh Thắm chủ tịch Ocean Group mới bị truy tố, tội của anh ấy có tòa án xét xử. Bằng cấp của anh ấy đã công khai từ lâu khắp trên mặt báo, anh Thắm cũng chả phải vô danh tiểu tốt gì ở Việt Nam, cũng nhiều người biết đó là bằng vớ vẩn. Anh Thắm vốn là người làm kinh doanh, không kiếm tiền hay thăng quan tiến chức nhờ bằng cấp như đám giáo sư tiến sĩ chuyên nghề chửi đổng nói phét, nên chả ai buồn nói gì về bằng cấp của anh ấy. Đám giáo sư tiến sĩ chuyên ăn tục nói phét kia mà mở mồm chê bai đảm bảo bị anh Thắm dán giấy bạc vào miệng ngay. Giờ anh ấy sa cơ lỡ vận mới có đứa lôi bằng cấp của anh ấy ra ì xèo chê bôi, tất nhiên anh Thắm chả làm gì được. Song đó là loại hèn nhát, chỉ dám cắn trộm người thất thế. 

Tôi chưa làm ăn gì với anh Thắm hay quen biết, hoặc từng gặp anh Thắm, chỉ đến chỗ Ocean Group và ngồi họp với quân anh Thắm vài lần. Chả biết mấy cái bằng đểu của anh Thắm có tác dụng đến đâu, nhưng cũng có vài thứ ấn tượng với anh Thắm.

Thứ nhất là chỗ anh Thắm được tổ chức rất tốt. Tôi đến đấy có nhân viên của Ocean Group ra đón rồi dùng thẻ đưa vào qua lối đi riêng của nhân viên. Ngay lập tức có một chú bảo vệ xông ra chặn lại, yêu cầu phải đi bằng lối của khách. Bằng đểu mà tổ chức được như vậy thì cũng chuyên nghiệp chả kém gì tây. Tôi từng đi nhiều văn phòng các công ty lớn ở Việt Nam, thậm chí cả công sở của chính quyền. Nhưng đa số không có kỷ luật tốt như chỗ anh Thắm, bảo vệ thường xuê xoa, có nhân viên ra đón là cho qua hết, chả thèm ngó nghiêng gì.

Thứ hai là chuyện bài trí và vệ sinh văn phòng. Điều kinh hoàng nhất của các công ty Việt Nam là bài trí và vệ sinh văn phòng. Kinh nghiệm dạy tôi rằng chỉ cần quan sát bài trí và vệ sinh văn phòng là biết ngay chủ của cái doanh nghiệp đó ra sao. Chỗ anh Thắm so với văn phòng của tây thì bài trí chưa được đẹp bằng nhưng sạch sẽ và thơm tho, tốt hơn so với các văn phòng của nhiều công ty Việt Nam có cùng quy mô. Bằng đểu mà làm được như anh Thắm thì tôi cũng mong các sếp ở Việt Nam cũng có bằng đểu, chứ để văn phòng bụi bặm hôi hám là dễ mất khách hàng nhất.

Thứ ba là quân của anh Thắm. Một điều ngạc nhiên là quân anh Thắm có trình độ rất cao, nhiều người học nước ngoài về (tất nhiên là bằng xịn) và có kinh nghiệm lâu năm. Họ rất làm việc rất nhanh chóng và thẳng thắn. Một người còn góp ý thẳng với tôi là nên thuyết trình nhanh hơn, nếu không hiểu gì người nghe sẽ hỏi lại. Ai phải đi thuyết trình nhiều thì sẽ biết đó là phong cách rất chuyên nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì đối với đa số các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn đều phải nói chậm và kỹ, nếu không sẽ chẳng ai nghe và chẳng ai hỏi lại vì họ ngại. Chắc chắn một điều là anh Thắm không dùng mấy cái bằng đểu mà quản lý được đám quân có chất lượng như vậy.

Chả biết vụ anh Thắm sẽ đến đâu, nhưng giờ cứ tạm bênh anh ấy mấy câu như vậy đã. 

Monday, October 27, 2014

Ukraina và Phát xít mới

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Ukraine and Neo-Nazis" của tác giả nổi tiếng William Blum, bài viết được đăng trên tạp chí ColdType số 87 tháng 10 năm 2014.

Ukraina và Phát xít mới

Kể từ khi cuộc biểu tình nghiêm trọng nổ ra ở Ukraina vào tháng hai, truyền thông chính thống phương tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đã che dấu sự thật về nghi phạm thường trực – chế độ tam hùng Hoa Kỳ /Liên Minh Châu Âu /NATO – đứng cùng phe với Phát xít mới. Ở Hoa Kỳ điều đó hoàn toàn không được đề cập. Tôi chắc chắn rằng một cuộc khảo sát được thực hiện ở Hoa Kỳ về chủ đề này sẽ cho thấy sự lảng tránh phổ biến đối với hàng loạt các hoạt động của Phát xít mới, bao gồm công khai kêu gọi giết “Người Nga, Cộng Sản và Do Thái”. Nhưng những bí mật nhỏ bẩn thỉu đôi khi ló đầu ra khỏi bức màn che một chút.

Vào ngày 9 tháng 9, trang NBCnews.com đưa tin “Truyền hình Đức cho thấy các biểu tượng phát xít trên mũ sắt của binh lính Ukraina”. Truyền hình Đức đã đăng các hình ảnh của một người lính mang mũ sắt chiến đấu với “dấu hiệu SS” của đơn vị cảnh sát tinh nhuệ mặc đồng phục đen dưới thời Hitler. (Dấu hiệu là một ký tự của người Đức cổ). Một người lính khác mang hình chữ thập ngoặc trên mũ sắt.

Vào ngày 13, tờ Washington Post đăng tải các bức ảnh của một tiểu đội đang ngủ, thuộc tiểu đoàn Azov, một trong các đơn vị bán quân sự Ukraina đang tấn công những người ly khai thân Nga. Trên bức tường phía trên giường ngủ là một biểu tượng chữ thập ngoặc lớn. Không ngại ngần, tờ Post trích dẫn lời của trung đội trưởng cho rằng binh lính mang biểu tượng của chủ nghĩa cực đoan chỉ là một kiểu ý tưởng “lãng mạn”.

Mặc dù vậy, tổng thống Nga Vladimir Putin bị tất cả mọi người từ Hoàng tử Charles cho tới Công chúa Hillary so sánh với Adolf Hitler bởi vì đã sáp nhập Crimea vào Nga. Putin đã trả lời câu hỏi đó: 

Nhà cầm quyền Crimea đã dựa trên tiền lệ quen thuộc Kosovo, một tiền lệ mà các đối tác phương Tây đã tự tạo ra, với bàn tay của họ, có thể nói như vậy. Trong một tình huống hoàn toàn tương tự với Crimea, họ tách lãnh thổ Kosovo ra khỏi Serbia một cách hợp pháp, tuyên bố ở khắp nơi rằng không cần đến sự cho phép của chính quyền trung ương để đơn phương tuyên bố độc lập. Tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc, dựa trên đoạn 2 của điều 1 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đồng ý với điều đó, và trong quyết định vào ngày 22 tháng 7 năm 2010 đã ghi nhận điều sau đây, tôi trích dẫn nguyên văn: Không sự ngăn cấm nói chung nào có thể suy luận từ thực tiễn của Hội Đồng Bảo An liên quan đến tuyên bố độc lập đơn phương”.

Putin giống như Hitler được bao trùm bởi những câu chuyện về kẻ xâm lược Putin (Vlad Kẻ Xuyên Thủng). Trong bốn tháng truyền thông phương Tây đã giong trống về việc Nga xâm lược Ukraina. Tôi đề nghị đọc: “Sao Bạn Có Thể Nói Rằng Nga Xâm Lược Ukraina?” của Dmitry Orlov. Và hãy nhớ rằng NATO đang bao vây Nga. Hãy tưởng tượng Nga thiết lập các căn cứ quân sự ở Canada và Mexico, từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. Hãy nhớ lại xem căn cứ Soviet ở Cuba đã gây ra điều gì.

Hoa Kỳ có từng tạo ra các ví dụ xấu không? 

Kể từ ngày định mệnh 11 tháng 9 năm 2001, mục tiêu quan hệ công chúng hàng đầu của Hoa Kỳ là vô hiệu hóa ý tưởng kiểu như Hoa Kỳ nhận được điều đó là do hàng loạt các hoạt động xâm lược chính trị và quân sự của bản thân. Đây người hùng ưa thích của công chúng, George W. Bush, phát biểu một tháng sau ngày 11 tháng 9: 

“Tôi có thể trả lời thế nào khi tôi thấy ở một số nước Hồi giáo có lòng căm thù sâu sắc đối với Hoa Kỳ? Tôi sẽ nói với bạn điều mà tôi sẽ trả lời: Tôi ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên về sự hiểu lầm, cho rằng người ta ghét chúng ta bởi vì nước ta đáng như vậy. Tôi – giống như hầu hết người Mỹ, tôi không thể tin điều đó bởi vì tôi biết chúng ta tốt ra sao.” 

Cảm ơn George. Giờ hãy uống thuốc đi!

Tôi và những sử gia khác về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ đã lưu trữ rất nhiều các tuyên bố của những kẻ khủng bố chống Mỹ, những người đã làm rõ rằng hành động của họ là để trả thù cho hàng thập kỷ can thiệp quốc tế kinh tởm của Hoa Kỳ. Nhưng quan chức Hoa Kỳ và truyền thông thường lảng tránh bằng chứng đó và trung thành với ý tưởng rằng những kẻ khủng bố chỉ đơn giản là độc ác và điên khùng vì tôn giáo; nhiều trong số chúng quả thực như vậy, nhưng không làm thay đổi sự thật chính trị và lịch sử.

Suy nghĩ của người Mỹ dường như sống động và lành mạnh. Ít nhất bốn con tin bị quân ISIL bắt ở Syria, trong đó có nhà báo Hoa Kỳ James Foley, đã bị nhấn nước trong khi bị giam cầm. Tờ Washington Post trích dẫn một quan chức Hoa Kỳ: “ISIL là một nhóm thường đóng đinh và chặt đầu người. Phỏng đoán rằng có bất cứ sự liên quan nào giữa sự tàn bạo của ISIL và hành động trong quá khứ của Hoa Kỳ thì thật nực cười và bổ sung cho sự tuyên truyền xuyên tạc của họ”.

Mặc dù vậy, tờ Post có thể đã suy luận một chút, thêm vào rằng “Quân ISIL … dường như mô phỏng theo các kỹ thuật nhấn nước mà CIA sử dụng để thẩm vấn các nghi phạm khủng bố kể từ sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.”

Bài nói chuyện của William Blum ở một hội thảo về Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Đại học Hoa Kỳ, Washington, DC, ngày 6 tháng 9 năm 2014

Tôi chắc chắn rằng mỗi người trong số các bạn đã gặp nhiều người ủng hộ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với họ bạn phải tranh cãi và tranh cãi. Bạn chỉ ra rằng hết những điều kinh hoàng này đến những điều kinh hoàng khác, từ Việt Nam tới Iraq. Từ những vụ ném bom như cơn thịnh nộ của chúa cùng với xâm lược cho tới vi phạm luật pháp quốc tế và tra tấn. Nhưng chẳng có tác dụng gì. Không gì thay đổi được những người đó.

Tại sao lại vậy? Có phải những người đó thực sự ngớ ngẩn? Tôi nghĩ một câu trả lời tốt hơn là họ có định kiến nhất định. Dù chủ ý hay vô ý, họ có một niềm tin cơ bản về Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại, và nếu bạn không xử lý được niềm tin căn bản đó, thì sẽ giống như bạn lao đầu vào tường đá.

Nền tảng căn bản nhất của niềm tin đó, tôi cho rằng, là một sự vững tin trong sâu thẳm rằng bất kể Hoa Kỳ làm gì ở nước ngoài, bất kể nó tồi tệ ra sao, bất kể hậu quả khủng khiếp ra sao, chính quyền Hoa Kỳ vẫn có ý định tốt. Lãnh đạo Hoa Kỳ có thể sai lầm, họ có thể vấp váp, họ có thể nói dối, họ thậm chí có thể trong một dịp vớ vẩn gây ra nhiều thiệt hại hơn là điều tốt, nhưng họ làm điều tốt. Ý đinh của họ luôn đáng tự hào, thậm chí là cao quý. Đa số người Mỹ nghĩ như vậy.

Frances FitzGerald, trong nghiên cứu nổi tiếng của bà về sách giáo khoa Hoa Kỳ, tổng kết các thông điệp của chúng: “Hoa Kỳ là một kiểu Đạo Quân Cứu Thế đối với phần còn lại của thế giới: trong lịch sử họ đã phục vụ cho lợi ích của các quốc gia nghèo đói, bị ruồng bỏ và bị thảm họa. Hoa Kỳ luôn hành động theo kiểu vô tư, luôn từ động cơ cao nhất; họ cho đi, không bao giờ nhận lại”.

Và người Mỹ thuần khiết ngạc nhiên tại sao phần còn lại của thế giới không thấy đạo đức và sự vị tha của người Mỹ. Thậm chí nhiều người tham gia vào phong trào phản chiến đã có một thời gian vất vả để lay chuyển một phần của tư tưởng đó; họ diễu hành để khích lệ nước Mỹ – nước Mỹ mà họ yêu, tôn kính và tin tưởng – họ diễu hành để khích lệ nước Mỹ cao quý quay trở lại con đường tốt đẹp.

Nhiều công dân tin vào tuyên truyền của chính quyền để biện minh cho hoạt động quân sự của họ rất thường xuyên và ngây thơ như Charlie Brow tin vào môn bóng đá của Lucy.

Người Mỹ giống đám trẻ con của một bố già Mafia, chúng chẳng biết gì về công việc kiếm sống của ông bố, và cũng không muốn biết, nhưng chúng ngạc nhiên tại sao một số người lại ném bom cháy qua cửa sổ phòng khách. Niềm tin căn bản trong ý định tốt đẹp của Mỹ thường được gắn với “chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ”. Hãy cùng nhìn xem chính sách đối ngoại ngoại lệ Hoa Kỳ ra sao. Kể từ khi kết thúc thế chiến thứ II, Hòa Kỳ đã:

1. Nỗ lực lật đổ hơn 50 chính quyền nước ngoài, đa số được bầu cử dân chủ. 

2. Ném bom người dân tại hơn 30 quốc gia. 

3. Nỗ lực ám sát hơn 50 lãnh đạo ngoại quốc.

4. Nỗ lực đàn áp các phong trào dân túy hay quốc gia tại 20 quốc gia. 

5. Can thiệp thô bỉ vào các cuộc bầu cử dân chủ tại ít nhất 30 nước. 

6. Dẫn đầu thế giới về tra tấn; không chỉ người Mỹ trực tiếp tra tấn người nước ngoài, mà còn cung cấp dụng cụ tra tấn, hướng dẫn tra tấn, danh sách những người phải tra tấn, huấn luyện viên Hoa Kỳ trực tiếp hướng dẫn, đặc biệt là ở châu Mỹ Latin.

Đây thực sự là ngoại lệ. Không có quốc gia nào khác trong lịch sử có thể cạnh tranh với kỷ lục này.

Thế nên lần tới khi bạn lao đầu vào tường đá … hãy hỏi người đó rằng Hoa Kỳ phải làm gì với chính sách đối ngoại để không được ủng hộ nữa. Điều gì đối với người đó cuối cùng là quá đủ. Nếu người đó đề cập tới điều gì đó thật sự tồi tệ, thì có thể đó là điều mà Hoa Kỳ đã thực hiện, hoặc có thể lặp lại.

Cần phải ghi nhớ rằng tổ quốc quý giá của chúng ta, trên hết cả, tìm cách thống trị thế giới. Vì lý do kinh tế, lý do quốc gia, hệ tư tưởng, Thiên Chúa Giáo, và vì những lý do khác, thống trị thế giới từ lâu đã là đường cơ sở của Hoa Kỳ. Không nên quên rằng quan chức hành pháp đầy quyền lực có lương, thưởng, ngân sách hoạt động và công việc được trả lương hậu hĩnh trong tương lai ở khu vực tư nhân, phụ thuộc vào cuộc chiến tranh liên miên. Những lãnh đạo này không đắn đo về hậu quả cuộc chiến của họ đối với thế giới. Họ không thật sự là người xấu; nhưng họ phi đạo đức, giống như một lối mòn xã hội.

Hãy xem Trung Đông và Nam Á. Người dân ở khu vực đó phải gánh chịu sự khủng khiếp vì chủ nghĩa Hồi Giáo bảo thủ. Điều mà họ thực sự cần là một chính quyền thế tục, tôn trọng các tôn giáo khác nhau. Và chính quyền đó đã từng được thiết lập trong quá khứ gần đây. Nhưng số phận của những chính phủ đó ra sao?

Vào những năm 1970 cho đến những năm 1980, Afghanistan đã có một chính quyền thế tục tương đối tiến bộ, với quyền bầu cử hoàn chỉnh cho phụ nữ, điều khó tin phải không? Thậm chí ngay cả một báo cáo của Lầu Năm Góc về thời gian đó đã xác thực quyền thực tế của phụ nữ ở Afghanistan. Và điều gì xảy ra với chính quyền đó? Hoa Kỳ lật đổ nó, cho phép Taliban nắm quyền lực. Hãy nhớ điều đó khi bạn nghe một quan chức Hoa Kỳ nói rằng chúng ta ở Afghanistan là để bảo vệ quyền của phụ nữ.

Sau Afghanistan là tới Iraq, một xã hội thế tục khác, dưới thời Saddam Hussein. Và Hoa Kỳ cũng lật đổ chính quyền đó, giờ đây đất nước đó bị giày xéo bởi đám thánh chiến cũng như bảo thủ đủ loại, điên khùng và khát máu; phụ nữ không che mặt sẽ gặp nguy hiểm.

Tiếp theo là Libya; một lần nữa, một quốc gia thế tục, dưới thời Moammar Gaddafi, giống như Saddam Hussein, là bạo chúa nhưng theo những cách đặc biệt có thể là đạo đức và làm được những điều kỳ diệu cho Libya và Châu Phi. Có thể nhắc tới một ví dụ, Libya có thứ hạng cao trong Chỉ Số Phát Triển Con Người của Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ cũng lật đổ chính quyền đó. Vào năm 2011, với sự trợ giúp của NATO, chúng ta ném bom người dân Libya hầu như mỗi ngày trong suốt sáu tháng. Và một lần nữa, điều đó dẫn đến việc các chiến binh thánh chiến xuất hiện. Tại sao tất cả những chuyện đó xảy ra với người dân Libya, chỉ có Chúa mới biết được, hoặc có thể là Allah.

Ba năm trước đây, Hoa Kỳ đã làm mọi cách để lật đổ chính quyền thế tục ở Syria. Hãy đoán xem? Syria giờ là sân chơi và chiến trường của mọi thể loại quân đội cực hữu, trong đó có món ưa thích mới của mọi người, IS, nhà nước Hồi giáo. Sự trỗi dậy của IS dựa vào phần lớn những thứ mà Hoa Kỳ đã làm ở Iraq, Lybia và Syria trong những năm gần đây.

Chúng ta có thể bổ sung vào danh sách những điều kỳ diệu này cựu Liên Bang Nam Tư, một chính quyền thế tục đã bị Hoa Kỳ lật đổ, cùng với NATO vào năm 1999, thúc đẩy sự hình thành của nhà nước Hồi giáo ở Kosovo, được điều khiển bởi Quân Đội Giải Phóng Kosovo (KLA). KLA bị Hoa Kỳ, Anh và Pháp coi là tổ chức khủng bố trong nhiều năm, với hàng sa số các báo cáo về việc KLA được vũ trang, huấn luyện bởi al-Qaeda, tại trại của al-Qaeda ở Pakistan, và thậm chí có các thành viên của al-Qaeda tham gia hàng ngũ KLA trong cuộc chiến chống lại người Serb ở Nam Tư. Mối lo ngại chủ yếu của Washington là hạ gục Serbia, vốn được biết đến như là “chính quyền cộng sản cuối cùng ở Châu Âu”.

KLA trở nên nổi tiếng với tra tấn, buôn bán phụ nữ, heroin, và nội tạng người; một khách hàng hấp dẫn khác của đế quốc.

Ai đó nhìn xuống những chuyện này từ bên ngoài không gian có thể nghĩ rằng Hoa Kỳ là thế lực Hồi giáo đang nỗ lực xâm chiếm thế giới – Allah Akbar!

Nhưng bạn có thể ngạc nhiên hỏi các chính quyền bị lật đổ có gì chung để trở thành mục tiêu của Washington? Câu trả lời là họ không để cho đế quốc kiểm soát dễ dàng; họ từ chối trở thành quốc gia tay sai; họ theo chủ nghĩa quốc gia; nói cách khác, họ độc lập; một tội các nghiêm trọng đối với đế quốc.

Hãy đề cập tới tất cả những điều đó với người ủng hộ giả định đối của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ và nhìn xem anh ta có tiếp tục tin rằng Hoa Kỳ có ý định tốt nữa không. Nếu anh ta ngạc nhiên cách này diễn ra bao lâu thì hãy chỉ cho anh ta thấy rằng khó có thể kể ra một chế độ độc tài tàn bạo nào trong nửa sau thế kỷ 20 mà không được Hoa Kỳ ủng hộ; không chỉ ủng hộ, mà còn thường xuyên đưa họ lên nắm quyền và bảo vệ quyền lực của họ bất chấp ước muốn của dân chúng. Trong những năm gần đây, Washington đã ủng hộ các chính quyền rất hà khắc như Arab Saudi, Honduras, Indonesia, Ai Cập, Colombia, Qatar và Israel.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nghĩ gì về kỷ lục của bản thân? Cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice đã nói tại một câu lạc bộ tư nhân về lãnh đạo chính sách đối ngoại khi bà ấy viết vào năm 2000 rằng để đáp ứng an ninh quốc gia thì Hoa Kỳ không cần được dẫn dắt bởi “các khái niệm của quy tắc và luật pháp quốc tế” hay “các thiết chế như Liên Hiệp Quốc” bởi vì Hoa Kỳ đứng bên phía đúng đắn của lịch sử”.

Hãy để tôi nhắc lại với các bạn kết luận của Daniel Ellsberg về Hoa Kỳ ở Việt Nam: “Không phải là chúng ta ở phía sai trái; chúng ta là sự sai trái”.

Cách rất xa phía đúng đắn của lịch sử, chúng ta thấy trong thực tế - Tôi muốn đề cập tới sự can dự vào chiến tranh – cùng phía với al-Qaeda và các con đẻ của họ trong một số dịp, bắt đầu là với Afghanistan vào những năm 1980 và 1990s để hỗ trợ Moujahedeen Hồi giáo, hay còn gọi là Chiến Binh Thần Thánh.

Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự, hỗ trợ ném bom, Bosnia và Kosovo, cả hai đều được al-Qaeda ủng hộ trong cuộc xung đột ở Nam Tư vào đầu những năm 1990.

Ở Libya vào năm 2011, Washington và Jihadist có cùng kẻ thù chung, Gaddafi, như đã được đề cập, Hoa Kỳ ném bom người dân Libya trong hơn sáu tháng, cho phép jihadist chiếm lấy nhiều phần đất nước; và họ đang chiến đấu với phần còn lại. Trong thời kỳ chiến tranh, đồng minh thể hiện sự biết ơn của họ đối với Washington bằng cách ám sát đại sứ Mỹ và ba người Mỹ khác, có vẻ là CIA, ở thành phố Benghazi.

Vào giữa và cuối những năm 2000, Hoa Kỳ ủng hộ quân đội Hồi giáo ở khu vực Caucasus của Nga, một khu vực được chú ý nhiều hơn sau khi có các hoạt động khủng bố tôn giáo ở Chechnyan vào những năm 1990.

Cuối cùng, ở Syria, trong nỗ lực lật đổ chính quyền Assad, Hoa Kỳ đã đứng về cùng phía với một số dạng quân đội Hồi giáo. Có sáu lần Hoa Kỳ trở thành đồng minh của lực lượng jihadist trong thời chiến.

Tôi khẳng định rằng tôi phải cung cấp cho bạn rất nhiều điều tiêu cực mà Hoa Kỳ đã làm với thế giới, và có thể đó là một thứ khó nuốt trôi đối với bạn. Nhưng mục đích của tôi là cố gắng gạt bỏ chỗ dựa trong trí tuệ và cảm xúc mà bạn đã trưởng thành dựa trên đó – hoặc giúp bạn hỗ trợ người khác gạt bỏ chúng – chỗ dựa đó đảm bảo rằng Hoa Kỳ thân yêu của bạn muốn điều tốt.

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không có ý nghĩa gì đối với bạn chừng nào bạn còn tin rằng ý định của nó là cao quý; cũng như bạn phớt lờ kịch bản thường xuyên tìm cách thống trị thế giới, được phổ cập quốc gia từ rất lâu, được biết đến dưới cái tên như Tuyên Ngôn Định Mệnh, Thế Kỷ Hoa Kỳ, chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ, toàn cầu hóa, hay, như Madaleine Albright đưa ra, “quốc gia không thể thiếu” … trong khi những người ít lịch sự hơn thì dùng từ “đế quốc”.

Trong bối cảnh nay tôi không thể không đưa ra ví dụ về Bill Clinton. Khi là tổng thống vào năm 1995, ông ta đã nói: “Bất kể điều gì mà chúng ta có thể nghĩ về các quyết định chính trị trong thời kỳ Việt Nam, người Mỹ can đảm, những người đã chiến đấu và chết ở đó, có những động cơ cao quý. Chiến đấu cho tự do và độc lập của người Việt Nam”. Vâng, đó là cách thực tế mà các lãnh đạo của chúng ta nói. Nhưng ai biết họ thực sự tin vào điều gì? 

Hy vọng của tôi là nhiều người trong số các bạn, những người chưa phải là các nhà hoạt động chống đế quốc và chiến tranh, sẽ tham gia vào phong trào phản chiến giống như tôi đã làm năm 1965 để chống lại chiến tranh ở Việt Nam. Đó là điều đã khiến tôi và nhiều người khác cực đoan.

Khi tôi nghe người dân ở độ tuổi nhất định nói về thứ khởi đầu cho quá trình mất niềm tin của họ, niềm tin vào ý định tốt đẹp của Hoa Kỳ, đó là Việt Nam cách rất xa nhưng là nguyên nhân chính.

Tôi nghĩ, nếu các quyền lực Hoa Kỳ biết trước rằng “cuộc chiến đáng yêu” của họ sẽ thất bại thì họ có thể sẽ không tạo ra sai lầm lịch sử khổng lồ đó. Cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 cho thấy rằng bài học Việt Nam vẫn chưa được học vào lúc đó, nhưng các cuộc biểu tình tiếp tục chống chiến tranh và đe dọa chiến tranh ở Afghanistan, Iran, Syria, và những nơi khác có thể - có thể! – cuối cùng tạo ra một vết sứt mẻ trong tinh thần chiến tranh uy nghiêm. Tôi mời các bạn tham gia vào phong trào của chúng tôi.