Friday, December 5, 2014

Cảnh sát giết người ở Mỹ: Vấn đề giai cấp


Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Police killings in America: The class issues" của tác giả Joseph Kishore, bài viết cho biết lý do người Mỹ đã biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ. Mỗi năm cảnh sát Mỹ giết hại hơn 400 thường dân, nhưng hầu hết không bị truy tố hay chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. 

Cảnh sát giết người ở Mỹ: Vấn đề giai cấp

Một lần nữa, viên chức cảnh sát lại thoát khỏi truy tố sau khi giết hại thường dân không vũ trang trên đường phố Hoa Kỳ.

Quyết định của hội thẩm đoàn công tố Staten Island không truy tố viên cảnh sát Pantaleo của thành phố New York về tội siết cổ chết Eric Garner vào tháng 7, là một trò hề tư pháp, diễn ra chỉ hai tuần sau thất bại tương tự trong việc truy tố viên cảnh sát đã bắn Michael Brown ở Ferguson, Missouri.

Theo một nghĩa nào đó, việc miễn tội cho Pantaleo thậm chí còn xuất sắc hơn việc không truy tố Darren Wilson. Garner bị xét hỏi về việc bán thuốc lá không rõ nguồn gốc. Anh ta bị quật ngã ra mặt đất chẳng vì bất cứ lý do gì, bị siết cổ với một đòn khóa đã bị sở cảnh sát cấm từ lâu và bị ghìm xuống mặt đất khi anh ta kêu la không ngừng rằng anh ta không thể thở được. Sau khi anh ta bất tỉnh, cảnh sát đứng xung quanh 7 phút trước khi thực hiện sơ cứu.

Toàn bộ sự cố được ghi hình lại, và được hàng triệu người khắp thế giới xem. Nhân viên khám nghiệm pháp y của thành phố kết luận đó là hành vi giết người. Mặc dù vậy, không có phiên tòa, không có cơ hội nào để quan tòa làm sáng tỏ vụ án này và đưa ra sự trừng phạt theo luật pháp. Thay vào đó, giống như ở Ferguson, một hội thẩm đoàn công tố, trong một quá trình bí mật, do một công tố viên có quan hệ gần gũi với cảnh sát dẫn dắt, đã quyết định không truy tố. 

Quyết định của hội thẩm đoàn công tố trong vụ án Garner đã gây ra một làn sóng phẫn nộ khắp đất nước. Hàng ngàn người đã đổ ra đường phố trong một cuộc biểu tình giận dữ ngẫu hứng, phong tỏa đường cao tốc và tràn ngập các đường phố ở thành phố New York, Chicago và các thành phố khác của Hoa Kỳ.

Hàng triệu người đang tự hỏi: Nếu một sĩ quan cảnh sát có thể siết cổ chết một người không có vũ khí, với toàn bộ sự kiện đã được ghi hình lại, mà vẫn thoát khỏi bị truy tố; còn có điều gì không được phép? Sự giận dữ là hoàn toàn chính đáng. Song sự giận dữ cần được dẫn dắt bởi lý giải chính trị rõ ràng và am hiểu.

Khó có thể nói nghiêm túc về sự tàn bạo của cảnh sát mà không nói về chủ nghĩa tư bản, mà không thừa nhận mối liên hệ giữa bạo lực của nhà nước và sự bất công xã hội khổng lồ đang trở thành đặc trưng của cuộc sống ở Hoa Kỳ. Sự thật căn bản là giai cấp thống trị và những người phát ngôn đủ loại của họ đang tìm cách che đậy tất cả.

Phản ứng của thiết chế chính trị và truyền thông đối với việc miễn truy tố trong vụ Garner đã bộc lộ sự hốt hoảng đối với tác động của nó. Các chính khách đủ loại, Dân Chủ và Cộng Hòa, đã cấp tốc kêu gọi các điều tra tiếp theo, một cuộc điều tra liên bang về “quyền công dân”, các biện pháp khác nhau nhằm khôi phục “niềm tin của công chúng”. Giai cấp thống trị có một nhận thức chung rằng “kết cấu dân sự của Hoa Kỳ” (một khái niệm được tờ New York Time sử dụng sau vụ miễn truy tố Wilson) đang bị đẩy đến gần điểm tan vỡ.

Những động thái đó được tổng thống Obama, người đã gặp thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio vào thứ năm, dẫn dắt để tạo ra một chiến lược chính trị chung đối phó với các cuộc biểu tình về vụ giết hại Garner. Theo thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest, “hai người đã cam kết hợp tác để củng cố niềm tin và sự liên kết giữa lực lượng hành pháp và các cộng đồng địa phương mà họ phục vụ”.

Các biện pháp gồm có nhiều hành động xoa dịu, như các tài trợ máy quay phim cho cơ quan cảnh sát (không phù hợp trong vụ Garner, do toàn bộ sự kiện cũng đã được ghi hình) và “huấn luyện” thêm cho cảnh sát.

Sau cuộc họp, Obama tuyên bố rằng “quá nhiều người Mỹ cảm thấy thật bất công khi đề cập tới khoảng cách giữa lý tưởng đã được công khai của chúng ta và cách thức luật lệ được áp dụng hàng ngày.” Phía sau tai tiếng của cảnh sát và hệ thống pháp luật, Obama nói, có “một câu hỏi lớn về việc khôi phục ý thức về mục đích chung”. 

Mặc dù vậy, có một điều mà Obama không thể thừa nhận, sự thiếu vắng của “ý thức về mục đích chung” không phải là câu hỏi về nhận thức hay thất bại trong đối thoại, mà là hiện thực khách quan. Không có “mục đích chung” giữa quý tộc tài chính và doanh nghiệp, quyết định theo đuổi chính sách chiến tranh vĩnh viễn trên phương diện quốc tế và phản cách mạng xã hội trong nước, với hàng triệu người lao động và thanh niên đang phải đối mặt với một cuộc tấn công tàn nhẫn về công ăn việc làm, tiền lương, chương trình xã hội và quyền dân chủ.

Giữa sự chia rẽ xã hội này, nhà nước, trong đó có cảnh sát, không phải là cơ quan trung lập mà là một công cụ của giai cấp thống trị. Bản thân Obama đã luôn khuyến khích và gia tăng thêm quyền lực của nhà nước, từ gia tăng bộ máy do thám vi hiến có quy mô lớn; tới tự cho mình quyền được ám sát bất kỳ ai, bao gồm cả công dân Mỹ, mà không cần xét xử; tới quân sự hóa cảnh sát nội địa thông qua cung cấp hàng tỷ dollar dưới dạng xe bọc thép, vũ khí và các trang thiết bị khác – một chính sách mà tổng thống này đã xác nhận lại trong tuần.

Trong nỗ lực che đậy vấn đề giai cấp căn bản ngay tức thời, Đảng Dân Chủ đã triển khai nhiều nhóm phụ tá và các cơ quan truyền thông, cùng với những người đề xuất các chính sách danh tính như Al Sharpton, để khẳng định rằng vấn đề căn bản liên quan đến bạo lực của cảnh sát là chủng tộc và “quan hệ chủng tộc”. Hệ quả tất yếu của khẳng định đó là Obama, tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, sẽ “nghiêm túc” nói chuyện về sự tàn bạo của cảnh sát. 

Chủ nghĩa chủng tộc đóng một vai trò không thể phủ nhận trong các chiến dịch tội ác của cảnh sát, song điều đó hoàn toàn nằm dưới sự phân chia giai cấp căn bản. Quả thực vậy, trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị mà giai cấp cai trị phải đối mặt là cơ chế chính trị đã được tạo dựng để phá hủy nhận thức giai cấp – bao gồm các chính sách về chủng tộc và danh tính – bản thân chúng cực kỳ tai tiếng, một phần không nhỏ trong trải nghiệm về chính quyền Obama.

Mục tiêu trong bạo lực của cảnh sát không phải là chủng tộc mà là đàn áp giai cấp. Không chỉ công nhân trong mọi chủng tộc là nạn nhân của sự tàn bạo của cảnh sát, mà các công cụ đàn áp được giai cấp thống trị gia tăng một cách có hệ thống và có chủ ý để sẵn sàng đối phó với đình công, biểu tình, diễu hành hay các dạng phản kháng chính trị và xã hội khác đối với sự chuyên chế của ngân hàng và doanh nghiệp.

Phản kháng sự tàn bạo của cảnh sát và sự trỗi dậy của phương thức cai trị bằng nhà nước cảnh sát ở Hoa Kỳ phải cắm rễ trong một phong trào chính trị của giai cấp lao động, được vận động như một lực lượng độc lập, đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa và bộ máy nhà nước phục vụ cho nó như là kẻ áp đặt bất công xã hội.

6 comments:

  1. Vậy là mọi phản ứng của người dân đều không ăn thua gì với chính quyền Mỹ? Nghĩ mà so sánh với VN, thấy công an khác hẳn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người Mỹ nói thể này: Chính quyền đâu có bao giờ nghe dân, họ chỉ nghe theo tiếng gọi của đồng tiền thôi.

      Delete
  2. Cảm ơn Hiệp Sĩ đã dịch những bài này để người Việt thấy rõ bộ mặt thật của cái gọi là nền dân chủ Hoa Kỳ.

    ReplyDelete
  3. Mr Lừa có thể cho đường link để xem clip cảnh sát Mỹ giết người không?
    Thanks!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trên blog này cũng có vài clip dẫn nguồn từ Youtube, bạn nhấn vào từ khóa "cảnh sát" sẽ tìm thấy các entry có đăng các clip đó.

      Delete