Friday, November 21, 2014

Tám lý do phản đối cuộc chiến mới của Obama

Xin giới thiệu với bạn đọc blog bản dịch bài viết "Eight reasons to oppose Obama's (new) war" của hai tác giả Alan Maass and Eric Ruder, nêu ra các lý do phản đối cuộc chiến mới của tổng thống Barack Obama.

Tám lý do phản đối cuộc chiến mới của Obama

Barack Obama tuyên bố cuộc chiến chống lại Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS) là cần thiết để chấm dứt nguy cơ khủng bố và áp bức. Nhưng ẩn khuất phía sau ngôn từ biện minh cho cuộc can thiệp quân sự mới nhất của Hoa Kỳ là động cơ đế quốc cũ kỹ - kiểm soát dầu mỏ, thống trị địa chính trị ở Trung Đông, đua tranh quốc tế - điều chúng ta đã biết từ những cuộc chiến trước đây của Hoa Kỳ.

Cũng giống như các cuộc xung đột đó, cuộc chiến chống ISIS làm cho thế giới bạo lực hơn, áp bức hơn và kém an toàn hơn. Đây, chúng tôi đưa ra một số lý do để chống cuộc chiến mới này – để bạn có thể nói ra và tự mình đánh giá.

Thứ nhất: Obama tuyên chiến với ISIS để thúc đẩy các lợi ích của đế quốc Hoa Kỳ, không phải để chống lại các chế độ bạo ngược và áp bức.

Cuộc chiến mới của chính quyền Hoa Kỳ ở Trung Đông, khởi sự vào mùa hè vừa qua, phản án sự leo thang bạo lực khủng khiếp của cỗ máy quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Trong tuyên bố quan trọng sau khi đảng Dân Chủ của ông ta gánh chịu thất bại tơi tả trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, Barack Obama công bố “giai đoạn mới” trong chiến tranh, bắt đầu với việc triển khai thêm 1.500 “cố vấn” tới Iraq.

Obama cam kết “các cố vấn” sẽ không tham gia chiến trận, nhưng chúng ta đã từng nghe lời hứa đó trước đây, hãy nhớ về Chiến Tranh Việt Nam. Một trang web dẫn chứng tài liệu “sứ mệnh khủng khiếp” của cuộc chiến chống ISIS cho thấy sự triển khai mới sẽ gia tăng gần gấp đôi số nhân viên quân sự Hoa Kỳ chính thức ở Iraq.

Hoa Kỳ cũng thực hiện các vụ không kích mở rộng ở Iraq, tiếp tục cuộc chiến kéo dài một phần tư thế kỷ đã biến một quốc gia phát triển thành một quốc gia nghèo nhất trái đất, và ở Syria, một quốc gia chưa từng bị ném bom trước đó. Vào giữa tháng 12, chỉ sau một tháng không kích, chiến đấu cơ Hoa Kỳ đã xuất kích 2.750 lần – trung bình gần 100 lần mỗi ngày.

Kẻ thù trong cuộc chiến mới là Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (ISIS), một lực lượng quân sự phản động và đạt tới trạng thái quyền lực hiện tại nhờ vào cuộc xâm lược và chiếm đóng tàn khốc ở Iraq của Hoa Kỳ. Hiện nay, ISIS đang đe dọa xóa sổ các đường biên giới ở Trung Đông, nơi mà Hoa Kỳ là quyền lực đế quốc thống trị trong nửa thế kỷ.

Đó là lý do khiến Obama ra lệnh ném bom vào mùa hè năm nay. Nguyên tắc của Hoa Kỳ là kiểm soát dầu mỏ ở Trung Đông – không phải bởi vì người Mỹ cần nhập khẩu, mà bởi vì sự kiểm soát này tạo ra đòn bẩy chống lại các đối thủ quốc tế như Trung Quốc và Nga, chưa kể là các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Điều này được rút ra từ một báo cáo của Bộ Ngoại Giao vào năm 1945 tuyên bố các nguồn dầu mỏ ở khu vực là “nguồn vô cùng to lớn của sức mạnh chiến lược và một trong các phần thưởng vật chất vĩ đại nhất lịch sử thế giới”.

Hoa Kỳ cũng muốn phục hồi cỗ máy quân sự sau thảm họa của thập kỷ “cuộc chiến chống khủng bố” – và ISIS cung cấp cho họ “kẻ thù hoàn hảo” để giành được sự ủng hộ. Phần cược rất đáng giá cho tất cả chúng ta: Nếu chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ trỗi dậy mạnh hơn nhờ đánh bại ISIS, những kẻ hiếu chiến ở Washington sẽ có vị thế tốt hơn để đánh bại sự phản kháng tại bất cứ đâu trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Thứ hai: Cuộc chiến của Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc đang bị ISIS khủng bố.

Cuộc không kích đầu tiên đi cùng với tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “không nhắm mắt làm ngơ” trước sự tuyệt vọng của người Yazidis, một nhóm thiểu số tôn giáo đang bị các chiến binh ISIS bao vây. Obama đã trơ tráo nói về “người dân vô tội” đang đối mặt với “bạo lực ở quy mô khủng khiếp” sau khi đồng minh chủ chốt của chính quyền Hoa Kỳ ở Trung Đông, Israel, đã khủng bố người dân ở dải Gaza trong một tháng trước đó với “bạo lực ở quy mô khủng khiếp”.

Phải nói thêm là, hầu hết các đợt ném bom đầu tiên diễn ra cách nơi người Yazidis bị bao vây vài trăm dặm. Không lực được tập trung quanh thành phố Erbil, nơi ISIS đang đe dọa xâm chiếm thủ đô của người Kurd Iraq, đồng minh kiên định nhất của Hoa Kỳ trong suốt 25 năm chiến tranh. Erbil cũng là – đáng ngạc nhiên, đáng ngạc nhiên – một thành phố chủ chốt trong sản xuất dầu mỏ ở miền bắc Iraq. 

Sự nhạo báng của chính quyền Hoa Kỳ đã được bộc lộ khi các chiến binh ISIS tiến hành tấn công dữ dội vào Kobanê, một thành phố ở khu vực miền bắc Syria có đại đa số người Kurd thiểu số của quốc gia sinh sống. 

Ban đầu, khi thành phố sắp thất thủ, các quan chức Hoa Kỳ như Ngoại Trưởng John Kerry tuy vậy đã giảng giải cho các phóng viên là bảo vệ người Kurd ở Kobanê không nằm trong kế hoạch can thiệp “nhân đạo”. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ đã đàn áp cộng đồng người Kurd thiểu số của họ một cách khủng khiếp – từ chối hỗ trợ phòng thủ Kobanê, nằm ngay biên giới phía nam của họ, trừ khi người Kurd đồng ý với những điều kiện cụ thể.

Bất chấp sự kỳ quặc đó, ISIS bị đẩy lùi trong cuộc xâm lược Kobanê – một phần là nhờ các vụ không kích chiến thuật của Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là nhờ vào sự phòng thủ can trường của thành phố với các chiến binh người Kurd thua kém về hỏa lực nhưng chiến đấu cho nhân dân và quyền lợi của họ.

Trong biến loạn, người Kurd phải chú ý tới tới việc chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ “giúp” người Kurd trong cuộc chiến – bởi vì có một sự ràng buộc. Như nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa John Reed đã nói, “Bất cứ ai nhận lời hứa hẹn danh nghĩa của Chú Sam sẽ có nghĩa vụ phải trả lại bằng máu và mồ hôi”. 

Thứ ba: Chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ chịu trách nhiệm rất nhiều về sự trỗi dậy của ISIS. Mở rộng cuộc chiến của Hoa Kỳ dường như sẽ gia tăng sức mạnh của những kẻ phản động hơn là làm suy yếu chúng.

Hãy nghe Barack Obam nói về “bệnh ung thư chủ nghĩa cực đoan bạo lực”, bạn sẽ nghĩ chính quyền Hoa Kỳ không khoan nhượng trong việc đối đầu với những thế lực phản động như ISIS.

Trừ khi họ phục vụ cho các mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc. Vào những năm 1980, chính quyền Hoa Kỳ đã tài trợ và cung cấp cho chủ nghĩa Hồi Giáo chính thống chống lại cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Bang Soviet cũ. Những người đàn ông mà Ronald Reagan gọi là “các chiến binh của tự do” sau này đã cùng nhau trở thành al-Qaeda.

Trong cuộc chiếm đóng Iraq, các quan chức Hoa Kỳ đã kích động sự chia rẽ bè phái giữa Hồi Giáo dòng Sunni và dòng Shia – một chiến lược chia để trị, nhằm chống lại nguy cơ có một sự phản kháng thống nhất nhằm vào quân đội Hoa Kỳ. Khi sự chia rẽ này biến thành nội chiến đẫm máu, al-Qaeda ở Iraq – tổ chức tiền thân của ISIS – lần đầu tiên giành được địa bàn.

Cũng chỉ mới đây thôi, Hoa Kỳ đã làm ngơ khi đồng minh của họ trong số các chế độ độc tài của khu vực, nhất là Ả-rập Saudi, ủng hộ các tổ chức vũ trang Hồi Giáo giống như ISIS – để đối phó với sức mạnh gia tăng của các chính quyền Shia trong khu vực. Do vậy, xung đột chia rẽ độc hại mà Hoa Kỳ nuôi dưỡng trong cuộc chiếm đóng Iraq đã lan rộng khắp khu vực – do đế quốc Hoa Kỳ kích động.

ISIS hiện đang tuyên bố cai trị một khu vực lớn ở Iraq và Syria – hàng triệu người, trong đó có nhiều người Sunni, những người coi nghị trình phản động và khủng bố đối lập của ISIS là ghê tởm. Nhưng cho đến nay, ISIS vẫn nhận được sự ủng hộ thụ động của nhiều người Sunni do họ bảo vệ các cộng đồng Sunni trước sự đàn áp của chính quyền Shia ở Iraq. Mỗi khi Hoa Kỳ bắn thêm một quả tên lửa thì nó sẽ lại đẩy người Sunni sang gần ISIS hơn – lực lượng duy nhất thành công trong việc bảo vệ họ chống lại bạo lực và áp bức. 

Thứ tư: Nếu Hoa Kỳ có thể làm suy yếu hay phá hủy ISIS, điều đó sẽ củng cố mạng lưới độc tài và vương triều phản động đang cai trị ở Trung Đông.

Hình ảnh từ băng ghi hình ISIS chặt đầu các nhà báo phương Tây đã thực sự làm mọi người ở khắp nơi kinh hãi. Họ là biểu tượng dã man của sự bạo ngược. Nhưng cùng với Hoa Kỳ không kích ISIS còn có Ả-rập Saudi, một trong những chế độ độc tài, thường xử tử hàng tá người bằng cách chặt đầu tại quảng trường công cộng tai tiếng ở Riyadh, được gọi là “Quảng Trường Chặt Đầu”. Trong số các “tội ác” bị chặt đầu có ngoại tình, nổi loạn, phù thủy và ma thuật

Những nhà cầm quyền cũ quanh Trung Đông đã phản ứng cuộc nổi dậy mùa xuân Ả-rập năm 2011 bằng các biện pháp bạo lực nhất đối với người bất đồng chính kiến. Khi quốc đảo Bahrain – căn cứ của Sở Chỉ Huy Trung Tâm Hải Quân Hoa Kỳ - đối mặt với cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ, quân đội Ả-rập Saudi đã xâm lược để đẩy đập tan người nổi loạn. Vào năm 2013, khi người Iraq Sunni tổ chức phong trào biểu tình hòa bình quy mô lớn, chính quyền trung ương Shia đã sử dụng mọi vũ khí mà Hoa Kỳ cung cấp để đàn áp những người đối lập. 

Cùng lúc ở Syria, chế độc độc tài Bashar al-Assad* đã thu lợi lớn nhất từ cuộc chiến chống ISIS của Hoa Kỳ, thế nên không có phe nào kêu la ầm ĩ. Chính quyền Syria và ISIS đã tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức trong hai năm qua, đồng thời cả hai bên huấn luyện các tay súng của họ tại các khu vực nổi dậy khác nhau chống lại chế độ độc tài. Hiện nay, chính quyền có thể tiếp tục cuộc chiến chết chóc của họ chống lại cách mạng, khi hiểu rẳng quân đội của họ sẽ chiếm vị trí thượng phong nếu không kích của Hoa Kỳ làm suy yếu ISIS.

Chúng ta muốn nhìn thấy ISIS bị lật đổ. Nhưng nếu điều đó được Hoa Kỳ và các đồng minh độc tài của họ thực hiện, lực lượng phản động ở Trung Đông sẽ được củng cố.

Thứ năm: Bạo lực của ISIS, dù có kinh hoàng đến đâu, cũng chỉ là chuyện nhỏ so với bạo lực của chính quyền Hoa Kỳ.

Trong suốt 25 năm, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch quân sự chết chóc nhất chống lại người dân Iraq. Trong Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991, họ đã bắn 320 tấn đầu đạn có chứa Uranium nghèo, gây tổn thương cho quốc gia này với bụi phóng xạ, khiến cho tỷ lệ bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh tăng lên kinh hoàng. Vào năm 1996, Ngoại Trưởng Madaleine Albrigh của chính quyền Bill Clinton đã nói với chương trình 60 Phút rằng cái chết của nửa triệu trẻ em Iraq do Mỹ trừng phạt Iraq là “một cái giá xứng đáng” để cô lập chính quyền Saddam. Sau cuộc xâm lược năm 2003 của Bush Jr., tạp chí y khoa đáng kính Lancet ước lượng giai đoạn mới nhất trong cuộc chiến của Hoa Kỳ đã dẫn đến cái chết của 600.000 người Iraq khác vào năm 2006. 

Cuộc chiến tranh và xâm lược của Hoa Kỳ cũng tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới, với khoảng 4 triệu người Iraq – hơn 10% dân số - sống lưu vong ở nước ngoài hoặc phải tản cư trong nước. Trong khi quan chức Hoa Kỳ và truyền thông theo đuôi lên án sự dã man trong các cuộc bắt giữ con tin của ISIS, thì quân đội Hoa Kỳ tra tấn các tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib tại Iraq và Căn Cứ Không Quân Bagram tại Afghanistan cũng không kém kinh khủng.

Như đã nói, Hoa Kỳ đã giết hại hơn một triệu người Iraq, xung đột bè phái bị khoét sâu sẽ tước đoạt nhiều mạng sống hơn trong những năm tới, và buộc hàng triệu người khác phải chịu đựng một cái chết từ từ bởi nghèo khổ, suy dinh dưỡng và ốm đau.

Tại sao chúng ta tin rằng kết quả của cuộc chiến mới sẽ ít tàn phá hơn đối với Iraq?

Thứ sáu: Hoa Kỳ không gây chiến vì lý do nhân đạo và chưa từng làm điều đó.

Hoa Kỳ không chi hàng nghìn tỷ dollar và đổ hàng bể máu vào Trung Đông để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, mà là để phục vụ các lợi ích kinh tế và chiến lược của họ, từ kiểm soát dầu mỏ Trung Đông tới thống trị quân sự đối với các đối thủ cạnh tranh.

Mặc dù vậy, để tiến hành cuộc chiến, các chính khách Hoa Kỳ ít nhất cũng phải tính đến sự ủng hộ thụ động của người dân Mỹ, khó bị thuyết phục bằng lời kêu gọi đảm bảo lợi nhuận của các công ty dầu mỏ đa quốc gia hay củng cố ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ. Đó là lý do những kẻ gây chiến của Hoa Kỳ che đậy mục tiêu thật sự của họ với sự biện minh nghe có vẻ cao quý về “can thiệp nhân đạo”.

Nếu Hoa Kỳ thật sự có động cơ nhân đạo, họ sẽ không coi Ả-rập Saudi, một trong những quốc gia vi phạm quyền của phụ nữ tồi tệ nhất khu vực, là đồng minh. “Mặc dù vậy, không có cơ hội nào để Hoa Kỳ ném bom Riyadh chấm dứt sự độc ác này”, nhà báo xã hội chủ nghĩa Eamonn McCann viết. “Chế độ độc tài Saudi đứng đầu danh sách các đồng minh khu vực mà Hoa Kỳ cần có để oanh tạc ISIS. Mới đây, chính quyền Obama phân phát các bức ảnh Ngoại Trường John Kerry trong một cuộc đàm thoại dễ chịu với lãnh đạo của những kẻ chặt đầu Saudi, vua Abdullah.”

Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc của Israel khi họ tiến hành thanh lọc người Palestine bản địa, nếu Hoa Kỳ thật sự phản đối “những kẻ gây ra chủ nghĩa cực đoan bạo lực”. Trái lại, Israel là đồng minh đáng giá nhất của chính quyền Hoa Kỳ - dưới thời đảng Dân Chủ cũng như đảng Cộng Hòa – bởi vì họ giúp Hoa Kỳ duy trì sự kiểm soát của đế quốc đối với Trung Đông.

Đế quốc Hoa Kỳ đã luôn tìm các sử dụng vỏ bọc nhân đạo cho các cuộc phiêu lưu quân sự của họ. Như trang SocialistWorker.org đã viết trong một xã luận, vào những ngày đầu của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ 20: 

“Chính khách và truyền thông bịa đặt ra các khiêu khích sống sượng để biện minh cho sự can thiệp vào Philippine, Cuba, Puerto Rico, nơi mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành các trận tấn công tổng lực vào cư dân bản địa. Tất cả những điều đó được hoàn thành, theo tổng thống William McKinley, “không phải giống như kẻ xâm lược hay kẻ xâm chiếm, mà như những người bạn, bảo vệ người bản địa tại quê hương của họ, theo sự yêu cầu của họ và với quyền cá nhân và tôn giáo của họ”.

Hơn một thế kỷ sau, các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ giả bộ làm bạn với người dân Trung Đông – nhưng những người dân đó phải trả giá cho cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ.

Thứ bảy: Cuộc chiến mới chống lại ISIS của Obama sẽ không làm cho người dân ở Hoa Kỳ hay bất cứ đâu an toàn hơn. Trái lại, nó sẽ làm thế giới nguy hiểm hơn.

Một trong những câu hỏi cấm kị nhất trong văn hóa chính trị Hoa Kỳ là tại sao Hoa Kỳ trở thành mục tiêu của vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Sự thật là Hoa Kỳ đã thực hiện hàng ngàn cuộc tấn công tương đương với vụ 11 tháng 9 trên khắp thế giới, đó là lý do tại sao họ bị ghê sợ và khinh miệt ở khắp mọi ngóc ngách của thế giới. Đôi khi, sự tức giận đó trực tiếp chống lại mục tiêu Hoa Kỳ - thường là người dân không có gì liên quan tới cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ, nhưng là nạn nhân của cái mà quan chức chính quyền Hoa Kỳ công khai gọi là “nạp đạn tự động”.

Osama bin Laden đã sử dụng hình ảnh gầy gò và suy dinh dưỡng của trẻ em Iraq do các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra để tuyển mộ chiến binh cho al-Qaeda. Theo cách tương tự, các chính quyền khắp thế giới đã viện dẫn việc giam giữ không giới hạn các tù nhân Arab và Hồi Giáo ở nhà tù Hoa Kỳ trên Vịnh Guantanamo – chưa nói tới sự biện minh của các quan chức Hoa Kỳ về việc sử dụng tra tấn đối với họ - để hợp pháp hóa sự lạm dụng của họ. Vì lý do này, một tá những người được giải Nobel đã kêu gọi Obama “công khai hoàn toàn cho người dân Mỹ về sự mở rộng và sử dụng tra tấn” của Hoa Kỳ, một lời kêu gọi mà Obama phản đối.

“Cuộc chiến chống khủng bố” cũng đã được sử dụng để biện minh cho việc NSA và các cơ quan chính quyền khác xâm phạm quyền riêng tư và tự do dân sự khác.

Thứ tám: Một cuộc chiến khác sẽ lãng phí tiền bạc và tài nguyên cần thiết cho mọi nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.

Đầu năm nay, Quốc Hội thông qua việc cắt giảm 8,7 tỷ dollar trong chương trình phiếu thực phẩm cho người nghèo. Cùng lúc, cuộc chiến mới chống ISIS của Obama tiêu tốn từ 18 đến 22 tỷ dollar mỗi năm. Vào tháng trước, Obama hỏi xin Quốc Hội mới do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số về 5,6 tỷ dollar tài trợ bổ sung – không phải để sửa chữa mạng lưới an sinh xã hội, mà là cho Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại Giao tham gia cuộc chiến chống ISIS.

Như nhà bình luận Trung Đông Juan Cole đã viết: 

“Cũng những người có rắc rối khi biện minh một mạng lưới an sinh cho người lao động nghèo và cảm thấy cần khẩn cấp cắt bỏ hàng tỷ dollar khỏi chương trình vốn giúp cho xã hội văn minh hơn rừng rậm săn mồi sống – cùng những người đó đã không khó khăn chấp thuận hàng tỷ dollar cho các chiến dịch ném bom mơ hồ khó có thể đo lường bằng hệ mét”.

Sự thống trị của Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng là sự gia tốc khai thác và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch – ngay cả khi các nhà khoa học về khí hậu đã thống nhất kêu gọi để nguyên nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất để trái đất có cơ hội chiến đấu duy trì hệ sinh thái. 

Từ Iraq đến Syria cho tới Hoa Kỳ, người dân thường không thu được lợi ích gì từ cuộc phiêu lưu của để quốc để giữ cho tiền tiếp tục chảy vào két của những doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất thế giới.

Trên hết, hệ thống chủ nghĩa tư bản đã đẩy các quốc gia dân tộc và các doanh nghiệp vào một xung đột toàn diện để đánh bại các đối thủ cạnh tranh và thống trị hành tinh. Chỉ bằng cách nhổ rễ hệ thống này và thay thế nó bằng xã hội xã hội chủ nghĩa thì nhu cầu của người dân và môi trường mới được đáp ứng, nếu không hệ thống sẽ tiếp tục mù quáng lao theo lợi nhuận.

Alan Maas là biên tập viên của Socialist Worker. Eric Ruder là một nhà văn ở Chicago.

*Chú thích của người dịch: Khi Mỹ tấn công bất cứ quốc gia nào thì chính quyền quốc gia đó đều bị coi là độc tài, ngay cả khi họ có được bầu cử dân chủ và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, rất nhiều tác giả tiến bộ cũng hay mắc cái lỗi là dễ dàng sử dụng lập luận của Mỹ trong bài viết. Trường hợp của chế độ Assad ở Syria cũng vậy, họ chưa từng bị coi là độc tài cho đến khi Mỹ muốn lật đổ họ. 

8 comments:

  1. Chào Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa,

    Trước tiên, mình muốn nói lời cảm ơn chân thành về những bài dịch lý thú mà bạn đã bỏ rất nhiều công sức để mang tới cho bạn đọc người Việt, những bài viết rất cần thiết trong cuộc chiến tranh thông tin hiện nay giữa Mỹ và Nga-Trung.

    Riêng về bài viết này, mình có một số nhận xét: Tuy nó nêu bật được sự giả dối của cuộc chiến chống ISIS của Hoa Kỳ hiện nay, mình không đồng ý với mô tả tổng thống Assad là độc tài. Từ những gì mình đọc được, cả hai vợ chồng tổng thống Assad đều là những người có lương tâm, đã làm được rất nhiều điều tốt cho Syria. Cuộc chiến chống ISIS hiện nay và cuộc "cách mạng" của phiến quân Syria trong vài năm vừa qua đều là do Mỹ và một số đồng minh ở Trung Đông khuấy động nhằm mục đích lật đổ chính quyền được dân bầu một cách dân chủ của tổng thống Assad. Và lý do duy nhất cho điều đó là vì ông đã đứng về phía Nga mà thách thức lợi ích của Mỹ và Israel.

    Chúc bạn một ngày tốt lành.

    Thân,
    Dấu hiệu thời đại

    ReplyDelete
    Replies
    1. Những bài dịch để tham khảo, mình tôn trọng ý kiến của tác giả, cho dù họ có khác mình, song mình sẽ có phần chú thích nêu rõ quan điểm của người dịch. Bài này mình đã sơ suất không ghi chú thích. Xin cảm ơn bạn đã bình luận. Mình đã bổ sung phần chú thích vào bài dịch.

      Delete
  2. Tôi muốn hỏi HSCL một câu là: mùa xuân A-rập và phong trào công nhân A-rập có liên quan gì nhau không nhỉ? Nếu HSCL biết thì chia sẻ cho tôi một vài bài báo được không? Ví dụ tôi thấy Alan Woods, một biên tập viên trên marxist.org, kêu gọi đoàn kết với công nhân A-rập. Tôi mới tìm hiểu nên cũng hơi băn khoăn.

    ReplyDelete
  3. Mùa xuân Arab không có liên quan gì đến phong trào của giai cấp công nhân Arab hết, tuy vậy cũng có một số phái công nhân hy vọng có thể lợi dụng tình hình để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Alan Woods là một người theo phái Trotsky nổi tiếng và từng là cố vấn chính trị cho cố tổng thống Hugo Chavez của Venezuela. Phái Trotsky vốn theo đuổi quan niệm làm cách mạng xã hội chủ nghĩa phải đồng loạt ở nhiều nước. Theo tôi nghĩ thì Alan Woods kêu gọi đoàn kết với công nhân Arab là hướng tới mục tiêu xây dựng phong trào quốc tế vô sản chứ không phải là ủng hộ công nhân Arab theo đám cực hữu làm đảo chính để lập lên các chính quyền thân Mỹ.

    ReplyDelete
  4. Chào HSCL,

    Tôi muốn hỏi thêm một chút, nếu bạn biết gì đó.

    http://www.marxist.com/egyptian-revolution-enters-new-stage.htm
    http://www.marxist.com/truth-about-present-revolutionary-uprising-libya.htm

    Tôi có xem qua một vài bài báo trên marxist.org, trang mà Alan Woods là một biên tập viên, ví dụ hai bài báo trên, thì thấy có nói rằng: sự nổi dậy ở các nước A-rập cũng là do đời sống trở nên khó khăn, và cũng liên quan tới công nhân. Và vì thế Alan Woods cũng nói rằng cần phải đoàn kết với công nhân A-rập. Tất nhiên là ông ý không nói là lật đổ chính quyền và dựng ra chính quyền thân Mỹ.

    Một bài viết khác ở cùng trang http://www.marxist.com/vietnam-1945-derailed-revolution.htm nói về sự chệch hướng của cách mạng VN, khiến tôi hơi băn khoăn chút rằng: phải chăng không phải lúc nào những người mác-xít cũng thực sự khách quan?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vào thời kỳ cách mạng giành độc lập dân tộc, ở Việt Nam cũng có phái Trostkist, xuất thân từ các trí thức và sinh viên học ở Pháp, họ đã chống đối dữ dội đảng Cộng Sản. Trên thế giới thì phái Trosky chống lại các nước XHCN và Stalin, họ chủ trương giữ nguyên nhà nước đa nguyên kiểu tư sản. Không có gì lạ khi những tờ báo theo phái Trostky có thái độ thù địch với Việt Nam. Mặc dù cũng sử dụng học thuyết Marxist là phương tiện lý luận nhưng tôi không cho rằng phái Trotsky thực sự Marxist.

      Delete
    2. Cám ơn bạn nhiều về bình luận. Đúng là đấu tranh tư tưởng cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi việc học tập nghiêm túc.

      Delete