Sunday, November 9, 2014

Cách mạng ở Hoa Kỳ

Tại sao cần có một cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ? Đế quốc Hoa Kỳ phi dân chủ ra sao? Họ tấn công thế giới Hồi Giáo để làm gì? Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết "Revolution in the United States" của tác giả Garry Leech để có câu trả lời.

Cách mạng ở Hoa Kỳ

Tại sao một số ít người lại có thể áp đặt cuộc sống của rất nhiều người? Tôi không đề cập tới vấn đề 1% và 99%. Tôi đang nói về số cử tri ở Hoa Kỳ và những tay chân Canada và Anh của họ. Trong khi đó, hàng tỷ người trên thế giới có cuộc sống chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những quyết định của các quan chức dân cử ở những quốc gia thịnh vượng dường như không có tiếng nói. Đế quốc Hoa Kỳ hoàn toàn không dân chủ. Nó là toàn trị! Nó là đế quốc! Nó bất công! Cần có một cuộc cách mạng.

Vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, 121 triệu người Mỹ bỏ phiếu, chiếm 57% số người trong độ tuổi bầu cử. Tuy tổng số phiếu bầu không đạt đa số tuyệt đối nhưng cũng đủ đảm bảo sự hợp hiến cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nhất là trong con mắt của nhiều người Mỹ.

Nhưng quyết định chính trị do các quan chức dân cử Hoa Kỳ đưa ra vượt ra ngoài biên giới quốc gia rất xa. Thông qua chính sách đối ngoại và vai trò thống trị trong các thiết chế quốc tế như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, NATO, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới, Hoa Kỳ tác động đến cuộc sống của hầu hết mọi người trên trái đất. Hay nói cách khác, sự lựa chọn của 121 triệu người Mỹ tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất. Dân chủ ở đâu?

Các biên giới quốc gia liên tục bị bào mòn dưới danh nghĩa của chủ nghĩa tư bản “thị trường tự do”, để doanh nghiệp có thể di chuyển tư bản và lợi nhuận quanh trái đất, nhằm khai thác lợi thế về lao động và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ, đặc biệt là ở bán cầu phía Nam. Nhưng khi kinh tế ngày càng bị toàn cầu hóa thì dân chủ lại vẫn cắm rễ vào quốc gia-nhà nước. 

Song mọi quốc gia không bình đẳng. Hoa Kỳ được thừa hưởng vai trò mà những kẻ thực dân Châu Âu đã nắm giữ từ hàng trăm năm nay. Giống như tầng lớp cai trị ở các hệ thống thuộc địa cũ, Hoa Kỳ nắm giữ một khối lượng bất cân xứng về quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự trong chủ nghĩa đế quốc hiện thời. Kết quả của sự thống trị đó là 121 triệu cử tri người Mỹ quyết định số phận của hàng tỷ người trên trái đất bốn năm một lần. 

Nhưng số phận của dân cư trên thế giới là một điều cực kỳ xa lạ với suy nghĩ của đại đa số cử tri trong thời gian bầu cử. Họ chủ yếu tập trung vào các lợi ích nhất thời như việc làm, thuế khóa, an ninh và các vấn đề khác, những vấn đề mà họ thấy là quan trọng đối với đời sống hàng ngày của họ. Họ không quan tâm – hay không nhìn thấy – các chính sách chính trị, kinh tế và quân sự được chính quyền mà họ lựa chọn triển khai trên toàn cầu có tác động tiêu cực đến đời sống của rất nhiều người trên thế giới ra sao. Hệ quả là có rất ít người Mỹ bỏ phiếu chống lại những gì họ cho là lợi ích của bản thân để ủng hộ lợi ích của đa số nhân dân trên thế giới. 

Điều gì sẽ xảy ra khi những người chịu tác động tiêu cực từ chính sách của Hoa Kỳ tìm cách tự mình đối đầu với mô hình đế quốc Hoa Kỳ phi dân chủ? Washington không thể tránh khỏi phải trả lời bằng bạo lực để bảo vệ hiện trạng. Đó là lý do tại sao có rất nhiều người trên thế giới không tin rằng Hoa Kỳ là lực lượng của điều tốt. Trên thực tế, theo kết quả một khảo sát tại 68 quốc gia vào năm 2013 của WIN/Gallup, Hoa Kỳ được coi là mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới – như mỗi năm khảo sát được thực hiện. 

Đế quốc Hoa Kỳ

Sự thống trị chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ tự khẳng định bản thân thông qua hỗ trợ quân sự và kinh tế cho các chính quyền đồng minh, bất kể là các chính quyền đó có tham nhũng, phi dân chủ và bạo lực đến đâu khi bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ. Những lợi ích đó chủ yếu dựa trên việc cho phép các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của các công ty đa quốc gia và đảm bảo sự tiếp diễn của phong cách sống tiêu dùng mà nhiều người Mỹ đang tận hưởng. 

Hậu quả của việc ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp và phong cách sống tiêu dùng ở các quốc gia giàu có là sự tàn phá đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hơn 10 triệu người chết hàng năm ở Châu Mỹ Latin, Châu Phi và Châu Á do thiếu chăm sóc y tế và thuốc men thích hợp.

Ví dụ, các công ty dược phẩm sản xuất các thuốc men kiểu “phong cách sống” để xử lý các vấn đề khó chịu hay các nguy cơ không tổn hại tính mạng cho người dân ở các nước giàu, những người có thể mua chúng, thì có lợi nhuận hơn là chế tạo các dược phẩm thiết yếu cho người nghèo, những người không tạo ra thị trường khả thi. Hệ quả không thể tránh khỏi là diệt chủng cơ cấu; một thảm kịch đang mà bệnh dịch Ebola ở Tây Phi đang cho thấy rõ.

Khi các chính quyền trở nên can đảm và thách thức các lợi ích của Hoa Kỳ thì Washington sẽ không thể không trả lời bằng trừng phạt kinh tế, ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự và nếu cần thiết là can thiệp quân sự trực tiếp. Mục tiêu là đảm bảo rằng mô hình tư bản chủ nghĩa sẽ thống trị khắp thế giới. Để đảm bảo mô hình đó được chấp nhận là hợp pháp thì điều cốt yếu là nhân dân khắp thế giới phải thấm nhuần các giá trị tự do phương Tây. Đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào thế giới Hồi Giáo, trái ngược với những hùng biện phát ra từ Nhà Trắng, là một cuộc chiến tranh chống lại Hồi Giáo. Sự chấp nhận các giá trị tự do phương Tây là cần thiết để duy trì chủ nghĩa tư bản và rất nhiều các giá trị của chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn với một số giá trị tập thể của Hồi Giáo.

Các cuộc can thiệp quân sự tiếp diễn ở Trung Đông và Trung Á là một sự tiếp tục xây dựng đế quốc được bắt đầu từ năm 1492, sau khi Christopher Columbus “khám phá” ra Châu Mỹ. Các giá trị và hoạt động văn hóa của người bản địa Châu Mỹ không phù hợp với các giá trị tự do và Thiên Chúa Giáo nổi bật ở Châu Âu, nhất là là tư tưởng Khai Sáng, thứ đã cung cấp nền tảng triết học cho chủ nghĩa tư bản. Hệ quả là những thổ dân phản kháng – và cả những người không phản kháng – sự áp đặt của những giá trị Châu Âu đối với văn hóa của họ đã bị tàn sát.

Đa số những người sống sót đã bị nhốt trong các khu bảo tồn và từ thế hệ này sang thế hệ khác là đối tượng của sự đồng hóa thông qua hệ thống giáo dục lấy Châu Âu làm trung tâm. Tương tự ở Châu Phi và Châu Á, chủ nghĩa thực dân Châu Âu đã áp đặt các ý tưởng tự do và Thiên Chúa Giáo cho người dân, buộc họ ghi nhớ các giá trị Châu Âu thiết yếu để chấp nhận hệ thống chủ nghĩa tư bản đang điều khiển các dự án thuộc địa.

Nhiều nỗ lực gần đây thách thức quá trình đó của chủ nghĩa đế quốc đều bị đáp lại bằng bạo lực. Hoa Kỳ đã lật đổ hầu như mọi chính quyền đối đầu với sự thống trị của họ. Đây là chỉ là danh sách một phần các quốc gia có chính quyền bị lật đổ trong các cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn hay can thiệp quân sự trong những thập kỷ gần đây: Iran (1953), Guatemala (1954), Nam Việt Nam (1963)*, Brazil (1964), Indonesia (1965), Chile (1973), Argentina (1976), Haiti (1991 and 2004), Afghanistan (2001), Iraq (2003), Honduras (2009) và Libya (2011). Một số chính quyền đó được lựa chọn dân chủ trong tự do và bầu cử công bằng. 

Những chính quyền khác đủ can đảm đối đầu với sự thống trị của Hoa Kỳ phải rất nỗ lực trong đơn độc để tồn tại trước những âm mưu lật đổ. Cuba đẩy lùi cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn năm 1961 và phải cam chịu lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mới đây bỏ phiếu với đa số tuyệt đối lên án lệnh cấm vận lần thứ 23, 188 quốc gia đã kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận và chỉ có hai nước – Hoa Kỳ và Israel – bỏ phiếu chống lại nghị quyết đó. Tương tự, Venezuela đã trụ được qua cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn vào năm 2002 nhằm lật đổ tổng thống Chavez và tiếp đó thường xuyên bị các chính khách Hoa Kỳ bôi nhọ.

Cực đoan hóa Hồi Giáo 

Chủ nghĩa quân phiệt Hoa Kỳ trong thế giới Hồi Giáo cũng tìm cách đối đầu với những ai phản đối việc phổ biến các giá trị tự do phương Tây thiết yếu đối với toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản. Năm mươi năm trước đây không hề có các nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi bật nào. Sự tiến hóa hiện thời của chủ nghĩa cực đoan có thể bắt đầu từ khi Hoa Kỳ hậu thuẫn cho việc lật đổ thủ tướng thế tục và được tín nhiệm Mohamad Mossadegh của Iran vào năm 1953 sau khi ông ta quốc hữu hóa công nghiệp dầu mỏ. Shah đã được tái lập làm người cai trị Iran và ông ta lập tức lại mở cửa quốc gia cho các công ty dầu mỏ phương Tây, đồng thời cảnh sát mật được Hoa Kỳ huấn luyện của ông ta đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến.

Dưới sự cai trị độc đoán của chính quyền Shah do Hoa Kỳ hậu thuẫn thì hoạt động văn hóa phương Tây trở thành phổ biến ở Iran cùng với sự hiện diện của rất nhiều công nhân dầu mỏ Hoa Kỳ và Anh. Đồng thời, một số lượng ngày càng lớn người Iran phải gánh chịu sự nghèo khổ khi Shah và công nhân dầu mỏ phương Tây đánh cắp tài nguyên giàu có của quốc gia ngay trước mắt họ. Sự oán giận lớn dần bắt nguồn từ tình trạng ấy đã tạo ra môi trường lý tưởng để chủ nghĩa Hồi Giáo chính thống xây dựng lực lượng trong lòng nhân dân Iran. Vào năm 1979, đa số người Iran đã ủng hộ cuộc cách mạng của những người chính thống, lật đổ chế độ tha hóa và tàn bạo của Shah. 

Trong những thập kỷ tiếp theo, sự ủng hộ của Washington đối với các chính phủ tha hóa nhưng phục vụ cho lợi ích của phương Tây trong khu vực, đặc biệt là liên quan đến việc đảm bảo cho dầu chảy liên tục, đã cực đoan hóa nhiều thành phần của thế giới Hồi giáo. Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự và kinh tế hơn 4 tỷ dollar cho những kẻ nổi loạn Mujahideen, để họ chống lại Liên Bang Soviet ở Afghanistan trong những năm 1980. Một trong những kẻ nổi loạn Mujahideen được Hoa Kỳ hậu thuẫn là Osama bin Laden, sau khi loại bỏ những kẻ xâm lược Soviet của phương Tây khỏi thế giới Hồi giáo, ông ta đã thành lập Al-Qaeda và chuyển hướng sang kẻ xâm lược phương Tây cuối cùng, khi quân đội Hoa Kỳ lập căn cứ ở Arab Saudi vào năm 1991. Rất nhiều cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực kể từ năm 1991 và sự hỗ trợ vô điều kiện của Washington cho Israel đã chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa của chủ nghĩa cực đoan.

Rõ ràng là can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Đông không xuất phát từ động cơ khuyến khích dân chủ và nhân quyền. Trên hết, nếu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bắt nguồn từ những động cơ cao quý đó thì Washington đã lật đổ từ lâu chế độ độc tài tàn nhẫn tại nước đồng minh thân cận Arab Saudi của họ cũng như giải thoát khu vực khỏi những người bạn toàn trị của họ. Cần biết là chính quyền Arab Saudi thường xuyên chặt đầu công khai người dân của họ - 19 người vào tháng 7 và 8 – quyết định của Obama cho phép quân đội Hoa Kỳ với những kẻ chặt đầu Saudi chiến đấu chống lại những kẻ chặt đầu của Quốc Gia Hồi Giáo đã chứng minh hùng hồn về nhân quyền. Hiển nhiên là việc chặt đầu tự bản thân nó không làm ai đó trở thành “độc ác”, giống như việc chặt đầu người phương Tây để chống lại các lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ.

Sự thất bại của những nhóm quốc gia thế tục và ôn hòa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của chủ nghĩa Hồi giáo đã dẫn đến sự trỗi dậy của các tổ chức chính thống cực đoan hơn như Hezbollah, Hamas, Taliaban, al-Qaeda và giờ là Nhà Nước Hồi Giáo. Nói ngắn gọn, chúng ta chứng kiến sự cực đoan hóa trên quy mô khu vực tương tự như những gì đã diễn ra trên quy mô quốc gia ở Iran sau khi Hoa Kỳ can thiệp và ủng hộ chế độ Shah tàn bạo.

Chính sách đế quốc của Washington ưu tiên cho các lợi ích của công ty dầu mỏ và kinh tế phương Tây hơn nhân dân Hồi Giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều đó dẫn đến sự cực đoan hóa của phe đối đầu với can thiệp quân sự, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ vào thế giới Hồi Giáo. Hoa Kỳ phản ứng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan không phải bằng cách xem xét lại phương thức tiếp cận kiểu đế quốc của họ, mà theo cách ngược lại là gia tăng chúng. Các cuộc xâm lược và chiếm đóng quân sự do Hoa Kỳ cầm đầu ở Afghamistan và Iraq còn có thể giải thích theo cách nào khác? Ở cả hai quốc gia đó, mục tiêu là áp đặt bằng quân sự nền dân chủ tự do kiểu phương Tây đối với người dân Hồi Giáo và sáp nhập tài nguyên cũng như kinh tế của những quốc gia đó vào hệ thống tư bản toàn cầu.

Bất chấp những hùng biện được lặp đi lặp lại của các lãnh đạo phương Tây rằng can thiệp quân sự vào khu vực không tạo thành cuộc chiến tranh chống Hồi Giáo, đó chính là chiến tranh chống Hồi Giáo. Đó là cuộc chiến tranh chống lại các giá trị Hồi Giáo vốn xung đột với hoạt động tìm kiếm lợi nhuận thô bạo và bất nhân của các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng đầu tư. Đó là cuộc chiến tranh chống lại các giá trị tập thể và niềm tin, những thứ vốn xung đột với chủ nghĩa cá nhân và văn hóa tiêu dùng buông thả trong cốt lõi của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Đó là cuộc chiến tranh chống lại những người Hồi Giáo đã hết ảo tưởng với mô hình dân chủ và hệ thống kinh tế chỉ mang lại cho họ sự bất lực và bần cùng.

Toàn cầu hóa theo kiểu tân tự do không chỉ khiến cho thế giới Hồi Giáo nghèo khổ, mà nó cũng thất bại trong việc đem lại tiếng nói chính trị của họ thông qua hòm phiếu. Khi người Hồi Giáo lựa chọn một đảng Hồi Giáo trong các cuộc bầu cử kiểu phương Tây, chính phủ mới sẽ lập tức trở thành mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Người Ai Cập nổi dậy trên đường phố vào năm 2011 trong Mùa Xuân Arab đòi lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak được Hoa Kỳ hậu thuẫn và bầu cử được tổ chức. Năm tiếp theo, đa số người dân Ai Cập lựa chọn ứng cử viên tổng thống đại diện cho tổ chức Hồi Giáo của quốc gia, Huynh Đệ Hồi Giáo. Một năm sau, Washington và đồng minh của họ quay mặt làm ngơ khi quân đội Ai Cập do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã đảo chính lật đổ chính quyền được bầu chọn dân chủ. 

Đây không phải là lần đầu tiên các quyền lực phương Tây phá hoại dân chủ trong thế giới Hồi Giáo. Vào năm 1991, khi kết quả bầu cử nghị viện ở Algeria cho thấy có vẻ Mặt Trận Cứu Nguy Hồi Giáo sẽ thắng với đa số 2/3, quân đội đã can thiệp và hủy bỏ cuộc bầu cử, không cho phép đảng Hồi Giáo thắng cử. Hoa Kỳ và Pháp hỗ trợ cuộc đảo chính đó bởi vì họ phản đối việc thiết lập một chính quyền Hồi Giáo ở Algeria, ngay cả khi chính quyền được bầu cử dân chủ đó đại diện cho nguyện vọng của đa số người dân Algeria. Cái giá của việc phá hoại tiến trình dân chủ đó là một cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người trong thập kỷ tiếp theo. 

Tương tự vào năm 2006, người dân Palestin bỏ phiếu cho đảng Hồi Giáo Hamas nhiều hơn là đảng Fatah, kết quả là Hamas được 76 ghế còn Fatah được 45 ghế, do đó Hamas có quyền thành lập chính phủ. Hoa Kỳ, Canada và Liên Minh Châu Âu đáp lại kết quả bầu cử bằng cách ngay lập tức cắt viện trợ cho chính phủ Hamas và cho phép Israel phong tỏa một cách vô nhân đạo căn cứ của Hamas ở dải Gaza. Những trường hợp đó đã gửi một thông điệp rõ ràng đến cho người Hồi Giáo: Chấp nhận dân chủ theo kiểu phương Tây nhưng không được bầu cho đảng Hồi Giáo. Có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người Hồi Giáo vỡ mộng với dân chủ kiểu phương Tây và hệ thống kinh tế toàn cầu chủ yếu phục vụ cho lợi ích phương Tây?

Sự vỡ mộng đó đã thể hiện bản thân trong một “nguy cơ” bắt nguồn tự cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Hoa Kỳ. Nhà Nước Hồi Giáo còn cực đoan hơn cả al-Qaeda trong những nỗ lực chống đế quốc phương Tây. Bất chấp thực tế, phương Tây đáp lại Nhà Nước Hồi Giáo bằng bản sao của cuộc can thiệp quân sự trước đó ở Trung Đông, thứ đã khai sinh ra al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo. 

Washington đang gia tăng can thiệp quân sự vào thế giới Hồi Giáo, họ đã giết hại hàng ngàn thường dân vô tội. Trong thực tế, số lượng người Hồi Giáo vô tội bị bom Mỹ giết hại đã vượt xa số người phương Tây bị các nhóm Hồi Giáo cực đoan giết hại. Lịch sử cho thấy rằng ngay cả khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo, số lượng thường dân bị quân đội phương Tây giết hại sẽ lại dẫn đến việc một nhóm cực đoan hơn nữa xuất hiện để thay thế Nhà Nước Hồi Giáo.

Nguyên nhân thực sự khiến Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây nhắm vào Nhà Nước Hồi Giáo dường như sẽ rõ ràng hơn khi so sánh nhóm cực đoan đó với các cartel ma túy Mexico. Cartel ma túy Mexico là mối đe dọa bạo lực lớn hơn đối với thường dân, bao gồm cả người Mỹ, hơn là Nhà Nước Hồi Giáo. Họ đã giết hại hơn 13.000 người trong năm 2013, gần gấp đôi số người chết ở Iraq. Quan trọng hơn theo quan điểm của Hoa Kỳ, hơn 300 công dân Hoa Kỳ đã bị cartel ma túy Mexico sát hại trong 6 năm qua, vượt xa số người Mỹ bị Nhà Nước Hồi Giáo giết hại.

Hơn nữa, các cartel không chỉ chặt đầu các nạn nhân, họ còn chặt xác ra nhiều mảnh. Họ thường xuyên tuyển mộ các thiếu niên tầm 11 tuổi và thường xuyên tấn công phụ nữ và trẻ em. Các cartel kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc Mexico và chính quyền không thể đánh bại họ. Mặc dù vậy, chúng ta không ném bom miền Bắc Mexico để tiêu diệt nhóm bạo lực đó. Tại sao không? Bởi vì đó không phải là loại khuyến khích nhân quyền hay dân chủ mà chính quyền Hoa Kỳ muốn làm; Washington chỉ phản ứng trước các nguy cơ rõ ràng đối với hệ thống tư bản.

Ở Mexico, các hoạt động bạo lực của cartel ma túy không xâm hại đến năng lực tạo lợi nhuận dựa trên bóc lột lao động và tài nguyên tự nhiên giá rẻ của các công ty đa quốc gia. Các cartel ma túy không gây phiền toái cho mô hình kinh tế tự do thương mại, vốn hiện diện công khai ở Mexico với Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA). Mặt trái là những kẻ buôn ma túy dựa trên dòng thương mại thường xuyên và liên tục qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico để vận chuyển ma túy. Nói ngắn gọn, không giống như Nhà Nước Hồi Giáo, các cartel ma túy Mexico không thách thức các giá trị tự do phương Tây cũng như mô hình kinh tế tư bản mà Hoa Kỳ khuếch trương.

Kết luận

Chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã tiêu tốn hơn 500 năm để áp đặt các giá trị phương Tây cho người dân khắp thế giới. Những người dân đó không bao giờ có tiếng nói trong các chính sách chính trị, xã hội và kinh tế được áp đặt cho họ. Chủ nghĩa đế quốc, theo định nghĩa, là phi dân chủ. Trong khi chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới, chỉ có một ít phần trăm dân số toàn cầu có tiếng nói trong việc lựa chọn chính quyền đó. Đại đa số trong 121 triệu cử tri người Mỹ không mấy quan tâm đến vệc lá phiếu của họ sẽ có ảnh hưởng ra sao tới người Hồi Giáo ở Trung Đông, thổ dân ở Châu Mỹ Latin, và hàng triệu người khác khắp Châu Phi, Châu Á. Quyết định bầu cử của họ chủ yếu được xác định dựa vào nhận thức về các nhu cầu tức thời, thứ đó là cái vỏ hợp hiến không chỉ cho dân chủ Hoa Kỳ mà còn cho cả chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ.

Hệ quả là dường như trong một tương lai có thể thấy trước, một cuộc cách mạng sẽ nổ ra ở trái tim của đế quốc. Có vẻ là sẽ nổ ra ở các khu vực hẻo lánh của Đế quốc Hoa Kỳ. Trong thực tế, đã có nhiều dạng cách mạng diễn ra, từ phong trào thổ dân đòi chủ quyền ở Châu Mỹ Latin tới các nhóm Hồi Giáo chính thống cực đoan như al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo ở Trung Đông. Vào lúc này, đại đa số dân chúng thế giới đang đối đầu với chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ một cách ôn hòa, họ tìm kiếm chủ quyền và tiếng nói trong các quyết định chủ chốt có ảnh hưởng đến đời sống của họ theo cách bất bạo động. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục tiêu diệt mọi sự đối đầu ôn hòa với chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, chúng ta sẽ phổ cập những dạng chủ nghĩa cực đoan như đang trỗi dậy ở Trung Đông.

Vì lợi ích của thế giới, điều quan trọng là một cuộc cách mạng diễn ra để lật đổ hệ thống đế quốc Hoa Kỳ trước khi các thế lực bạo lực cực đoan châm ngòi cho hỗn loạn toàn cầu. Nếu đế quốc Hoa Kỳ không bị lật đổ bởi những người đang sống tại trung tâm của nó thì cũng sẽ bị lật đổ bởi những “đối tượng” của nó ở những khu vực hẻo lánh, những người đang phải gánh chịu thuế khóa – thông qua việc bóc lột lao động và tài nguyên giá rẻ của họ - mà không có ai đại diện. Trên hết, chúng ta không có gì để mất ngoài xiềng xích của mình.


Garry Leech is an independent journalist and author of numerous books including Capitalism: A Structural Genocide (Zed Books, 2012); Beyond Bogota: Diary of a Drug War Journalist in Colombia (Beacon Press, 2009); and Crude Interventions: The United States Oil and the New World Disorder (Zed Books, 2006). ). He is also a lecturer in the Department of Political Science at Cape Breton University in Canada.

*Chú thích của người dịch: Tác giả đã nhầm lẫn về vụ đảo chính lật đổ nhà độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam năm 1963. Ngô Đình Diệm chưa bao giờ chống lại Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông ta rất trung thành với Mỹ nhưng thất bại trong việc thực thi các chính sách của Mỹ và ngoan cố không chịu rời bỏ quyền lực khi đã hết giá trị lợi dụng. Do đó, Mỹ buộc phải cho tay chân lật đổ Ngô Đình Diệm.

4 comments:

  1. Cám ơn bài dịch của anh Nỡm. Anh có thể giới thiệu một số bài mô tả cuộc sống của người lao động vất vả ở các nước đế quốc không ạ? Em (em sn 87, chắc ít tuổi hơn :)) ) thấy nhiều người hay khen dân chủ Tây ở nhiều khía cạnh, nhưng để ý là nhiều người trong đó là du học về hoặc ở lại, tức vốn dĩ là trí thức, chưa phải làm lụng tay chân nhiều như công nhân hay nông dân. Những người này không thể nói được gì về đời sống nhân dân lao động của Tây. Nếu anh thấy bài nào thì thi thoảng giới thiệu hoặc là gửi luôn tại bình luận này :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn đã quan tâm, mình sẽ dịch một số bài hoặc viết về chủ đề đó.

      Delete
    2. Nếu bạn đọc được tiếng Anh thì có thể tham khảo tác giả Joe Bageant tại đây. Ông ấy có khá nhiều bài viết về tầng lớp lao động ở Mỹ.

      Delete
    3. vâng ạ, em cám ơn anh. Em đọc được nhưng mà chưa tốt lắm :D

      Delete