Saturday, October 11, 2014

Biểu tình ở Hong Kong năm 2014

Hong Kong, thiên đường của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Thành phố này đứng thứ ba thế giới trong số các thành phố có nhiều tỷ phú dollar nhất, 10 tỷ phú giàu nhất Hong Kong có tổng tài sản lên tới 130 tỷ USD. Phía sau những tòa nhà chọc trời, những khu thương mại sầm uất là 1/5 dân số sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực, rất nhiều người phải sống trong những cái cũi sắt. Người lao động Hong Kong phải làm việc trong những điều kiện cực kỳ bất công: 49 giờ/tuần, không bảo hiểm hưu trí, không đàm phán tập thể, không trợ cấp thất nghiệp, lương tối thiểu mới chỉ được áp dụng từ năm 2010 ở mức 3,6 USD/giờ.

Cuộc biểu tình năm 2014 không phải là cuộc biểu tình lớn nhất và duy nhất. Từ năm 2000 đến năm 2013, đã diễn ra ít nhất mười cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong (theo tờ Bloomberg Businessweek). Đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình năm vào năm 2003 với nửa triệu người tham gia để phản đối dự luật an ninh, khiến thống đốc Hong Kong là ông Đổng Kiến Hoa phải từ chức sau đó. Tiếp theo là cuộc biểu tình năm 2004 với hơn nửa triệu người tham gia đòi quyền bầu cử dân chủ và cải thiện mức sống. Vào năm ngoái, 500 công nhân cảng đã bãi công đòi tăng lương thành công, nhưng hầu như không có báo chí phương Tây nào đưa tin để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Hình ảnh cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2003 trên trang bìa tạp chí Time ấn bản châu Á là một phụ nữ mạnh mẽ, hấp dẫn, gợi cảm nổi bật trên nền đám đông với lá cờ của đặc khu.
Khi cuộc biểu tình năm 2014 diễn ra, báo chí phương Tây đã nhanh chóng áp đặt các định kiến đối với chính quyền Trung Quốc trong các bản tin. Thứ nhất, họ mô tả dường như là Bắc Kinh đã nuốt lời hứa cho người dân Hong Kong bầu cử tự do. Thứ hai, họ mô tả tình trạng dân chủ hiện nay ở Hong Kong tồi tệ hơn thời còn là thuộc địa của Anh. Về điểm thứ nhất rõ ràng là bóp méo sự thật. Quá trình bầu cử hiện nay được tổ chức tuân thủ theo Luật Cơ Bản của Hong Kong như tờ Diplomat đã đưa tin. Theo kế hoạch, Hong Kong phải lập ra một Ủy Ban Bầu Cử gồm 1200 người đại diện cho 4 nhóm doanh nghiệp, chuyên gia, lao động, và lập pháp, mỗi nhóm có đều có một số lượng bằng nhau là 300 người. Ủy Ban Bầu Cử sẽ tuyển chọn các ứng cử viên, sau đó tổ chức cho người dân bỏ phiếu trực tiếp bầu thống đốc. Vấn đề là nhiều phe phái chính trị hiện nay không đồng ý với việc lựa chọn ứng cử viên thông qua Ủy Ban Bầu Cử, nên họ biểu tình đòi áp dụng ứng cử trực tiếp. Cuộc biểu tình hiện nay không phải đòi quyền bầu cử tự do mà là ép buộc Hội Đồng Lập Pháp phải sửa đổi Luật Cơ Bản của Hong Kong về phương thức bầu cử. Không phải Bắc Kinh không giữ lời hứa mà các phe phái đối lập ở Hong Kong không muốn lời hứa đó được thực hiện. Về điểm thứ hai thì ngay cả ngoại trưởng một nước thân phương Tây như Singapore, ông Shanmugam cũng phải tỏ ra phẫn nộ với sự thiên lệch của báo chí phương Tây. Ông này phát biểu rằng: Sự thật là Hong Kong chưa bao giờ có hệ thống dân chủ dưới sự cai trị của Anh trong suốt 150 năm... và "đề xuất của Bắc Kinh hơn bất cứ thứ gì Hong Kong từng có dưới thời Anh quốc". Tranh luận về việc Bắc Kinh hạn chế dân chủ của Hong Kong sẽ không đi đến đâu vì chủ yếu dựa trên suy đoán, song động cơ của phe biểu tình đã rõ ràng, họ cảm thấy không thể thắng được cuộc bầu cử sắp tới nên đòi sửa đổi phương thức bầu cử.

Hình ảnh cuộc biểu tình năm 2014 trên trang bìa tạp chí Time ấn bản châu Á là một đứa trẻ ngơ ngác, yếu đuối, tách biệt đám đông, với điện thoại di động trên tay.
Điểm yếu của cuộc biểu tình năm 2014 có thành phần chủ yếu gồm học sinh, sinh viên và thanh niên là việc giai cấp lao động không tham gia. Chỉ có khoảng 200 công nhân của công ty phân phối Coca Cola ở Hong Kong tham gia biểu tình. Liên Đoàn Công Đoàn, công đoàn lớn nhất ở Hong Kong đại diện cho tầng lớp lao động, không muốn sửa đổi phương thức bầu cử mà chỉ muốn có nhiều đại diện của nhóm lao động hơn trong Ủy Ban Bầu Cử. Điều này giải thích tại sao quy mô cuộc biểu tình năm 2014 có số lượng người tham gia thấp hơn nhiều so với năm 2003 hay 2004. Các nhà lãnh đạo biểu tình đã sớm tìm cách rào đón khi tuyên bố rằng giá trị của một cuộc biểu tình không nằm ở số lượng người tham gia.

Trong trường hợp yêu cầu của phe biểu tình được chấp thuận thì phương thức bầu cử trong Luật Cơ Bản Hong Kong sẽ phải sửa đổi và phải được nhận được 2/3 số phiếu thuận của Hội Đồng Lập Pháp . Khi đó sẽ là một cuộc chiến khác. Trong Hội Đồng Lập Pháp thì phe đa số, được cho là thân Bắc Kinh, hiện có 43 ghế, còn phe đối lập có 27 ghế. Sẽ không phe nào có đủ 2/3 số phiếu để thông qua sửa đổi Luật Cơ Bản. Trên vũ đài chính trị thì điều này có nghĩa là thắng lợi của phe đối lập, với một số phiếu ít hơn nhưng họ có quyền lực hơn. Quyền lực thì sẽ đòi hỏi quyền lợi, những lợi ích nhất định sẽ phải san sẻ cho họ. Mặc dù có lợi rất lớn nhưng phe đối lập trong Hội Đồng Lập Pháp lại không bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với người biểu tình. Cuộc tấn công của một nhóm dân cư địa phương vào nhóm biểu tình đã cho thấy lý do. Phe đối lập muốn được lợi nhưng cũng không muốn mất phiếu bầu của tầng lớp buôn bán kinh doanh nhỏ, vốn chiếm số lượng đông đảo ở Hong Kong, trong cuộc bầu cử thống đốc tới đây. Cuộc biểu tình đã gây ra nhiều khó khăn cho các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, và họ không muốn điều đó kéo dài.

Cho dù kết quả cuộc biểu tình ở Hong Kong có kết quả ra sao đi chăng nữa thì những người thắng cuộc chắc chắn không phải là những người đang cầm ô đứng ngoài đường mà là các nghị sĩ trong phòng họp. 

3 comments:

  1. Lá cờ "em bé gái" cầm đó là cờ của Đặc khu HK, Nỡm à. Chưa phải lá cờ tổ quốc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bác đã nhắc, tôi đã sửa lại rồi. Ảnh biểu tình Hong Kong năm 2003 không phải là nhân vật có thật, chỉ là ảnh studio để minh họa. Người phụ nữ cầm cờ trong ảnh là người mẫu Zimon Chow của Hong Kong.

      Delete
    2. Thông tin mới của Nỡm hay đấy.

      Vậy rõ ràng "em bé trai" là chân thực hơn đúng không. Một bên hấp dẫn nhưng lại là sudio, một bên chân thực nhưng lại là ngơ ngác.

      Delete