Sunday, September 21, 2014

Dân chủ và chuyên chế

Dân chủ là chân lý vĩnh cửu của nhân loại, đó là câu người ta thường được nghe thấy từ những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ. Tất nhiên dân chủ ở đây được hiểu là làm chủ quyền lực nhà nước, tức là mọi quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, không có giai cấp phe phái gì hết.

Như vậy muốn hiểu được dân chủ là gì thì trước hết phải hiểu được bản chất của quyền lực nhà nước. Nhân dân là một khái niệm trừu tượng chung chung, từ không thể mọc ra các thiết chế như nhà nước được. Những người tự xưng là dân chủ thường lập luận rằng nhà nước sinh ra để bảo vệ lợi ích chung của nhân dân, nhưng trong tập hợp được gọi là nhân dân đó lại tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hợp với nhau. Lợi ích của chủ nô không thể dung hòa với lợi ích của nô lệ, lợi ích của lãnh chúa phong kiến không thể dung hòa với lợi ích của nông dân, lợi ích của nhà tư bản không thể không mâu thuẫn với lợi ích của người công nhân làm thuê. Mỗi bộ phận dân cư có lợi ích chung đó hợp thành một giai cấp, và giai cấp này đối lập với giai cấp kia về lợi ích. Chính các nhà triết học tư sản, từ trước Marx rất lâu đã chứng minh rằng mọi xung đột cũng như tiến bộ của xã hội là xoay quanh đấu tranh giai cấp. 

Khi lợi ích của các giai cấp không thể dung hợp với nhau thì tất yếu phải sinh ra một bộ máy đứng trên các giai cấp để thiết lập trật tự, để các giai cấp không xung đột tới mức tiêu diệt luôn cái xã hội ấy. Các nhà triết học tư sản luôn lập luận rằng xung đột giữa các giai cấp là có thể điều hòa được và nhà nước chính là thiết chế để điều hòa cái xung đột ấy, do vậy nó đứng trên mọi giai cấp cũng như cá nhân, nó chỉ phục vụ cho lợi ích chung cả xã hội. Song nếu xung đột giữa các giai cấp có thể điều hòa được thì lại không cần đến nhà nước, bởi vì khi đó chỉ cần các thỏa thuận đơn giản, các thiết chế dân sự và sự tự giác là đủ để xóa bỏ mọi xung đột về lợi ích. Bộ máy đàn áp như quân đội, cảnh sát, nhà tù, tòa án là hoàn toàn không cần thiết và bộ máy hành chính quan liêu ăn lương lại càng thừa. Điểm khác biệt mà Marx đã vạch ra giữa ông và các nhà triết học tư sản trước ông là xung đột giai cấp không thể điều hòa. Đấu tranh giữa các giai cấp tất yếu dẫn đến sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, nhà nước là công cụ để duy trì cái trật tự thống trị ấy, tức là quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay giai cấp thống trị.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân do vậy là một câu nói chỉ mang tính khẩu hiệu. Quyền lực nhà nước luôn thuộc về giai cấp thống trị, dân chủ có nghĩa là dân chủ đối với giai cấp thống trị còn giai cấp bị trị không bao giờ có cơ hội nắm được quyền lực ấy trừ khi họ lật đổ trật tự xã hội và thay thế nó bằng một cái khác. Giai cấp chủ nô có khi nào trao quyền lực nhà nước vào tay những người nô lệ? Các lãnh chúa phong kiến có khi nào đặt vương miện lên đầu người nông dân? Nhà tư bản có khi nào để cho người công nhân điều hành xã hội? Không bao giờ có chuyện đó cả. Nếu mâu thuẫn giai cấp thực sự có thể điều hòa thì giai cấp tư sản đã không đưa giai cấp quý tộc phong kiến lên giá treo cổ.

Theo thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn mà nội bộ giai cấp thống trị bị xáo trộn mạnh mẽ khiến họ bị suy yếu, hoặc khi giai cấp bị trị có được sức mạnh nhất định để phản kháng. Khi đó quyền lực nhà nước buộc phải tập trung lại trong tay một nhóm rất nhỏ để đảm bảo trật tự xã hội ấy, bằng bất cứ giá nào, cho dù có phải sử dụng đến các thủ đoạn bạo lực đẫm máu nhất. Đấy chính là các giai đoạn độc tài trong xã hội tư sản. Sức mạnh ấy không những đe dọa xã hội mà còn đe dọa chính những thành viên của giai cấp thống trị nữa, nhưng điều đó là cần thiết để tiếp tục duy trì sự thống trị. Chính vì vậy một mặt giai cấp tư sản tỏ ra thù ghét các chế độ độc tài, nhưng mặt khác lại không cảm thấy có vấn đề về lương tâm hay đạo đức gì khi áp dụng chúng vào lúc cần thiết. Trên hết cho dù là áp dụng chế độ chính trị dân chủ hay độc tài thì giai cấp tư sản luôn áp đặt một chế độ chuyên chế vĩnh viễn đối với giai cấp vô sản. Nếu như dân chủ là chân lý vĩnh viễn của nhân loại, thì cần phải hiểu nhân loại ở đây chỉ bao gồm giai cấp tư sản, cũng như dưới chế độ chiếm hữu nô lệ thì chỉ có chủ nô được coi là người mà thôi.

Các đại biểu của phong trào dân chủ ở Việt Nam phần lớn là xuất thân từ tầng lớp tinh hoa trong xã hội, nhiều người trong số họ vốn từng là những người có địa vị chính trị nhất định trong bộ máy nhà nước. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì dường như sau khi bị hất ra khỏi hệ thống chính trị đương thời, họ trở nên bất mãn và quay ra chống đối nhà nước. Song nếu nhìn sâu hơn vào sự biến đổi kinh tế trong bản thân các giai cấp thì bí mật ấy sẽ hiện ra một cách rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa vào năm 1992 của thế kỷ trước là một nền sản xuất hàng hóa nhỏ, các thị trường địa phương còn tương đối phân tán, liên hệ với nhau một cách lỏng lẻo. Trong tình hình đó giai cấp tư sản cũng phát triển hết sức phân tán theo các thị trường địa phương, chủ yếu là tư sản nhỏ, lợi nhuận kiếm được nhờ vào các đặc quyền đặc lợi mang tính địa phương hay cục bộ. Sau nhiều năm phát triển, tầng lớp tư sản lớn hình thành, tích lũy và tập trung tư bản với quy mô lớn đã giúp cho tầng lớp tư sản lớn hình thành, có được sức cạnh tranh mạnh mẽ đồng thời sự phân tán của các thị trường địa phương cũng đã bị phá vỡ. Tầng lớp tư bản nhỏ dần dần mất hết cơ sở về kinh tế, rơi vào tình trạng bi đát bấp bênh, bất cứ lúc nào cũng có thể bị phá sản và rơi xuống địa vị của giai cấp vô sản. Các đại biểu của phong trào dân chủ vốn đại diện cho lợi ích của tầng lớp tư bản nhỏ. Bề ngoài thì họ bị loại khỏi quyền lực nhà nước vì mang lý tưởng chính trị khác biệt, nhưng thực tế là do tầng lớp mà họ đại diện đã mất hết sức mạnh về mặt kinh tế nên những sách lược chính trị của họ nhằm phục vụ cho lợi ích của tầng lớp ấy không thể nào áp dụng được cho tình hình hiện tại nữa, tức là họ bị phá sản về mặt chính trị.

Sự phá sản về mặt chính trị của tầng lớp tư sản nhỏ tất yếu đẩy họ tới việc tìm cách liên minh với những người tiểu tư sản thành thị và nông dân. Chính vì vậy từ những năm 2007 trở lại đây người ta thấy những đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ đã tích cực liên kết với những người dân chủ cũ, vốn đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông dân. Những ông giáo sư, chuyên gia cố vấn xưa kia từng là người đàn áp phong trào dân chủ tích cực nhất thì nay lại cố gắng lôi kéo các nạn nhân của mình vào dòng người biểu tình chống Tàu và tiện thể kiến nghị dân chủ. Nhưng sự liên kết ấy hết sức lỏng lẻo, bởi vì điều kiện kinh tế của các giai cấp ấy hết sức khác nhau, nên một mặt họ cố sức liên kết với nhau những mặt khác lại luôn tìm cách triệt hạ lẫn nhau để giành quyền lực chính trị. Tất cả những tấn bi hài kịch, mà phần lớn là hài kịch của phong trào dân chủ sinh ra từ đó.

Khi cơ sở kinh tế của tầng lớp tư sản nhỏ đã bị phá vỡ thì tất yếu địa vị chính trị của họ cũng bị mất đi. Các đại biểu của tầng lớp tư sản nhỏ hiểu rất rõ điều này. Họ không có cách nào nắm được quyền lực nhà nước nữa, cho dù có may mắn nắm được thì họ cũng không có cách nào bảo vệ được nó, thế nên tất cả mưu toan của họ là dàn xếp và mua lấy sự bảo trợ chính trị của giai cấp thống trị hoặc thậm chí cả các thế lực ngoại quốc. Tất cả mục tiêu chính trị mà họ có chỉ là hy vọng về một tầng lớp đối lập hợp pháp. Không có gì lạ lùng khi họ luôn phê phán chính quyền nhưng lại sẵn sàng khúm núm kiến nghị đủ thứ, không có gì ngạc nhiên khi họ kêu gào bảo vệ chủ quyền đất nước hay lãnh thổ quốc gia bằng cách bán chính quyền cho đế quốc nước ngoài, không có gì khó hiểu khi họ viện đến cả những thế lực phản động nhất miễn là điều đó đem lại cho họ một chút ít ỏi tiếng nói chính trị.

Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ cho thấy sự phá sản của tầng lớp tư sản nhỏ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng tiết lộ cái chân lý vĩnh cửu của giai cấp tư sản rằng mọi thứ đều có thể mua bán được. Chân lý vĩnh cửu của nhân loại cuối cùng chỉ là một khẩu hiệu bịp bợm nhằm cố cứu vãn những gì không thể cứu vãn được.

3 comments:

  1. Em có một câu hỏi này khá băn khoăn từ lâu, và em muốn hỏi anh.

    Em muốn hỏi về bản chất của giáo dục? Nhà trường và hệ thống giáo dục có từ khi nào? Nó có gắn liền với sự hình thành giai cấp không ạ?

    Ngày nay có rất nhiều người làm nghề dạy học, nhưng em không có cảm giác là họ lập luận có lý về giáo dục.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lịch sử cho thấy giai cấp nào nắm nhà nước thì cũng nắm giáo dục. Về bản chất giáo dục luôn mang hai mặt. Một mặt là đào tạo kỹ năng cho con người để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế, cái này khiến cho giáo dục có vẻ khách quan và mang tính chất khai sáng. Mặt kia rèn luyện sự tuân thủ trật tự xã hội hiện tại, có chỗ thì công khai, nhưng cũng có chỗ thì bí mật. Ví dụ như thời chiếm hữu nô lệ thì nô lệ không được đi học, thời phong kiến thì chỉ có con nhà giàu có hoặc quý tộc mới được đi học, sau này thời tư bản thì đi học là phổ thông vì chế độ tư bản dựa vào lao động làm thuê, lao động không thể làm thuê nếu không có một trình độ học vấn căn bản. Aristotle hay Platon, các học giả nổi tiếng thời cổ đại rất vĩ đại về mặt tư tưởng nhưng họ cũng đều dạy học trò rằng chế độ chiếm hữu nô lệ là lý tưởng, không ai coi đó là chế độ xấu xa sẽ đến lúc phải chấm dứt cả.

      Một ví dụ nữa, nếu bạn biết tiếng Pháp thì có thể theo dõi phong trào PAECON của sinh viên và học giả kinh tế Pháp, nổ ra vào những năm 2000, hiện giờ vẫn còn rất mạnh, họ phản đối môn kinh tế học giáo điều và phi lý, đòi hỏi giảng dạy theo chủ nghĩa đa nguyên. Theo dõi phong trào này bạn sẽ biết được cách thức mà hệ thống giáo dục phương Tây nhồi sọ và xử lý những sinh viên nổi loạn chống lại hệ thống ra sao. Nói chung giáo dục phương Tây không cần có ban tuyên giáo hay bộ giáo dục bắt người ta phải dạy cái này hay cái kia, nhưng nó có cơ chế tự kiểm duyệt, nếu anh dạy hay học cái mà hệ thống không muốn thì anh sẽ mất việc, sẽ bị loại bỏ, sẽ biến mất không dấu vết, không ai quan tâm nữa.

      Người dạy học trước hết cũng là con người, họ mang trong mình tình cảm và tâm tư của một giai cấp nhất định, khi họ lập luận về giáo dục thì cũng tuân theo quan điểm của giai cấp ấy.

      Delete
    2. Em cám ơn anh rất nhiều. Em có manh mối tìm hiểu rồi ạ. Em sẽ tìm hiểu phong trào trên.

      Delete