Friday, July 18, 2014

Tiền lương và năng suất lao động

Từ hàng trăm năm nay, giai cấp tư sản đã vô vọng và từ bỏ mọi hy vọng chứng minh vốn đẻ ra lợi nhuận. Khoa kinh tế học từ lâu đã coi việc vốn tạo ra lợi nhuận là tội tổ tông mà giai cấp tư sản phải đau khổ gánh lấy, mặc dù cái tội tổ tông không bắt họ đổ mồ hôi kiếm miếng ăn hàng ngày, thậm chí còn đem lại cho họ một cái thiên đường trần thế sáng láng hơn cái thiên đường ở thế giới bên kia nhiều.

Để thể hiện sự công bằng với giai cấp cần lao hàng ngày phải đổ mồ hôi kiếm miếng ăn thì các đại biểu của giới chủ doanh nghiệp tuyên bố rằng tiền lương tương ứng với lao động mà giai cấp cần lao thực hiện. Song vấn đề là ở chỗ nếu người lao động nhận được đúng những gì mà họ đóng góp vào quá trình sản xuất thì lợi nhuận sẽ không tồn tại. Vì vậy các đại biểu của giới chủ doanh nghiệp đã lảng tránh câu trả lời bằng cách đưa ra lập luận là người lao động nhận được tiền lương tương ứng với năng suất lao động. 

Đó là một câu chuyện kiểu anh chàng Robinson trên hoang đảo. Hãy tưởng tượng một người công nhân ngồi bên máy may, mỗi ngày anh ta may được 100 bộ quần áo thì nhận được mức lương cụ thể nào đó, nếu anh ta may được 200 bộ quần áo thì lương sẽ gấp đôi, còn nếu may được 500 bộ thì chả mấy chốc anh ta sẽ giàu nứt đố đổ vách. Song ở thiên đường trần thế thì sự thực trái ngược hoàn toàn, tại nước tư bản phát triển nhất thế giới từ năm những năm 70 của thế kỷ trước đến nay năng suất lao động đã tăng lên gấp đôi nhưng tiền lương của công nhân vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí lương khởi điểm trung bình của công nhân ngành ô tô còn tụt xuống thấp hơn mức lương 5 USD/ngày (khi quy đổi theo đồng dollar hiện tại) mà hãng Ford trả cho công nhân vào năm 1914, phần lớn của cải được tạo ra rơi vào túi một nhóm nhỏ giai cấp tư sản. Có thể coi đó là vụ cướp bóc lớn nhất mọi thời đại, cướp bóc mà không cần đến vũ khí và đe dọa, một vụ cướp bóc mà tất cả những kẻ cướp táo bạo nhất trong lịch sử loài người cũng không thể tưởng tượng ra được.

Cái ví dụ quen thuộc về một kỹ sư xây dựng khi làm thuê cho doanh nghiệp nội địa chỉ nhận được mức lương bằng 1/5 so với khi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài thường được dùng để chứng minh cho lập luận tiền lương tương xứng với năng suất lao động thì thật ra chứng minh cho điều ngược lại, cũng một người lao động ấy với năng suất lao động cá nhân ấy nhưng mức lương nhận được lại khác xa nhau, tức là tiền lương không có liên quan gì đến năng suất lao động cá nhân cả. Năng suất lao động cá nhân một người lao động là bao nhiêu không quan trọng, bởi vì khi làm thuê cho một nhà tư bản nào đó thì anh ta gia nhập vào một hệ thống sản xuất, tại đó anh ta phải đạt được cái năng suất lao động trung bình tính trên đầu lao động của hệ thống đó. Trong một hệ thống sản xuất nhất định thì người lao động không làm việc một mình, anh ta là một mắt xích trong một dây chuyền, đầu vào của anh ta là sản phẩm của người lao động khác và sản phẩm đầu ra của anh ta lại là đầu vào của một người lao động khác. Nếu anh ta làm được ít hơn so với năng suất trung bình thì sẽ trở thành trở ngại đối với cả hệ thống và ngay lập tức bị sa thải. Nhưng nếu anh ta làm được nhiều hơn thì tình cảnh cũng không khá khẩm hơn, hoặc là bán thành phẩm sẽ bị chất đống lại, hoặc khiến cho dây chuyền sản xuất bị đình trệ, hoặc sau khi hoàn thành công việc của mình nhanh chóng thì anh ta sẽ bị sử dụng vào các công việc phi sản xuất mà không nhận được thêm đồng nào, hoặc nếu anh ta láu cá sử dụng thời gian tiết kiệm được cho bản thân mình thì sẽ bị coi là kẻ chây lười trốn việc và cũng sẽ bị sa thải. Người ta thường cho rằng năng suất lao động thấp là do người lao động lười biếng và dẫn chứng bằng tình trạng người lao động tụ tập tại quán xá trong giờ làm việc, nhưng việc đó chứng minh chính cái điều ngược lại, vì người lao động có năng suất lao động cá nhân cao hơn năng suất trung bình của hệ thống nên họ có thể hoàn thành công việc được giao với thời gian ít hơn và có thời gian rảnh rỗi để tụ tập. Điều bí ẩn nằm ở chỗ: Năng suất lao động trung bình tính trên đầu lao động của một hệ thống sản xuất phụ thuộc vào cái gì? 

Năng suất lao động trung bình tính trên đầu lao động của một hệ thống phụ thuộc vào mức độ phân công lao động trong hệ thống ấy. Tại nơi nào mà một người lao động phải tự làm hoàn chỉnh một sản phẩm hoặc phải làm nhiều phần của sản phẩm ấy thì năng suất trung bình bao giờ cũng thấp hơn ở những nơi mà mỗi người lao động chỉ làm một phần nhỏ của sản phẩm ấy. Ví dụ như ở xưởng may, nếu một người thợ may phải may hoàn chỉnh một chiếc áo thì số lượng áo mà người đó may được trong ngày sẽ ít hơn rất nhiều so với người lao động trong một xưởng may khác mà tại đó mỗi người chỉ may một phần của chiếc áo. Phân công lao động trong một hệ thống sản xuất không phụ thuộc vào ý chí của nhà tư bản sở hữu nó mà phụ thuộc vào lượng vốn mà nhà tư bản đó có thể đầu tư vào hệ thống sản xuất ấy, vì phân công lao động chi tiết hơn không chỉ đòi hỏi một số lượng công nhân nhất định mà còn đòi hỏi nhiều tiền hơn để mua sắm các máy móc tinh vi hơn, có tốc độ cao hơn và nhiều nguyên vật liệu hơn. Một người lao động may được gấp ba người lao động khác trong cùng thời gian thì cũng đòi hỏi số lượng nguyên vật liệu gấp ba lần và một số lượng nhất định các máy móc có tốc độ cao hơn hoặc các công cụ lao động tinh xảo hơn.

Thế nên khi người lao động phải làm việc cho một doanh nghiệp có năng suất lao động trung bình thấp và nhận lương thấp thì điều đó không liên quan đến năng suất lao động cá nhân của anh ta. Điều đó cho thấy lượng vốn mà nhà tư bản đầu tư vào sản xuất là không đủ lớn, do vậy chỉ có thể tổ chức phân công lao động đơn giản. Để duy trì một hệ thống kém hiệu quả đó thì nhà tư bản trút gánh nặng lên vai người lao động bằng cách hạ thấp tiền lương của họ xuống dưới giá trị sức lao động của họ, chỉ trong điều kiện đó nhà tư bản mới duy trì được mức lợi nhuận đủ để hệ thống tồn tại. Tiền lương thấp cuối cùng không phải là do người lao động có năng suất lao động kém mà chỉ là túi tiền của nhà tư bản quá bé. Cái tình trạng ấy phản ánh vào hành vi của người lao động ở chỗ, một mặt họ sẽ chỉ làm đúng mức năng suất cần thiết bởi vì làm có muốn làm hơn cũng không có đủ tư liệu sản xuất phù hợp, mặt khác do chỉ được trả công dưới sức lao động bỏ ra nên người lao động sẽ tìm các tiết kiệm sức lao động của mình để bù vào khoản thâm hụt. Nhà tư bản thì đứng ngồi không yên vì sức lao động mà họ đã bỏ tiền ra mua không hoạt động hết công suất, nó bị lãng phí đi mà không đem lại chút lợi nhuận nào, vì vậy hoặc là họ sẽ phung phí sức lao động đã mua được ấy vào những công việc phi sản xuất hoặc sẽ tìm cách hạ thấp tiền lương xuống. Cái mâu thuẫn ấy biểu hiện ra thành vòng luẩn quẩn quen thuộc: Năng suất lao động thấp dẫn đến tiền lương thấp, tiền lương thấp lại dẫn đến năng suất lao động thấp.

Khi người lao động làm thuê cho một nhà tư bản đầu tư lượng vốn lớn hơn thì họ nhận được tiền lương cao hơn, người ta lầm tưởng rằng điều đó là do năng suất lao động của họ đem lại, nhưng thực ra cái mức lương cao hơn đó chỉ là mức ngang bằng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra, cao hơn là khi so với việc họ đã bị tước đoạt một phần giá trị sức lao động khi làm thuê cho những nhà tư bản có túi tiền bé hơn. Nhưng ngay cả khi được trả đúng giá trị sức lao động thì tình cảnh của người lao động cũng không khá hơn là bao nhiêu, bởi vì mức lương họ nhận được chỉ đủ để tái sản xuất sức lao động hàng ngày nhưng cái sức lao động mà họ phải tiêu hao đi thì không chỉ có cái phần bù nguyên vật liệu và máy móc đã tiêu hao đi, bù lại tiền lương đã trả cho họ mà còn phải tạo ra lợi nhuận của nhà tư bản nữa. Lợi nhuận của nhà tư bản càng lớn thì cuộc đời của người lao động lại càng ngắn lại.

13 comments:

  1. Cám ơn bác. Rất cần những người am hiểu về CN Marx diễn giải theo từng chủ đề, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái,... và bám sát thực tiễn để phổ cập hóa Marxism cho cộng đồng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn, mình sẽ cố gắng viết nhiều hơn về chủ đề này.

      Delete
  2. Dạo này không thấy anh Nỡm viết thêm bài :D Trước em có đọc trong bài của Trương Tửu về quy luật kinh tế cơ bản của Stalin, nhưng Trương Tửu không phải là nhà kinh tế, mà là GS Văn học. Nếu có thể anh có thể bình luận về quy luật mà Stalin đưa ra không ạ?

    http://www.marxists.org/reference/archive/stalin/works/1951/economic-problems/ch08.htm

    Ví dụ nó có phải của Stalin không? Hay thực ra gốc gác đã có từ trước.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thời kỳ đầu của Liên Bang Soviet có hai phái kinh tế chính. Phái thứ nhất là của Nicolai Bukharin, phái này chủ trương bán hàng tiêu dùng giá thấp và mua nông sản của nông dân giá cao. Phái thứ hai là của Trotsky và Preobazhensky, phái này chủ trương bán hàng tiêu dùng giá cao và mua nông sản giá thấp, đánh thuế lợi nhuận cao đối với lợi nhuận nông nghiệp. Stalin ban đầu theo phái thứ nhất, nhưng sau đó lại chuyển sang phái thứ hai, mô hình kinh tế Soviet sau này chính là do Preobazhensky kiến tạo nên, mặc dù ông đó bị Stalin thanh trừng.

      Một điểm cần chú ý là tư tưởng kinh tế chỉ phản ánh các quan hệ kinh tế trong những hoàn cảnh xã hội nhất định. Mặc dù sau này người ta có thể đưa ra nhiều phê phán với Stalin, song trong hoàn cảnh Liên Bang Soviet khi ấy thì đó là con đường duy nhất. Cũng chính nhờ con đường đó mà Liên Bang Soviet đã đánh bại mọi kẻ thù trong cuộc chiến khủng khiếp nhất của lịch sử loài người, Liên Bang Soviet cũng chỉ cần có 10 năm để từ một nước tiền tư bản lạc hậu trở thành một nước công nghiệp phát triển. Thậm chí cho đến ngày nay nhiều kỳ tích của Liên Bang Soviet trong việc chăm sóc đời sống con người còn là giấc mơ với đại đa số dân chúng thế giới.

      Stalin thì mình chưa nghiên cứu nhiều, con đường vẫn còn dài ở trước mắt. Khoa kinh tế chính trị học của Việt Nam hiện nay theo hướng Stalin rõ rệt, nhất là nhận định về quy luật giá trị, coi quy luật giá trị có trước chủ nghĩa tư bản và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi chủ nghĩa tư bản chấm dứt.

      Còn về quy luật cơ bản của chủ nghĩa xã hội thì Stalin mới chỉ hình dung một cách hết sức trừu tượng thôi. Điều đó thích hợp với hoàn cảnh Liên Bang Soviet khi đó, họ chưa có một chế độ xã hội chủ nghĩa.

      Trương Tửu thì mình chưa bao giờ đọc nên không thể bình luận gì.

      Delete
    2. Hay quá, em cám ơn anh nhiều :D xem ra Stalin bị nói xấu hơi nhiều :| thông tin của anh rất thú vị ạ.

      Delete
  3. Em muốn hỏi một câu khác: thế tiền lương mà một viên chức nhà nước nhận được có ứng với năng suất lao động trung bình không ạ? Hay phải hiểu theo kiểu nào? Ví dụ: cùng là giáo viên, nhưng học hàm học vị khác nhau nhưng lương bổng khác nhau, nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo rằng viên chức lương cao làm được nhiều việc hơn viên chức lương thấp v.v. Hay tiền lương của một nhân viên nhà nước có liên quan cả các yếu tố chính trị? v.v.

    Tóm lại là có công thức hay quy tắc nào để định lương một viên chức nhà nước không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tiền lương công chức nhà nước hay bất cứ lao động làm thuê nào cũng dựa trên quy luật giá trị, tức là trả cho sức lao động, không liên quan đến năng suất lao động của họ. Xã hội sẽ hình thành các mức chi phí để sản xuất ra một sức lao động, tiền lương sẽ tương ứng với mức đó. Chi phí cho sức lao động gồm có chi phí nuôi sống người đó và gia đình, chi phí để đào tạo chuyên môn, và các chi phí khác tùy theo điều kiện sinh hoạt của mỗi xã hội. Việc người ta làm nhiều hay làm ít phụ thuộc vào trình độ tổ chức và quản lý, không liên quan đến tiền lương.

      Công chức ở nước nào cũng vậy thôi, tiền lương chỉ ở mức đủ sống, không giàu được.

      Hồi trước công xã Paris có một công thức: Tiền lương của mọi công chức nhà nước ngang bằng tiền lương trung bình của công nhân.

      Delete
    2. Em cám ơn anh rất nhiều. Như vậy khi công việc nhiều hay ít, thì cái mình nên nghĩ tới là công tác tổ chức và phân công công việc. Như vậy sáng sủa hơn chút với em rồi :D đúng là không có kiến thức kinh tế thì dễ hiểu sai nhiều thứ.

      Delete
  4. Như vậy mặc dù giá trị của sức lao động có được trả đúng thì sức lao động để sản xuất ra giá trị của hàng hóa sẽ không bao giờ được trả đúng và chính cái phần giá trị của sức lao động để sản xuất ra giá trị hàng hóa bị tước đoạt đi sẽ dùng để tạo lợi nhuận và trả cho hao phí của máy móc. Nếu như giá trị sức lao động là khoản dành cho sự tái sản xuất sức lao động hằng ngày thì phần lao động tạo ra giá trị của hàng hóa chính là lao động để công nhân duy trì một cuộc sống bình thường, như một vài lao động tri thức, quản lí. Vậy cái "giá trị của sức lao động tạo ra giá trị hàng hóa" có liên quan lớn tới giá cả hàng hóa tồn tại trên thị trường không anh ? Vì chính giá cả của hàng hóa đó cũng là một thứ ảnh hưởng tới đời sống của người lao động ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giá cả và giá trị của hàng hóa là hai khái niệm khác nhau. Giá trị sinh ra trong sản xuất và quy định cái giá cả sinh ra trong lưu thông. Song giá cả hàng hóa có sự độc lập tương đối với giá trị, nó có thể lớn hơn, bằng hoặc thấp hơn giá trị. Một số hàng hóa có thể có giá cả mà không có giá trị.

      Sức lao động có với tư cách là hàng hóa cũng có hai mặt là giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của sức lao động là để lao động, khi đó lao động tạo ra giá trị mới, nó không liên quan gì đến cái giá trị của bản thân sức lao động. Giá trị của sức lao động được tính bằng giá trị hàng hóa dùng để tạo ra sức lao động ấy.

      Câu hỏi của bạn cho thấy bạn không nắm rõ những khái niệm cơ bản và vì vậy luôn hỏi lại các câu hỏi đã được trả lời rõ.

      Delete
    2. Em rõ ràng hơn chút rồi ạ. Em cảm ơn anh nhiều. Còn quá nhiều thứ phải học ...

      Delete
  5. Em nhớ là trong cuốn của M.K.Hunt có nói là Samuelson từng thua trong cuộc tranh luận về giá trị với sraffa và chấp nhận những phê phán đó. Hình như hiện tại cũng chẳng có nhà kinh tế học chính thống nào chịu đi vào tranh luận về vấn đề giá trị hàng hóa và lợi nhuận nữa, em thấy họ giống như là mặc nhiên thừa nhận một cách không phê phán hay hoài nghi lý thuyết của mình, đọc sách kinh tế vi mô, vĩ mô mà toàn kiểu "obvious", "wide accept". Chắc là vì một đại biểu lớn cho kinh tế học tân cổ điển như Samuelson đã thất bại nên họ ngại không dám bảo vệ bằng cách tranh luận đàng hoàng, chỉ dám dùng những phương pháp phi khoa học để lí thuyết của họ không bị đánh đổ ? Bây giờ thì tranh luận về giá trị và nguồn gốc lợi nhuận chắc chỉ còn là cuộc đấu giữa phái sraffa với những người Marxist. Theo anh thì trong tương lai kinh tế-chính trị Marx có khả năng đứng lên trở thành một trong những trường phái mới đe dọa vị trí thống trị của kinh tế học tân cổ điển không ạ ? Em thấy phái TSSI dù hay nhưng vẫn còn ít người theo quá ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khả năng của kinh tế chính trị Marxist không phụ thuộc vào sự xuất sắc của các học giả Marxist hay sức mạnh học thuật mà phụ thuộc vào phong trào vô sản quốc tế.

      Delete