Sunday, July 20, 2014

Vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi ở Ukraina

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "The crash of Malaysian Airlines flight MH17 in Ukraine" của Alex Lantier. Vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraina có thể làm thay đổi cục diện cuộc nội chiến ở Ukraina. Cho đến nay, phương Tây vẫn không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nga can dự hay viện trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraina, nhưng ngay khi chiếc máy bay MH17 bị bắn rơi thì truyền thông phương Tây đã lập tức lên án Nga, và theo đúng kịch bản quen thuộc "Anh bị coi là có tội cho đến khi anh chứng minh được rằng mình vô tội".

Những lời bình luận của tổng thống Obama về thảm kịch rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở miền đông Ukraina làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. 

Obama tiếp tục củng cố chiến lũy tuyên truyền của quan chức và truyền thông Hoa Kỳ, lên án Nga và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina về việc bắn hạ chiếc máy bay cũng như yêu cầu những người ly khai đầu hàng chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Kiev. Mặc dù vậy, những lời bình luận của ông ta tự nó đã nhấn mạnh rằng chiến dịch tuyên truyền đó chẳng dựa trên một cơ sở thực tế nào và đang đẩy Washington tới sự đối đầu dữ dội với Nga. 

Obama nói: “Theo như những gì chúng ta biết. Bằng chứng cho thấy chiếc máy bay bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa đất đối không được phóng đi từ khu vực bị những người ly khai thân Nga kiểm soát trong phạm vi lãnh thổ Ukraina. Chúng ta cũng biết rằng đây không phải là lần đầu tiên một máy bay bị bắn rơi ở miền đông Ukraina. Trong những tuần vừa qua, những kẻ ly khai thân Nga đã bắn hạ một máy bay vận tải và một máy bay trực thăng của Ukraina, và họ đã nhận trách nhiệm về việc bắn hạ một chiến đấu cơ phản lực của Ukraina. Hơn nữa, chúng ta biết rằng những kẻ ly khai này đã nhận được sự hỗ trợ đều đặn từ Nga”. 

Nếu đọc lại những lời bình luận của Obama một cách cẩn thận, bạn sẽ thấy không có bất cứ điều gì ông ta nói chứng minh rằng lực lượng thân Nga bắn tên lửa vào máy bay MH17. Những người nổi dậy đã bắn rơi những máy bay quân sự của Ukraina khi chúng bay ở tầm thấp với tên lửa vác vai, nhưng điều đó không có nghĩa là họ dự định hay có khả năng phá hủy một máy bay dân dụng bay ở độ cao hơn 10.000 m – một hành động mà họ biết rằng sẽ mang tới cho Washington vũ khí tuyên truyền tối thượng. 

Khi Obama khẳng định rằng những người ly khai kiểm soát khu vực mà từ đó tên lửa được phóng đi thì ông ta cũng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, điều đó chả có nghĩa lý gì trong hoàn cảnh hỗn loạn ở miền đông Ukraina. Ở thành phố Donetsk, pháo đài của những người ly khai chống lại chính quyền Kiev, lực lượng trung thành với chính quyền Kiev vẫn kiểm soát sân bay, từ đó họ thường xuyên nã pháo vào thành phố. Thực tế là ngay trước khi chiếc máy bay MH17 được coi là bị bắn hạ bởi tên lửa BUK ở gần Donetsk, chính quyền Kiev đã tăng viện các khẩu đội pháo phòng không cho khu vực. 

Đáng chú ý là Obama cho thấy chính quyền của ông ta không biết ai và tại sao đã bắn hạ chiếc máy bay MH17. Ông ta nói, “Tôi nghĩ là còn quá sớm để chúng ta có thể phỏng đoán về mục đích của người phóng tên lửa đất đối không… Theo nghĩa là xác định được cá nhân hay nhóm cá nhân nào, các bạn biết đấy, cá nhân ra lệnh bắn tên lửa, điều đó diễn ra như thế nào – tôi cho rằng sẽ cần phải thu thập thêm thông tin”. 

Một lần nữa, đọc cẩn thận lại tuyên bố của Obama, có thể thấy ngoài những tuyên bố tình trạng và những lời rào đón, ông ta không nói gì về người bắn tên lửa. Bình luận của Obama trực tiếp mâu thuẫn với phát ngôn của đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power, người vừa tuyên bố rằng có “bằng chứng đáng tin cậy” cho thấy Nga phải chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay, thêm vào đó, “Nga có thể kết thúc cuộc chiến này. Nga phải kết thúc cuộc chiến này”. 

Obama tiếp tục đưa ra một dấu hỏi về toàn cảnh sự kiện máy bay MH17 bị rơi: “Tôi muốn lưu ý về sự nhiễu loạn thông tin. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đối với dân chúng là phân biệt được đâu là sự thật và đâu là suy đoán”. 

Bức tranh về hoàn cảnh được đưa ra trong phát biểu của Obama là đáng chú ý. Qua sự thừa nhận của ông ta, Hoa Kỳ và đồng minh của họ đang lao vào một cuộc đối đầu quân sự với Nga, ngay cả khi Nhà Trắng không biết ai phải chịu trách nhiệm về vụ chiếc máy bay MH17 rơi và các lực lượng chính trị đầy uy quyền được tin cậy đang cung cấp các thông tin sai lệch cho truyền thông. 

Ngay cả khi khẳng định rằng CIA đã không báo cáo ông ta trước khi theo dõi quan chức Đức, Obama dường như cố gắng phác thảo những gì mà chính quyền của ông ta sẽ làm – mọi thứ trong khi đổ tội cho Nga 

Có thể khẳng định rằng mọi sự giải thích có lý về vụ bắn tên lửa vào máy bay MH17 đều cho thấy câu hỏi nghiêm trọng nhất về nguy cơ một cuộc đụng độ trực tiếp giữa các quyền lực phương Tây và Nga. 

Trong khi đó thì truyền thông Hoa Kỳ lại làm thinh về khả năng lực lượng trung thành với Kiev có thể đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 với tên lửa BUK. Chiến dịch truyền thông của Hoa Kỳ đã cho thấy động cơ phía sau hành động đó: lên án Nga, thúc đẩy chiến dịch can thiệp vào Ukraina của NATO, và tìm cách tập hợp các đồng minh của châu Âu của Washington, những người đang lẩn tránh áp đặt trừng phạt đối với Nga. 

Khả năng lớn nhất là các lực lượng ủng hộ Kiev đã bắn hạ chiếc máy bay, có thể kể tới các lực lượng có quan hệ mật thiết với các hoạt động của CIA, lính đánh thuê của công ty Hoa Kỳ Blackwater, điệp viên tình báo châu Âu, và quân du kích phát xít đóng vai trò mũi nhọn trong lực lượng vũ trang Ukraina. Điều đó dẫn tới khả năng về việc đồng lõa trực tiếp của một bộ phận trong nhà nước Hoa Kỳ với vụ giết hại các hành khách và phi hành đoàn trên máy bay MH17. 

Đáng chú ý là truyền thông Nga đưa tin máy bay MH17 bay sớm hơn qua đường bay của máy bay chở tổng thống Nga Vladimir Putin trở về từ World Cup và hội nghị quốc tế tại Brazil, và cơ quan ở Moscow tin rằng tên lửa bắn hạ chiếc MH17 có thể là nhằm vào Putin. Không thể xác minh được bản tin đó có chính xác hay không. Mặc dù vậy, nếu cơ quan nhà nước Nga tin rằng tình báo Hoa Kỳ và châu Âu âm mưu ám sát người đứng đầu nhà nước Nga, thì sự dính líu thật không thể tin được. 

Mặt khác, nếu theo như chiến dịch tuyên truyền của Hoa Kỳ khẳng định, chiếc máy bay MH17 bị lực lượng liên minh với Nga hay được Nga viện trợ trực tiếp bắn hạ, thì thông điệp mà Nga muốn đưa ra là gì khi họ sẵn sàng giết hại gần 300 người. Điều đó có thể cho thấy Moscow muốn đưa cuộc khủng hoảng Ukraina đi xa hơn mức mà Washington có thể kiểm soát, và tình hình sẽ cực kỳ nguy hiểm. 

Truyền thông và chính khách Hoa Kỳ, trong khi cấp tốc lên án Nga, dường như hoàn toàn không quan tâm tới câu hỏi đó. Đây là thái độ vừa khinh suất vừa bộp chộp. Thảm họa MH17 đã tiết lộ cuộc khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa đế quốc phương Tây và nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới.

2 comments:

  1. Truyền thông của những nước là đồng minh của Mĩ cũng hình như đại bộ phận đều đưa tin một chiều, qui trách nhiệm nặng nề cho Nga.

    Đọc báo Nhật Bản, cũng thấy phần lớn tin về Obama nói thế này, ngoại trưởng Mĩ nói thế kia, và đều dồn đến trách nhiệm của Nga. Tuy nhiên, cũng có tờ nêu giả thiết ngược lại, về vai trò của chính quyền Ki-ép.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thật tiếc là tôi không biết tiếng Nhật để tham khảo :D

      Delete