Saturday, June 14, 2014

Washington thúc đẩy các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông

Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài báo "Washington drives escalating tensions in South China Sea" của Joseph Santolan, bài viết cung cấp một góc nhìn khác về vai trò của Hoa Kỳ trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Hoa Kỳ đang thúc ép cả Philippine và Việt Nam đối đầu với Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa như là một phần trong “chuyển trục sang châu Á”, nhằm chôn vùi Bắc Kinh và củng cố sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Vào thứ hai, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Vương Minh, đã trình tuyên cáo lập trường lên Tổng Thư Ký Ban Ki-moon, trong đó ông ta yêu cầu loan tin tới Đại Hội Đồng. Văn bản cáo buộc Việt Nam thường xuyên quấy rối một dàn khoan của Công Ty Dầu Đại Dương Quốc Gia Trung Quốc mà Bắc Kinh triển khai vào ngày 1 tháng 5 tại vùng biển cách 32 km về phía tây của quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa

Bắc Kinh khẳng định rằng các tàu của Việt Nam đã đâm tàu của Trung Quốc 1,416 lần, thêm vào đó Hà Nội đã sử dụng “người nhái” tiếp cận dàn khoan từ dưới nước và giăng lưới cũng như rải các vật cản để cản đường đi của tàu Trung Quốc.

Văn bản khẳng định rằng những hành động đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và pháp lý của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của các nhân viên Trung Quốc và dàn khoan HSSY 981, và xâm phạm trắng trợn các luật pháp quốc tế có liên quan”. Văn bản cũng kêu gọi đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết vấn đề.

Trong một đáp trả khiêu khích, Quốc Hội Việt Nam thông báo vào thứ ba rằng họ thông qua một ngân sách trị giá 762 triệu dollar để đóng thêm các tàu cảnh sát biển(*). Vào thứ tư, Hà Nội đã đệ trình tuyên cáo lập trường đáp lại Bắc Kinh lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Trung Quốc “rút tàu ra khỏi lãnh hải Việt Nam và chấm dứt mọi hoạt động quấy rầy an toàn và cũng như an ninh hàng hải, và tôn trọng an ninh cũng như hòa bình khu vực”.

Washington đang sử dụng căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh để thúc ép Việt Nam đưa đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa ra Tòa Hòa Giải Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) tại Hague, cùng với vụ kiện của chính quyền Philippine vào ngày 30 tháng 3.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố vào cuối tháng 5, trong một cuộc họp với thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin, một thành viên của Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế, rằng Hà Nội đã “chuẩn bị và sẵn sàng cho hoạt động pháp lý… Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm thích hợp nhất để thực hiện biện pháp này.” Ông cũng khẳng định rằng Việt Nam mong đợi “Hoa Kỳ có những đóng góp rõ ràng hơn, hiệu quả hơn vào hòa bình và ổn định khu vực.”

Suốt tuần qua, chính quyền Philippine của tổng thống Benigno Aquino khẳng định rằng Trung Quốc đã triển khai một số máy nạo vét và tàu kéo để nạo vét đáy biển cũng như phun cát và đá lên năm đảo san hô ở phía bắc quần đảo Trường Sa, mở rộng diên tích mặt đất lên 9 ha. Manila phỏng đoán rằng Bắc Kinh đang xây dựng một sân bay và có ý định sử dụng sân bay này để tuyên bố Khu Vực Xác Thực Phòng Không (ADIZ) trên biển Nam Trung Hoa.

Washington sử dụng những cáo buộc này để gia tăng sức ép lên Trung Quốc. Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về quan hệ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói vào ngày thứ ba, “Có nhiều bản tin báo chí về các hoạt động trên biển Nam Trung Hoa, như sự cải tạo đang diễn ra và… xây dựng trên quy mô lớn các vị trí tiền đồn vượt qua mức mà một cá nhân có lý trí có thể khẳng định là phù hợp với việc duy trì hiện trạng”.

Với giọng điệu đạo đức giả trắng trợn, Russel, người phát ngôn cho chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, tiếp tục, “sự ép buộc và đe dọa vũ lực như là cơ chế để thỏa mãn đòi hỏi lãnh thổ đơn giản là không thể chấp nhận.

Washington thường sử dụng ép buộc và đe dọa vũ lực để thỏa mãn các lợi ích của họ, và thậm chí dẫn đến chiến tranh, không chỉ trên biển Nam Trung Hoa mà còn tại hàng loạt các điểm nóng quanh địa cầu. Bình luận của Russel diễn ra chỉ trong vòng hai tuần sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Chuck Hagel phát biểu tại Singapore, phác thảo sự chuẩn bị quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh tại khu vực.

Yếu tố chủ chốt trong các cáo buộc chống lại việc “xây dựng đảo” của Bắc Kinh là lo ngại của Manila và Philippine cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới vụ kiện của Manila tại ITLOS.

Vào ngày 3 tháng 6, tòa hòa giải đưa ra Quy Tắc Thủ Tục số 2, yêu cầu Bắc Kinh cho tới ngày 15 tháng 12 phải nộp bị vong lục phản kháng trong vụ kiện của Manila. Bắc Kinh trả lời bằng một thông cáo ngoại giao, lặp lại sự từ chối tham gia vụ kiện.

Vụ kiện của Manila tại ITLOS được Washington lôi kéo và thuyết phục, nhằm mục đích vô hiệu hóa các đòi hỏi của Bắc Kinh trên biển Nam Trung Hoa.

Russel diễn giải các câu hỏi của vụ kiện ITLOS vào tháng 2, khẳng định rằng Hoa Kỳ cho rằng “mọi tranh chấp lãnh hải phải được xuất phát từ đặc điểm đất đai và mặt khác phải phù hợp với luật quốc tế về biển… các đòi hỏi ở biển Nam Trung Hoa mà không xuất phát từ đặc điểm đất đai về căn bản là sai lầm”.

Paul Reichler, cộng sự của hãng luật Hoa Kỳ Foley Hoag và chịu trách nhiệm tư vấn cho vụ kiện tại ITLOS của Philippine, phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở New York, cho rằng kiện Trung Quốc ở Hague sẽ biến Bắc Kinh thành “kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế”, và Bắc Kinh sẽ có “một cái giá đắt phải trả”.

Đòi hỏi lịch sử của Manila đối với các hòn đảo và lãnh thổ có vẻ như yếu hơn của Bắc Kinh. Điều đó cho thấy tại sao Manila không đưa ra kiện tranh chấp lãnh thổ, mà là tranh chấp biển theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), dựa trên các vùng biển tranh chấp chứ không phải các hòn đảo. Họ lập luận rằng tranh chấp phải được phán xét tiên quyết dựa trên sự gần gũi về bờ biển chứ không phải là các đòi hỏi có tính lịch sử.

Yếu tố cốt lõi trong đòi hỏi của Manila, theo đó trạng thái của các vùng đất trên biển Nam Trung Hoa là đá không phải là đảo, và là đối tượng của pháp lý về biển chứ không phải là lãnh thổ. Đòi hỏi này đối mặt với thực tế là Manila có một đơn vị hành chính chính thức trên đảo Pag-asa tại Trường Sa, tại đó có 300 thường dân, một trường tiểu học và 40 binh lính. Tuy nhiên, lập luận pháp lý đã củng cố cho sự phản đối của Manila đối với việc nạo vét và xây dựng của Bắc Kinh tại phần phía bắc quần đảo Trường Sa.

Russel ủng hộ ranh giới của Manila vào ngày 12 tháng 6, kêu gọi các bên tranh chấp đưa ra một “đảm bảo đơn giản như không chiếm đóng bất cứ dạng đất nào hiện chưa bị chiếm đóng trên biển Nam Trung Hoa”. Bắc Kinh rõ ràng là mục tiêu của tuyên bố này.

Các phán xét nhân đạo giả tạo giúp đế quốc Hoa Kỳ can thiệp vào Lybia, Syria hay Ukraina không dễ dàng để áp dụng trong tranh chấp lãnh hải, nơi không có ảnh hưởng trực tiếp đến dân chúng, và điều rõ ràng trên nguyên tắc là xung đột về lợi ích kinh tế của các quốc gia tham gia tranh chấp.

Washington đang tìm cách thúc đẩy vụ đối đầu với Trung Quốc dựa trên khái niệm “tự do giao thông hàng hải”, và làm vậy để vô hiệu hóa các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế. Washington thúc ép cả Philippines lẫn Việt Nam lôi kéo Trung Quốc vào trò chơi nguy hiểm bên bờ vực hải chiến trên biển Nam Trung Hoa, và sau đó đệ đơn kiện tại ITLOS dựa trên những tranh chấp đó.

Sự đột phá của chiến dịch này là tạo ra một cái cớ hợp pháp cho chiến tranh.

Washington cùng lúc cũng tiến hành các sự chuẩn bị quân sự cần thiết. Vào cuối tháng tư, Washington ký một thỏa thuận với Manila để đóng quân không giới hạn trên khắp lãnh thổ Philippines. Họ cũng đang có các đàm phán với Hà Nội để đậu các tàu chiến Hoa Kỳ tại vịnh Cam Ranh.

Chú thích của người dịch: (*) Tác giả bài báo nhầm lẫn về khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng mà Quốc Hội Việt Nam mới thông qua, ngân sách đó không chỉ dành cho việc đóng tàu cảnh sát biển mà còn được sử dụng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt và trang bị cho lực lượng kiểm ngư. Khoản hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân lên tới 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 ngân sách đã được phê duyệt.

No comments:

Post a Comment