Friday, June 27, 2014

Thế nào là phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế?

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng thì chuyện thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là mốt, người người nói chuyện thoát Trung, nhà nhà nói chuyện thoát Trung. Báo chí cũng nhân dịp đưa các chuyên gia đủ các loại ra vẽ đường cho xứ Việt Nam nhanh chóng độc lập về kinh tế. Rất nhiều giải pháp đông tây kim cổ, từ cao đơn hoàn tán đến mãi võ Sơn Đông hay bí quyết bán hàng đa cấp đều đã được trưng ra, song câu hỏi đầu tiên: "Phụ thuộc về kinh tế là gì?" thì dường như không có câu trả lời.

Sự phụ thuộc kinh tế  theo quan niệm phổ biến

Nhìn chung thì giới chuyên gia kinh tế đưa ra các nhận định về phụ thuộc như sau:

1. Việt Nam xuất khẩu phần lớn nông sản với giá rẻ sang Trung Quốc, tức là phụ thuộc Trung Quốc về thị trường nông sản.

2. Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa nguyên liệu và tiêu dùng với giá rẻ của Trung Quốc, tức là phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

3. Trung Quốc thắng phần lớn các dự án đấu thầu ở Việt Nam bằng cách bỏ giá thấp, các dự án này hay bị đội vốn, tức là Việt Nam phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc.

Quanh đi quẩn lại, bao nhiều bài báo, bao nhiêu nhận định, bao nhiêu đánh giá , bao nhiêu diễn văn hoành tráng đều có thể tóm tắt bằng ba nội dung đó. 

Đối với bất cứ người nào có chút ít hiểu biết thì ba nội dung đó hoàn toàn vô nghĩa. 

Nếu bán nông sản cho Trung Quốc mà là phụ thuộc vào Trung Quốc thì cả thế giới này phụ thuộc vào Trung Quốc, vì Trung Quốc đang là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới, không có hàng hóa nào mà họ không nhập với số lượng lớn từ nhiều nước khác nhau từ Việt Nam tới Mỹ hay Brazil. Không có quốc gia nào điên rồ tới mức từ chối bán hàng một thị trường lớn đến như vậy để được độc lập về kinh tế. Chuyện hàng nông sản Việt Nam bán sang Trung Quốc với giá rất rẻ là đúng, nhưng hàng nông sản Việt Nam xuất sang các nước khác như Philippine hay các nước châu Phi với giá cũng rẻ không kém. Sau nữa là vấn đề bán hàng hóa không phải là giá rẻ hay giá đắt mà là ở lợi nhuận, bán hàng giá rẻ mà có lợi nhuận thì vẫn nên làm còn bán hàng giá đắt mà mình không có lợi nhuận do phải đầu tư lớn hơn thì không phải là quyết định khôn ngoan. Nguyên nhân chính của việc phải bán nông sản giá rẻ khắp thế giới là do nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, phát triển tự phát manh mún, chưa hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn. 

Nếu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc mà là phụ thuộc vào Trung Quốc thì cả thế giới này phụ thuộc vào Trung Quốc vì khắp thế giới không nước nào không tiêu thụ hàng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Chẳng có quốc gia nào điên rồ đến mức độ tránh dùng hàng hóa của Trung Quốc, dùng hàng hóa đắt hơn và ít hơn để gánh chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, để được độc lập trong nghèo đói. Nước Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn nhất thế giới, nhập siêu từ Trung Quốc của họ cao gấp cả chục lần Việt Nam, có ai dám nói Mỹ phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế không? Các chuyên gia lại còn giở cái giọng hàng tôm hàng cá rằng hàng Trung Quốc chất lượng kém, độc hại, không nên dùng. Trong chuyện buôn bán người mua là người có quyền lựa chọn, hàng hóa của Trung Quốc cũng có loại tốt có loại xấu, tại sao không mua hàng tốt mà cứ đi mua hàng xấu rồi nói nó kém, nó độc hại? Thế nên chuyện ấy phải hỏi trách nhiệm của các nhà nhập khẩu hàng hóa, đổ lỗi cho Trung Quốc thì chỉ làm trò cười cho họ mà thôi.

Điều nực cười là mua hàng của Trung Quốc bị coi là phụ thuộc, đến bán hàng cho Trung Quốc cũng bị coi là phụ thuộc. Tức là buôn bán với Trung Quốc bị coi là lệ thuộc, còn buôn bán với nước khác thì không bị coi là lệ thuộc.

Trong đấu thầu thì nguyên tắc quan trọng nhất là giá cạnh tranh, ai đặt giá cạnh tranh hơn là thắng, ở bất cứ nước nào bất cứ lĩnh vực nào cũng đều thế cả. Trước Trung Quốc cả trăm năm, doanh nghiệp Nhật Bản cũng từng đưa nhân công bản địa đi nhận thầu các công trình với giá rất rẻ trên khắp thế giới, đâu đâu cũng coi họ là một món hời bất ngờ vì nhờ có họ mà chủ đầu tư tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Lúc đó không thấy có ai lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Nhật Bản. Các gói thầu của Việt Nam bị đội vốn lên cao là do năng lực quản lý của chủ đầu tư Việt Nam yếu kém. Không chỉ có các công trình do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu mà ngay cả các công trình do doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản hay doanh nghiệp trong nước nhận thầu cũng bị đội vốn khủng khiếp bởi hàng trăm, hàng ngàn các lý do phát sinh khác nhau. Mặt khác, thủ tục hành chính nhiêu khê, sự thiếu nhất quản trong quản lý nhà nước, sự quan liêu trì trệ của chủ đầu tư đã khiến nhiều nhà thầu nước ngoài dù trúng thầu cũng phải bỏ chạy, thậm chí ngay cả trong các công trình quan trọng bậc nhất. Không thiếu những nhà thầu uy tín trên thế giới không muốn nhận thầu các công trình ở Việt Nam vì mức độ rủi ro quá lớn. Việc Trung Quốc trúng thầu các dự án quan trọng ở Việt Nam không phải là bằng chứng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, mà ngược lại cho thấy Việt Nam đang chưa bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Tự do buôn bán làm ăn không thể bị coi là lệ thuộc kinh tế, nếu coi đó là lệ thuộc kinh tế thì tốt hơn hãy đóng cửa mà tự cấp tự túc, khỏi lo bị lệ thuộc ai. Lại càng không thể lập luận buôn bán với nước này là lệ thuộc còn buôn bán với nước kia thì không lệ thuộc. Đó là lập luận của đám trẻ con tiểu học, thích ai thì người đó tốt, ghét ai thì người đó xấu. 

Sự phụ thuộc kinh tế thật sự

Hiện nay, các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư nhiều vào Việt Nam và đòi hỏi những khoản ưu đãi khổng lồ về đất đai, thuế khóa và cơ chế, trong khi lợi ích mà họ đem lại thì lại rất không tương xứng. Để phục vụ cho dự án của các tập đoàn đa quốc gia này, hàng ngàn hàng vạn gia đình Việt Nam đã bị mất nhà cửa, mất sinh kế hàng ngày, và phải gánh chịu các ảnh hưởng tiêu cực về môi trường sống, sinh hoạt xã hội bị xáo trộn nghiêm trọng. Nhà nước phải gánh chịu một khoản chi phí an sinh xã hội ngày càng lớn hơn trong khi nguồn thu bị thâm hụt nặng nề dẫn đến chỗ có thể phá sản. Chính sách kinh tế của quốc gia đang dần dần rơi vào sự kiểm soát các tập đoàn nước ngoài, không phục vụ cho lợi ích của đa số dân chúng mà chỉ phục vụ cho nhu cầu kiếm lợi của họ. Đó là mới chính là sự lệ thuộc về kinh tế. Sự lệ thuộc này gần như vô hình, không thấy rõ trong đời sống hàng ngày nhưng so với một món hàng Trung Quốc kém chất lượng thì nguy hiểm hơn hàng triệu lần. Một món hàng độc hại có thể giết chết một người còn một chính sách kinh tế độc hại có thể giết chết cả một quốc gia.


2 comments:

  1. Đúng chuyên môn của Cu Nỡm rồi ! Mình xin bài này về bên blog mình nhé. Cảm ơn Nỡm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bác đã quan tâm, bài này chỉ viết ở mức bình dân để ai cũng nắm được bản chất vấn đề thôi, không đi sâu vào chuyên môn. Được bác lấy bài về đăng thì thật là vinh dự cho tôi lắm.

      Delete