Saturday, June 7, 2014

Người ta có thể hiểu sai Marx đến mức nào?

Trong bài viết phân tích về khủng hoảng kinh tế của của ông Vũ Quang Việt, một chuyên gia về thống kê, đăng trên tạp chí Thời Đại Mới số 27 tháng 3 năm 2013 có một đoạn ở trang 2 và 3 như sau: 

Karl Marx trong tư bản luận xuất bản trong thời kỳ 1867-1894 cho rằng khủng hoảng có nguyên nhân nội tại trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Thặng dư lao động là do bóc lột công nhân, đẩy tư bản đến việc dùng máy thay người, do đó không còn chỗ để bóc lột, lợi nhuận sẽ giảm và đưa đến khủng hoảng. Nguyên nhân Marx đưa ra rõ ràng là sai vì ngày nay dù tư bản vẫn dùng máy thay người nhưng lợi nhuận lại tăng vì lợi nhuận của tư bản phát triển phần lớn không đi từ bóc lột lao động mà đi từ sản phẩm tri thức (và sẵn sàng biến tri thức thành tư bản để cùng chia lợi nhuận) dù qua phát triển đẩy lao động tay chân vào thất nghiệp hoặc vào hoạt động dịch vụ không cần tri thức.

Xem phần chú thích thì được biết ông Vũ Quang Việt tham khảo cuốn Crisis Economics của Nouriel Roubin và Stephen Mihm trong nhận xét về các lý thuyết khủng hoảng, do không có cuốn sách đó trong tay nên tạm thời chưa biết đây là quan điểm của ông Việt hay được trích dẫn từ cuốn sách đã nêu.

Nhưng cần phải nói là đoạn được trích dẫn cho thấy người viết nó hoàn toàn hiểu sai hoàn toàn về kinh tế chính trị học của Marx.

Thứ nhất, lý thuyết của Marx trình bày về sự bóc lột giá trị thặng dư chứ không phải lao động thặng dư, cái được gọi là lao động thặng dư là mục tiêu bóc lột của thời phong kiến, khi đó nông dân phải làm việc không công một số ngày nhất định trong năm cho lãnh chúa.

Thứ hai, việc bóc lột giá trị thặng dư không thúc đẩy nhà tư bản (chứ không phải tư bản vì tư bản là quan hệ sản xuất, không phải là người) đến việc buộc phải sử dụng máy móc thay người. Như Marx đã lập luận trong chương 13 quyển 3 bộ "Tư Bản", việc nâng cao cấu tạo hữu cơ tức là sử dụng nhiều tư liệu sản xuất (không chỉ máy móc mà còn cả nguyên vật liệu) hơn so với lao động là xu hướng tất yếu thể hiện sự tiến bộ sức sản xuất xã hội, nhà tư bản buộc phải tuân theo xu hướng ấy. Một điều cần nhắc nữa là tác giả hiểu sai hoàn toàn về vấn đề giảm số lượng lao động một cách tuyệt đối. Theo Marx giá trị của máy móc nguyên vật liệu sẽ tăng lên so với tiền lương, còn số lượng lao động tuyệt đối có thể tăng lên, giảm xuống hoặc giữ nguyên. Ví dụ một nhà tư bản có một cái máy trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng để thuê nhân công thì khi nhà tư bản đầu tư tăng giá trị máy móc lên gấp đôi, số tiền thuê nhân công sẽ không tăng thêm tương ứng là 2 triệu đồng mà có thể chỉ là 1 triệu đồng thôi. Với 20 triệu tiền máy và 3 triệu tiền thuê nhân công thì số lượng nhân công nhà tư bản thuê còn tùy thuộc vào mức tiền lương cho mỗi nhân công nữa, nếu tiền công được giữ nguyên thì số lượng công nhân sẽ tăng gấp rưỡi nhưng nếu tiền công tăng gấp rưỡi thì số nhân công được thuê sẽ không tăng thêm. Lập luận là dùng máy móc thay thế nhân công thì sẽ đến lúc không còn nhân công để bóc lột nữa để phản bác Marx chỉ là sự hiểu sai Marx.

Thứ ba, Marx đã chứng minh rất rõ trong chương viết về xu hướng giảm sút của tỷ suất lợi nhuận bình quân ở quyển 3 bộ "Tư Bản" là khi sử dụng nhiều tư liệu sản xuất hơn so với lao động thì thứ bị giảm sút là tỷ suất lợi nhuận bình quân, trong khi khối lượng lợi nhuận vẫn tăng lên. Lập luận trong đoạn trích hoàn toàn không phải là của Marx.

Thứ tư, lý thuyết của Marx không có gì sai khi ngày nay máy móc được sử dụng thay cho người mà khối lượng lợi nhuận vẫn tăng, bởi vì chính Marx cũng đã lập luận như vậy. Tỷ suất lợi nhuận bình quân suy giảm mới là tai họa của chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng là do tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm sút chứ không phải là do khối lượng lợi nhuận giảm sút như tác giả gán cho Marx.

Thứ năm, tác giả đã đưa quan niệm lợi nhuận là không chỉ do lao động mà phần lớn do sản phẩm tri thức tạo ra. Nhưng cách nói này cũng sai nốt, vì các nhà kinh tế học tư sản từ hàng trăm năm nay đã cố gắng chứng minh rằng tri thức tạo ra lợi nhuận, hay lợi nhuận là sản phẩm của tri thức, nói sản phẩm tri thức tạo ra lợi nhuận thì thật vô nghĩa. Mặt khác, khi cả lao động và tri thức cùng tạo ra lợi nhuận mà tri thức có thể được biến thành tư bản để cùng thu lợi nhuận thì lao động cũng có thể biến thành tư bản để cùng chia sẻ lợi nhuận. Người công nhân sẽ tự thuê bản thân mình thay vì làm việc cho nhà tư bản.

Thứ sáu, Marx khẳng định lao động tạo ra giá trị, nhưng lao động đó không phải là lao động cụ thể như chân tay hay trí óc mà là lao động trừu tượng, tức là sự tiêu hao sinh lực của con người. Gán cho Marx cái quan niệm chỉ có lao động chân tay mới tạo ra giá trị để phủ nhận bằng quan niệm lao động trí óc mới tạo ra giá trị lớn hơn chính là xuyên tạc Marx.

Hiện nay phong trào nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist rất phát triển ở các nước phương Tây. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008 đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist như Fred Moseley, Andrew Kliman, Deepankar Basu, Micheal Thomas, Guglielmo Carchedi sử dụng lý thuyết của Marx để giải thích khủng hoảng kinh tế rất thành công, một trong những tác phẩm đáng chú ý là cuốn "The Failure of Capital Production" xuất bản năm 2009 của giáo sư người Mỹ Andrew Kliman. Nhưng có lẽ chưa có nhiều người Việt được tiếp cận với những thành tựu trên. Còn về phía phản bác lý thuyết khủng hoảng của Marx thì đã có hàng sa số các lập luận kể từ Ladislaus von Bortkiewiecz tới định lý của Nobuo Okishio đã được giới học giả phương Tây bàn thảo rộng rãi trong suốt nửa thế kỷ qua, phần lớn sự phản bác Marx về sau này đều dựa trên các lập luận đó, song có lẽ những người phản bác Marx ở Việt Nam cũng không hề biết tới.

18 comments:

  1. Dear bác,
    Xin phép được hỏi bác. Bác có ý kiến gì về quan điểm của ông Lữ Phương cho rằng tư tưởng của Marx là tư biện (ý là xa rời, 0 đúng với thực tế).

    Cụ thể là trong bài:
    "Vấn đề Lao động trong học thuyết Mác"
    http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_BaBai_II.htm

    Trong đó có những luận điểm chính sau:
    (Cảm ơn bác)

    . Cũng chính vì đã khởi điểm và chấm dứt lý luận về lao động một cách siêu việt như thế cho nên những tiên liệu trần tục mà Mác sử dụng như cái móc trung gian để nối kết chúng lại đã phải bộc lộ hết tính chất phi hiện thực của chúng – trong đó có hai điều quan trọng mà chúng ta đều biết: một là sự sụp đổ của giai cấp tư sản và hai là sự thắng lợi của giai cấp vô sản, cả hai Mác cho là “đều tất yếu như nhau” [42]. Đối với sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản thì đến nay mọi việc đã quá rõ ràng: xét như một khả năng không ai dám đoan chắc rằng chủ nghĩa tư bản không thể diệt vong, nhưng trái hẳn với những dự đoán của Mác, chủ nghĩa tư bản đã không diệt vong một cách nhanh chóng như Mác đã dự tính [43] và quan trọng hơn cả là đã không đi theo cái lô gích phải diệt vong như Mác đã vạch ra cho nó. Sự cạnh tranh trong nội bộ những nhà tư bản đã không đi theo hướng tối đa hoá của lợi nhuận để tự tạo ra “ nạn hồng thuỷ” cho mình: càng ngày người ta càng thấy cạnh tranh là cơ chế để duy trì động lực phát triển nhưng đã được khống chế và điều chỉnh về nhiều mặt (kinh tế lẫn phi kinh tế, do xã hội dân sự lẫn nhà nước) chứ không phải như sự hình dung của Mác là “cuộc chiến tranh của mọi người chống mọi người”. Chủ nghĩa tư bản không phải là cái máy vô tri vô giác mà những vận động của nó không đưa đến đâu ngoài việc tự dọn đường lao xuống vực thẳm: sự bóc lột tàn tệ của nó với công nhân chỉ xảy ra trong thời kỳ “tích luỹ ban đầu” man rợ. Nói chung, cái phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn còn chứa đầy những mâu thuẫn, bất trắc, những cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn không đi theo cái lô gích “lao động chết” phải hút máu của “lao động sống” để tự phình ra một cách vô độ, từ đó tạo ra những mâu thuẫn mù quáng có tác dụng tự diệt như Mác đã suy luận. “Sức sản xuất” trong kinh tế – quan trọng nhất là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật – mà theo cái mạch lôgích của mình, Mác muốn đưa vào lĩnh vực “những quy định chung về sản xuất” để dành cho xã hội tương lai thì trong thực tế vẫn nằm trong tay của chế độ tư bản, có khả năng giúp nó tìm thêm nhiều thứ “siêu lợi nhuận” và vượt qua khủng hoảng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở đây Lữ Phương đã mắc một sai lầm nghiêm trọng :
      "càng ngày người ta càng thấy cạnh tranh là cơ chế để duy trì động lực phát triển nhưng đã được khống chế và điều chỉnh về nhiều mặt (kinh tế lẫn phi kinh tế, do xã hội dân sự lẫn nhà nước)"
      Điều Marx và những nhà Marxit sau này nhắc đến là chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nếu bản thân chủ nghĩa tư bản tự do đề cao tính cạnh tranh giữa các nhà tư bản làm cơ chế để phát triển thì tự thân nó sẽ không thể sụp đổ nhanh chóng, nhưng thực tế là Marx đã dự đoán và những nhà Marxit thế kỉ XX đã chứng thực là chủ nghĩa tư bản độc quyền đã hình thành và chính nó tiêu diệt cạnh tranh và dẫn đến sụp đổ bất cứ lúc nào .
      Biểu hiện rõ ràng nhất chính là cuộc khủng hoảng thừa 29-33 .
      Sau này chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ra đời sao chép có chọn lọc những quan điểm của những nhà Marxit về quản lý kinh tế với sự gia tăng quyền lực của nhà nước vào trong sản xuất tư bản, nó có khắc phục được các điểm yếu ? Thực tế sự sụp đổ có hệ thống của kinh tế Nhật Bản và sụp đổ bất cứ lúc nào của Chaebel Hàn Quốc hay sự leo thang chiến tranh của với những nhà thầu quốc phòng để giúp Mỹ thoát khỏi khủng hoảng 2008 đã là biểu hiện rõ nhất .

      Delete
  2. Và một đoạn nữa:

    Còn cuộc cách mạng vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản thì cũng chưa bao giờ nổ ra cả. Trong thực tế, giai cấp vô sản, hiểu theo nghĩa mácxít, không phải là giai cấp công nhân trong quy trình sản xuất thực tế ở các nước hiện đại: đó chỉ là một khái niệm mà Mác đã tạo ra bằng triết học vì thế nó cũng chỉ là một khái niệm triết học và chỉ có ý nghĩa trong hệ thống triết học của Mác [44]. Để tự nó giai cấp công nhân chỉ đấu tranh để cải thiện đời sống trong khuôn khổ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác biết quá rõ điều này, và gọi tình trạng ấy là “giai cấp tự nó”. Nhưng để biến giai cấp công nhân hiện thực ấy thành giai cấp vô sản mácxít – gọi được là “giai cấp cho nó” – Mác đã đặt nó vào một tình huống hoàn toàn giả định: nó phải bị chủ nghĩa tư bản đẩy đến chỗ mất toàn bộ nhân tính, như đã được mô tả trong Tư bản. Nhưng điều đó chưa đủ: muốn trở thành giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp vô sản cách mạng thì nó phải bước thêm một bước cực kỳ quan trọng là phải ý thức được nhiệm vụ giải phóng bản thân cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ giải phóng loài người, để sau khi hoàn thành cuộc cách mạng lật đổ chế độ tư bản thì tiến hành ngay sự “tự tiêu diệt mình bằng cách vượt qua mình” [45], nhờ đó hình thành một xã hội không giai cấp. Nhưng làm sao một giai cấp hoàn toàn mất nhân tính, nghĩa là nghèo đói, vô học, sa đoạ cùng cực như vậy mà lại bỗng nhiên tự mình nẩy sinh ra cái ngược lại hoàn toàn với nguồn gốc của mình, là văn hoá, học vấn, lòng vị tha v.v... và v.v.... để trở thành một chủ thể mới của lịch sử thì đó vẫn là điều bí mật mà Mác chưa bao giờ nói rõ với chúng ta. Là lòng tốt bản nhiên của những người nghèo? Hay là cái trí tuệ từ bên ngoài mang vào như Lênin về sau đã giải thích? Về điểm này Mác có nói sơ qua trong Tuyên của Đảng cộng sản, nhưng đó chỉ là cái phần “tri thức” mang tính cục bộ mà những nhà trí thức tư sản đã mang theo khi “chạy sang” hàng ngũ vô sản [46] chứ hoàn toàn không phải là cái “ý thức cộng sản chủ nghĩa” vốn là một thứ sứ mệnh lịch muôn ngàn lần cao siêu. Chẳng lẽ cuối cùng còn lại chỉ là kiểu lập luận sau đây:

    Hoa càng khoe nở hoa thêm rữa,

    Nước chứa cho đầy nước ắt vơi (Nguyễn Bỉnh Khiêm)?

    Nghĩa là danh vọng tột cùng thì sẽ phải suy sụp, nghèo khổ đến cùng cực thì tất sẽ giàu sang, ngu dốt cùng cực sẽ sinh ra trí tuệ, mất nhân tính cùng cực sẽ sinh ra nhân tính? Nhưng quả là như vậy đấy: đọc những gì Mác đã viết về cái “ý thức cộng sản chủ nghĩa” của giai cấp vô sản trong Gia đình thần thánh [47] chúng ta không thể tìm ra được kết luận nào khác hơn!

    ReplyDelete
  3. Có vẻ chữ "nhân tính" ở đây, ông Lữ Phương hiểu sai ý Marx. Tuy có quan tâm về tư tưởng, tác phẩm của Marx, nhưng em không có trình độ & thời gian để đọc nhiều. Nên khá bối rối. Nhờ bác chỉ giáo.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đại thể nói ngắn gọn thế này:
      1. Giai cấp là khái niệm kinh tế chính trị, dựa trên mối quan hệ của nhóm người với tư liệu sản xuất. Do vậy, giai cấp là một phạm trù hiện thực, không phải là thứ bịa ra được.
      2. Toàn bộ lập luận về ý thức giai cấp của ông Lữ Phương là vay mượn của trường phái Franfurt, cho rằng giai cấp vô sản là sản phẩm của PTSX TBCN nên không có ý thức độc lập, không thể xóa bỏ CNTB. Luận điểm ấy phủ nhận phép biện chứng, cho rằng xã hội không thể thoát khỏi xã hội cũ nhờ ý thức của chính nó. Ví dụ đơn giản, người German lạc hậu và mông muội hơn La Mã rất nhiều, khi họ chiếm được La Mã thì bị La Mã đồng hóa, nhưng cũng chính họ tạo ra PTSX mới chứ không phải người La Mã. Người La Mã đã chết trên nền văn minh của chính họ. Bây giờ bạn hãy xem người La Mã ở đâu so với người German. Ý thức không thể phát triển thì nó cũng không thể suy tàn. Nói chúng quan điểm đó là siêu hình.
      3. Chủ nghĩa tư bản sụp đổ vì nó không hiệu quả nữa. Sự kém hiệu quả của nó sinh ra các tệ nạn xã hội. Các nước tư bản có thể chống lại quá trình sụp đổ bằng cách hạn chế tệ nạn xã hội nhưng sự kém hiệu quả của bản thân PTSX thì họ không có cách nào thay đổi.
      4. Thực tiễn ở tất cả các nước tư bản phát triển cho thấy những nhượng bộ, tiến bộ của họ đều là do sự đấu tranh của giai cấp công nhân, chính giai cấp công nhân đã buộc giai cấp thống trị phải nhượng bộ. Thật buồn cười khi ông LP quy nó thành ý đồ nhân từ của giai cấp tư sản. Ví dụ, ngày làm 8 tiếng là do công nhân đấu tranh giành được.

      Delete
  4. Em thấy trong giáo trình triết học Marx-Lenin của trường đại học lại viết rằng sự sản xuất ra giá trị thặng dư lại dựa trên lao động thặng dư ... Không biết lao động thặng dư ở thời phong kiến với lao động thặng dư ở thời TBCN thì khác nhau thế nào ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong các phương thức sản xuất tiền tư bản thì người lao động chưa bị tách ra khỏi tư liệu sản xuất, họ hoàn toàn kiểm soát quá trình sản xuất, do vậy cách duy nhất để chiếm đoạt giá trị thặng dư là buộc họ lao động không công cho tầng lớp thống trị. Sản phẩm họ tạo ra trong thời gian đó thuộc về tầng lớp thống trị và tách biệt với sản phẩm mà họ tạo ra để nuôi sống mình. Lao động thặng dư được vật chất hóa thành sản phẩm, sản phẩm ấy cũng là nấc thang cuối cùng của quá trình bóc lột giá trị thặng dư. Ví dụ như nông nô ở Đức thời phong kiến bị buộc phải làm không công cho lãnh chúa mỗi năm 55 ngày.

      Trong chế độ tư bản thì người lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất, quan hệ giữa người lao động và nhà tư bản là mua bán, do vậy không phát sinh giá trị thặng dư. Vấn đề là ở chỗ tư liệu sản xuất thuộc về nhà tư bản, nhà tư bản kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và sản phẩm tạo ra nên sự phân chia giữa lao động thiết yếu (để nuôi sống người lao động) và lao động thặng dư không còn tách biệt như trước mà trộn lẫn với nhau. Điểm khác biệt thứ hai là lao động thặng dư mà người lao động vật chất hóa chưa phải là nấc thang cuối cùng, nó cần phải được đem bán và chuyển thành tiền.

      Delete
    2. Em cảm ơn anh nhiều ạ. Mọi thứ đã rõ hơn rồi. Em còn một vấn đề nữa muốn hỏi, đó là giai cấp tư sản sinh ra trong lòng phương thức sản xuất phong kiến như thế nào ạ ? Và việc giai cấp này trước đây tiếp cận với tri thức có khó khăn hơn nhiều so với giai cấp quý tộc không ạ ? Em nghĩ rằng nó vốn là một bộ phận người lao động trong phường hội sở hữu tlsx, sau ki nó tích lũy nhiều lên thì bắt đầu tách ra khỏi phường hội và tổ chức phương thức sản xuất mới, nó không được tiếp cận giáo dục như quý tộc nhưng nhờ quan sát sự vận động của thế giới khách quan mà mạnh lên và trở thành thế lực mới. Cơ mà mấy cái đấy chỉ là suy đoán của em, em chẳng biết Marx nói về vấn đề này thế nào vì em không được tiếp cận với tài liệu về chủ nghĩa Marx. Trước đây ngay cả trong khoa triết thì các thầy nói về phần này cũng khá sơ sài và mang tính đại ý, thậm chí cái phần lao động thặng dư ở trên còn gộp chung lại thành một nên em rất mù mờ ... Mong anh giúp đỡ ạ.

      Delete
    3. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành từ quan hệ sản xuất hàng hóa đã có sẵn trong các phương thức sản xuất tiền tư bản, mấu chốt để phân biệt là thị trường lao động, tức là quá trình tách người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất và tập trung tư liệu đó vào tay một nhóm nhỏ. Quá trình này được Marx mô tả trong phần "Tích lũy nguyên thủy" của bộ Tư Bản.

      Tuy nhiên sự hình thành giai cấp tư sản lại không đồng nhất với việc tư sản hóa thị dân phường hội trung cổ. Trên thế giới có rất nhiều mô hình thành giai cấp tư sản khác nhau, tùy thuộc vào kết cấu xã hội, sức mạnh giai cấp và hoàn cảnh lịch sử của mỗi quốc gia. Ví dụ như ở Anh là sự tư sản hóa tầng lớp đại địa chủ, ở Pháp là sự tư sản hóa tầng lớp viên chức, còn ở Italy chính là mô hình mà bạn đã nhắc tới (sự tư sản hóa thị dân phường hội), có một số tác giả cho rằng giai cấp tư sản Nhật Bản được hình thành từ sự tư sản hóa một bộ phận của tầng lớp Samurai. Do đó, vấn đề tri thức cũng đi theo mô hình phát triển của giai cấp tư sản, ví dụ ở Anh thì giai cấp tư sản hình thành từ các đại địa chủ có đặc quyền về tri thức và giáo dục, họ không gặp vấn đề gì lớn trong việc kiểm soát tri thức và giáo dục, ngược lại ở Pháp và Italy thì giai cấp tư sản buộc phải dùng đến bộ máy nhà nước để thiết lập chế độ giáo dục mới.

      Về những con đường hình thành của giai cấp tư sản, bạn có thể tham khảo Ellen Meiksins Wood.

      Bạn đang trượt theo con đường của tri thức khách quan, vấn đề này có thể tham khảo Guigliemo Carchedi. Yếu tố khiến giai cấp tư sản trở thành thống trị là quan hệ sản xuất tư bản đã trở thành thống trị chứ không phải do họ nắm bắt được những tri thức mới. Quan hệ sản xuất tư bản đến lượt nó lại tạo ra các tri thức và khuôn khổ cho một thế giới quan mới, đòi hỏi phải được áp đặt lên cho toàn bộ xã hội, giai cấp tư sản chỉ thực hiện cái chức năng mà lịch sử đã đặt ra cho họ.

      Delete
    4. Em hiểu rõ hơn rồi ạ, em cảm ơn anh nhiều. Em thấy nếu tiếp cận theo cách dạy của trường đại học, là đi từ định nghĩa thì lại bị vướng vào phương pháp luận kiểu logic hình thức, thiếu đi hiểu biết về quan hệ xã hội. Không kể tới việc va chạm với xã hội thực tế thì Không biết là phải nên tiếp xúc như thế nào với những tài liệu của Marx ạ ? Như em muốn tìm hiểu sâu thêm về kinh tế chính trị của Marx, đặc biệt là các vấn đề về khủng hoảng, năng suất lao động hay quá trình phát triển của các quan hệ sản xuất thì nên tiếp xúc với các tác phẩm sớm nhất của Marx hay là đọc vào "tư bản" luôn ạ ?

      Delete
    5. Muốn học Marx thì chỉ có cách duy nhất là đọc Marx, mọi tài liệu khác chỉ để tham khảo. Trước khi đọc "Tư Bản" thì có thể đọc các tác phẩm trước đó của Marx để hiểu được quá trình phát triển lý thuyết của Marx. Quá trình này rất giống với quá trình tự học^^

      Bạn cũng không nên trách cách dạy của trường đại học làm gì, đó là cách dạy phổ thông nhằm "xóa mù" kinh tế chính trị cho người học bình thường, không phục vụ cho mục đích nghiên cứu sâu hơn, do vậy nếu muốn nghiên cứu sâu hơn thì bạn phải tự mình tìm cách học thôi.

      Delete
    6. Em cảm ơn anh nhiều ạ :D.

      Delete
    7. Theo kinh nghiệm của mình thì có thể bạn đang tham gia vào một cuộc tranh luận về học thuyết giá trị thặng dư. Tất cả những lập luận xuyên tạc về giá trị thặng dư đều được Marx trình bày tỉ mỉ trong quyển 4 của bộ Tư Bản.

      Phần phê phán kinh tế chính trị phương Tây và kinh tế học hiện đại về giá trị thặng dư thì bạn có thể đọc bài của Alan Freeman mà tôi đã dịch và đăng trên blog này. Bạn sẽ phân biệt được phương pháp luận Marxist khác phương pháp luận kinh tế học ở chỗ nào và từ đó hiểu được những xuyên tạc của kinh tế học về giá trị thặng dư.

      Việc thắng trong các cuộc tranh luận không ích gì nếu điều đó không mang lại cho bạn một nền tảng lý luận vững chắc.

      Delete
    8. Dạ em cảm ơn anh. Em đúng là có tranh luận về giá trị thặng dư, người lập luận thì cho rằng "giá trị thặng dư" là phần "lợi nhuận" sau "lưu thông", đó chính xác là lập luận của kinh tế học tân cổ điển, và họ còn cho rằng không tồn tại lao động thặng dư trong thời kì quan hệ sản xuất tư bản đang thống trị. Thế nên em muốn tìm hiểu thêm về "lao động thặng dư" trong quan hệ sản xuất tiền tư bản để đưa ra cái nhìn mang tính lịch sử về "lao động thặng dư" và giá trị thặng dư để tranh luận ạ.

      Bạn bè em đa số đều lập luận theo hướng kinh tế học tân tự do, nên thường hay đánh vào phần giá trị và lưu thông. Mà những lập luận kiểu đấy thậm chí còn phủ định luôn cả quy luật giá trị, và đặc điểm chung là không giải thích được giai đoạn sản xuất. Có vẻ như đây là hậu quả của việc kinh tế học đã tự thu mình lại, không còn tìm hiểu về sản xuất một cách rõ ràng để bảo vệ cho cái bảo thủ của họ phải không anh nhỉ ? :D

      Delete
    9. Bạn nên đọc bài của Alan Freeman mà tôi đã dịch để hiểu rõ hơn vấn đề đó. Kinh tế học đã từ bỏ "giá trị" nên mọi nghiên cứu của họ đều mập mờ và loay hoay quanh việc thay thế giả định này bằng giả định khác.

      Ở Phương Tây có một phái gọi là Analytical Marxism, chủ yếu là ở Pháp, định dùng các phương pháp của kinh tế học như cung-cầu để nghiên cứu kinh tế chính trị Marxism, kết quả là thất bại thảm hại. Alan Freeman đã viết một bài rât hay để thanh toán mọi tàn dư của phái đó, đánh dấu chấm hết cho một nỗ lực tuyệt vọng của Western Marxism và mở ra con đường quay lại với học thuyết giá trị của Marx.

      Kinh tế học tân tự do không hề bảo thủ hay ngu dốt gì đâu, ngược lại nó tiến rất xa so với cách phái trước đó vì nó sinh ra trong xã hội tư bản tài chính phát triển cao, khi mà nền kinh tế tư bản được điều tiết bằng thị trường vốn. Mặc dù các lập luận của tân tự do là tầm thường và ngụy biện nhưng bạn không bao giờ có thể thanh toán được nó nếu như không chỉ ra nguồn gốc xã hội của nó. Việc tranh luận chỉ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề nhưng tìm câu trả lời cho vấn đề lại không nằm ở trong sự tranh luận, cái đó đòi hỏi bạn phải nghiên cứu nghiêm túc và có vốn kiến thức xã hội nhất định đã được tôi luyện qua thực tiễn.

      Delete
  5. Em có một thắc mắc nhỏ nhỏ thế này: Trong tư bản thì Marx đã chỉ ra giai cấp lao động sản xuất bị bóc lột ở chỗ anh ta phải làm việc không công cho nhà tư bản trong một khoảng thời gian, nhưng điều đó chỉ có thể biểu hiện ra ngoài ở chỗ là ông chủ đem sản phẩm sản xuất đi bán, vậy nếu một người lao động không lao động sản xuất (ví dụ như quản lí sổ sách, dạy học, lao công, ...) thì sự bóc lột biểu hiện như thế nào ạ ? Theo cách thông thường thì sẽ nhìn vào đời sống khắc khổ của những lao động này, nhưng theo em thì việc chỉ rõ ra cách giai cấp tư sản bóc lột những lao động trên sẽ thuyết phục hơn :D.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Về vấn đề này thì Bảo cần nhớ điểm khác biệt mấu chốt là phân tích của Marx mang tính giai cấp, có nghĩa là toàn bộ giai cấp tư sản bóc lột toàn bộ giai cấp công nhân, chứ không phải là phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa theo kiểu chẻ nhỏ ra xem ông tư bản này bóc lột ông công nhân còn ông tư bản kia không bóc lột.Giá trị thặng dư chỉ do lao động của công nhân làm thuê tạo ra và được chuyển hóa thành các hình thái cụ thể như lợi nhuận, lãi suất, địa tô...những cái đó có thể không gắn trực tiếp với lao động làm thuê. Do đó, nó che giấu nguồn gốc của giá trị thặng dư. Ngược lại,quá trình lao động không chỉ gồm trực tiếp mà còn có cả lao động gián tiếp nữa,lao động gián tiếp không trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư nhưng nó là điều kiện cần thiết cho lao động trực tiếp vì vậy ngay cả lao động gián tiếp cũng sẽ bị bóc lột để làm giảm quy mô tư bản khả biến ứng trước, điều này không giúp nhà tư bản gia tăng được khối lượng tuyệt đối của giá trị thặng dư nhưng làm gia tăng tỷ suất giá trị thặng dư m/v.Nói chung là Bảo cần chú ý phân biệt giữa giá trị thặng dư và hình thái cụ thể của nó, phân biệt giữa tỷ suất giá trị và tỷ suất lợi nhận. Việc không phân biệt được tỷ suất giá trị thặng dư và tỷ suất lợi nhuận sẽ dẫn đến rất nhiều bế tắc.

      Delete
  6. Bảo xem lại phân tích về lợi nhuận thương nghiệp là hiểu thôi,lao động trong lĩnh vực thương nghiệp không tạo ra giá trị thặng dư nhưng giúp thực hiện giá trị thặng dư, do vậy tư bản thương nghiệp được chia một phần giá trị thặng dư từ tư bản sản xuất. Do vậy, nhà tư bản thương nghiệp càng khai thác được nhiều lao động không được trả công của người làm thuê cho họ thì càng nhận được nhiều giá trị thặng dư hơn từ quá trình thực hiện giá trị thặng dư.Lao động phi sản xuất không tạo ra giá trị thặng dư nhưng cũng không có nghĩa là không bị bóc lột nhé.

    ReplyDelete