Monday, June 16, 2014

Cấm ngủ trưa tại chỗ làm việc và tư duy lẩm cẩm của lãnh đạo FPT

Mới đây, công ty hệ thống thông tin (IS) trực thuộc FPT đã ban hành lệnh cấm nhân viên ngủ trưa tại khu vực làm việc. Tất nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cấm việc đó nếu họ muốn, cũng như nhiều doanh nghiệp khác khuyến khích nhân viên ngủ trưa bằng cách xây phòng ngủ hoặc tạo điều kiện cho người lao động có một giấc ngủ dễ chịu thay vì phải xoay xở với cái bàn làm việc. Song nếu nhân viên FPT IS không có chỗ nào khác ngoài chỗ làm việc để ngủ thì quy định cấm ngủ trưa tại chỗ làm việc của công ty chính là một quy định cấm ngủ trưa trá hình, điều đó vi phạm pháp luật Việt Nam và công ty FPT IS có thể sẽ bị phạt.

Trong bài trả lời được đăng trên báo Vietnamnet, ông chủ tịch công ty IS đã nói như sau:

“Lý do duy nhất là vì sự nghiệp Toàn cầu hóa. Tôi đã trực tiếp nghe một khách hàng Mỹ và một khách hàng Hà Lan nói là họ bị “sốc” khi nhìn thấy cảnh buổi trưa nhân viên của chúng ta ngủ trong văn phòng làm việc. Họ giải thích rằng, ở Mỹ và châu Âu tuyệt đối không có chuyện ngủ trong văn phòng. 

Đối với họ, văn phòng là văn phòng, nhà ở là nhà ở, không thể có chuyện biến văn phòng thành chỗ ngủ. Nếu buổi trưa nhân viên nào muốn ngủ thì có thể ra xe ôtô cá nhân ngủ tạm. Họ lo ngại rằng nếu sau này chúng ta cử cán bộ sang hãng họ làm việc mà mang văn hóa ngủ trưa sang thì vừa làm xấu hình ảnh Việt Nam, hình ảnh FPT mà có thể nhân viên đó còn bị trả về Việt Nam, nặng hơn nữa là bị cắt hợp đồng.

Trong công cuộc toàn cầu hóa về ICT, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Trung Quốc và như thế, ngoài yếu tố chuyên môn còn có yếu tố văn hóa. Họ đã chân tình khuyên chúng ta muốn lấy được hợp đồng của họ, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nên bỏ thói quen ngủ trưa”.

Hình 1: Giường ngủ tại chỗ làm việc của một nhân viên trung tâm truyền thông Google ở San Francisco

Thứ nhất, việc tuyệt đối không có chuyện ngủ trưa trong văn phòng ở Hà Lan và Mỹ là chuyện hoàn toàn đáng ngờ. Người lao động ở đó có một khoản thời gian nghỉ trưa nhất định, họ hoàn toàn có thể ngủ. Cũng như ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp chấp nhận cho nhân viên ngủ tại bàn làm việc, có những doanh nghiệp lớn như Google, Nike hay British Airways còn xây khu phòng ngủ riêng hoặc sắp đặt cho nhân viên một cái giường ngay cạnh bàn làm việc. Không phải người nào cũng có thể ngủ trong phòng làm việc trên cái bàn cứng và giữa hàng đống máy móc, nên có người ngủ ngoài trời hoặc trong ô tô riêng của họ. Lựa chọn hợp lý nhất là trên ô tô riêng vì ở đó họ có thể biến nó thành phòng ngủ lưu động. Ở một nước châu Á như Nhật Bản, nơi hiện đang là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT về phần mềm, dịch vụ cung cấp chỗ ngủ trưa thậm chí còn làm một lĩnh vực kinh doanh rất phát đạt.

Hình 2: Một nhân viên ngủ trưa tại trụ sở chính của Google

Thứ hai, lo ngại rằng việc ngủ trưa làm xấu hình ảnh Việt Nam hay FPT hay thậm chí bị cắt hợp đồng là chuyện thừa. Người nước ngoài cũng có nhiều người ngủ trưa, và họ hoàn toàn hiểu điều đó. Việc kinh doanh là hiệu quả là lợi nhuận, chứ không phải vì vấn đề ai đó ngủ trưa hay không ngủ trưa. Một trong những hình mẫu về tập đoàn công nghệ của FPT là công ty Google khuyến khích nhân viên ngủ trưa, họ không hề coi ngủ trưa là xấu hay đòi cắt hợp đồng của ai vì chuyện ngủ trưa. Không ai ở Google lo lắng việc ngủ trưa làm xấu mặt Google hay nước Mỹ, vì điều đó hoàn toàn không liên quan. Một công ty công nghệ Việt Nam khác là BKAV lại còn cấp cả chăn gối cho nhân viên ngủ trưa ngay tại chỗ làm việc, vốn là công ty công nghệ có tên tuổi, BKAV cũng có rất nhiều khách hàng nước ngoài. Song có lẽ do họ biết cách sắp xếp cho ngủ trưa một cách hợp lý nên không thấy lãnh đạo của BKAV lo khách hàng nước ngoài phản đối. 

Thứ ba, ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng giống như Việt Nam, chuyện ngủ trưa rất phổ biến, mặc dù cũng có một số người Trung Quốc hay kêu ca về chuyện ngủ trưa, coi đó là một thói quen xấu giống như lãnh đạo FPT IS vậy. Về mặt kinh doanh, muốn lấy được hợp đồng của khách hàng thì phải có chiến lược đúng đắn, có kế hoạch bài bản và có một sự thấu hiểu sâu sắc về khách hàng, việc bỏ thói quen ngủ trưa hoàn toàn không có liên quan. Một khách hàng nước ngoài sẽ không từ chối một hợp đồng đem lại nhiều lợi nhuận chỉ vì ai đó ngủ trưa, và ngược lại một khách hàng nước ngoài cũng không vì ai đó không ngủ trưa mà chấp nhận một hợp đồng kém cạnh tranh. Cho đến nay cả người Trung Quốc cũng như người Ấn Độ không hề nhắc đến chuyện bỏ ngủ trưa để cạnh tranh với Việt Nam, họ biết rằng đó không phải là yếu tố quyết định trong cạnh tranh. 

Thứ tư, ông chủ tịch một công ty lớn nhưng khi ban hành lệnh cấm ngủ trưa hoàn toàn không đưa ra được những lý lẽ thuyết phục chỉ mà viện dẫn ông khách nước ngoài này hay nước ngoài kia, là những người ở tận đẩu tận đâu, không ai kiểm chứng được. Hơn nữa đó cũng chỉ là những ý kiến cá nhân của những người nước ngoài, hoàn toàn không phải đánh giá chuyên môn. Ông chủ tịch còn loay hoay với ngụy biện về công bằng giữa người ngủ trưa với người không ngủ trưa hay với khách hàng đến FPT làm việc, trong khi đó là việc hoàn toàn có thể sắp xếp một cách đơn giản. Dường như khả năng tạo dựng sự đồng thuận là một vấn đề đối với lãnh đạo của FPT IS.

Hình 3: Một nghiên cứu về giá trị của việc ngủ trưa

Về mặt khoa học, một nghiên cứu của đại học California năm 2010 đã cho thấy nhóm người ngủ trưa ngắn có kết quả là việc tốt hơn và nhóm không được ngủ trưa thì có kết quả làm việc kém hơn. Thế nên nếu ông chủ tịch IS cần bằng chứng về ích lợi của việc ngủ trưa có thể tham khảo rất nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới. Tất nhiên 80% lãnh đạo FPT không ngủ trưa mà vẫn làm việc hiệu quả không chứng minh điều ngược lại. Lãnh đạo FPT có thể nên thử ngủ trưa, kết quả làm việc sẽ tốt hơn và công cuộc toàn cầu hóa của FPT sẽ tiến nhanh hơn nữa.

Hình 4: Ngủ trưa tại chỗ làm việc ở công ty TOPICA Việt Nam

Nhiều công ty nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng rất ủng hộ việc ngủ trưa và tạo điều kiện cho nhân viên có một giấc ngủ trưa một cách dễ chịu. Trong danh sách đó có rất nhiều tập đoàn lớn toàn cầu của Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, có lẽ đối với họ toàn cầu hóa không nằm ở vấn đề ngủ trưa. Đáng ngạc nhiên là một công ty Việt Nam lớn như FPT lại coi ngủ trưa là vấn đề liên quan đến cạnh tranh toàn cầu.

Tư duy về toàn cầu hóa lạc hậu sẽ khiến FPT gặp rất nhiều vấn đề trong tương lai. Lãnh đạo của họ không nắm bắt được cốt lõi của chiến lược toàn cầu hóa mà chỉ loay hoay với những hiện tượng bề ngoài, thậm chí còn sử dụng sức mạnh hành chính quan liêu để áp đặt ý muốn chủ quan của mình. Không ngủ trưa, nói tiếng Anh hay giành được các hợp đồng với nước ngoài không phải là toàn cầu hóa. Một công ty Việt Nam dù cho có bán được hàng cho khách hàng ở Mỹ hay châu Âu thì vẫn chỉ là một doanh nghiệp địa phương không hơn không kém. Không đâu xa, những ví dụ thành công trong toàn cầu hóa của doanh nghiệp Việt Nam đang ở ngay trước mắt FPT, đó là Hoàng Anh Gia Lai và Viettel. Trong khi Viettel phát triển dịch vụ viễn thông ở nhiều nước trên thế giới thì Hoàng Anh Gia Lai trồng mía ở Lào và bán đường sang Trung Quốc, những doanh nghiệp này đã mở rộng chuỗi giá trị gia tăng của họ ra toàn cầu. Không có ai ngạc nhiên khi cả Viettel lẫn Hoàng Anh Gia Lai đều chưa bao giờ băn khoăn về chuyện ngủ trưa, nói tiếng Anh hay ăn cà ri để cạnh tranh với người Ấn Độ. Đó chính là điểm khác biệt mà các lãnh đạo FPT cho đến nay vẫn chưa nhận ra, hay nói cách khác tư duy toàn cầu hóa thực sự là khi FPT IS nghĩ đến việc lập công ty gia công phần mềm cho khách hàng Việt Nam ở Ấn Độ và chăm sóc họ với tổng đài điện thoại ở Philippine.

(Ghi chú: Tất cả các hình minh họa lấy từ Internet)

2 comments:

  1. Hi...hi... hôm trước em cũng buồn cười vì vụ này mà sau bận quá nên quyên khuấy việc chọc ngoáy nó :v

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tiếc thật, không thì có thêm một góc nhìn nữa roài :D

      Delete