Saturday, June 14, 2014

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Philippine nhận tiền lại quả từ Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam?

Mới đây báo chí Philippine lại tiếp tục đưa tin về vụ án tham ô liên quan đến Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Philippine, đáng chú ý là vụ án này còn liên quan đến các hợp đồng cung cấp gạo cho Philippine của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (Vinafood II). Theo thông tin của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc Vinafood 2 đã phủ nhận việc lại quả cho quan chức Philippine. Điều đáng tiếc là ông phó tổng giám đốc Vinafood II đã rất hồ đồ và vượt quá phạm vi thẩm quyền khi tuyên bố phía Philippine đưa ra chuyện này là do đấu đá nội bộ. Một người đại diện doanh nghiệp lớn nên tránh đánh giá bạn hàng lớn một cách bất cẩn và thiếu tế nhị như vậy. Trong cả Luật Cạnh Tranh cũng như Luật Phòng Chống Tham Nhũng và Luật Hình Sự của Việt Nam đều không có điều khoản nào đề cập đến việc hối lộ quan chức nước ngoài để đạt được thỏa thuận thương mại. Có lẽ đây là một lỗ hổng cần được chính quyền Việt Nam lưu ý.

Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài báo "Alcala faces fourth plunder raps over rice import ‘midnight’ deal" để biết thêm thông tin chi tiết.

MANILA, Philippines – Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Proceso Alcala đối mặt với bốn cáo buộc tham ô của Cục Thanh Tra, cáo buộc về sự can dự của ông ta vào các hợp đồng nhập khẩu gạo của Việt Nam với giá cao. 

Hiệp Hội Người Bán Hàng Metro Manila, trong lời khai tuyên thệ do chủ tịch hiệp hội Flora Santos trình bày, cáo buộc Alcala và chủ tịch đã từ chức của Ủy Ban Lương Thực Quốc Gia (NFA) Orlan Calayag kiếm lợi hơn 1 tỷ peso trong hợp đồng nêu trên.

“Hợp đồng rõ ràng đã cướp của chính phủ một khoản tiền rất lớn, đáng lẽ ra phải được sử dụng cho các dự án và dịch vụ quan trọng khác của chính phủ…” đơn kiện viết. 

Theo đơn kiện, Alcala và Calayag đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu 800,000 tấn gạo của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (VINAFOOD II) vào tháng tư vừa qua. 

Hợp đồng hoàn tất chỉ một tháng trước khi cựu thượng nghị sĩ Francis “Kiko” Pangilinan được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống về an ninh lương thực và hiện đại hóa nông nghiệp, dự án nhập khẩu bị coi là “hợp đồng đi đêm”, bên nguyên đơn khẳng định.

“Có lẽ biết rằng thời cơ sắp hết, họ đã tận dụng những ngày cuối cùng tại nhiệm và dàn xếp các hợp đồng mang lại cho họ một cách hào phóng các khoản lại quả bất hợp pháp…” đơn kiện viết.

Bên nguyên đơn cáo khẳng định giá của hợp đồng chênh lệch tới 30 dollar mỗi tấn gạo – giá của NFA là chênh lệch tới 54 dollar Mỹ một tấn so với giá thị trường phổ biến chênh lệch là 24 dollar Mỹ một tấn. 

Điều đó có nghĩa là phía bị đơn đã kiếm lợi 24 triệu dollar Mỹ hay 1,080 tỷ peso. (Bên nguyên đơn sử dụng tỷ giá 45 peso ăn 1 dollar để tính toán. Nhưng tỷ giá vào ngày 12 tháng 6 là 43,659 peso ăn 1 dollar, có nghĩa là bên bị đơn đã thu lợi 1,048 tỷ peso.)

Bên nguyên đơn cũng nói rằng hợp đồng đó là bất công bởi vì được thông qua vào tháng tư năm nay tức là đúng vào vụ thu hoạch, khi nguồn cung gạo đạt đỉnh cao.

Hợp đồng cũng mâu thuẫn với lời hứa của chính quyền về việc tự túc gạo, bên nguyên đơn nói. Người phát ngôn tổng thống Edwin Lacierda đã được trích dẫn trong một báo cáo cho biết Philippines sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2014.

Alcala cũng phải đối mặt với ba cáo buộc tham ô khác. Cáo buộc đầu tiên được Kilusang Magbubukid Pilipinas đưa ra vào tháng 11 năm 2013 chống lại Alcala và tổng thống Aquino về việc lạm dụng Quỹ Viện Trợ Phát Triển Ưu Tiên trong vụ án của Janet Lim-Napoles.

Vào tháng 12 năm 2013, Alcala cũng bị cáo buộc về việc nâng giá nhập khẩu 205,700 tấn gạo của Việt Nam vào tháng 5 năm 2013 tới 457,2 triệu peso.

Trong khi đó vào tháng 1 năm 2014, Alcala và chủ tịch công ty Kinh Doanh Nông Nghiệp Quốc Gia (Nabcor) Honesto Baniqued phải đối mặt với cáo buộc tham ô 1,07 tỷ peso, một phần trong quỹ đen trị giá 11,4 tỷ pesos của Nabcor theo một báo cáo của Ủy Ban Kiểm Toán.

Alcala cũng bị cáo buộc là tham gia vào vụ gian lận trọng lượng thịt lợn. Ông ta có tên trong danh sách những người hưởng lợi mà Janet Lim-Napoles cung cấp, người này được coi là kẻ chủ mưu trong vụ gian lận.

2 comments:

  1. Các đây mấy năm, có vụ công ty 1 đô la đăng ký ở Singapore làm trung gian xuất khẩu gạo, thu lời và rửa tiền hàng chục triệu đô. Vụ việc vỡ lở, công ty này bị báo chí phanh phui. Nhưng sau đó chìm xuồng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Singapore là thiên đường trốn thuế và rửa tiền ở Đông Nam Á, hầu hết các vụ án tham nhũng liên quan đến nước ngoài ở gần đây đều có sự tham gia của các công ty môi giới ở Singapore. Ai làm kinh doanh ở Việt Nam đều biết là có nhiều công ty lớn, nhất là doanh nghiệp FDI thường chuyển toàn bộ doanh thu sang Singapore để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

      Delete