Saturday, May 3, 2014

Thỏa thuận đóng quân của Hoa Kỳ tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các luật lệ kiểu thuộc địa mới ở Philippine

Trong chuyến thăm châu Á vừa qua của tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự nâng cao với Philippine để mở đường cho quân đội Hoa Kỳ quay lại Đông Nam Á. Xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết "US military basing deal sets legal framework for neocolonial rule in the Philippines" của Joseph Santolan phân tích về nội dung của bản thỏa thuận quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippine. 

Thỏa thuận đóng quân của Hoa Kỳ được ký trong chuyến thăm Philippine mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, và mới được công bố lén lút trong mục “Các văn kiện lịch sử” trên trang web của chính phủ Philippine, đánh dấu một mốc chính trị phản động quan trọng ở Philippine và châu Á. 

Bản trình bày chính thức của Thỏa Thuận Hợp Tác Phòng Thủ Nâng Cao (EDCA) như tạm thời được thấy, về “sự hiện diện luân chuyển gia tăng” của quân đội Hoa Kỳ tại Philippine, là một sai lầm chính trị. Sau lưng giai cấp lao động Hoa Kỳ và Philippine, Washington và Manila đã ký kết một văn kiện tân thuộc địa tạo ra khuôn khổ pháp lý cho quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng không có giới hạn cụ thể lãnh thổ Philippine, cựu thuộc địa của Hoa Kỳ, mà không bị luật pháp Philippine kiểm soát. 

Điều đó cho thấy rõ ràng là chính sách “chuyển trục sang châu Á” của Hoa Kỳ, nhằm cô lập Trung Quốc, gắn liền với việc tái thuộc địa hóa các quốc gia bị áp bức ở Châu Á của các quyền lực đế quốc.

Theo EDCA, Washington được quyền sử dụng đầy ưu đãi đối với các căn cứ, được gọi là “khu vực được phép”, trên khắp lãnh thổ Philippine. Danh sách “các khu vực được phép”, mà văn kiện cho thấy không có sự ràng buộc đặc biệt nào, có thể được bổ sung theo yêu cầu của quân đội Hoa Kỳ. “Các khu vực được phép” được ưu tiên cho quân đội Hoa Kỳ và các nhà thầu sử dụng. 

Chính quyền Philippine của Tổng thống Benigno Aquino đã tuyên bố rằng căn cứ hải quân Subic cũng sẽ nằm trong số “các khu vực được phép”.

Thỏa thuận có giá trị về mặt kỹ thuật trong mười năm, nhưng “có thể tự động gia hạn” trừ khi bị một phía tham gia hủy bỏ. Để hủy bỏ thỏa thuận, Manila có nghĩa vụ gửi thông báo hủy bỏ tới Hoa Kỳ một năm trước khi kết thúc thỏa thuận.

EDCA duy trì chủ quyền hợp pháp của Philippine đối với lãnh thổ bằng cách chấp nhận một “đại diện được ủy quyền” của bộ quốc phòng Philippine, người có thể tiếp cận các căn cứ của Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả người đó, trước hết phải xin phép Washington để vào khu vực căn cứ, thỏa thuận được quy định phù hợp với “các yêu cầu về an ninh” của Hoa Kỳ. Trên thực tế, Philippine không có quyền kiểm soát các khu vực Hoa Kỳ đóng quân.

Hơn nữa, quân đội Hoa Kỳ không bị kiềm chế trên khắp lãnh thổ Philippine. Phần bổ sung cho “các khu vực được phép” của EDCA cho thấy, quân đội Hoa Kỳ được phép sử dụng “đất đai và các cơ sở vật chất công cộng (bao gồm đường xá, bến cảng, và sân bay), ngay cả khi chúng thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của chính quyền địa phương. Không có không gian hay cơ sở vật chất nào trong phạm vi của Philippine nằm ngoài điều khoản đó.

Thỏa thuận cho phép triển khai không giới hạn số lượng quân lính cũng như các nhân viên dân sự của Hoa Kỳ và các nhà thầu quân sự Hoa Kỳ tại Philippine. Tại đó, họ được phép triển khai “huấn luyện, trung chuyển, hỗ trợ và các hoạt động liên quan; cung cấp nhiên lệu cho máy bay, tiếp vận cho các tàu chiến; bảo trì tạm thời xe cộ, tàu chiến và máy bay, lưu trú tạm thời cho nhân viên; thông tin liên lạc; tàng trữ thiết bị, hệ thống cung cấp và vật liệu; triển khai quân đội và vật liệu; và các hoạt động khác mà các bên tham gia đồng ý”.

Mọi vật liệu chiến tranh của Hoa Kỳ tại Philippine dành cho “sự sử dụng đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ” được cung cấp với “tiếp cận không giới hạn đối với các khu vực được phép”. 

Điều khoản này tạo ra khung pháp lý cho phép Washington sử dụng Philippine làm bàn đạp trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc, hay bất cứ mục tiêu nào của đế quốc Hoa Kỳ. Trong chiến tranh Việt Nam, Washington đã sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippine để triển khai các trận ném bom nhằm vào Bắc Việt Nam và Campuchia.

Về cả hình thức lẫn nội dung, EDCA là một văn kiện tội ác chính trị. Nó được công bố trên trang web không nổi bật trong truyền thông mạng tại Hoa Kỳ và Philippine. Cả ở Washington và Manila, các quan chức nhận thức được sự phản đối mạnh mẽ của giai cấp lao động khi áp đặt các luật lệ tân thuộc địa của Hoa Kỳ lên quốc gia khác, sau Afghanistan và Iraq. 

Với sự đồng lõa của tầng lớp cai trị tha hóa ở Manila, những kẻ vứt bỏ mọi nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, đế quốc Hoa Kỳ đang thẳng tiến.

Thỏa thuận là sự vi phạm trắng trợn hiến pháp Philippine, vốn cấm sự hiện diện của bất cứ căn cứ quân đội hay căn cứ quân sự nước ngoài nào tại quốc gia mà không có sự chấp thuận của một nghị quyết được 2/3 tổng số thành viên thượng viện tán thành. Những nhà lập pháp Philippine, những người không tham gia vào thỏa thuận, đã không viện dẫn pháp luật để chống lại.

EDCA cuối cùng đã lách qua hiến pháp Philippine, dựa vào luận điểm gian lận rất rõ ràng rằng đó không phải là “hiệp ước đóng quân”, mà chỉ là một thoả thuận về đóng quân tạm thời giữa quân đội Hoa Kỳ và Philippine. 

Thỏa thuận tránh cho quân đội Hoa Kỳ khỏi sự giám sát của luật pháp Philippine cũng như quốc tế - một biện pháp gợi nhớ đến chính sách mà Hoa Kỳ sử dụng tại các quốc gia bị chiếm đóng như Iraq, hay các điều khoản liên lãnh thổ tại các quốc gia thuộc địa vào thế kỷ 19 ở châu Á của chủ nghĩa đế quốc. Thay vào đó, quân đội Hoa Kỳ và các nhà thầu sẽ “hoạt động theo pháp luật và chính sách của Hoa Kỳ”. 

EDCA cũng quy định rằng quân đội Hoa Kỳ “được phép sử dụng quyền và sự ủy quyền cần thiết để kiểm soát hoạt động và phòng thủ bao gồm cả việc triển khai các biện pháp thích hợp để bảo vệ quân đội Hoa Kỳ và nhà thầu Hoa Kỳ trong phạm vi khu vực được phép. Hoa Kỳ sẽ được thực hiện các hoạt động cảnh sát tại khu vực căn cứ, Washington sẽ xử lý thích hợp những người Philippine được cho là mối nguy hiểm đối với quân đội Hoa Kỳ, nhà thầu hay “an ninh thông tin chính thống Hoa Kỳ”.

Đây là nguồn gốc lịch sử sự thù địch lớn nhất của công chúng với các căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ tại quốc gia. Hơn năm mươi người Philippine bị lính Mỹ bắn tại các căn cứ quân sự chỉ trong nửa sau của những năm 1960. Tất cả các vụ án đều do tòa án quân sự Hoa Kỳ xét xử, lính Mỹ không bị kết án mà chỉ bị cảnh cáo.

Điều XI trong EDCA viết, “Tranh chấp và những vấn đề khác cần tham vấn không được viện dẫn tới bất cứ tòa án quốc tế nào, hay các tổ chức tương tự khác, hay một bên thứ ba để đưa giải pháp”.

Điều khoản này ngăn ngừa việc xem xét lại EDCA của cả tư pháp lẫn lập pháp Philippine. Trong trường hợp một lính Mỹ bắn hay hiếp dâm một người Philippine, hay cán xe qua một đứa trẻ - những sự kiện thường xảy ra quanh các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á – anh ta sẽ là đối tượng của luật pháp và tư pháp Hoa Kỳ. Mọi tranh chấp tư pháp liên lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Philippine, hay bất cứ điều khoản nào của thỏa thuận, tư pháp Philippine sẽ không được xem xét. 

Hoa Kỳ không trả tiền thuê các căn cứ quân sự ở Philippine. Văn bản thậm chí còn đặc biệt ngạo mạn viết rằng nếu Washington từ bỏ một căn cứ, họ có thể đòi hỏi Manila “bù đắp cho những sự cải thiện” mà họ đã tạo ra.

Washington cũng được cung cấp “nước, điện và các tiện nghi công cộng khác” với giá tương tự mà chính quyền Philippine trả. Tất cả thuế và phí phát sinh từ các tiện nghi đó, những thứ mà người Philippine có nghĩa vụ thanh toán, sẽ được chính quyền Philippine thanh toán hộ quân đội Hoa Kỳ.

Thỏa thuận cũng nhượng lại cho Hoa Kỳ quyền sử dụng “miễn phí” tần số sóng radio trong nước. Trong quá khứ, Washington đã sử dụng tần số sóng radio ở Philippine cho mục đích thông tin viễn thông nội bộ, cũng như truyền tải các tuyên truyền của Hoa Kỳ.

Một trong số ít những hạn chế đối với quân đội Hoa Kỳ, thỏa thuận quy định rằng, theo hiến pháp Philippine, Washington không được “tàng trữ” bất cứ vũ khí hạt nhân nào tại Philippine.

Các văn kiện đã giải mật trong thời kỳ Hoa Kỳ đóng quân tại căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark cho thấy trong quá khứ Washington đã tàng trữ bất hợp pháp vũ khí hạt nhân tại Philippine. Hơn thế nữa, Washington thường từ chối bình luận về các tàu chở vũ khí hạt nhân. Với các giới hạn mà EDCA đặt ra cho việc thanh sát của “người đại diện được ủy quyền” phía Philippine, điều khoản này là vô hại.

2 comments:

  1. lạ thật, chả nhẽ ý thức dân tộc của Philippines kém vậy?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lợi nhuận cao hơn dân tộc, tiền quan trọng hơn ý thức.

      Delete