Thursday, January 9, 2014

Lý thuyết về năng suất biên của tư bản: Một thất bại của kinh tế học.

1. Samuelson viết trong cuốn sách giáo khoa được phổ biến khắp thế giới về kinh tế học: the extra product or output added by one extra unit of that factor, while other factors are being held constant. Mọi sinh viên khoa kinh tế đều được dạy rằng số lượng đầu ra tăng thêm nếu một đầu vào được tăng thêm một đơn vị trong khi các đầu vào khác không đổi được gọi là năng suất biên của đầu vào đó. Giả sử hàm sản xuất có dạng Q=F(K,L) với K là tư bản và L là lao động thì năng suất biên của tư bản MPK=dQ/dK. Samuelson khẳng định lý thuyết năng suất biên không nhằm giải thích lương, địa tô hay hay lãi suất mà chỉ giải thích doanh nghiệp thuê các yếu tố sản xuất ra sao, dựa trên những giá cả đã được biết (M. Linder and J. Sensat, 1977).  

2.Một nhà kinh tế học nổi tiếng khác Joan Robinson vào năm 1950 đã chỉ ra lý thuyết về năng suất biên của tư bản gặp vấn đề về tổng hợp. Khái niệm tư bản được khoa kinh tế học dùng để đề cập tới những giá trị sử dụng cụ thể như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, bất động sản..). Nhưng bản thân những hàng hóa vốn này xét trên phương diện giá trị sử dụng là hoàn toàn khác nhau, không thể có bất cứ điểm chung nào để tổng hợp lại thành một dạng hàng hóa vốn chung, tức là không có cách nào để tổng hợp được năng suất biên của tư bản nói chung. (F. Moseley, 2012)

3.Quá trình sản xuất bao giờ cũng là quá trình tạo ra giá trị sử dụng, khoa kinh tế học cũng thừa nhận điều này, song để tạo ra giá trị sử dụng thì ngoài vốn và lao động còn có tác động của những lực lượng tự nhiên nữa (K. Marx). Ví dụ canh tác lúa thì ngoài hạt giống, đất đai, phân bón, nước và công nhân thì số lượng hạt lúa tăng thêm còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố tự nhiên nữa, hoặc công nghiệp hóa chất phụ thuộc rất nhiều vào các quá trình tác động của tự nhiên. Nếu không thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì năng suất biên của tư bản là một điều hoàn toàn phi lý. Ngược lại nếu thừa nhận năng suất biên của các lực lượng tự nhiên thì khoa kinh tế học chưa bao giờ giải thích được phần năng suất biên ấy đã biến đi đâu. 

4.Lý thuyết năng suất biên của tư bản không thể giải quyết vấn đề nguyên liệu trong hàm sản xuất. Sản lượng đầu ra không thể nào tăng thêm nếu không tăng nguyên liệu cho dù các yếu tố đầu vào khác có tăng thêm bao nhiêu đi nữa. Xét từ phía cầu về tư bản, giá của nguyên vật liệu sẽ được tính bằng giá trị sản phẩm biên của nguyên liệu, tức là không thể xác định được giá của nguyên liệu. Phái kinh tế học tân cổ điển giải quyết vấn đề này bằng cách loại bỏ yếu tố vật chất và giả định rằng quá trình sản xuất là chỉ là quá trình làm tăng thêm giá trị. Song điều đó cũng không đi đến đâu cả, nếu bỏ qua giá trị sử dụng thì cũng không thể xét tới giá trị vì hàng hóa mang cả giá trị và giá trị sử dụng nên quá trình sản xuất là quá trình tạo giá trị sử dụng đồng thời tạo giá trị. Nếu không biết số lượng giá trị sử dụng ở đầu vào và số đầu ra thì tính toán giá trị hoàn toàn không có cơ sở nào hết (F. Moseley). Một điểm nữa cần được xem xét là các lĩnh vực sản xuất thường liên quan tới nhau, sản phẩm đầu ra của ngành này lại là nguyên liệu của ngành khác, vì vậy khi khoa kinh tế học thất bại trong việc giải thích vấn đề nguyên liệu thì đồng thời cũng thất bại trong việc giải thích quá trình sản xuất. Ví dụ lúa là sản phẩm của nông nghiệp và là nguyên liệu cho công nghiệp xay xát, khi không xác định được giá lúa thì cũng không thể giải thích được quá trình sản xuất nông nghiệp

5.Nếu tư bản là hàng hóa vốn mà doanh nghiệp sản xuất đã có sẵn thì sẽ không đi đến đâu cả. Khoa kinh tế học giả định rằng có những doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa vốn và doanh nghiệp sản xuất phải thuê hoặc mua lại hàng hóa vốn. Do đó, hàng hóa vốn phải được sản xuất ra ở một chu kỳ kinh tế khác, khoa kinh tế học không có cách nào xác định được hàm sản xuất của hàng hóa vốn. Giá của hàng hóa vốn được cung cấp xác định bằng chi phí của doanh nghiệp cho thuê vốn cộng với lãi suất (hay còn được gọi là chi phí cơ hội-không có cách nào xác định được nguồn gốc của nó)). Điều này chỉ lặp lại sai lầm của các nhà kinh tế chính trị học cổ điển: Lợi nhuận là khoản cộng thêm vào giá thành. Hàm cung cấp yếu tố sản xuất hoàn toàn không thể xác định được (F. Moseley, 2012). Lãi suất không thể xác định được dựa vào năng suất biên của tư bản (như khẳng định của Samuelson) và cũng cần nói thêm là không thể được xác định bằng bất cứ cách nào khác.

6.Mọi doanh nghiệp đều phải tính tới chi phí cơ hội. Nhưng nếu các hãng cho thuê vốn trừ đi chi phí cơ hội thì lợi nhuận kinh tế của họ là số không. Trong dài hạn theo nguyên tắc tự do cạnh tranh các hãng cho thuê vốn sẽ cạnh tranh nhau và hạ giá cho thuê vốn xuống bằng chi phí, dẫn đến một điều phi lý khác là cầu về vốn không có ảnh hưởng gì giá cho thuê vốn. Điều nực cười là nếu lợi nhuận kinh tế của các hãng cho thuê vốn là không thậm chí còn âm trong dài hạn thì tại sao các hãng đó vẫn tiếp tục tồn tại. (F. Moseley, 2012).

7.Lý thuyết năng suất biên của vốn hoàn toàn mâu thuẫn với lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng. Theo lý thuyết về tối đa hóa độ thỏa dụng thì người mua hàng hóa sẽ đặt giá của hàng hóa bằng với độ thỏa dụng biên mà hàng hóa đó đem lại. Nhà tư bản khi mua hàng hóa thì anh ta không phải là người tiêu dùng vì không tuân theo quy luật tối đa hóa độ thỏa dụng mà tuân theo tối đa hóa lợi nhuận, tức là giá của hàng hóa vốn bằng năng suất biên của nó (M. Linder and J. Sensat, 1977). Khoa kinh tế học không thể giải thích được tại sao cùng một hành vi mua hàng hóa nhưng có hai quy luật khác nhau để xác định giá cả.

8.Lý thuyết năng suất biên của vốn thất bại hoàn toàn trong việc giải thích lợi nhuận thương nghiệp. Hàng hóa được thương nhân mua sau đó bán lại với giá cao hơn mà không cần bất cứ hoạt động sản xuất nào, tức là không làm thay đổi giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Áp dụng lý thuyết năng suất biên sẽ không thể thấy được nguồn gốc phần giá trị chênh lệch giữa giá cả đầu vào và đầu ra.

9.Hàng hóa vốn khi tham gia vào quá trình sản xuất thì giá trị sử dụng của nó bị mất đi, và một giá trị sử dụng khác được tạo ra. Cùng với sự mất đi của giá trị sử dụng thì giá trị của nó cũng mất theo, vì giá trị không thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng. Khi rèn một thỏi sắt thành cái búa thì giá trị của sắt không thể nào tiếp tục tồn tại trong cái búa, khi đó giá trị của sắt tồn tại bên ngoài giá trị sử dụng của sắt và giá trị của cái búa lại bao gồm cả giá trị của sắt. Khoa kinh tế học loay hoay với cái điều nực cười là giá trị có thể tồn tại độc lập với giá trị sử dụng và ngược lại giá trị sử dụng lại có thể bao gồm nhiều giá trị khác nhau. Sự phi lý đó là nguồn gốc của những thất bại mà khoa kinh tế học gặp phải trong trường hợp lý thuyết năng suất biên của tư bản.

10. Để kết luận về chủ đề này có thể mượn lời của giáo sư F. Moseley: If the choice between Marx’s theory and marginal productivity theory were made strictly on the basis of the standard scientific criteria of logical consistency and empirical explanatory power, Marx’s theory would win hands down.

Tài liệu tham khảo:

1-K. Marx, "The Capital", Chater 7 "The labour process and the process of producing surplus-value". epub prepared by Eduardo Brissos (2011) at marxist.org

2-Fred Moseley (2012) "A Critique of the Marginal Productivity Theory of the Price of Capital". Real-world economics review, issue no. 59

3-Marc Linder and Julius Sensat (1977) "The Anti-Samuelson", Volume 2, Chapter 18 "Marginal Productivity Theory". New York : Urizen Books.




4 comments:

  1. Em muốn hỏi là cái khái niệm "năng suất biên" sinh ra để làm gì ạ? Phải chăng khoa kinh tế hiện đại có một mục đích chủ yếu là tìm cách bác bỏ Mác, ví dụ cái cụm từ "hàng hóa vốn" em nghĩ là tư bản cho vay, mà nếu là tư bản cho vay thì họ muốn bàn điều gì? Còn ở đoạn 7, em đoán giá cả khác nhau đơn giản là nhà tư bản công nghiệp nhường lại cho nhà tư bản thương nghiệp một phần giá trị thặng dư để quay vòng tư bản.

    Tuy nhiên nếu nghe các thuật ngữ kinh tế ở trên thì đúng là chịu chết, chả biết lần mò thế nào :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kinh tế học hiện đại là neoliberalism, phát triển bằng cách đơn giản hóa kinh tế chính trị cổ điển, gạt bỏ các khái niệm giá trị và từ bỏ nghiên cứu sản xuất chỉ nghiên cứu trao đổi, nên còn được gọi là học thuyết trọng thương mới. Kinh tế học do vậy rất nhiều khiếm khuyết, không thể so sánh hay bác bỏ kinh tế chính trị Marxist được.

      Khái niệm năng suất biên marginal cost sinh ra để giải thích các mà nhà tư bản tối đa hóa lợi nhuận khi biết giá cả đầu vào.

      Hàng hóa vốn là capital goods, tức đầu vào cho sản xuất, trên phương diện vật chất physical term khác với tư bản cho vay là tiền.

      Đoạn 7 được gọi là kinh điển về cái chết không thể cứu chữa được của homo economicus, khái niệm nền tảng của kinh tế học hiện đại,tức là chỉ ra một con người lý tính nhưng lại có hai lý tính khác nhau, không phải là vấn đề phân phối thu nhập hay giá trị thặng dư.

      Delete
    2. Cám ơn anh đã chia sẻ.

      Cho em hỏi một câu hỏi ngoài lề tẹo: thế ở VN mọi người làm nghiên cứu về kinh tế sẽ như thế nào ạ? Bên Toán thì việc có các bài báo trong danh sách ISI, SCI, SCIE có vẻ quan trọng (ví dụ nếu muốn xin học hàm PGS). Nếu biết kinh tế học đã tha hóa nhiều phần ở phương Tây như vậy, thì những người làm nghiên cứu có gửi bài nghiên cứu sang các tạp chí ở bên đó không ạ?

      Em nhớ có vài câu chuyện cũng buồn cười, đó là chuyện một vài nhà toán học gốc Việt mang Toán tài chính về (mời chuyên gia, đọc bài giảng, hội thảo v.v.) và chê bai sinh viên trường kinh tế không đủ sức hiểu Toán.

      Delete
    3. Nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam cũng vậy thôi, cũng phải viết bài báo khoa học, công bố trong nước hay quốc tế để lấy số, song kể cả những thứ đó thì vẫn lách được hết. Thường chỉ có dân trong nghề mới biết rõ nhau hay dở thế nào. Kinh tế có phần khác toán học ở chỗ có phần nghiên cứu cho các dự án phi chính phủ hoặc của chính phủ, món này kiếm khá tiền nên có nhiều người làm, còn kinh tế lý thuyết thì ít người làm vì kiếm được ít tiền.

      Delete