Wednesday, December 4, 2013

Tiến sĩ Giáp Văn Dương và câu chuyện thầy bói xem voi

Người Việt Nam vốn rất quen thuộc với câu chuyện về năm ông thầy bói mù xem voi bằng cách mỗi người sờ một bộ phận của con voi. Đỉnh điểm của câu chuyện là năm ông thầy bói mù chả ai chịu ai, ai cũng cho quan niệm của mình về con voi là đúng và lao vào choảng nhau sứt đầu mẻ trán. Kết thúc câu là người quản tượng phải can ngăn nói rõ là con voi có nhiều bộ phận, mỗi ông mới chỉ xem có một bộ phận.

Nếu như giờ có ai đó kể câu chuyện thầy bói xem voi ấy khác đi. Ngay cả khi người quản tượng đã can ngăn và nói rõ về con voi rồi mà mấy ông thầy bói vẫn cho là mình có lý hệt như người quản tượng có lý, vẫn tiếp tục choảng nhau thậm chí còn choảng luôn cả người quản tượng nữa. Hẳn bạn đọc sẽ không coi đó là chuyện ngụ ngôn phê phán cách nhìn sự việc phiến diện nữa mà chuyện thành một câu chuyện cố chấp tào lao dớ dẩn.

Liệu có ai ngạc nhiên không khi tiến sĩ Giáp Văn Dương kể một câu chuyện cố chấp tào lao như vậy và được báo Vietnamnet đăng để giới thiệu cách dạy môn lịch sử trong nhà trường?

Phần 1: Về phương pháp luận

Câu chuyện kiểu thầy bói mù xem voi trong bài báo đó đây:

Cùng là một vật thể: chiếc cốc, nhìn từ bên cạnh là hình nón cụt, nhìn thẳng vào lòng cốc là hình tròn. Từ hai góc nhìn khác nhau đã có hai hình dạng khác hẳn nhau. Ai đúng, ai sai? Câu trả lời tất nhiên là không có ai đúng, mà cũng chẳng ai sai. Cả hai đều đúng, và cả hai đều sai. Đúng, theo góc nhìn của mình, nhưng sai do diễn giải của mình về cái cốc là phiến diện...

Với trường hợp cái cốc, chúng ta chấp nhận việc thấy cái cốc là hình nón hay hình tròn tùy theo góc nhìn là điều hiển nhiên. Nhưng với các sự kiện lịch sử, chúng ta lại thường không chấp nhận điều đó, và có xu hướng cho rằng chỉ có một diễn giải đúng. Diễn giải đó thường được coi là chính thống, được sự hỗ trợ của hệ thống, đặc biệt là truyền thông và giáo dục, nên được cho là chân lý, lấn át mọi diễn giải khác.


Các sự thật này đều bình đẳng với nhau theo cách riêng của chúng. Nhưng sự thật đúng nhất là sự tổ hợp của các sự thật cá nhân này. Không có cách nào tránh khỏi điều này, vì nếu không, sẽ rơi vào phiến diện và tranh cãi triền miên, như câu chuyện về cái cốc hình nón hay hình tròn đã nói.


Thứ nhất, khi người ta đã xác định được cái cốc là gì rồi thì không còn ai gàn dở đến mức độ khăng khăng cái cốc là hình tròn hay hình nón nữa. Các phỏng đoán về hình dạng cái cốc chỉ bình đẳng với nhau khi người ta chưa biết cái cốc là gì. Còn sau đó thì sự bình đẳng chỉ dẫn đến một câu chuyện nực cười.

Thứ hai, nếu coi các sự thật bình đẳng với nhau tức là cái cốc hình nón hay hình tròn có giá trị như nhau và sự thật đúng nhất là tổ hợp các sự thật thành phần thì tiến sĩ Giáp Văn Dương đã phủ nhận khả năng nhận thức được sự thật của con người, bởi vì mỗi sự vật hay hiện tượng đều là có vô hạn các góc nhìn khác nhau, do đó con người sẽ luôn chỉ có thể biết được sự thật một cách gần đúng. Nếu không phủ nhận khả năng nhận thức được sự thật của con người thì tiến sĩ Giáp Văn Dương lại vừa mới tạo ra siêu nhân, vì khi đó con người có khả năng đếm được số vô hạn (tức là tổng hợp được vô hạn các sự thật khác nhau)!

Thứ ba, tiến sĩ Giáp Văn Dương đã không giải thích tại sao các sự thật thành phần lại hợp với nhau thành sự thật đúng nhất được. Liệu đặt con voi và chung với cái chén thì có thành sự thật là cái chén có bốn chân hay không? Câu trả lời là không. Sự thật cuối cùng là cái chung nhất, cái bản chất, nó sẽ biểu hiện ra ngoài thành các hiện tượng cụ thể. Hay nói cách khác là bản chất sẽ quyết định hiện tượng và ngược lại hiện tượng sẽ phản ánh bản chất. Trí tuệ của con người phải phát hiện ra yếu tố thống nhất ấy chứ không phải làm trò quỷ thuật là tập hợp những quan niệm hỗn độn lại rồi gán cho chúng cái tên sự thật. Câu chuyện dân gian về thầy bói xem voi cũng đã phản ánh điều đó một cách tinh tế. Người quản tượng trong câu chuyện giải thích con voi có chân, tai, vòi, ngà chứ không nói là những bộ phận đó hợp lại thành con voi. 

Phần 2:  Về đối lập và bổ trợ:

Sự phát triển của khoa học, đặc biệt là vật lý học, đã cho thấy sự vật có thể mang những đặc tính hoàn toàn trái ngược nhau, như lưỡng tính sóng-hạt của ánh sáng chẳng hạn. Chính vì thế, Niels Bohr, một trong những nhà vật lý học vĩ đại của thế kỷ 20, đã phải thốt lên rằng: Đối lập là bổ trợ. Điều này có nghĩa, những diễn giải đối lập nhau không phải là để triệt tiêu nhau, mà bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức đúng của chúng ta về sự vật, tức càng giúp chúng ta tiến gần sự thật. Các góc nhìn càng phong phú thì cơ hội tiếp cận sự thật càng nhiều.

Phát hiện của vật lý học chính là chứng minh quy luật mâu thuẫn trong triết học, tính sóng và tính hạt của ánh sáng là hai mặt của một mâu thuẫn, hai mặt ấy cùng tồn tại và đấu tranh với nhau nhưng chúng lại có sự thống nhất với nhau. Tính sóng không triệt tiêu tính hạt và ngược lại. Vì không nắm được quy luật về mâu thuẫn nên tiến sĩ Giáp Văn Dương đã mắc vào cái bẫy ngụy biện như sau: tính sóng không phải tính hạt, tức là tính sóng đối lập với tính hạt, vì vậy đối lập là bổ trợ. Các diễn giải đối lập không triệt tiêu nhau, bổ sung cho nhau chỉ tồn tại nếu chúng phản ánh sự thống nhất khách quan. Không tuân thủ sự thống nhất ấy thì các diễn giải sẽ triệt tiêu nhau, và làm cản trở quá trình nhận thức.

Về phương pháp nhận thức thì đã đề cập ở trên, gom các góc nhìn khác nhau đó lại không dẫn đến phát hiện ra sự thật được, bởi vì chúng là vô tận, không ai có thể đếm số vô tận cả. Trong khoa học cũng như tư duy khi đối mặt với hàng sa số hiện tượng như vậy thì con người phải tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng, chọn lấy những cái cần thiết và gạt bỏ cái không cần thiết, chứ không thể gộp chúng lại với nhau một cách bừa bãi.


...với các hiện tượng lịch sử luôn gắn liền với con người, nặng tính chủ quan và không lặp lại, thì việc chấp nhận các diễn giải khác nhau, hoặc trái ngược nhau, cần phải được coi là bình thường và cần thiết để tiến gần sự thật.

Mặc dù sự kiện lịch sử gắn liền với con người, bao giờ cũng thể hiện ra là hành động của con người, nhưng phía sau hành động ấy bao giờ cũng có những quy luật khách quan chi phối. Đó chính là yếu tố thống nhất phía sau các sự kiện, nghiên cứu lịch sử là để phát hiện ra những quy luật ấy từ đó xây dựng lên những mô hình tổ chức xã hội thích hợp. Nghiên cứu lịch sử không phải là đi cóp nhặt những cách diễn giải khác nhau để rút ra những "bài học làm người văn minh".

Phần 3: Về bao dung

Với Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến liên miên, và nhiều vết thương vẫn còn gỉ máu, thì sự bao dung trong việc diễn giải lịch sử còn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể chấp nhận được các diễn giải khác nhau về cùng một sự kiện. Và cũng chỉ có cách đó, sự thật của lịch sử mới được làm sáng tỏ phần nào.

Từ sai lầm trong phương pháp luận, tiến sĩ Giáp Văn Dương đã đi đến sai lầm trong khái niệm bao dung. Việc diễn giải lịch sử vô tội vạ không những không làm sáng tỏ được lịch sử, mà ngược lại còn dẫn đến kích động hằn thù giữa các nhóm khác nhau trong xã hội. Chính tiến sĩ Giáp Văn Dương đã viết ở một đoạn khác là: 

Khi cuộc chiến kết thúc, di sản lớn nhất mà nó để lại không hẳn là những tổn thất vật chất, mà là các diễn giải, hoặc khổ đau hoặc tự mãn, được lồng ghép với nhiều ý đồ khác nhau của người diễn giải, tạo ra những vòng xoáy vô tận.

Kết quả của các diễn giải thiên kiến, dù mang trên mình những chiếc áo mỹ miều của lòng yêu nước hay bản sắc quốc gia, cũng làm những đổ vỡ trong lịch sử, máu và nước mắt, sẽ theo những vòng xoáy này tàn phá lòng người, tàn phá thế hệ hiện tại. Qua cách đó, cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến chỉ chuyển sang một dạng khác, duy trì dưới một mầm mống khác có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tức là tiến sĩ Giáp Văn Dương cũng không cho rằng bao dung là chấp nhận những diễn giải mang tính thiên kiến mà chỉ là những diễn giải khách quan thôi. Vậy tiêu chuẩn nào phân biệt thiên kiến và khách quan? Dựa trên bằng chứng lịch sử vì Chính các bằng chứng này là yếu tố quyết định diễn giải nào có nghĩa, và diễn giải nào là ngụy biện. Nhưng bằng chứng lịch sử theo phương pháp của tiến sĩ Giáp Văn Dương lại là tập hợp của vô tận các diễn giải khác nhau, tức là diễn giải lịch sử sẽ làm bằng chứng cho diễn giải lịch sử, một vòng luẩn quẩn không đến đâu cả. Như vậy, việc phân biệt diễn giải thiên kiến và khách quan cũng chỉ là trò đùa. Thậm chí cứ cho là tiến sĩ Giáp Văn Dương có thể trở thành siêu nhân, tức là nắm bắt được sự vô hạn của sự vật, thì làm sao có thể coi bằng chứng cho sự tồn tại của một góc nhìn là bằng chứng cho thấy góc nhìn đó phù hợp với sự thật?

Sự bao dung chỉ có thể xây dựng dựa trên tiêu chí tôn trọng sự thật, chỉ có như vậy mới giúp các cá nhân không xung đột với nhau nữa. Những ông thầy bói mù không đánh nhau nữa thì bởi vì người quản tượng nói cho họ biết sự thật về con voi, chứ không phải vì con voi là cái đuôi cũng được hay là cái vòi cũng được.

Phần 4: Kết luận

Phương pháp luận của tiến sĩ Giáp Văn Dương là tập hợp đơn giản các góc nhìn khác nhau thành sự thật, chính vì vậy đòi hỏi các góc nhìn khác nhau phải được tôn trọng như nhau và coi sự đối lập là bổ sung. Từ đó xây dựng quan niệm bao dung, tức là chấp nhận sự tồn tại của mọi góc nhìn. Phương pháp này chả có gì mới, nó chính là phương pháp thực chứng của nhà xã hội học người Pháp A. Comte, có từ xưa lắc và ngày nay khoa học hiện đại đã quên nó từ lâu. Thế nhưng tiến sĩ Giáp Văn Dương lại trưng bày nó như là phương pháp mới về dạy môn lịch sử trong nhà trường, cái mới của ông chỉ kéo lùi nhận thức của dân Việt Nam có hơn trăm năm chứ mấy.

Cái phương pháp cũ kỹ này có một lợi thế rất tuyệt vời là dựa vào nó người ta có thể xét lại rất nhiều thứ, đặc biệt là đối với lịch sử. Ban đầu người ta sẽ nhân danh tìm kiếm sự thật để lén lút đưa những diễn giải không liên quan thậm chí phủ nhận sự thật vào và rồi cuối cùng từ những diễn giải ấy phủ định luôn sự thật. Cái ảo thuật biến con voi thành cái cốc dưới nhãn mác khoa học là như vậy đấy.

Bài của tiến sĩ Giáp Văn Dương trên Vietnamnet

8 comments:

  1. Đọc blog của bạn mình mê luôn, vì diễn giải trong blog của bạn khá sâu, và làm sáng đầu óc vẫn còn nhiều hỗn độn như của mình. Cám ơn bạn nhiều.

    ReplyDelete
  2. Em thắc mắc một chút, vì tìm tài liệu nhưng cũng hơi khó khăn. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa thực chứng là gì và bối cảnh lịch sử ra đời của nó là như thế nào ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn tìm hiểu về Augusto Comte, một nhà triết học và xã hội học Pháp hồi đầu thế kỷ 19 là hiểu thôi. Đó là một trong những người khai sinh ra môn xã hội học hiện đại. Ông ấy cố gắng dùng phương pháp thực chứng trong nghiên cứu xã hội để thay thế cho phương pháp tư duy siêu

      Delete
    2. Phái này ra đời ở Pháp, tài liệu bằng tiếng Pháp rất nhiều.

      Delete
  3. Em cám ơn anh về thông tin.

    ReplyDelete
  4. Em chào anh. Khi đọc một số sách, thi thoảng em gặp từ "thực chứng", tuy nhiên ngay cả khi đọc cuốn Lịch sử xã hội học của Lê Ngọc Hùng, thì em vẫn chưa hiểu lắm phương pháp thực chứng là gì.

    Ví dụ: Nói chủ nghĩa tự do chỉ chú trọng tới nghiên cứu thực chứng, nên các nghiên cứu có tính rời rạc, ít có tính cơ bản, hàn lâm v.v. (trích trong 1 cuốn sách)

    Phải chăng nghiên cứu thực chứng tức là chỉ dựa trên các hiện tượng quan sát đơn lẻ, mà không quan tâm tới bản chất của hiện tượng trong toàn cảnh. Vì thế, thu được các góc nhìn của sự thật, và dừng lại tại đó mà thôi?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nói theo kiểu Việt Nam thì thực chứng là "thấy cây mà không thấy rừng", nó chỉ chú ý tới các hiện tượng cụ thể và cố gắng quy nạp các hiện tượng cụ thể đó thành bản chất. Mặc dù bản chất là cái có trước và sẽ quy định những hiện tượng cụ thể. Thực chứng chỉ dừng lại ở kinh nghiệm và dùng kinh nghiệm để kiểm định nhận thức. Bạn vẫn nhớ rằng trong nhận thức luận duy vật thì thực tiễn mới quyết định nhận thức. Thực chứng đánh mất mối liên hệ giữa kinh nghiệm và thực tiễn do vậy sự tồn tại của nó nhanh chóng chấm dứt khi xã hội công nghiệp phát triển đến mức chứng minh được bản chất của sự vật bằng thực tiễn công nghiệp. Phần này nếu bạn đọc Chống Duehring của F. Engel thì nhận ra ngay, còn về nhận thức luận duy vật thì bạn có thể tham khảo cuốn Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán của Lenin.

      Delete
    2. Mọi thứ sáng sủa hơn chút rồi ạ. Em cám ơn anh nhiều.

      Delete