Monday, November 4, 2013

Tại sao lao động của nhà tư bản không tạo ra giá trị thặng dư?

1. Quan niệm giá trị thặng dư, thường hay bị nhầm lẫn thành lợi nhuận, của nhà tư bản là tiền công cao trả cho lao động giám sát, lao động trí óc, và những thứ tương tự khác, được J.B. Say đưa ra. Toàn bộ học thuyết của ông này đã phá sản một cách thảm hại khi nền kinh tế tư bản gặp phải những cuộc khủng hoảng chu kỳ.

2. Ở những nơi nào mà nhà tư bản bắt buộc phải đảm nhiệm một phần công việc của quá trình sản xuất, thì anh ta nhận được tiền công. Song tiền công đó là trả cho việc anh ta lao động chứ không phải là trả cho anh ta với tư là nhà tư bản. Với tư cách là nhà tư bản thì anh ta thu được giá trị thặng dư.

3. Giá trị thặng dư khác hoàn toàn với tiền công của nhà tư bản vì tiền công, tức là giá trị sức lao động nói chung phụ thuộc vào quy mô tư bản ứng trước và được xác định trước khi sản xuất bắt đầu. Nhà tư bản thuê một công nhân với giá 1 USD/ngày hay 1 USD/sản phẩm thì cái lượng đó phải được tính toán và cố định trong hợp đồng trước khi bắt đầu sản xuất, ngay cả với lao động của bản thân nhà tư bản cũng vậy. Nếu nhà tư bản có 100 USD thì không có cách nào thuê lao động với giá trị 1000 USD. Giá trị thặng dư lại là chuyện khác, nó không bị hạn chế bởi quy mô tư bản ứng trước và chỉ xác định được sau khi quá trình sản xuất đã kết thúc, tư bản ứng trước là 100 USD nhưng lợi nhuận hoàn toàn có thể là bất cứ con số nào 10, 100 hay 1000 USD thậm chí là âm.

4. Nói rằng nhà tư bản tính lương cho mình 1 USD/ngày nhưng sau khi vật hóa nó lại bán với giá 100 USD thì thật buồn cười vì anh ta tự lừa dối chính bản thân mình thôi. Ngược lại nếu giá trị lao động anh ta tạo ra là 100 USD và bán nó với 100 USD thì không có một mẩu giá trị thặng dư nào trong đó cả.

5. Quan niệm giá trị thặng dư là tiền công cao của nhà tư bản thường xuất hiện không phải ở tầng lớp chủ tư bản lớn, mà thường là từ những chủ cửa hàng nhỏ, nông dân hay thợ thủ công, những người thu được một tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận trung bình vì khoản lợi nhuận đó thường bao gồm cả tiền công của anh ta nữa.

6. Xã hội đã chứng minh cái quan điểm tầm thường ấy là sai lầm bằng một cách rất đơn giản: Chính các vị giám đốc khả kính, chuyên gia sáng tạo, nhà khoa học đầy trí tuệ cũng đã trở thành người làm thuê, sau khi trả lương cho họ thì nhà tư bản vẫn còn một khoản giá trị thặng dư kếch xù đút túi. Tất nhiên các vị đầy trí tuệ khả kính và sáng láng ấy vẫn hoàn toàn có thể kêu lên rằng: Nhà tư bản vẫn bỏ lao động trí óc ra đấy, còn chúng tôi giờ chỉ là những con lừa kéo cối xay.

Cập nhật ngày 24/04/2017:

Một ví dụ đơn giản về sản xuất của nhà tư bản: (100c+20v)+20m=140

Nếu coi 20m là tiền lương quản lý của nhà tư bản thì sẽ trở thành (100c+20v+20v')=140.

7. Ở đây rút ra vài điều:

7.1. Nhà tư bản bán sức lao động cho chính anh ta, điều này mâu thuẫn với khái niệm về hàng hóa (giá trị sử dụng cho người khác). Hãy thử nghĩ công nhân cũng bán sức lao động của bản thân cho chính họ!

7.2. Tiền lương là giá cả của sức lao động, tức là phải được ứng ra trước khi sản xuất và không phụ thuộc vào sản xuất, có nghĩa là sản xuất kiểu gì thì nhà tư bản cũng phải tự trả cho bản thân 20v'. Điều này mâu thuẫn với khái niệm giá trị thặng dư vì giá trị thặng dư do sản xuất tạo ra và không phụ thuộc vào tư bản ứng trước, không phụ thuộc vào quan hệ mua bán hàng hóa hay sức lao động.

7.3 Giá trị hàng hóa của nhà tư bản khi đó sẽ chỉ bao gồm giá trị tư bản ứng trước. Hãy nhớ lại công thức T-H...H'-T', lúc này H=H' do đó T=T'. Nếu mỗi nhà tư bản đều phải bán hàng hóa đúng với giá trị của nó thì giá trị thặng dư không tồn tại. Lợi nhuận biến mất, không có cạnh tranh, không có tư bản. Lúc này những người coi giá trị thặng dư là tiền công của nhà tư bản sẽ quay lại cái lập luận giá trị thặng dư=lợi nhuận= mua đắt-bán rẻ, tức là giá trị thặng dư là do sự bịp bợm sinh ra. Chúng ta có một mớ hỗn loạn các nhà tư bản ăn lương và bịp bợm để đánh cắp tiền vốn của nhau!

7.4 Việc coi tiền giá trị thặng dư là tiền lương của nhà tư bản đã làm giảm cấu tạo hữu cơ, từ 5:1 xuống còn 5:2. Điều này có nghĩa là thay vì cải tiến công nghệ sản xuất thì người ta hạ cấp công nghệ sản xuất. Nhà tư bản sẽ có xu hướng tự mình làm việc nhiều hơn để nhận được tiền lương cao hơn. Phần C sẽ ngày càng nhỏ đi còn phần V sẽ ngày càng lớn lên. Điều này trái ngược với chính sự vận động của nền sản xuất tư bản. Máy móc công nghệ sẽ dần biến mất và nhường chỗ cho một nhà tư bản cu li!

43 comments:

  1. Chào bác Nỡm,

    KHXH cũng là 1 ngành khoa học như các môn KHTN. Triết học - KTCT Marx cũng là 1 môn KH. Vậy tại sao các môn KHTN người ta dc học từ thấp đến cao, từ cơ bản đến phức tạp còn môn Marx học thì ngay từ đầu lại ôm nguyên mảng lý luận cao cấp vào dạy. Bảo sao chả có mấy ai đĩnh ngộ được?

    Vậy em xin "đặt hàng" bác các vị nghiên cứu về Marx, chia sẻ kiến thức của mình về KH Marx bằng cách lượng hóa môn này 1 chuỗi các món từ cơ bản (như học đếm trong toán học) đến mức "phổ thông trung học" để phổ cập cho XH.
    Bác thấy sao ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khoa học xã hội không có lịch sử của riêng mình, lịch sử của nó là lịch sử phát triển xã hội. Các ngành khoa học xã hội Marx-Lenin được đúc kết từ phong trào vô sản nên hoàn toàn không có gì là khó hiểu đối với giai cấp vô sản cả, chính Marx đã cho biết là giai cấp vô vản hiểu quyển "Tư Bản" của ông còn hơn cả các giáo sư đại học chuyên nghề nghiên cứu.

      Hiện tại các nước phương Tây trong trường đại học, họ giảng dạy và nghiên cứu kinh tế chính trị cũng như triết học Marxist rất phổ biến. Mình đọc rất nhiều tài liệu của họ thì thấy nội dung cũng không khác gì nhiều so với giảng dạy ở Việt Nam. Thậm chí ví dụ như môn kinh tế học của phương Tây họ giảng dạy còn phức tạp hơn kinh tế chính trị Marx-Lenin nhiều, ngôn ngữ hầu như là toán học, người bình thường không mấy khi hiểu được các nhà kinh tế học nói gì.

      Có lẽ trong quá trình va chạm thực tế bạn đã gặp nhiều thành phần, nhiều người không hiểu hoặc cố không hiểu Marx và nghĩ rằng cần một cách giảng dạy đi từ đơn giản đến phức tạp để góp phần phổ biến chủ nghĩa Marx tốt hơn. Các tài liệu kiểu ABC ấy cũng rất nhiều. Song vấn đề là ở chỗ, chủ nghĩa Marx mang hệ tư tưởng, nó phản ánh hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, vì vậy bạn có cố phổ biến nó cho những người không đứng về phía giai cấp vô sản hoặc mang hệ tư tưởng khác bằng cách nào cũng vô ích. Bởi vì khi tiếp thu hệ tư tưởng ấy thì có nghĩa là họ tự sát về mặt giai cấp.

      Vì vậy hãy nhớ điều này, Marx viết hoàn toàn để cho những người vô sản ít học hành nhất trong xã hội hiểu được, họ hiểu được bởi đó là những quy luật chi phối cuộc sống của họ. Còn những giai cấp khác sẽ không bao giờ chịu hiểu môn khoa học đó đâu, cho dù bạn có làm gì đi nữa.

      Nếu bạn quan tâm đến việc phổ biến chủ nghĩa Marx-Lenin thì hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của Marx: "Vấn đề không phải là giải thích thế giới mà là thay đổi thế giới". Marx đã tạo ra một công cụ tuyệt vời và bạn có thể dùng công cụ đó để thay đổi thế giới.

      Delete
  2. Em muốn hỏi anh một câu hỏi hơi ngây ngô thế này.

    Một bác nông dân làm ra một cái bắp cải, bác ý bán với giá 5K (5 nghìn đồng). Người đi buôn mua lại với giá 5K, rồi mang lên Hà Nội bán với giá 10K. Như vậy là trong phần dôi ra đó có giá trị thặng dư ạ? Và vẫn có thể coi đó là bóc lột giá trị thặng dư, và bác nông dân chẳng hiểu tại sao mình bị gọi là bị bóc lột?

    Ngoài ra, nếu người khác mua về, lại tiếp tục bán tiếp với giá 15K, thì trong đó lại có giá trị thặng dư. Như vậy giá trị thặng dư không có con số cố định? Và chỉ "dừng" khi hàng hóa được tiêu dùng?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Việc mua và bán không thể tạo lợi nhuận hay giá trị thặng dư được. Xét trên góc độ trừu tượng thì người mua cũng là người bán, ai cũng phải bán để mua, không ai chỉ mua mà không bán hay ngược lại.

      Quay về ví dụ của bạn, người nông dân bán bắp cải 5k để mua những thứ khác với 5k. Những người khác muốn mua bắp cải thì phải bán hàng hóa khác cho người nông dân với giá 5k để có tiền. Nếu họ bán hơn 5k thì nông dân không mua được, nếu bạn họ bán dưới 5k thì họ sẽ không đủ tiền để mua bắp cải.

      Nếu ai đó bán được bắp cải với giá 15k, thì đó là giá trị của cây bắp cải, nhưng người nông dân chỉ bán cho nhà buôn với giá 5k thôi, do nông dân buộc phải nhường cho thương nhân 10k trong giá trị của cây bắp cải, đó là điều kiện cần thiết để thương nhân tồn tại. Trong nền kinh tế tư bản thì lợi nhuận tương ứng với số lượng tư bản, thế nên khoản chênh lệch 5k, 10k là do quy mô tư bản của thương nhân bỏ vào lưu thông quyết định, quy mô càng lớn thì phần chênh lệch càng lớn.

      Vấn đề này được giải thích rất rõ trong chương 1 quyển 1 của bộ Tư Bản.

      Sau này đọc đến chương 9 quyển 3 bộ tư bản thì bạn sẽ thấy rất rõ là tổng giá trị hàng hóa, tổng giá trị thặng dư được xác định trước. Các thành phần như nhà tư bản, thương nhân hay chủ ngân hàng chia nhau cái khối lượng giá trị thặng dư đã được tạo ra đó thôi, họ không thể làm tăng thêm tổng khối lượng giá trị thặng dư nhờ buôn bán hay cho vay được, nhưng một số người trong bọn họ vẫn có thể chiếm lấy phần lớn hơn so với những người còn lại.

      Ngay cả ví dụ của bạn cũng cho thấy bạn đang nhầm lẫn giữa nền sản xuất hàng hóa nhỏ dựa trên lao động cá nhân và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên lao động làm thuê.

      Delete
    2. Em cám ơn anh rất nhiều, giải thích của anh hay quá. Tóm lại là muốn có thể học được cách lý luận giống anh thì trước tiên phải đọc bộ Tư bản của Các Mác vậy. Có gì khó khăn, thi thoảng em lại hỏi anh nhé :D

      Delete
  3. Em chào anh,

    Em đọc lại một ít kiến thức và thấy sáng tỏ hơn nhiều rồi ạ. Bây giờ thì em hiểu là người buôn bán có thể có lợi nhuận, nhưng đấy không phải là giá trị thặng dư, mà số người buôn bán trong xã hội cũng đông, nên hiểu nhầm thì đúng là điều bình thường thật.

    Em muốn hỏi về vấn đề khủng hoảng chu kỳ. Mác chia kinh tế tư bản thành hai khu vực I và II: khu sản xuất tư liệu sản xuất và khu sản xuất tư liệu tiêu dùng. Sự mất cân đối giữa hai khu này sẽ dẫn tới khủng hoảng, và nền kinh tế TBCN thì không có khả năng điều chỉnh.

    Tuy nhiên, em thắc mắc là nhà nước tư sản vẫn có khả năng điều tiết bằng chính sách, bằng cách chi tiền kích thích, bỏ vốn ra đào tạo nhân lực v.v. Vậy vì sao họ vẫn không thể chống được khủng hoảng chu kỳ?

    Hai là, nhà nước như VN, do ĐCS lãnh đạo, thì có khả năng chống được khủng hoảng không ạ? Hay là ... còn phải nghiên cứu :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lợi nhuận thương nghiệp của thương nhân cũng được rút ra từ tổng giá trị thặng dư của nền sản xuất.

      Khủng hoảng kinh tế có hai phần, phần thứ nhất là mất cân đối giữa các khu vực sản xuất, còn phần thứ hai là do tỷ suất lợi nhuận bình quân tụt xuống quá thấp.

      Khủng hoảng chu kỳ là tất yếu của chủ nghĩa tư bản, giống như người ta hít vào mãi thì cũng phải thở ra vậy, nên không thể chống được. Các nước tư bản cũng cho rằng khủng hoảng chu kỳ không chống được, chỉ có thể tìm cách sống chung với nó. Nhà nước tư bản giờ cũng chỉ cố gắng tìm cách làm giảm nhẹ thiệt hại của khủng hoảng kinh tế thôi, họ không có cách nào ngăn chặn nó.

      Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường theo kiểu tư bản (dựa trên chế độ lao động làm thuê) thì cũng sẽ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, không có cách nào tránh được và cũng không chống được. Hiện giờ nền kinh tế Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai, nên sự khủng hoảng chưa rõ nét và chưa có tác động lan tỏa lớn, song điều đó không có nghĩa là Việt Nam tránh được khủng hoảng.

      Vấn đề căn bản mà Marx khẳng định là nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đi liền với khủng hoảng, muốn không có khủng hoảng nữa chỉ có một cách duy nhất là tổ chức nền sản xuất theo kiểu khác.

      Delete
    2. em cám ơn anh ạ. À, như vậy là trước kia các nước theo chế độ cộng sản đã nghĩ một cách khác tổ chức nền sản xuất, nhưng thất bại.

      Delete
  4. Em chào anh ạ,

    Em muốn hỏi thêm là tỷ số m/v trong sản xuất TBCN (m = giá trị thặng dư, v = tư bản khả biến, hay tiền công cho sức lao động) càng to thì càng tốt ạ? Nếu một nhà TB chỉ có được m/v nhỏ hơn những nhà TB khác thì chuyện gì sẽ xảy ra với công việc sản xuất của nhà tư bản này ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái đó được Marx gọi là tỷ suất giá trị thặng dư, đối với nhà tư bản thì tỷ suất giá trị thặng dư càng cao thì càng tốt. Tỷ suất giá trị thặng dư cao là nhờ năng suất lao động của khu vực sản xuất tư liệu sinh hoạt cao hơn so với năng suất lao động trung bình của xã hôi.
      Nếu hai nhà tư bản có cấu tạo hữu cơ như nhau mà một người có tỷ suất giá trị thặng dư cao hơn thì điều đó có nghĩa là nhà tư bản có tỷ suất giá trị thặng dư thấp hơn đang quản lý tồi hơn. Tỷ suất lợi nhuận của ông ta sẽ thấp hơn, không thể cạnh tranh được với nhà tư bản kia, tức là sẽ phá sản.

      Delete
    2. vâng ạ, em cám ơn anh.

      Như vậy, ở nước ngoài, mặc dù lương cao, nhưng tỷ suất giá trị thặng dư vẫn cao hơn các nước như VN, tức là họ vẫn bị bóc lột nhiều sức lực hơn ạ? Ở chỗ này đôi khi em cứ cảm thấy mâu thuẫn. Rõ ràng nhiều người thích sang Tây ở, hay là chỉ là lớp những người kiểu Tiến sĩ, Giáo sư, chứ còn làm công nhân ở các công ty thì mệt hơn ở VN?

      Delete
    3. Bạn cứ nghĩ đơn giản thế này: Các nước phát triển có năng suất lao động bình quân và năng suất lao động sản xuất tư liệu sinh họat cao hơn ở Việt Nam, cuộc sống do đó sẽ dễ chịu hơn. Phần lớn vấn đề Việt Nam gặp phải là do lực lượng sản xuất của Việt Nam vẫn chưa đạt được mức phát triển cao.

      Một ông vua thời xưa rất giàu có so với một người nghèo hiện đại, nhưng một người nghèo hiện đại có tiện nghi cuộc sống mà ông vua thời xưa không bao giờ mơ được. Tất cả những tiện nghi hiện đại có được là nhớ sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, chứ không phải là do sự giàu có.

      Delete
    4. Vâng ạ, ví dụ của anh khá dễ hiểu rồi ạ :)) Em cám ơn anh nhiều.

      Delete
  5. Có câu hỏi này em khá băn khoăn, em muốn hỏi anh tẹo: lao động của người quản lý công nhân, hay lao động của trí thức, của giáo viên, của khu vực dịch vụ ... có tạo ra giá trị thặng dư không ạ? Và nếu xếp vào các giai cấp thì những người lao động này thuộc giai cấp nào ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không. Các lĩnh vực dịch vụ đều không tạo ra giá trị, trừ dịch vụ vận tải. Lao động quản lý và giáo viên không tạo ra giá trị, họ được trả công bằng một phần giá trị thặng dư mà công nhân tạo ra để đảm nhiệm một phần chức năng của nhà tư bản. Chính vì vậy tầng lớp này luôn gần gũi với giai cấp tư sản. Thế giới hiện đại gọi họ là công nhân cổ trắng, còn hồi xưa gọi là công nhân quý tộc. Họ gần với về giai cấp tiểu tư sản hơn là giai cấp công nhân.

      Delete
    2. Em cám ơn anh ạ. Em muốn hỏi thêm:

      1. Thế những người làm lập trình viên, họ ngày đem gõ code rồi ghép lại thành phần mềm và công ty có thể đem bán, vậy có thể gọi họ là công nhân được không ạ?

      2. Như vậy là giai cấp vô sản xét về số lượng lại có vẻ nhỏ bé so với giai cấp hữu sản?

      Delete
    3. 1. Có, phần mềm là một dạng công cụ lao động, coder là công nhân sản xuất ra công cụ lao động.

      2. Trên thế giới thì giai cấp công nhân rất đông đảo so với giai cấp hữu sản, nhưng không phải bộ phận công nhân nào cũng tham gia vào quá trình tạo giá trị. Ở Việt Nam thì đông đảo nhất là nông dân, một dạng giai cấp hữu sản, nhưng gắn liền với nông nghiệp và nông thôn.

      Delete
    4. vâng ạ, em cám ơn anh nhiều. Anh có biết chỗ nào (website) thống kê số lượng công nhân uy tín một chút, ví dụ giai cấp công nhân Hoa Kỳ chẳng hạn. Em có thể dùng google được, tuy nhiên em không dám chắc về từ khóa để tìm.

      Delete
    5. Em xin lỗi là em vẫn muốn hỏi thêm câu này :))

      Ví dụ: hiệu trưởng của một trường tư nhân (như trường mầm non, trường phổ thông) bỏ tiền ra trả công cho giáo viên chăm sóc trẻ, và thu được lợi nhuận. Vậy thì giáo viên của trường đó cũng nên tính là công nhân chứ nhỉ? Nếu không thì lợi nhuận này cần phải hiểu là như thế nào ạ?

      Delete
    6. 1. Đây là trường hợp của lợi nhuận thương nghiệp, tư bản ứng trước không tham gia vào quá trình tạo ra giá trị mà được bù đắp bằng giá trị thặng dư từ khu vực khác nhường lại.
      2. Giáo viên bất kể công tư hầu hết đều là người làm thuê, song họ không được xếp vào giai cấp vô sản. Do các điều kiện quan hệ sản xuất đặc thù nên họ luôn chịu sự chi phối cũng như gắn liền với giai cấp tư sản.

      Delete
    7. vâng ạ, em cám ơn anh nhiều. Nếu có thể thì lúc nào anh có thể tìm (và đăng lên blog anh nếu có thể) một vài số liệu về giai cấp công nhân được không ạ?

      Delete
  6. cho e hỏi tí ạ!!!
    nếu e là nhà tư bản... bị buộc tội bóc lột sức lao động của công nhân thì e sẽ phản ứng như thế nào???

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trích dẫn ông Marx rằng: trước khi nhà tư bản muốn bóc lột giá trị thặng dư thì phải tổ chức sản xuất, thúc đẩy công nhân tạo ra giá trị thặng dư đã. Vì vậy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong một giai đoạn nhất định của lịch sử thì đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng xuất.

      Nói thêm: Vấn đề chủ yếu mà Marx đã chỉ ra là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nhưng cũng không ngừng phải phá hủy những của cải vật chất đã tạo ra để duy trì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bề ngoài là các cuộc khủng hoảng chu kỳ, hàng hóa ế thừa, lao đông, đất đai, nhà cửa, máy móc phải bỏ hoặc phá hủy đi. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì sự phá hoại đối với xã hội càng lớn. Sâu xa hơn là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không hiệu quả không còn thích hợp với xã hội nữa.

      Thế nên các đại biểu của giai cấp tư sản thường lảng tránh sự thật không thể chối cãi ấy để xoáy vào vấn đề bóc lột. Họ mưu toan một chiến lược biện hộ. Đầu tiên là gán toàn bộ học thuyết của Marx thành vấn đề bóc lột, sau đó bác bỏ vấn đề bóc lột để bác bỏ học thuyết của Marx, hoặc phỉnh phờ rằng vấn đề bóc lột có thể giải quyết bằng cách phân phối lại thu nhập và như thế là chủ nghĩa tư bản hoàn toàn có thể tồn tại bình thường.

      Delete
  7. cho mình hỏi tí nha
    các biện pháp quản lí lao động của tư bản hiện nay có gì khác với thời đại tân kì không. cảm ơn

    ReplyDelete
  8. em chào a
    e hỏi a một câu
    nếu nhà tư bản trả công cho người lao động bằng hoặc cao hơn hàng hóa sức lao động thì có còn bóc lột giá trị thặng dư hay ko?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái này Marx đã giải thích rồi, nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư ngay cả khi trả đúng giá trị của sức lao động vì giá trị của sức lao động và giá trị hàng hóa do lao động đó tạo ra là hai thứ khác nhau. Còn trả cao hơn thì bạn lại đặt vấn đề sai, vì mua bán trên thị trường dựa trên nguyên tắc đúng giá trị của hàng hóa.

      Delete
  9. Anh ơi em có thắc mắc một tí thế này. Trong quyển một của bộ Tư Bản thì Marx có nhắc tới rằng chức năng giám sát quản lí của Nhà Tư Bản là một loại lao động đặc thù để chỉ huy quá trình sản xuất của người lao động cũng như là đảm bảo cho lợi ích của họ, như vậy thì có thể tính lao động giám sát quản lí là một loại lao động được trả công theo quy luật giá trị không ạ ? Và những người được trả công để làm thay việc quản lí lao động cho nhà tư bản và lương trả thấp hơn so với lao động bỏ ra thì có thể cho rằng nhà Tư Bản đã bóc lột giá trị thặng dư của những người này hay không ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lao động làm chức năng của tư bản cũng là lao động được trả lương theo quy luật giá trị, song cần chú ý là tiền lương của loại lao động này không nằm trong tư bản khả biến mà được trích ra từ giá trị thặng dư, do loại lao động này không tạo ra giá trị. Bạn có thể xem thêm phần Marx viết về tư bản thương nghiệp để hiểu loại lao động đó. Họ cũng bị bóc lột, nhưng khác với công nhân, do lao động của họ không tạo ra giá trị (và do đó là giá trị thặng dư) mà chỉ giúp cho việc tạo ra giá trị thặng dư. Nhà tư bản bóc lột họ theo nghĩa sử dụng họ để thúc đẩy việc tạo ra giá trị thặng dư càng lớn càng tốt, điều đó có nghĩa là thay vì hỗ trợ, giúp đỡ và phối hợp công nhân trong quá trình sản xuất thì những người đó sẽ được dùng để chống lại công nhân. Chính đặc tính ấy của tầng lớp lao động làm thuê thực hiện các chức năng của tư bản khiến họ thường xuyên thù địch với người lao động làm thuê, mặc dù họ cũng là người lao động làm thuê.

      Ở những nơi mà tỷ suất lợi nhuận cao thì họ nhận được tiền lương cao, còn nơi tỷ suất lợi nhuận thấp thì họ nhận được tiền lương thấp, điều đó làm sai lệch cái giá trị sức lao động của họ đi, gây ra cái ảo tưởng là tiền lương của họ chỉ phụ thuộc vào tỷ suất lợi nhuận mà thôi. Mặt khác, chính họ lại làm chức năng tư bản, thúc đẩy việc tạo ra giá trị thặng dư (tức là lợi nhuận). Khi ấy cái huyền thoại về tầng lớp trung lưu là trụ cột cho sự giàu có của quốc gia hình thành.

      Delete
    2. Như vậy thì ở một số tư sản vừa và nhỏ thì khi họ tham gia trực tiếp vào việc quản lí, họ thu được một khoản lợi nhuận lớn hơn so với những nhà tư sản khác thuê người khác về làm thay một bộ phận công việc giám sát quản lí đúng không ạ ?

      Dạo gần đây có một số luận điểm cho rằng Marx đã không tính "công" của các nhà tư sản dù họ đã "đóng góp" cho xã hội bằng cách tạo ra việc làm, bỏ vốn để tạo nên sư phát triển chung, ... (thực ra chính những việc như vậy lại gây nên sự phá hoại cho xã hội),từ đó một bộ phận những người tìm hiểu Marx đưa ra luận điểm cho rằng Marx cũng đã tính công cho nhà tư sản và tiền công đó nằm trong tư bản khả biến. Em thì không quan tâm lắm tới những luận điểm chống Marx nhưng về phần những người có hiểu biết về kinh tế chính trị Marxism lại cho rằng nhà tư sản có tiền công và tiền công đó nằm trong tư bản khả biến, như vậy điều này không chính xác phải không ạ ? Qua tìm hiểu của em thì Marx vẫn cho rằng công việc giám sát quản lí của nhà tư sản là một loại lao động trừu tượng có ảnh hưởng trong quá trình sản xuất, mà nếu là lao động thì có lẽ họ cũng phải có "công" đúng không ạ ? Hay là "công" ở đây lại chính là giá trị thặng dư họ kiếm được lớn hơn khi họ quản lí quá trình sản xuất hiệu quả hơn ? Em chỉ có 3/4 quyển I, 2 phần cuối là phần 7 và phần 8 em lại không có nên nhiều điểm em chưa hiểu rõ, mong được anh chỉ giáo ạ :D. Em cảm ơn anh ạ.

      Delete
  10. Các nhà tư bản nhỏ buộc phải tự làm lấy công việc quản lý vì lợi nhuận của họ không đủ lớn để thuê người quản lý thôi.

    Nếu nhà tư bản cũng tự mình làm việc như công nhân thì anh ta cũng nhận được tiền công như công nhân, cũng lấy từ tư bản khả biến và nhờ thế mà anh ta tiết kiệm được phần tư bản khả biến ứng trước cho công nhân mà anh ta thay thế. Song bi kịch là ở chỗ, khi làm như vậy thì anh ta cũng mất toi khoản giá trị thặng dư có thể kiếm được. Mục tiêu của nhà tư là giá trị thặng dư chứ không phải tiền công. Do đó, cái hiện tượng mà bạn thấy không bao giờ là phổ biến, nó luôn giới hạn ở những nhà tư bản nhỏ thiếu vốn và những anh chàng tiểu tư sản hà tiện.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ em cảm ơn anh. Vậy còn vấn đề về tiền "công" của các nhà tư sản thì có thể hiểu thế nào ạ ?

      Delete
    2. Mình đã nói rõ rồi. Nếu nhà tư bản lao động như công nhân thì anh ta cũng nhận được tiền công từ tư bản khả biến song phần tư bản khả biến đó sẽ không mang lại giá trị thặng dư. Còn khi nhà tư bản lao động thực hiện chức năng của tư bản thì anh ta không có tiền công mà thu được giá trị thặng dư. Anh ta không thể vừa có giá trị thặng dư vừa có tiền công được vì anh ta không thể cùng lúc thực hiện cả hai vai trò.
      Việc một số nhà tư bản nhỏ cũng tham gia lao động như công nhân chỉ là hiện tượng cá biệt, không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Nói tóm lại, khi nhà tư bản thực hiện chức năng của tư bản thì cho dù anh ta có lao động cực nhọc đến đâu thì lao động đó cũng không tạo ra giá trị và cũng không có một xu tiền công (tư bản khả biến) nào cả.

      Delete
  11. Anh ơi cho em hỏi
    Có khi nào giá trị thặng dư âm không ạ?

    ReplyDelete
  12. Giá trị thặng dư nói chung không có âm, nhưng một doanh nghiệp hay một nhà tư bản cụ thể thì có thể âm.

    ReplyDelete
  13. Anh hay chú ơi cho em hỏi ạ, David Beckham thì thuộc giai cấp nào? Bóng đá có được xếp vào sản xuất hàng hoá không(hàng hoá dịch vụ, hàng hoá vô hình ý ạ). Em cảm ơn ạ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. David Beckham thuộc giai cấp tư sản vì anh ta có mức thu nhập với mức sống cao. Bóng đá thuộc lĩnh vực dịch vụ, không phải sản xuất hàng hóa.

      Delete
  14. Em thường hay nghe mấy cái lập luận kiểu : "nhà tư bản làm nhiệm vụ quản lí các quản lí cao cấp nhất và quyết định luôn cả việc sản xuất của cả hệ thống, và họ phải chịu rủi ro nên họ xứng đáng nhận lợi nhuận như một loại tiền công của xã hội". Em cảm thấy lập luận này không ổn. Rõ ràng là giá trị thặng dư sau sản xuất thuộc về nhà tư bản hết, nhưng khi họ thuê giám đốc hay chuyên gia sáng tạo về thì hầu hết các lao động giám sát hay lao động xây dựng chiến lược đã gần như là hoàn tất, chỉ còn công đoạn xem xét phê duyệt, nhưng những người này lại nhận được đại lượng giá trị thặng dư lớn hơn rất nhiều so với các lao động làm thuê cao cấp, vì thế em cảm thấy nếu gttd là tiền công cho lao động xứng đáng của nhà tư bản thì nó chẳng hợp lí chút nào, còn cái rủi ro kinh doanh thì thuộc về phạm trù sử dụng tài sản cá nhân của họ, nếu họ thành công thì đó là họ quản lí tài sản tốt chứ không phải là một loại công lao gì đó rất có ích cho xã hội để được xã hội "trả công". Em thấy như thế nhưng em lại không có đủ kiến thức xã hội để kể kết luận, vì em chưa làm việc như quản lí cao cấp bao giờ ... Anh thấy điều đó thế nào ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu chưa đủ thì phải học thôi, còn vấn đề đã được trao đổi nhiều ở phía trên rồi, bạn cứ đọc lại là sẽ rõ.

      Nếu ai vẫn tuyên bố Marx không tính công cho nhà tư bản thì bạn cứ mời họ xem "Tư Bản" Quyển IV: Các Học Thuyết Về Giá Trị Thặng Dư và cụ thể là Phần III ở mục "[4. The Process of Ossification of the Converted Forms of Surplus-Value and Their Ever Greater Separation from Their Inner Substance—Surplus Labour.  Industrial Profit as “Wages for the Capitalist”]".

      Sau cùng, nếu bạn vẫn cứ băn khoăn về việc giá trị thặng dư có phải là tiền lương của nhà tư bản không thì bạn cần phải học kỹ lại những khái niệm cơ bản và tập cách lập luận với những khái niệm cơ bản đó.

      Delete
    2. Em cảm ơn anh vì đã giới thiệu quyển sách ạ, trước giờ em lại không biết rằng Marx có quyển IV của bộ Tư Bản :D. THực ra em đang tìm cách phân tích từ chính thực tế cuộc sống rằng lập luận "tiền công của nhà tư bản" là sai, nhưng kinh nghiệm sống lại hơi kém, nên em chẳng biết phải tìm như thế nào, chỉ dựa vào một ít hiểu biết sẵn có thôi ạ. Lúc nãy trong lúc có bàn luận với đứa bạn thì em có nghĩ qua một cách để chứng minh lập luận đó sai bằng cách lấy ví dụ về những lãnh đạo cao cấp của các tổ chức dù toàn quyền chỉ đạo tổ chức đó nhưng lại không nhận được tiền lương lớn, như chính quyền nhà nước hay các chức vụ quản lí hợp tác xã :D.

      Delete
    3. Mấy cái lập luận kiểu đó là mắc bẫy của đối phương, chẳng đi đến đâu. Mấu chốt của mọi cuộc tranh luận là xuyên tạc những khái niệm cơ bản, nếu bạn không vững khái niệm cơ bản thì chỉ có chạy theo những xuyên tạc của đối phương, họ sẽ khiến bạn phát điên vì những thứ ngớ ngẩn mà chẳng biết bác bỏ bằng cách nào.

      Ví dụ, bây giờ thay vì chỉ chăm chăm bác bỏ cái luận điểm lao động của nhà tư bản tạo ra giá trị thì bạn hãy áp cái lập luận đó vào công nhân. Sức lao động cũng là hàng hóa, để có hàng hóa thì phải sản xuất ra, tức là người công nhân cũng phải tổ chức sản xuất ra sức lao động của bản thân, trong đời sống hiện đại thì việc sản xuất ra sức lao động ngày càng tốn kém và cần nhiều chuyên môn. Vậy người công nhân sẽ bán sức lao động và tính vào đó cả tiền công của anh ta cùng với vợ con và anh em bạn bè của anh ta nữa? Mặt khác việc bán sức lao động cũng rủi ro hệt như bán mọi hàng hóa khác, tức là có thể không bán được, vậy anh ta phải tính cả rủi ro của việc bán hàng vào giá trị sức lao động không? Bạn sẽ thấy tất cả những điểm đó vô cùng nhảm nhí, chủ hàng hóa không thể vừa bán hàng hóa vừa tính tiền công cho mình vào đó được.

      Mọi lập luận về nhà tư bản đều áp được vào công nhân vì trên thị trường công nhân cũng là người bán hàng hóa như nhà tư bản.

      Mọi thứ đều phải quy được về các khái niệm cơ bản, khi đó bạn mới sử dụng logic được, còn không có thể suy luận và mở rộng bất cứ thứ gì. Hãy lưu ý, đây mới chỉ là mức độ hết sức cơ bản.

      Delete
  15. Cho em hỏi có ý kiến nói giá trị thặng dư mà nhà tư bản được hưởng là do công sức quản lí của nhà tư bản là đúng hay sai và vì sao ạk?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mong bạn vui lòng bỏ ra 5 phút đọc bài trước khi đặt câu hỏi.

      Delete