Thursday, October 24, 2013

Bản chất của phong trào dân chủ

Nếu nhìn vào những người tham gia vào phong trào dân chủ thì thấy phần lớn là những ông nguyên, bà cựu, trí thức, tiểu thương, chủ doanh nghiệp nhỏ, thị dân thành thị. Những người đó đại diện một thành phần trung gian trong xã hội, họ đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản, cái tầng lớp mà một mặt sở hữu tư bản nhưng mặt kia lại phải tự mình lao động kiếm miếng ăn. Thế nên một mặt họ mang đòi hỏi quyền sở hữu thiêng liêng phải được tôn trọng, nhưng phía bên kia thì họ lại ca ngơi sự thần thánh của lao động. Cửa hàng mặt phố của họ không ai được đụng tới, nhưng họ vẫn xun xoe với bất cứ viên cảnh sát nào để được lấn chiếm vỉa hè phía trước. Lao động của họ là thiêng liêng nhưng của con bé mười hai tuổi giúp việc lại là chuyện ban ơn của cho những kẻ nghèo khó. 

Sống trong cái trạng thái mà các lợi ích giai cấp khác nhau xoắn xít vào nhau, mài mòn nhau đi, điều đó làm cho họ ảo tưởng rằng dung hòa các giai cấp khác nhau, và vì thế họ đứng trên mọi đối kháng giai cấp. Những người dân chủ cho rằng đối lập với họ là một tầng lớp đặc quyền đặc lợi: những quan chức tha hóa, đám cảnh sát ăn hối lộ, doanh nghiệp nhà nước ăn bám. Họ cùng với bộ phận dân cư còn lại hợp thành nhân dân. Mặc dù nếu có cơ hội thì họ vẫn chạy chọt cho con mình một chân cán bộ địa chính xã để phục vụ nhân dân tốt hơn chứ không phải để kiếm tiền làm sổ đỏ. Mặc dù thỉnh thoảng họ có bạt tai con bé giúp việc mười hai tuổi vì tội chậm chân thì đó cũng chẳng phải là bạt tai nhân dân đâu, đó là dạy cho nó khôn ra thôi. Cái mà họ bảo vệ là quyền của nhân dân, chỉ có họ mới là đại diện chính đáng cho lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy nên khi đấu tranh với tầng lớp đặc quyền đặc lợi họ không cần phải biết tới tình cảnh và lợi ích, tâm tư, nguyện vọng cũng như sức mạnh khác nhau của các giai cấp khác nhau trong xã hội. Chiến sĩ dân chủ hôm trước có thể tuyên bố không muốn chung vai sát cánh với đám dân kiện cáo đất đai ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng vì đám đó chỉ cần kiện xong là về nhà, không quan tâm gì đến dân chủ nhân quyền, thì hôm sau chính họ sẽ chường mặt ra đó chụp ảnh với dân oan và hùng hồn tuyên bố với chiến hữu rằng ai chưa gặp dân oan thì chưa thấu hiểu hết tình trạng bi thảm của nhân dân. Họ cũng không cần phải xem xét các phương tiện phục vụ cho hoạt động của bản thân bởi vì lời nói của họ là chân lý của nhân dân, mà chân lý của họ chỉ cần có cái laptop made in china là phát tán được ngay, khi chân lý được đưa ra thì tất cả mọi người phải nghe theo. Nhân quyền là thiêng liêng, tổ quốc là thiêng liêng, tự do là thiêng liêng, dân chủ là thiêng liêng, thế nên cấm chỉ trích người yêu nước cho dù người yêu nước có bán hàng "Made in Vietnam" nhưng nhập từ Trung Quốc, cho dù người yêu nước có mặc áo phông in chữ "No_U" nhưng vải may áo được dệt ở Thâm Quyến! Họ cho rằng chỉ cần xông ra đường hô khẩu hiệu "Tự do", Dân chủ", "Nhân quyền", "Tổ quốc" là nhân dân sẽ đi theo họ, trăm người rồi nghìn người, rồi hàng triệu người sẽ cùng nhau nhảy bổ vào đám áp bức trong một cuộc cách mạng sắc màu rực rỡ có đài BBC tường thuật trực tiếp.

Nhưng hóa ra lợi ích của họ chẳng được ai quan tâm đến, họ vẫn phải nhọc công đi block những comment chỉ trích họ mỗi ngày, vẫn miệt mài gửi thư đề nghị này nọ có thu thập chữ ký hay đơn tố cáo khẩn cấp mà chẳng ai thèm quan tâm, vẫn ồn ào về những vụ áp bức nóng hổi trên báo chí mà phần lớn sau đó được phát hiện là bị tường thuật sai lệch. Họ vẫn xông ra đường, nhưng số lượng ngày càng giảm đi. Lực lượng của họ cứ rơi rụng dần vì trốn thuế hay quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên mà có lẽ là không xài tới hai bao cao su. Sau mỗi hoạt động vớ vẩn nào đó thì việc đầu tiên mà họ làm là quay ra chửi bới cãi vã lẫn nhau thậm chí còn hăng hái hơn đấu tranh cho dân chủ, kẻ nào cũng coi chân lý thuộc về mình. Những người hùng dân chủ của họ vẫn trả lời khoa trương ầm ĩ trên báo nước ngoài về sự những chiến công mà phần lớn là tự tưởng tượng ra và được tô điểm bằng đủ các trò láu cá câu view kiểu showbiz. Tất cả những thất bại ấy đều là tại bọn dư luận viên đã chia rẽ họ với nhân dân, là do dân trí quá thấp nên không hiểu quyền của mình thậm chí không hiểu được hiểm họa bá quyền Trung Hoa nguy hiểm chừng nào.

Cùng lúc ấy, cách nửa vòng trái đất, trong những tiệm móng tay, tiệm cafe Lú, những công dân Mỹ gốc Việt đang mơ màng chợt nhớ rằng rằng có lúc mình từng là nghị sĩ, tướng tá, bộ trưởng thế mà giờ đây đang làm part-time job và ăn trợ cấp xã hội. Họ lật đật mở mạng Palktalk tìm chiến hữu cũ để trút bầu tâm sự thì bắt gặp ngay một đám kêu gào dân chủ nhân quyền từ quê nhà nghèo đói USD. Thế nên phải cấp tốc hòa giải dân tộc, để lực lượng yếu đuối trong nước được tiếp thêm sức mạnh từ những người con ưu tú đang xa xứ. Chỉ có những đứa con đang lưu vong ở xứ sở văn minh nhất thế giới ấy, nơi mà dân chủ và nhân quyền là giá trị phổ quát của toàn nhân loại được thực hành mỗi tuần bằng cách biểu tình chống cộng trước cửa hàng của những đứa nào mình ghét, mới có đủ USD và sức mạnh chân lý để vực dậy phong trào.

Dù sao thì người dân chủ vẫn cứ đứng về phe nước mắt, hôm nay họ đứng về phía những người dân oan mất đất, nhưng nếu ngày mai họ biết rằng đó là người nhà của những quan chức tha hóa được đưa ra để tạo sức ép buộc doanh nghiệp trả tiền bồi thường cao hơn thì họ vẫn sẽ đứng về phía dân oan đang than khóc. Dù sao thì lợi ích của nhân dân vẫn là tối cao. Dù sao những người dân chủ khi thất bại nhục nhã nhất thì vẫn ngẩng cao đầu bước đi với niềm tin ngây thơ rằng họ nhất định sẽ có ngày chiến thắng, không phải quan điểm của họ đã lạc hậu, không phải lực lượng của họ không đủ khả năng lãnh đạo xã hội, mà chân lý là chân lý và xã hội nhất định sẽ đi đến chỗ ấy. 

3 comments:

  1. Bài viết này và bài viết sau đó của bạn http://cunom.blogspot.com/2014/09/dan-chu-va-chuyen-che.html giúp mình hiểu hơn rất nhiều về bản chất các phong trào rận chủ này.

    Mình có một tò mò là bạn tham khảo tài liệu nào vậy? Cụ thể là bạn có sử dụng việc chuyển đổi của xã hội tư bản chủ nghĩa từ các thế kỷ trước tới bây giờ, và giải thích được quan điểm giáo dục. Điều này rất thú vị.

    Mình cũng muốn đọc các bài viết mô tả sự biến đổi của xã hội tư bản chủ nghĩa, thì nên tìm tài liệu nào nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mấy bài này là do tôi tự suy ngẫm và viết ra. Tài liệu thì tôi đọc rất nhiều, cả cũ cả mới và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu bạn muốn hiểu về sự biến đổi của xã hội tư bản thì trước hết cần nắm vững các tác phẩm của Karl Marx, F. Engel, và Lenin bản thân chúng đã mô tả rất rõ các quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản rồi. Bạn cũng có thể đọc thêm các tác giả đương đại, ví dụ như như Noam Chomsky và Edward S. Herman để hiểu các xu hướng mới của chủ nghĩa tư bản. Nhưng xin được nhấn mạnh là việc đọc các tác phẩm không thay thế được việc suy ngẫm của bản thân bạn, tự bạn phải xây dựng cho bản thân một quan điểm về xã hội và kiểm chứng nó qua đời sống xã hội.

      Delete