Tuesday, September 24, 2013

Uống trà đá chém gió chuyện thời sự thế giới

Tối mát giời, một đám thanh niên ngồi vỉa hè uống trà đá chém gió. Một đứa kể, chỗ tao có chuyện như thế này: 

Nhà nọ vợ chồng lục đục, ông chồng hay say rượu đánh vợ đánh con. Ông hàng xóm ngứa tai họp cả xóm lại bảo phải can thiệp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chớ cứ để nhà ấy mãi thế mất cái danh hiệu khu phố văn hóa thì bỏ đời. Sau nhà kia lại có chuyện ầm ĩ, ông hàng xóm liền kéo người vào can thiệp. Đầu tiên, ông ấy tẩn mấy đứa nhóc chết luôn tại chỗ, rồi hỏi vợ chồng nhà kia đã chừa chưa. Bà vợ thấy con tự nhiên bị chết đánh thì gào khóc rống lên, thế là ông hàng xóm liền đập tiếp cho ông chồng chết luôn. Bà vợ tự nhiên mất chồng mất con, khóc không nổi nữa. Ông hàng xóm ra về hoan hỉ thông báo với cả khu phố là bà mẹ và trẻ em đã được bảo vệ khỏi ông bố bạo lực.

Mấy đứa khác liền nhao nhao phản đối: Chuyện bịa là chắc! Đời đâu ra chuyện vô lý như thế được!

Đứa kể chuyện mới nói tiếp: Ấy thế mà có thật đấy nhé! Tụi mày thấy nước Mỹ hay lấy lý do bảo vệ nhân quyền để tấn công quốc gia khác không. Ví dụ như Iraq chẳng hạn, chả biết chế độ của Saddam vi phạm nhân quyền kiểu gì, nhưng kết quả của việc Mỹ và đồng minh trừng phạt chế độ Saddam là nửa triệu trẻ em Irag chết queo.

Mấy đứa khác lại nhao nhao phản đối: Bịa, làm gì có bằng chứng! Mỹ là nước văn minh nhất thế giới, đời nào lại làm thế!

Đứa kể chuyện liền rút phắt cái máy tính bảng ra chọc chọc, đây bằng chứng đây nhé.

Tháng 5 năm 1996, phóng viên đài truyền hình CBS Lesley Stahl hỏi bà Madeleine Albright đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về hậu quả của việc trừng phạt chế độ Saddam: "We have hear that a half a million children have died. I means, that more children than died in Hiroshima. And, you know, is the price worth it? 

Madaleine Albright liền trả lời: "I think this is a very hard choice, but the price-we think the price is worth it."

(Một đoạn trích từ quyển "The Politics of Genocide" của giáo sư kinh tế người Mỹ Edward S. Herman.)

Mấy đứa kia lại lao nhao: Nói tiếng Việt đi mày, bày đặt nói tiếng Anh ai hiểu được. 

Đứa kể chuyện mới thủng thẳng: Ông phóng viên hỏi bà đại sứ là "Tôi được biết có nửa triệu trẻ em đã chết, nhiều hơn cả số trẻ em chết ở Hiroshima. Theo bà thì cái giá đó có đáng không?". Bà đại sứ trả lời rằng "Tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn khó khăn-nhưng chúng tôi nghĩ cái giá đó là đáng".

Một đứa liền nói: Kinh khủng thật đấy, tao chưa bao giờ tưởng tượng được rằng điều đó lại có thật. Nửa triệu trẻ em chết thì dân xứ ấy coi như tàn mạt rồi. Nhân quyền cái gì nữa, gọi là diệt chủng mới đúng.

Đứa kể chuyện nói lớn: Mày lại sai rồi!

Cả bọn liền hỏi: Sai chỗ nào?

Đứa kể chuyện hỏi lại: Thế tụi mày so với ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cựu thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng, thì ai am hiểu và có uy tín để nhận xét về chính trị hơn?

Cả bọn trả lời: Tất nhiên là ông ấy hơn rồi!

Đứa kể chuyện nói: Ông Nguyễn Trung trong bài viết "Suy ngẫm về thời cuộc" bảo rằng dù có làm bất cứ điều gì thì "ngọn cờ dân chủ-nhân quyền mà siêu cường Mỹ đang giương cao" vẫn "phù hợp với khát vọng chung của thời đại" và "có tác dụng hậu thuẫn ở mức nào đó khát vọng chung của thời đại". Cái "khát vọng chung của thời đại" ấy chính là "hòa bình, phát triển, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường".

Cả bọn im lặng hồi lâu. Trước lúc giải tán, một đứa nói: Từ lần sau tụ tập cấm lôi đề tài chính trị ra nhé, lợm giọng lắm, uống trà đà cũng không trôi.

No comments:

Post a Comment