Saturday, September 28, 2013

Ông bộ trưởng ở tù

Mới đây, ông Ksor Phước chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội có phát biểu: "Dân phạm tội 2 triệu thì đi tù, cán bộ mấy tỉ đồng lại án treo". Có lẽ ông quên mất chuyện từng có một ông bộ trưởng bị đi tù vì tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Chuyện ấy diễn ra đã lâu, từ thời Internet chưa phổ biến, nên giờ có lẽ ít người nhớ đến. Ông bộ trưởng ấy đi tù vì chót phê vào đơn tham gia đấu thầu của một doanh nghiệp là "Đề nghị thứ trưởng, nếu thấy đủ điều kiện thì cho tham gia đấu thầu".  

Đó là bộ trưởng bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, người trực tiếp chịu trách nhiệm về công trình đường dây 500 kV Bắc-Nam. Bài viết này sẽ không đề cập về tội trạng của ông bộ trưởng mà chỉ đề cập việc ông ấy phải ngồi tù ra sao.

Theo lời ông bộ trưởng kể lại thì một năm ông ấy phải ngồi tù có thủ tướng, phó thủ tướng và 28 bộ trưởng thứ trưởng vào thăm.

Ông Hải kể lại thời gian ở trong tù: "Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng bộ Nội vụ (nay là bộ Công an), vào kiểm tra trại giam và cho "giải phóng" một cái trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại, một nửa nằm nhô vào khu tập thể của cán bộ trại. Vì hàng ngày khách đến thăm tôi nhiều, thấy tôi tiếp khách trong phòng bất tiện nên anh em trong trại bố trí một phòng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Tôi tiếp khách không có công an ngồi kèm đâu. Nhưng phòng đó chỉ tiếp khách thường, còn từ thứ trưởng, bộ trưởng trở lên lãnh đạo bố trí tiếp ở phòng tiếp khách của trại"

Ông bộ trưởng cải tạo thì như sau: "Tôi vào trại nhưng ngày nào cũng tiếp khách. Thấy thế anh em họ cũng ái ngại, bàn đi bàn lại sau đó quyết định dọn bỏ một cái gara ô-tô để làm chuồng gà cho tôi chăn nuôi. Tôi bàn với vợ mua vài chục gà giống, thức ăn mang vào. Thế là hàng ngày tôi chỉ phải làm mỗi việc là nuôi gà. Cứ vỗ béo xong thì "anh em" trong trại lại mang bán.

Tôi bị án ba năm tù, thụ án được một năm mấy ngày thì được đặc xá. Thông thường, khi đặc xá thì mỗi phạm nhân phải viết bảng tường trình ghi lại nhận thức về quá trình cải tạo của mình nhưng tôi chỉ viết là "tôn trọng quy chế của trại, tích cực lao động...". Ngay như giờ sinh hoạt của phạm nhân họ cũng cho tôi miễn. Hôm ra trại, tôi mới hỏi ông Hân (giám thị): "Vì sao trong các buổi sinh hoạt chung của trại không thấy triệu tập tôi?". Ông Hân bảo: " Thì anh biết rồi còn gì". Tôi cười: "Thế tôi đơán nhé, khi sinh hoạt, các phạm nhân ngồi dưới đất, còn cán bộ trại ngồi trên ghế. Như thế, tôi sinh hoạt mà các anh để tôi ngồi trên ghế cũng khó mà ngồi dưới đất cũng khó". Thế là anh em cười. Nói chung, "anh em" đối xử với tôi rất tốt." 

Không biết là ông bộ trưởng có thấy những ưu đãi mà cán bộ trại dành cho ông tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian của họ. Chưa kể việc khách đến thăm ông toàn là lãnh đạo cao cấp của nhà nước cũng tạo ra rất nhiều áp lực cũng như xáo trộn đối với hoạt động hàng ngày của trại, chỉ đơn cử như việc thủ tướng đến thăm ông thôi thì "Khi thủ tướng đến, trại chưa cho anh em phạm nhân ra, Đến khi thủ tướng về thì anh em phạm nhân mới ra khỏi phòng".

Ông bộ trưởng chỉ ngồi tù có một năm, nếu lâu hơn nữa dưới những áp lực công việc như vậy, giả sử tôi là cán bộ trại giam thì tôi sẽ tìm cách chuyển ông sang trại khác hoặc không thì chính tôi cũng phải xin chuyển đi. 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang ra sức đấu tranh chống lại nạn tham nhũng cũng như làm trong sạch bộ máy lãnh đạo. Cuộc đấu tranh đó khi đi đến cùng thì ắt hẳn khả năng một số cán bộ lãnh đạo cấp cao bị tha hóa phải ngồi tù là không thể không đặt ra. Nhìn lại chuyện ngồi tù của ông bộ trưởng bộ Năng lượng thì thấy rằng việc các quan chức cấp cao ngồi tù, với văn hóa ứng xử còn nặng tình nặng nghĩa như ở xứ ta cũng không đơn giản chút nào, sẽ gây rất nhiều áp lực lên hệ thống trại giam và những con người đang hàng ngày hàng giờ phải làm việc tại đó. Họ cũng cần phải được chuẩn bị, được đào tạo, được đầu tư thích hợp để sẵn sàng thực hiện công việc của mình.

Tài liệu tham khảo:
20 năm những bài báo đổi mới _ Nhà Xuất Bản Trẻ - Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 2010; trang 359-363.


No comments:

Post a Comment