Thursday, October 11, 2012

Những mâu thuẫn trong chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam

Đất đai là vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam, hồ sơ các vụ khiếu kiện về đất đai tràn ngập các ban ngành liên quan. Những vụ chống đối thu hồi đất trở nên thường xuyên hơn, khắp các phương tiện thông tin đại chúng đâu cũng bàn về đất đai, phần lớn đòi bồi thường theo giá thị trường cho nông dân bị thu hồi đất. Tuy vậy chưa từng ở đâu nêu ra được bản chất của hiện tượng xung đột đất đai đó là gì, người ta thường chỉ đổ lỗi cho sự tham lam của một số quan chức chính quyền,  đất đai bị thu hồi từ nông dân với giá rẻ mạt được doanh nghiệp bán với giá cao ngất ngưởng tạo nên những ấn tượng xấu về mặt xã hội.

1) Mô tả quan hệ:

Để hiểu được xung đột về đất đai thì trước hết phải hiểu chế độ sở hữu đất đai của Việt Nam là chế độ sở hữu nhà nước vì nhà nước toàn quyền định đoạt về mặt pháp lý đất đai, nhưng điều đó chỉ bao hàm đất đai trong vai trò là tư liệu sản xuất mà thôi, còn đất đai với trong vai trò là tư liệu sinh hoạt thì trên thực tế hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân. Nông dân được nhà nước giao đất một cách hạn chế về diện tích, thời gian và mục đích sản xuất, có thể mua bán quyền sử dụng đất nhưng không thể chuyển nhượng quyền sở hữu bởi vì quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Quan hệ giữa nhà nước và nông dân là quan hệ chủ sở hữu và người thuê đất, do vậy nông dân phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, khoản tiền đó là giá trị hoa lợi thu được từ đất đai chứ không phải là từ giá trị của đất đai.

Khi nhà nước thu hồi đất đai từ nông dân thì theo đúng quan hệ giữa chủ sở hữu và người sử dụng không phải là mua bán đất đai, do vậy không thể đặt vấn đề giá trị mảnh đất là bao nhiêu. Việc bồi thường cho nông dân thực ra chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà nước mà thôi.

Nhà nước thường thu hồi đất đai của nông dân để làm công trình công cộng và giao cho doanh nghiệp kinh doanh. Đất đai khi được giao cho doanh nghiệp thì nhà nước vẫn là chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng chỉ là người thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, chính vì vậy mà doanh nghiệp cũng chỉ đóng tiền thuê đất cho nhà nước mà thôi chứ không phải trả toàn bộ giá trị của đất đai. Vậy là khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thì bản chất vẫn là cho thuê, khoản tiền thu được không phải là giá trị đất đai mà chỉ là khoản tiền thuê đất của doanh nghiệp.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân là quan hệ giữa những người thuê đất với nhau. Trong trường hợp nông dân trực tiếp cho doanh nghiệp thuê lại đất đai được nhà nước giao thì cái giá cả thị trường cho quyền thuê đất ấy được tính dựa trên thu nhập của nông dân từ đất đai. Giá của quyền sử dụng đất ấy không liên quan gì đến những khoản đầu tư của nông dân cho đất đai, cũng như thu nhập cần thiết để nuôi sống họ. Phần lớn nông dân ở Việt Nam vẫn còn canh tác để nuôi sống gia đình mình, chỉ phần sản phẩm dư thừa mới đem bán trên thị trường. Khi chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì nông dân cũng mất luôn cái nguồn nuôi sống mình mặc dù họ nhận được khoản tiền bù đắp nhất định, song không ai có thể ăn tiền để sống cả, nông dân đột ngột bị ném vào thị trường hàng hóa. Thực tế cho thấy ở những khu vực mà nông dân giao đất cho doanh nghiệp thì nông dân sẽ có nhiều tiền hơn trước kia song giờ đây họ không thể sản xuất để tự nuôi sống mình nữa mà phải mua những thứ ấy trên thị trường, một lượng cầu hàng hóa tăng đột ngột trong khi cung lại giảm xuống khiến cho giá cả tăng lên nhanh chóng dẫn đến sự mất ổn định trong đời sống của nông dân nhất là khi họ thất nghiệp kéo dài.

Xuyên suốt chuỗi quan hệ giữa nhà nước, nông dân và doanh nghiệp chỉ có những quan hệ thuê đất giữa chủ đất và người đi thuê, đất đai luôn chỉ xuất hiện trong vai trò là tư liệu sản xuất. Giá thuê đất cũng như giá bồi thường cho khoản đầu tư của người thuê đất hoàn toàn khác nhau, hai loại giá ấy cũng không phải là giá trị của đất đai. Người ta không thể tìm thấy giá thị trường của đất đai ở đâu cả.

Sự thay đổi người thuê đất luôn hàm chứa trong đó thay đổi về thu nhập cho chủ đất, nếu như những nông dân đối diện với nhà nước như là những người thuê đất đơn lẻ với những mảnh đất canh tác bị hạn chế đủ thứ thì doanh nghiệp lại thuê của nhà nước diện tích đất lớn và có thể sử dụng cho nhiều mục đích hơn, điều đó có nghĩa là quy mô sản xuất lớn hơn và mục đích sử dụng cũng linh hoạt hơn dẫn đến thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp. Do vậy, thông thường thì tổng tiền thuê đất mà nông dân trả cho nhà nước luôn thấp hơn tiền thuê đất mà doanh nghiệp trả cho nhà nước. Khi thu hồi đất từ nông dân và cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước đã hành xử như một chủ đất đầy lý trí, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đồng thời tạo ra nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Điều ấy sự phát triển khách quan của kinh tế, năng suất lao động của doanh nghiệp đã vượt qua năng suất lao động của nông dân tự do, một phần đất đai do vậy với tư cách là tư liệu sản xuất phải được chuyển từ nông dân sang cho doanh nghiệp.

Một phần lớn đất đai nông nghiệp giao cho doanh nghiệp được chuyển từ đất canh tác sang đất làm nhà ở. Vấn đề phức tạp nảy sinh chính ở đây, đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất thì thuộc sở hữu nhà nước nhưng đất đai với tư cách là tư liệu tiêu dùng thì thuộc sở hữu tư nhân. Khi doanh nghiệp bán mảnh đất làm nhà ở cho người tiêu dùng thì có nghĩa là đất đai được chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu tiêu dùng, người mua đất làm nhà ở đó không phải là người thuê đất của nhà nước mà là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất đó, cái giá mà họ phải trả không phải là tiền thuê đất mà là giá thị trường của mảnh đất. Thuật luyện vàng đã xuất hiện, đất đai trong các quan hệ trước thì không phải là hàng hóa nhưng khi đối diện với người tiêu dùng thì là hàng hóa, trước kia người ta chỉ thuê nó thì giờ người ta có thể mua bán quyền sở hữu. Đất đai chuyển từ tư liệu sản xuất sang tư liệu sinh hoạt thì khó khăn nhưng chuyển ngược lại từ tư liệu sinh hoạt sang tư liệu sản xuất thì lại rất dễ dàng, người sở hữu không những có thể sử dụng như là đất ở mà còn có thể kinh doanh nữa. Con đường vòng vèo biến đất đai từ sở hữu nhà nước thành tư hữu ấy đã được các chủ doanh nghiệp nắm lấy một cách chắc chắn. Tình trạng doanh nghiệp nhận đất được giao để kinh doanh rồi bán làm đất nhà ở phổ biến đến mức chính quyền phải rất vất vả để duy trì trật tự mà không có mấy hiệu quả. Lợi nhuận của doanh nghiệp là rất lớn khi so sánh sự chênh lệch giữa giá thuê và giá bán.

2) Mô hình hóa với con số cụ thể:

Có thể mô tả mô hình giao dịch đất đai giữa nông dân, nhà nước và doanh nghiệp với một ví dụ như sau:

Giả sử có một mảnh đất có trị giá không đổi là 100 triệu đồng được nhà nước giao cho nông dân sử dụng. Nông dân canh tác thu được 20 triệu đồng mỗi năm và nộp cho nhà nước 1 triệu đồng/năm.

A) Trường hợp chỉ có nhà nước và nông dân:

Nếu sau 1 năm nhà nước quyết định thu hồi đất thì rõ ràng là nhà nước chỉ thu được 1 triệu từ nông dân, vì vậy chỉ có thể đền bù cho nông dân tối đa là 1 triệu đó thôi.

 B) Trường hợp doanh nghiệp thuê lại đất của nhà nước:

Giả định là doanh nghiệp có thể sử dụng đất đai tạo ra giá trị 40 triệu đồng/năm, sẵn sàng nộp cho nhà nước 5 triệu đồng/năm tiền sử dụng đất và ứng trước khoản tiền ấy. Khi nhà nước thu hồi đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê thì nhà nước sẽ có ngân sách là 6 triệu để thanh toán đền bù cho nông dân. So với trường hợp không có doanh nghiệp thì tình trạng kinh tế của nông dân rõ ràng được cải thiện hơn so với trước, vì họ có thể nhận được 6 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng.

Trong trường hợp này giả định là nhà nước hoàn toàn vô tư, nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp có quan chức nhà nước nảy lòng tham, chỉ trả cho nông dân 1 triệu đồng và đút túi 5 triệu đồng, đấy chính là cái gọi là tham nhũng, nhưng rõ ràng là tham nhũng có được là nhờ có sự chênh lệch ấy và cũng bị giới hạn bởi sự chênh lệch ấy.

C) Trường hợp doanh nghiệp trực tiếp thuê đất của nông dân:

Trong trường hợp này thì nhà nước chỉ nhận tiền thuê đất của doanh nghiệp. Với mảnh đất trị giá 100 triệu đồng thì doanh nghiệp tạo ra được 40-5= 35 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 35%/năm. Còn nông dân tạo ra được 19 triệu đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận là 19%/năm. Theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng thì tỷ suất lợi nhuận cao hơn sẽ được dùng làm cơ sở tính toán giá trị sử dụng đất, do vậy giá trị quyền sử dụng đất của nông dân sẽ là 19/35% = 54,28 triệu đồng. Số tiền này xét về mặt tuyệt đối lớn hơn so với các trường hợp kia.

Song con số lớn ấy không cho thấy thực tế là thu nhập của nông dân đã bị giảm xuống, vì tỷ suất lợi nhuận thực tế của nông dân chỉ là 19% nên có đem 54,28 triệu đồng đi làm vốn sản xuất thì thu nhập của nông dân sẽ là  54,28x19%= 10,31 triệu/năm trong khi đó trước kia họ tạo ra 19 triệu đồng/năm. Lợi nhuận của nông dân giảm đi 8,69 triệu/năm, tức là giảm 45,73%.

Khoản tiền doanh nghiệp phải trả cho nông dân sẽ làm tụt giảm tỷ suất lợi nhuận của họ như sau: 35/(100+54,28)= 22,68%. Lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp sẽ bị giảm là 35-22,68= 12,32 triệu đồng, tức là giảm 35,2%

Việc trực tiếp thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp đem lại số tiền lớn nhất và thiệt hại thu nhập ít nhất cho nông dân về mặt tuyệt đối, song xét về mặt tương đối thì thu nhập của nông dân vẫn giảm mạnh hơn doanh nghiệp, thu nhập của nông dân giảm 45,73% so với mức 35,2% của doanh nghiệp.

Mô hình với các trường hợp A, B, C có thể áp dụng để giải thích tâm lý của nông dân. Ở trường hợp A thì người nông dân thiệt hại lớn nhất vì họ mất hoàn toàn nguồn thu nhập mà chỉ nhận lại được một khoản ít ỏi nhưng họ sẽ không cảm thấy bất mãn vì họ biết rằng điều đó là hệ quả tất yếu từ sức sản xuất của họ. Trong trường hợp B thì người nông dân sẽ cảm thấy bất mãn vì mặc dù khoản đền bù mà họ nhận được lớn hơn trong trường hợp A kia nhưng vẫn không thể thay thế cho thu nhập của họ và hơn nữa thu nhập của doanh nghiệp trên chính mảnh đất ấy lại cao ghê ghớm. Trong trường hợp C thì nông dân sẽ cảm thấy hài lòng hơn vì họ nhận được một khoản tiền lớn so với thu nhập của họ cũng như trong các trường hợp A và B, nhưng tình trạng phổ biến tiếp theo là cảm giác chán nản bế tắc vì mặc dù có nhiều tiền hơn nhưng không sao duy trì được mức thu nhập như cũ. Như vậy là khác với hình dung phổ biến về người nông dân sau khi bán đất thì ăn tiêu phung phí, không chịu làm ăn chăm chỉ và trở thành nghèo khó thì phân tích trường hợp C cho thấy sự tụt giảm trong thu nhập của nông dân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoàn toàn khách quan do trình độ sản xuất của nông dân không thể thay đổi ngay lập tức, suy nghĩ một cách tích cực thì những nông dân cố gắng tăng thu nhập của mình bằng cách nâng cao trình độ sản xuất sẽ thầm cảm ơn những người nông dân ăn tiêu phung phí vì những người đó đã tạo ra cơ hội cho sự cải thiện ấy thông qua việc chi tiêu của mình.

Mô hình phân tích cũng cho thấy cơ hội và giới hạn của tham nhũng hoặc cái được gọi là lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai hiện nay. Sự chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất giữa các trường hợp A, B, C là động cơ để nông dân hoặc doanh nghiệp câu kết với quan chức nhà nước nhằm áp dụng cơ chế có lợi cho mình. Ví dụ: nông dân bị thu hồi đất theo trường hợp B có thể mua chuộc quan chức nhà nước để được áp dụng trường hợp C để thay vì nhận 6 triệu đồng sẽ nhận được 54,28 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng có thể cấu kết với quan chức nhà nước để áp dụng thu hồi đất theo trường hợp B thay cho trường hợp C để chỉ tốn 5 triệu đồng thay vì 54,28 triệu đồng. Phần chênh lệch sẽ được doanh nghiệp chia với quan chức hoặc nông dân chia với quan chức. Đây chính là cơ sở để hình thành nên các nhóm lợi ích liên kết giữa quan chức và nông dân hoặc giữa quan chức và doanh nghiệp tạo nhằm điều khiển chính sách có lợi cho họ, quyền lực và sự tham lam của quan chức tưởng như là vô hạn nhưng cuối cùng lại bị giới hạn bởi chính những điều kiện kinh tế tạo ra nó. Lợi ích nhóm hay tham nhũng trong đất đai là hệ quả tất yếu của sự cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế có mức độ phát triển chênh lệch nhau nhưng chưa bên nào chiếm ưu thế. Người ta có ấn tượng kinh khủng về sự nhũng nhiễu không phải bởi vì chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp bị quan chức đòi hỏi tiền hối lộ mà là ở chỗ bất cứ bên nào cũng có thể bị đòi tiền hối lộ, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ chỉ có nông dân hay chỉ doanh nghiệp có thể hối lộ quan chức mà là ở chỗ ai cũng có thể hối lộ để có lợi, ấn tượng kinh khủng không nằm ở chỗ lợi ích nhóm chỉ thuộc về nông dân hay chỉ thuộc về doanh nghiệp mà là ở chỗ lợi ích nhóm có thể thuộc về bất kỳ ai. Thành ra người ta có ấn tượng đâu cũng có tham nhũng, đâu cũng có lợi ích nhóm nhưng thật ra chúng không ngừng chạy từ bên này sang bên kia, điều đó cũng giải thích tại sao quan chức có thể làm giàu từ tham nhũng một cách nhanh chóng bởi vì các bên luôn phải tìm cách giành quan chức về phe mình bằng cách trả nhiều tiền hơn bên kia.

3) Kết luận:

Tóm lại những xung đột về đất đai có nguyên nhân nằm chính trong mẫu thuẫn nội tại của chế độ sở hữu đất đai, mâu thuẫn giữa đất đai  với tư cách là tư liệu sản xuất và tiêu dùng, mâu thuẫn giữa quan hệ sử dụng và quan hệ sở hữu. Phân tích trên cho thấy những yêu sách như bồi thường giá trị đất đai cho nông dân theo giá thị trường hay tự do thỏa thuận giá đất giữa nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn là ảo tưởng. Yêu sách thứ nhất là sự lẫn lộn giữa việc thuê đất và chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Yêu sách thứ hai là sự lẫn lộn về chủ sở hữu đất. Những yêu sách đó cho thấy chính sự mâu thuẫn trong bản thân người nông dân, khi nhận đất thì họ muốn là người thuê đất, khi bán đất thì họ lại muốn mình là chủ đất. Cái ảo tưởng đó nếu được áp dụng cùng với chế độ sở hữu nhà nước sẽ gây hỗn loạn hơn hiện nay rất nhiều. Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất của nông dân nhưng khi thu hồi đất đai thì lại phải mua đất với giá thị trường, điều đó sẽ làm nhà nước phá sản. Nếu chính quyền được tự do bán đất với giá thị trường thì sẽ càng thúc đẩy sự tham lam vô độ của một số quan chức, nạn lạm dụng quyền lực để thu hồi đất rồi bán sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Nông dân thay vì đối diện với chính quyền như là một người thuê đất được bảo vệ thì sẽ đối diện với doanh nghiệp trong một quan hệ mua bán đầy bất lợi xuất phát từ sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của hai bên. Ngay cả khi nông dân tự do thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp thì điều đó giả định rằng doanh nghiệp và nông dân bình đẳng với nhau, song thực tế là họ không bình đẳng. Một mặt nền sản xuất nhỏ của nông dân tạo ra giá trị thu nhập thấp hơn doanh nghiệp, mặt khác doanh nghiệp sẽ đối mặt với những người nông dân tự do để đàm phán về giá cả, chính những người nông dân sẽ phải cạnh tranh với nhau trong việc cho doanh nghiệp thuê lại đất và làm giảm giá chuyển nhượng.

Khi duy trì chế độ sở hữu đất đai thuộc nhà nước thì chính quyền đã bảo vệ nông dân tự do khỏi sự cạnh tranh của giới chủ doanh nghiệp, điều đó thích hợp với tình trạng phát triển thấp của nông dân, thu nhập từ ruộng đồng của họ chỉ cần đủ để nuôi sống họ và trả tiền thuê đất cho nhà nước. Nếu chuyển sang chế độ sở hữu tư nhân, cho dù nhà nước có cấp miễn phí đất cho nông dân, thì nông dân sẽ phải tìm cách tăng thu nhập của mình lên để không chỉ đủ đóng thuế thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn phải đủ cao để cạnh trạnh với doanh nghiệp để duy trì sở hữu đất đai nữa, việc ấy đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều và sẽ làm cho phần lớn nông dân phá sản.

Quyền lợi của giới chủ doanh nghiệp là tách nông dân tự do ra khỏi mảnh đất của họ, biến những mảnh đất ấy thành tư liệu sản xuất xã hội đồng thời biến nông dân tự do thành lao động làm thuê. Để kéo nông dân ra khỏi ruộng đất thì giới chủ doanh nghiệp cần phải tách nông dân ra khỏi sự bảo vệ của nhà nước, buộc nông dân cạnh tranh với họ theo nguyên tắc tự do cạnh tranh trên thị trường, sự bình đẳng ấy lại che giấu sự bất bình đẳng về địa vị kinh tế của các bên tham gia. Chủ doanh nghiệp cũng tìm thấy sự ủng hộ của một bộ phận dân cư nhất định, đó là những nông dân đã gia nhập vào thị trường lao động làm thuê không còn canh tác ruộng đất hoặc những nông dân đã trở thành tiểu chủ, những người ấy vẫn còn đất đai và muốn bán nó với tư cách là chủ sở hữu thay vì cứ phải tiếp tục gánh các nghĩa vụ liên quan đến đất đai hoặc trả lại cho nhà nước.

Nhiều người sẽ có thể đặt câu hỏi, phân tích bản chất của mâu thuẫn về chế độ sở hữu đất đai như vậy rồi thì sẽ đi đến giải pháp nào, song trước khi hỏi về giải pháp thì có lẽ người đó nên tự hỏi mình muốn cái gì đã.