Sunday, March 7, 2021

Các Phiên Bản Người Đẹp Ngủ Trong Rừng

Câu chuyện cổ tích "Người Đẹp Ngủ Trong Rừng" của phương Tây được kể lại nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.

Phiên bản của thủ tướng.




Phiên bản của các tỉnh.



Còn đây có lẽ là phiên bản gốc.


Chuyện "Người Đẹp Ngủ Trong Rừng" có nhiều phiên bản cổ hơn phiên bản của anh em nhà Grimm. Một phiên bản đó là của Italia. Trong phiên bản này, không phải hoàng tử đã đánh thức người đẹp. Trái lại, anh ta đã cưỡng hiếp người đẹp rồi bỏ đi, khiến cô sinh ra hai đứa bé trong khi ngủ. Một đứa bé đã mút ngón tay cô và làm cái rằm cắm ở đó rơi ra, thế là cô tỉnh giấc ngủ trăm năm.

Người đẹp sẽ thức giấc, nhưng đôi khi không phải theo cách mà anh em nhà Grimm vẫn kể.

P/s: Đây là phiên bản đời thực, không phải chuyện cổ tích.

Tuesday, August 25, 2020

Giáo dục và sự nghiệp thu tiền

Dẫn nhập 

Việt Nam trước đây theo chế độ bao cấp dịch vụ công ích. Ví dụ điển hình là hai ngành y tế và giáo dục. Nhà nước dùng tiền ngân sách để chi trả cho y tế và giáo dục, do vậy người dân đi khám chữa bệnh và đi học đều không phải đóng tiền, hoặc có phải nộp phí thì chỉ nộp một phần rất nhỏ. Thế nên nói rằng phí dịch vụ thấp vừa đúng vừa sai, đúng ở chỗ người dân đóng phí thấp, nhưng sai ở chỗ phí đó không phải là toàn bộ khoản tiền mà ngành dịch vụ công nhận được. 

Nhờ có quỹ bảo hiểm y tế mà ngành y tế tăng giá dịch vụ thành công, thế là hàng sa số các dịch vụ y tế ra đời nhằm tối đa hóa các khoản thu từ quỹ bảo hiểm y tế. Các bệnh viện đua nhau mời người dân đến khám chữa bệnh, tất nhiên không ai trả phí nhiều, phần lớn nguồn thu là từ quỹ bảo hiểm y tế và thế là không thấy bệnh viện kêu rằng phí dịch vụ thấp nên chất lượng thấp nữa.

Giáo dục thì chưa có cái quỹ bảo hiểm giáo dục nào nên vẫn chưa đâu với đâu cả. Ngành giáo dục vẫn đang đòi thu tiền, càng nhiều càng tốt, lý do chủ yếu là những ưu đãi nhà nước cấp cho họ không phải là tiền mặt, họ cần biến cái đó thành tiền mặt. Do đó, câu chuyện lại quay về vấn đề học phí và chất lượng.

Vào năm 2006, nước Đức vốn có truyền thống bao cấp giáo dục cũng thông qua luật thu học phí đại học, lý do y hệt Việt Nam bây giờ, cũng là thu học phí cao để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng đi học đại học bừa bãi do không mất tiền. Chỉ sau hai năm, chính sách tân tự do của nước Đức bị bãi bỏ một cách lặng lẽ, 

Việc thu học phí cao có những tác động gì?

1. Chất lượng giáo dục hỗn loạn: 

Chỉ cần nhìn sang nước Mỹ là thấy, tự do thu học phí nên bên cạnh những trường chất lượng tốt thì cũng có hàng sa số những xưởng bán bằng cấp, các trung tâm giáo dục chẳng ra gì với mức phí hợp túi tiền để đáp ứng nhu cầu của người học. Do vậy, nước Mỹ buộc phải dựa vào một hệ thống kiểm định giáo dục phức tạp để xác định xem trường nào cấp bằng thật, trường nào là bằng dỏm. Việc thu học phí cao trong nền kinh tế thị trường không tạo ra một hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngược lại còn tạo điều kiện để những dạng kinh doanh giáo dục chất lượng thấp sinh sôi nảy nở. Tất nhiên các nhà kinh doanh thích điều đó, họ kiếm tiền đầy túi từ sự bát nháo ấy. 

2. Suy giảm số lượng người đi học: 

Do rào cản chi phí cao nên một số lượng lớn người đi học sẽ từ bỏ việc học và tham gia vào thị trường lao động. Số lượng sinh viên có khả năng chi trả học phí cao không phải là vô hạn. Việc thu học phí đại học ở nước Đức vào năm 2006 đã cho thấy điều đó. Các trường đại học kinh hãi trước điều này, sinh viên là nguồn thu nhập của họ, nhưng giờ nguồn thu nhập đó suy giảm nhanh chóng. Các trường đại học buộc phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút sinh viên đủ khả năng chi trả học phí cao. Bài toán trở nên luẩn quẩn, cơ sở giáo dục muốn có tiền thì phải đầu tư thu hút sinh viên, nhưng muốn đầu tư thì lại phải có tiền. Cơ sở giáo dục tư nhân hoàn toàn có thể làm được điều này khi kêu gọi các nhà tư bản đầu tư, còn cơ sở giáo dục công thì tình hình tồi tệ hơn nhiều do ngân sách nhà nước ít có khả năng đáp ứng. Hệ quả của việc này là một số lượng lớn các cơ sở giáo dục công sẽ buộc phải tư nhân hóa để tồn tại.

3. Gia tăng sử dụng lao động giá rẻ và suy giảm nhu cầu về lao động có kỹ năng:

Học phí cao dẫn đến hệ quả là một phần lớn lực lượng lao động từ bỏ việc học sớm hơn và chấp nhận tham gia vào thị trường lao động có kỹ năng thấp. Tiền lương của người lao động là do chi phí tạo ra sức lao động quyết định. Chi phí tạo ra sức lao động giờ thấp hơn nên tiền lương của người lao động cũng sẽ thấp hơn. Doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng điều này bằng cách chuyển sang các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ để gia tăng tỷ suất lợi nhuận. Làn sóng này sẽ khiến cho các lao động có tri thức và kỹ năng bị thất nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu về giáo dục và buộc các cơ sở giáo dục phải cơ cấu lại tổ chức để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xu hướng đào tạo nghề thay cho giáo dục đại học là biểu hiện cụ thể của việc cho thấy người học giảm việc học và tham gia thị trường lao động sớm hơn. Tất cả những điều này có nghĩa là tri thức phải quy phục thị trường, giới trí thức trong lĩnh vực công bị đẩy vào tình trạng bấp bênh, nhất là khi họ không có truyền thống sống nhờ việc kinh doanh giáo dục.

Đây chính là chỗ tiết lộ bí mật của nước Đức, giới tinh hoa lãnh đạo ngành giáo dục ở Đức cảm thấy việc thu học phí cao mặc dù đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư tư nhân, song lại lại đe dọa đến đặc quyền, lợi ích và sự tôn kính của xã hội đối với ngành giáo dục. Do đó, họ nhanh chóng tìm cách loại bỏ chính sách thu học phí cao. Nước Đức lặng lẽ quay lại với truyền thống cổ xưa.

Kết luận

Thực ra không có kết luận nào cả. Học phí vốn không do người học quyết định. Đó là sự xung đột giữa lợi nhuận và đặc quyền. Do đó, học phí đi theo hướng nào là do sức mạnh của các thế lực tham gia vào sự xung đột ấy quyết định. Hôm nay, người ta nói thu học phí cao để nâng cao chất lượng giáo dục, ngày mai người ta sẽ nói phải miễn học phí để ai cũng được đi học. Ngày kia, người ta có thể nói phải mở trường học ở sao Hỏa để khai hóa văn minh cho các tộc man di ngoài vũ trụ. Mọi thứ đều có thể diễn ra, song bản chất của vấn đề thì không bao giờ thay đổi.

Tuesday, August 4, 2020

"Khai hoá văn minh"


Thời xưa thực dân Pháp "khai hóa văn minh" cho dân Việt Nam ta bằng lưỡi lê, nhà tù, rượu và thuốc phiện. Bây giờ tuyên giáo định "khai hóa văn minh" cho dân tộc ta bằng gì?

Thursday, July 23, 2020

Tâm sự của một cô hoa hậu bán dâm


Một cô hoa hậu xinh đẹp mới bị công an tóm vì đi khách. 

Tôi nói với cô ấy: Này em, giờ người ta sẽ hợp pháp hóa mại dâm. Em sẽ đăng ký hành nghề hợp pháp, nhà nước thu thuế và không ai bắt em nữa.

Cô gái trả trả lời: Một nửa cho ma cô. Một phần tư cho quần áo, mỹ phẩm, thợ ảnh và báo chí. Giờ nhà nước thu thuế nữa thì em còn lại gì? Bọn đàn ông các anh thì cái lồn gì cũng ăn được cả.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí, nhưng có thể không khác với sự thật.)

Wednesday, December 18, 2019

Thịt chó

Xứ Việt Nam thế kỷ 21 nảy nòi ra một cái đạo mới, gọi là đạo thờ chó. Cái đạo này rất đông người theo, nam thanh nữ tú, phụ ấu đủ cả, nhất là đám me Tây. Người ta hết mực ca ngợi chó là giống thông minh, là bạn của người chứ không phải là thực phẩm. Ai ăn thịt chó là kẻ man di mọi rợ, xuống địa ngục bảy mươi kiếp vẫn chưa được đầu thai làm người văn minh. Đỉnh cao của cái đạo ấy là người trở thành nô lệ của chó, quanh đi hót cứt chó với bắt rận cho chó và gọi chó là chủ. 

Ảnh minh họa lấy trên mạng
Sau ấy mới có cái chuyện như thế này.

Một tín đồ đạo thờ chó bước vào quán nhậu nói lớn:
- Này chủ quán, thái ngay cho đĩa thịt lợn, lòng dồi đầy đủ nhé!
Chủ quán ngạc nhiên:
- Thưa quý khách, chúng tôi chỉ bán thịt chó.
Vị khách trừng mắt:
- Ông lại còn phải dạy tôi đâu là thịt lợn nữa à?

(P/s: Chuyện bịa, chỉ để giải trí)


Sunday, November 24, 2019

Ba bi kịch của siêu nhân

Như mọi người đã biết, siêu nhân là siêu anh hùng có sức mạnh siêu việt, bay nhanh hơn cả ánh sáng, nhấc bổng vật nặng hàng trăm tấn, mắt có thể bắn ra tia laser đốt cháy mọi thứ. Siêu nhân ở trên trái đất vẫn phải kiếm sống và anh ta làm một phóng viên cho mục tin hình sự.

Nguồn tin cảnh sát báo có một người đàn ông sắp nhảy cầu ở phố X. Phóng viên siêu nhân lao ngay đến hiện trường. Khi thấy người đàn ông nhảy từ nóc nhà cao tầng xuống, siêu nhân thấy ngay việc phải làm và vèo một cái người đàn ông nọ đã được đưa xuống mặt đất trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh.

Bi kịch thứ nhất của siêu nhân

Báo chí đưa tin: Người đàn ông nhảy lầu được siêu nhân cứu thoát bị hãng bảo hiểm kiện ra tòa vì âm mưu lừa đảo bảo hiểm nhân thọ.

Bi kịch thứ hai của siêu nhân

Báo chí đưa tin: Vợ của người đàn ông nhảy lầu được siêu nhân cứu thoát đã chết vì không có tiền điều trị bệnh ung thư.

Bi kịch thứ ba của siêu nhân

Ngày làm việc cuối cùng trong tuần, siêu nhân được chủ tòa báo gọi lên phòng làm việc. Chủ tòa báo nói với siêu nhân:
- Này, anh được giao mục tin hình sự, nhưng mục của anh chẳng có cái tin hình sự nào cả. Người nhảy lầu được ai đó cứu thoát chết, kẻ trộm ở cửa hàng tiện lợi thì mất tích còn đám cướp nhà băng thì bị trói gô chờ cảnh sát vào giải đi....Không người chết, không truy đuổi, không con tin, không đấu súng, không có bất cứ thứ gì hết. Độc giả phải trả tiền cho một tờ giấy lộn.
Siêu nhân hỏi lại:
- Thưa ông chủ! Không phải mọi thứ đều ổn sao?
Chủ tòa báo nói:
- Đúng, mọi thứ đều ổn, trừ việc anh không có tin hình sự để đăng. Do vậy, anh bị sa thải.

Kết thúc hạnh phúc của siêu nhân

Thế là siêu nhân đã trải qua ba bi kịch của đời mình. 

Anh ta kiếm được việc làm mới ở rạp xiếc. Ở đó, anh ta có thể thoải mái biểu diễn các siêu năng lực của mình mà không sợ mất việc.

Đọc đến đây hẳn sẽ có người hỏi: Còn những kẻ trộm vặt ngoài phố thì sao? Ồ, hãy để chúng nuôi sống mục tin hình sự!

Tuesday, November 5, 2019

Công nhân, chủ doanh nghiệp và nhà nước

Khi có xung đột giữa công nhân và doanh nghiệp, như hiện nay, doanh nghiệp đòi tăng giờ làm thêm, công nhân đòi giảm giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống 44 tiếng/tuần, một vị đại diện cho nhà nước đứng ra nói như thế này: Bây giờ đất nước ta còn nghèo, giảm giờ làm xuống thì chi phí lao động tăng lên, giá cả hàng hóa tăng lên thế là hàng hóa xuất khẩu mất cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế giảm, thì nước ta thoát nghèo thế nào được.


Ấy thế là cái lý gì? Tất nhiên người nhà nước là phải lo lắng cho lợi ích quốc gia, đứng trên cả chủ doanh nghiệp lẫn công nhân rồi. Người ta nói ắt hẳn có lý do chính đáng. Mà lý lẽ hợp lý hợp tình đến thế kia thì ai mà không nghe cho được nhỉ?

Ở đây mấu chốt của vấn đề không phải là việc nhồi nhét lợi ích quốc gia vào cái việc bắt công nhân làm 48 tiếng/tuần mà là cái căn cứ để người ta tính toán cái lợi ích đó. Đại thể người ta sẽ tính thế này, trước kia công nhân làm 48 tiếng/tuần, giờ làm 44 tiếng/tuần thì với năng suất như cũ muốn có sản lượng như cũ sẽ phải thuê công nhân làm thêm 4 tiếng, chi phí lao động sẽ tăng thêm 4/44, tức là 9,1%. Chi phí lao động đội lên 9.1%, giá cả hàng hóa xuất khẩu vì thế cũng tăng lên, hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn. Mọi thứ rõ ràng là rất thuyết phục.

Chìa khóa của vấn đề: Tiền lương là giá cả của lao động hay sức lao động?

Trong tính toán của người nhà nước thì tổng tiền lương khi làm 44h với 48h là khác nhau, hay nói cách khác tiền lương được tính theo số giờ lao động và không cố định, làm nhiều hưởng nhiều, ẩn giấu đằng sau cái tính toán đó là cái luận điểm: Tiền lương là giá cả của lao động! Đằng sau những thứ kêu choang choang về lợi ích quốc gia, thực ra là lợi ích và quan điểm của chủ doanh nghiệp. Khi anh nhà nước tính toán theo quan điểm của chủ doanh nghiệp thì anh ta đứng về phía chủ doanh nghiệp.

Còn bây giờ là quan điểm của công nhân: Tiền lương của công nhân là giá cả của sức lao động, được tạo thành từ chi phí nuôi sống và đào tạo nghề nghiệp cho công nhân, do đó nó cố định, làm 44h/tuần hay 48h/tuần cũng không làm thay đổi nó được. Việc giảm thời gian lao động xuống không làm tăng chi phí lao động, lại càng không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Người ta sẽ lại thắc mắc rằng chủ doanh nghiệp phải thuê thêm lao động 4h mỗi tuần, phải trả thêm tiền mà anh lại nói rằng chi phí lao động không tăng là sao? Nhưng người ta quên mất rằng đâu có gì buộc chủ doanh nghiệp vẫn phải giữ nguyên mức lương cũ khi thời gian làm việc giảm xuống. Ví dụ, công nhân đi làm 48h/ tuần, nhận được 96 đồng tiền lương, giờ họ chỉ phải làm việc 44h/tuần. Chủ doanh nghiệp biết rằng công nhân sẽ buộc phải đi làm để kiếm đủ sống, họ sẽ hạ lương tuần xuống 88 đồng và trả 8 đồng cho 4h làm thêm. Vậy là công nhân vẫn phải đi làm với mức lương như cũ. Tổng mức tiền lương vẫn như cũ, chủ doanh nghiệp không cần phải tăng lương thêm đồng nào cả.

Khi người ta hiểu rằng tiền lương là giá cả của sức lao động thì việc tăng hay giảm thời gian lao động sẽ không ảnh hưởng đến chi phí lao động và không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa cả, nhưng việc giảm thời gian lao động sẽ làm thời gian lao động thặng dư và ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Đấy mới là cái khiến chủ doanh nghiệp không hài lòng và tất nhiên là người nhà nước phải bảo vệ lợi ích quốc gia trên quan điểm của chủ doanh nghiệp.

Thế còn việc kéo dài thời gian làm thêm? Người ta sẽ nói: công nhân làm thêm thì có thêm tiền, cũng tốt chứ sao? Vẫn là giả định: Tiền lương là giá cả của lao động. Sự thực là doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian làm thêm để hạ lương thời gian làm chính xuống, nên vào thời kỳ ít việc thì doanh nghiệp sẽ trả cho công nhân đồng lương chết đói. Mặt khác, theo luật Việt Nam tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội nên chủ doanh nghiệp sẽ còn ăn bớt cả lương hưu của công nhân nữa.

Ví dụ cụ thể: Công nhân đang đi làm 8 tiếng mỗi ngày, tiền lương theo giờ là 12,5 đồng/h, tổng lương là 100 đồng / ngày, bảo hiểm xã hội chủ phải đóng là 10% tiền lương. Tổng chi phí lao động là 110 đồng. Bây giờ chủ doanh nghiệp được phép tổ chức làm thêm 2h mỗi ngày với điều kiện tiền lương làm thêm phải gấp đôi tiền lương chính, kết quả không phải là công nhân nhận được 140 đồng. Thực tế là như thế này, chủ doanh nghiệp sẽ hạ tiền lương tính theo giờ xuống còn 100/12 = 8.33 đồng, 8h làm chính thức chỉ còn mang lại cho công nhân 66,67 đồng, còn 2h làm thêm sẽ mang lại thu nhập: 33,33 đồng. Song bi kịch chưa dừng ở chỗ đó, tiền bảo hiểm xã hội 10% trước kia được tính trên 8h làm chính thức là 10 đồng, bây giờ chỉ còn 6,67 đồng vì tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp sẽ đút túi thêm 3,33 đồng đó. Bi kịch thế đã đủ chưa? Vẫn chưa đâu. Những doanh nghiệp được tùy ý tổ chức làm thêm thì họ sẽ chỉ cho công nhân làm thêm vào thời kỳ họ cần, chỉ vào thời kỳ đó công nhân mới nhận được mức lương đủ sống, còn bình thường họ sẽ trả mức lương bị hạ thấp của thời gian làm chính thức, công nhân sẽ phải nhận đồng lương chết đói.

Khi nhìn từ góc độ của công nhân thì người ta sẽ thấy rõ cái mánh khóe của chủ doanh nghiệp nhằm móc túi công nhân. Mặt khác, ai cũng biết rằng bảo hiểm xã hội lấy nguồn thu hiện tại để thanh toán cho người lao động nghỉ hưu, khi doanh nghiệp có thể kéo dài thời gian làm thêm thì họ sẽ dồn tiền lương sang tiền làm thêm giờ để giảm khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội. Sự thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội ấy tất yếu sẽ buộc nhà nước phải bù vào để giúp cho những người lao động nghỉ hưu có thể sống sót.


Lợi ích quốc gia được đồng nhất với lợi nhuận của doanh nghiệp trong vấn đề giảm số giờ làm việc của công nhân còn 44h/tuần. Giới chủ than vãn như trời sắp sập đến nơi. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên giảm giờ làm mà Việt Nam cũng không phải nước duy nhất giảm giờ làm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi giờ làm giảm đi thì lương công nhân cũng không thay đổi nhiều. Giảm giờ làm 4h mỗi tuần thì cũng không phải là quá nhiều, chủ doanh nghiệp sẽ đẩy cường độ lao động cao hơn để duy trì sản lượng như cũ, tức là không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa hay tăng trưởng GDP. Tuy vậy, chưa phải là hết, chủ doanh nghiệp sẽ có thêm một phần lợi nhuận từ chi phí tiết kiệm được, đó là chi phí cơ sở vật chất và chi phí quản lý, giảm giờ làm thì những chi phí này cũng giảm đi. Thật tình cờ là cái khoản mà chủ doanh nghiệp tiết kiệm được này bị giấu biệt, không xuất hiện trong bất cứ tính toán nào về tác động của việc giảm giờ làm.

Những kẻ nhân danh lợi ích quốc gia để thuyết phục công nhân hy sinh lợi ích của bản thân bao giờ cũng là những tôi tớ trung thành nhất của chủ doanh nghiệp. Họ tính toán lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, nhưng tính toán của họ không bao giờ có chỗ cho người lao động.