Showing posts with label Dân chủ. Show all posts
Showing posts with label Dân chủ. Show all posts

Tuesday, August 4, 2020

"Khai hoá văn minh"


Thời xưa thực dân Pháp "khai hóa văn minh" cho dân Việt Nam ta bằng lưỡi lê, nhà tù, rượu và thuốc phiện. Bây giờ tuyên giáo định "khai hóa văn minh" cho dân tộc ta bằng gì?

Saturday, July 13, 2019

Bàn về khái niệm dân chủ

Dân chủ là mốt thời thượng của phương Tây, mọi tội vạ đều được đổ cho thiếu dân chủ, mọi sự thần kỳ đều là do có dân chủ. Người Mỹ vẫn ném dân chủ bằng B-52 xuống đầu các dân tộc thấp cổ bé họng và tự hào về điều đó. Đám phát xít mới cũng hò hét tự xưng dân chủ. Vài người Việt Nam loạn trí còn ca ngợi món dân chủ chở bằng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ và coi đó là ngọn cờ thời đại. Ấy thế mà khi người Việt Nam chân chính nói về sự dân chủ của quốc gia mình thì người ta ngay lập tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, bịt miệng, tất nhiên là nhân danh dân chủ.

Khái niệm dân chủ cần phải được thay đổi cách tiếp cận, nhằm làm rõ nội hàm của nó, để đập tan những sự lạm dụng của các phe cánh phản dân chủ.

Sơ lược về các xã hội tiền tư bản

Trong các xã hội tiền tư bản thì lực lượng dân cư đông đảo nhất là nông dân, hầu hết là nông dân nhỏ, bị gắn chặt vào ruộng đất, cho dù lãnh chúa có sở hữu đất đai hay không thì nông dân vẫn là người chiếm hữu đất đai và canh tác từ đời này qua đời khác theo tập quán. Điều này có nghĩa là lãnh chúa hay nhà nước chỉ có thể chiếm hữu được lao động thặng dư của nông dân dựa trên sự cưỡng bức, nhờ vào sự thống trị về tư pháp, chính trị và quân sự, điều này có nghĩa là sở hữu của lãnh chúa hay nhà nước không tách rời khỏi địa vị chính trị và quân sự. Hình thức căn bản của sự bóc lột ấy là địa tô và thuế khóa, bao gồm thuế hiện vật và các loại lao dịch cũng như nghĩa vụ cống nạp. 

Song trong các xã hội tiền tư bản, nông dân cũng có tổ chức chính trị của mình, đó chính là các cộng đồng làng. Nhờ vào việc củng cố sức mạnh chính trị của cộng đồng làng, nông dân có thể tự bổ nhiệm các chức sắc làng thay cho viên chức của lãnh chúa hay nhà nước, tự thiết lập các quy định của làng, thông qua đó họ hạn chế được sự bóc lột. Tuy vậy, cho dù cộng đồng làng có mạnh đến đâu thì cũng không thể giúp cho nông dân tự do. Nhà nước là lãnh địa độc quyền của các lãnh chúa, cộng đồng làng không bao giờ có thể tham gia vào bộ máy nhà nước, hay nói cách khác, nông dân không có quyền công dân.

Nền dân chủ Athen

Nền dân chủ Athen là một ngoại lệ của thời tiền tư bản. Sau cuộc cải cách của Cleisthenes, các làng trở thành đơn vị của nhà nước và nông dân trở thành công dân. Từ deme trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là làng và democracy có nghĩa là quyền lực thuộc về làng, không phải là quyền lực thuộc về nhân dân như bị xuyên tạc ngày nay. Sự kết hợp làng vào nhà nước và biến nông dân thành công dân của Athen đã mang lại hai đặc trưng độc đáo cho công dân Athen. Thứ nhất là mọi nông dân-công dân tự do đều trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, bất kể địa vị kinh tế ra sao. Thứ hai, do nông dân, cũng như những người sản xuất nhỏ khác, có quyền lực chính trị nên họ sử dụng quyền đó hạn chế các biện pháp bóc lột của nhà nước cũng như quý tộc đối với nông dân, tức là hạn chế các loại thuế khóa và lao dịch. Người Athen nghèo khổ nhất cũng được coi là tự do, không phải là kẻ tôi tớ của bất kỳ người trần mắt thịt nào, họ không phải nai lưng ra làm giàu cho bất cứ quý tộc hay nhà nước nào, họ chỉ lao động cho bản thân mình.

Tuy vậy, nền dân chủ Athen luôn là ngoại lệ của lịch sử, không lặp lại ở bất cứ đâu. Hơn nữa, nền dân chủ của Athen khi trao quyền công dân cho nông dân thì cũng loại bỏ quyền công dân của đại đa số cư dân Athen, đó là phụ nữ, người ngoại quốc, nô lệ. Về bản chất dân chủ Athen có nghĩa là trao quyền công dân toàn diện cho nông dân đồng thời giới hạn phạm vi những người được trao quyền. Sở dĩ có điều này vì xã hội Athen thoát ra từ xã hội nguyên thủy, khi mà nông dân còn tương đối tự do và độc lập về kinh tế trong khi giới quý tộc thì chưa đủ mạnh để tạo ra nhà nước độc lập với nông dân, do vậy họ buộc phải liên minh với nông dân, chấp nhận sự tự do của nông dân để tạo ra một nhà nước đủ mạnh nhằm duy trì trật tự xã hội có lợi cho giới quý tộc. 

Chủ nghĩa tự do trong xã hội phong kiến Châu Âu

Khác với nông dân Athen, nông dân Châu Âu thời Trung Cổ bị gắn chặt vào đất đai và đối tượng gánh chịu các bóc lột phi kinh tế, họ hoàn toàn bị loại khỏi bộ máy nhà nước. Xã hội Trung Cổ Châu Âu có đặc trưng là quyền lực phân tán, tức là có nhiều lãnh địa nhỏ, mỗi lãnh địa có một lãnh chúa nắm toàn bộ các quyền lực tư pháp, chính trị và quân sự, nông dân trong lãnh địa bất kể là tự do hay không tự do đều lệ thuộc vào lãnh chúa. Bên trên các lãnh chúa có triều đình và nhà vua, nhưng thường là nhà vua cũng có lãnh địa riêng và bị hạn chế can thiệp vào lãnh địa riêng của các lãnh chúa.

Các cộng đồng làng của nông dân vẫn tồn tại, có thể giúp nông dân phần nào hạn chế sự bóc lột của lãnh chúa và triều đình, thậm chí còn có thể đóng vai trò như là công cụ để kiểm soát quyền lực của lãnh chúa, nhưng vấn đề chủ chốt ở đây là nông dân bị loại khỏi nhà nước. Quyết định về các vấn đề chính trị, quân sự, luật pháp, thuế khóa, đều thuộc về lãnh chúa và là công việc của riêng họ với triều đình. Do vậy trong xã hội phong kiến Châu Âu thì khái niệm dân chủ kiểu Athen, hay trao quyền công dân cho nông dân, hoàn toàn là xa lạ. Xã hội phong kiến Châu Âu không có dân chủ. Khái niệm dân chủ của thời Athen đã chấm dứt cùng với xã hội Athen và nó hoàn toàn không còn dấu vết nào trong xã hội phong kiến Châu Âu.

Các lãnh chúa Châu Âu phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác với quý tộc Athen. Sự phát triển của chế độ phong kiến dần dần khiến cho triều đình trở nên mạnh hơn, với tư cách là trung tâm quyền lực chính trị và đòi hỏi nhiều hơn sản phẩm thặng dư của toàn thể xã hội. Triều đình với tư cách là chính quyền trung ương dần trở lên độc lập, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cách lãnh chúa và bắt đầu  can thiệp trở lại các lãnh địa, tức là xâm phạm vào quyền lực phong kiến của các lãnh chúa. Đây là lúc khái niệm chủ nghĩa tự do (liberalism) ra đời, lãnh chúa khẳng định về những đặc quyền cá nhân mà nhà nước không được xâm phạm, đồng thời vời điều đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước. Chủ nghĩa tự do là một sản phẩm của giai đoạn cuối thời Trung Cổ, khi mà chế độ phong kiến tản quyền đã bắt đầu suy yếu và giới quý tộc đã đánh mất dần các chức năng quân sự, chính trị và tư pháp, chỉ còn bám vào địa vị quý tộc với những đặc quyền được nhà nước bảo vệ. Chủ nghĩa tự do của thời Trung Cổ khác biệt hoàn toàn với cơ chế dân chủ Athen ở chỗ, nếu như cơ chế dân chủ Athen bảo vệ sự tự do của những nông dân sống bằng lao động của bản thân thì chủ nghĩa tự do trung cổ, bắt nguồn từ lordship, lại bảo vệ tự do của những kẻ sống bằng lao động của người khác.

Nước Anh là hình mẫu cổ điển của chủ nghĩa tự do, khi lãnh chúa bị tư sản hóa, tách khỏi các nghĩa vụ phong kiến về quân sự và pháp lý, tồn tại dựa vào quyền sở hữu đất đai thuần túy kiểu tư bản. Họ tạo thành cơ chế quyền lực nhà nước dựa trên nghị viện kết hợp với nhà vua. Điều này hoàn toàn không mang ý nghĩa dân chủ hay trao quyền cho nông dân. Nghị viện Anh chỉ do giới quý tộc bầu ra và đại diện cho dân chúng ngay cả khi dân chúng không có quyền bầu cử. Chủ nghĩa tự do Anh gắn liền với sự nổi loạn không ngừng của nhà vua.

Khái niệm chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có liên hệ gì với dân chủ, nó thể hiện vị thế đặc quyền trong xã hội phong kiến và do vậy nó là một thứ thay thế cho dân chủ trong xã hội phong kiến Châu Âu. Nó không bảo vệ những người bị bóc lột và ngược lại bảo vệ đặc quyền của những kẻ bóc lột. 

Dân chủ trong xã hội tư bản

Điểm mấu chốt trong xã hội tư bản là người lao động bị tách khỏi tư liệu sản xuất, buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản để kiếm sống. Do vậy, người lao động phải hoàn toàn tự do, không chỉ tự do về thân thể, mà cũng không còn mối liên hệ với cộng đồng giúp họ tồn tại, giống như trong các xã hội tiền tư bản. Đồng thời với điều đó, nhà tư bản cũng được giải thoát khỏi các chức năng chính trị, họ chỉ chịu sự chi phối của quy luật thị trường khi mua bán tài sản. Điều này có nghĩa là sở hữu của nhà tư bản được tách khỏi các ràng buộc về quân sự, luật pháp và chính trị.

Con người trong xã hội tư bản xuất hiện với tư cách là một cá nhân độc lập chứ không phải là thành viên của một cộng đồng như trong các xã hội tiền tư bản. Do vậy, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho các cá nhân, không giới hạn phạm vi, bởi vì giờ đây mọi cá nhân đều bình đẳng một cách trừu tượng với nhau. Nhưng mặt khác, quyền công dân trong xã hội tư bản lại bị hạn chế về mặt kinh tế. Nếu như trước kia, nông dân Athen có thể sử dụng quyền công dân để chống lại sự bóc lột thì giờ đây kinh tế đã thoát khỏi phạm vi quyền lực nhà nước, trở thành một lĩnh vực độc lập, chỉ tuân theo quy luật thị trường. Hay nói cách khác, quyền công dân không thể tác động đến địa vị kinh tế của người lao động nữa. Khi họ bán sức lao động thì họ trở thành nô lệ của nhà tư bản, họ phải nai lưng ra làm giàu cho nhà tư bản mà quyền lực nhà nước không thể can thiệp vào điều đó. Tóm lại, trong xã hội tư bản thì quyền công dân được trao cho tất cả mọi người, nhưng quyền đó không bảo vệ được họ khỏi bị bóc lột về kinh tế, hay nói cách khác là phạm vi của quyền công dân bị giới hạn trong lĩnh vực chính trị thuần túy.

Trong xã hội tư bản thì quyền công dân không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay kinh tế, đồng thời quyền lực chính trị cũng không thể can thiệp vào quyền lực kinh tế. Do vậy, chủ nghĩa tư bản đã cứu thoát chủ nghĩa tự do của thời phong kiến, đem nó vào xã hội hiện đại để kết hợp với dân chủ tư sản, tạo thành khái niệm dân chủ tự do.

Tuy vậy, cần phải nhớ rằng chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ xã hội tiền tư bản, nó giả định cá nhân có các đặc quyền bất khả xâm phạm và có đủ khả năng làm chủ các đặc quyền đó, song trong xã hội tư bản thì người lao động là cá nhân trần trụi, không tư liệu sản xuất, không có khả năng làm chủ đời sống của bản thân, cũng như không có bất cứ đặc quyền nào, cũng chẳng thể dựa vào bất cứ đặc quyền nào để chống lại sự bóc lột. Chủ nghĩa tự do không được trang bị để đối mặt với điều ấy. Do đó, khái niệm dân chủ tự do trong xã hội tư bản luôn mang đến những cuộc khủng hoảng xã hội thường trực, những vực sâu pháp lý không có cách nào lấp đầy.

Định nghĩa lại dân chủ theo kiểu Mỹ         

Nước Mỹ sinh ra từ các thuộc địa của đế quốc Anh ở Bắc Mỹ được giải phóng. Một mặt họ chịu ảnh hưởng về mặt tổ chức chính trị của đế quốc Anh, nhà nước tư bản đầu tiên của thế giới, mặt khác cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa đã tạo cho những người sản xuất nhỏ một vai trò chính trị tích cực. Hệ quả của hoàn cảnh lịch sử ấy là giới thượng lưu Mỹ không thể tiến hóa thành một tầng lớp quý tộc tư bản kiểu Anh, mặc dù họ rất mong muốn điều đó.

Đối mặt với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy, giai cấp thống trị ở Mỹ đã tạo ra một khái niệm đặc biệt là ‘dân chủ đại diện’. Họ diễn giải rằng các thành phần có địa vị thấp trong xã hội có lợi ích thống nhất với các thành phần có địa vị cao hơn, ví dụ thợ thủ công sẽ ủng hộ thương nhân vì thương nhân có khả năng thúc đẩy lợi ích cho thợ thủ công tốt hơn chính bản thân thợ thủ công, hay nói cách khác, thương nhân là đại diện tự nhiên cho lợi ích của thợ thủ công. Từ đó, giai cấp thống trị Mỹ khẳng định rằng dân chủ không phải là việc trực tiếp tham gia công việc nhà nước mà là chuyển giao quyền lực ấy cho người đại diện. Dưới danh nghĩa dân chủ, giai cấp thống trị Mỹ tạo ra một chế độ quý tộc trá hình kết hợp với nền dân chủ tư sản. Một mặt quyền công dân được trao cho dân cư không phân biệt địa vị kinh tế, mặt khác quyền công dân ấy lại chỉ giới hạn trong việc bầu cử, hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước hay có thể thay đổi địa vị kinh tế của công dân.

Cơ chế dân chủ đại diện là một sáng tạo hiện đại của Mỹ, hoàn toàn không có liên hệ gì với cơ chế dân chủ Athen, vì dân chủ Athen có nghĩa là công dân trực tiếp tham gia vào công việc nhà nước, họ không chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện nào hết, đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với Athen. Do vậy, theo khái niệm dân chủ Athen thì nền dân chủ đại diện của Mỹ là phản dân chủ.

Cơ chế dân chủ đại diện của Mỹ dẫn đến một nghịch lý, đó là họ phải định nghĩa lại khái niệm ‘nhân dân’. Một mặt họ phải coi ‘nhân dân’ với tư cách là tập hợp toàn thể dân cư là có quyền lực tối cao, để có thể trao quyền lực tối cao đó cho đại diện, mặt khác ‘nhân dân’ lại là một tập hợp trừu tượng, không hoạt động chính trị mà hoàn toàn thụ động đón nhận kết quả từ nhà nước, tức là tước bỏ nội dung chính trị của 'nhân dân'. 

Tóm lại, dân chủ  Athen và dân chủ hiện đại là những khái niệm khác nhau, bắt nguồn từ những chế độ xã hội khác nhau, hoàn toàn không có liên hệ với nhau. Chế độ dân chủ tư sản hiện đại một mặt mở rộng quyền công dân cho người lao động, mặt khác lại hạn chế phạm vi quyền lực chính trị của công dân. Do vậy, chế độ dân chủ tư sản chỉ là dân chủ hình thức, không phải dân chủ thực chất. Điều này hoàn toàn trái ngược với khoa học chính trị chính thống, vốn luôn mô tả dân chủ như là một nguyên lý chính trị tiến hóa liên tục từ Athen đến nhà nước tư bản hiện đại, mang tính xuyên lịch sử và dựa vào đó để cho rằng dân chủ là một di sản phổ quát của phương Tây cần được bảo vệ và duy trì. Thực tiễn cho thấy nền dân chủ hình thức của chế độ tư bản về bản chất là phản dân chủ. Một mặt nó tuyên bố nhân dân có quyền lực tối cao, mặt khác nó tước bỏ khả năng sử dụng cái quyền lực tối cao ấy và buộc nhân dân phải trao quyền lực ấy cho các đại diện của giai cấp tư sản. 

Nhà nước chuyên chế châu Á và dân chủ

Khác với châu Âu, các nhà nước châu Á đã nhanh chóng hoàn thiện hình thái nhà nước trung ương tập quyền. Đặc trưng của nhà nước phong kiến tập quyền châu Á là giai cấp thống trị đồng nhất với nhà nước, tức là không có giới quý tộc độc lập, không phân chia thành các lãnh địa. Nhà nước trung ương được thống nhất với quyền lực tuyệt đối, các quan lại được vua bổ nhiệm cai trị tại các địa phương. Nhà nước chính là bộ máy bóc lột duy nhất trong xã hội, đối tượng của nó là nông dân, giai cấp thống trị đồng nhất với giới quan lại triều đình. 

Trong nhà nước chuyên chế châu Á, nông dân không có quyền chính trị, họ có thể phát triển các cộng đồng làng để hạn chế sự bóc lột của nhà nước, song nhà nước hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của họ. Tầng lớp địa chủ hay thương nhân giàu có ở châu Á cũng giống như nông dân, hoàn toàn không có bất cứ quyền chính trị nào đáng kể, thậm chí còn là đối tượng kiểm soát của nhà nước chuyên chế. Vậy nên ở châu Á mới có cái lệ phổ biến là những nhà giàu thường bỏ tiền mua các chức quan nhỏ để tránh phải làm các công việc lao dịch như nông dân.

Khác với châu Âu dựa vào giới quý tộc cha truyền con nối, nhà nước chuyên chế châu Á dựa vào tầng lớp trí thức, tầng lớp này tập trung vào việc học hành, nghiên cứu về nghệ thuật cai trị để trở thành quan lại. Điều này dẫn đến hệ quả là khái niệm dân chủ không sinh ra ở châu Á. Việc tham gia vào chính quyền là của quan lại, hoàn toàn độc lập với nông dân. Giới trí thức học để làm quan, họ hoàn toàn không có nhu cầu kiểm soát hay hạn chế quyền lực nhà nước, mặt khác quyền lực nhà nước hoàn toàn không làm thay đổi địa vị kinh tế của giới trí thức. 

Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và nền dân chủ mới  

Việt Nam bước vào thời hiện đại với hai gánh nặng là chế độ phong kiến suy tàn và chế độ thực dân, để cùng một lúc đánh đổ cả hai thứ ấy thì không thể nào dựa vào tầng lớp trí thức phong kiến hay tư sản mại bản. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một dấu mốc vĩ đại trong lịch sử châu Á, lần đầu tiên nông dân được giải phóng và trao quyền công dân. Họ không những được trao quyền mà còn được cung cấp các điều kiện để thực thi quyền công dân. Nông dân được chia ruộng đất, để trở thành người sản xuất tự do, thoát khỏi sự bóc lột của chế độ phong kiến và tư bản. Nông dân không những được bỏ phiếu để bầu chính quyền mà trên thực tế còn kiểm soát chính quyền thông qua các đại diện không có đặc quyền đặc lợi trong Đảng Cộng Sản. Điều này là một phát kiến quan trọng sinh ra từ thực tiễn đấu tranh của phong trào cộng sản quốc tế. Đảng viên một mặt là người lao động bình thường, không có đặc quyền đặc lợi gì từ chức vụ đảng, không nắm chức vụ nhà nước, mặt khác họ có quyền kiểm soát bộ máy nhà nước từ việc hoạch định ra đường lối cho đến phê chuẩn ứng cử viên vào chức vụ quan trọng của nhà nước dựa trên lợi ích của người lao động. Điều này tạo ra một cơ chế hữu hiệu kiểm soát nhà nước đồng thời ngăn cản đảng viên cố kết trở thành tầng lớp đặc quyền chính trị.  

Đây là một khái niệm dân chủ hoàn toàn mới, không liên quan đến dân chủ Athen hay dân chủ tư sản. Khái niệm này cũng không bắt nguồn từ kinh nghiệm của nhà nước chuyên chế châu Á, do đó cái luận điệu cho rằng Việt Nam phải thoát Trung hay thoát Á là hoàn toàn bịp bợm. Một mặt khái niệm dân chủ ở Việt Nam có nghĩa là tạo ra địa vị kinh tế tự do cho những người bị áp bức đồng thời trao quyền công dân cho họ, mặt khác là tạo điều kiện cho họ kiểm soát quyền lực nhà nước một cách gián tiếp, thông qua việc tham gia vào một đảng chính trị chuyên chính có quyền lực thực tế. Song điều này cũng tiềm ẩn xung đột chính trị nội tại. Nhà nước bao giờ cũng là thành trì cuối cùng của sự bóc lột. Viên chức nhà nước là một tầng lớp độc lập, sống bằng công việc nhà nước, tham gia vào bộ máy nhà nước thông qua con đường bổ nhiệm và tuyển dụng, lợi ích của họ là mở rộng bộ máy nhà nước và do đó phải tìm cách thoát khỏi những kiềm chế của đảng chính trị thuộc về người lao động. Đảng chính trị thuộc về người lao động sẽ luôn tìm cách hạn chế sự phát triển của nhà nước vì sự phát triển của nhà nước có nghĩa là tăng cường bóc lột người lao động thông qua thuế khóa. Do vậy, vấn đề căn bản của Việt Nam trong thời kỳ quá độ là kiểm soát quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân làm chủ, đảng lãnh đạo và không ngừng mở rộng quyền lực chính trị cho người lao động. 

Sunday, May 19, 2019

Đa đảng là tốt?

Tôi thường nghe thấy người ta nói rằng: Đa đảng là tốt hơn một đảng vì các đảng sẽ phải cạnh tranh nhau trong việc giành phiếu bầu của người dân. Đảng nào lạm quyền sẽ bị các đảng khác tố cáo, người dân sẽ không bỏ phiếu ủng hộ nữa. Như vậy, người dân sẽ giám sát được quyền lực nhà nước, đó mới thực sự là dân chủ.

Mới nghe qua thì thực là có lý. Song hệ thống chính trị đa đảng phái ở phương Tây ra đời nhằm mục đích kiểm soát phổ thông đầu phiếu, hay nói cách khác là vô hiệu hóa quyền lực của lá phiếu bầu, chứ không phải nhằm mục đích giúp lá phiếu bầu kiểm soát quyền lực nhà nước.

Vô hiệu hóa phổ thông đầu phiếu

Khi có rất nhiều đảng phái tham gia tranh cử thì các đảng phái phải làm gì? Họ sẽ phải thu hút càng nhiều phiếu bầu càng tốt, tức là họ phải đưa ra cương lĩnh chính trị rất ôn hòa để thu hút được nhiều cử tri, họ phải tránh đưa ra các nội dung gây xung đột. Ai thích tư bản thì có tư bản, ai thích làm thuê thì có món làm thuê, ai thích trà đá thì có trà đá, nhưng ví dụ như tăng lương giảm giờ làm thì lại là chuyện khác, chuyện này gây xung đột giữa chủ và thợ, tạm gác lại đã. Các đảng phái sẽ đưa ra một tập hợp các vấn đề hết sức chung chung và ít ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp đến các nhóm dân cư trong xã hội. Ngoài cử tri tự do thì đảng phải khi tranh cử cũng phải tính đến việc liên minh với các đảng khác nữa để có đa số phiếu, khi đó họ sẽ càng phải hạn chế các nội dung chính trị có thể gây ra xung đột với các đối tác tiềm năng.

Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh dẫn đến cái sự ngược đời là thay vì tập trung vào những vấn đề thiết thực đối với đời sống xã hội thì họ sẽ lại tập trung vào những vấn đề nghe thì hay ho nhưng nội dung thì tào lao, chẳng ảnh hưởng đến quyền lợi của ai cả.

Để có ưu thế trong tranh cử thì các đảng phái buộc phải thu hút được một số lượng lớn cử tri, điều này dẫn đến việc họ phải kết nạp tràn lan, khiến cho cử tri thuộc đảng phái mất đi đặc tính chung, trở thành một đám đông lộn xộn, không thể thống nhất về bất cứ điều gì. Ví dụ: Anh ủng hộ đồng tính? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh bảo vệ môi trường? Tốt! Hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh ủng hộ nhà thời? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Anh ủng hộ công nghiệp nặng? Tốt, hãy bỏ phiếu cho tôi! Mặc dù nhà thời thì phản đối đồng tính, môi trường thì phản đối công nghiệp nặng, nhưng không có vấn đề gì hết, khi nắm quyền chúng tôi sẽ giải quyết tất. Bằng các nào ư? Chúng tôi sẽ phát huy dân chủ. Mọi người sẽ có quyền lên tiếng. Phiếu bầu của mọi người sẽ quyết định vấn đề nào được ưu tiên.

Lợi ích riêng của đảng phái

Việc cạnh tranh thu hút cử tri khiến các đảng phái chính trị phải thiết lập một bộ máy thường trực để vận động quyên góp tài chính, tuyên truyền chính trị, tiếp xúc cử tri và dàn xếp các xung đột. Điều này có nghĩa là họ phải tuyển dụng một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp cho những việc đó. Những người chắc chắn không xuất thân từ tầng lớp công nhân lấm lem dầu mỡ, họ phải có hiểu biết nhất định về quản lý, làm công việc phức tạp có tính chuyên môn cao nên thường xuất thân từ các gia đình giàu có và được đào tạo từ các cơ sở đào tạo danh giá về chính trị, quản trị kinh doanh, quản lý công hay truyền thông. Tóm lại, những người quản lý chuyên nghiệp của đảng phái sẽ có xuất thân và nền tảng giáo dục giống như chủ doanh nghiệp và giới thượng lưu chính trị. Lợi ích của giới quản lý chuyên nghiệp trong đảng phái gắn liền với việc không ngừng mở rộng hoạt động và ngân sách của đảng phái. Sự tương đồng về văn hóa và lợi ích giữa bộ máy chóp bu của đảng phái với giới chủ doanh nghiệp tạo ra sự đồng cảm về lợi ích giữa hai nhóm này.

Những người quản lý chuyên nghiệp sẽ vô hiệu hóa vai trò của các thành viên cấp thấp hơn của đảng phái, họ thực hiện mọi công việc và biến các thành viên cấp thấp hơn thành cái máy nói thuần túy. Mặt khác, để đảm bảo đảng có hình ảnh đẹp đẽ trong mắt công chúng thì các xung đột, tranh cãi nội bộ phải bị dẹp bỏ, biến thành các công việc bàn giấy thuần túy. Sự dân chủ được ca ngợi của hệ thống đa đảng tồn tại được là nhờ vô hiệu hóa dân chủ trong nội bộ đảng.

Sự cạnh tranh giữa các đảng phái trong việc nắm chính quyền không nhằm phục vụ cử tri như người ta vẫn tưởng tượng, mà thực tế là phục vụ quyền lợi cho chính đảng phái. Mỗi khi nắm được chính quyền thì đảng phái sẽ mở rộng được hoạt động của mình, thu hút được thêm cử tri, củng cố thêm các mối liên minh về chính trị và kinh tế với các đối tác khác nhờ việc ban phát một cách hào phóng các nguồn lực tài nguyên quốc gia thông qua bộ máy nhà nước.

Hệ thống đa đảng cạnh tranh dẫn đến sự quan liêu hóa của bộ máy quản lý đảng phái, hoạt động vì lợi ích của chính bản thân chứ không phải vì lợi ích của cử tri. Thành viên của đảng phái bị mất giá, ý kiến của họ không mấy ảnh hưởng đến đường lối chính sách của đảng, công việc duy nhất mà họ làm là đi bỏ phiếu khi đến kỳ bầu cử. Bằng cơ chế cạnh tranh, hệ thống đa đảng vô hiệu hóa quyền lực của phổ thông đầu phiếu và làm cho phổ thông đầu phiếu trở nên an toàn với chủ nghĩa tư bản.

Xã hội dân sự đánh thuê

Hệ thống đa đảng phương Tây thành công trong việc vô hiệu hóa phổ thông đầu phiếu, biến cử tri thành cái máy bỏ phiếu đơn thuần, nhưng con người vẫn là con người, họ không nói được bằng cách này thì họ nói bằng cách khác. Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, ở phương Tây xuất hiện một loại hình phong trào xã hội mới, có đặc tính là gây xung đột và không đòi quyền chính trị, ví dụ như đồng tính, bảo vệ môi trường, chống hạt nhân... Các phong trào này ban đầu là sự phản ứng đối với thất bại của hệ thống đa đảng,  thu hút được sự chú ý của rất nhiều cử tri, nhưng sau đó nhanh chóng trở thành cánh tay nối dài cho đảng phái. Một mặt họ độc lập với đảng phái trong việc thu hút các thành viên nên không ảnh hướng đến các đảng phái, mặt khác họ lại cần đến các đảng phái để có thể đưa các vấn đề của họ lên chương trình nghị sự của nhà nước. Các phong trào này nhanh chóng tạo ra các tổ chức xã hội dân sự chuyên nghiệp và trở thành một kênh bán phiếu bầu cho các đảng phái. Thông qua các cơ chế tài trợ phức tạp và lắt léo, các tổ chức xã hội dân sự dần dần phụ thuộc vào đảng phái, ngược lại đảng phái sử dụng họ làm vũ khí để cạnh tranh trong bầu cử, phổ biến là gom phiếu bầu và tấn công các đảng đối thủ. Việc các phong trào xã hội dân sự xung đột với đảng phái hay chính quyền là biểu hiện cho thấy sự thống nhất của nó với hệ thống đa đảng.

Đảng tội ác

Những nhóm cử tri nhỏ có các khuynh hướng cực đoan khi thất vọng với các đảng phái lớn thì sẽ tìm đến các đảng nhỏ cực đoan, đặc điểm của các đảng phái cực đoan này là họ hoàn toàn không có cơ hội trong việc tranh cử vì chỉ thu hút được rất ít cử tri. Song với số cử tri thu hút được ấy họ có thể bán phiếu bầu cho các đảng lớn hơn, dùng nó để tham gia liên minh hoặc cản trở các đảng lớn đạt được đa số phiếu cần thiết nhằm đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, nói ngắn gọn là tống tiền các đảng lớn. Chính vì vậy ở các nước đa đảng phương Tây có sự tồn tại của những đảng phát xít, họ công khai tuyên truyền cho các chế độ tội ác một cách hợp pháp.

Các đảng tội ác tồn tại như là một sản phẩm của chế độ đa đảng và chúng hoàn toàn có thể trở thành đảng nắm quyền khi gặp các điều kiện xã hội thích hợp. Do vậy, chế độ đa đảng không loại bỏ mà ngược lại còn dung dưỡng các đảng tội ác, trở thành môi trường màu mỡ cho tội ác được hợp pháp hóa.  

Độc đảng là hệ quả của cơ chế cạnh tranh đa đảng

Hệ thống đa đảng có phải là sự phủ nhận hệ thống độc đảng không? Không, sự cạnh tranh giữa các đảng phái có thể dẫn đến tình trạng một đảng đủ lớn mạnh để áp đảo các đảng phái khác. Hệ thống đa đảng cạnh tranh có thể dẫn đến chế độ độc đảng và độc tài trên thực tế. Đảng Quốc Xã của phát xít Đức lên nắm quyền hoàn toàn hợp pháp thông qua bầu cử và vô hiệu hóa Quốc Hội Đức bằng đạo luật trao quyền lập pháp cho Hitler. Chế độ độc đảng không phủ nhận chế độ đa đảng, ngược lại là sản phẩm của sự cạnh tranh đa đảng. Do vậy, những bệnh tật của hệ thống độc đảng đều là thừa kế từ hệ thống đa đảng.

Việc phán xét một cách chung chung kiểu như đa đảng tốt vì nó giúp người dân kiểm soát quyền lực nhà nước chỉ là câu nói tuyên truyền sáo rỗng.

Saturday, May 4, 2019

Tại sao những thứ bạn tưởng là chính trị nhưng lại không phải là chính trị?

Ở vùng nọ có một cái chợ làng, vốn là của xã quản lý. Một thời gian sau, doanh nghiệp lấy đất quanh xã xây lên một khu đô thị lớn. Người về ở đông như hội lại có thu nhập cao. Cái chợ làng trở nên sầm uất, buôn bán tấp nập. Tiền vào túi xã cả. Vùng đó được nâng cấp lên thành quận, xã trở thành phường. Quận thấy phố xá đẹp rồi mà để cái chợ sập xệ quá không ổn nên mới gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nâng cấp cái chợ cho xứng tầm.

Phường đang quản lý cái chợ, có đồng ra đồng vào vào, giờ có nguy cơ quận bán phéng nó cho doanh nghiệp, nên mới nghĩ mưu giữ chợ. Một anh bày ra kế hiểm như thế này, họ họp dân cư lại, tuyên bố thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, rồi cắt độ dăm lô ở chợ phân cho mấy gia đình thương binh liệt sĩ trong phường. Khi quận định lấy chợ thì họ xúi mấy gia đình thương binh liệt sĩ đó kéo đàn kéo lũ ra biểu tình phản đối.

Báo chí được dịp vớ bẫm, tống tiền cả doanh nghiệp lẫn quận, nào là: "Chính quyền cấu kết với doanh nghiệp cướp đất của dân!", "Công Lý ở đâu cho các gia đình thương binh liệt sĩ?".... Đám dân chủ giả cầy cũng được dịp lảng vảng ăn hôi. Mấy ông nghị gật được dịp chứng tỏ mình đây vì dân vì nước, chém gió xôn xao cả Quốc Hội.

Quận bị chơi một cú đau, mới nghĩ cách ép lại phường. Một anh quân sư quạt mo mới bày kế: Ta nắm trật tự với vệ sinh, cứ hai cái món ấy mà giã thì phường biết tay nhau ngay. Nói là làm, các đoàn kiểm tra vệ sinh với dẹp vỉa hè liên tục xuống quần đảo quanh khu chợ. Vốn cái chợ đã quá bé so với nhu cầu mua bán mà không được xây dựng mở rộng nên bà con tiểu thương tự mở rộng chui, bằng cách tràn ra hè phố với lòng đường buôn bán. Giờ suốt ngày bị dẹp vỉa hè với kiểm tra vệ sinh thì bà con còn làm ăn buôn bán gì được nữa.

Báo chí ngửi thấy mùi tiền, lại đua nhau vào viết bài kiếm view, nào là "Phải trả lại vỉa hè cho người dân!", "Vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố là vấn đề đáng lo ngại!", "Cần phải cách chức những người có trách nhiệm!"... "Cách mạng cá chết", hội yêu cây yêu cá các loại, trương phềnh như mớ rô phi phơi bụng trên thớt của bà bán cá bên lề đường. Từ các NGOs về môi trường, y tế, cho đến đám bán thực phẩm chức năng đa cấp được dịp quảng cáo ầm ĩ như đám hát tuồng. Phường bị phen méo mặt, suốt ngày phải lo dọn dẹp đón các đoàn kiểm tra. Tiểu thương không buôn bán được thì kêu ca ầm trời. Báo chí suốt ngày hạch hỏi, phường cũng lại phải đấm mõm cho một mớ mới yên chuyện.

Tất cả chuyện ở trên đây đều là bịa, nhưng những sự kiện tương tự thì người ta quan sát thấy rất nhiều trong xã hội hiện nay.

Công nghệ phát triển giúp cho người ta đi từ quán trà đá đầu ngõ ra mạng xã hội toàn cầu, họ nghe báo chí, mạng xã hội và bức xúc với những thứ đó. Mỗi cái tít báo đều gây ra tranh luận và ủng hộ, có kẻ khen, có người chê. Người ta đưa ra ý kiến của mình và tưởng rằng những tập hợp ý kiến ấy đủ mạnh là có thể thay đổi tất cả, tức là họ đang làm chính trị vậy. Các lãnh tụ mạng chuyên xuôi dòng, cũng như ngược dòng, phán bảo ầm ĩ, con nhang đệ tử vái lấy vái để, Facebook lúc nào cũng sôi sục như có cách mạng hoa cứt lợn đến nơi. Nếu like & share mà là cách mạng thì facebook đã là nhà nước đế quốc toàn cầu từ lâu rồi.

Báo chí có phải chính trị không? Không, từ khi báo chí tách khỏi bộ máy nhà nước và kiếm tiền nhờ quảng cáo thì họ chỉ chạy quanh đăng vô tội vạ những thứ thu hút được người đọc, nên báo chí đánh mất đặc tính chính trị, không còn phản ánh trực tiếp các lợi ích chính trị nữa. Vậy mà có chuyện khôi hài là mấy anh nhà báo vẫn đòi được bảo vệ bằng luật thi hành công vụ, tức là mấy anh kiếm tiền bỏ túi tư, nhưng bị chú dân phòng nào ngứa mắt đá đít cho một cái thì lại kêu váng lên rằng tao đang thi hành công vụ nhé, chống tao là chống người thi hành công vụ đó.

Vậy chính trị nằm ở đâu? Chính trị là lúc phường với quận ngồi họp với nhau, thống nhất cách chia tiền thu được từ cái dự án xây chợ mới. Việc đó nằm ngoài tầm với của báo chí cũng như công chúng. Mọi chuyện tầm phào chấm dứt.

Friday, April 28, 2017

Viết chơi đôi dòng nhân dịp giải phóng thống nhất đất nước: Dân chủ là gì?

Năm nào đến dịp 30/4 chó chả sủa váng, không sủa lấy đâu tiền mà bù vào trợ cấp xã hội nhỉ?

Đã là người tự trọng thì tự làm tự ăn, việc gì phải ngửa tay nhận trợ cấp xã hội như đám bình dân lúc tàn canh thời Hy Lạp- La Mã, đỉnh cao văn minh nhân loại, tấm gương sáng láng về dân chủ mà các con giời trí thức đầu to mắt cận bây giờ vẫn ca ngợi hoành tráng đấy. Ấy kéo áo các chú phát, dân chủ không phải do các thành bang Hy Lạp phát minh ra nhé, các học giả Tây nhiều lông và không lông chứng minh được rằng thể chế ấy sinh ra ở Trung Đông, vùng Lưỡng Hà, chính xác là Iran-Irag và Syria ngày nay. Thế mà Syria bây giờ đang bị Mẽo và liên quân ném bom SML vì tội thiếu dân chủ, còn Iraq thì coi như đã xong béng!

Vậy thì cái dân chủ phương Tây chui ở lỗ nẻ nào ra nhỉ? Mặc dù nó vẫn tự xưng là đỉnh cao văn minh nhân loại, thừa hưởng truyền thống dân chủ Hy-La (tộc Franken đã hủy diệt toàn bộ văn minh La Mã). Ở Việt Nam, có mấy ông chui háng Hán để thoát Hán rồi lại bài Hán để thoát Hán (Tai Ương, chữ Đông La!) hay mấy ông cố vấn thủ tướng chính phủ vẫn kêu gào rát họng rằng dân chủ ấy là ngọn cờ văn minh nhân loai, cả thế giới phải đi theo nhé, đừng theo Tàu, mặc dù hàng Tàu giá rẻ bỏ đời, không theo ăn cám cả lũ. Dân chủ phương Tây vốn sinh ra ở đất Anh thuộc địa (của lãnh chúa Pháp), chả liên quan gì đến dân chủ của Hy-La cổ xưa, vì Hy-La cổ xưa đã bị man tộc German đánh cho tàn mạt. Mà cũng lạ, lịch sử thế giới toàn cho thấy man tộc hủy diệt các nền văn minh đỉnh cao chứ không có ngoại lệ. Nhiều con giời đến đoạn này sẽ vênh mặt lên kêu Hoa Kỳ, nhưng dân Hoa Kỳ vào lúc đế quốc Anh đỉnh cao thì cũng là đám mọi rợ, toàn đám cặn bã, đi đày, Tin Lành, đầu trộm đuôi cướp bị Châu Âu văn minh đuổi chạy có cờ thì sang Bắc Mỹ sống. Dân chủ phương Tây hiện nay vốn sinh ra từ cái gọi là sự độc lập của 'lordship', từ này không có trong từ điển tiếng Việt vì Việt theo hệ phong kiến tập quyền. Hình dung một cách đơn giản là hệ thống phong kiến của phương Tây lúc đó là tản quyền, có vua và các quý tộc địa phương, vua nắm chính quyền trung ương còn quý tộc hay lãnh chúa nắm toàn bộ chính quyền địa phương. Vua thì có quyền lực rất to nhưng các lãnh chúa lại có quyền lực nhà nước độc lập trong lãnh địa của mình. Vương quyền phải bảo vệ và độc lập với lãnh chúa quyền, ấy là dân chủ thời trung cổ. Nếu ai đọc lịch sử đế quốc Ba Lan-Lít Va thì sẽ biết đoạn này có nghĩa là gì. Thứ nhất, các lãnh chúa sẽ bầu ra vua, thứ hai các lãnh chúa có quyền đòi công lý mà không sợ bị trừng phạt. Đại loại là một lãnh chúa này nếu thấy bị một lãnh chúa khác xúc phạm thì có quyền đem quân oánh vỡ mặt thằng ấy mà vua không có quyền can thiệp, cho dù thằng ấy có là em ruột của vua.

Tư tưởng của toàn bộ giới trí thức Việt Nam hiện nay đều vay mượn của Phan Châu Trinh, cái chủ nghĩa tự do thời trung cổ ấy, đại diện cho sự độc lập của tầng lớp tư sản quan liêu, như cái anh giáo sư làm toán chuyên chém chính trị. Nhiều người bị ngộ, nghĩ anh ấy chống chính quyền ghê lắm, nhưng thực ra anh ấy bảo thủ và bảo vệ chính quyền (tầng lớp quan liêu) cực kỳ (gia đình anh ấy xuất thân thế nào thì ai cũng rõ). Anh ấy theo đuổi đặc quyền của giới công chức và theo chủ thuyết kỹ trị, tức là kỹ thuật, công nghệ và khoa học quyết định tất (giới trí thức nắm hết kiến thức khoa học và công nghệ thế nên họ ủng hộ thuyết kỹ trị), thế nên chính quyền rất ưu đãi anh ấy, he he he. Mọi người cũng đừng lạ khi thấy có ông chuyên gia cả đời về công nghệ thông tin nhưng lại đòi Việt Nam quay về thời Lê Thánh Tông, mặc dù thời ấy người ta chả cần đến công nghệ thông tin làm gì! Đặc quyền nó làm mờ mắt tất cả!

Thế nên dân chủ vô sản là thủ tiêu mọi đặc quyền, nếu anh còn đặc quyền thì anh còn là giai cấp bóc lột. Dân chủ không bao giờ đi cùng với đặc quyền!

Chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam cũng là đấu tranh giai cấp, cũng là chiến tranh ý thức hệ, việc gì phải phủ nhận như anh nghị vẫn tự hào về nguồn gốc tư sản và muốn cấp license cho chị em bán trôn hợp pháp. Lúc đó, Mỹ dựa vào giai cấp tư sản và địa chủ tư sản hóa để thống trị Việt Nam, thế nên ngụy Sài Gòn là đám lính đánh thuê muốn bám chân Mỹ để gia nhập giai cấp tư sản quốc tế, đừng hỏi tại sao sau này đương kim UVBCT trước lúc bị đưa ra kỷ luật đã nhiệt tình ve vãn Hòn Ngọc Viễn Đông (anh ấy muốn mượn thế lực cũ để củng cố địa vị hiện tại). Giai cấp vô sản và lao động ở Việt Nam đã chiến thắng. Lần đầu tiên Việt Nam thoát khỏi cái bóng ám ảnh suốt cả chiều dài lịch sử, vì con đường duy nhất để tạo ra một quốc gia vĩ đại trong lịch sử hiện đại của loài người, như lời cố chủ tịch vĩ đại đã nói, ấy là chính quyền liên minh công-nông-binh-trí thức. Đó là định mệnh lịch sử của một đế quốc phương Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam lớn lên mà không cần trở thành một đế quốc như những đế quốc khác.

Dân chủ ở Việt Nam là người lao động làm chủ đất nước. Việt Nam đã hấp thụ được toàn bộ văn minh nhân loại từ hình bóng của một con người vĩ đại. Thứ nhất, thủ tiêu mọi đặc quyền, giai cấp tư sản không được tham gia chính quyền, anh đã nắm quyền lực về kinh tế thì anh không được nắm quyền lực chính trị. Thứ hai, nông dân Việt Nam có quyền công dân (theo nghĩa chính trị hiện thực: tức là họ không chỉ có quyền bỏ phiếu mà còn có quyền có đại diện cố định trong chính quyền), đây là di sản Hy Lạp mà toàn bộ văn minh phương Tây đã đánh mất, song cũng vì thế mà đừng lạ là nông dân hay làm loạn, họ có làm loạn thì cũng không bao giờ vứt bỏ địa vị công dân mà họ lần đầu tiên sau hàng ngàn năm phong kiến phương Đông mới có được. Nông dân có làm loạn thì vẫn giương cao cờ búa liềm, đám nào giương cờ vàng là nông dân oánh cho hỏng người ngay, mấy anh cờ vàng muốn kiếm số ăn tiền tài trợ coi chừng cái này. Thứ ba, công nhân có một cơ sở vững chắc là gia đình, gia đình ở Việt Nam là mối liên hệ với gia tộc, tức là mối liên minh về mặt huyết thống và kinh tế với nông dân, đừng hỏi tại sao mấy anh nghị cấp tiến muốn có gái bán dâm hợp pháp để phá hoại gia đình truyền thống của dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của Việt Nam là cuộc kháng chiến của dân tộc và giai cấp, nhiều người không hiểu chiến thắng ấy có nghĩa là gì, nhưng chính nó đã khai sinh ra một khái niệm dân chủ mới, thừa hưởng toàn bộ những thành quả vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Chiến thắng của Việt Nam chính là chiến thắng của nền dân chủ.

Monday, December 26, 2016

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Các phe phái chống cộng đều có một lập luận chung rằng: Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng chỉ có chủ nghĩa tư bản là hiện thực vì vậy Việt Nam cần phải từ bỏ ảo tưởng và đi theo hiện thực. Hoặc tinh vi hơn thì sẽ sử dụng hình mẫu các nước Bắc Âu để nói rằng có một con đường thứ ba, kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và dân chủ hay nhân quyền, tạo ra hạnh phúc ấm no. Tóm lại, tất cả những gì cần thiết là đi theo chủ nghĩa tư bản dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đối với các vị tư sản thì trước kia có lịch sử nhưng khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì lịch sử chấm hết. Loài người mãi mãi dừng lại chủ nghĩa tư bản. Hãy thử tưởng tượng, bạn quay về đế quốc La Mã và nói với họ rằng xã hội chiếm hữu nô lệ trên đỉnh cao văn minh nhân loại của họ sẽ bị các bộ tộc German dã man đánh bại và thay thế nó bằng một chế độ khác. Những người La Mã văn minh ấy sẽ trả lời bạn hệt như các vị tư sản ngày nay. Hoặc gần hơn nữa, hãy nhớ lại lập luận của các vị tư sản khi họ treo cổ đám vua chúa phong kiến lên, mặc dù đám vua chúa và quý tộc phong kiến ấy giàu sang và có học hơn họ nhiều. Lúc đó nếu ai dám nói với họ rằng chế độ tư bản chỉ là ảo tưởng, chỉ có các triều đình phong kiến là hiện thực thì chỗ của người đó sẽ là trên giá treo cổ, bên cạnh vua chúa và quý tộc các loại.

Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ý tưởng kỳ quái từ đâu đó sinh ra, đó là quy luật của xã hội loài người, đó là quy luật của lịch sử, nó sinh ra khi chủ nghĩa tư bản đạt đến mức độ phát triển nhất định, ngay chính trong lòng xã hội tư bản với tư cách là sự thay thế chế độ tư bản. Quy luật ấy sẽ phải được thể hiện bằng sự lựa chọn của một số quốc gia nhất định bởi vì chủ nghĩa tư bản đã củng cố và tạo ra các biên giới quốc gia thống nhất thay cho các lãnh địa phong kiến tản mạn xưa kia.

Tại sao người Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa xã hội mà không chọn chủ nghĩa tư bản?

Chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ nhất định tại một số quốc gia thì nó sẽ phá hoại những điều kiện phát triển bình thường tại một số quốc gia khác khiến cho những quốc gia bị phá hoại không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản được nữa. Nếu các ngài tư sản có nói với bạn rằng hãy chọn con đường tư bản để được giàu có và hạnh phúc thì bạn hãy chỉ cho các ngài ấy thấy ngoài Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản chưa từng thành công ở bất cứ đâu, đa phần các nước khác hoặc là chìm trong đói nghèo lạc hậu của một xã hội đứng ở ngưỡng cửa của chủ nghĩa tư bản hoặc phải sử dụng một phiên bản không hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản. Việt Nam là một nạn nhân của chủ nghĩa tư bản thời đại đế quốc, bom đạn, văn minh, dân chủ, nhân quyền phương Tây đã gần như đưa xứ sở của chúng ta về thời đồ đá, rất tiếc là họ không được như ý vì chúng ta đã tiến vào thời đại đồ nhôm. Con đường chủ nghĩa tư bản đã khép lại từ lâu và không hứa hẹn đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho Việt Nam. Lịch sử đã không cho chúng ta chọn chủ nghĩa tư bản.

Kể từ khai sinh cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã đạt đến độ chín của nó. Hãy nhớ rằng khi La Mã bị người German dã man đánh bại thì La Mã phát triển hơn German rất nhiều, sở dĩ có điều đó là bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ của La Mã đã mất hết động lực phát triển và trở thành gánh nặng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng vậy, các nước tư bản vẫn giàu có hùng mạnh và có thể hùng hổ bắt nạt cả thế giới, nhưng trong căn nguyên của chủ nghĩa tư bản thì cái quan hệ sản xuất của nó đã lạc hậu và mất hết động lực phát triển. Xưa kia khi quan lại phong kiến cố gắng bám lấy chế độ phong kiến trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản bằng những lý lẽ nào thì giờ các vị tư sản lại bám lấy chế độ tư bản bằng những lý lẽ y hệt. Lý trí sáng suốt nào lại cho phép chúng ta bám lấy những gì đang suy tàn mà từ bỏ cái mới tốt đẹp hơn đang hình thành. Không, chính lý trí đã giúp người Việt có được sự lựa chọn sáng suốt. Cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có cái lý trí sáng suốt ấy thì người Việt Nam cũng như nước Việt Nam thậm chí còn không tồn tại. Nỗi nhục nước bị xóa tên trên bản đồ, người Việt phải nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ chẳng phải là mới ngày hôm qua thôi sao?

Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên quan hệ giữa các cá nhân độc lập với tư cách chủ sở hữu hàng hóa, quan hệ giữa họ là mua bán. Những phương thức sản xuất khác thì không dựa trên việc mua bán hàng hóa nên buộc phải dựa vào các mối quan hệ gia tộc, huyết thống và sự mở rộng nhất định của các thiết chế mang tính tập thể. Khi các chủ nghĩa tư bản phát triển thì Việt Nam mới ở vào giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến vì vậy các quan hệ xã hội và thiết chế mang tính tập thể của người Việt Nam vẫn còn rất mạnh. Chính yếu tố đó khi được trui rèn trong lò lửa của cách mạng vô sản và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt nửa sau thế kỷ 20 đã nuôi dưỡng trong lòng xã hội Việt Nam cái hạt nhân mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội. Lý trí của người Việt bắt nguồn từ hiện thực của người Việt chứ không phải là một ảo tưởng sùng bái vĩ nhân hay học thuyết ngoại lai nào đó. 

Nói tóm lại, lịch sử đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam vì trong lòng xã hội Việt Nam đã mang sẵn những mầm mống của nó, cho dù nước Việt Nam vẫn còn chưa được giàu mạnh. Hãy nhìn lại lịch sử! Chẳng phải các bộ tộc người German dã man đã đánh bại La Mã thần thánh đó sao? Chẳng phải thương nhân Hà Lan đã đánh bại cả triều đình Habsburg lẫn đế quốc Tây Ban Nha hùng mạnh để giành độc lập sau 80 năm kháng chiến gian khổ ngay giữa lúc chế độ phong kiến châu Âu đạt tới đỉnh cao đó sao? Cần phải nói thêm rằng cũng chính người Hà Lan đã đưa William Orange lên ngai vàng nước Anh (để làm đồng minh chống lại Tây Ban Nha), mở đường cho nước Anh rệu rã sau này trở thành đế quốc của thời đại tư bản.

Để hình thành xã hội tư sản thì giai cấp tư sản của nó phải đủ mạnh, nhưng chính bản thân giai cấp tư sản ở Việt Nam lại chưa bao giờ đủ mạnh và độc lập. Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành nhờ vào vai trò trung gian giữa đế quốc và người bản địa, thế nên dưới chế độ thuộc địa thì giai cấp tư sản hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc. Khi chế độ thuộc địa bị đập tan thì giai cấp tư sản cũng nhanh chóng tan rã, những mảnh còn lại của nó buộc phải bám lấy giới tiểu thương thành thị, nông dân giàu và trí thức. Sau này, khi kinh tế thị trường được phát triển trở lại ở Việt Nam, giai cấp tư sản bắt đầu hồi phục, nhưng vì không có truyền thống thống trị độc lập nên hệ tư tưởng của giai cấp này cũng không độc lập, nó phân tán và chịu đủ sự chi phối từ các tầng lớp khác, khi phải đối mặt với sự tổ chức và tính kỷ luật đã được rèn rũa bằng cách mạng của giai cấp vô sản thì nó hoàn toàn bất lực. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã phản ánh vào tâm thức của một bộ phận tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trên thực tế họ là cái loa của giai cấp tư sản do đã bị tư sản hóa, do những mảnh của giai cấp tư sản ẩn náu trong họ. Sự yếu đuối bế tắc, không có tư tưởng độc lập của giai cấp tư sản được thể hiện thành những luận điệu lải nhải về sự ngu dốt thấp kém của người Việt nói chung, mặc dù đó thực ra là của giai cấp tư sản Việt Nam.

Chính người lao động Việt Nam đã chứng minh được trí tuệ và bản lĩnh của họ trong suốt nửa thế kỷ qua, những người nông dân chân lấm tay bùn, những người thợ nhem nhuốc dầu mỡ, những anh giáo làng nhút nhát đã bằng chính đôi tay của mình quật ngã những đế quốc sừng sỏ nhất của thế kỷ 20, ngay giữa thời đại phát triển thịnh vượng nhất của họ. Đó chẳng phải bản lĩnh và trí tuệ đó sao? Để làm được điều đó thì chẳng phải cần đến sự tổ chức cũng như kỷ luật sắt đá đó sao? Hãy nhớ rằng đó là kỷ luật của máu, còn cao hơn kỷ luật của ngọn roi cá đuối thời đại chiếm hữu nô lệ và kỷ luật của cái đói trong chế độ tư bản! Thật nực cười khi nói rằng người Việt Nam không biết tổ chức cũng như không có kỷ luật. Hãy nhớ rằng khi những kẻ giàu có đu càng máy bay trực thăng chạy trốn thì chính những người lao động lầm than đã xây dựng lại đất nước Việt Nam từ đống tro tàn trong cảnh bị đe dọa, bao vây, cấm vận và vẫn phải cầm khẩu súng chiến đấu. Giai cấp vô sản Việt Nam hình thành chậm hơn và thiếu sự phát triển hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển nhưng họ mang trong mình hạt nhân cách mạng mà ít có giai cấp vô sản ở các quốc gia khác có được, đó là lý do khiến nước Việt Nam vẫn còn đứng vững đến nay, ngay cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ.

Hoàn cảnh lịch sử ấy cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã đẩy xã hội Việt Nam vào một giai đoạn đặc biệt đáng chú ý trong lịch sử, có thể gọi nôm là "đánh võ mồm" hay "bàn phím chiến".

Sợ hãi trước trí tuệ và bản lĩnh của người lao động Việt Nam, giai cấp tư sản cũng như những kẻ tay sai của họ không ngừng tìm cách bôi nhọ người Việt Nam (nực cười thay, khi đó họ không xem bản thân là người Việt, hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại). Họ không ngừng lôi ra những cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam và so sánh với những gì gọi là văn minh, tốt đẹp của phương Tây (theo chủ nghĩa tư bản). Chuyện này đã khiến rất nhiều người bị nhầm lẫn. Nhưng hãy hình dung bằng một ví dụ đơn giản, một đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ nó không khá giả lắm thì sẽ mua cho nó bộ quần áo rộng một chút để nó có thể mặc được lâu. Đứa bé mặc bộ quần áo rộng thùng thình thì trông sẽ rất xấu xí, không thể so sánh với những đứa bé con nhà giàu mặc bộ quần áo vừa vặn được. Nhưng những người hiểu biết liệu có chê bai chế nhạo đứa bé kia về bộ quần áo rộng và bộ dạng chả mấy đẹp đẽ của nó không? Chắc chắn không có người hiểu biết nào lại làm cái điều ngớ ngẩn đó. Xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nó tạo ra hàng sa số những xung đột giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hàng sa số những vấn đề mà hiện tại không có cách nào giải quyết được, nhất là khi các điều kiện cần thiết để giải quyết chúng chưa xuất hiện. Những hiện tượng đó cho thấy xã hội Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng. Tranh luận và cãi cọ về những thứ đó chỉ tốn thời gian và chẳng đem lại lợi ích gì. Thậm chí chính tư duy của cái bộ phận dân cư không ngừng nguyền rủa và hạ nhục người Việt nói chung kia cũng là sản phẩm của hoàn cảnh ấy, nó thể hiện sự bất lực và thiếu hiểu biết của họ trước những xung đột xã hội và nó cũng sẽ tan biến khi những xung đột ấy chấm dứt. Ở đây lý trí của người vô sản bình thường sẽ mách bảo cho bạn biết rằng những gì bạn cần làm lúc này là chọn xem vấn đề nào giải quyết được và giải quyết vấn đề đó chứ không phải đứng đó gào thét và chửi bới cái mớ hỗn độn quanh bạn. 

Cần phải trả lời cái luận điệu "Phương Tây là văn minh và tốt đẹp, hãy học họ để văn minh và tốt đẹp chứ đừng biện minh cho bản thân bằng những vấn đề của họ" ra sao? Rất đơn giản, luận điểm đó dựa trên hai giả định, thứ nhất là phương Tây văn minh tốt đẹp hơn Việt Nam, thứ hai là những cái văn minh và tốt đẹp ấy không gắn liền với các vấn đề của họ. Điều thứ nhất bạn có thể chứng minh rằng đó là tâm thức của những kẻ nô lệ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phương Tây văn minh tốt đẹp hơn và phải "Thoát Á" hay "Thoát Trung", đó là điều nhảm nhí. Cái tâm thức ấy rất điển hình của giai cấp tư sản và một bộ phận trí thức Việt Nam, họ làm trung gian giữa các đế quốc phương Tây và người Việt thế nên sự siêu việt của văn minh phương Tây đảm bảo cho địa vị đặc quyền của họ và do đó họ sẽ phủ nhận mọi sự tốt đẹp của người Việt (vì điều đó đe dọa địa vị của họ). Phần thứ hai cũng có thể chứng minh đơn giản, các vấn đề của phương Tây gắn liền với những cái gọi là văn minh và tốt đẹp của phương Tây, đi theo con đường của phương Tây (hay chủ nghĩa tư bản) là chấp nhận những thứ đó. Hãy vạch mặt giai cấp tư sản và tay sai của giai cấp tư sản bằng cách ấy. Hãy hiểu rằng cái mà giai cấp tư sản Việt Nam muốn là chủ nghĩa tư bản phương Tây, còn tất cả những gì tệ hại như thất nghiệp, bần cùng, tội phạm, tàn phá môi trường, khủng hoảng kinh tế, sự tha hóa của nhân cách thì giai cấp vô sản sẽ phải gánh chịu, thế nên chúng sẽ luôn phớt lờ những mặt trái của xã hội phương Tây để ca ngợi những thứ phù hợp với lợi ích của chúng. Hãy luôn nhớ rằng giai cấp công nhân và nông dân sẽ phải gánh chịu toàn bộ những thảm họa đó, nếu giai cấp tư sản thành công trong việc thay đổi hướng đi của đất nước này.

Sunday, October 16, 2016

Xã hội và quan hệ xã hội

Cách đây không lâu, rất nhiều trang mạng nước ngoài và quốc tế phát tán một câu chuyện kiểu giả khoa học xuất phát từ một mạng xã hội chuyên về chuyện hài hước mô tả một thí nghiệm về khỉ và dùng nó để minh họa cho việc đàn áp vô lý các ý kiến khác biệt trong xã hội loài người. Dưới đây là câu chuyện ấy.

Đọc toàn bộ câu chuyện ở đây
Điều căn bản phi lý trong câu chuyện này chính là giả định đám khỉ sẽ đánh con khỉ nào muốn leo lên lấy chuối. Đó là điều không bao giờ xảy ra trong xã hội loài người và chính điều đó đã ngầm giả định sự đàn áp các quan điểm khác biệt. Câu chuyện này trở thành một mớ nhảm nhí theo kiểu sự đàn áp tồn tại vì có sự đàn áp và giải pháp của nó là một thứ khôi hài không tưởng theo kiểu hành vi tâm thần của sự nghiện ngập "like và share" trên mạng xã hội: Hãy chia sẻ và mọi người sẽ nghĩ khác, khi mọi người nghĩ khác thì mọi thứ sẽ khác!

Quan hệ giữa những con người là quan hệ xã hội và quan hệ xã hội sẽ trở thành một phần của bản chất tự nhiên trong con người. Hãy chú ý điều này: Kinh tế học luôn giả định con người là homo economicus, tức là một kiểu con khỉ vị kỷ chỉ biết đến bản thân khi so sánh giữa chuối và nước lạnh, khi làm điều đó nó buộc phải giả định rằng vị tha không tồn tại, tức là một ông bố sẽ không hy sinh gói thuốc lá của mình để mua sữa cho đứa con nhỏ đang đói. Thứ giả khoa học của chủ nghĩa tư bản hình dung con người là một con vật vị kỷ, do vậy nó dùng con vật để thay thế cho con người trong mọi câu chuyện.

Xã hội con người sẽ hoàn toàn khác với xã hội khỉ được mô tả trong thí nghiệm giả khoa học kia.

1-Xã hội có giai cấp 

Khi đám khỉ biết rằng một con khỉ trèo lên lấy chuối thì những con còn lại sẽ bị xịt nước lạnh, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ cắt cử một con khéo léo nhanh nhẹn nhất leo lên thật nhanh lấy chuối xuống để chia cho tất cả cùng ăn, cả đám còn lại sẽ cùng chịu nước lạnh và sau đó cùng ăn chuối.

Chuyện đó là bình thường cho đến khi con khỉ chuyên lấy chuối kia tưởng rằng chuối có được là nhờ sự thông minh khéo léo của nó còn những kẻ còn lại chỉ là những kẻ khốn khổ ăn bám không hơn không kém. Nó sẽ thể hiện uy quyền bằng cách ăn phần lớn chuối và chỉ chia phần nhỏ cho những con còn lại. Tất nhiên những con khỉ còn lại sẽ bất bình, chúng sẽ tìm cách thay thế con khỉ đó bằng một con khỉ khác công bằng hơn. Song cái cơ chế đó đã hình thành, những con khỉ đi lấy chuối bao giờ cũng là tầng lớp đặc quyền và đặc quyền đó được xây dựng dựa trên sự chịu đựng đau khổ của đông đảo quần chúng. Mọi con khỉ đi lấy chuối có công bằng vô tư đến đâu thì cái cơ chế xã hội tồn tại vẫn luôn đảm bảo địa vị đặc quyền của chúng và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ ăn bám cặn bã. Điểm mấu chốt này giải thích sự duy tâm và bảo thủ của câu chuyện giả khoa học về lũ khỉ trong bức hình minh họa nói trên. Một mặt, nó thay thế quan hệ xã hội bằng lợi ích và niềm tin cá nhân. Mặt khác, nó khẳng định lối thoát là sự giải phóng của lợi ích và niềm tin cá nhân. Sự phi lý nằm ở chỗ: Nó giả định sẵn cái mà nó cần phải chứng minh. Sự bảo thủ của nó nằm ở chỗ: Nó lảng tránh quan hệ xã hội, coi quan hệ xã hội là một thuộc tính tự nhiên vĩnh viễn không thể thay đổi, do vậy nó thần thánh hóa và bảo vệ cái trật tự mà nó vờ như đang chống lại.

2-Xã hội không giai cấp

Khi xã hội loài khỉ tiến hóa đến một mức độ nhất định, lũ khỉ sẽ thay đổi cách tổ chức. Mỗi con khỉ sẽ đều phải lần lượt leo lên lấy chuối xuống chia cho cả nhóm cùng ăn và tất nhiên là con nào cũng chịu bị phun nước lạnh. Chúng sẽ cười vào mũi đám nhà khoa học dốt nát đang cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra, đôi khi chúng sẽ thí nghiệm trở lại xem đám nhà khoa học kia sẽ làm gì khi chúng dự trữ chuối để ăn hay không thèm leo lên lấy chuối ngay cả khi bị phun nước lạnh, từ đó chúng sẽ thay đổi cách tổ chức hành động cho hiệu quả hơn. Mỗi con khỉ đều đạt tới trạng thái tự do khi tham gia vào mọi công việc chung của xã hội. Một mặt chúng có những quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí cả sự đau khổ ràng buộc với xã hội, nhưng mặt khác chúng không còn lệ thuộc vào những cá thể nhất định nữa. Sự xung đột chấm dứt, không còn bất cứ con nào phàn nàn về nước lạnh hay vấn đề công bằng khi chia chuối. Mọi ý kiến bất đồng đều nhanh chóng được giải quyết do mỗi thành viên trong xã hội đều có đầy đủ trải nghiệm và công cụ để kiểm chứng những ý kiến đó, chỉ trên cơ sở đó, những ý kiến khác biệt mới được tôn trọng triệt để. Đây là xã hội có ý thức, con người đã tách hoàn toàn khỏi trạng thái nguyên thủy. 

Để chống lại tình trạng những kẻ đặc quyền đặc lợi ăn bám vào xã hội thì mấu chốt không phải là thay thế kẻ đặc quyền này bằng kẻ đặc quyền khác, mà là xóa bỏ mọi đặc quyền. Việc xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải tổ chức lại xã hội khiến cho tất cả mọi người đều phải tham gia vào mọi công việc chung của xã hội và được hưởng lợi ích từ đó. 

3-Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng

Từ khi một xã hội không giai cấp, chấm dứt mọi đặc quyền bắt đầu hình thành thì tầng lớp đặc quyền sẽ không thể ngồi yên, chúng sẽ tìm mọi cách chống lại điều đó để bảo vệ địa vị của mình. 

Khi những con khỉ bắt đầu tổ chức theo xã hội không giai cấp thì tất cả những thành phần tinh hoa của xã hội cũ sẽ gào thét, chúng sẽ ồn ào về sự phi lý, những hậu quả của hành động trái ngược với bản chất tự nhiên, với sự khéo léo của những con khỉ chuyên lấy chuối, với sức chịu đựng bền bỉ của những con khỉ chuyên chịu nước lạnh. Một mặt chúng sẽ đề cao sự công bằng bình đẳng, mặt khác chúng tuyên bố cái trật tự hiện có là tự nhiên, bất cứ ý kiến nào đòi thay đổi cái trật tự đó đều là ngu xuẩn và độc ác. Mọi sự tiến bộ đều có thể tiến lên bằng cách thay đổi tư duy hay nhận thức của mỗi cá thể chứ không phải là thay đổi quan hệ xã hội giữa các cá thể đó. Hãy đừng ngạc nhiên khi thấy có những xã hội đề cao ý kiến cá nhân nhất cũng chính là những xã hội đàn áp ý kiến cá nhân bậc nhất, bởi vì sự tự do đó không dành cho tất cả mọi người.

Không phải ở đâu những con khỉ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng có thể to tiếng, nhất là khi những con khỉ còn lại đã có tổ chức tốt, việc tạo dựng xã hội mới cũng đồng nghĩa với việc đánh bại, đàn áp những kẻ thống trị bảo thủ của xã hội cũ. Đó là điều không thể tránh khỏi. Ở đây sẽ xuất hiện một bộ phận phản động bậc nhất, chúng sẽ nhân danh tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến để chống lại việc xây dựng xã hội mới. Tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến có nghĩa là tự do bảo vệ trật tự xã hội cũ của những kẻ đặc quyền và do vậy đối với những kẻ đặc quyền sẽ là giá trị tốt đẹp nhất của xã hội hiện tại. Lúc này, mấu chốt để xây dựng xã hội mới không phải là đấu tranh cho tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến mà là tiêu diệt chúng.

4-Lời kết

Quay trở lại với câu chuyện trong hình minh họa, tất cả thực tiễn của xã hội đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự phi lý trong việc đàn áp ý kiến khác biệt được minh họa bằng một thí nghiệm giả tưởng với khỉ, do vậy, chìa khóa để thay đổi là mọi ý kiến khác biệt đều phải được tôn trọng và khuyến khích. Song chỉ khi nào người ta đặt câu chuyện giả khoa học theo kiểu ngụ ngôn này vào bối cảnh lịch sử của xã hội loài người thì ý nghĩa xã hội của nó mới bộc lộ rõ, cả sự bảo thủ cũng như phản động của nó. 

Cách đây hơn một thế kỷ, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nhấn mạnh rằng: Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức! Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được nhận thức và quyết định được nhận thức, do vậy dưới chủ nghĩa tư bản, một bộ phận dân chúng bị tha hóa và tách ra khỏi hiện thực xã hội, mất đi khả năng kiểm chứng nhận thức của bản thân và bị lệ thuộc vào nhận thức của kẻ khác (một ví dụ cụ thể: đám đông bị truyền thông định hướng). Trong hoàn cảnh ấy, tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến thực ra là sự mất tự do về ngôn luận và sự mất tự do về bất đồng chính kiến. Việc đề cao tự do ngôn luận hay tự do bất đồng chính kiến lúc này luôn đi cùng với sự phê phán ý thức thấp kém, lệ thuộc, quần chúng ngu dốt hay các tệ nạn a dua, anh hùng bàn phím, giống như hai mặt của một đồng xu vậy. Khi các quyền tự do bị tách ra khỏi cơ sở thực tiễn xã hội thì chúng trở thành sự bảo thủ và phản động, chúng sẽ giúp cho những thế lực thống trị của xã hội tiếp tục duy trì sự nô dịch đối với quần chúng lao động, buộc quần chúng lao động phải phụ thuộc vào chúng. Khi sự phê phán ý thức tách rời khỏi thực tiễn xã hội (tức là không đi cùng với sự giải phóng người lao động) thì chúng cũng trở thành phản động vì chúng không thay đổi nhận thức của quần chúng lao động để phục vụ cho việc giải phóng họ mà ngược lại củng cố sự thống trị của tầng lớp có đặc quyền về ý thức và giáo dục. Điều khôi hài ở chỗ này mà có thể người ta đã lờ mờ nhận ra, chính là chủ nghĩa giáo dục mang tính khai sáng kiểu tư sản (hiện đang được phe dân chủ đề cao ở Việt Nam) lại gắn liền với chủ nghĩa ngu dân phản động bậc nhất, có nghĩa là "khai dân trí" để dân chúng biết rằng họ lệ thuộc vào ý thức của một tầng lớp tinh hoa có đặc quyền về trí tuệ chứ không phải để họ tự giải phóng bản thân mình và có được sự độc lập về ý thức. 

Monday, April 11, 2016

Tại sao Singapore giàu còn Việt Nam thì chưa?

Singapore có dự án xây dựng đường sắt cần phải chặt hạ 1.000 cây xanh. Tụi cây quyền ở Singapore gom được ba mống đi biểu tình phản đối. Cảnh sát đến giải tán, đánh cả lũ một trận nhừ tử rồi đưa ra tòa với một lô một lốc trọng tội như gây rối trật tự công cộng, biểu tình bất hợp pháp, chống người thừa hành công vụ, cố ý gây thương tích, tuyên truyền tôn giáo trái phép, xúc phạm chính quyền, dụ dỗ trẻ vị thành niên, trốn thuế…tòa tống cả đám vào tù với dăm cái án chung thân và khoản tiền phạt khổng lồ. Cây bị đốn sạch và đường sắt được làm xong.

Việt Nam cũng có dự án xây dựng đường sắt phải chặt hạ 1.000 cây xanh. Việc chặt cây xanh được thông báo trước hai năm để lấy ý kiến dân chúng, không có đứa nào ý kiến ý cò gì hết. Đúng ngày khởi công chặt cây, tụi cây quyền thuê một mớ dân oan đi biểu tình với sự hộ tống của một bầy đông đảo báo chí kền kền quốc tế. Cảnh sát không dám đến giải tán vì ngán tụi nó kêu đàn áp nhân quyền. Báo chí nhào vô khóc mướn cho cây xanh um xùm. Một ông nghị ngẫn tuyên bố việc gì cũng phải tôn trọng ý kiến dân chúng. Việc chặt cây bị tạm đình lại. Ban quản lý dự án phải họp báo giải thích. Báo chí lại loan tin có doanh nghiệp Trung Quốc tham gia móc ngoặc dự án. Ban quản quản lý dự án lại phải họp báo thanh minh. Báo chí lại đăng tin có tham nhũng trong dự án. Ban quản lý dự án lại phải họp báo thanh minh. Nhà thầu thấy dự án bị đình trệ lâu mà báo chí lại hay săm soi bới móc đủ lỗi lớn nhỏ, họ bỏ chạy không làm nữa. Các nhà thầu khác cũng không dám nhận. Dự án đường sắt một đống tiền nằm chết dí đó không biết bao giờ mới xong.

Tụi cây quyền Việt Nam lên mạng ca ngợi nước Singapore là dân chủ và tôn trọng nhân quyền nên giàu có, còn Việt Nam là độc tài, tham nhũng và không tôn trọng nhân quyền nên nghèo đói.

(Chuyện bịa, chỉ để giải trí nhưng không nhất thiết khác với sự thật)

Wednesday, March 9, 2016

Chuyện tầm phào của một ông bộ trưởng


Mới rồi có ông bộ trưởng liên hệ tới câu chuyện động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 nói rằng:
Truyền thông quốc tế đưa tin một cháu bé 9 tuổi phải xếp hàng chờ phát bánh mì cứu trợ. Dù được ưu tiên đưa bánh mì trước, thế nhưng cháu bé đã bước lên trả lại và quay trở lại để xếp hàng. Một đất nước như vậy mới mong phát triển được.
Câu chuyện này diễn ra chưa lâu, nhưng sau này hầu hết những người chú ý theo dõi tin tức trên mạng đều biết rằng câu chuyện về cậu bé Nhật Bản đó là sản phẩm hư cấu của một nhà văn Việt Nam thuộc dạng cực hữu, chuyên đả kích chính quyền. Đây là một câu chuyện bịa, chưa từng có ai xác thực được nó và cũng không có truyền thông quốc tế nào đưa tin ngoài mấy trang blog lề trái và đám báo mạng Việt Nam luôn sao chép chụp giật không cần kiểm chứng. Ông bộ trưởng thậm chí còn kể sai cả câu chuyện (bịa) đó, đứa bé đang xếp hàng ấy không được ưu tiên phát đồ cứu trợ (không phải bánh mỳ, một người bình thường cũng biết là người Nhật không ăn bánh mỳ) mà được một người khác cho túi lương khô nhưng lại đem bỏ vào thùng chứa đồ cứu trợ để phát cho mọi người, còn nó thì tiếp tục xếp hàng.

Câu chuyện này được ông bộ trưởng dùng để so sánh với việc cầu lộc cầu tài của quan chức và doanh nghiệp và lý giải lý do Việt Nam thua kém các nước. Đại ý của ông là do dân Việt Nam chỉ thích ăn sẵn, không chịu hy sinh và không cố gắng phấn đấu. Truyền thông Việt Nam ưa thích những câu chuyện kiểu này, đám cực hữu lề trái cũng vậy, thế nên không có gì lạ khi phát biểu cũng như bản thân ông bộ trưởng được coi là hình mẫu của sự 'nói thẳng nói thật', 'thực sự có tâm vì đất nước'. Tất nhiên, sự 'nói thẳng nói thật' có bắt đầu bằng những điều dối trá thì cũng không vấn đề gì, vì ý nghĩa của nó quan trọng hơn nhiều. 

Nhiều năm trở lại đây, người ta được chứng kiến sự xét lại điên cuồng của những kẻ cực hữu và chống chế độ ở Việt Nam đối với câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa về một cậu bé anh hùng. Đó là câu chuyện về thiếu niên Lê Văn Tám tự châm lửa lên mình để đốt kho xăng của địch. Cả truyền thông cũng như đám lề trái đều ra sức chứng minh rằng đó là một câu chuyện bịa đặt, được dựng lên để tuyên truyền và đó là bằng chứng cho sự nói láo của chế độ cộng sản. Tất nhiên, một người 'nói thẳng nói thật' như ông bộ trưởng thì có lẽ sẽ không bao giờ lấy hình ảnh tuyên truyền như Lê Văn Tám, cho dù hình ảnh ấy có được đưa vào sách giáo khoa và là của Việt Nam, để ca ngợi tinh thần hy sinh vì đất nước hay minh họa cho phát biểu của ông, bởi vì thật nguy hiểm khi dựa vào một điều mà nhiều người cho là sự bịa đặt.

Hình ảnh Lê Văn Tám về bản chất không khác gì hình ảnh cậu bé Nhật Bản (được bịa ra) kia, họ đều hy sinh vì đất nước, đều vì cái chung mà hy sinh cái riêng. Nếu như đám quan chức và dân đen trong bài phát biểu của ông bộ trưởng cầu xin một thánh thần xa lạ nào đó ban bổng lộc cho họ mà không tự mình chịu gian khổ kiếm lấy, làm cho hình ảnh dân tộc Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt quốc tế và cho thấy một não trạng trì trệ khó có thể phát triển, thì việc vay mượn hình ảnh nước ngoài (bịa đặt) để minh họa cho lý tưởng của mình bất chấp hình ảnh tương tự có thật và đã tồn tại lâu dài của xứ sở mình, trên thực tế, cũng tương tự như hành động khấn vái thần thánh của đám quan chức và dân đen mê muội kia. Cả hai đều không tin vào những gì mình đã có, do vậy không tin ở bản thân mình và buộc phải cầu khẩn đến những thứ xa lạ. 

Đám dân đen và quan chức mê muội thì cầu xin của thánh thần, còn những người 'nói thẳng nói thật' 'hết lòng vì dân vì nước' thì cầu khẩn những bóng ma ngoại quốc. Những câu chuyện thật là tầm phào, tất nhiên dưới những hình thức khác nhau.

Lưu ý: Một số báo sau khi đăng bài phát biểu của ông bộ trưởng có lẽ đã nhận ra vấn đề với câu chuyện em bé Nhật Bản nên đã cắt bỏ phần đó, tuy nhiên một số báo khác vẫn đăng đầy đủ.

Wednesday, December 16, 2015

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về nạn mại dâm

Khi cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa mại dâm diễn ra ở Việt Nam mới đây, thật kỳ lạ là hoàn toàn không có ai sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích vấn đề đó. Dường như chủ nghĩa Marx đang bị hắt hủi trong thực tiễn ở Việt Nam (một nước công khai theo chủ nghĩa Marx-Lenin), có lẽ điều đó khiến cánh cực hữu và những kẻ thờ phụng chủ nghĩa đế quốc phương Tây vui mừng hơn nhiều so với sự bôi nhọ chủ nghĩa Marx một cách bỉ ổi hàng này của họ.

Việc sử dụng chủ nghĩa Marx để phân tích các vấn đề thực tế không phải là hiếm hoi trên thế giới ngược lại nó đang ngày càng trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén hơn của người lao động trên khắp thế giới.

Cũng về vấn đề mại dâm, Helen Ward trong bài "Marxism versus Moralism on Prostitution", đăng trên Permanent Revolution Winter 2007, đã dựa trên luận điểm Marxist cho rằng mại dâm là mặt trái của chế độ hôn nhân một vợ một chồng (chỉ đối với phụ nữ), phân tích việc biến mại dâm thành hàng hóa trong xã hội tư bản và cấu trúc giai cấp của mại dâm. Mỗi bộ phận trong lĩnh vực mại dâm thuộc về một giai cấp khác nhau, tương ứng với cấu trúc giai cấp của xã hội tư sản, do vậy khi đấu tranh chống lại nạn mại dâm thì cũng cần có phương thức liên kết và đấu tranh thích hợp với cấu trúc giai cấp đó. 

Nếu như ở nước Anh mại dâm là hợp pháp thì công việc của người vô sản anh là đoàn kết với công nhân tình dục để chống lại sự áp bức của giai cấp tư sản thì ở Việt Nam, nơi mà mại dâm là bất hợp pháp, thì công việc của người vô sản không phải là đấu tranh để hợp pháp hóa nó mà ngược lại phải tìm cách xóa bỏ nó. Do ở những nước như Anh, khi mà mại dâm được hợp pháp hóa thì trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản điều đó có nghĩa là nạn mại dâm đã trở lên phổ biến và biến thành chế độ làm thuê phổ biến, cách thức đấu tranh hợp lý là đoàn kết với những người bị áp bức. Còn ở Việt Nam, nạn mại dâm vẫn chưa đạt đến quy mô công nghiệp, vẫn chỉ hạn chế chủ yếu ở giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp vô sản lưu manh, thì điều tiên quyết là chống lại mọi mưu toan công nghiệp hóa nó, phát triển nó thành một dịch vụ phổ biến, bởi vì sự hủy hoại ấy trước hết sẽ nhằm vào những người lao động.

Chủ nghĩa Marx đối đầu với chủ nghĩa đạo đức về mại dâm

“Mại dâm chỉ là một biểu hiện cụ thể của nạn mại dâm phổ biến của người lao động.”[1] Câu trích dẫn này của Marx có thể cho thấy rằng đối với những người xã hội chủ nghĩa thì mại dâm là một vấn đề rất rõ ràng, nhưng thay vì được chứng minh trong các cuộc đấu tranh thực tế, cánh tả thường dao động giữa việc biện minh cho sự áp bức và xóa bỏ, hay hình sự hóa và công đoàn hóa.

Phần lớn các tranh luận mới đây tập trung xem xét về việc mại dâm có thể được coi là công việc hay là một dạng áp bức đối với phụ nữ.[2] Hai phe đối lập đã dẫn đến hai chiến lược đối lập hoàn toàn. Nếu như mại dâm là công việc thì đấu tranh cho việc tự tổ chức và các quyền là vấn đề chủ chốt của những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu như mại dâm là sự áp bức và nô lệ hóa thì những người tham gia là nạn nhân cần phải được giải thoát. Kathleen Barry, nhà tổ chức của hội nghị nữ quyền quốc tế về buôn bán phụ nữ vào năm 1983, đã theo đuổi quan điểm thứ hai khi bà từ chối tranh luận với nhà hoạt động của lao động tình dục Margo St. James, lập luận rằng “hội nghị là về nữ quyền và không ủng hộ thiết chế mại dâm…(sẽ là)…không thích hợp để thảo luận về nô lệ tình dục với phụ nữ bán dâm.”[3] Gần đây hơn, nhà văn Julie Bindell đã ủng hộ quan điểm này, viết về quyết định mở một chi nhánh cho lao động tình dục của GMB, bà lập luận, “làm sao một công đoàn có thể vừa chống lại việc áp bức phụ nữ lại vừa dung nạp điều đó? Thay vì để xã hội coi đó là một sự lựa chọn nghề nghiệp, mại dâm cần phải được thể hiện đúng bản chất – sự áp bức đối với phụ nữ. Công đoàn hóa không thể bảo vệ phụ nữ trong ngành công nghiệp đồi bại này.”[4] Mới đây nhất Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSP) đã gia nhập chiến tuyến và tuyên bố rằng mại dâm là sự áp bức đối với phụ nữ [xem trang 17].

Một quan điểm Marxist về mại dâm 

Mại dâm là trao đổi tình dục lấy tiền. Mặc dù vậy, khi mà có sự trao đổi này diễn ra trong những bối cảnh khác nhau – ví dụ như trong một số dạng hôn nhân – hầu hết các định nghĩa của từ điển đều rộng hơn một chút. Trong Từ Điển Tiếng Anh Oxford, một gái bán dâm là “một phụ nữ cho thuê cơ thể để phục vụ cho bất kỳ quan hệ tình dục nào.” 

Từ điển Encyclopaedia Britannica có định nghĩa rộng hơn, mại dâm là “sự tham gia vào hoạt động tình dục, thường xuyên là với các cá nhân khác không phải là vợ chồng hay bạn tình, để đổi lấy khoản thanh toán tức thời dưới dạng tiền hay các vật đáng giá khác.” Những định nghĩa này bổ sung thêm từ “bất kỳ” hay “không phải vợ chồng” để cố gắng tóm lược điều mà chúng ta đều ngầm hiểu – mại dâm là tình dục nằm bên ngoài những mối quan hệ mà trong đó tình dục thường được chấp nhận. 

Khái niệm mại dâm có lẽ hàm chứa nhiều người khác nhau cũng nhiều mối quan hệ khác nhau theo thời gian. Những nữ tu của Hy Lạp cổ đại, geisha của Nhật Bản, kỹ nữ của Châu Âu, gái đứng đường khu Soho và công nhân nhà thổ ở Mumbai, tất cả đều mang tên gái mại dâm. Vẻ bề ngoài tồn tại phi thời gian, nằm trong câu sáo ngữ về “nghề cổ xưa nhất”, che giấu nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Những phụ nữ đó đều có một thứ chung đó là họ thực hành quan hệ tình dục bên ngoài khuôn khổ gia đình, tức là tình dục không gắn kết với sự tái sản xuất và duy trì một hộ gia đình.

Đây chính là thứ quan trọng để tiến đến cốt lõi của vấn đề - mại dâm chỉ có thể được khám phá trong mối quan hệ với chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Như Engels đã viết, “Chế độ một vợ một chồng và mại dâm thực sự mâu thuẫn nhau nhưng là sự mâu thuẫn không thể tách rời, là hai cực của cùng một trạng thái xã hội.”[5] Bebel, viết về phụ nữ và chủ nghĩa xã hội vào những năm 1880, đã giải thích, “Mại dâm trở thành một thiết chế xã hội cần thiết của xã hội tư sản, cũng giống như cảnh sát, quân đội thường trực, nhà thờ và giai cấp tư sản.”[6] Để hiểu được sự biện chứng này, tức là “sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập”, trước hết chúng ta cần phải xem xét bản chất của mại dâm trong chủ nghĩa tư bản, xem xét sự biến đổi của nó theo phương thức sản xuất và sau đó quay trở lại khám phá quan hệ giữa tình dục riêng tư và công cộng cũng như sự áp bức phụ nữ.

Mại dâm: hàng hóa 

Giống như hầu hết các giao dịch thương mại của chủ nghĩa tư bản, mại dâm dựa trên việc bán và mua một hàng hóa. Theo nhận thức thông thường, gái bán dâm bán “cơ thể của cô ta”. Nhưng đây là một sự hiểu lầm, do khi kết thúc giao dịch thì khách hàng không “sở hữu” cơ thể của gái mại dâm. Thứ mà khách hàng mua là là dịch vụ tình dục. Một số nhà nữ quyền và người xã hội chủ nghĩa phản đối ý tưởng cho rằng phụ nữ bán dịch vụ chứ không phải bán cơ thể, nhưng cũng thừa nhận rằng việc bán đó chỉ là tạm thời, mô tả việc bán là để sử dụng cơ thể gái bán dâm để đem lại sự thỏa mãn tình dục cho khách hàng.

Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì vẫn là sự nhầm lẫn. Nếu anh đến bất cứ nơi nào có mại dâm, bất kể là trên đường phố, trong một nhà thổ hay thông qua một kẻ môi giới, anh sẽ thấy có bảng giá cụ thể. Thông thường chúng không được liệt kê vì lý do pháp luật nhưng rõ ràng là có giá cả cho việc phục vụ bằng tay, giá sẽ cao hơn khi phục vụ bằng miệng, giao hợp bình thường và giao hợp đường hậu môn. Một dịch vụ hộ tống sẽ tính tiền theo giờ, nhưng cũng nói rõ rằng dịch vụ tình dục bao gồm những gì và không bao gồm những gì, tất nhiên là kèm theo mức phí đã được tính. Hàng hóa là tình dục – hay chính xác hơn là một dịch vụ tình dục cụ thể.

Việc tình dục bị biến thành hàng hóa được nhiều người coi là “tội” tổ tông của mại dâm. Mhairi McAlpine của SSP viết, “mại dâm là việc thương phẩm hóa quan hệ tình dục, tách ra khỏi phạm vi thỏa mãn lẫn nhau và đưa vào phạm vi của thị trường.”[7] Tôi cũng có những cuộc thảo luận tương tự về chủ đề này với nhiều đồng chí trong nhiều năm – liệu có chắc chắn là hành vi thân mật đó không bao giờ nên bị biến thành thứ xa lạ có thể bị đem mua bán? Quan điểm lãng mạn cho rằng tình dục là sự thỏa mãn lẫn nhau đã cho thấy sự trừu tượng hóa từ các mối quan hệ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản và các xã hội phân chia giai cấp trước đó, tình dục được điều tiết chặt chẽ và có khuynh hướng kinh tế. Sự điều tiết dựa trên nhu cầu bảo vệ sở hữu tư nhân thông qua thừa kế.

Trong cuốn sách “Nguồn Gốc Gia Đình, Chế Độ Tư Hữu Và Nhà Nước”, Engel đã phác họa cách thức chế độ một vợ một chồng (đối với phụ nữ) phát triển cùng với sở hữu tư nhân. Gia đình một vợ một chồng “thoát ra từ gia đình đối ngẫu…Nó dựa trên sự thống trị của đàn ông, thể hiện mục đích tạo ra con cái mà không có sự tranh chấp về quan hệ cha con; quan hệ cha con này là cần thiết bởi vì con cái sau này sẽ trở thành người thừa kế tài sản tự nhiên của người cha.”[8]

Hình thức gia đình đã thay đổi qua các dạng xã hội phân chia giai cấp khác nhau nhưng không phải là tôn giáo và phong tục đã đảm bảo cho sự tập trung của chế độ một vợ một chồng đối với phụ nữ, khi chế độ đó giải thích về phạm vi và các luật lệ ổn định. Không phải mại dâm thực hành tình dục “bên ngoài phạm vi của sự thỏa mãn lẫn nhau” mà chính gia đình một vợ một chồng được dùng để bảo vệ sở hữu tư nhân. Những cô con gái trở thành tài sản để được mua cũng như đem bán cái khả năng tạo ra người thừa kế của họ nhằm đổi lấy đất đai, gia súc hay tiền bạc.[9]

Mại dâm cũng phát sinh từ quá trình đó, do không có bất cứ xã hội nào có thể áp đặt chế độ một vợ một chồng cho nam giới cũng như nữ giới. Demosthenes, một nhà hùng biện Hy Lạp, đã tóm tắt vị thế của phụ nữ trong xã hội chiếm hữu nô lệ của Athen, “Chúng ta thỏa mãn bằng kỹ nữ, có những nàng hầu đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cưới nhiều vợ để sinh cho chúng ta những đứa con hợp pháp cũng như làm người bảo vệ đáng tin cậy cho sức khỏe của chúng ta.”[10] 

Liệu quan điểm này đã lỗi thời chưa? Liệu có chắc chắn là vào thế kỷ 21 thì tình dục chủ yếu là để thỏa mãn lẫn nhau thay vì tạo ra người thừa kế hay đổi lấy tiền mặt? Trước đây hơn bốn mươi năm đã có một sự giải phóng tình dục, do sự thay đổi trong địa vị xã hội của phụ nữ và sự phát triển của các biện pháp tránh thai hiệu quả, mại dâm không phải là dạng tình dục ngoài hôn nhân duy nhất. Mặc dù vậy, các cấu trúc xã hội vẫn tiếp tục ủng hộ quan hệ tình dục một vợ một chồng liên quan tới sở hữu, phụ nữ khắp thế giới vẫn bị coi là đĩ điếm khi họ công khai tìm kiếm quan hệ tình dục không mang tính chất một vợ một chồng.

Cấu trúc giai cấp của mại dâm 

Bề ngoài của mại dâm không phù hợp với các phân loại kinh tế tiêu chuẩn. Một nhà sử học đã viết: 

“…gái mại dâm không hành xử giống như bất kỳ hàng hóa nào khác; cô ta chiếm một vị trí độc nhất, tại trung tâm của một hệ thống kinh tế phi thường và đồi bại. Cô ta có thể đại diện cho mọi khái niệm trong phạm vi sản xuất tư bản chủ nghĩa; cô ta đồng thời là người lao động, đối tượng trao đổi và người bán. Cô ta đóng vai trò như công nhân, hàng hóa và nhà tư bản, cô ta xóa mờ các phân loại kinh tế tư sản theo cùng cách thức mà cô ta thách thức những ràng buộc của đạo đức tư sản…Do vậy, khi là hàng hóa, gái mại dâm vừa củng cố vừa xuyên tác mọi đặc trưng truyền thống của kinh tế học tư sản.”[11]

Không chỉ sai lầm về việc một gái mại dâm có thể đại diện cho mọi yếu tố của sản xuất tư bản chủ nghĩa mà nhà sử học cũng không chỉ ra được những vai trò khác nhau của gái mại dâm. Họ thực sự có thể xuất hiện như là công nhân, hàng hóa, người bán và thậm chí là nhà tư bản, nhưng những gái mại dâm khác nhau có thể có những quan hệ khác nhau với hàng hóa mà họ bán.

Hàng hóa có giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng trong mại dâm là thỏa mãn sự ham muốn của khách hàng, cung cấp sự thỏa mãn tình dục. Giá trị trao đổi là lao động xã hội kết tinh trong hàng hóa, có nghĩa là lao động thể chất và tinh thần liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tình dục. Giá trị này tương đương với thứ mà công nhân tình dục cần để tái sản xuất bản thân dưới các điều kiện xã hội trung bình đối của ngành này.

Giống như nhiều dịch vụ và một số lĩnh vực sản xuất khác của chủ nghĩa tư bản, mại dâm diễn ra theo nhiều cách khác nhau, gái mại dâm cũng có mối quan hệ khác đối với tư liệu sản xuất và mua bán mỗi loại tư liệu sản xuất. Nhiều gái mại dâm là lao động làm thuê: họ được một cá nhân, doanh nghiệp thuê và buộc phải làm việc trong một số giờ nhất định. Đây là tình cảnh của hàng triệu phụ nữ đang làm việc trong các nhà thổ, quán xông hơi và quán bar khắp thế giới. Họ được trả lương theo số giờ làm việc hoặc số khách hàng phải tiếp.

Trong trường hợp này họ không trực tiếp bán dịch vụ tình dục cho khách hàng – họ bán sức lao động cho chủ. Chủ của họ (tú ông, tú bà, chủ nhà thổ hoặc quán bar) nhận tiền từ khách hàng và chia một phần cho công nhân tình dục (hoặc đòi một phần phí mà công nhân tình dục nhận được). Theo nghĩa này thì công nhân tình dục cũng giống như các lao động làm thuê khác, có thể nói rằng họ “bán thân thể”, tức là họ bán khả năng lao động. Tuy vậy, như Marx đã giải thích trong Quyển I của bộ Tư Bản, đây không phải là bán thân: 

“…chủ sở hữu của sức lao động [công nhân – HW] chỉ bán nó trong một khoảng thời gian xác định, nếu như anh ta bán nó vĩnh viễn thì anh ta cũng bán luôn bản thân mình, biến anh ta từ một người tự do thành một nô lệ, từ chủ sở hữu một hàng hóa thành một hàng hóa.”[12]

Thực sự là hiện nay có những lao động tình dục sống trong các điều kiện nô lệ - khi mà bản thân họ bị bán và mua như hàng hóa và sau đó làm việc cho các chủ sở hữu nô lệ. Sự hồi sinh của chế độ nô lệ hiện đại, hầu hết được tường thuật trong hoạt động mua bán người, không phải là chỉ riêng đối với mại dâm mà còn diễn ra trong công việc nội trợ và hầu hạ. Thực tế về chế độ nô lệ tồn tại trong một số bộ phận của công nghiệp tình dục không bác bỏ thực tế là đa số hoạt động mại dâm diễn ra trong điều kiện thông thường của chế độ nô lệ làm thuê.

Hầu hết công nhân tình dục không phải là nô lệ hay công nhân làm thuê – phần lớn bởi vì sự cấm đoán của luật pháp nhằm hạn chế sự bành trướng của ngành công nghiệp “chính đáng” và đặt nó dưới bóng tối của thị trường bất hợp pháp và kinh tế tội phạm. Nhiều công nhân tình dục là người bán hàng trực tiếp; họ không làm việc cho ai mà trực tiếp giao dịch với khách hàng. Trong trường hợp này thì họ vẫn bán hàng hóa nhưng không phải là sức lao động mà là hàng hóa chứa đựng lao động kết tinh của họ, tức là dịch vụ tình dục, họ cũng bán dịch vụ này trực tiếp cho khách hàng. Trên thực tế, họ là người tự kinh doanh, mặc dù tại hầu hết các quốc gia họ không thể đăng ký một cách hợp pháp. Một số người có của cải và sở hữu hoặc thuê các tư liệu sản xuất – như nhà ở, điện thoại và các công cụ thương mại khác. Họ thuộc giai cấp tiểu tư sản.

Nhưng đa số các phụ nữ trong trường hợp đã nêu khó có thể mang hình ảnh của tầng lớp trung lưu, người tự kinh doanh. Hầu hết họ đều nghèo với một ít của cải và đối với một số người thì sự trao đổi có dạng rất sơ khai. Ví dụ khi dịch vụ tình dục được trực tiếp trao đổi lấy hiện vật, như thực phẩm và nơi ở, hay ma túy. Những người này chỉ tham gia một cách hời hợt vào nền kinh tế tư bản – họ là một phần của thứ mà Marx gọi là tầng lớp vô sản lưu manh.

Cũng có những gái mại dâm thuê người khác làm việc cho họ. Một số công nhân tình dục tự tổ chức công việc kinh doanh của họ, đóng vai trò như là tú bà và chủ nhà thổ. Khi làm chủ thì họ sở hữu các tư liệu sản xuất và bóc lột lao động của người khác, trong khi vẫn thường xuyên tiếp tục, mặc dù không liên tục, bán dâm. Như vậy, một số gái mại dâm là công nhân, một số là nô lệ, đa số là tiểu tư sản và một số ít là tư sản.[13]

Bóc lột hay áp bức?

Ở mức độ trừu tượng hóa rất cao – của hàng hóa, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi – mà Marx coi là bản chất của sự bóc lột. Công nhân bị nhà tư bản bóc lột không phải bằng lừa dối hay gian lận mà dựa vào bản chất của chế độ làm thuê: công nhân đổi một hàng hóa lấy tiền lương. Hàng hóa không phải là sản phẩm của lao động của họ mà là năng lực lao động, tức là sức lao động của họ.

Sự bóc lột tồn tại trong sự khác biệt giữa giá trị của sức lao động và giá trị của hàng hóa mà họ sản xuất ra trong thời gian sức lao động của họ được nhà tư bản sử dụng. Sự bóc lột là kết quả của thực tế là công nhân không sở hữu sản phẩm của lao động của họ mà chỉ sở hữu năng lực lao động của họ. Ngay cả khi tiền lương được trả đúng bằng giá trị của sức lao động, một sự trao đổi công bằng theo khái niệm tư bản chủ nghĩa, người công nhân vẫn bị bóc lột.

Roberta Perkins, viết về công nghiệp tình dục ở Australia, cung cấp một định nghĩa hữu ích về cách thức điều này vận hành trong lĩnh vực kinh doanh tình dục:

“Nhà thổ, hay nhà chứa (bordellos, bagnios, stews, seraglios) cũng tương tự như các nhà xưởng cỡ nhỏ và vừa, một khách sạn hoặc một tòa nhà khác được sử dụng làm nơi làm việc, đòi hỏi một khoản tư bản ứng trước lớn, chi phí cao và một khoản lợi nhuận định kỳ lớn. “Chủ sở hữu tư liệu sản xuất” có thể là cá nhân, liên doanh hoặc một doanh nghiệp cổ phần, thuê mướn nhân công hỗ trợ như quản lý, lễ tân, người đứng quầy bar, hoặc người dọn vệ sinh và nhân viên bán hàng hoặc gái mại dâm. Gái mại dâm làm việc theo kiểu vô sản truyền thống, tức là lao động của họ được thuê và được trả tiền. Giá trị trao đổi của gái mại dâm thường là bằng nửa giá trị trao đổi của hàng hóa (tình dục) được khách mua (khách hàng hay người tiêu dùng). Tiền hoa hồng [hay tiền lương – HW] của cô ta theo thỏa thuận phân chia với chủ, người có sở hữu phần giá trị thặng dư, từ phần giá trị thặng dư đó chủ sẽ trả lương cho người lao động hỗ trợ, thanh toán tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, quảng cáo và các chi phí khác, cũng như tích lũy tư bản để tái đầu tư cho công việc kinh doanh (ví dụ, cải tiến hoặc mở rộng). Phần còn lại của giá trị thặng dư là lợi nhuận của chủ.”1[14]

Cũng như đối với các lao động làm thuê khác, sự bóc lột và lợi nhuận nằm trong sự chênh lệch giữa chi phí thuê công nhân tình dục và thu nhập mà cô ta có thể tạo ra bằng cách cung cấp hàng hóa. Đối với những người tiểu tư sản thì không có sự bóc lột theo nghĩa này và lợi nhuận được tạo ra bằng cách nâng giá bán cao hơn chi phí kinh doanh. 

Phân tích này bị các nhà nữ quyền phản đối, họ cho rằng khách hàng trực tiếp bóc lột công nhân tình dục. Dĩ nhiên trong mối quan hệ gái mại dâm-khách hàng thì khách hàng luôn có vị thế đặc quyền về kinh tế nhưng anh ta không bóc lột gái mại dâm. Vai trò của anh ta trong mối quan hệ này là người tiêu dùng. Có nhiều người khác bóc lột cô ta – chủ của cô ta có thể là tú ông, doanh nghiệp hay tú bà – nhưng theo nghĩa kinh tế thì chắc chắn không phải là khách hàng.[15] 

Sự liên hệ của Engel giữa mại dâm với chế độ một vợ một chồng là chính xác. Trong gia đình thì người chồng có nhiều lợi thế về quyền lực trong phạm vi gia đình đối với người vợ, thu nhập sẵn có và thoát khỏi nhiều công việc tầm thường. Nhưng nhìn chung anh ta không đạt được điều này bằng cách bóc lột kinh tế vợ của mình – anh ta “được thừa hưởng” điều đó từ địa vị chung của nam và nữ giới trong phạm vi chủ nghĩa tư bản.

Khi cho rằng gái mại dâm không bị khách hàng bóc lột thì không có nghĩa là họ không bị khách hàng áp bức. Nhiều công nhân tình dục bị khách hàng áp bức tàn bạo, họ thường làm nhục hoặc dùng bạo lực với gái mại dâm. Nhà nước cũng đối xử với công nhân tình dục theo cách đó, thường xuyên phủ nhận các quyền con người và pháp lý cơ bản của họ. Ví dụ, cho đến gần đây ở Anh, một phụ nữ có tiền án mời chào mua dâm vẫn được coi là “gái mại dâm công khai”. Một khi điều đó đã được ghi vào hồ sơ thì cô ta có ít quyền hơn bất cứ người nào khác. Các truy tố khác sẽ không cần đến hai nhân chứng mà chỉ cần sự khẳng định của một viên cảnh sát và tiền án của cô ta sẽ được trưng tại tòa án.

Ở nhiều nước, phụ nữ với tiền án mại dâm bị cấm đi lại, họ không được quyền nuôi con và hiện nay thì gái mại dâm đứng đường ở Anh sẽ bị kết án có hành vi phản xã hội, tức là có thể bị quản thúc về một tội thực sự không mang tính chất hình sự. Ví dụ khắc nghiệt nhất về sự áp bức đối với gái mại dâm là tỷ lệ sát nhân và tấn công bạo lực cao, cũng như cách thức hằn học mà truyền thông đưa tin về gái mại dâm. Phụ nữ “bị coi” là gái mại dâm có thể bị gia đình và bạn bè xa lánh, mất quyền nuôi con và không bao giờ kiếm được công việc “bình thường”. Họ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những sự trừng phạt về pháp lý và xã hội không chỉ tác động đến phụ nữ đứng đường; chúng vươn sang cả những phụ nữ bị coi là “đĩ”. Nhưng rõ ràng những phụ nữ dễ tổn thương nhất – những người không có tiền bạc, ít học và ít được hỗ trợ về mặt xã hội – là những người phải gánh chịu đau khổ nhiều nhất. Họ bị xô đẩy từ mọi phía. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ nghiện ma túy hoặc rượu và có các vấn đề về tâm thần khác. Nhưng kiểu phụ nữ rập khuôn phổ biến như bị lạm dụng khi còn bé rồi trở thành gái mại dâm để “thỏa mãn” sự nghiện ngập không phải là tình huống phổ biến nhất.

Thông thường là sự kết hợp giữa các tình thế đưa đẩy phụ nữ đến với mại dâm và nguyên nhân phổ biến không phải là nghiện ma túy hay sự lạm dụng, mặc chúng là động cơ, mà là thiếu tiền. Sự thiếu tiền có thể là tuyệt đối hoặc tương đối – nhiều phụ nữ tìm thấy ở ngành công nghiệp tình dục một sự lựa chọn tốt hơn so với những công việc lương thấp và bị bóc lột dữ dội ở các lĩnh vực thông thường.

Tình hình này cũng phổ biến ở các quốc gia khác. Công nhân tình dục ở Ấn Độ đưa ra tuyên ngôn vào năm 1997, trong đó có giải thích về lý do phụ nữ bán dâm:

“Phụ nữ bán dâm vì lý do tương tự như khi họ lựa chọn bất cứ sinh kế có sẵn nào. Trường hợp của chúng tôi không khác biệt gì so với công nhân từ Bihar đến kéo xe tay ở Calcutta, hay công nhân từ Calcutta làm việc bán thời gian tại một nhà máy ở Bombay. Một số người trong chúng tôi bị bán vào ngành này. Sau khi bị ràng buộc với tú bà đã mua chúng tôi trong một số năm thì chúng tôi có được mức độ độc lập nhất định trong ngành công nghiệp tình dục. [Chúng tôi] đi đến bán dâm sau khi trải qua nhiều kinh nghiệm trong đời, thường là miễn cưỡng, không hoàn toàn hiểu biết về mọi tác động của việc trở thành gái mại dâm. Nhưng từ khi nào đa số phụ nữ chúng tôi có sự lựa chọn trong và ngoài phạm vi gia đình? Liệu chúng tôi có tình cờ tự nguyện trở thành lao động nội trợ? Liệu chúng tôi có thể lựa chọn người mình muốn kết hôn và khi nào kết hôn? “Sự lựa chọn” hiếm khi là hiện thực đối với hầu hết phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo.”[17]

Công và tư 

Phân tích mang tính Marxist này thể hiện rằng mại dâm xuất hiện như là mặt trái của chế độ một vợ một chồng, một chế độ sinh ra để bảo vệ sở hữu tư nhân và quan hệ tình dục không thể hoàn toàn tách khỏi quan hệ kinh tế trong xã hội phân chia giai cấp. Sự áp bức đối với phụ nữ bắt nguồn từ sự tác biệt công việc nội trợ và tái sản xuất tư nhân khỏi sản xuất xã hội và đời sống xã hội.

Mại dâm tạo thành sự đe dọa đối với xã hội bởi vì nó đe dọa xóa mờ sự phân chia rõ ràng – tách tình dục ra khỏi gia đình và ném vào thị trường. Sau đó nó cho thấy rằng dưới chủ nghĩa tư bản thì gái mại dâm không phải là một tầng lớp đơn lẻ. Chương trình của chúng ta về mại dâm phải phản ánh sự hiểu biết này và không nên dựa trên ý tưởng lãng mạn về tình dục cũng như sự kinh hoàng của chúng ta về sự bóc lột thậm tệ nhất đối với công nhân tình dục.

Công nhân tình dục tự tổ chức 

Trong những năm gần đây có một sự phát triển lớn lao trong các tổ chức của công nhân tình dục. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu có nhiều tổ chức đã phát triển từ các nhóm phụ nữ và các phong trào xã hội khác, nhưng phải đoạn tuyệt với lập trường nữ quyền về công việc tình dục để bảo vệ quyền của họ. Nhiều nhà nữ quyền muốn xóa bỏ mại dâm, coi đó chỉ đơn giản là sự áp bức đối với phụ nữ. Họ cho rằng điều đó phải được xóa bỏ bằng cách trừng phạt những người quản lý và khách hàng cũng như tiến hành cách cuộc giải cứu gái mại dâm. Nhiều tổ chức sẽ không nói về gái mại dâm, hay nói về công nhân tình dục, mà sử dụng khái niệm “phụ nữ bán thân”. Thứ ngôn ngữ kẻ cả của họ đã cho thấy thái độ của họ - họ coi công nhân tình dục là người bị lừa bịp và theo họ thì không có vai trò gì trong việc giải phóng bản thân khỏi sự áp bức hay sự bóc lột đang phải chịu đựng.

Sự xung đột giữa những cứu tinh nữ quyền và các nhóm đấu tranh cho quyền của lao động tình dục rất sâu sắc nên hiếm khi họ có chung một cương lĩnh. Thư Viện Phụ Nữ ở London gần đây đã tổ chức trưng bày về mại dâm và không cho phép bất cứ sự xuất hiện nào của các tổ chức công nhân tình dục, dẫn tới biểu tình của Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế (IUSW) ở bên ngoài.18 Lập trường cực đoan nhất là của nhà văn Julie Burchill, người đã viết, “Mại dâm là chiến thắng tối thượng của chủ nghĩa tư bản. Khi cuộc chiến tranh tình dục kết thúc, gái mại dâm sẽ bị xử tử vì sự phản bội khủng khiếp của họ đối với tất cả phụ nữ, vì đám hắc ín và lông gà đạo đức mà họ đã mang đến cho phụ nữ bản địa, những người kém may mắn phải sống trong cái mớ hỗn độn mà họ đã tạo ra.”[19] 

Các tổ chức của công nhân tình dục bị phê phán về việc lãng mạn hóa mại dâm và chỉ đại diện “nghề nghiệp” của tầng lớp trung lưu. Nhưng ở Ấn Độ có một tổ chức quần chúng của công nhân tình dục tồn tại và mang quan điểm tương tự. Ủy Ban Durbar Mahila Samanwaya (hay “Durbar”, theo tiếng Bengali có nghĩa là không lùi bước hoặc không thể khuất phục) được thiết lập ở Tây Begal, Ấn Độ và phát triển từ sáng kiến Sonagachi nhằm ngăn chặn bệnh AIDS. Durbar có 65.000 thành viên, làm việc tại những khu vực nghèo khổ nhất của quốc gia: 

“Durbar bày tỏ rõ ràng mục tiêu chính trị, đấu tranh đòi công nhận lao động tình dục là một công việc và công nhân tình dục được coi là công nhân, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân tình dục và con cái của họ. Durbar yêu cầu phi hình sự hóa dịch vụ tình dục và vận động thay đổi các luật hạn chế nhân quyền của công nhân tình dục, vốn có khuynh hướng hình sự hóa và hạn chế các quyền công dân của họ.”[20] 

Tuyên ngôn năm 1997 của họ, đã được trích dẫn trước đây, thể hiện một sự hiểu biết về áp bức tình dục có thể khiến nhiều người xã hội chủ nghĩa phải xấu hổ: 

“Sở hữu tài sản tư nhân và duy trì chế độ gia trưởng đòi hỏi phải có sự kiểm soát đối với sự tái sản xuất của phụ nữ. Từ khi tài sản được duy trì bằng những người thừa kế hợp pháp và chỉ có quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà là tạo ra sự sinh sôi, những sự trừng phạt của chế độ gia trưởng tư sản chỉ áp dụng cho sự kết nối này. Tình dục được coi là phương tiện căn bản và hầu như là duy nhất để tái sản xuất, phủ nhận mọi phương diện khoái lạc và khát khao bản năng đối với nó…Những thanh niên tìm kiếm sự gần gũi thể xác, những người đàn ông đã kết hôn tìm kiếm sự tương tác với phụ nữ “khác”, những công nhân nhập cư bị tách ra khỏi vợ, đang cố tìm kiếm sự ấm áp và sự chiều chuộng ở khu phố đèn đỏ, đều không thể bị coi là đáng nguyền rủa hay hư hỏng, để làm điều đó thì sẽ phải xóa bỏ toàn bộ lịch sử tìm kiếm khoái lạc, sự âu yếm và nhu cầu của loài người.” 

Các tổ chức của công nhân tình dục là chìa khóa để chống lại sự bóc lột cũng như áp bức. Khi có sự phân chia giai cấp trong mại dâm, những tổ chức này cần được công nhân tình dục vận hành để phục vụ cho công nhân tình dục, những người được thuê mướn hoặc tự kinh doanh, cũng như tạo ra khuôn khổ tuyển dụng cho những người muốn thuê mướn và bóc lột người khác. Công đoàn và các tổ chức cộng đồng của công nhân tình dục cần phải có mối liên hệ mạnh mẽ với các tổ chức công nhân khác – khi là một phần của phong trào công nhân thống nhất và hùng mạnh, họ sẽ có thể chiến đấu tốt hơn chống lại các định kiến phổ biến.

Trong suốt thập kỷ qua, một số công đoàn đã đồng ý tổ chức và đại diện cho công nhân tình dục. Ở Anh, IUSW đã thuyết phục tổng liên đoàn GMB thành lập chi nhánh công nghiệp tình dục ở Soho và họ đã công đoàn hóa thành công một nhà thổ cũng như đàm phán được thỏa thuận công nhận ở các câu lạc bộ thoát y vũ. Công nhân tình dục cũng được gộp chung vào tổng liên đoàn ở Đức (Verdi) và Hà Lan (FNV).[21]

Mại dâm và chủ nghĩa xã hội 

Cuộc sống của công nhân tình dục thường khó khăn và nguy hiểm, ít nhất là bởi vì những công nhân tình dục tố cáo sự lạm dụng của tú bà và khách hàng bị truy tố và đàn áp. Nhiều công nhân tình dục không hạnh phúc với công việc của họ và sẽ rời bỏ nếu như có một cơ hội thực tế nào khác. Nhưng đó cũng sẽ là một dạng lao động bị tha hóa như mọi loại lao động khác trong chủ nghĩa tư bản.

Mại dâm dưới dạng này sẽ không tồn tại trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, cũng như cả gia đình và công việc dưới dạng hiện thời của chúng. Những chuyên gia hoặc diễn viên tình dục chuyên biệt có thể tồn tại, nhưng được giải phóng khỏi mối quan hệ với sở hữu tư nhân và tình trạng một vợ một chồng được thần thánh hóa hay áp đặt, quan hệ tình dục sẽ tiến hóa theo những cách thức mà chúng ta chỉ có thể dự báo. Vấn đề chủ chốt là sự tách biệt giữa công và tư, theo nghĩa là công việc xã hội công cộng và tái sản xuất tư nhân, sẽ bị xóa bỏ và trong quá trình đó phụ nữ sẽ thực sự được giải phóng.

Về tác giả 

Helen Ward, là một người ủng hộ PRN, một bác sĩ sức khỏe cộng đồng và nhà nghiên cứu đã làm việc với nhiều công nhân tình dục ở London và Châu Âu trong hơn 20 năm. Cùng với nhà nhân học Sophie Day, bà đã nghiên cứu HIV và các bệnh khác, sự biến đổi mang tính nghề nghiệp và vòng đời trong công việc tình dục, thiết lập một trong những dự án lớn nhất cho công nhân tình dục ở Anh. Bà là người ủng hộ Công Đoàn Công Nhân Tình Dục Quốc Tế.

Chú thích của tác giả

1. Marx K. Bản thảo kinh tế triết học, 1844. Đoạn trích này và các đoạn trích kinh điển khác có đăng tại : www.marxists.org

2. Trong bài báo này, tôi sử dụng khái niệm mại dâm và công việc tình dục. Một cuộc tranh luận nghiêm túc về vấn đề này rất được hoan nghênh, công việc tình dục nói chung được các nhà hoạt động sử dụng và đề cập tới một nhóm lớn người rộng hơn tham gia vào công nghiệp tình dục. Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận trong lịch sử và gần đây về vai trò của tình dục thương mại trong xã hội có khuynh hướng đề cập tới mại dâm (ví dụ trao đổi tình dục hơn là khiêu dâm) và do vậy tôi cho rằng cần phải tiếp tục sử dụng nó. Tôi cũng chỉ đề cập tới công nhân tình dục nữ và khách hàng nam khi trình bày về những đặc tính chung của mại dâm, bởi vì đây là dạng thống trị và có liên hệ gần gũi nhất với sự áp bức tình dục nói chung. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là phủ nhận một số lượng lớn nam giới cũng bán dâm. Chính phủ Anh ước tính hiện nay có khoảng 70.000 công nhân tình dục ở Anh. 

3. R. S. Rajan, “Những câu hỏi về mại dâm. Nhân viên (nữ), tình dục và công việc" trong Buôn bán, công việc tình dục, mại dâm , Tái bản 2, 1999

4. J. Bindell, The Guardian, 7 July 2003

5. F. Engels, Nguồn gốc gia đình chế độ tư hữu và nhà nước Chương II phần 4, Lawrence and Wishart, 1972

6. A. Bebel, Phụ nữ dưới chủ nghĩa xã hội, Schocken Books, 1971

7. Mạng Lưới Phụ Nữ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Scottland (SSPWN) “Mại dâm: một đóng góp tranh luận”, 2006, tại www.scottishsocialistparty.org/pages/prostitution.html

8. F. Engels, op cit

9. Phong Trào Cộng Sản Cách Mạng Quốc Tế 1986, “Nguồn gốc và bản chất sự thay đổi sự áp bức đối với phụ nữ”, Trong Luận Đề về Sự Áp Bức đối với Phụ Nữ, tại www.permanentrevolution.net/?view=entry&entry=375

10. J. A. Symonds, “Một vấn đề trong đạo đức Hy Lạp”, 1901, tại: www.sacredtexts.com/lgbt/pge/pge00.htm

11. S. Bell S., Đọc, viết và viết lại về phụ nữ mại dâm, Indiana University Press, 1994

12. K Marx, Capital, Volume 1, Penguin, 1976 (emphasis added).

13. Tính không đồng nhất giai cấp này không phải độc nhất đối với mại dâm. Điều này có thể liên hệ với nông dân, bao gồm từ nông nô bị gắn chặt vào đất đai, tiểu nông chỉ dựa vào sức lao động của bản thân (cộng với gia đình) để bán các sản phẩm, hay các nông dân giàu có thuê người khác làm việc. 

14. R. Perkins, Lao động nữ: gái mại dâm, cuộc sống và sự kiểm soát xã hội, Australian Institute of Criminology, 1991

15. Dĩ nhiên khách hàng có thể và thường áp bức gái mại dâm bằng cách không trả tiền cho dịch vụ tình dục mà họ nhận được nhưng đây là trộm cắp chứ không phải là bóc lột.

16. Trường hợp ngoại lệ là khi gia đình đóng vai trò của một đơn vị sản xuất, rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp, người chồng vừa là chủ của gia đình vừa là chủ của công việc kinh doanh, làm việc cùng với vợ và con cái. 

17. Dự án Sonagachi, Tuyên ngôn của công nhân tình dục, Calcutta, 1997, at www.bayswan.org/manifest.html

18. Chi tiết hơn về cuộc triển lãm này, được kéo dài tới cuối tháng 3 năm 2006, xem tại: 

19. http://en.wikiquote.org/wiki/Julie_Burchill

20. Durbar Mahila Samanwaya Committee www.durbar.org

21. G Gall, Tổ chức công đoàn của công nhân tình dục, Palgrave Macmillan, 2006