Thursday, January 14, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Những Di Sản

Các chương đã được dịch của cuốn sách:


1. Những Di Sản






7. Kết Luận

Hối Lộ Chính Trị ở Nhật Bản - Chương 1: Những Di Sản

Vào thế kỷ 7, triều đình Yamato, tự xưng là chính quyền trung ương Nhật Bản, đã cố gắng xây dựng một nhà nước tập trung hùng mạnh, sử dụng các kỹ thuật của Trung Hoa để mở rộng sức mạnh chính trị. Lãnh đạo chính trị Yamato bị ý tưởng và phương pháp xây dựng nhà nước của Trung Hoa hấp dẫn do hệ thống Trung Hoa dựa trên quyền lực duy đẳng cấp, sự lãnh đạo phục vụ cho việc chấm dứt xung đột địa phương giữa các lực lượng chính trị thù địch. Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với nhà nước kiểu Trung Hoa là nữ hoàng Shòtoku, bà đã áp dụng hệ thống cấp bậc quan lại tương tự như ở vương quốc Triều Tiên (603) và là người tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa (607-608). Bằng cách tạo ra một hệ thống cấp bậc quan lại dựa trên phẩm chất theo kiểu Trung Hoa, chính quyền trung ương muốn củng cố sự kiểm soát của họ. [1]

Dĩ nhiên, nữ hoàng Shòtoku được biết đến nhiều nhất về Hiến Chương 17 Điều (năm 604). Mặc dù các nhà sử học thường hoài nghi về thời gian ra đời của nó và một số người cho rằng nữ hoàng đã không soạn thảo những điều trong Hiến Chương, nhưng rõ ràng là chính quyền trung ương đã ban hành cả những huấn lệnh cũng như những quy tắc tương tự cho quan lại địa phương. Mười bảy huấn lệnh, dựa trên các học thuyết nhà nước của Trung Hoa, đã hình thành một tập hợp đạo đức mới cho tầng lớp cai trị. Người cai trị Nhật Bản được đồng nhất với trời và quan lại được lệnh phải tuân thủ các thánh chỉ của hoàng đế. [2] Điều 5 của huấn lệnh cho thấy những người cầm quyền ở thủ đô lo lắng về việc quan lại nhận hối lộ. Một đoạn trong điều này viết, “Tránh khỏi sự tham lam cũng như loại bỏ sự ham muốn của cải; ngươi phải phán xét các vụ kiện bằng sự khách quan….Ngày nay (konogoro), thông thường quan lại nhìn vào kích thước túi tiền của nguyên đơn trước khi phán quyết, nhằm mục đích kiếm lợi.” Việc sử dụng khái niệm “ngày nay” trong Điều 5 rất đáng chú ý, do từ này được sử dụng để chỉ tình hình hiện tại. Việc sử dụng nó cho thấy nông dân đang phàn nàn dữ dội về quan lại. [4]

Bất chấp việc được lệnh phải trung thực và có nguy cơ bị trừng phạt, hầu hết các quan lại cấp tỉnh vẫn tiếp tục nhận tiền thù lao, hoa hồng và hối lộ. Vào thời Heian (794-1185), quan lại khét tiếng vì vơ vét của cải tại lãnh địa của họ. [5] Đối mặt với sự bất tuân của quan lại địa phương, chính quyền trung ương đã áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm tham nhũng và tăng doanh thu thuế, nhưng hầu hết các biện pháp là vô dụng. [6] Chính quyền cũng cố gắng ngăn chặn việc mua bán chức tước dưới thời hoàng đế Kanmu [781-799]. Trong chiếu chỉ năm 799, từ “wairo” (hối lộ) lần đầu tiên được nhắc tới. [7] 

Hòjò Shigetoki, một trong những người đứng đầu triều đình Kamakura (1185-1333), đã viết về phương pháp cai trị thích hợp rằng “[t]ham lam là một phần của bản chất con người, nhưng ngươi không được sa ngã. Kẻ kích động lòng tham là một sứ giả của chúa tể địa ngục….Mỗi mẩu lợi ích thu được từ sự tham lam sẽ khiến ngươi mất đi gấp hàng trăm hay hàng nghìn lần trong cuộc đời này và kiếp sau của ngươi sẽ là ở dưới địa ngục.” [8] Bên cạnh lệnh không được nhận hối lộ, các quan lại vào năm 1232 còn phải thề không được phép để cảm xúc cá nhân hay nỗi sợ hãi trước các gia đình quyền thế làm lung lay phán quyết hợp lý của họ. [9] Quan lại vào thế kỷ đầu tiên của vương triều Kamakura có vẻ tuân thủ theo đạo đức chống hối lộ của triều đình; “các vụ xử sai trắng trợn do của cải hay ảnh hưởng lấn át lời chứng rất hiếm. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là hối lộ hay cố ý sai sót là không tồn tại; nhưng những vụ án mà trong đó các yếu tố này tạo thành vấn đề thực sự chỉ là thiểu số.” [10] Dường như tầng lớp cai trị đã tuân thủ các quy định nghiêm khắc của Shigetoki ít nhất là cho tới hai cuộc xâm lược của người Mông Cổ (1247 và 1281), sau đó sự thiếu năng lực và nạn hối lộ đã làm suy yếu sự liêm chính của luật pháp. [11]

Ashikaga Takauji, người lật đổ nhà Hòjò, đã tạo ra dòng Mạc Phủ mới vào năm 1338. Mười điều trong luật của Ashikaga về cách cư xử của quan lại đã nghiêm khắc cấm hối lộ: Mặc dù đây không phải là luật mới nhưng Mạc Phủ phải đặc biệt nghiêm cẩn thi hành luật này. Ngay cả khi số tiền liên quan chỉ là 100 mon, những kẻ có tội hối lộ sẽ bị tước bỏ chức vụ vĩnh viễn. Nếu số tiền liên quan lớn, chúng sẽ bị xử tử.” [12] Theo truyền thống, các học giả luôn coi thường Ashikaga Takauji do ông đã lật đổ hoàng đế và dựng lên một hoàng đế bù nhìn; [13] Sự bội bạc này đã trang trí cho hầu hết các miêu tả về chế độ Mạc Phủ của Ashikaga. Biên Niên Sử Ònin mở đầu, 
Vào năm Ònin thứ nhất, 1467, đất nước chìm trong hỗn loạn….Lỗi lầm là ở…Shogun Yoshimasa [Shogun thứ bảy]…[người] cai trị chỉ dựa vào ước muốn của những bà vợ và người hầu nông cạn…Mặc dù vậy, những người phụ nữ này không phân biệt được đúng và sai, cũng như dốt nát về việc công và cách thức cai trị. Các mệnh lệnh được đưa ra tùy tiện giữa những buổi tiệc tùng và vui chơi hoan lạc. Nạn hối lộ bị thả nổi. [14]
Motoori Norinaga, nhân vật hàng đầu trong phong trào trung hưng, viết vào cuối thời Tokugawa (1603-1867), “Vào lúc triều đại của Ashikaga kết thúc, vương triều rơi vào tình trạng bất thường, chìm đắm trong tối tăm thường trực. Mọi thứ đều đổ vỡ và tham nhũng đạt đến cực thịnh.” [15] Hiraizumi Kiyoshi, viết vào năm 1979, đồng ý với Norinaga: “[Đ]ể hiểu được sự vô nghĩa của triều đại Ashikaga, chúng ta phải làm rõ ai là Ashikaga và sự quan trọng của họ”; đó là thời kỳ “đồng nghĩa với lợi ích và sự tham lam cá nhân.” [16] Tuy vậy, cũng cần phải lưu ý rằng chế độ Mạc Phủ của Ashikaga chưa bao giờ mạnh về pháp luật và chỉ trong vài thập kỷ vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15, Ashikaga đã gần như cai trị cả quốc gia. 

Cũng giống như các triều đại trước đó, chế độ Mạc Phủ Tokugawa yêu cầu quan lại phải tuân thủ các quy định và coi khinh tiền bạc. Buke shohatto, quy định cơ bản đối với các daimyo, được ban hành vào năm 1615. Mục đích chủ yếu của luật này là chấm dứt chiến tranh giữa các daimyo và ngăn chặn các hành vi lật đổ Tokugawa. Trong những năm tiếp theo, khi triều đình Tokugawa tìm cách mở rộng thẩm quyền đạo đức và kiểm soát chính trị đối với vài trăm daimyo, một số điều luật mới được bổ sung vào Buke shohatto. Điều lạ lùng là hướng dẫn cho nhiều binh trại không đề cập tới hối lộ, song sự sơ suất này đã được shogun thứ sáu Ienobu sửa chữa vào tháng 3 năm 1710. [17]

Người soạn thảo Buke shohatto sửa đổi năm 1710 là Arai Hakuseki, một học giả Nho giáo và là cố vấn cá nhân của Shogun, người đóng vai trò quan trọng trong chính trị từ năm 1709 đến năm 1716. Do mục tiêu tối cao của Hakuseki là gia tăng quyền lực của Mạc Phủ nên luật mở rộng được hướng tới việc thuyết phục các daimyo rằng lãnh địa của họ là một phần của chính thể quốc gia dưới sự cai trị của một hoàng đế, người có quyền lực tuyệt đối đối với họ. [18] Một đoạn của điều 7 khẳng định, “Đề xuất hối lộ và tìm cách gây ảnh hưởng tới những người có chức quyền, để tham gia vào các mạng lưới cá nhân và theo đuổi các quan hệ cá nhân, là mở ra lối đi cho tham nhũng và gây trở ngại cho con đường đúng đắn. Điều đó có nghĩa là chính quyền bị phá hủy. Tất cả những điều đó đều phải được nghiêm chỉnh tránh xa.” [19]

Mối lo ngại của Hakuseki với sự tham nhũng của quan lại dường như được bắt nguồn từ sự gia tăng nhanh chóng của kinh tế tiền tệ và sự gia tăng kéo theo trong tiêu dùng mà tầng lớp thương nhân đang lớn mạnh khuyến khích. Học giả Nho giáo Ogyû Sorai, người thường xuyên được Shogun tham vấn về chính sách xã hội, đã viết vào đầu thế kỷ 18 rằng tầng lớp chiến binh chỉ coi trọng tiền bạc. [20] Cũng vào cuối thế kỷ đó, Motoori Norinaga đã viết, “[K]huynh hướng của thời đại là mọi người trên thế giới, bất kể họ là samurai, nông dân, thợ thủ công hay thương nhân, đều bỏ mặc nghề nghiệp của mình và chỉ quan tâm tới việc kiếm vàng bạc một cánh nhanh chóng và dễ dàng.” Một phản ứng của chính quyền là luật 1742 có tên là Kujikata-Osadamegaki. Hối lộ được đề cập trong Điều 26: “Bất kỳ ai có liên quan đến một vụ kiện, một thỉnh cầu với nhà cầm quyền, hoặc một hợp đồng thực hiện một số việc công, mà đưa hối lộ, hoặc bất kỳ ai làm trung gian hối lộ, sẽ bị trừng phạt, mức án cao nhất là phát vãng.” [22] 

Mặc dù không thể chứng minh là chế độ Tokugawa tham nhũng hơn các chế độ trước đó, nhưng có lẽ hối lộ chính trị đã trở nên phổ biến. [23] Arai Hakusheki giải thích các hối lộ được thực hiện khi chính quyền tổ chức đấu thầu việc công. Trước khi nộp thầu, thương nhân đưa cho quan huyện tiền, được gọi là “quà tặng tham dự”. Các thương nhân giành được hợp đồng sẽ đưa “quà tặng cảm ơn”. Ngay cả khi Hakuseki không phải là viên chức hành chính, vào năm 1715, một người trung gian tự xưng là đại diện cho những người muốn được đảm nhiệm việc buôn bán ở Nagasaki đã đến nhà ông. Một món “quà tặng tham dự” lớn bằng vàng và “quà tặng cảm ơn” cũng được hứa hẹn. [24] Hakuseki viết, “Những đề xuất này được đưa ra cho cả những người như tôi. Anh có thể tưởng tượng điều gì diễn ra trong trường hợp của những người có ảnh hưởng lớn.” [25]

Ví dụ nổi bật nhất về sự trung thành của chiến binh dưới thời Tokugawa đã được dựng thành phim cũng bắt nguồn từ một hối lộ không phù hợp. Huyền thoại về 47 samurai vô chủ bắt đầu vào năm 1701, khi daimyo Asano Naganori được giao đảm nhiệm vai trò của một trong hai người đại diện của shogun để tiếp nhận lời chúc tụng năm mới của các quan lại triều đình. Trách nhiệm của Kira Yoshinaka, quản gia trực tiếp và thư ký trưởng của shogun, là hướng dẫn hai đại diện về những điểm bất thường trong biên bản. Cả daimyo và các cố vấn của họ đều hiểu rằng Kira muốn nhận được “quà tặng” cho sự hướng dẫn đó. Theo quan điểm của Kira, những quà tặng đó là bắt buộc để duy trì địa vị của ông ta. [26] Một học giả viết rằng Kira lợi dụng “mọi cơ hội [để]…nhận hối lộ từ các daimyo giàu có. Đây hầu như là một bí mật công khai, một tội lỗi được dung thứ mà một người trong địa vị của ông ta có khuynh hướng thực hiện.” Do vậy, “khi hai daimyo xa lạ với lễ nghi được bổ nhiệm, ông ta phải chắc chắn phải mỉm cười và nhẩm tính về một món lợi lớn.” [27] Một daimyo đã đưa cho Kira các quà tặng đắt giá, nhưng Asano chỉ đưa một hộp cá khô. Tại sao Asano lại đưa “món quà” không mấy giá trị mặc dù ông rất cần sự trợ giúp của Kira? Một học giả viết rằng ông làm vậy bởi vì “ông là người phản đối hối lộ và lúc đó ông thấy đây là sự kiện quá trang nghiêm đối với một trò lừa dối nhỏ như vậy.” Hơn nữa, Asano không được thành viên hội đồng của ông tư vấn kỹ càng, họ vốn là những người được mong đợi có những lời thông thái.” [28] Sự giận dữ của Kira về món quà nhỏ là phản ứng tự nhiên. Ông ta từ chối hướng dẫn về sự phức tạp của nghi lễ và khi Asano mắc sai lầm, Kira đã chế nhạo ông. Cuối cùng, Asano mất bình tĩnh và dùng kiếm chém Kira. Hành động phi pháp này khiến Asano phải tự sát và bị tịch thu toàn bộ gia sản. Hầu hết người Nhật ít chú ý đến phần hối lộ của câu chuyện bi thảm này, trái lại chỉ tập trung vào những người hầu cận trung thành của ông khi họ tổ chức trả thù Kira. Vào ngày 31 tháng giêng năm 1703, 46 người (một người bỏ cuộc) đã tấn công nhà của Kira, giết chết ông ta và đem đầu ông ta tới mộ của Asano. Bất chấp sự ca ngợi của dân chúng, các chiến binh được ra lệnh phải tự sát. [29]

Những người lên án chính quyền Tokugawa là hoàn toàn tham nhũng thường tập trung vào Yanagisawa Yoshiyasu, một người cùng thời với Hakuseki, và Tanuma Okitsugu, một nhân vật chính trị quan trọng trong thời gian dài sau đó. Yanagisawa bắt đầu từ một địa vị thấp trong đám hầu cận của Tokugawa Tsunayoshi, người sau này trở thành shogun vào năm 1860, trở thành một trong những quan chức cấp cao được shogun tin cậy nhất. Vào cuối sự nghiệp của mình, Yanagisawa được ban tặng tên riêng của Tokugawa (Matsudaira) và nhận được một lãnh địa lớn tại khu vực mà dòng chính của gia tộc Tokugawa nắm giữ. [30] Mặc dù tên của Yanagisawa là được đồng nhất với tham nhũng song một số nhà sử học cũng hoài nghi về hình ảnh truyền thống này. [31] Một nhà xét lại đã coi Yanagisawa là “loạt người hầu cận của shogun đầu tiên và đáng chú ý nhất, những người vô danh vươn lên những vị trí quyền lực nhờ sự yêu mến của shogun. Sự nghiệp của ông tạo thành hình mẫu cho sự liên minh giữa shogun với những người hầu cận chống lại lợi ích bảo thủ của viên chức hành chính của chế độ Mạc Phủ và các quý tộc cha truyền con nối có đẳng cấp cao.” [32] Một học giả khác cũng đồng ý, viết rằng daimyo vĩ đại tức giận với Yanagisawa và những người hầu cận của ông bởi vì những người mới này đã đẩy họ ra khỏi các vị trí có ảnh hưởng trong chính quyền. [33] Tuy vậy, trước khi Yanagisawa chết vào năm 1714, chuyện đơm đặt của dân chúng đã mô tả về một người tham nhũng và độc ác chuyên chiều chuộng những bản năng thấp hèn của shogun và sẵn sàng dâng vợ cho người khác để con trai ông ta có thể trở thành người thừa kế của Tsunayoshi. Các quan lại cùng thời biết rằng phần lớn chuyện đơm đặt này hoàn toàn là hư cấu, nhưng sau khi Yanagiasawa chết, câu chuyện đơm đặt đã bị biến thành “sự thật”. [34]

Tanuma Okitsugu là nhân vật chính trị chủ chốt trong chế độ Mạc Phủ từ giữa những năm 1760 đến 1786. Cũng giống như Yanagisawa, Tanuma nhận được sự tin tưởng của shogun và sử dụng điều đó để tiến từ địa vị thấp của một người hầu lên địa vị của cố vấn cao cấp. Conrad Totman coi Tanuma là “người có lãnh đạo không phải là shogun có quyền lực nhất trong lịch sử của chế độ Tokugawa.” [35] Tanuma đã được mô tả là ví dụ nổi bật về tham nhũng trong thời đại của sự hoang phí và dễ mua chuộc, một cá nhân tìm kiếm quyền lực bằng cách lấy lòng các quan lại cấp cao và các quý bà trong triều đình Mạc Phủ. Ông ta được cho là ra quyết định dựa trên mức độ hối lộ. [36] Ông ta cũng được cho là đã nói, “Vàng bạc đáng kính hơn cuộc sống và những ai muốn phục vụ ta bằng tiền bạc dĩ nhiên là trung thành nhất. Người ta có thể đánh giá sự thân thiện của người khác bằng số lượng vàng mà người đó đưa….Ta tới lâu đài của shogun hàng ngày và không được nghỉ ngơi vì công việc khó nhọc của mình. Nhưng khi ta trở về nhà và thấy quà tặng của nhiều người chất đống ở hành lang thì mọi sự khó nhọc của ta đều tan biến và ta cảm thấy thanh thản.” [37]

Một quan điểm khác về Tanuma cho rằng ông ta là chính khách lão luyện sử dụng quà tặng của những người muốn được thăng cấp để xây dựng một phe phái chính trị hùng mạnh theo chiều dọc. Triều đình đầy rẫy những quan lại được Tanuma tiến cử. Như những người cùng thời đánh giá, “tội lỗi” thực sự của Tanuma không phải là nhận hối lộ, mà là có nguồn cực kỳ thấp kém; bản thân điều này là dấu hiệu của “tham nhũng”. Hơn nữa, nhiều chính sách tài chính cũng như các chính sách khác của Tanuma cũng không phù hợp với các ý tưởng cổ điển. [38] Như trong trường hợp của Yanagisawa, các lãnh chúa quyền lực bị Tanuma đoạt quyền đã lên án đạo đức của ông ta. [38] Người viết tiểu sử của Tanuma cho rằng, “Chắc chắn Tanuma không thể bị lên án vì hàng sa số những bệnh tật xâm chiếm đất nước trong những năm ông ta nắm quyền lực…Trái lại, Tanuma đã mang đến cho chế độ Mạc Phủ những phẩm chất hiếm hoi so với thời gian còn lại của triều đại Tokugawa. Không khí tự do mà ông nuôi dưỡng, tinh thần kinh doanh và khám phá mà ông ta khơi gợi, đều là những quà tặng đáng giá cho một thời đại bị bóng tối của quá khứ che khuất quá nhiều. Một nhà sử học khác cũng đồng ý và coi Tanuma là người tiêu biểu của thời đại của ông, đã tìm cách thúc đẩy công nghiệp và thương mại để đánh thuế lợi nhuận, nhằm khôi phục sự kiểm soát của Mạc Phủ đối với kinh tế quốc gia. [40]

Sau cái chết của shogun Ieharu vào năm 1786, Tanuma bị nhóm cải cách dưới sự lãnh đạo của Matsudaira Sadanobu đánh bại. Lãnh địa của Tanuma nhanh chóng bị thu hẹp và ông ta bị quản thúc tại gia. Sau khi ông ta chết, người thừa kế của ông chỉ nhận được một lãnh địa nhỏ ở miền nam. Hơn nữa, các chính sách của Tanuma đã bị bãi bỏ và những người ủng hộ chính trị của ông bị thanh trừng. Vào tháng 12 năm 1787, Tsuchiyama Sòjûrò, cựu lãnh đạo một ban trong Vụ Tài Chính, nhận được bản án tử hình đầu tiên vì liên quan đến vụ bê bối gạo và làm sai lệch các số liệu thống kê. Các án tử hình khác cũng được tuyên trong những tháng tiếp đó. [41] Đồng thời, phe cải cách cũng ban hành hàng loạt các quy định trừng phạt hối lộ, văn chương khiêu dâm, mại dâm, các kiểu tóc cầu kỳ và quần áo đắt tiền. [42] Tuy vậy, chương trình tiết kiệm kinh tế khắc khổ của Matsudaira, được dùng để cắt giảm tiêu dùng và giảm bớt lạm phát, đã bị dân chúng phản đối. Cờ bạc đi vào hoạt động ngầm và mại dâm đường phố vẫn tiếp tục, do các viên chức chính quyền dễ dàng bị hối lộ. [43] Vào cuối thế kỷ 18, tham nhũng rất phổ biến trong lực lượng hành pháp. Đốc quân cảnh sát phụ thuộc vào meakashi (các cá nhân hỗ trợ việc ngăn chặn tội ác và bắt giữ tội phạm). Một báo cáo chính thống được thực hiện vào cuối thời Tokugawa viết rằng chỉ có trưởng nhóm meakashi được nhận lương, các thành viên dưới quyền thì nhận tiền từ nhà thổ, gái đứng đường, hàng quán và sòng bạc. Các nghi phạm và gia đình của họ cũng phải hối lộ. [44] Vào năm 1793, các quy định cắt giảm chi tiêu không được ủng hộ cùng thái độ lạnh lùng đối với triều thần của Mastsudaira đã khiến ông phải từ chức. [45] Mặc dù Matsudaira nổi tiếng là hình mẫu quan chức không thể mua chuộc song một tiểu sử đã viết rằng “ông được thăng chức cao hơn so với kỳ vọng thông thường của bản thân nhờ một “quà tặng” hào phóng đúng sở thích của shogun.” [46] Dĩ nhiên, ông không coi điều này là hối lộ, bởi vì việc thường xuyên tặng quà theo thông lệ đã được hình thành vào cuối thời Tokugawa. 

Mặc dù chế độ Mạc Phủ không đánh thuế trực tiếp daimyo song nhiều khoản đóng góp phục vụ cho hệ thống đẳng cấp phức tạp thường xuyên được yêu cầu. [47] Ví dụ trong vai trò một thành viên hội đồng cấp cao, “Tanuma được lệnh tiếp nhận các quà tặng định kỳ của daimyo.” [48] Trong vai trò là người canh cửa cho shogun, Tanuma bị những người thỉnh cầu vây quanh. Do vậy, sự kiểm soát của Tanuma đối với các kênh thăng chức đã tự động mang đến cho ông ta nhiều quà tặng đắt giá. Tuy vậy, Tanuma muốn tiến xa hơn và “thực sự thu hoạch nguồn thu nhập này.” [49] Bất chấp lệnh của chính quyền ngăn chặn việc lạm dụng quà tặng, một số lãnh đạo của Tokugawa cho rằng việc nhận quà tặng của daimyo nên được khuyến khích để hấp thụ bớt của cải tăng thặng dư của họ. Vào tháng 3 năm 1787, hầu hết các daimyo đều nhận được một lưu ý chính thức về việc quà tặng cho những người hầu cận của Shogun có chất lượng kém và số lượng không thích hợp. Trong một số trường hợp, quà tặng bắt buộc đã không được cung cấp. Daimyo cũng được yêu cầu phải sửa chữa tình trạng này. [50]

Cũng giống như người tiền nhiệm Yanagisawa Yoshiyasu, Tanuma đi từ nguồn gốc thấp kém tới vị trí quyền lực bên cạnh shogun. Cả hai người đều bị những người cựu binh của chế độ đẳng cấp cha truyền con nối thù ghét và e sợ. Mặc dù những người đó dùng cáo buộc tham nhũng cá nhân để tấn công Tanuma và Yanagisawa, nhưng trên thực tế “sự vô đạo đức” khiến họ lo ngại nhất là sự xâm phạm vào hệ thống đẳng cấp. [51]

Từ những ví dụ đã nêu, chúng ta có thể thấy rằng luật chống hối lộ được hình thành từ thời cổ xưa và các quy tắc đạo đức về sự thanh liêm cũng được đặt ra. Các quan lại bị lửa địa ngục của Phật giáo đe dọa và được học về cách cai trị đúng đắn của Nho giáo. Bên cạnh cảnh báo của Hòjò Shigetoki về việc các quan lại để cho sự tham lam cám dỗ sẽ bị đày ải dưới địa ngục (viết trong khoảng từ 1256 đến 1261), cũng như các phán quan vào năm 1232 đã thề tuân thủ các quy tắc nhưng lại làm trái sẽ phải chịu những đau đớn của sự “trừng phạt và báo thù của từng vị thần như sau: Brahma, Indra, Thần Bảo Hộ Bốn Phương, các vị thần lớn nhỏ của hơn 60 tỉnh của Nhật Bản và nhất là các Bồ Tát Tường Minh (Manifest Bodhisattva) của Itò và Hakone, Đại Thần Mishima, Đại Bồ Tát Hachiman, Tenjin thần thánh ngự trị ở đền Temman, và các chủng loại thần khác.” [52] Các học giả Nho giáo của Tokugawa coi chính quyền và luật lệ là sự thi hành các quy tắc đạo đức và coi hối lộ là hành vi vô đạo đức. Arai Hakuseki lên án tình trạng chung của tham nhũng trong chính quyền và nhất là tham nhũng cá nhân, ví dụ như chuyên gia tài chính Ogiwara Shigenhide đã bị ông bãi chức. [53] 

Các quy định chống hối lộ được thi hành ra sao? Bằng chứng trong các thời kỳ cổ xưa rất ít nhưng có một số ví dụ về việc trừng phạt nghiêm khắc dưới thời Tokugawa. Vào năm 1642, một nhóm thương nhân Edo cùng với các quan lại cấp cao của shogun âm mưu tăng giá gạo đã bị lưu đày và con cái họ bị xử tử. [54] Vào cuối thế kỷ 18, hai quan chức quản lý ngân khố của Tokugawa ở Osaka đã bị lưu đày vì nhận hối lộ của các thương nhân. [55] Vài năm sau, Matsudaira Sadanobu không chỉ xử tử Tsuchiyama Sòjûrò, cựu trưởng ban trong Vụ Tài Chính, mà còn trừng phạt hàng loạt các quan lại thuộc cấp với các mức án từ phạt tiền tới tử hình. [56]

Tuy vậy, bất chấp luật chống hối lộ, sự kiềm chế có tính đạo đức và các hình phạt nghiêm khắc, hối lộ dường như trở nên phổ biến. Hai chi tiết dưới đây đã đặc biệt góp phần đưa đến tình trạng này: lương của quan lại thấp và phong tục tặng quà lâu đời. Trong vòng một thế kỷ từ khi hình thành, chính quyền Tokugawa gặp nhiều khó khăn về tài chính, kết quả là một số nhóm ở tầng lớp thượng lưu bị bần cùng hóa. John Hall đã minh họa cách thức vấn đề tài chính ảnh hưởng tới những người hàng đầu của đẳng cấp thấp được Mạc Phủ chọn làm đại diện địa phương. “Lương của họ thấp và các quỹ được phân bổ cho chi tiêu công của họ không đáng kể. Mặc dù mỗi người cai quản một lãnh địa rộng khoảng 100.000 koku.” Do các nghĩa vụ giữ họ lại ở Edo, “việc giám sát nông dân [được giao] cho những người dưới quyền....Khi số lượng của quan lại trung gian gia tăng và người đại diện đánh mất sự liên hệ trực tiếp với các địa phương dưới quyền, cơ hội tham nhũng….đương nhiên là gia tăng.” [57] Vấn đề các quan lại lương thấp tìm ra các cách tăng thu nhập bất hợp pháp không phải là mới. Một chỉ dụ của hoàng đế năm 775 đã lưu ý rằng “các quan lại ở thủ đô được trả lương thấp và không thể thoát khỏi sự khó khăn của lạnh và đói, [trong khi] các quan tỉnh kiếm lợi lớn. Hệ quả là tất cả các quan lại đều công khai thèm muốn chức tước ở tỉnh.” [58]

Vào thời Tokugawa, tặng quà là một phong tục lâu đời; ranh giới mong manh giữa hối lộ và phép xã giao rất khó xác định. Ngay sau khi Tanuma Okitsugu mất quyền, Kanazawa Tokò đã viết “mọi quan lại đều tìm cách dùng quà tặng và lợi ích để gia tăng lợi ích cá nhân. Khát vọng chủ yếu của hầu hết quan lại là thăng tiến lên một vị trí quyền lực để họ có thể trở thành người nhận những món quà đó….[N]hững người từ chối nhận hối lộ bị coi thường.” [59] Trong tình hình đó, có thể là nhiều quan lại không nhận thức được tính chất tham nhũng của “những món quà” của họ. 

Ở Nhật Bản phong kiến, hối lộ được coi là hành động sai trái vì hai lý do: nhà nước tuyên bố hối lộ là bất hợp pháp và người Nho giáo coi hối lộ là vô đạo đức. Tuy vậy, hối lộ đã nở rộ và trở thành một lối sống thời Tokugawa. Có phải là các quan lại không hiểu được luật pháp của nhà nước hay miễn nhiễm với sự phê bình đạo đức, hoặc không thường xuyên tham nhũng? Có lẽ là một số quan lại chỉ không trung thực, từ chối tuân thủ các chuẩn mực pháp lý và đạo đức. Tuy vậy, nhiều quan lại dường như biện minh cho hành động phi pháp của họ bằng cách coi hối lộ là một phần lương thông thường hoặc “quà tặng”. Do vậy, phong tục tặng quà phổ biến đã che dấu tính chất bất hợp pháp và vô đạo đức của hối lộ. Trong một nghiên cứu cổ điển về hối lộ ở phương Tây, một tác giả đã viết rằng hối lộ là một bí mật được giấu kín do sự dối trá và lừa gạt đều tham gia. Một “món quà” có thể được phơi bày nhưng một hối lộ vẫn được che dấu. [60] Bình luận này có thể được áp dụng cho thời Tokugawa của Nhật Bản: nếu được coi là “quà tặng” thì hối lộ có thể trưng bày công khai.

Chú thích

1. Inoue Mitsusada, “The Century of Reform,” 1:163–164, 175–181; Tetsuo Najita, Japan, 13.
162 Notes to Pages 1–4
2. Inoue, 179–180.
3. Ienaga Saburò and Tsukishima Hiroshi, “Kenpò Jûnanajò,” 15. A full translation of the injunctions appears in Ryûsaku Tsunoda et al., Sources of Japanese Tradition, 1:47–51. Article Five, however, is improperly translated.
4. Ishimoda Shò, Nihon kodai kokka ron: Kanryòsei to hò no mondai, 1:181.
5. George B. Sansom, Japan: A Short Cultural History, 165; Jeffrey P. Mass, “The Missing Minamoto in the Twelfth-Century Kanto,” 123; Elizabeth Sato, “Òyama Estate and Insei Land Policies,” 89–96.
6. Kozo Yamamura, “The Decline of the Ritsuryò System: Hypotheses on Economic and Institutional Change,” 19.
7. Nakase Katsutarò, Tokugawa jidai no wairo shi kanken, 1.
8. Quoted in Carl Steenstrup, “The Gokurakuji Letter: Hòjò Shigetoki’s Compendium of Political and Religious Ideas of Thirteenth-Century Japan,” 29.
9. Carl Steenstrup, “Sata Mirensho: A Fourteenth-Century Law Primer,” 435.
10. Jeffrey P. Mass, The Development of Kamakura Rule, 1180–1250: A History with Documents, 131.
11. Steenstrup, “Gokurakuji Letter,” 34 n. 87; George B. Sansom, A History of Japan to 1334, 460–461.
12. Quoted in Kenneth A. Grossberg, ed., The Laws of the Muromachi Bakufu: Kemmu Shikimoku (1336) and Muromachi Bakufu Tsuikahò, 20.
13. Kenneth A. Grossberg, Japan’s Renaissance: The Politics of the Muromachi Bakufu, 6.
14. Paul Varley, The Ònin War: History of Its Origins and Background with a Selective Translation of the Chronicle of Ònin, 139.
15. Quoted in John S. Brownlee, “The Jeweled Comb-Box: Motoori Norinaga’s Tamakushige,” 54.
16. Quoted in Imatani Akira with Kozo Yamamura, “Not for Lack of Will or Wile: Yoshimitsu’s Failure to Supplant the Imperial Lineage,” 46 n. 3.
17. Kate Wildman Nakai, Shogunal Politics: Arai Hakuseki and the Premises of Tokugawa Rule, 202–205; J. C. Hall, “The Tokugawa Legislation, I,” 303.
18. Nakai, Shogunal Politics, ix–x, 205.
19. Quoted in ibid., 207.
20. J. R. McEwan, The Political Writings of Ogyû Sorai, 38.
21. Quoted in Shigeru Matsumoto, Motoori Norinaga, 1730–1801, 146.
22. J. C. Hall, “The Tokugawa Legislation, IV,” 712–713.
23. E. S. Crawcour, “Kawamura Zuiken, A Seventeenth-Century Entrepreneur,” 33; E. Herbert Norman, “Andò Shòeki and the Anatomy of Japanese Feudalism,” 70; John McMaster, “The Japanese Gold Rush of 1859,” 279; Arai Hakuseki, Told Round a Brushwood Fire: The Autobiography of Arai Hakuseki, 5; Dower, Origins of the Modern Japanese State, 365.
24. Arai, Brushwood Fire, 171, 266.
25. Quoted in ibid., 266.
26. Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 1:404; Shioya Sakae, Chûshingura: An Exposition, 9–11.
27. Ibid., 10. Notes to Pages 5–9 163
28. Ibid., 11.
29. Kòdansha, Illustrated Encyclopedia, 1:404–405; Nakase, 20–21.
30. Kate Nakai, “Yanagisawa Yoshiyasu (1658–1714),” 8:314.
31. Beatrice Bodart-Bailey, “Councillor Defended: Matsukage Nikki and Yanagisawa Yoshiyasu,” 467–468.
32. Nakai, “Yanagisawa Yoshiyasu,” 314.
33. Bodart-Bailey, “Councillor Defended,” 476–478.
34. Ibid., 468; Nakai, “Yanagisawa Yoshiyasu,” 314.
35. Conrad D. Totman, Early Modern Japan, 341.
36. Dower, Origins, 365.
37. Quoted in ibid.
38. Conrad D. Totman, Politics in the Tokugawa Bakufu, 1600–1843, 222; idem, Early Modern Japan, 342.
39. John W. Hall, Tanuma Okitsugu, 1719–1788: Forerunner of Modern Japan, 142.
40. Anne Walthall, Social Protest and Popular Culture in Eighteenth-Century Japan, 11.
41. Herman Ooms, Charismatic Bureaucrat: A Political Biography of Matsudaira
Sadanobu, 1758–1829, 78; Totman, Early Modern Japan, 346; Robert L. Backus, “Matsudaira Sadanobu as a Moralist and Litterateur,” 33.
42. Hall, Tanuma Okitsugu, 141.
43. Isao Soranaka, “The Kansei Reforms—Success or Failure?” 154. Shogunal officials, who were used to bribes, reacted in panic, and Sadanobu was forced to relax the reform. For example, although they were not to take money they could accept goods. Nakase, Tokugawa jidai, 48–49.
44. Hiramatsu Yoshirò, “Summary of Tokugawa Criminal Justice,” 107–108.
45. Ooms, Charismatic Bureaucrat, 106–119, 151.
46. Dower, Origins, 366. It is ironic that Sadanobu got promotions by giving “gifts” to Tanuma. Nakase, Tokugawa jidai, 49.
47. John W. Hall, Government and Local Power in Japan, 500–1700: A Study Based on Bizen Province, 364.
48. Hall, Tanuma Okitsugu, 156.
49. Ibid., 54–55.
50. Nakase, Tokugawa jidai, 52–53.
51. Hall, Tanuma Okitsugu, 56; Bodart-Bailey, “Councillor Defended,” 476–477.
52. Quoted in Steenstrup, “Sata Mirensho,” 435.
53. Arai, Brushwood Fire, 5, 50, 164.
54. Charles D. Sheldon, The Rise of the Merchant Class in Tokugawa Japan, 1600–1868, 50.
55. Hall, Tanuma Okitsugu, 118.
56. Ooms, Charismatic Bureaucrat, 78.
57. Hall, Tanuma Okitsugu, 119.
58. Sansom, Cultural History, 164. Also see Yamamura, “Decline of the Ritsuryò System,” 14, 17, 19.
59. Quoted in Hall, Tanuma Okitsugu, 117–118.
60. Noonan, Bribes, 697.

No comments:

Post a Comment