Monday, January 11, 2016

Hối lộ chính trị ở Nhật Bản - Dẫn Nhập

Những vụ hối lộ và tham nhũng lớn nhỏ thường xuyên xảy ra trong chính giới Nhật Bản. Nhà báo William Chapman, vào năm 1991, đã cho rằng "chính trị Nhật Bản là tham nhũng nhất thế giới". Trước đó vào năm 1968, Murobushi Tetsurò, một nhà xã hội học về tội phạm đã cho rằng "tham nhũng là vốn có trong cấu trúc kinh tế và chính trị của quốc gia, được coi là đặc trưng của người Nhật”. Mặc dù vậy cũng có những người khác cho rằng Nhật Bản ít có tham nhũng. Cuốn sách "Political Bribery in Japan" của giáo sư lịch sử hiện đại Nhật Bản Richard H. Mitchell do nhà xuất bản University of Hawai‘i Press phát hành năm 1996 đã nỗ lực phân tích về hối lộ chính trị ở Nhật Bản theo góc độ lịch sử xuyên suốt thời kỳ phong kiến đến tiền và hậu chiến tranh Thế Giới thứ II. Tác giả cho rằng có hai yếu tố đã tạo ra sự phổ biến của hối lộ chính trị, đó là lương quan chức thấp và phong tục tặng quà. 

Giới thiệu về tác giả:

Richard H. Mitchell, nhận bằng tiến sĩ của trường đại học Wisconsin-Madison vào năm 1963, là giáo sư về lịch sử Nhật Bản hiện đại tại trường đại học Missouri-St. Louis. Ông là tác giả các cuốn sách The Korean Minority in Japan (1967), Thought Control in Prewar Japan (1976), Censorship in Imperial Japan (1983), and Janus-Faced Justice: Political Criminals in Imperial Japan (1992).

Các chương đã được dịch của cuốn sách:

0. Dẫn Nhập







7. Kết Luận

Dẫn Nhập 

Hối lộ chính trị, đã có từ thời cổ xưa tới nay, là một phần tất yếu của quá trình chính trị ở mọi nhà nước. Bất chấp việc hối lộ là một hiện tượng phổ biến, phát triển ở mọi loại môi trường chính trị, những người quan sát thời hậu chiến dường như đã cho rằng hối lộ chính trị tập trung ở thế giới đang phát triển; Các bản tin cấp tập về tham nhũng ở các nước Châu Âu đã khiến họ ngạc nhiên. Một cuộc điều tra về tham nhũng đang được tiếng hành ở Italy đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều chính khách và doanh nhân vì tội hối lộ chính trị và các hành vi phi pháp khác. [1] Pháp cũng đang trải qua một làn sóng các vụ bê bối tham nhũng. [2] Một quan tòa Pháp bình luận, “Mức độ tham nhũng nói chung là thấp hơn Italy và chúng ta không có Mafia cắm rễ ở đây….Nhưng diễn biến là tương tự, tất cả các doanh nghiệp lớn và các đảng chính trị đều can dự và mọi người đều cho rằng tham nhũng là bình thường.” [3] Ở Tây Ban Nha, các cáo buộc về tham nhũng tài chính đã khiến người ta kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện. [4]

Nếu hối lộ chính trị xuất hiện ở mọi nơi thì tại sao phải ngại ngần nghiên cứu về vai trò của hiện tượng này trong nhà nước Nhật Bản hiện đại? Thứ nhất, do Nhật Bản là một nền kinh tế lớn trên thế giới nên chính trị đối nội và hoạt động kinh doanh cũng có ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trao đổi buôn bán với Nhật Bản. Thứ hai, một nghiên cứu cần làm rõ những đặc trưng và không đặc trưng trong trường hợp của Nhật Bản. Thứ ba, không có cuốn sách tiếng Anh nào trình bày một cái nhìn tổng thể về hối lộ chính trị ở Nhật Bản từ thời cổ xưa tới hiện tại.

Không may là các ấn phẩm về chủ đề này hầu như chỉ giới hạn sự nghiên cứu trong thời hậu chiến; các tác giả dường như không sẵn sàng vượt qua mốc phân chia lớn năm 1945. Ví dụ, lần xuất bản năm 1993 của từ điển bách khoa Nhật Bản có một đoạn dài về “tham nhũng chính trị”, nhưng chỉ nhắc tới các vụ bê bối thời hậu chiến. Do đó, cần phải nhanh chóng tìm hiểu các cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại theo một quan điểm lịch sử về hối lộ chính trị, vốn là một thực tiễn “truyền thống” chịu sự tấn công của các nhà cải cách chính trị. Không may là các thông tin sai lệch về các vụ hối lộ chính trị thời tiền 1945 lại rất phổ biến. Nhà ngoại giao và giáo sư đại học Harvard, Edwin O. Reischauer đã viết, “Nhưng Nhật Bản đã rất nghiêm khắc đối với dạng tham nhũng bị cáo buộc trong vụ Lockheed. Tham nhũng thường xuyên là vấn đề chính trị ở Nhật Bản nhưng đó là bởi vì tiêu chuẩn của họ rất cao. Vụ bê bối lớn gần đây nhất liên quan đến tham nhũng là vị Siemens năm 1914….Khi mà hối lộ không phải là một phần của hệ thống, như ở Nhật Bản, thật khó có thể tha thứ cho những điều vớ vẩn mà những người liên quan đến vụ Lockheed đã tạo ra.” [6] Dĩ nhiên cũng có những hối lộ chính trị lớn sau năm 1914, trong đó có vụ bê bối Teijin (dẫn đến sự sụp đổ của nội các của Saitò Makoto vào tháng 7 năm 1934) và vụ bê bối công ty Điện Lực Showa (khiến cho nội các của Ashida Hitoshi sụp đổ vào tháng 10 năm 1948). Hơn nữa, nhiều học giả coi hối lộ là “một phần của hệ thống.” Cựu trưởng khoa nghiên cứu pháp lý Đông Á của đại học Harvard, Jerome A. Cohen đã viết về vụ bê bối Lockhead, “Trước hết, nhiều nhà quan sát kiên định về tình hình Nhật Bản đã chờ đợi sự lặp lại của các kịch bản trước đó – trong đó có vụ bê bối hối lộ Hải Quân nổi tiếng [vụ Siemens vào năm 1914] liên quan đến các công ty chế tạo vũ khí của Anh và Đức ngay trước chiến tranh thế giới thứ nhất – trong đó những người nắm quyền tránh mổ xẻ một cách nghiêm túc [in nghiêng thêm vào].” [7] Trên thực tế, vụ bê bối hối lộ hải quân nhạy cảm không khiến cho những người nắm quyền lực “mổ xẻ một cách nghiêm túc.” Thứ nhất, nó đã làm suy yếu trầm trọng nội các của đô đốc Yanamoto Gonnohyòe và khiến nội các này sụp đổ vào tháng 3 năm 1914. Thứ hai, nó trở thành một vết nhơ vĩnh viễn đối với hải quân hoàng gia. Thủ tướng Yanamoto và Bộ Trưởng Bộ Hải Quân Saitò Makoto đã phải nghỉ hưu non; phó đô đốc Matsumoto Kazu, người được đồn đoán là bộ trưởng kế nhiệm của Bộ Hải Quân, đã bị tuyên án ba năm tù; chuẩn đô đốc Fujii Mitsugorò bị tuyên án bốn năm tù; đại úy Sawasaki Hirotake chịu án một năm tù. Thông tin sai lệch về hối lộ chính trị thời hậu chiến là rất phổ biến. Ví dụ, trong cáo phó của cựu thủ tướng Tanaka Kakuei, tờ New York Times đã viết, “Ông là thủ tướng đầu tiên chỉ tồn tại trong hai năm, từ năm 1972 đến 1974, khi đó ông bị buộc phải từ chức vì cáo buộc ông đã sử dụng quyền lực để làm giàu cho bản thân. Hai năm sau, ông trở thành chính trị gia duy nhất bị kết án vì những tội lỗi trong khi đương chức.” [8] Bất ngờ hơn là bình luận của hai nhà khoa học chính trị nổi tiếng được viết vào năm 1984: “Sự cố Lockheed là sự cố đầu tiên mà một nhà chính trị từng là cựu thủ tướng bị truy tố và xét xử.” [9] Cựu thủ tướng Ashida Hitoshi, có nội các bị sụp đổ do vụ bê bối công ty Điện Lực Showa, đã từ chức vào ngày 15 tháng 10 năm 1948 và bị truy tố vào ngày 16 tháng 12 vì tội nhận hối lộ và trốn thuế.

Các tác giả nghiên cứu chuyên sâu về hối lộ chính trị ở Nhật Bản cũng không hiếm. Trong một cuốn sách được xuất bản năm 1991, một nhà báo đã viết, “Dĩ nhiên những bê bối này là đặc trưng của mọi chính quyền mà chính khách có đặc quyền miễn trừ. Nhưng nếu đo lường hối lộ bằng mức độ thường xuyên của các vụ bê bối, sự can dự của những chính khách hàng đầu và khoản tiền được trao đổi thì có lẽ chính trị Nhật Bản tham nhũng nhất thế giới.” [10] Ba năm trước đó, Reischauer đã viết, “Tham nhũng chính trị ít phổ biến ở Nhật Bản hơn ở bất cứ quốc gia nào khác và có vẻ như là ít hơn chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ….Các vụ án tham nhũng lớn giống như hai vụ án liên quan đến Tanaka [Kakuei] là hiếm hoi….Sự bài trừ tham nhũng và các lạm dụng chính trị là đặc trưng thường trực của chính trị thời hậu chiến.” [11] Viết về sự tài trợ phi pháp cho các hoạt động chính trị thời hậu chiến vào năm 1975, Gerald L. Curtis đã khẳng định rằng Nhật Bản “về mặt truyền thống là tương đối ít tham nhũng.” [12] Viết trong cùng năm, John W. Dower đã ghi nhận, “Giới hành chính Tokugawa là những kẻ tham nhũng và tham lam nhất từng được biết đến.” [13] Sau lời khuyên thông thái của John T. Noonan, Jr. trong cuốn sách bất hủ Hối Lộ, tác giả này phản đối hầu hết các tham vọng định lượng của các nhà báo, nhà du hành và một số học giả. Như Noonan đã chỉ ra, định lượng “không bao giờ được triển khai một cách có hệ thống.” Không có các tập hợp số liệu sẵn có nào để người ta có thể kết luận rằng Đế Quốc Roma tham nhũng hơn hay ít tham nhũng hơn Đế Quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, ví dụ như vậy. Tôi tin rằng, khi thiếu dữ liệu đó thì việc tạo ra một ảo tưởng nhất định bằng cách sử dụng các khái niệm so sánh là sai.” [14] Noonan cũng lưu ý về sự phức tạp trong việc tập hợp các chỉ số của tham nhũng: nhiều hành vi hối lộ nằm trong bí mật; cáo buộc về chính trị có thể mang động cơ chính trị; luật chống hối lộ không tương ứng với việc thi hành pháp luật; và những yếu tố khác. [15] 

Một phân tích thấu đáo về hối lộ chính trị ở Nhật Bản cũng đòi hỏi phải so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia khác. Sự so sánh này rất khó khăn do điều kiện của môi trường chính trị và xã hội khác nhau nhưng cũng cần phải được thực hiện để làm rõ đặc trưng và phi đặc trưng trong kinh nghiệm của Nhật Bản. Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Hoa Kỳ được lựa chọn cho góc độ liên văn hóa này.

Hối lộ chính trị là một khái niệm nan giải, nhưng “[c]ốt lõi của khái niệm về hối lộ là sự đút lót phi pháp tác động tới việc thực thi một chức năng công cộng vốn đòi hỏi phải thực hiện miễn phí.” [16] Hối lộ được coi là một khái niệm pháp lý, với luật lệ như các công tố viên và thẩm phán diễn giải, quy định rằng điều gì tạo thành một hành động tội phạm. Do đó, nhiều trường hợp hối lộ chính trị được phân tích là sản phẩm của tiêu chuẩn thực thi luật pháp đương thời. Trong đại đa số trường hợp, cuốn sách này loại trừ các vụ hối lộ địa phương và cấp quận, tập trung vào những vụ án liên quan đến chính khách của chính quyền trung ương và doanh nhân hợp tác với họ.

Trước đây vài thập kỷ, các học giả viết về hối lộ chính trị thường lên án hệ thống đạo đức và chính trị đã để cho hối lộ nở rộ. Vào thời hậu chiến thì một cách tiếp cận khác đã được thử nghiệm, hoàn toàn tách khỏi việc chỉ lên án tham nhũng chính trị. Trường phái “xét lại” này tìm cách khám phá những khía cạnh tích cực của tham nhũng trong sự phát triển kinh tế và chính trị. [17] Tuy vậy, dường như họ đã thoái trào, khi mà ngày càng có nhiều thêm các nhà kinh tế học và những người khác coi tham nhũng chính trị là vật cản trở chính đối với sự phát triển. [18] Tôi cũng không theo cách tiếp cận này.

Sau một khảo sát ngắn về hối lộ chính trị ở Nhật Bản phong kiến, tôi kết luận rằng bất chấp sự kiềm chế của đạo đức, luật chống hối lộ và các hình phạt liên quan nghiêm khắc, hối lộ có vẻ đã trở nên phổ biến. Lương viên chức thấp và truyền thống về tặng quà đã gây ra tình trạng đó. Nhà nước mới Minh Trị (1868-1912) đã coi hối lộ chính trị là phi pháp, mặc dù vậy kịch bản cũ về hối lộ vẫn tiếp diễn. Vào năm 1890, Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm chính quyền lập hiến; nghị viện đầu tiên được nhóm họp trong cùng năm. Mặc dù nhiều học giả ủng hộ quan điểm rằng sự hòa hợp là biểu tượng của hệ thống nghị viện Minh Trị, tôi cũng vậy, nhưng rõ ràng là hối lộ chính trị đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chính trị; hối lộ có thể coi như một loại dầu nhớt giúp cho cỗ máy chính trị chạy trơn tru. Các tin đồn về doanh nhân hợp tác với chính khách xuất hiện trên báo chí năm này qua năm khác nhưng lần đầu tiên công chúng được biết rõ về một giao dịch hối lộ vào năm 1907-1908 là khi viên chức Bộ Tư Pháp bất ngờ tiến hành một cuộc điều tra và phiên tòa xét xử các doanh nhân và chính khách liên quan đến vụ bê bối Công Ty Tinh Chế Đường Đại Nhật Bản. Nhân vật trung tâm trong vụ điều tra này là Hiranuma Kiichirò, cục trưởng Cục Tội Phạm của Bộ Tư Pháp. Vụ án này đã khiến Hiranuma và phe công tố do ông lãnh đạo trở thành lực lượng chính trị quan trọng, sức mạnh của họ đã tăng lên trong những năm tiếp theo.

Cuốn sách này cũng nghiên cứu luật bầu cử và việc mua phiếu bầu, từ cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 7 năm 1890 cho tới hiện tại. Mặc dù có các quy định chặt chẽ nhưng các chính khách và cử tri đã tham gia vào việc hối lộ phổ biến ngay từ chiến dịch tranh cử đầu tiên. Trong những thập kỷ tiếp theo, tiền lệ chính khách dùng tiền và quà tặng để mua chuộc cử tri đã trở thành đặc trưng trong đời sống chính trị. Khi phổ thông đầu phiếu được mở rộng, cũng như khi tranh cử trở nên đắt đỏ hơn, một tầng lớp môi giới bầu cử đã hình thành để bán các khối cử tri cho người trả giá cao nhất. Các chính khách thành công buộc phải bôi trơn tầng lớp thượng lưu địa phương trước mỗi kỳ bầu cử và khai thác chính sách chi tiêu phóng khoáng trong nhiệm kỳ. Do vậy, chính trị tiền bạc, một chủ đề thường xuyên được người Nhật thảo luận trong những năm gần đây, cũng đã bị chống lại trong giai đoạn đầu của thế kỷ này. Quan chức chính quyền trung ương đã phản ứng với tham nhũng bầu cử bằng cách ban hành các luật bầu cử chặt chẽ hơn và tiến hành các chiến dịch bài trừ nhằm mục tiêu giảm các trường hợp hối lộ bị phát hiện, các chính khách kiểu cũ đã sống sót sau nhiều cải cách, tham nhũng bầu cử vẫn tiếp tục là vấn đề trong thời hậu chiến. 

Vào năm 1914 và 1915, hai vụ án hối lộ chính trị nghiêm trọng đã tràn ngập mặt báo. Vụ bê bối thứ nhất liên quan đến hai quan chức hải quân, họ bị buộc tội nhận hối lộ; vụ thứ hai liên quan đến một chính khách quan trọng, ông này đưa hối lộ để thông qua một đạo luật của chính phủ và gian lận bầu cử. Vụ bê bối tham nhũng liên quan đến quan chức hải quân đã góp phần làm sụp đổ nội các Yamamoto Gonnohyòe; vụ thứ hai dẫn đến sự thỏa thuận giữa phe công tố của Hiranuma và nội các Òkuma Shigenobu, theo đó Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ (Òura Kanetake) bị buộc phải từ chức và rút lui khỏi chính trường. Những vụ án quan trọng này đã khiến cho Bộ Tư Pháp, nhất là phe công tố của Hiranuma, trở nên có ảnh hưởng chính trị.

Khi những người cha lập quốc già và chết đi, các lãnh đạo đảng phái thay thế họ làm thủ tướng. Tuy vậy, sự chuyển giao vai trò lãnh đạo này không cho thấy sự suy giảm trong hối lộ chính trị. Trên thực tế, vào thời các chính khách say sưa dèm pha lẫn nhau, các chính khách đối lập tìm cách hạ uy tín của thành viên nội các và các nghị sĩ ủng hộ nội các bằng cách cáo buộc họ tham nhũng chính trị. Trong hàng sa số các chính khách và doanh nhân vướng vào các vụ bê bối tham nhũng tồi tệ có Ogawa Heikichi, cựu bộ trưởng Bộ Tư Pháp và chính khách của Seiyûkai. Phiên tòa xét xử Ogawa thu hút được sự chú ý của công chúng từ tháng 11 năm 1930 cho đến khi chống án tại Tòa Án Tối Cao; ông ta bị kết án tù vào năm 1936, quan chức cấp bộ trưởng đầu tiên bị kết án tù. Hàng loạt các bê bối tham nhũng của thời kỳ chính quyền đảng phái đã làm giảm sự hấp dẫn của chính quyền đảng phái; những người như Hiranuma Kiichirò, chống lại chính phủ đảng phái, đã vui mừng với viễn cảnh tan rã của đảng phái cùng với sự lệch lạc hệ tư tưởng (tức là trở nên mềm yếu về chủ nghĩa cộng sản). Các học giả viết về Nhật Bản đã sử dụng khái niệm “tham nhũng cấu trúc”, có nghĩa là tính chất cấu trúc của tham nhũng ăn sâu trong hệ thống chính trị tới mức trở thành sự sống còn, các chính khách buộc phải trao đổi lợi ích với doanh nhân để đổi lấy tiền bạc nhằm chi cho các thành viên trong phe cánh và sử dụng cho bầu cử. Hơn nữa, do tham nhũng cấu trúc ăn sâu vào hệ thống chính trị nên các chương trình cải cách đều sẽ thất bại, trừ khi toàn bộ hệ thống bị phá hủy. Một số học giả lập luận rằng sự hình thành “tam giác sắt” từ chính khách, viên chức hành chính và doanh nhân, là nguồn gốc sinh ra tham nhũng cấu trúc, được tạo nên vào thời hậu chiến; những người khác lại coi tham nhũng cấu trúc có nguồn gốc từ thời Chiến Tranh Thái Bình Dương. Một sự xem xét cẩn trọng thời kỳ tiền chiến lại cho thấy những điều khác. Ví dụ, sự cố Teijin của những năm 1930 đã minh họa cho hệ thống hoạt động bên trong của tham nhũng cấu trúc. Sự cố bế tắc này, là phiên tòa dài nhất và là vụ án hối lộ nhạy cảm nhất thời kỳ tiền 1945, đã không chỉ làm sụp đổ nội các Saitò Makoto mà còn dẫn đến việc xét xử 6 bị cáo: các thành viên nội các, viên chức Bộ Tài Chính và doanh nhân. Cũng giống như sự cố Siemens, vụ án này đã in một dấu ấn khó quên trong tâm trí công chúng. Ví dụ, khi bình luận về các vụ hối lộ chính trị cuối những năm 1980, nhà phê bình chính trị Yayama Tarò đã bắt đầu bài báo với “Bài học về vụ án Teijin”. [19] Đây là lý do khác để xem xét kỹ lưỡng vụ án Teijin. Itò Takashi, được nhiều học giả cho là người có uy tín nổi bật về thời kỳ này, đã coi vụ án Teijin là một sự kiện rất khó xử. Như ông đã viết, “[S]ự thật về nó vẫn chưa được làm rõ.” [20] Cuốn sách này hy vọng sẽ góp phần làm rõ vụ xét xử quan trọng đó. 

Hối lộ chính trị tiếp tục nở rộ dưới thời Quân Đồng Minh Chiếm Đóng. Trong số các vụ tham nhũng của thời kỳ này thì vụ quan trọng nhất là vụ bê bối của công ty Điện Lực Showa, đã khiến cho nội các Ashida

Hitoshi sụp đổ. Một sự nghiên cứu về phiên tòa xét xử những người bị truy tố trong sự kiện này sẽ minh họa việc công tố viên phải đối mặt với trận chiến khó khăn để quy án thành công. Họ không chỉ phải chứng minh rằng quan chức nhận tiền và có vị thế đáp ứng lợi ích của người đưa hối lộ, mà còn phải thuyết phục được ba quan tòa rằng quan chức biết tiền đó là hối lộ. Các bị cáo, không mấy khi đứng về phía công tố, thường xuyên khẳng định đó là khoản tiền vay, hoặc quyên góp chính trị, hay quà tặng.

Nhật Bản giành lại chủ quyền vào tháng 4 năm 1952. Sự kiện đầu tiên trong hàng sa số các bê bối tham nhũng thu hút được sự chú ý công chúng diễn ra hai năm sau đó. Trong vụ bê bối Shipbuilding, 34 doanh nhân và chính khách cùng với 17 viên chức hành chính của Bộ Vận Tải đã bị truy tố vì hối lộ. Mặc dù vụ án này không phải là lý do chính khiến nội các thứ năm của Yoshida Shigeru sụp đổ vào năm 1954, nhưng nó cũng góp phần vào sự sụp đổ đó. Sự hợp nhất của các lực lượng chính trị bảo thủ vào tháng 11 năm 1955 đánh dấu sự khởi đầu của gần 4 thập kỷ Đảng Dân Chủ Tự Do thống trị chính trường. Mặc dù thời kỳ thường xuyên có bê bối tham nhũng này đã làm lay chuyển chính giới nhưng công chúng, vốn hài lòng vời sự thành công của kinh tế quốc gia, đã ủng hộ lực lượng chính trị bảo thủ. Đôi khi, một chính khách có tinh thần cải cách cũng nỗ lực cải cách hệ thống chính trị nhưng chỉ có tác động nhỏ đến nền chính trị tiền bạc. Tuy vậy, trong những năm gần đây, vụ bê bối nhạy cảm Recruit, tiếp theo là vụ bê bối công ty Tokyo Sagawa Express đã khiến có thêm nhiều nhà chính trị tiến đến ý tưởng thực hiện các cải cách chính trị. Hiện tại, sự tranh cãi của các đảng viên Dân Chủ Tự Do về các cải cách chính trị được đề xuất đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng, khiến cho bảy thủ tướng bị thay thế trong bảy năm. Nội các cuối cùng là liên minh cầm quyền với sự đứng đầu của Murayama Tomiichi, lãnh đạo của đảng Dân Chủ Xã Hội.

Trong vài năm qua, người ta nói nhiều hơn về cải cách chính trị. Đối với nhiều người, cải cách chính trị có nghĩa là kiểm soát chặt chẽ hơn các quỹ chính trị và một sự thay đổi trong hệ thống bầu cử của các quận huyện. Tuy vậy, đó chỉ là những thay đổi bên ngoài: sự cải cách thật sự đòi hỏi tái tổ chức các đảng chính trị và thái độ mới của công dân. Một cải cách hồi xuân nền chính trị dân chủ đòi hỏi tam giác sắt kết nối giữa chính khách, viên chức hành chính và doanh nhân, được hình thành để thu được các lợi ích tương hỗ dựa trên gánh nặng chi phí của người đóng thuế, phải bị phá vỡ.

Từ “hối lộ” trong tiếng Nhật là “wairo.” Trong Luật Hình Sự (Điều 197), “nhận hối lộ” là “wairo o shûju shi.” Các học giả và những người khác khi mô tả “nhận hối lộ” thường dùng từ “shûwai,” có nghĩa tương đương. Do vậy, “shûwaizai” được chuyển ngữ thành “tội nhận hối lộ”. Luật Hình Sự (Điều 198) sử dụng từ “wairo o kyòyo shi” để mô tả hành động đưa hối lộ. Người dân khi viết về tội này cũng dùng từ “zòwai” đồng nghĩa với từ “wairo o kyòyo shi”. Do vậy, “zòwaizai” được chuyển ngữ thành “tội đưa hối lộ”. Phần quy định về hối lộ trong Luật Hình Sự bao gồm các điều 197 và 198, có tiêu đề là “Các Tội Tham Nhũng Thuộc Chính Quyền” (“Tokushoku no tsumi”). Bên cạnh nghĩa “tham nhũng”, “tokushoku” còn có nghĩa là là “hối lộ” và “đút lót”. Đáng chú ý là âm “toku,” khi được sử dụng như là động từ “kega(su),” có nghĩa là “làm vấy bẩn, làm ô nhiễm, hay làm ô nhục”. Ngôn ngữ thông tục có nhiều từ về hối lộ - ví dụ như “sode no shita.” Từ “sode” có nghĩa là “tay áo” hay “ống tay áo”, (tức là giấu vào tay áo kimono). “Nigiraseru” có nghĩa là “giúi tiền vào tay ai đó”, “bôi trơn lòng bàn tay ai đó”, hay “hối lộ”.

Chú thích

1. New York Times, March 29, 1994, A4.
2. Ibid., May 17, 1995, A3.
3. Quoted in ibid.
4. Ibid., April 18, 1994, A3.
5. Kòdansha, Japan: An Illustrated Encyclopedia, 1:1211.
6. Edwin O. Reischauer, “The Lessons of the Lockheed Scandal,” 20–21.
7. Jerome A. Cohen, “Japan’s Watergate: Made in U.S.A.,” 107.
8. New York Times, December 17, 1993, A17.
9. Bradley M. Richardson and Scott C. Flanagan, Politics in Japan, 190.
10. William Chapman, Inventing Japan: The Making of a Postwar Civilization, 155.
11. Edwin O. Reischauer, The Japanese Today: Change and Continuity, 283, 285.
12. Gerald L. Curtis, “Big Business and Political Influence,” 51.
13. John W. Dower, Origins of the Modern Japanese State: Selected Writings of E. H. Norman, 365.
14. John T. Noonan, Jr., Bribes: The Intellectual History of a Moral Idea, xii. 15. Ibid., xiii–xiv.
16. Ibid., xi.
17. Gabriel Ben-Dor, “Corruption, Institutionalization, and Political Development: The Revisionist Theses Revisited,” 63–64.
18. Michael Elliot, “Corruption,” 40.
19. Yayama Tarò, “The Recruit Scandal: Learning from the Causes of Corruption,” 93.
20. Itò Takashi, Showa shi o saguru, 1:143.

No comments:

Post a Comment