Friday, May 1, 2015

Homo economicus: con quái vật của xã hội tư bản

Đã có nhiều nhà kinh tế học ở nhiều phái khác nhau phê phán khái niệm nền tảng homo economicus [con người kinh tế] của kinh tế học hiện đại, song có lẽ Guglielmo Carchedi là người triệt để nhất vì ông dựa trên phép biện chứng, ông chỉ ra nền tảng của homo economicus là tính phi thời gian và do vậy không có vận động. Mặt khác, homo economicus chỉ là con người lý tưởng của xã hội tư bản. Do đó, toàn bộ khoa kinh tế học hiện đại bắt đầu bằng giả định là chủ nghĩa tư bản tồn tại vĩnh viễn, bất chấp mọi sự biến đổi nội tại. Khoa kinh tế học cho thấy mang tính tôn giáo hơn là khoa học. Đây là bản dịch phần 6 "The alien rationality of homo economicus" trong chương II của cuốn "Behind the Crisis: Marx’s Dialectics of Value and Knowledge" của Guglielmo Carchedi. Tiêu đề do người dịch đặt.

Sự hợp lý phi lý của homo economicus

Các phần phía trên đã chứng minh rằng lý thuyết của Marx không thể dung hòa với một khái niệm mang tính thống kê về thực tại mà trong đó thời gian bị bỏ qua và sự cân bằng thống trị. Trong rất nhiều khẳng định, kinh tế chính thống đã cho thấy là được xây dựng dựa trên khái niệm này, lập luận phía trên đã trình bày về sự không thể dung hòa giữa kinh tế chính trị Marxist và kinh tế học chính thống. Nhưng có phải cả hai phương pháp tiếp cận trái ngược cùng tự mâu thuẫn trong các khái niệm của chúng? Tất nhiên, kinh tế học chính thống tuyên bố rằng không có mâu thuẫn nội tại. Đặc trưng cần phải xem xét trong trường hợp này là homo economicus [con người kinh tế], kiến thức sơ đẳng của mọi sinh viên kinh tế học. Phần này sẽ cho thấy sự hợp lý của homo economicus và qua đó là lý thuyết kinh tế học chính thống thất bại trong kiểm định logic hình thức, phương thức duy lý duy nhất mà kinh tế học chính thống biết đến, chứ không phải lý thuyết của Marx.

Theo lý thuyết kinh tế học chính thống, mà chủ nghĩa tân cổ điển là một kết quả, nếu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được tự do hoạt động, không có cản trở, có khuynh hướng tự nhiên hướng tới cân bằng. Khuynh hướng này dựa trên homo economicus, sự tồn tại hợp lý par excellence [đặc biệt]. Sự hợp lý này được minh họa bằng đường cung và đường cầu: nếu cầu về một hàng hóa tăng lên, giá của hàng hóa tăng và vice versa [ngược lại]; nếu cung của một hàng hóa tăng, giá của hàng hóa giảm và vice versa. Hệ quả là hai đường có độ dốc khác nhau, một đi lên và một đi xuống. Do đó, chúng có thể giao nhau, tạo thành giá cân bằng, có nghĩa là mức giá mà tại đó cung và cầu khớp với nhau. Đây là alphaomega trong sự hợp lý của homo economicus.

Lập luận lý thuyết này có thể phê phán trên nhiều phương diện. Mặc dù vậy, sự phê phán phải chính xác. Ví dụ, có thể nói rằng sự hợp lý này là ích kỷ vì các cá nhân tối đa hóa lợi ích của họ độc lập với người khác, như thể họ là những đơn tử mà đối với chúng xã hội không tồn tại. Điều này khá chính xác. Homo economicus là kẻ ích kỷ bởi vì anh ta tham lam và bóc lột, những đặc tính giả định sự tồn tại của người khác cũng như lợi ích của anh ta đối với những người đó. Chúng ta hãy lấy ví dụ về hành vi phía sau đường cầu. Nếu nhu cầu về hàng hóa tăng lên, có nghĩa là nếu những những người không có hàng hóa ấy rất cần nó, những người có hàng hóa sở hữu lợi dụng tình hình (nhu cầu lớn hơn) và tăng giá hàng hóa. Homo economicus tối đa hóa không độc lập, mà với chi phí của những người khác. Anh ta là kẻ ích kỷ vì anh ta bóc lột nhu cầu của người khác. Khách quan phản ánh trong thực tế là các đại diện kinh tế có thể (và thực hiện) hành động khác, tức là vị tha. Nhưng các nhà kinh tế học chính thống có thể dễ dàng phủ nhận phê phán này bằng cách gộp vị tha vào ích kỷ: nếu một cá thể tối đa hóa sự thỏa mãn của họ bằng cách hành động vị tha, họ không từ bỏ sự hợp lý ích kỷ. Mặc dù vậy, bất chấp lợi thế rõ ràng về mặt tư tưởng đối với tư bản trong việc gộp vị tha vào ích kỷ, có hai lý do để phủ nhận sự lựa chọn này. Thứ nhất nếu con người vừa ích kỷ vừa vị tha, nếu họ tối đa hóa lợi ích của họ bằng cách hành động theo cả vị tha và ích kỷ và nếu sự tối đa hóa là hợp lý thì họ sẽ luôn luôn hợp lý, bất kể họ có làm gì. Thứ hai, một hành vi vị tha sẽ xung đột với các lập luận lý thuyết lớn hơn. Một hành vi vị tha sẽ làm giảm (hơn là làm tăng) giá nếu nhu cầu (cầu) tăng để tạo điều kiện cho việc thỏa mãn những người có nhu cầu lớn hơn. Nhưng một hành vi như vậy giả định rằng đường cầu có thể có cả đi lên và đi xuống, sẽ không có bất cứ sự đảm bảo nào về việc đường cung và đường cầu sẽ giao nhau. Trong trường hợp này, toàn bộ cấu trúc tân cổ điển, bao gồm cả khái niệm cân bằng, sẽ sụp đổ như ngôi nhà xếp bằng quân bài. Vị tha là mâu thuẫn với lý thuyết tân cổ điển: Chúng loại trừ lẫn nhau.

Do vậy, sự ích kỷ là hành vi duy nhất phù hợp với lý thuyết tân cổ điển. Đâu là bằng chứng thực nghiệm cho thấy con người thực sự hành động giống như homo economicus? Bất chấp một số ngoại lệ - một số người có lòng tốt – có thể bỏ qua, quy mô của hành vi sai lệch là rất lớn. Có một số lượng lớn hàng hóa, như hàng hóa xa xỉ và hàng hóa tài chính, mà nhu cầu về chúng tăng lên khi giá tăng và giảm xuống khi giá giảm. Khi loại thứ nhất có thể tương đối không quan trọng về mặt định lượng thì đối với loại thứ hai cũng có thể nói tương tự. Ngay trong những năm 1990, thị trường tài chính lớn hơn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm mươi lần. Một ví dụ khác trong số rất nhiều ví dụ, vào đầu những năm 1990, một trăm quỹ hưu trí lớn nhất của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu quản lý một phần ba tổng thu nhập của thế giới. Không tồi cho một ngoại lệ! Nhưng chưa phải là hết. Hành vi của cầu chịu ảnh hưởng rất mạnh của chu kỳ kinh tế. Ví dụ, vào giai đoạn tăng trưởng, các nhà tư bản tăng mua sắm tư liệu sản xuất và sức lao động ngay cả khi giá của chúng tăng. Trong giai đoạn suy thoái, họ giảm nhu cầu ngay cả khi giá giảm. Điều tương tự cũng diễn ra với hàng hóa tiêu dùng. Theo đó mọi hàng hóa, từ hàng tiêu dùng cho đến hàng hóa vốn, từ hàng hóa tài chính cho đến xa xỉ, đều có thể biến động theo giả định về homo economicus hoặc không. Do vậy, một phần lớn của thực tiễn là phi lý đối với homo economicus và không thể giải thích theo các khái niệm lý thuyết được xây dựng dựa trên nó. Hơn nữa, độ dốc của đường cầu là không xác định và khái niệm cân bằng (trong trao đổi) là không tồn tại.

Nhưng vẫn còn nữa. Độ dốc của đường cầu và sự hợp lý của homo economicus cũng không thể kiểm tra bằng thực nghiệm. Nếu tôi muốn biết sự thay đổi nhu cầu của một cá nhân về một hàng hóa do giá cả thay đổi, tôi phải giả định điều kiện ceteris paribus [các mặt khác không đổi], có nghĩa là cá nhân này có cùng một quan tâm (sở thích) đối với hàng hóa này sau khi cũng như trước khi sự thay đổi xảy ra. Hay nói cách khác, đường bàn quan của tôi phải không thay đổi theo thời gian hay tôi sẽ không thể kiểm nghiệm xem nhu cầu của tôi có thay đổi và thay đổi ra sao do giá cả thay đổi. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn điều đó trong trường hợp này, giả thuyết chỉ có thể kiểm nghiệm nếu chúng ta giả định một thực tiễn không thay đổi, có nghĩa là phi thời gian. Marshall đã nhận ra điều đó: “Chúng ta không thể giả định thời gian cho bất cứ thay đổi nào trong đặc trưng về sở thích của con người”. Nếu lý thuyết phải kiểm định được, nó sẽ không phù hợp do nó phải loại bỏ thời gian. Nếu thời gian được đưa vào phân tích, lý thuyết không thể kiểm định được. Theo khái niệm của phương pháp kiểu Popper – mà kinh tế học chính thống gắn bó trung thành – lý thuyết này là thuần túy siêu hình. Hơn nữa, hệ quả theo khái niệm về nội dung giai cấp của một lý thuyết dựa trên giả định sự vắng mặt của thời gian (và do đó là cân bằng) đã được làm rõ ở phía trên.

Nhưng vẫn còn nữa. Homo economicus không chỉ ích kỷ và tham lam, anh ta còn ngạo mạn nữa. Anh khẳng định rằng sự hợp lý của anh ta không gì hơn là sự thể hiện bản chất của con người. Giả thuyết cho rằng bản chất con người là ích kỷ dựa trên một xoay sở tư tưởng khéo léo. Điều này dễ thấy hơn nếu xem xét lý thuyết cận biên. Lý thuyết này dựa trên khái niệm về độ thỏa dụng biên giảm dần, có nghĩa là sự thỏa mãn của người tiêu dùng được tạo ra dựa trên một đơn vị tăng thêm của một hàng hóa nhất định. Trong tình trạng cân bằng, tỷ lệ giữa độ thỏa dụng biên và giá cả phải bằng nhau đối với mọi hàng hóa. Sau đó, nếu độ thỏa dụng biên của một hàng hóa tăng thì nhu cầu về hàng hóa đó tăng lên. Nhưng đồng thời tỷ lệ giữa độ thỏa dụng biên và giá cả cũng tăng lên. Để tái lập cân bằng, giá cả của hàng hóa đó cũng phải tăng lên. Điều tương tự diễn ra trong trường hợp độ thỏa dụng biên giảm. Ba đặc trưng xuất hiện. Thứ nhất, nhu cầu phụ thuộc vào độ thỏa dụng được tạo ra từ việc tiêu thụ thêm một đơn vị hàng hóa, có nghĩa là nhu cầu giảm bởi vì sự thỏa mãn tăng lên (ngay cả khi sự thỏa mãn tăng lên với một nhịp độ giảm xuống). Thứ hai, một sự so sánh giữa các độ thỏa dụng giả định rằng chúng liên quan tới giá cả, có nghĩa là giá cả không cho thấy sức mua mà chỉ đơn giản là yếu tố để làm cho sự so sánh khả thi. Thứ ba, dựa trên sự so sánh giữa các tỷ lệ mà cả đường cầu (có nghĩa là bản chất ích kỷ và hợp lý của đại diện kinh tế) và cân bằng được thiết lập.

Lý thuyết này có thể phê phán trên nhiều góc độ. Ở đây, nó đủ để thể hiện nội dung giai cấp. Nếu nhu cầu giảm với sự thỏa mãn gia tăng, sự vận động của nhu cầu bị quyết định về mặt sinh học hơn là xã hội. Đặc trưng của sinh lý học là sự ích kỷ vốn có trong đường cầu đã được tạo thành. Nhưng “sự giải thích” về nhu cầu kiểu này đã mang nội dung giai cấp – nó phản ánh quan điểm của một thiểu số không gặp vấn đề gì về sức mua (những người mà giới hạn cho sự tiêu dùng của họ chỉ là sự thỏa mãn) hơn là quan điểm của giai cấp lao động và không phản ánh quan điểm của đại đa số dân chúng thế giới, những người không đủ sức mua (ngay cả khi nội hàm của “không đủ” tùy thuộc vào tình hình cụ thể). Đối với họ, nếu giá cả hàng hóa mà họ cần tăng lên, nhu cầu của họ có thể giảm xuống nhưng sự giảm xuống là do sức mua (giá trị) giảm xuống, bởi ra thu nhập giới hạn và thường xuyên không đủ của họ. Trong trường hợp này, cả đường cầu (hành vi của dân chúng) và lý thuyết của nó (phản ánh sự hợp lý của con người) đều mang nội dung xã hội và giai cấp. Lý thuyết cận biên áp đặt quan điểm của người siêu giàu, và do đó là tư bản lên phần còn lại của dân chúng thế giới. Sức mạnh của hệ tư tưởng này là nó nói lời dối trá dường như phù hợp với kinh nghiệm hàng ngày.

Hệ quả đi rất xa. Hành vi “hợp lý” (có nghĩa là bóc lột và ích kỷ) của homo economicus (như đã mô tả trong hàm cầu) được quyết định bởi xã hội tư bản và nó hoạt động phục vụ cho việc tái sản xuất xã hội này. Không có gì hợp lý về hành vi này ngoại trừ dưới chủ nghĩa tư bản, con người phải học cách và có nghĩa vụ trở nên ích kỷ. Theo quan điểm của Marx, bản chất con người không ích kỷ (như phê phán giả định về sự ích kỷ hợp lý của homo economicus đã cho thấy) cũng không vị tha. Con người có khuynh hướng thực hiện tối đa tiềm năng của họ, thứ có thể thực hiện chỉ trong phạm vi một xã hội cụ thể do quan hệ sở hữu và quan hệ sản xuất quyết định (xem Chương 1, Phần 2.2 phía trên). Hệ quả là họ chỉ có thể tiến tới sự phát triển hoàn toàn của bản thân theo cách cùng nhau hoặc với chi phí của người khác. Đây là sự lựa chọn và là sự khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Khái niệm về chủ nghĩa xã hội mà trong đó sự khan hiếm trở nên ít gay gắt hay thậm chí là được giải quyết không cho thấy sự khác biệt thật sự vốn có trong sự thay đổi này. Lý do khiến sự thay đổi này khả thi là con người được tạo thành bởi những quan hệ xã hội mâu thuẫn mà họ được sinh ra trong đó và thông qua đó họ phát triển (một số không loại trừ mà còn đòi hỏi cá tính của họ như là một cá nhân cụ thể, như đã trình bày ở Chương 1, Phần 3 phía trên). Dưới chủ nghĩa tư bản, sự ích kỷ là chức năng để tái sản xuất hệ thống, sự vị tha (theo nghĩa hợp tác, đoàn kết và bình đẳng) là chức năng để thay thế nó. Trong xã hội này, một người có thể ích kỷ hay vị tha (ở nhiều cấp độ khác nhau) chỉ đơn giản là bởi vì những quan hệ xã hội mà cá nhân được sinh ra và lớn lên trong đó chứa đựng mâu thuẫn, bởi vì hệ thống – được dựa trên các quan hệ xã hội mâu thuẫn – tạo ra các điều kiện để tái sản xuất ra nó cũng như thay thế nó.

Sự phù hợp quy luật của hệ thống tư bản là dựa trên bản chất được cho là bóc lột và ích kỷ của con người, do vậy hệ thống ích kỷ và bóc lột này được coi là phù hợp nhất, và do vậy là hợp lý nhất, được biện minh bằng những khái niệm rất bản chất. Bất cứ hệ thống nào khác, như chủ nghĩa cộng sản dựa trên hợp tác, đoàn kết và bình đẳng, đều trở nên phi lý bởi vì nó mâu thuẫn với giả định về bản chất con người. Nhưng nếu ai thừa nhận rằng homo economicus là con quái vật của hệ thống tư bản chủ nghĩa và anh ta phản ánh bản chất của hệ thống này, sự phù hợp quy luật của anh ta sẽ bị loại bỏ. Homo economicus không gì hơn là một cấu trúc mang tính hệ tư tưởng. Ngay cả trong những sự lựa chọn dường như vô hại, như việc sử dụng khái niệm Latin, cũng mang tính hệ tư tưởng vì nó có khuynh hướng tin rằng giai đoạn cuối cùng trong sự tiến hóa của con người không phải là homo sapiens mà là homo economicus.

Chủ nghĩa tư bản có thể được bảo vệ trên các phương diện khác. Ví dụ như Milton Friedman cho rằng kinh tế học chính thống có thể được bảo vệ bằng sức mạnh dự đoán hơn là tính hiện thực của nó. Đây không chỉ là sự thừa nhận tính thiếu thực tế (và do đó là sự bất lực) của lý thuyết, mà còn là mục đích tự thân của phương pháp. Trên thực tế, sức mạnh dự báo của homo economicus là bằng không. Như đã thấy phía trên, homo economicus dự báo hành vi của các đại diện kinh tế trong những trường hợp mà họ hành động như vậy và thất bại trong việc dự báo hành vi trong tất cả các trường hợp khác. Giai đoạn sau này rất nhiều và thực sự là quan trọng khiến chúng có thể là quy luật thay vì là ngoại lệ. Nhưng đó không phải là điểm chính yếu. Điều quan trọng là ngay cả khi dự báo chính xác (ví dụ giá cả tăng lên sau khi nhu cầu tăng), homo economicus cũng không có giải thích chính xác về điều đó bởi vì giải thích được dựa trên bản chất ích kỷ phi lịch sử của con người. Nếu sự giải thích là không đầy đủ, diễn biến là ngẫu nhiên. Điều đó tương đồng với cái được gọi là những ngoại lệ.

Về quan hệ giữa tính hiện thực của giả định và giá trị của một lý thuyết, chúng ta đã thấy ở Chương 1, Phần 7 rằng điểm quan trọng là phương pháp trừu tượng hóa. Theo nghĩa này, mọi lý thuyết được xây dựng dựa trên các giả định không có thật, bởi vì chúng đơn giản hóa hiện thực một cách cực đoan. Hệ quả là tính hiện thực hay phi hiện thực của lý thuyết phụ thuộc và loại giả định mà chúng dựa trên đó. Có hai loại giả định, cả hai khác nhau và đối lập nhau do chúng được tạo ra từ hai phương pháp trừu tượng hóa khác nhau và đối lập nhau. Đây là kiểu lập giả định cho phép chúng ta xây dựng một lý thuyết thực tế do các giả định phản ánh điểm kết thúc của một quá trình trừu tượng hóa đặc trưng bản chất và quyết định của các thành phần của hiện thực mà người ta muốn phân tích. Đây là quá trình quy nạp của Marx đã được thảo luận trong Chương 1 Phần 7. Các khái niệm đạt được thông qua quá trình này có thể nói là một sự chiết xuất từ hiện thực, bao gồm các mặt cụ thể và chi tiết hơn của hiện thực. Quá trình diễn dịch (thảo luận ở Chương 1 Phần 7) khởi đầu với những khái niệm đó và đi ngược trở lại, từ cao hơn đến thấp hơn và các cấp thấp hơn nữa của trừu tượng hóa. Phương pháp này cho phép đạt được các quan điểm hiện thực và hiện thực (cụ thể) hơn nữa thực tiễn – cái mà Marx gọi là “sự cụ thể trong tư duy”. Nếu trên phương diện khác, người ta bắt đầu từ các giả định phi thực tế do thực tế đã bị loại bỏ một cách không điều chỉnh khỏi các giả định ấy, lý thuyết dựa trên các giả định ấy không thể không bị tách biệt khỏi thực tế với một khoảng cách không thể vượt qua. Đây là trường hợp của của homo economicus, sự tồn tại về mặt lý thuyết (khả năng kiểm nghiệm của nó) phụ thuộc vào sự vắng mặt của thời gian. Một khi thời gian được đưa vào phân tích thì homo economicus không có lý do để tồn tại nữa bởi vì sự tồn tại và khả năng kiểm nghiệm của nó phụ thuộc vào sự vắng mặt của thời gian. Mọi lý thuyết, không chỉ tân cổ điển, có cơ sở là homo economicus, đều mang đặc trưng (bất kể là chúng có nhận ra điều đó hay không) dựa trên giả định căn bản rằng thời gian không tồn tại. Nhưng khi giả định đó được tạo ra, nó không thể bị vứt bỏ và người ta bị cầm tù trong một mô hình hay khái niệm về thực tế là bất cứ cái gì nhưng không phải hiện thực. Kết luận căn bản trong hoàn cảnh này là sự vắng mặt của thời gian và do đó là sự thay đổi, xã hội cũng như kinh tế trong trạng thái cân bằng. Sự cân bằng và phi thời gian do đó giả định lẫn nhau.

11 comments:

  1. Homo ecnomic có thể hiểu là nền kinh tế nội bộ, nền kinh tế gia đình với những tập đoàn gia đình đồ sộ.

    ReplyDelete
  2. Em muốn hỏi là cân bằng Nash có vai trò thế nào trong kinh tế học ạ?
    Link wiki : http://en.wikipedia.org/wiki/Nash_equilibrium

    ReplyDelete
  3. Cân bằng Nash hay chính xác là lý thuyết trò chơi vốn được ứng dụng để giải thích sự lựa chọn của cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế, hiện giờ chủ yếu là giải thích về các quyết định lựa chọn sản lượng hay chiến lược cạnh tranh. Song điểm cốt yếu là nó vẫn dựa trên yếu tố phi thời gian.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em cám ơn anh. Như vậy đấy vẫn chỉ là một kết quả Toán học, và có lẽ việc trao giải Nobel kinh tế cho Nash gây cho một bộ phận giới Toán học sự hợm mình, coi thường hiểu biết kinh tế.

      Delete
  4. Như vậy có phải cái lý thuyết "tính sai được" (kiểm nghiệm được) của Popper chính là thứ đã đưa Homo Economicus nói riêng và các lập luận của kinh tế học hiện đại nói chung, ngày càng lún sâu hơn vào sự siêu hình không thể rút ra được đúng không ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sự duy lý siêu hình trong kinh tế học có nguồn gốc sâu xa hơn, nói chính xác là từ cái alienation (sự tha hóa của lao động), được các nhà kinh tế học tầm thường sử dụng để làm tiền đề cho toàn bộ khoa kinh tế học hiện đại. Còn lý thuyết của Karl Popper là về nhận thức luận, một nhánh khác của triết học. Lý thuyết của Karl Popper dựa trên sự trừu tượng hóa kiến thức, coi đó là một thứ khách quan nằm bên ngoài con người. Nhìn bề ngoài thì thấy homo economicus với lý thuyết nhận thức của Karl Popper giống nhau nhưng thực ra chúng độc lập với nhau.

      Delete
    2. Em cảm ơn anh. Lần trước trong giờ học môn "triết học hiện đại", thầy em cực kì đề cao phái triết học khoa học, đặc biệt là Karl Popper, thầy còn cho rằng các quan điểm của Karl Popper mới là "chặt chẽ", công khai nhận xét Popper đã "hoàn toàn loại bỏ sự phi lí của nghiên cứu lịch sử",... về nhà em có đọc thêm về ông này thì thấy vận động của tri thức trong lý luận của ông chỉ là sự đi lên một cách đơn giản thông qua việc chứng thực tính đúng sai của nó trong phạm vi thời gian hạn hẹp, hoặc loại bỏ cả thời gian, rồi sự phê phán của Popper về chỉnh thể luận, đề cao cá nhân luận, ... Rất nhiều thứ để cho thấy ông ta có ảnh hưởng lớn tới chủ nghĩa Tân Tự Do, nhưng em thấy ông Popper này có nhiều lập luận kiểu rất nghèo nàn mà chỉ dùng để bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản, như đòi loại bỏ hoàn toàn thời gian, nhận xét về quan hệ xã hội chỉ là quan hệ giữa đơn thể, ... nên em không hiểu sao những người như ông ấy lại được tung hô như một nhà triết học vĩ đại và tiến bộ nhất thế kỉ XX ... Hay là do ông ta ủng hộ chủ nghĩa Tân Tự Do vốn đang thịnh hành và thống trị nên được hưởng sái chút ít ? ...

      Delete
    3. Muốn hiểu tại sao người ta tung hô ông ấy thì phải đặt ông ấy vào lịch sử triết học và xem xét công lao của ông ấy trong việc phát triển của một phái triết học cụ thể vì mỗi phái triết học cụ thể đều sẽ vấp phải những vấn đề nhất định, người nào giải quyết được vấn đề đó thì đương nhiên là người vĩ đại. Ông ấy có thể vĩ đại trong việc phát triển một phái triết học và vì vậy ông ấy được những người cùng phe phái ca ngợi. Song điều đó không có nghĩa là ông ấy vĩ đại cả đối với những người theo chủ nghĩa duy vật lịch sử hay những giai cấp bị áp bức. Mấu chốt là ở chỗ bạn cần nắm được rằng khoa học cũng mang tính giai cấp, nó không đứng trên mọi giai cấp, ngược lại mỗi giai cấp thống trị sẽ tạo ra khoa học của riêng nó để làm công cụ cho việc duy trì trật tự đã được nó tạo ra. Khi đó một tác giả có thể rất vĩ đại với giai cấp đó vào thời đại đó sẽ chẳng còn được ai nhớ tới khi giai cấp đó đã biến mất khỏi lịch sử.
      Vấn đề thời gian thì bạn có thể đọc lại bài của Alan Freeman hoặc đọc thêm Carchedi, nếu có thời gian có thể đọc thêm Postone, bạn cần hiểu là trước thời đại tư bản thì không có thứ thời gian trừu tượng. Thời gian trừu tượng chính là đặc trưng cho thấy sức lao động đã trở thành hàng hóa, do vậy thời gian với tư cách là thước đo của lao động cần phải bị trừu tượng hóa đi để trở thành thước đo chung cho mọi sự hao phí sức lao động. Do vậy, cái luẩn quẩn của các triết gia tư sản luôn là lấy một hiện tượng cụ thể của chủ nghĩa tư bản, quy nó thành bản chất tự nhiên và dùng cái tự nhiên ấy để giải thích thế giới. Khoa học của họ là khoa học của thời đại tư bản nhưng họ luôn coi đó là khoa học của mọi thời đại. Họ là một sản phẩm của lịch sử nhưng lại luôn tìm cách phủ nhận lịch sử.

      Delete
  5. Anh ơi, sau khi đọc kĩ lại bài này thì em lại có mấy thắc mắc, chủ yếu là về vấn đề kiến thức cơ bản. Ở bài viết này thì tác giả có mô tả về đường cầu khác với trong sách vở về kinh tế mà em đã đọc, ví dụ như tác giả mô tả rằng Cầu tăng thì giá cả hàng hóa tăng, dựa trên sự ích kỉ của người sở hữu hàng hóa (theo quan điểm triết học), trong sách thì cho rằng giá cả hàng hóa tăng làm nhu cầu giảm (giả định các điều kiện khác không đổi). Phần đưa ra ví dụ cho sự phi lí của Homoeconomicus của Cacherdi dùng để phê phán lập luận như trong sách, tức là giá giảm làm cầu tăng, nhưng em không rõ ràng hai lập luận "giá giảm làm cầu tăng" với "cầu tăng làm giá tăng" (cùng thể hiện nội dung về mối quan hệ giữa cầu và giá cả) có liên quan với nhau như thế nào. Em nghĩ rằng lí luận về đường cầu đi xuống theo "giá giảm làm cầu tăng" là dựa trên lựa chọn của người tiêu dùng, tức là người mua hàng hóa, nhưng lập luận "cầu tăng làm giá tăng" là dựa trên lựa chọn của người sở hữu hàng hóa, tức nhà tư bản và lập luận "cầu tăng giá tăng" này lại liên quan đến đường cung mà sách giáo khoa hay miêu tả, "giá tăng thì cung tăng", mối liên hệ ở đây là khi cầu tăng thì cung cũng tăng và nhà tư bản lợi dụng việc đó để tăng giá. Về cơ bản là em hiểu như vậy, nhưng em vẫn chưa tìm thấy sự kết nối giữa việc tác giả đưa ra các ví dụ về phê phán quan điểm "giá giảm làm cầu tăng" với quan điểm về sự ích kỉ của Homoeconomicus (tức là quan điểm "cầu tăng thì giá tăng"). Em hiểu được một chút là
    cái ví dụ mua tư liệu sản xuất và máy móc của nhà tư bản phê phán việc tồn tại hai lý tính khác nhau của nhà tư bản khi quyết định mua hàng hóa tiêu dùng (một dựa trên lý thuyết năng suất cận biên và một dựa trên lý thuyết thỏa dụng cận biên), nhưng vẫn chưa thấy sự kết nối nào giữa việc phê phán lập luận "giá cả tăng làm cầu giảm" với lập luận "cầu tăng làm giá cả tăng" cả. Đây là lần đầu tiên, khi đọc về kinh tế em lại thấy việc sử dụng quan điểm về triết học trong việc giải thích về mối liên hệ giữa cầu và giá cả (trước em cũng thấy trên quyển sách của M.K.Hunt về chủ nghĩa vị lợi), trước giờ sách vở kinh tế em đã đọc trong quá trình học chỉ dạy về mối quan hệ giữa giá cả và cầu với tư cách lấy giá cả là thứ xét trước, hoàn toàn xa lạ với quan điểm về sự ích kỉ của Homoeconomicus và hoàn toàn bị rối loạn... Mong anh giải đáp giúp em ạ, em cảm ơn anh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thứ nhất, bạn nên đọc thêm bài này để hiểu tại sao kinh tế chính trị học không bàn đến quan hệ cung-cầu, mặc dù người ta hiểu rất rõ khái niệm cung cầu: https://cunom.blogspot.com/2015/08/tam-than-hoc-cua-chu-nghia-marx-kieu.html

      Thứ hai, ngay cả kinh tế học bạn cũng chưa hiểu rõ phương pháp luận của nó, "giá giảm làm cầu tăng" là miêu tả một sự trượt dọc trên đường cầu còn "cầu tăng làm giá tăng" là miêu tả một sự dịch chuyển của đường cầu về phía phải của đồ thị. Cả hai trường hợp này đều giả định sự vị kỷ của người tiêu dùng. Nếu bạn học kỹ về phần kinh tế học sẽ thấy đây chỉ là hai trường hợp biến đổi của đường cầu mà thôi. Chúng không có gì mâu thuẫn nhau cả và đều cùng giả định một sự biến đổi phi thời gian nhu cầu cũng như các yếu tố khác không thay đổi.

      Thứ ba, khi nhà tư bản mua máy móc thì tỷ suất lợi nhuận bình quân mới quyết định giá cả hàng hóa họ mua ra sao chứ không phải nhu cầu cá nhân hay lý tính của họ quyết định. Đừng nhầm lẫn ở điều này. Nhưng lúc này họ cũng vẫn vị kỷ, họ chỉ bảo vệ lợi nhuận của bản thân và cạnh tranh với những người khác vì điều đó.

      Delete
    2. Em cảm ơn anh nhiều ạ. Giáo trình trong trường lại không đề cập đến lý tính của sự dịch chuyển của đường cầu (nhưng giáo trình nước ngoài lại có).. Em cảm ơn anh nhiều ạ.

      Delete