Thursday, April 9, 2015

Sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu và bước ngặt lịch sử của cách mạng Việt Nam

Cải cách kinh tế những năm 90 của thế kỷ trước đã tạo điều kiện phát triển cho một bộ phận đông đảo những người sản xuất hàng hóa nhỏ ở nông thôn và thành thị. Những người tiểu tư sản này sở hữu một phần tư liệu sản xuất nhỏ và dùng sức lao động của bản thân và gia đình để kiếm sống. Sau một quãng thời gian không dài, chỉ hơn chục năm, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình sang một nền kinh tế sản xuất lớn. Những người tiểu tư sản bắt đầu phá sản hàng loạt trong những biến động lớn của nền kinh tế.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất hàng hóa nhỏ đã giúp cho tư bản được tích tụ nhanh chóng. Một số người tiểu tư sản nhanh chóng trở thành tư bản còn một số khác bị phá sản, trở thành lao động làm thuê, nhưng đại bộ phận thì vẫn sống cuộc sống lấp lửng giữa giấc mơ trở thành giàu có và ác mộng phá sản. Sự hình thành nền sản xuất lớn dưới tác động của những quy luật khách quan sẽ phá vỡ nền sản xuất hàng hóa nhỏ, hàng triệu hộ kinh tế cá thể sẽ phải phá sản trở thành lao động làm thuê, điều đó khiến cho những người tiểu tư sản kinh sợ. Thị trường tốt đẹp trong mắt họ giờ đây trở thành một mớ hỗn mang đầy những kẻ tham lam, vô đạo đức, ăn cắp, ăn chặn và áp bức họ đủ đường.

Trên cái nền tảng kinh tế ấy tư tưởng cánh hữu được hình thành. Một mặt những người tiểu tư sản sống dựa vào việc sản xuất hàng hóa nên họ ủng hộ các quyền sở hữu và tự do dân chủ kiểu tư sản, vì những điều đó điều kiện căn bản của nền sản xuất hàng hóa, mặc dù những quyền đó đối với họ hoàn toàn chỉ là hình thức. Mặt khác, sự tan rã của nền sản xuất hàng hóa nhỏ khiến tầng lớp tiểu tư sản đòi hỏi phải được nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi hay bảo hộ. Song nhà nước vốn là một thực thể năng động, nó đã nhanh chóng bắt kịp nhu cầu của nền sản xuất lớn, dưới hình thức này hay hình thức khác thì các chính sách của nó cũng hướng theo nhu cầu phát triển của nền sản xuất lớn. Từ đó tâm lý bất mãn hình thành trong tầng lớp tiểu tư sản, họ cảm thấy như bị nhà nước phản bội. Những biến động tai vạ không thể hiểu nổi trên thị trường khiến việc làm ăn của họ phá sản cùng với sự quay lưng của nhà nước khiến họ đi đến kết luận là sự suy tàn của họ là do chính sách sai lầm của nhà nước, chứ không phải là do bản thân nền sản xuất của họ đã phát triển đến mức phải tan rã. Đây chính là nền tảng của chủ nghĩa dân túy trong kinh tế, mọi vấn đề là do chính sách kinh tế của nhà nước, mọi tai vạ là do chính sách kinh tế sai lầm, chỉ cần sửa lại chính sách là mọi thứ sẽ ổn thỏa. 

Tầng lớp tiểu tư sản vốn phân tán và manh mún như công việc làm ăn của họ vậy, chỉ có sự bất mãn là chung, thế nên sự liên kết chính trị của họ tất yếu phải dựa trên sự bất mãn về chính trị giờ đã trở nên thường trực. Sự bất mãn ấy cần phải có một lý do, chính sách sai lầm thì không phải là lý do chính đáng, cần có một lý do căn bản hơn cho sự sai lầm ấy, không gì thích hợp hơn chủ nghĩa quốc gia. Quan điểm chính quyền đã phản bội nhân dân, làm tay sai cho nước ngoài bắt đầu cắm rễ trong những người tiểu tư sản như vậy. Chủ nghĩa quốc gia quá khích đã trở thành một phần cho tư tưởng cánh hữu. Song nếu chỉ có vậy thì chưa đủ, tầng lớp tiểu tư sản một mặt bất mãn với nhà nước, song mặt khác lại muốn nhà nước bảo vệ quyền lợi của họ, nhưng nhà nước bảo vệ quyền lợi của họ thì có nghĩa là sẽ phải hy sinh nền sản xuất lớn đang phát triển, điều đó chỉ có thể làm được bằng bạo lực, hay nói cách khác tư tưởng cánh hữu sẽ dẫn đến việc ủng hộ chính quyền độc tài quân phiệt, bất kể là sức mạnh đó dùng để đàn áp trong nước hay làm tay sai đánh thuê cho đế quốc.

Một vấn đề khó hiểu là những người cánh hữu cũng thường xuyên xung đột lẫn nhau, song nếu nhìn vào đời sống của giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn thì sẽ thấy rõ lý do. Tầng lớp dưới bị phá sản đe dọa, hoặc đã phá sản, sống lay lắt hoặc đã bị lưu manh hóa thì bất mãn với chính quyền, đây là nhóm liều mạng, cực đoan nhất, dựa vào một thứ chủ nghĩa vô chính phủ phiêu lưu, phủ nhận mọi trật tự, dựa vào hỗn loạn của thời cuộc để kiếm chác. Tầng lớp trên của giai cấp tiểu tư sản có đời sống khá giả hơn nhưng cần tới sự bảo bọc của chính quyền và các quyền tự do dân chủ tư sản thế nên một mặt họ cũng chống đối trật tự xã hội hiện tại như nhóm kia nhưng mặt khác họ lại không ngừng đả kích và xung đột với những người thuộc tầng lớp dưới do xung đột về mục tiêu.

Một vấn đề quan trọng nữa cần phải hiểu được là tại sao tư tưởng cánh hữu lại trỗi dậy vào giai đoạn này. Những người cánh hữu dù có ngu dốt đến đâu thì họ cũng cần phải dựa vào những hoàn cảnh thuận lợi nhất định. Có hai lý do chính. Thứ nhất là do hoàn cảnh chính trị trong nước. Xuất phát điểm của Việt Nam là một nước thuộc địa nghèo nàn lạc hậu, với đa số dân chúng là nông dân và tiểu thương thành thị, công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, vì vậy giai cấp vô sản khi nắm chính quyền buộc phải liên minh với nông dân và trí thức (đại diện cho tiểu tư sản thành thị). Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã khiến giai cấp nông dân suy yếu và mất khả năng lãnh đạo, còn tầng lớp trí thức thì ngả sang phía giai cấp tư sản mới hình thành, liên minh cầm quyền đứng trước nguy cơ tan rã. Nguyên nhân thứ hai là do hoàn cảnh quốc tế, Trung Quốc đang trỗi dậy và có khả năng lật đổ địa vị thống trị thế giới của Hoa Kỳ thế nên Hoa Kỳ phải quay lại Đông Nam Á và tìm cách biến Việt Nam thành tay sai giúp Hoa Kỳ kiềm chế Trung Quốc, muốn làm điều đó thì Hoa Kỳ cần phải dựng lên một chính quyền thân Hoa Kỳ ở Việt Nam. Điều kiện chính trị trong nước và hoàn cảnh quốc tế khiến cho những người cánh hữu nhận thấy cơ hội để họ giành lấy quyền lực.

Đây chính là thời điểm mà giai cấp vô sản Việt Nam phải phát triển một chiến lược mới, không chỉ là nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa lớn mà còn là giải quyết vấn đề liên minh lãnh đạo, cố tiếp tục duy trì liên minh đang tan rã đó là tự làm suy yếu mình và tạo cơ hội cho các thế lực phản động trỗi dậy.

7 comments:

  1. Không biết Đảng có nhận ra điều đó không ạ? Sắp sang nhiệm kỳ mới rồi, em nghĩ mọi người đều mong muốn được thấy Đảng có những quyết sách gì mới.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quyết sách phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các giai cấp.

      Delete
    2. Quyết sách phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các giai cấp.

      Delete
    3. Khó quá! Bác Lừa nói giùm giai cấp nào đang mạnh, để em còn liệu đường nuôi các cháu!

      Delete
  2. Cảm ơn bài viết của anh.

    ReplyDelete
  3. Nhìn một cách tổng quát toàn nền kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển mình. Từ khủng hoảng bước ra có những nước như giũ bùn đi lên như: Trung Quốc, nhưng cũng còn nhiều nước vẫn chìm đắm trong khó khăn như Hi Lạp, Ả rập. Việt Nam với nền kinh tế thị trường mới đây vừa là cơ hội đồng thời cũng không ít khó khăn. Điều quan trọng là phải xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với thời cuộc chung để có thể vừa tồn tại vừa phát triển tạo nền móng cho tương lai vững chắc.

    ReplyDelete