Saturday, March 8, 2014

Khủng hoảng kinh tế ở Ukraina: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Đây là bản dịch bài viết "The Ukraine Economic Crisis: Past, Present and Future" của tiến sĩ kinh tế chính trị học Jack Ramus, hiện đang giảng dạy kinh tế và chính trị tại St. Mary's College California. Bản dịch này nhằm giới thiệu với bạn đọc blog một cái nhìn toàn cảnh và có chiều sâu hơn nữa về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay của Ukraina.

Nền kinh tế Ukraina đã suy sụp từ lâu-đó là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất thế giới. Sự thật đó đã diễn ra trước khi có sự kiện ngày 20 tháng hai năm 2014 cũng như sự sụp đổ của chính quyền Yanukovich. Sự thật này càng trở nên rõ nét khi nền kinh tế tiếp tục xấu đi nhanh hơn trong những tuần tiếp theo. 

Những khuynh hướng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại ở Ukraina là gì? Đâu là nguồn gốc của nó trong những thập kỷ trước đây?

Từ năm 2000 cho đến "Cách mạng Cam" năm 2004, GDP bình quân đầu người của Ukraina thực sự đã tăng so với các nước láng giềng thuộc khối cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ (CIS), từ 61% lên 68%. Tuy vậy, từ năm 2004 trở lại đây GDP trên đầu người lại giảm chóng mặt từ 68% xuống 57% vào năm 2013. Nền kinh tế Ukraina rơi vào suy thoái năm 2013. Suy thoái kinh tế đã tăng tốc trong năm 2014, một số báo cáo đã dự đoán suy thoái sẽ làm GDP của Ukraina giảm 5-10% trong năm tiếp theo. Đó không còn là suy thoái mà là một cuộc khủng hoảng kiểu Hy Lạp. 

Cuộc khủng hoảng hiện thời không chỉ liên quan đến suy giảm của GDP thực và thu nhập bình quân. Thể hiện rõ nhất của cuộc khủng hoảng là sự phá giá nhanh chóng của đồng nội tệ và hơn nữa là sự thâm hụt dự trữ ngoại tệ đã gia tăng đáng kể, dự trữ ngoại tệ rất quan trọng đối với thương mại, để trả các khoản nợ quốc tế, và giúp ngân hàng trung ương can thiệp ngăn chặn sự phá giá của đồng nội tệ. Nếu đồng nội tệ phá giá và dự trữ ngoại tệ hạn chế thì cuộc khủng hoảng sẽ nhanh chóng lan rộng. Ukraina đã đến rất gần điểm đó.

Từ đầu năm đến nay, giá trị đồng nội tệ của Ukraina đã giảm tới 20% so với đồng USD. Điều đó có nghĩa là lạm phát đối với mọi mặt hàng nhập khẩu. Người Ukraina chi tiêu ít hơn, doanh nghiệp đầu tư ít hơn, và hệ quả là tăng trưởng kinh tế chậm. 

Sự phá giá của đồng nội tệ sẽ khiến ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất trong nước, điều đó sẽ cản trở các động lực kinh tế khác, như tiêu dùng và đầu tư trong nước sẽ tiếp tục giảm sâu. Lãi suất tăng cũng làm chậm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Ukraina. 

Sự phá giá của đồng nội tệ càng trở nên trầm trọng dưới tác động của thâm hụt dự trữ ngoại tệ nhanh chóng. Ngoại hối là cần thiết để thanh toán các trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư nước ngoài. Không thanh toán có nghĩa là phá sản. Phá sản có nghĩa là không có các khoản vay tiếp theo, sản xuất bị cắt giảm, thất nghiệp gia tăng. Tổn thất dự trữ ngoại hối có nghĩa là không có tiền cho nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất quan trọng và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ngoại hối đang biến mất nhanh chóng ở Ukraina. Đầu tiên là vốn bị rút ra khỏi Ukraina khi người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyển đồng nội tệ thành ngoại tệ và gửi chúng ra nước ngoài để đảm bảo an toàn. Thứ hai là do ngân hàng trung ương Ukraina sử dụng để chống đỡ cho đồng nội tệ khỏi tiếp tục mất giá. 

Dự trữ ngoại hối của Ukraina được ước tính khoảng 20 tỷ USD dự trữ vào đầu năm 2014. Đến ngày 1 tháng 3 phương tây ước tính con số khoảng 12 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tiếp tục suy giảm có nghĩa là đồng nội tệ tiếp tục lao dốc, vốn tiếp tục chảy mạnh ra khỏi Ukraina và phần lớn nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái ngưng trệ. 

Ước tính gần đây nhất cho thấy dự trữ ngoại tệ đã sụt mất 4 tỷ USD trong một tuần. Kịch bản xấu nhất xảy ra là các khoản nợ của những người nắm trái phiếu và cho vay phương Tây (chủ yếu là các ngân hàng của Áo và Italia) không được thanh toán sau đó lan sang các ngân hàng ở Ukraina và rủi ro lan sang châu Âu thông qua các ngân hàng Áo và Italia ngày càng rõ nét. 

Hiện đã có nhiều thảo luận về quy mô của gói "giải cứu" mà Ukraina cần từ phương Tây, tức là châu Âu, IMF và Mỹ. Bộ trưởng tài chính mới và ngân hàng trung ương Ukraina đề xuất một khoản 35 tỷ USD cho hai năm tới. Tuy vậy, đó là sự đánh giá thấp thực tế. Đồng nội tệ tiếp tục phá giá, các sự kiện chính trị hiện nay đang cho thấy điều đó, đồng nội tệ phá giá khiến cho giá trị khoản nợ phải thanh toán tăng lên. Phương Tây cần phải đưa ra gói cứu trợ 20 tỷ USD trước ngày 1 tháng 5 thay vì vào cuối năm. 

Tổng số nợ hiện nay của Ukraina được ước tính vào khoảng 80 tỷ USD. Nó sẽ nhanh chóng biến thành 100 tỷ USD vào mùa hè, và hơn nữa vào năm sau. 

Liệu các nhà tư bản châu Âu có quan tâm, và các nhà tư bản Mỹ bảo vệ châu Âu về mặt tài chính, cung cấp ngay lập tức cứu trợ ngắn hạn (20 tỷ USD) cũng như sẵn sàng mở tiếp hầu bao để cứu trợ cho khoản nợ 100 tỷ USD? Rất khó xảy ra.

Bước đầu IMF cho thấy sẽ cung cấp 27 tỷ USD, nhưng giải ngân trong 7 năm. Theo đúng kiểu các thỏa thuận với IMF thì phần lớn khoản tiền 27 tỷ USD sẽ được dùng để trả nợ các ngân hàng phương Tây trước tiên, để chắc chắn rằng họ được bảo vệ và bảo hiểm. Một phần nhỏ còn lại sẽ được dùng để kích thích kinh tế Ucraina, hoặc làm yên lòng các hộ gia đình bình thường. Mặt khác, các điều kiện của IMF (như các thỏa thuận của IMF đã thể hiện) sẽ rất tai hại đối với nền kinh tế. IMF đã tuyên bố chính thức là gói giải cứu chỉ sẵn sàng khi chính phủ Ukraina chấp nhận cắt giảm chi tiêu của chính phủ cũng như việc làm, trợ cấp hưu trí, đặc biệt là các khoản trợ cấp lớn đang cung cấp cho các hộ gia đình để bù đắp cho chi phí dầu và gas cao.

Ngoài IMF, Liên minh châu Âu (EU) không nói gì về hỗ trợ tài chính. Dường như Ba Lan và Hoa Kỳ đang tính toán điều gì đó. Nhưng Hoa Kỳ cũng bày tỏ sẵn sàng cho vay khẩn cấp 1 tỷ USD, mặc dù Bộ trưởng Bộ Ngoại giao John Kerry và thượng nghị sĩ phe diều hâu John McCain (người đích thân đến Maidan để làm náo động đường phố) đang co lại trong hậu trường để bàn các kế sách khác. Khó có thể tưởng tượng Obama và nước Mỹ sẽ cung cấp một điều gì đáng kể trong khi nước Mỹ đang sửa soạn cho cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Một chuyên gia nghiên cứu hàn lâm có liên hệ với các ngân hàng và think tanks phương Tây, và là cựu cố vấn của chính phủ Ukraina, Anders Aslund, tiết lộ trong một bài xã luận gần đây trên tờ British Financial Times, khoản tiền cần thiết để hỗ trợ Ukraina đã bị hạ thấp, nhưng lại bắt người Ukraina gánh chi phí cứu trợ trắng trợn hơn-có thể nói rằng, cứu trợ sẽ yêu cầu một chương trình "thắt lưng buộc bụng" kiểu phương Tây đối với thường dân Ukraina. Theo đó người Ukraina phải chấp nhận ít việc làm hơn, lạm phát, mất các khoản trợ cấp khí đốt hào phóng cho hộ gia đình. Ukraina với khoản cứu trợ của IMF chắc chắn sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng thắt lưng buộc bụng vẫn đang tiếp diễn ở Hy Lạp.

Một chủ đề thường được lặp đi lặp lại trên truyền thông và báo chí phương Tây là nền kinh tế Ukraina sụp đổ hoàn toàn do tham nhũng và sự vô dụng của chính quyền Yanukovich. Quan điểm đó bỏ qua một bức tranh rộng lớn hơn, chỉ mang tính chính trị, thậm chí mang tính chất hệ tư tưởng, phân tích nền kinh tế Ukraina cần phải rộng hơn là phân tích kinh tế thuần túy.

Khuynh hướng kinh tế không diễn ra trong một đêm, một tuần hay một tháng. Trên thực tế, GDP đầu người của Ucraina đã tăng đều đặn cho đến cuộc "Cách mạng Cam" năm 2004, sau đó đã giảm khi so sánh với các nước láng giềng. Lý do là cho đến năm 2004 thì nền kinh tế Ukraina gắn bó chặt chẽ với Liên bang Nga. Những nỗ lực phá vỡ quan hệ ấy dẫn đến một giai đoạn điều chỉnh với tăng trưởng chậm hơn, mặc dù Ukraina đã cố gắng hướng tới châu Âu trong giao dịch xuất khẩu và tài chính. Nền kinh tế suy yếu là một phần của quá trình chuyển đổi cấp tốc kể từ sau năm 2004. 

Nguyên nhân thứ hai tác động tiêu cực tới Ukraina là giá năng lượng, cũng là một hệ quả của việc phá vỡ mối quan hệ với Liên bang Nga sau năm 2004. Với dự trữ gas và dầu mỏ ít ỏi, khi thị trường dầu mỏ thế giới và lạm phát tăng vào giai đoạn 2006-2008, chủ yếu do các cartel dầu mỏ phương Tây và nhà đầu cơ toàn cầu, GDP của Ukraina đã bị giáng một đòn kinh tế nặng. Tiếp theo đó là tác động thứ ba, vào cuối năm 2008-2010, cuộc suy thoái kinh tế và đình trệ thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Ukraina, do tăng trưởng kinh tế của Ukraina dựa trên xuất khẩu. 

Trong năm 2010, Ukraina đã nỗ lực hướng xuất khẩu và thương mại vào Tây Âu, song châu Âu lại rơi vào "suy thoái kép" lần thứ hai từ cuối năm 2010 cho đến 2013. Ngân hàng, doanh nghiệp và các nền kinh tế Tây Âu không thể tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu từ Ukraina cũng như đầu tư ở quy mô lớn vào Ukraina. Chính bản thân châu Âu đã sa lầy trong cuộc khủng hoảng thứ hai và bận rộn với việc giải cứu các chính phủ và ngân hàng trong hệ thống (Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, các nước vùng Baltic, Hungary...). Đầu tư ròng trong nội bộ châu Âu đã yếu và các khoản cho vay của ngân hàng trong phạm vi châu Âu cũng giảm xuống. Cung cấp các khoản vay và đầu tư trực tiếp cho Ukraina không phải là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của châu Âu. Đối với lợi ích của châu Âu điều đó bất khả thi cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. 

Trái ngược với tuyên bố công khai của các chính phủ cũng như ngân hàng Tây Âu về việc hỗ trợ tài chính cho Ukraina, từ sau ngày 20 tháng hai, thực tế cho thấy châu Âu không có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính dù là trên lời hứa. Thậm chí ngay cả Mỹ cũng vậy, họ chỉ lặng lẽ thuyết phục các chính phủ Tây Âu phía sau hậu trường rằng sẽ khôi phục các khoản trợ giúp tài chính để châu Âu có thể đóng góp vào Ukraina. Obama sẽ không mạo hiểm với một gói cứu trợ cho Ukraina ở bất cứ quy mô nào trong năm bầu cử của Mỹ.

Cũng giống như những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế Ukraina sau năm 2004, cũng như bong bóng đầu cơ dầu mỏ năm 2006-2008, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế kép của châu Âu năm 2008-2009 và 2011-2013, sự sụp đổ của các thị trường mới nổi và đồng nội tệ của họ bắt đầu từ cuối mùa hè năm 2013 đã tạo ra tác động tiêu cực thứ tư đối với nền kinh tế Ukraina.

Khủng hoảng đồng nội tệ của các thị trường mới nổi làm giảm tăng trưởng kinh tế của họ và tạo ra dòng vốn chảy ngược về phương Tây, nền kinh tế Ukraina cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Nếu những nền kinh tế như Brazil, Nam Phi và các nước khác-đã từng bùng nổ nhưng giờ đang suy thoái hoặc trì trệ-đã bị tàn phá nặng nề trong năm ngoái bởi sự thay đổi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, điều đó giải thích tại sao nền kinh tế Ukraina phải chịu không ít những ảnh hưởng tiêu cực trong năm qua. Nếu sự đảo ngược chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, Cục Dự Trữ Liên Bang, và các ngân hàng trung ương khác có hiệu lực, tạo ra hàng loạt gián đoạn lớn trong nền kinh tế của các thị trường mới nổi thì không có gì phải nghi ngờ khi nền kinh tế Ukraina phải chịu đựng những điều giống như vậy, ví dụ như: đồng nội tệ mất giá, rút vốn, giảm tỷ giá hối đoái, tăng trưởng kinh tế chậm. Ukraina thậm chí còn tệ hơn các thị trường mới nổi, như các sự kiện chính trị gần đây đã làm trầm trọng thêm các tác động đó.

Thêm vào đó có thể ghi nhận rằng khác với Brazil và các nước khác, Ukraina không được hưởng lợi từ dòng thác thanh khoản mà các ngân hàng trung ương phương Tây bơm ra để cứu các ngân hàng và tổ chức tài chính của họ sau năm 2008. Dòng tiền giá rẻ đã thúc đẩy các thị trường mới nổi một thời gian, cho đến năm ngoái. Hiện giờ, tiền bị thu về phương Tây theo sự thay đổi của chính sách tiền tệ. Do đó, năm ngoái nền kinh tế Ukraina đã cảm nhận được tác động tiêu cực trong sự thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu giống như các thị trường mới nổi, trong khi chưa bao giờ thu được bất cứ lợi ích nào từ dòng tiền giá rẻ tràn ngập các thị trường mới nổi suốt thời kỳ 2008-2013. Ukraina là nạn nhân bất hạnh của một số khuynh hướng kinh tế dài hạn được đặt ra trong các quyết định chính trị vào năm 2004, rất lâu trước khi Yanukovich nhậm chức tổng thống. Ukraina cũng giống như các nền kinh tế khác là nạn nhân của bong bóng giá dầu mỏ giai đoạn 2006-2008. Họ cũng chưa bao giờ nhận được hỗ trợ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của Tây Âu do sụp đổ kinh tế và thương mại toàn cầu và do đợt suy thoái kinh tế kép của châu Âu giai đoạn 2011-2013. Sau cùng, Ukraina đang chịu một đòn nặng nề từ khủng hoảng của các thị trường mới nổi do sự thay đổi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng kinh tế Ukraina không thể đặt hoàn toàn vào lỗi của Yanukovich. Tham nhũng và các chính sách vô dụng của chính quyền Yanukovich có thể là một trong vô số các nguyên nhân khác nhau của các vấn đề kinh tế Ukraina hiện nay, nhưng dù sao các nguyên nhân lịch sử kinh tế lớn hơn cũng tham dự vào đó. Việc nền kinh tế Ukraina bị đột ngột cắt đứt khỏi Nga và sự quản lý yếu kém của tư bản phương Tây trong những thập kỷ qua (cú sốc giá dầu, khủng hoảng tài chính 2008, sự bất lực của các nước phương Tây trong việc phục hồi nền kinh tế bền vững sau năm 2008, khủng hoảng của các thị trường mới nổi hiện nay) là những điểm quan trọng để thấu hiểu tình trạng kinh tế của người dân Ukraina bình thường.

Các phân tích đã đưa ra không phải là lời biện hộ cho chính quyền Yanukovich về mặt kinh tế. Thay vào đó là một nỗ lực nhìn vào phía sau động cơ ý thức hệ và chính trị của những người đang lập luận ở phía Tây rằng người ta biểu tình tại quảng trường Maidan là do tham nhũng của chính quyền; hay họ biểu tình là do Yanukovich vô dụng hoặc ăn cắp của công. Đó là phân tích chính trị được chống đỡ bằng hệ tư tưởng của một phân tích kinh tế tồi.

Rõ ràng là các vấn đề kinh tế của Ukraina nằm sâu và sâu xa hơn nhiều. Nếu vấn đề kinh tế hiện nay là hậu quả của khủng hoảng kinh tế dài hạn của phương Tây từ sau năm 2008 và những thay đổi chính sách tiếp đó, thì có lẽ cần cân nhắc hai lần đối với bất kỳ giải pháp dài hạn nào (ngắn hạn chỉ có một) cho cuộc khủng hoảng kinh tế của Ukraina bắt nguồn từ các nền kinh tế phương Tây.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở các nước phương Tây vẫn chưa chấm dứt. Kinh tế châu Âu vẫn trì trệ, kinh tế Đức tăng trưởng chậm nhưng thu nhập từ xuất khẩu sang các nước trong liên minh châu Âu và Trung Quốc đang tăng chậm lại. Nước Anh đang mời chào một cách tuyệt vọng các nhà đầu tư siêu giàu trên thế giới mua bất động sản tại London để tạo bong bóng, đồng thời tán tỉnh Trung Quốc mang vốn tới xây dựng các cơ sở hạ tầng đã đổ nát của mình. Cùng lúc ấy, Nhật Bản bắt tay vào thực hiện chính sách tiền tệ kiểu "Cục Dự Trữ Liên Bang" chỉ để kích thích giá cả của các tài sản tài chính mặc cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm. Chưa phải là hết, kể từ giữa năm 2013 phương Tây cố gắng giữ các động cơ tăng trưởng kinh tế tiếp tục hoạt động bằng cách hy sinh các nền kinh tế mới nổi. Châu Âu và Mỹ không có bất cứ khả năng nào để cứu trợ Ukraina một khoản từ 30-50 tỷ USD cho đến năm tới cho dù điều đó là cần thiết. 

Nếu phỏng đoán thì lý do Yanukovich chọn 15 tỷ USD từ Nga mặc dù thấp hơn con số hứa hẹn của châu Âu là con số mà châu Âu đưa ra quá thấp và đi kèm nhiều điều kiện thắt lưng buộc bụng của IMF. Hơn nữa, khả năng nhận cứu trợ năng lượng từ Nga cũng tốt hơn là trở thành đối tác bị tước đoạt với giá năng lượng cao của châu Âu. Đây không phải là sự biện hộ cho Yanukovich, mặc dù ông ta là cái gai về mặt kinh tế trong mắt Nga cũng như châu Âu, ông ta luôn tìm cách dùng bên này chống lại bên kia. Ông ta là một chính trị gia tuyệt vọng, quá phụ thuộc vào tiền bạc và sự hỗ trợ của đám tài phiệt ở Ukraina. Từ năm 2010, ông ta cố gắng chơi trò đu dây nhưng giờ đã bị ngã. 

Đối với Mỹ, cũng giống như Nga, trong ngắn hạn có thể tính toán giải ngân một khoản hỗ trợ thực nhỏ ngoài những hứa hẹn, như châu Âu và IMF đã hứa hẹn, để tác động tới cuộc bầu cử tại Ukraina vào tháng 5 tới đây.

Cả Mỹ và châu Âu đều muốn có các chính trị gia đáng tin cậy (và dễ bảo) trong Quốc hội và chính phủ Ukraina. Điều đó có nghĩa là các chính trị gia tuân theo chính sách kinh tế phương Tây và hội nhập Ukraina vào quỹ đạo kinh tế phương Tây. Hay nói cách khác, các chính khách phản ứng đúng đắn khi tài khoản cá nhân của họ ở Thụy Sĩ và Luxembourg bị đe dọa phong tỏa, như trong trường hợp những ngày ngay trước 20 tháng hai.

Canh bạc của phương Tây là họ hy vọng có thể loại bỏ được các lực lượng cực đoan, quốc gia quá khích, phát xít, sau khi đã sử dụng các lực lượng ấy để lật đổ chính quyền Yanukovich; hoặc ít nhất cũng có thể làm giảm ảnh hưởng của những thế lực đó đối với chính quyền mới. Nhưng công việc đó không hề đơn giản, họ sẽ thấy điều đó. Những gì mà phương Tây muốn là "các nhà tư bản thân hữu" của Yanukovich trong Quốc hội và chính phủ trưởng thành lên, chấm dứt dựa vào chủ nghĩa thân hữu và học cách trở thành nhà tư bản đáng kính trọng đối với phương Tây trong vai trò đối tác mới. 

Lưu ý sau cùng về hoàn cảnh chính trị: Chính sách đối ngoại của chính quyền Obama về cơ bản giống với chính sách đối ngoại của chính quyền George. W. Bush. Đó là chính sách của phe tân bảo thủ ở Mỹ, phe này đã cố thủ trong chính quyền Mỹ suốt thời kỳ tại chức của Obama. Không phải là ngẫu nhiên mà đầu mối liên lạc của Mỹ tại Ukraina trong suốt các sự kiện gần đây là Virginia Nuland. Nuland luôn là người thuộc phe tân bảo thủ và đã có nhiều năm trực tiếp làm cố vấn cá nhân cho "Vua của tân bảo thủ" ở Mỹ, cựu phó tổng thống Dick Cheney, trong suốt nhiệm kỳ của Bush. 

Chính sách của Mỹ không cung cấp lượng tiền mặt lớn mà Ukraina cần để hồi phục kinh tế. Các tập đoàn đa quốc gia cũng không gia tăng vốn đầu tư trực tiếp của họ vào Ukraina trong tương lai gần. Những gì mà các nhà kinh doanh đa quốc gia muốn không phải là các sản phẩm nông nghiệp hay cơ sở công nghiệp nhỏ ở miền Tây Ukraina; họ muốn các cơ sở công nghiệp ở phía Đông Ukraina. Họ muốn mua lại, điều chỉnh quy mô, và đưa các cơ sở công nghiệp ở phía đông Ukraina vào kế hoạch của công ty toàn cầu, đáp ứng cơn khát tái đầu tư. Nhưng chừng nào mà cuộc khủng hoảng chính trị còn tiếp diễn, sẽ có rất it các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Ukraina. 

Về dài hạn, nếu Mỹ và châu Âu bằng cách nào đó áp đặt chính trị cho cuộc bầu cử sắp tới của Ukraina thì nền kinh tế Ukraina sẽ hỗn loạn khủng khiếp hơn hiện nay. Đồng nội tệ của Ukraina sẽ gần như vô giá trị. Lạm phát sẽ tràn lan. Các hộ gia đình sẽ bị cắt trợ cấp của chính phủ. Tình trạng kinh tế tồi tệ, thắt lưng buộc bụng kiểu Hy Lạp, sẽ được thiết lập. Nhưng các ngân hàng phương Tây và doanh nghiệp đa quốc gia sẽ có vụ thu hoạch, theo cách nói của họ, mua lại các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp ở phía đông với giá rẻ, tái cấu trúc chúng lại cho phù hợp với kế hoạch kinh tế toàn cầu của họ.

Dường như nhiều người Ukraina vẫn chưa hiểu được nền tảng kinh tế và động cơ chính trị trong cuộc chơi ở Ukraina. Một mặt, họ không muốn chính  quyền "chủ nghĩa tư bản thân hữu" của Yanukovich, vốn chỉ phục vụ cho bản thân và đem lại rất ít ích lợi cho họ. Nhưng các nhà tư bản thân hữu vẫn trụ lại ở Kiev, trong Quốc hội và chính phủ, mặc dù Yanukovich đã chuồn mất; các nhà tư bản ấy chỉ đổi phe để bảo vệ lợi ích cá nhân (tất nhiên là cả các tài khoản tại các ngân hàng phương Tây cũng như các khoản đầu tư của họ khi chúng bị đe dọa phong tỏa). Do vậy, người Ukraina chỉ đánh đổi một nhóm kền kền kinh tế này lấy một nhóm kền kền kinh tế khác ở Kiev. Gã tài phiệt cây nhà lá vườn giờ đang tự làm mới mình trong mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây.

Mặt khác, nhiều người dân thường Ukraina đã hiểu thực tế. Theo như trích dẫn lời một người dân trả lời phỏng vấn trên đường phố Kiev, "Chúng tôi muốn những người mới có thể nói không với đám tài phiệt, không phải là những gương mặt cũ kỹ, tức là những tỷ phú kiểm soát các khối phiếu bầu trong Quốc hội" (New York Times, February 25, 2014). Thật không may, người Ukraina bình thường không kiểm soát được tình hình hiện nay. Các đảng phái phát xít đường phố đang áp đảo và dẫn dắt chiến lược bên ngoài, trong khi đám tư bản thân hữu bên trong nghị viện giống như cây vĩ cầm đang được chơi bởi lợi ích của phương Tây. Châu Âu và Mỹ có thể đang trong quá trình thống nhất chiến lược nội bộ về cuộc bầu cử sắp tới, nhưng họ có thể thấy việc kiểm soát các thành phần cực đoan, cực tả, và xóa bỏ vai trò thực tế của những thành phần đó trong chính phủ, khó khăn hơn nhiều so với họ nghĩ. Lịch sử tương tự với suy nghĩ của nhà tư bản Weimar Đức đầu những năm 1930, đám phát xít đường phố có thể kiểm soát, dường như có vẻ không phù hợp lắm với tình hình hiện nay. Cũng không phải là thừa khi lo ngại rằng các thành phần trên đường phố có thể đẩy tới tình thế đối đầu bằng quân sự.

Thật vậy, có lẽ điều lo ngại lớn nhất lúc này là các thành phần cực đoan đường phố có thể tạo đủ ảnh hưởng để đẩy chính phủ mới của Ukraina vào đối đầu quân sự trực tiếp với Nga trước cuộc bầu cử vào tháng năm-và trước khi ảnh hưởng của họ bị Mỹ và châu Âu vô hiệu hóa.
  

No comments:

Post a Comment